Cuộc tổng vận động Quốc Hội Hoa Kỳ năm 2018: thành quả ít ai ngờ

Các “nhà” vận động nhân quyền rất trẻ

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 15 tháng 7, 2018

Sau một ngày dài vận động ở Quốc Hội, chiều về nhiều người đã cùng nhau dự bữa cơm chia tay tại nhà hàng Harvest Moon, ở Falls Church, Virginia.

Một người nữ đến từ Spokane, tiểu bang Washington, lần đầu làm quen với sinh hoạt vận động Quốc Hôi Hoa Kỳ, lo lắng hỏi tôi: “Liệu đi vận động như thế này thì có kết quả gì không anh?” Trong ánh mắt của cô ấy tôi đọc được tấm lòng thiết tha với quê hương, thương xót đồng bào. Có lẽ đó cũng là thắc mắc của nhiều người đang nôn nao trước tình cảnh dầu sôi lửa bỏng ở quê nhà.

Vận động quốc tế là đánh bằng thế, chứ không phải dùng lưc trần. Như đánh cờ, dùng thế thì phải có đấu pháp, phải tính trước nhiều bước và phải mất thời gian. Không thể vội vã, hấp tấp, mong có kết quả ngay. Khi vận động cho Luật Magnitsky Toàn Cầu chẳng hạn, chúng tôi đã phải mất 6 năm ròng rã mới thấy được thành quả.

Lý thuyết là thế nhưng thật ra trong 8 lần tổng vận động từ năm 2012 đến giờ, không lần nào mà không đạt được ngay những thành quả bất ngờ.

“Nhà” vận động trẻ tuổi nhất năm nay

Năm nay có khoảng 250 người tham gia Ngày Vận Động Cho Việt Nam, ngày 10 tháng 7. Trong số đó có em Phạm Ngọc Tri Ân, 13 tuổi đến từ San Jose, theo mẹ tham gia.

Khi đồng hồ điểm 10 giờ sáng, tôi mở đầu buổi họp khoáng đại và xin phép các vị trưởng thượng là năm nay ban tổ chức ưu tiên mời các em dưới 15 tuổi lên phát biểu. Tôi mời em Tri Ân lên đầu tiên.

Sau lời phát biểu cô đọng trong 5 phút của em, các cô, các chú, các bác rất ngạc nhiên và cảm phục, không chỉ vì tài ăn nói lưu loát mà còn là sự am tường về tình trạng đàn áp nhân quyền ở Việt Nam.

Em Tri Ân phát biểu mở đầu buổi họp khoáng đại

Sau buổi họp khoáng đại, các phái đoàn chia nhau ra để đến gặp các dân biểu và thượng nghị sĩ hoặc các phụ tá lập pháp của họ. Chắc chắn là các cô, chú, bác trong cùng phái đoàn với em Tri Ân đã ngạc nhiên hơn nữa khi thấy em phát biểu khúc chiết, mạch lạc với phong thái chững chạc và chuyên nghiệp tại những buổi họp ấy.

Em Tri Ân đang trình bày về thực trạng nhân quyền ở Việt Nam với Dân Biểu John Yarmuth (Dân Chủ, Kentucky)

“Nhà” vận động trẻ và tù nhân lương tâm

Buổi họp cuối cùng của phái đoàn có em Tri Ân là lúc 6pm với Bà Dân Biểu Zoe Lofgren (Dân Chủ, CA). Bà chỉ có thể họp trễ, vì phải bay từ Santa Clara đến cùng hôm đó.

Khi đến phiên mình phát biểu, em Tri Ân yêu cầu Bà Lofgren “kết nghĩa” với tù nhân lương tâm Trần Thị Nga. Em kể vanh vách về thân thế của chị Nga, một nạn buôn người trở thành người bảo vệ nhân quyền, về những trận đòn nhừ tử mà chị đã phải gánh chịu, về bản án 9 năm tù và 5 năm quản chế, về 2 đứa con còn nhỏ tên Phú và Tài… Em Tri Ân đã chìa bức hoạ vẽ chân dung 3 mẹ con chị Nga cho Bà Lofgren xem. Chính em đã vẽ tấm hình này.

Em Tri Ân vẽ chân dung chị Trần Thị Nga và 2 con nhỏ

Có lẽ vì xúc động mãnh liệt với những nét vẽ mộc mạc, ngộ nghĩnh nhưng chứa chan tình người ấy, Bà Dân Biểu Lofgren tuyên bố ngay: “Tôi sẽ kết nghĩa với tù nhân lương tâm Trần Thị Nga” trong tiếng vỗ tay của mọi người. Kết nghĩa là chịu trách nhiệm tinh thần, là làm mọi điều, mọi cách để chị Nga được trả tự do.

Liền sau buổi họp, Bà Lofgren đăng tấm hình chụp với phái đoàn vận động kèm với thông điệp: Trong Ngày Vận Động Cho Việt Nam, tôi hãnh diện đứng cùng với các cử tri của tôi để vận động cho các quyền của những người bị đàn áp và tù đày ở việt Nam. (On Vietnam Advocacy Day, I’m proud to stand with my constituents in advocating for the rights of the persecuted and imprisoned in Vietnam.)

Thế đấy, một cô bé 13 tuổi đã lay động con tim của một nữ dân biểu nổi tiếng của Hoa Kỳ.

Hình lưu niệm của Bà Dân Biểu Zoe Lofgren với phái đoàn vận động

Không phải lần đầu

Lần đầu tôi gặp em Tri Ân là vào tháng 11 năm ngoái, tại Hội Nghị Tự Do Tôn  Giáo Đông Nam Á ở Manila, Phillipines. Đây là hội nghị quốc tế mà BPSOS chủ xướng và đồng tổ chức hàng năm, kể từ 2015, với sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế và Liên Hiệp Quốc. Lần ấy em Tri Ân cũng theo mẹ đi dự.

Sau hội nghị này, chúng tôi kéo phái đoàn khoảng trên 30 người Việt đến từ nhiều quốc gia và từ Việt Nam sang Hội Nghị Xã Hội Dân Sự và Diễn Đàn Người Dân ASEAN, được tổ chức liền sau đó, cũng ở Manila.

Tại đây, BPSOS đặt quầy thông tin cho chiến dịch NOW!, dịch tiếng Việt là NGAY!, nghĩa là đòi Việt Nam trả tự do NGAY cho các tù nhân lương tâm. Em Tri Ân tình nguyện đứng trông quầy thông tin trong khi người lớn bận bịu với các sinh hoạt khác.

Em đã tận tuỵ chặn người qua kẻ lại để giải thích về các hồ sơ tù nhân lương tâm, phân phát tài liệu và kêu gọi họ ký tên hỗ trợ.

Em Tri Ân vận động cho tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển, ở Manila, Philippines

Tôi đoán chừng đấy là lúc em biết về trường hợp của Trần Thị Nga. Sau đó, em đã vẽ tranh chân dung của 3 mẹ con chị, và viết thư cho 2 người con Phú và Tài: “Hôm nay, các bạn của chị khóc vì ngôi sao KPOP của họ qua đời. Còn chị thì đang khóc vì biết rằng mẹ của 2 em, Cô Trần Thị Nga, đã bị nhà cầm quyền Việt Nam tuyên án 9 năm tù và 5 năm quản chế…” (Xem toàn văn lá thư tiếng Anh ở cuối bài). Nghĩa là, trước khi vận động Bà Lofgren kết nghĩa với người mẹ, thì em Tri Ân đã kết nghĩa với 2 người con.

Không chỉ có vậy

Nhưng em Tri Ân không hề là một hiện tượng lạ. Tại buổi họp khoáng đại ngày 10 tháng 7, sau em Tri Ân, tôi mời em Phạm Tuyết Vy, 14 tuổi đến từ Louisville, Kentucky, lên phát biểu.

Em cũng làm cho các cô, chú, bác quý mến và thích thú vì tài ăn nói lưu loát, hùng hồn. Tuyết Vy cho biết đây là năm thứ tư em tham gia Ngày Vận Động Cho Việt Nam, nghĩa là em “khởi nghiệp” tranh đấu cho nhân quyền từ khi lên 10.

Em Phạm Tuyết Vy phát biểu tại buổi họp khoáng đại của Ngày Vận Động Cho Việt Nam

Và chính người phụ nữ mà đã hỏi tôi, “liệu có được gì không anh?”, thì con của cô ấy, em Olivia 14 tuổi, cũng đã chứng tỏ khả năng biện thuyết và tấm lòng với đồng bào tại các buổi họp với dân biểu, thượng nghị sĩ hoặc nhân viên lập pháp ở Quộc Hội.

Tôi hỏi cháu, “sang năm con có đi nữa không?” Câu trả lời không do dự: “Đi chứ!” Và Olivia đồng ý sẽ đảm nhận trách nhiệm hướng dẫn phái đoàn của tiểu bang Washington.

Trong mấy năm trở lại đây, đã có chừng 15 em dưới 15 tuổi tham gia các cuộc tổng vận động ở Quốc Hội Hoa Kỳ. Các em chứng tỏ tài năng, bản lãnh và tâm huyết. Thậm chí, nhiều giới chức ở Quốc Hội và Bộ Ngoại Giao không thể tin rằng các em mới chỉ 12, 13, 14 tuổi đầu.

Theo tôi, đội ngũ lãnh đạo rất trẻ có tài có đức chính là thành quả quý báu nhất mà Ngày Vận Động Cho Việt Nam đã đạt được vì đó là niềm hy vọng cho cộng đồng của chúng ta, và cho đất nước và dân tộc Việt Nam sau này.

Hoàn thành sứ mạng, em Tri Ân cùng các cô, chú, bác reo mừng

*****

Thư gửi 2 em Tài và Phú, con của tù nhân lương tâm Trần Thị Nga

From Tri-ân Phạm.

Dear em Tài em Phú,

Today, my friends are crying because their favorite KPOP star passed away. I am crying because I learned that your mom, Miss Trần Thi Nga, has been charged by the Vietnamese authorities with 9 years in prison and 5 years of house arrested. I learned that your Mom is a longtime labor rights activist who has challenged abuses including human trafficking, police brutality, and land confiscation.

I know there is not much I can do, but I know for sure is that I am living to tell your stories to the world. So that we can get more people aware of the situation of my country and for those of others like you.

I am sorry for your suffering. As the Angel Gabrielle came to visit Mary to deliver a good news of hope. I hope an angel will come to both of you in your sweet dream and whisper to your ears the most beautiful lullaby.

I am thinking of you. You are in my prayers.

Thông tin liên quan:

Ts. Phan Quang Trọng phỏng vấn em Phạm Ngọc Tri Ân:
https://www.facebook.com/VNAdvocacyDay/videos/1325863314184113/

Em Phạm Ngọc Tri  Ân phát biểu tại buổi cơm chiều hội ngộ, ngày 9 tháng 7, 2018:
https://www.facebook.com/VNAdvocacyDay/videos/1323925361044575/

Hồ sơ ‘NOW’, một việc làm cao đẹp
https://www.voatiengviet.com/a/now-mach-song-tu-nhan-luong-tam/4268237.html

Nguồn: http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1371-2018-07-15-04-33-43.html

Comments are closed.