Dịch bệnh, từ thiện và phẩm giá con người

Song Chi phỏng vấn nhà văn Nguyễn Viện.

SONG CHI:

Chúng ta thấy trong suốt mấy tháng qua kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trở lại, người SG đã tích cực làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo đang sống tại thành phố, phải nói là không có tấm lòng nhân ái cứu giúp lẫn nhau đó của người dân thì bao nhiêu người nghèo khó mà trụ nổi. Mà thật ra thì từ trước đến nay, khi nói về sự hào phóng, lòng nhân ái, người Sài Gòn gần như luôn luôn đi đầu trong mọi phong trào có tính cách xã hội từ thiện đối với đồng bào cả nước. Theo anh thì tại sao lại có cái chuyện người SG làm từ thiện nhiều như vậy? (Từ tính cách, hoàn cảnh sống và cả cấu trúc xã hội rất khác của SG so với Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác).

NGUYỄN VIỆN:

Vâng, không phải bây giờ người Saigon mới hăng hái làm từ thiện, mà sự nhiệt thành làm từ thiện của người Saigon đã có một truyền thống lâu đời, được hun đúc bởi tinh thần trượng nghĩa của người Nam bộ từ khi khẩn hoang phương Nam. Cái tinh thần khai phóng ấy của người Nam bộ kết hợp với một phong thổ hiền hòa, một thổ nhưỡng phì nhiêu đã tạo nên tính cách người Nam bộ cởi mở và trượng nghĩa. Một khí phách mà nhân vật Lục Văn Tiên của cụ Đồ Chiểu là điển hình.

Cũng không ngoại trừ Saigon là một thành phố giàu có vật chất và con người Saigon nghĩa hiệp.

Với một thành phố mà lực lượng lao động cũng thuộc loại đông đảo nhất nước được qui tụ từ khắp nơi trong cả nước như Saigon thì lượng người khó khăn khi thành phố đóng cửa, các cơ sở sản xuất, thương mại đình trệ cũng sẽ là điều tất yếu.

Và một tất yếu khác cũng cùng lúc xảy ra, nhà nước hoàn toàn thất bại trong việc phân phối lương thực cũng như cứu trợ người nghèo khó.

Trong hoàn cảnh ấy, người dân Saigon đã phải tự lo lắng cho nhau, đùm bọc nhau. Rất nhiều cá nhân cũng như các nhóm thiện nguyện ra đời. Bất chấp nguy hiểm của dịch bệnh, vượt qua mọi khó khăn của các rào cản cứng của các chốt chặn, cũng như các rào cản do các qui định bất hợp lý của chính quyền tạo ra. Họ đến từng căn nhà, từng ngõ hẻm với những phẩm vật thiết yếu và một tấm lòng nhân ái vô biên.

Trong thời gian qua, chúng ta cũng từng chứng kiến, người Saigon luôn luôn nhiệt thành với đồng bào mình khi thiên tai, hoạn nạn, bất kể ở đâu trên đất nước thân yêu này. Và đó chính là bản chất của người Saigon, đã được minh chứng. Hào phóng nhất, tận tình nhất.

SONG CHI:

Là người sống ở SG nhiều năm, đồng thời là một tín đồ Thiên Chúa giáo thuần thành, anh nghĩ gì về vai trò của các tổ chức xã hội dân sự, tổ chức tôn giáo trong các hoạt động thiện nguyện và trong xã hội nói chung? Nhà nước VN thì vẫn không mặn mà với việc cho phép các tổ chức hoạt động dân sự, tổ chức tôn giáo được hoạt động, dù chỉ là trong những hoạt động có tính cách thiện nguyện. Theo anh thì điều này đã gây thiệt thòi như thế nào cho người dân, và cho chính nhà nước VN?

NGUYỄN VIỆN:

Có thể nói, hoạt động thiện nguyện của các tổ chức xã hội dân sự, đặc biệt là của các tổ chức tôn giáo như Thiên Chúa Giáo, đã là một sứ mệnh tông đồ của người Công giáo.

Chắc hẳn là chúng ta không quên, trước 1975 các trường học Công giáo không một địa phương nào không có, cũng như sự có mặt của các nữ tu trong các bệnh viện công lập. Đặc biệt tổ chức Caritas của người Công giáo còn có tính cách toàn cầu. Thiện nguyện và hiến mình cho tha nhân là nghĩa vụ của người Công giáo.

Vì thế, trong tình hình khó khăn chung như hiện nay, thì vai trò của các giáo xứ trong việc chia sẻ, tương trợ với giáo dân hay không phải giáo dân chút lương thực không phải là điều gì mới mẻ.

Có sự can thiệp của nhà nước trong việc này không? Tôi nghĩ là không, mặc dù đó không phải là điều nhà nước cổ vũ. Nhưng họ cũng không hoàn toàn cấm cản.

Những cá nhân hay tổ chức thiện nguyện tự phát, trong những nỗ lực riêng của họ, họ vẫn có thể đến tận nơi, gõ tận cửa trao quà tương trợ.

Nếu nhà nước không muốn công việc thiện nguyện này có thể tạo ra một nguồn lây nhiễm, thì chính người làm thiện nguyện lại càng không muốn hơn. Chẳng ai muốn vất vả không công và sự đe dọa chết chóc cả.

Chỉ có những tấm lòng cao cả mới có thể vượt qua những điều kinh khủng này.

Tuy nhiên, với chì thị 16+ tương đương với thiết quân luật, một số nhóm từ thiện không kiếm được giấy đi đường đã phải ngưng hoạt động. Tất nhiên điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cứu trợ cho những người khó khăn, đồng thời tạo nên những hiệu ứng không tốt với chính quyền.

SONG CHI:

Cũng trong chuyện làm từ thiện, anh nghĩ thế nào về việc một số nghệ sĩ, người nổi tiếng làm từ thiện nhưng lại đang có chuyện lùm xùm đòi kê khai thu chi các hoạt động từ thiện của họ, khiến nhiều nghệ sĩ nản lòng và không muốn làm nữa? (Phải chăng trong việc này nhà nước cũng không thật sự hài lòng với việc khi nghệ sĩ kêu gọi làm từ thiện thì người dân ủng hộ, đóng góp rất nhiều, trong khi đa số người dân lại không tỏ ra tin tưởng, mặn mà gì với các tổ chức đảng, đoàn, Mặt trận Tổ Quốc…nên bây giờ đang có chuyện nhà nước đứng phía sau, hoặc ít nhất, là khuyến khích những việc “đánh” vào uy tín của các nghệ sĩ, khiến nhiều người nản, không làm từ thiện nữa, và thế là người dân lại quay sang đóng góp cho các tổ chức của đảng, của Mặt trận Tổ Quốc?)

NGUYỄN VIỆN:

Việc nghệ sĩ hay bất cứ cá nhân uy tín nào có thể làm từ thiện thông qua việc huy động đóng góp của quần chúng đều tốt.

Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự thành công ngoạn mục từ những nỗ lực này của giới nghệ sĩ.

Điều không tránh khỏi là những cá nhân này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để huy động tài lực từ cộng đồng. Cộng thêm với sự thiếu chuyên nghiệp, kinh nghiệm đã khiến cho việc thiện nguyện đã phát sinh những bất cập, thiếu sót và cả những tiêu cực tai tiếng.

Ở một góc độ khác, việc người dân gởi gấm niềm tin của mình vào giới nghệ sĩ đã cho thấy chính quyền và các bộ phận phụ thuộc của đảng như các hội đoàn, mặt trận đã thất bại một cách mỉa mai trong vai trò kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng, chủ yếu do sự thiếu công bằng và tham ô trong việc phân phối hàng cứu trợ.

Có thể đây là lý do khiến giới nghệ sĩ đang bị bóc mẽ.

Có thể chính quyền này rất tinh vi, nhưng tôi không tin họ đứng sau những lùm xùm tai tiếng hiện nay của giới nghệ sĩ. Bởi vì điều ấy không mang lại lợi ích cho bất cứ ai. Cũng như không thể vì thế mà người dân “quay đầu” lại với chính quyền. Đơn giản là nhà nước không thể dùng cái tai tiếng hay mất niềm tin của quần chúng vào giới nghệ sĩ hoán đổi thành niềm tin qua mình.

Vả lại, nếu cần xử giới nghệ sĩ, thì công cụ pháp lý của nhà nước không thiếu.

Sự thất vọng của cộng đồng sẽ là điều thật sự đáng tiếc với những người hoạn nạn trong dịch bệnh hay thiên tai vốn đã điêu đứng sẽ càng thống khổ hơn.

SONG CHI:

Với VN và nhiều quốc gia khác, việc đối phó với đại dịch COVID-19 còn dài. Và rõ ràng là có quá nhiều bài học mà nhà nước VN cần rút ra cho việc chống dịch thời gian sắp tới, nhưng quan trọng nhất theo anh là những bài học gì?

NGUYỄN VIỆN:

Quả thật, việc chống dịch của VN nói chung, Saigon nói riêng trong thời gian qua đã quá lúng túng, dẫn đến những chủ trương, chỉ thị bất nhất tạo thêm khó khăn cho cuộc sống người dân. Người cộng sản không thoát được căn bệnh cố hữu của mình là chủ nghĩa duy ý chí, cộng với bệnh hình thức, hô khẩu hiệu và một tư duy chiến tranh.

Cái sai lầm lớn nhất là việc thu gom các F0, F1 vào các khu cách ly tập trung. Chẳng những nó vừa là một môi trường dễ lay lan dịch bệnh, vừa gây ra sự tốn kém vô ích, mà còn mang tính phi nhân.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải ghi nhận một điều rằng, chính quyền cũng biết lắng nghe để nhận ra sai lầm của mình. Và họ cũng đã dần sửa chữa.

Tôi nghĩ cái bài học khó nhất của người cộng sản là bài học về sự tôn trọng phẩm giá con người. Không thể có sự cải thiện nào đáng để chúng ta hy vọng. Các biện pháp hành chánh khắt khe, máy móc vừa qua như giấy đi đường hay những hàng rào kẽm gai, những khối bê tông chặn đường, những cánh cổng sắt hàn kín khắp hang cùng ngõ hẻm là một sự sỉ nhục con người.

Một bài học khác mà VN đã học được là chiến lược vaccine, cho dù cũng đã hơi muộn, nhưng ít nhất nó cũng sẽ cứu vãn được cái bi kịch thảm khốc mà chúng ta đang chứng kiến.

Một điều khác cũng rất quan trọng là các chính quyền địa phương đã nhìn ra tính liên đới của khu vực, cũng như tính thống nhất của cả nước. Người ta không thể tự biến mình thành một lô cốt và tử thủ trong mối liên quan với toàn thể.

Với khuynh hướng chấp nhận sống chung với virus như một điều tất yếu, nhà nước đang dần có những biện pháp nới lỏng phong tỏa, chuẩn bị cho một bình thường mới.

Tôi nghĩ đó là một hướng đi đúng.

SONG CHI:

Là một nhà văn, những điều gì gây ấn tượng mạnh, hoặc đọng lại trong anh những cảm xúc mạnh nhất trong những ngày VN xác xơ, tang tóc vì đại dịch? Nếu viết về những ngày này anh sẽ viết về điều gì?

NGUYỄN VIỆN:

Khi Saigon bùng dịch, có hai ấn tượng mạnh nhất với tôi.

Một là sự tháo chạy của người nhập cư ra khỏi thành phố, tìm mọi cách về quê vừa để tránh xa dịch bệnh, vừa để cứu thoát mình khỏi cái đói đang ập đến khi không còn công ăn việc làm.

Từng đoàn người lếch thếch tháo chạy như hình ảnh chạy loạn thời chiến tranh được tái hiện. Biết bao đau thương, khốn khó không thể tả xiết.

Ấn tượng thứ hai là những hàng rào kẽm gai vừa do chính quyền dựng lên gọi là vùng đỏ, vừa do người dân bắt chước chính quyền tự làm để bảo vệ khu xóm mình gọi là vùng xanh.

Nó cho thấy chính quyền đã không dự kiến được những hậu quả do những chủ trương của mình đưa ra.

Trong vai trò của một nhà văn, tôi hoàn toàn thấy mình bất lực trước sự khốn khổ của con người, không chỉ vì tai họa dịch vật, mà còn là những tai ương do con người gây ra cho nhau.

Nhưng trên hết, tôi nhìn thấy sự mất cân bằng của đời sống con người. Giữa con người với nhau và với chính bản thân từng người. Giữa con người với thiên nhiên.

Cận cảnh hơn, tôi thấy con người bị giản lược vào những nhu cầu sinh tồn thú vật. Không một ai thoát khỏi nỗi ám ảnh tìm kiếm lương thực. Nó khủng khiếp hơn cả dịch bệnh. Ngay cả cái chết cũng không đáng quan tâm hơn cái đói.

Tôi sẽ viết gì ư?

Tôi đang viết một truyện mới, trong đó mô tả ít nhiều cuộc sống hiện nay của con người giữa cơn bão của dịch bệnh. Nhưng tôi cũng chợt nhận ra, mọi thứ văn chương triết lý hay luận thuyết đều vớ vẩn, nhảm nhí khi con người phải chiến đấu với cái chết đang cận kề.

Vậy thì điều gì mới là quan trọng nhất? Điều gì có ý nghĩa để chúng ta sống cuộc đời khốn khó này?

Quả thật, tôi cũng không biết.

Viết gì, viết thế nào là cách tôi tồn tại sao?

Ngày 12/92021

Mời các bạn nghe phần âm thanh phát trên sóng đài Nam Radio của SBTN:

https://soundcloud.com/user-265015931/interview-writer-nguyen-vien-covid-19-in-vietnam

Bài do nhà văn Nguyễn Viện gửi cho Văn Việt.

Comments are closed.