Ly hương

Nguyễn Đức Tùng dịch

Từ nguyên tác Leaving Maverley của Alice Munro

Ngày trước, mỗi thị trấn có một rạp chiếu bóng. Ở Maverley cũng có một rạp như thế, tên là Thủ đô, cái tên thường gặp thời ấy. Morgan Holly là chủ rạp, cũng là người điều khiển máy chiếu phim. Ông không ưa giao dịch với công chúng – chỉ ưa ngồi ở tầng trên trong góc nhỏ để điều khiển câu chuyện trên màn hình – vì vậy ông lấy làm bực mình khi cô bé đứng thu vé vào cửa cho ông biết cô sẽ nghỉ việc vì sắp có con. Thật ra ông có thể dự kiến điều này – vì cô lập gia đình đã nửa năm, và vào thuở đó bạn nên biến mất khỏi công chúng khi bụng bạn bắt đầu to ra – nhưng ông chủ vốn không thích thay đổi và chỉ riêng ý tưởng về việc nhân viên có thể có đời sống riêng tư làm ông rất ngạc nhiên.

May thay, cô nhân viên sắp nghỉ việc kiếm được cho ông một người thay thế. Một cô gái sống giữa phố có lần nói rằng cô muốn có công việc buổi tối. Cô không thể làm ban ngày vì còn phải giúp mẹ coi em. Thông minh đủ để chu tất công việc, mặc dù đó là một cô bé hay xấu hổ.

Morgan bảo chuyện đó tốt thôi – ông không muốn thuê một người thu vé đứng tán dóc huyên thuyên với khách hàng.

Vậy cô bé đến. Tên là Leah, câu hỏi đầu tiên và cuối cùng ông chủ hỏi cô là cái tên ấy có nghĩa gì. Cô nói rằng tên cô có nguồn gốc Kinh Thánh. Ông chủ nhận thấy cô không hề trang điểm và mái tóc dính chặt vào đầu, giữ ở đó bằng những cái kẹp. Ông hơi lo lắng, trong một lúc, liệu cô có đủ mười sáu tuổi chưa và có thể làm việc hợp pháp không, nhưng quan sát kỹ ông nhận thấy điều đó có thể là sự thật. Ông bảo cô sẽ làm việc mỗi ngày một suất phim, bắt đầu từ lúc tám giờ vào mỗi đêm trong tuần và hai suất, bắt đầu từ bảy giờ, các tối thứ Bảy. Sau khi đóng cửa, cô sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra tiền vé thu được và khóa cất vào tủ.

Một vấn đề rắc rối còn lại: cô nói rằng cô có thể đi bộ về nhà vào những đêm trong tuần nhưng sẽ không được phép làm thế vào tối thứ Bảy, và cha cô không thể tới đón cô, vì ông cũng có việc ban đêm ở nhà máy xay lúa mì.

Morgan bảo ông không biết chuyện gì khiến cô phải sợ hãi ở một nơi như thế này, suýt nữa đã cho cô nghỉ việc, rồi nhớ ra có một người cảnh sát làm việc về đêm thường tranh thủ vài phút ghé rạp coi ké một đoạn phim. Có thể anh ta giúp được trong việc đưa Leah về nhà.

Cô bảo sẽ hỏi ý cha mình.

Cha cô đồng ý, nhưng kèm một vài điều kiện khác. Leah không được phép nhìn vô màn hình hay lắng nghe các đối thoại trong phim. Tôn giáo của gia đình không cho phép thế. Morgan liền bảo ông không thuê những người đi thu vé để họ tự do coi phim. Còn đối với các đối thoại phim, ông nói dối rằng rạp chiếu bóng có hệ thống cách âm.

Ray Elliot, cảnh sát viên, đã nhận làm ca đêm để rảnh tay giúp vợ một số việc ban ngày. Anh có thể ngủ bù khoảng năm giờ vào buổi sáng và chợp mắt một lát cuối chiều. Thường thời gian chợp mắt chẳng được là bao vì một số công việc phải làm hoặc vì anh và vợ anh, Isabel, cần trò chuyện. Họ không có con và thích trò chuyện với nhau về mọi thứ. Anh kể cho vợ nghe những tin tức của thị trấn, làm cô phá lên cười, và cô kể cho anh nghe những cuốn sách vừa đọc.

Ray tham gia chiến tranh vừa lúc mười tám tuổi. Anh chọn không quân, một binh chủng từng hứa hẹn, như người ta nói, về giấc mộng phiêu lưu và về cái chết mau lẹ. Anh là xạ thủ ở tầng trên – một vị trí mà Isabel không bao giờ tưởng tượng được rõ ràng –  nhưng anh đã sống sót. Gần cuối chiến tranh anh được chuyển đến đơn vị mới, và chỉ trong vài tuần, phi hành đoàn cũ của anh, đồng đội mà anh đã bay nhiều lần với họ, bị bắn hạ và mất tích. Anh trở về quê với ý tưởng khá mơ hồ về việc cần làm, sao cho chúng thật có ý nghĩa với khoảng đời còn lại dành cho anh như một định mệnh, thật may mắn kỳ lạ, nhưng anh chưa biết đó là việc gì.

Trước hết anh phải học xong bậc trung học. Ở thị trấn nơi anh lớn lên có một trường đặc biệt dành cho cựu chiến binh, những người cố gắng hoàn tất trung học để thi vào đại học, nhờ công lao đóng góp của những người dân địa phương muốn tỏ lòng biết ơn các chiến sĩ. Giáo sư dạy Anh văn và văn học chính là Isabel. Cô ba mươi tuổi và đã có gia đình. Chồng cô cũng là một cựu chiến binh, nhưng có cấp bậc cao hơn hết thảy các học sinh trong lớp cô. Cô dự định đi dạy một năm ở trường này như một phương cách bày tỏ lòng yêu nước của mình, rồi sau đó xin nghỉ và xây dựng tổ ấm gia đình. Cô thảo luận công khai điều này với học sinh, bọn họ cũng nói với nhau, mà cô nghe được, rằng có một anh chàng nào đó có số quá là may.

Ray không thích nghe mấy chuyện ấy, vì lý do anh đã đem lòng yêu cô. Và cô cũng yêu anh, chuyện này xem ra còn đáng ngạc nhiên hơn nữa. Đó là một điều vô lý đối với nhiều người, trừ chính họ. Một cuộc ly dị – một vụ tai tiếng đối với gia đình cô, vốn thân mật và gần gũi, sự choáng váng đối với người chồng, kẻ lúc nào cũng muốn lấy cô làm vợ từ khi họ hãy còn thơ ấu. Ray ở vào hoàn cảnh dễ dàng hơn cô, bởi vì anh không có nhiều người trong gia đình để trò chuyện, và những người mà anh đã báo tin thì họ tự thấy mình không đủ xứng đáng với anh vì nay anh đã lập gia đình với kẻ cao sang, và anh cũng muốn tránh mặt họ trong tương lai. Nếu họ chờ ở anh một sự phủ nhận hay một lời bảo đảm nào đó, điều chờ đợi ấy không đến. Đối với Ray mọi chuyện đều có thể chấp nhận được, dù ít hay nhiều. Thời gian bắt đầu trở lại, tươi rói. Isabel bảo cô sẽ tiếp tục dạy học cho đến khi Ray xong đại học và ổn định trong bất cứ công việc nào mà anh dự định làm.

Nhưng kế hoạch thay đổi. Cô mắc bệnh. Thoạt đầu họ nghĩ đó là do suy sụp tinh thần. Sự xáo trộn đời sống. Cơn điên rồ kia.

Nhưng cơn đau đến. Đau bất cứ khi nào cô hít thở sâu. Đau dưới xương ức và bên vai trái. Cô lờ nó đi. Cô nói đùa về chuyện Thượng đế trừng phạt mình, về những hành vi phiêu lưu mạo hiểm và bảo Thượng đế chỉ mất thì giờ vì cô cũng chẳng tin tưởng mấy vào ngài.

Cô mắc một bệnh gọi là viêm màng ngoài tim. Đó là bệnh trầm trọng nhưng cô cứ để mặc thế cho đến khi suy kiệt. Mặc dù bệnh ấy không thể chữa lành nhưng vẫn có thể kiểm soát được, với ít nhiều khó khăn. Cô không đi dạy được nữa. Các bệnh nhiễm trùng đều nguy hiểm, và bệnh nhiễm trùng nào mà không lan tỏa nhanh trong lớp học? Ray trở thành người nuôi cô, và anh nhận công việc làm cảnh sát ở trong thị trấn nhỏ này, tên là Maverley, ngay gần biên giới. Anh không ngại làm việc, và cô, sau một thời gian, cũng không ngại về cuộc đời trở thành nửa quy ẩn của mình.

Có một điều họ không đề cập bao giờ. Mỗi người đều tự hỏi liệu người kia có lo buồn không nếu họ không có con. Dường như đối với Ray sự thất vọng có can dự đến việc Isabel tỏ ra muốn biết tất cả về cô gái mà anh có nhiệm vụ đưa về nhà tối thứ Bảy.

“Chuyện đó thật đáng trách”, cô nói khi nghe về sự cấm đoán coi phim, và cô cảm thấy còn khó chịu hơn nữa khi anh bảo rằng cô gái kia bị buộc phải thôi học để ở nhà giúp cha mẹ.

“Và anh bảo rằng con bé thông minh”.

Ray thì không nhớ mình đã nói thế với vợ, anh có bảo là cô bé trông hay ngượng ngùng kỳ quặc, vì vậy khi hai người đi bộ về nhà, anh phải nặn óc ra để tìm cách trò chuyện. Một vài câu anh nghĩ ra được tỏ vẻ không tác dụng. Chẳng hạn như cô bé thích học môn nào nhất ở trường? Chuyện ấy phải được dùng ở thì quá khứ, và vì vậy cũng chẳng quan trọng chi việc cô bé có thích hay không. Hoặc, cô muốn làm gì khi lớn lên sau này? Thì cô đã lớn lên rồi, với tất cả những dự định và mục đích, và công việc của cô cũng đã được thu xếp xong, dù cô thích hay không. Cũng thế với câu hỏi cô có thích thị trấn này không, và liệu sau này đến một nơi nào khác cô có nhớ đến nó không – chẳng có ý nghĩa gì. Và hai người đã nói hết chuyện mà không đi vào chi tiết về tên gọi và tuổi tác của những đứa em trong gia đình cô. Khi anh hỏi thêm về mấy con chó và mấy con mèo, cô báo cáo với anh rằng cô chẳng nuôi một con thú nào cả.

Cuối cùng cô có một câu hỏi dành cho anh. Cô hỏi khán giả cười cái gì khi họ coi phim trong rạp tối hôm ấy.

Anh không nghĩ rằng anh cần phải nhắc cô về việc cô không nên lắng nghe truyện phim. Nhưng anh không thể nào nhớ được họ đã cười về chuyện gì. Vì vậy anh bảo là có những chuyện ngốc nghếch – thật ra cũng khó mà biết được khán giả cười chuyện gì. Anh nói anh không quan tâm nhiều lắm đến các cuốn phim, chỉ coi để coi vậy thôi, đoạn này đoạn khác. Anh hiếm khi theo dõi các cốt truyện.

“Cốt truyện”, cô nói.

Anh phải giải thích cho cô cốt truyện (1) nghĩa là gì – là cách những câu chuyện được kể lại. Từ hôm đó việc trò chuyện không còn khó khăn nữa. Anh cũng không cần phải nhắc nhở cô tốt nhất là không nên kể lại những chuyện gì khi về nhà. Cô hiểu. Anh không cần phải kể những chuyện cụ thể lắm – mà anh cũng không làm được – nhưng chỉ để giải thích về chuyện về những nhân vật xấu xa và những người ngây thơ vô tội, những kẻ xấu mới đầu rất khôn ngoan để thực hiện hành vi phạm tội và lừa cho người ta đi hát trong các câu lạc bộ về đêm (giống như các vũ trường) hoặc đôi khi, chỉ Chúa mới biết tại sao, hát trên những đỉnh núi hoặc trong những khung cảnh ngoài trời xa lạ và những hành động tiếp theo. Đôi khi phim có màu. Với những trang phục lộng lẫy nếu chuyện kể về quá khứ. Những diễn viên ăn mặc đẹp đóng trò giết người trên sân khấu. Nước mắt hóa học chảy dài trên gò má các thiếu nữ. Những con thú trong rừng rậm được mang lên sâu khấu từ sở thú, và bị chọc đến tức giận điên cuồng. Những người ngồi dậy sau khi bị giết chết bằng nhiều cách khác nhau, lúc ống kính không chĩa về phía họ. Sống và khỏe mạnh, mặc dù người ta vừa nhìn thấy họ bị bắn hạ hoặc đặt đầu lên tấm ván của đao phủ thủ, đầu họ lăn lông lốc.

“Anh nên nhẹ nhàng thôi”, vợ anh nói. “Anh có thể làm cho con bé ấy bị ác mộng”.

Ray bảo nếu thế thì anh sẽ ngạc nhiên. Và rõ ràng con bé có cách để hình dung ra vấn đề, hơn là chỉ bị cảnh giác và bị làm cho hoảng loạn. Ví dụ, cô chẳng bao giờ hỏi cái tấm ván của người đao phủ thủ trông ra sao hoặc tỏ ra ngạc nhiên về chuyện có những cái đầu lăn trên đó. Cô bé có một cái gì đó, anh bảo vợ, một điều gì đó làm cho cô muốn hấp thu hết những điều anh bảo, thay vì sợ hãi hoặc mê đắm hoang đường về những chuyện ấy. Một cách nào đó anh nghĩ cô bé đã hoàn toàn tự mình cách ly khỏi gia đình. Không phải tỏ ra khinh miệt hay không tử tế. Cô chỉ trầm tư suy nghĩ một cách sâu xa.

Rồi anh lại nói về việc anh cảm thấy có lỗi nhưng không biết tại sao.

“Cô bé không có một xu hướng hướng thượng, cách này hay cách khác”.

“Thế thì chúng ta sẽ bắt cóc nó đem đi”, Isabel bảo.

Anh cảnh cáo cô. Hãy nghiêm túc chứ em.

“Đừng bao giờ nghĩ đến chuyện ấy”.

Không lâu sau lễ Giáng sinh (dù trời chưa lạnh lắm), ông chủ rạp Morgan tới trạm cảnh sát vào lúc nửa đêm, giữa tuần, để báo hung tin Leah mất tích.

Hôm đó cô bán xong vé như thường lệ, đóng các cửa sổ, đặt tiền vào nơi cần đặt, và rời chỗ làm việc về nhà, như ông biết. Chính ông cũng đã chuẩn bị xong các việc của mình khi buổi chiếu kết thúc, nhưng khi bước ra ngoài, một người đàn bà mà ông không hề biết bỗng xuất hiện hỏi chuyện gì đã xảy ra với Leah. Đó là người mẹ – mẹ của cô bé Leah. Người cha vẫn còn mải ở nơi làm việc chỗ máy xay và Morgan nghĩ rằng cô bé có thể tới đó và gặp cha mình. Người mẹ dường như không biết ông nói điều gì, vì vậy ông đưa bà đến chỗ máy xay xem thử cô bé có ở đó không nhưng người mẹ khóc và xin ông đừng làm chuyện gì tương tự như thế. Thế rồi Morgan lái xe đưa bà về nhà, nghĩ cô bé bây giờ cũng đã trở về, nhưng thật không may, nên ông nghĩ tốt nhất mình đi tìm viên cảnh sát và thông báo.

Morgan ngần ngại phải mang tin dữ tới người cha.

Ray bảo họ có thể cùng đi tới nhà máy xay – một cơ hội mong manh sẽ gặp cô ta ở đó. Nhưng tất nhiên khi họ tìm được người cha, ông ta chẳng hề thấy cô đâu và ông ta lại tức điên lên về chuyện vợ mình dám bỏ nhà đi khơi khơi mà không có phép của ông.

Ray hỏi xem tin tức ở bạn bè của Leah nhưng không lấy làm ngạc nhiên khi biết rằng cô bé chẳng hề có bạn. Anh để Morgan về nhà và tự mình tới nhà của cô nơi người mẹ trong tình trạng gần như mất trí, như Morgan đã kể lại. Những đứa trẻ vẫn còn thức, hay một số đứa, chúng sững sờ câm lặng. Chúng run lên hoặc vì sợ hãi hoặc vì hiểu lầm trước một người lạ xuất hiện trong nhà hoặc là vì khí trời lạnh mà Ray nhận ra đang từ từ dâng lên ngay cả bên trong nhà. Có thể người cha đã đặt ra những quy luật về chuyện sưởi ấm trong gia đình.

Leah ra đi mặc một cái áo choàng mùa đông – đó là tất cả những gì anh biết khi trò chuyện với họ. Anh biết cái áo choàng nâu cũ trùm xuống như cái túi vải và nghĩ là nó cũng làm cho cô bé ấm được một lúc. Từ lúc Morgan xuất hiện cho đến giờ này, tuyết đã bắt đầu rơi thêm, mỗi lúc một dày.

Khi giờ làm việc hết, Ray về nhà và kể cho vợ nghe chuyện xảy ra. Rồi anh bước ra ngoài nhưng cô không tìm cách ngăn cản anh.

***

Một giờ sau Ray trở về, không có kết quả gì, rồi tin tức về việc các xa lộ sắp bị đóng do một cơn bão tuyết lớn.

Sáng hôm sau, quả nhiên cảnh tượng bão tuyết; cả thành phố lần đầu trong năm bị đông cứng lại, con đường chính là nơi duy nhất các xe ủi tuyết tìm cách để mở đường. Tất cả cửa tiệm đều đóng cửa, và ở khu vực nhà của Leah điện bị mất và không ai có thể làm gì để sửa chữa nó. Gió thổi quật ngã những thân cây xuống, như thể chúng đang tìm cách quét dọn sạch sẽ mặt đất.

Viên cảnh sát làm ban ngày nghĩ ra một việc mà Ray không nghĩ tới. Anh ta thường đi lễ nhà thờ và biết – hoặc vợ anh ta biết – rằng Leah đến ủi áo quần hàng tuần cho vợ ông mục sư. Anh và Ray tới nhà thờ để hỏi xem có tin tức về cô bé, nhưng không có tin tức gì, và sau giây phút bùng lên ngắn ngủi của hy vọng, mọi chuyện dường như đen tối hơn.

Ray hơi ngạc nhiên vì cô bé làm một công việc khác mà cô không hề nhắc tới. Mặc dù vậy, so sánh với việc ở rạp chiếu bóng, công việc ấy cũng không có vẻ gì là một sự thám hiểm bí mật.

Anh gắng ngủ một lúc vào buổi chiều và quả thật đã ngủ một hoặc hai giờ. Isabel cố gắng trò chuyện khi họ ăn tối nhưng chuyện trò không đi đến đâu. Ray vẫn nhắc đi nhắc lại về cuộc thăm viếng vị mục sư, rằng người vợ thật lo âu, tìm mọi cách giúp đỡ, trong khi ông ta – ông mục sư – thì cư xử không thích đáng như Ray hằng nghĩ. Ông ta mở cửa một cách khó chịu như thể bị làm phiền trong khi đang viết một bài giảng hay làm một việc gì tương tự. Ông gọi người vợ và khi đến bà đã phải nhắc ông về cô gái. Cố nhớ ra một cô gái đã từng tới nhà hàng tuần để ủi đồ? Leah? Rồi vị mục sư nói rằng ông hy vọng sẽ có tin tức sớm trong khi tìm cách để gài lại cánh cửa bị gió đập ra đập vào.

“Vậy chứ ông ta phải làm sao bây giờ?”, Isabel nói “Cầu nguyện sao?”.

Ray nghĩ chuyện đó cũng không phải là dở.

“Điều đó chỉ khiến mọi người bối rối và chứng tỏ sự vô vọng”, người vợ nói. Rồi cô nói thêm rằng ông mục sư kia có lẽ là người hiểu ý nghĩa các vấn đề. Một vài cố gắng để tìm kiếm cô bé được thực hiện. Bất chấp thời tiết xấu. Những căn phòng để đồ ở vườn sau, một chuồng ngựa cũ không dùng nhiều năm bị mở toang ra tìm kiếm phòng khi cô bé ẩn mình. Không có gì mới. Đài phát thanh địa phương thông báo và truyền đi bản mô tả về cô bé mất tích.

Nếu Leah đón xe dọc đường, Ray nghĩ cô có thể lên xe trước khi bão tuyết tới, chuyện ấy có thể tốt mà cũng có thể xấu.

Bản tin phát thanh tả cô người hơi thấp – Ray thì nghĩ ngược lại – và cô có mái tóc thẳng màu nâu. Anh cho là tóc cô bé màu nâu đậm, gần như đen.

Cha cô bé không tham dự vào cuộc tìm kiếm; mấy đứa em trai cũng thế. Tất nhiên những đứa con trai thì nhỏ tuổi hơn cô và chẳng bao giờ ra khỏi nhà nếu không được cha đồng ý. Khi Ray đi vòng quanh nhà rồi đi xuyên qua cửa, một cánh cửa chỉ mở hé, người cha cũng không phí thì giờ kể cho anh nghe rằng đứa con gái thật ra đã bỏ nhà ra đi. Sự trừng phạt của đứa con gái vượt quá mức tưởng tượng của người cha và giờ đây chỉ có Chúa mới biết nó đi đâu. Không ai mời Ray vào nhà để sưởi ấm một lát. Mà có lẽ trong nhà cũng chẳng có lò sưởi.

Cơn bão dịu đi, vào khoảng buổi trưa ngày hôm sau những chiếc xe ủi tuyết bắt đầu dọn dẹp đường phố. Những loại xe ủi tuyết của quận hạt làm việc trên các xa lộ lớn. Những người lái xe được khuyên là nên coi chừng vì họ có thể gặp một xác chết lạnh giá phơi mình giữa các đống tuyết.

Ngày hôm sau nữa, chiếc xe tải chở thư tới nơi mang theo một bức thư. Bức thư không gởi cho bất cứ ai trong gia đình Leah nhưng cho vị mục sư và người vợ. Bức thư của Leah, tường trình rằng cô vừa lập gia đình. Chàng rể chính là con trai của vị mục sư, một người thổi kèn saxophone trong ban nhạc jazz. Anh ta cũng viết thêm vài chữ “Ngạc nhiên Ngạc nhiên” vào cuối bức thư. Hoặc là người ta bảo nhau như thế, mặc dù Isabel thắc mắc là làm sao mọi người đều biết chuyện ấy, trừ khi người ta có thói quen bóc thư ra coi ở bưu điện.

Chàng thổi kèn sax không sống ở thị trấn này khi anh nhỏ tuổi. Lúc ấy cha anh làm việc tại một giáo phận khác. Và anh cũng ít khi về thăm. Không ai kể được nhân dáng anh ra sao. Anh không hề tới dự lễ ở nhà thờ. Đã từng mang về nhà một người phụ nữ cách đây vài năm. Trang điểm và sành điệu. Người ta bảo đó là vợ, nhưng rõ ràng không phải thế.

Cô bé đã tới nhà ông mục sư bao nhiêu lần rồi, ủi là quần áo, khi chàng lãng tử thổi kèn kia cũng ở đó? Một số người tò mò tìm hiểu thêm, có vẻ chỉ một lần thôi. Đó là điều Ray nghe kể ở trạm cảnh sát, nơi những lời đồn đại nở như pháo rang giữa những mụ đàn bà.

Isabel nghĩ đó là chuyện thú vị. Và không phải lỗi ở kẻ trốn nhà đi. Họ cũng không hề là nguyên nhân khiến cơn bão tuyết ập xuống.

Thế rồi chính cô cũng biết vài điều về chàng nhạc sĩ thổi kèn. Cô đã gặp anh tình cờ ở bưu điện một lần, khi anh về thăm nhà và cô đang có một ngày tốt đẹp, cảm thấy khỏe mạnh, muốn ra khỏi nhà. Cô đặt hàng một thứ gì đó như băng nhạc nhưng nó không đến. Anh hỏi cô thứ gì và cô bảo anh. Một điều gì đó mà cô không nhớ được rõ ràng. Anh kể cho cô nghe về sở thích chơi nhạc của anh. Một điều làm cho cô biết chắc rằng chàng thanh niên không phải người địa phương này. Cái cách mà anh nghiêng người vào cô và cái cách mà anh thở ra toàn mùi kẹo cao su thơm ngát hương trái cây. Anh không hề nhắc đến nhà mục sư, nhưng có một người nào đó kể cho cô nghe về mối quan hệ, sau khi anh chào tạm biệt và chúc cô may mắn.

Hơi có một chút tán tỉnh, hay là điều gì như cách chào đón của anh ta. Một điều gì hơi kỳ quặc về chuyện để cho chàng trai lạ tới nhà và đồng ý để anh nghe bản nhạc nếu nó được gởi tới. Cô hy vọng rằng đó chỉ là trò đùa.

Cô trêu Ray, nói rằng liệu có phải vì việc mô tả của anh đối với thế giới rộng lớn qua các cuốn phim đã khiến cho cô bé kia có ý tưởng bỏ nhà ra đi hay không.

Ray không trả lời và cũng không hề tin rằng mình lại rơi vào tâm trạng rối bời, buồn bã đến thế vào thời gian cô bé ấy mất tích. Tất nhiên anh cảm thấy an ủi nhiều khi biết chuyện gì xảy ra cho Leah.

Mặc dù thế, cô bé đã biến mất. Cũng không phải là một chuyện quá sức hiếm hoi hay vô vọng, chỉ là cô ta không còn ở đây nữa. Chán chường, anh thấy mình bị xúc phạm. Như thể cô bé đã trưng ra một hình ảnh mơ hồ về khuôn mặt khác của mình, của đời sống riêng của cô.

Cha mẹ và tất cả những đứa trẻ trong gia đình cô cũng biến mất, và chẳng ai biết họ đi về đâu.

Nhưng vị mục sư kia và bà vợ không đi đâu cả, khi ông về hưu.

Họ vẫn được giữ lại căn nhà, một nơi gọi là nhà mục sư, mặc dù thật ra không còn đúng nữa. Người vợ trẻ của ông mục sư mới đến có lần than phiền về nhà cửa, và ban quản trị nhà thờ thay vì sửa chữa nó, đã quyết định xây một căn nhà mới để cô ta khỏi than phiền. Ngôi nhà cũ sau đó được bán với giá thật rẻ cho vị mục sư về hưu. Nhà có phòng dành riêng cho người con trai chơi nhạc và vợ anh ta khi họ trở về thăm gia đình với những đứa con tay bế tay bồng.

Có hai đứa, tên chúng xuất hiện trên cột báo khi mới sinh. Một đứa con trai và sau đó một đứa con gái. Thỉnh thoảng chúng về thăm, thường khi với Leah, một mình, vì người cha còn mải bận rộn vì các cuộc khiêu vũ hay những thứ khác. Ray hoặc Isabel cũng chưa bao giờ gặp họ cả.

Isabel khỏe lên; cô gần như trở lại bình thường. Cô nấu ăn thật ngon miệng khiến họ tăng cân mau chóng, đến một lúc cô phải dừng lại, hoặc ít nhất cũng giảm bớt những bữa bày biện thịnh soạn. Cô gặp gỡ những người phụ nữ khác trong thị trấn để đọc sách và thảo luận những cuốn sách hay. Một vài người không thực sự hiểu lắm sở thích này và bỏ cuộc, nhưng mặt khác, đó là một thành công vang dội. Isabel cười phá lên về những cảnh tượng ở Thiên đường khi họ đọc Dante (2).

Rồi có những lần cô bị ngất, hay gần như ngất xỉu, nhưng vẫn không chịu đi khám bệnh cho đến khi Ray nổi giận với vợ và cô đổ lỗi rằng vì tính khí khó chịu của chồng mà cô bị bệnh. Cô xin lỗi anh và họ lại làm lành, nhưng tim cô mỗi ngày một suy sụp và họ phải thuê một phụ nữ, một y tá thực hành, để ở lại nhà với cô khi Ray đi làm việc. May mắn, họ có thêm ít tiền – từ việc thừa kế gia sản của cô và tiền lương tăng lên của anh – làm cho mọi chuyện không đến nỗi, mặc dù vậy anh vẫn tiếp tục làm ca đêm. Một buổi sáng mùa hè trên đường về nhà, anh dừng lại ở bưu điện xem có thư hay không. Đôi khi vào lúc ấy họ đã phân loại thư, nhưng có khi không. Buổi sáng ấy họ chưa làm xong.

Và bây giờ trên hè phố đi ngược chiều với anh trong ánh sáng chói lọi của buổi sáng tinh sương, là Leah. Cô đẩy chiếc xe trẻ con với một đứa bé gái khoảng hai tuổi ngồi bên trong, đá chân vào tấm dựa kim loại. Một đứa khác tỏ ra chín chắn hơn, tay cầm váy mẹ hay cầm một thứ gì đó như ống quần tây phấp phới. Phía trên, cô mặc một cái áo màu trắng hơi rộng, một thứ như áo vét. Mái tóc cô sáng chói hơn ngày xưa, và nụ cười của cô nữa, một nụ cười anh chưa thấy bao giờ, rực rỡ tươi tắn phủ trùm gương mặt với niềm vui. Cô ấy có thể trở thành một trong những người bạn mới của Isabel, những người trẻ tuổi hơn hoặc vừa mới tới thị trấn, mặc dù có một số cũng lớn tuổi hơn đã từng là những cư dân đầy thận trọng, những người bị loại ra dần khỏi thời kỳ sôi động rực rỡ này của lịch sử, nơi những quan điểm xưa cũ biến mất, ngôn ngữ của họ thay đổi, trở nên thô ráp và giòn tan.

Anh cảm thấy thất vọng vì không tìm thấy một tờ tạp chí mới nào ở bưu điện. Chuyện ấy cũng không còn quan trọng với Isabel nữa. Cô thường sống với các tạp chí của mình, nghiêm túc kích thích sự suy nghĩ nhưng cũng có nhiều bức tranh hài hước quỷ quái khiến cô cười phá lên. Ngay cả những bức tranh quảng cáo về lông thú và đồ nữ trang vàng bạc vốn làm cô vui cười, và anh hy vọng chúng làm cô trẻ lại. Lúc này ít ra anh cũng có một thứ khác để kể với vợ mình. Leah.

Leah chào anh với giọng mới mẻ và giả vờ lấy làm vui mừng rằng anh cũng nhận ra cô, vì cô đã lớn rồi – như cô nói – trở nên một phụ nữ già dặn. Cô giới thiệu đứa bé gái, con bé không ngẩng nhìn lên và vẫn giữ điệu nhịp bước, và đứa con trai, nhìn ra xa và lẩm bẩm. Cô nói đùa với đứa con trai không thể nào buông tà áo mẹ ra. “Chúng ta băng qua đường đây, các con”.

Tên đứa con trai là David và con gái là Shelley. Ray không nhớ được những cái tên trên báo đã đọc. Anh biết những cái tên này đang được mọi người ưa chuộng.

Cô bảo họ đang ở nhà với gia đình bên chồng.

Không phải là thăm viếng mà là ở chung. Ray không nghĩ nhiều về chuyện ấy mãi đến sau này, nhưng cũng có thể chẳng có ý nghĩa gì.

“Chúng tôi đang trên đường tới bưu điện”.

Anh nói với cô rằng anh cũng từ đó mà ra, nhưng họ chưa làm xong việc xếp loại thư.

“Ồ, tệ quá. Thế mà các cháu hy vọng rằng sẽ có một bức thư gởi từ cha chúng, phải không David?”.

Thằng bé lại cầm lấy cái váy của cô.

“Chờ cho đến khi họ xếp loại xong”, cô bảo. “Có lẽ lúc đó sẽ có một cái thư như thế.” Có cảm giác như Leah không muốn rời khỏi Ray, mà Ray cũng không muốn thế, nhưng cũng khó mà nghĩ ra được chuyện gì để đứng lại bên nhau một lúc nữa.

“Tôi sắp đi đến tiệm thuốc tây”. Anh bảo.

“Ồ thế à”.

“Tôi phải đi mua thuốc cho vợ tôi”.

“Ồ, tôi hy vọng là cô không còn đau bệnh nữa”.

Rồi anh cảm thấy như có chút gì như phụ bạc và anh bảo, ngắn gọn. “Không, không tiến bộ nhiều”.

Leah nhìn qua vai của Ray và chào một người nào đó cũng với giọng điệu vui vẻ như cô đã chào anh trước đó một lúc.

Đó là vị mục sư của nhà thờ, người chăn chiên mới, hoặc khá mới, người có vợ là kẻ đã đòi có một ngôi nhà được sửa sang tử tế.

Leah hỏi liệu hai người đàn ông có quen biết nhau không và họ nói có, họ biết nhau. Cả hai đều nói bằng một giọng chứng tỏ là họ không biết nhau rõ lắm, nhưng cũng tương đối hài lòng họ có biết nhau. Ray để ý người đàn ông không mang cổ cồn trắng.

“Không đến nỗi vì thế mà phạm pháp”, vị mục sư nói, có lẽ tin rằng nên đùa vui vẻ một chút . Ông bắt tay Ray.

“Thật may mắn”, Leah nói. “Tôi muốn hỏi mục sư một vài câu và bây giờ ông đã ở đây”.

“Tôi đang ở đây”. Mục sư nói.

“Tôi muốn nói về lớp học ngày Chủ nhật”, Leah nói. “Tôi tự hỏi. Tôi có hai đứa nhỏ và tự hỏi khi nào và phải làm thủ tục gì và tất cả mọi thứ”.

“Ồ vâng ạ”. Ông mục sư nói.

Ray có thể thú nhận rằng anh không thích người khác nói về công việc nhà thờ ở nơi công cộng. Không muốn ai đề cập đến chuyện ấy, như thể chúng đang được mọi người đem ra bàn tán ngoài đường nhưng vị mục sư biết cách che đậy sự khó chịu của mình và cũng có thể có vài sự đền đáp về phía ông ta khi nói chuyện với một cô gái như Leah.

“Chúng ta nên thảo luận về chuyện ấy”, ông bảo. “Hãy làm một cái hẹn với tôi bất cứ lúc nào”.

Ray bảo anh phải đi rồi.

“Rất vui được gặp lại bạn”, anh nói với Leah và gật đầu chào người đàn ông mặc áo tu sĩ.

Anh bước đi, có thêm hai thông tin mới. Cô ta sẽ ở đây khá lâu, nếu cô thu xếp lớp học vào ngày Chủ nhật. Và cô chưa loại bỏ khỏi thế giới của mình các tín ngưỡng mà cô từng lớn lên với chúng.

Anh trông đợi sẽ gặp lại Leah một lần nữa, nhưng điều đó không xảy ra. Khi về nhà anh bảo Isabel về chuyện cô gái đã thay đổi thế nào và cô bảo anh, tất cả những thứ ấy đều có vẻ thông tục tầm thường, không có gì đặc biệt.

Isabel tỏ ra hơi bực mình, có lẽ vì cô phải chờ anh khá lâu để mang cà phê cho mình. Người giúp việc chỉ đến sau chín giờ và cô bị cấm, sau một tai nạn bị bỏng, tự mình làm các việc trong nhà.

***

Tình hình ngày càng xấu đi, có một vài việc đáng sợ xảy ra cho đến trước mùa Giáng sinh năm ấy, rồi Ray phải xin phép nghỉ một thời gian. Họ rời thị trấn để tới thành phố lớn, nơi có thể tìm thấy một số bác sỹ chuyên khoa. Isabel được nhập viện ngay tức khắc và Ray kiếm được một căn phòng tạm trú dành cho người thân của bệnh nhân từ ngoại tỉnh. Bỗng nhiên anh không còn trách nhiệm gì nữa ngoài việc đến thăm Isabel nhiều giờ mỗi ngày và ghi xuống những phản ứng của cô đối với các phương pháp điều trị. Thoạt tiên anh cố làm cho cô quên bệnh tật đi bằng cách nói về quá khứ của họ, những nhận xét của anh về bệnh viện và những bệnh nhân khác. Anh đi bộ mỗi ngày bất chấp thời tiết và kể cho vợ nghe về những chuyện ấy. Anh mang những tờ báo tới và đọc cho cô nghe các bản tin. Cuối cùng cô bảo, “Những thứ ấy thì tốt cho anh, anh yêu à, nhưng em đã qua khỏi chuyện ấy rồi”. “Qua khỏi cái gì?”. Anh hỏi lại, nhưng cô nói, “Ồ, xin đừng”, và sau chuyện ấy anh chỉ đọc thầm những cuốn sách mượn từ thư viện.

Cô bảo “Anh đừng lo nếu em nhắm mắt lại. Em biết anh đang ngồi ở đó”. Isabel đã được chuyển từ phòng săn sóc cấp cứu vào một phòng có bốn người đàn bà bệnh tình tương tự như cô, mặc dù có một người thỉnh thoảng ngồi dậy la lớn về phía Ray, “Hãy hôn chúng tôi đi”.

Thế rồi một ngày kia anh bước vào và thấy một người đàn bà khác nữa nằm trên giường của Isabel. Trong một lúc anh thoáng nghĩ hay là vợ mình đã chết mà chẳng ai báo tin cho anh. Nhưng người bệnh nhân liến thoắng ngồi ở góc giường kêu lên, “Trên lầu”, với vẻ vui sướng hay tự hào.

Và đó là điều đã xảy ra. Isabel không thức dậy vào buổi sáng và vì vậy được chuyển tới một khu vực khác nơi có vẻ chứa những người bệnh không có cơ hội hồi phục, ít cơ hội hơn những người nằm ở chỗ cũ – nhưng sẽ không qua đời dễ dàng.

“Anh nên về nhà đi”. Người ta bảo Ray. Họ nói họ sẽ thông báo cho anh biết nếu tình hình thay đổi.

Như thế cũng đúng. Trước hết vì anh đã ở quá lâu trong khu vực dành cho thân nhân người bệnh, anh cũng đã nghỉ quá lâu từ sở cảnh sát ở Maverly. Tất cả mọi dấu hiệu đều chứng tỏ anh nên trở về đó.

Thay vì vậy, anh quyết định ở lại thành phố. Anh xin được việc làm ở trong bệnh viện như một người thợ sửa nhà, dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Anh tìm được một căn hộ có bàn ghế, một ít đồ đạc trong ấy, không quá xa nơi ở của vợ.

Anh về nhà cũ, nhưng chỉ một thời gian ngắn. Ngay khi tới, anh đã thu xếp việc bán nhà và bán tất cả đồ đạc trong ấy. Anh giao hết cho người bán nhà mọi việc và chấm dứt liên lạc, anh cũng không giải thích gì nhiều cho ai cả. Anh chẳng quan tâm đến chuyện xảy ra ở nơi chốn ấy. Những năm tháng đã từng trải qua ở thị trấn, những điều anh biết về nó, dường như trôi tuột qua tay không để lại gì.

Anh có nghe nói đến chuyện đồn đại về người mục sư của nhà thờ, tìm cách li dị vợ, vì một quan hệ thông dâm. Ngoại tình với một người trong họ đạo đã là điều xấu xa, nhưng dường như vị mục sư kia thay vì giữ cho nó càng im lặng càng tốt và trốn đi đến những nơi tu thân sửa mình hay phục vụ trong những xứ đạo xa xôi, thì lại chọn đối mặt với dàn nhạc từ trên bục nhà thờ. Ông ta có nhiều điều hơn chỉ là thú tội. Mọi thứ đều là đóng kịch, ông ta bảo. Những lời giảng của ông về kinh Phúc âm và những điều răn mà ông không hề tin tưởng, và tất cả những lời giảng đạo về tình yêu và tình dục, những lời khuyên mực thước, rụt rè và lảng tránh: thảy đều sự giả tạo. Ông ta bây giờ trở thành một người hoàn toàn tự do, tự do để nói với mọi người rằng thật sung sướng được ca tụng thân xác lẫn tinh thần. Người đàn bà đã làm nên điều thay đổi lớn lao này cho ông ta, dường như thế, chính là Leah. Chồng cô ta, chàng nhạc sỹ, Ray được bảo vậy, đã từng tìm cách quay lại với cô nhưng Leah không muốn thế nữa. Anh ta đổ trách nhiệm lên mục sư, nhưng anh ta lại là một chàng say sưa rượu chè – người chồng của Leah – khiến cho chẳng ai biết được có nên tin ở lời nói của anh ta hay không. Mẹ của anh thì chắc chắn là tin ở anh, bởi vì bà đã đuổi cổ Leah ra khỏi nhà và giữ những đứa trẻ con lại. Đối với Ray đó chẳng qua là những tính cách đáng ghê tởm. Sự thông dâm, thói say sưa nghiện ngập và những vụ tai tiếng – ai biết được ai đúng ai sai? Ai mà quan tâm? Cô bé ấy đã lớn, biết làm dáng và biết trả giá cũng như tất cả những kẻ khác. Sự lãng phí của thời gian, sự lãng phí của đời sống bởi những người mò mẫm lăng quăng đi tìm sự vui thú và không để ý đến một điều gì quan trọng cả trên đời.

Tất nhiên, khi anh có dịp trò chuyện với Isabel, mọi chuyện khác hẳn. Không phải vì Isabel đi tìm những câu trả lời – thật ra cô đã làm anh có cảm giác rằng ở đời có nhiều chuyện mà anh chưa nghĩ tới. Thế rồi cô kết thúc bằng cách cười phá lên.

Ở chỗ làm mọi chuyện đều yên ổn. Người ta hỏi anh có muốn tham gia vào đội bóng Ki và anh cám ơn họ nhưng bảo anh không có thì giờ. Thật ra anh có rất nhiều thì giờ, nhưng muốn dành tất cả cho Isabel. Để ý đến mọi điều thay đổi, mọi sự giải thích, không để điều gì lướt đi mà không được nhìn thấy.

Tên cô ấy là Isabel, anh thường nhắc các y tá như vậy nếu họ nói, “Bây giờ đây, thưa bà”, hoặc nói, “Được rồi tiểu thư ơi, chúng ta làm thế này”.

Rồi từ từ anh cũng làm quen với cách nói của họ. Rồi cũng có những thay đổi. Nếu không phải ở Isabel thì là ở chính anh.

Mới đầu anh gặp cô mỗi ngày một lần. Thế rồi hai ngày một lần. Rồi hai lần mỗi tuần.

***

Bốn năm. Anh nghĩ cũng là một kỷ lục. Anh hỏi những người săn sóc cô có phải thế không và họ đều nói, “Phải rồi, cũng gần đến đó thôi”. Họ có thói quen trả lời mơ hồ về bất cứ chuyện gì.

Anh đã không còn có ý tưởng ám ảnh về chuyện cô có suy nghĩ hay không. Anh cũng không còn ngồi chờ cô mở mắt ra. Chỉ là vì anh không thể nào bỏ đi và để cô lại một mình ở một nơi héo tàn cô quạnh.

Cô đã thay đổi từ một người đàn bà rất gầy, không phải thành một đứa trẻ, nhưng là một bộ xương cách trí lùng nhùng, với một chỏm tóc như chùm lông chim sẵn sàng rụng đi mỗi phút với nhịp thở rời rạc của cô.

Có những phòng rộng lớn dùng để luyện tập và thể dục nối với bệnh viện. Anh chỉ nhìn thấy chúng khi nào vắng người, tất cả dụng cụ được dọn dẹp và phòng tắt ánh sáng. Nhưng một đêm kia khi ra về anh đi qua một con đường khác xuyên qua tòa nhà vì một lý do nào đó và chợt thấy đèn còn sáng.

Và khi anh đi vào để xem thử có chuyện gì, anh nhìn thấy một người vẫn còn ở đó. Một người đàn bà. Cô ta ngồi xoạc chân lên một quả bóng được bơm căng, nghỉ ngơi trên đó, hoặc có lẽ đang cố nhớ lại xem cô ta cần làm gì tiếp theo.

Đó là Leah. Mới đầu anh không nhận ra cô, nhưng anh nhìn lại một lần nữa và đó là Leah. Có thể anh đã không vào, có lẽ thế, nếu như anh kịp nhận ra đó là ai, nhưng bây giờ thì đã muộn, anh đã đi một nửa đoạn đường, định tới tắt đèn. Cô ta nhìn thấy anh.

Cô bước ra khỏi quả bóng. Cô mặc một bộ đồ thể thao và lên cân thấy rõ.

“Tôi đã nghĩ rằng có lúc tôi sẽ gặp lại anh”, cô nói. “Isabel thế nào?”.

Có một chút ngạc nhiên khi nghe cô ta gọi Isabel bằng tên, hoặc là nói chuyện về vợ anh như thể cô ta biết rõ.

Anh kể cho Leah nghe vắn tắt về Isabel. Không có cách nào khác ngoài việc nói vắn tắt mà thôi.

“Thế anh có nói chuyện được với cô ấy không?”. Cô ta nói.

“Không nói được nhiều đâu”.

“Ồ anh phải nói chứ. Anh không được ngừng nói chuyện với họ”.

Làm sao cô ta lại nghĩ mình có thể biết nhiều thứ như thế?

“Anh không ngạc nhiên gặp tôi chứ, phải thế không? Chắc anh nghe chuyện gì rồi?”.

Anh không biết trả lời ra sao.

“Ồ”, anh nói.

“Cũng đã lâu tôi nghe nói rằng anh ở đây và những chuyện tương tự, thế rồi tôi đoán là anh cũng biết tôi tới đây”.

Anh nói với cô anh không hề biết.

“Tôi làm công việc giải trí”, cô bảo anh. “Cho những bệnh nhân bị ung thư. Nếu như họ có thể”.

Anh nói anh nghĩ đó là việc tốt.

“Tốt lắm chứ. Tôi muốn nói là cả tôi nữa. Tôi rất yên ổn, nhưng đôi khi có chuyện này chuyện nọ đến tai mình. Nhất là trong bữa ăn tối. Khi mọi chuyện có thể trở nên kỳ quặc”.

Bây giờ cô nhận ra là anh không biết rõ cô nói về chuyện gì và cô bắt đầu giải thích, với một chút hào hứng.

“Tôi muốn nói là tôi ở đây không có bọn trẻ, anh không biết là cha chúng ở với bọn trẻ sao?”.

“Không”, anh nói.

“Ồ vậy à. Bởi vì người ra nghĩ rằng mẹ của anh ta có thể coi sóc chúng. Anh ấy là thành viên của hội những người nghiện rượu đang cai, nhưng dư luận đã không đi theo hướng ấy nếu không có bà ta”.

Cô khụt khịt mũi và lấy tay chùi nước mắt một cách có phần khinh mạn.

“Đừng bực mình anh nhé – mọi chuyện không tệ lắm đâu. Em chỉ bỗng dưng bật khóc thôi. Khóc cũng không phải là chuyện quá xấu đâu, cho đến khi nào mình trở thành quen với nó”.

Người đàn ông ở trong hội cai nghiện kia chắc phải là anh chàng chơi saxophone. Nhưng thế thì ông mục sư kia và những chuyện xảy ra ồn ào dưới đó?

Như thể anh đang hỏi cô ta ra miệng, cô bảo, “Ồ thế thì, Carl. Mấy chuyện đó ồn ào lên một lúc, phải thế không? Tôi phải đi khám cái đầu của mình mất”.

“Carl lập gia đình trở lại”, cô ta tiếp tục. “Chuyện ấy làm cho anh ta thấy dễ chịu hơn. Tôi muốn nói là bởi anh ta phải vượt qua những điều mà anh ta đã làm với tôi. Thật là chuyện nực cười. Anh ta cứ thế mà lập gia đình với một nữ mục sư. Chắc anh biết bây giờ người ta để phụ nữ làm mục sư rồi chứ. Vậy thì cô ta là một mục sư như vậy. Thế rồi anh chàng kia trở thành giống như là vợ của một mục sư vậy. Tôi nghĩ chuyện đó thật là quái gở”.

Mắt ráo hoảnh, miệng cười. Ray biết rằng còn có nhiều chuyện khác nữa, nhưng anh không đoán được.

“Anh chắc ở đây lâu rồi. Anh có chỗ ở riêng của mình chứ?”.

“Vâng”.

“Anh nấu bữa tối cho anh và làm tất cả mọi thứ chứ?”.

Anh bảo cô đúng vậy.

“Tôi có thể làm mấy việc ấy cho anh, thỉnh thoảng. Liệu cái đó có hợp không?”.

Mắt cô ta sáng lên nhìn vào mắt anh.

Anh nói chuyện đó có thể, nhưng nói thật là không đủ phòng ở chỗ của anh cho thêm một người nữa để di chuyển xoay xở cùng một lúc.

Rồi anh bảo anh đã không gặp Isabel trong vài ngày và anh phải làm chuyện ấy ngay.

Cô gật đầu ra vẻ hơi đồng ý. Cô không tỏ vẻ bực mình hay khó chịu gì cả.

“Hẹn gặp lại anh nhé”.

“Sẽ gặp lại”.

Người ta đi tìm anh khắp nơi. Isabel cuối cùng đã ra đi. Họ nói chữ “ra đi”, như thể cô vừa ngồi dậy và bỏ đi. Khi có người tới kiểm tra cô một giờ trước, cô vẫn còn ở đó, thế mà bây giờ cô đã đi rồi.

Anh thường tự hỏi có gì khác nhau giữa hai chuyện ấy.

Nhưng sự trống vắng ở chỗ nằm của cô thật đáng kinh ngạc.

Anh nhìn người y tá, bàng hoàng. Người y tá tưởng rằng anh muốn hỏi cần phải làm gì tiếp theo và cô bắt đầu chỉ cho anh ta. Ngồi vào chỗ của vợ mình. Anh hiểu người y tá, nhưng vẫn bàng hoàng ngờ vực.

Anh tưởng chuyện đó đã xảy ra từ lâu với Isabel, nhưng không phải thế. Cho đến bây giờ.

Isabel đã cầm cự cho đến nay, nhưng bây giờ cô không tồn tại nữa. Không hiện hữu, như thể chưa từng. Và mọi người quanh đây chạy vội vã, như thể sự kiện khủng khiếp này có thể bị đảo ngược bằng cách dàn xếp này nọ. Và anh nữa, tuân theo những phong tục, ký vào những nơi anh được yêu cầu phải ký, thu xếp cho phần còn lại, tro cốt, của người đã mất.

Thật là chữ toàn hảo – “phần còn lại”. Như thể một điều gì còn để lại chờ khô đi trong lớp bụi bồ hóng trên nóc tủ.

Rồi anh bước ra ngoài, giả vờ như mình là người đang có một bổn phận bình thường và chính đáng cũng như mọi người, đặt chân này lên trước chân kia.

Điều anh mang đi, tất cả những gì anh mang đi với mình, là sự thiếu vắng, một điều gì như sự thiếu không khí, thiếu một cách thở đúng mức trong buồng phổi của anh, sự khó nhọc mà anh nghĩ là mình sẽ chịu đựng mãi mãi.

Cô gái mà anh đã từng trò chuyện, từng quen biết – cô ta nói về con cái của mình. Việc cô để mất những đứa trẻ ấy. Làm quen với điều ấy. Chuyện bực mình trong bữa ăn tối.

Một chuyên viên về mất mát, cô ta có thể có biệt danh như thế – còn anh thì chỉ là một tay mơ, khi đem so sánh với cô. Còn bây giờ, anh cũng quên luôn tên cô ấy. Đã mất tên rồi, mặc dù anh từng biết nó quá rành rẽ. Đang mất, đã mất. Một chuyện đùa đối với anh chăng, nếu bạn muốn thế.

Anh bước gấp lên khi cái tên ấy bỗng trở lại với anh.

Leah.

Thở phào nhẹ nhõm, bình an, anh nhớ đến cô.

——————————–

Chú thích của người dịch:

(1) Plot, cốt truyện, để phân biệt với story, câu chuyện.

(2) Dante, tức Durante degli Alighieri, 1265-1321, là nhà thơ lớn của Ý và của thế giới. Thiên đường (Paradiso, Paradise, Heaven) là phần thứ ba và cuối cùng của vở Hài kịch thánh thần của Dante, sau phần Inferno và Purgatorio.

(*) Nhận xét riêng của người dịch: Truyện này, Leaving Maverley, tiêu biểu cho nghệ thuật kể chuyện của Alice Munro, sức hấp dẫn của nó.

Comments are closed.