Phan Thắng: Chào anh, cảm ơn anh đã nhận lời làm khách của Văn hóa Nghệ An. Thú thật, lúc mới nghe danh, tôi cứ tưởng Đỗ Quyên là nữ thi sỹ. Tôi không biết bút danh này là định mệnh văn chương của anh hay chính vì con đường văn chương của anh mà có cái danh rất nữ tính này?
Đỗ Quyên: Có lẽ cả hai. Cũng khối chuyện buồn vui quanh đó. Buồn, vì nó tôi nhận phận làm chim Đỗ Quyên. Như truyền thuyết vua Đỗ Vũ nước Thục thời Chiến Quốc, bị hóa thành chim cuốc kêu than, nhớ nhung quê hương khi phiêu bạt đất khách. Vui, vì nó dẫn tới sự bé cái nhầm của các chàng các ông, từ độc giả đến văn hữu mà nhiều nhất là các nhà nam biên tập. Hihi…
Dạo còn trong nước và sang Liên Xô/Nga, đã đam mê viết lách rồi nhưng tài tử, tôi dùng khi tên thật lúc bút danh loạn cào cào. Đến Đức, bài thơ đầu tiên mang bút danh mới là cốt gửi đến mẹ tôi để xin phép “cải danh”. “Đỗ Quyên con chọn để làm tên/ Bên những dòng thơ đẫm ruột mềm/ Hè đó, một chiều… Con lạc bước/ Quê người lối khác rẽ sang bên…”
Phan Thắng: Đã từng là giảng viên vật lý hạt nhân ở Đại học Bách khoa Hà Nội, không hiểu can cớ vì sao anh lại từ bỏ con đường khoa học đó để đến với văn chương?
Đỗ Quyên: Với đa phần người xa xứ; không kể những người xa xứ một cách bình thường và may mắn; thì tam đại sự (sự nghiệp, tài sản, gia đình) thường được/bị thay đổi vô cùng bất ngờ. Nếu không muốn bảo là… lộn tùng phèo – theo quan niệm trong trường phái Đảo ngược / Upsidedownism của họa sĩ Nguyễn Đại Giang bên Mỹ.
Với riêng tôi, đó là thay đổi không tốt; không thành công nơi xứ người. Do không đủ tài năng để vừa theo đuổi làm vật lý hạt nhân – một loại nghề vốn rất khó, vừa làm văn chương báo chí – một nghiệp vốn rất nặng. Nhại lối phát ngôn gây sốc mấy ngày qua bởi đại diện doanh nghiệp Formosa họ Chu tên Phàm: “Chọn đi: muốn bắt cá, tôm hay là muốn xây cái nhà máy thép hiện đại!”. Một người làm đối ngoại như thế, cư xử kiểu nhị nguyên 0-1 là sai lè lè. Còn với những người viết văn tự đẩy mình xuống tàu / embarquement (như quan niệm nhà văn dấn thân của triết gia J.P. Sartre), tôi nghĩ mình không sai nhiều lắm khi chọn thơ văn trên bãi cát hành trình viễn xứ.
Phan Thắng: Anh thực sự sống với văn chương, nói cách khác là làm văn chương, hoạt động văn chương chuyên nghiệp từ khi ra nước ngoài. Sự hấp dẫn của văn chương hay là tình thế của cuộc đời mà có sự gắn bó này?
Đỗ Quyên: Sự mê hoặc bởi văn chương là chính, là tiềm năng; tình thế đổi đời là phụ, là môi trường.
Như bao con dân Việt có một đất nước thơ che chở, tôi sinh ra trong một gia đình yêu chuộng văn học. Hồi bé 7 anh chị em nhà tôi đều phải viết nhật ký. Kỷ luật thép: hàng ngày; không viết là ăn cơm muối, nặng hơn thì ăn đòn; viết bằng thơ được miễn 3 ngày. Có lẽ cha mẹ tôi – như đa số đấng sinh thành trên đời – không muốn con cái lấy văn nghệ làm nghề kiếm sống. Ông nội tôi là lương y, cha mẹ, chú cậu tôi đều hành nghề y dược. Chị cả tôi đã vào đại học Y rồi, các cụ chưa yên tâm, ép anh trai cả tôi để rồi anh tự ý đổi hồ sơ sang trường Tổng hợp khoa Toán, và đi bộ đội về lại hứng chí chuyển qua khoa Văn khiến song thân thêm một phen điên đầu!
Nếu vẫn ngon lành với nghề vật lý hạt nhân tại Việt Nam, hoặc ngoài này, thì chắc tôi vẫn viết, viết phong lưu là đằng khác. Nhưng nhiều đề tài và cách viết sẽ khó có được, hoặc có thì theo kiểu khác, khi mà đời tôi suôn sẻ.
Phan Thắng: Theo tôi biết, anh từng sinh sống và làm việc ở nhiều nước, từ Liên Xô/Nga, Đức đến Úc, Canada….; lại từng làm báo nữa. Chắc anh đã có nhiều sự quan tâm và quan sát tìm hiểu về sự hiện diện, sự tồn tại của văn hóa Việt Nam nói chung và văn chương nghệ thuật nói riêng ở nước ngoài. Anh có thể cho chúng tôi biết những nhận xét của mình về sự tồn tại ngoài biên giới quốc gia của văn hóa, văn chương dân tộc Việt Nam?
Đỗ Quyên: Tôi cứ nghĩ, là đại phúc với bất cứ quốc gia nào khi ở ngoài biên cương xuất hiện, phát triển một dòng nhánh văn hóa, kéo theo là văn chương dân tộc. Đại phúc cho quốc gia đó (gọi là quốc gia thứ nhất). Song có là hồng phúc cho quốc gia thứ hai, nói rộng là cho phần thế giới còn lại, hay không tùy mục đích lan truyền văn hóa.
Về quốc gia thứ hai: Việt Nam với một ngàn năm Bắc thuộc là một ví dụ cực tồi theo quan niệm trên. Việt Nam qua một trăm năm Pháp thuộc, từ lâu vẫn là ví dụ tồi, và vài năm nay với cách nhìn thoang thoáng, có ý kiến bảo chỉ là hơi hơi tồi!? Nhưng văn hóa Anh và việc ra đời và phát triển của nước Mỹ hơn 200 năm lại là một ví dụ khác.
Có thể nói, văn hóa Việt ở ngoài Tổ quốc hình thành từ rất lâu. Còn văn học Việt ở ngoài nước, chỉ sau 30/4/1975, nó mới thật sự được coi là một thực thể văn học, bằng việc ra đời và phát triển nhanh của một cộng đồng mang tên hoàn toàn mới về nội hàm người-Việt-hải-ngoại, dù từ chữ vẫn cũ: người-Việt, hải-ngoại. Tất nhiên, cũng phải nói rằng, trước đó ở Pháp chẳng hạn cũng đã có sự hiện diện của văn học Việt Nam, tuy rằng chưa đủ mạnh để được xác định là một thực thể.
Phan Thắng: Anh có rút ra các đặc điểm gì không về sự hiện diện, tồn tại của đời sống văn hóa Việt ở các nước mà anh biết?
Đỗ Quyên: Đặc điểm thì chỉ có một. Thế mà lại rất khác nhau về cách giải thích, dẫn chứng. Đúng là chuyện coi voi. Tất cả là bởi chính kiến. Ví dụ nóng hổi: tác giả Nguyễn Thanh Việt với tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm Tình Viên) vừa đoạt giải thưởng danh giá Mỹ Pulitzer năm nay.
Tôi sẽ nêu 5 đặc điểm của sinh hoạt văn hóa Việt đương đại ở ngoài nước.
Một, khi tiềm tàng lúc hiển lộ ý thức chính trị gần như chi phối các sinh hoạt chính của văn hóa cộng đồng qua tương quan miền Nam – miền Bắc, Công giáo – Phật giáo… Chưa hy vọng nhiều đặc điểm này mất đi, hoặc thay đổi theo hướng tốt, trong mươi năm tới.
Hai, bản chất bảo thủ bản sắc Việt tính khá rõ và chắc. Ngay ở các gia đình, cá nhân hội nhập nhất – “Mỹ nhất”, “Tây nhất” – thì bản sắc Việt tính vẫn ẩn hiện.
Ba, ngày càng hội nhập tốt đời sống văn hóa bản xứ, tuy không thể đứng vị trí hàng đầu.
Bốn, ngày càng lưu thông, dù giao lưu vẫn chưa thật dễ dàng với tất cả những gì mà văn hóa Việt trong nước đang sở hữu.
Năm, đây như một cái kho duy nhất có thể lưu giữ một số Việt tính mà văn hóa Việt nguồn, tức là trong nước, đã mất đi, mờ nhạt trong dòng thời gian.
Phan Thắng: Cụ thể hơn, anh hãy nói cho chúng tôi biết về sinh hoạt văn học của người Việt Nam ở những nước mà anh sinh sống, Canada chẳng hạn?
Đỗ Quyên: Cần nhắc đến tác giả của những bài tổng quan, giới thiệu đáng chú ý về văn chương tiếng Việt ở ngoài nước. Trong nước: Hoàng Ngọc Hiến, Huệ Chi, Lê Hoài Nguyên, Phạm Xuân Nguyên… Ngoài nước: Võ Phiến, Mai Kim Ngọc, Đặng Tiến, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mộng Giác, Du Tử Lê, Thụy Khuê, Nguyễn Hữu Nghĩa, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Hưng Quốc, Trần Vũ… Nước ngoài: Anatoli Soloklov…
Từ sau 1975 sinh hoạt văn học Việt ngoài nước có 3 đặc điểm lớn. Thứ nhất, về nguồn gốc, và không kể ở các nước Đông Âu, Liên Xô cũ, đó là kết quả từ dòng chảy tiếp văn chương miền Nam trước 1975; Thứ hai, về mục đích, viết để giải tỏa bức xúc, trăn trở về thời cuộc, nhất là về chính trị, rõ hơn cả ở những cây bút xuất xứ từ chính quyền VNCH cũ; gần đây là về bảo toàn lãnh thổ. Các tác giả viết vì lý do văn chương ngày càng tăng; Thứ ba, về cảm hứng, theo ý thức tự do và cá nhân.
Trong 10 năm qua dòng văn học này mang hình dáng rất đổi khác. Tác động của văn học tới đời sống tinh thần người Việt tại đây không còn như trước. Lượng và chất của công chúng độc giả và tác giả đến từ trong nước tăng mạnh, dường như trở thành nguồn nuôi chính.
Tính phân tán là điều dễ thấy nhất của văn chương Việt ngoài nước hiện nay; nói theo ngôn ngữ hậu hiện đại là giải trung tâm.
Về địa – văn hóa: Tính chất của một nền “văn học lưu vong” giảm, ít nhất qua bề mặt, số lượng tác phẩm và tác giả và nhường chỗ cho sự trưởng thành nền “văn học di dân”. Hoa Kỳ không còn là trung tâm văn hóa đọc của người Việt hải ngoại.
Về nội dung: Không còn giới hạn ở 3 đề tài điển hình (nhớ quê hương, phận ly hương; nối dài văn học miền Nam; thích nghi, hội nhập) mà tất cả hòa vào nhau rồi được cộng thêm một số đề tài mới, tới mức khó định danh đề tài chính như trước; trừ đề tài muôn thuở là tình yêu. Rõ nhất là sự liên đề tài với các vấn đề nóng hổi Việt Nam: quan hệ Việt-Trung, biển Đông, đất đai, Ngày 30/4…
Về phong cách: cũng rất đa dạng. Sự đồng hành độc lập, ôn hòa của cả chục phong cách.
Về triển vọng: Bi quan về hiện tượng lão hóa của văn học Việt hải ngoại đang giảm, internet và tính nóng bỏng của tình hình nước nhà đã thành hai tác động chính.
Đây là các đóa hoa, cành lá dễ nhận diện trong hơn 20 năm qua trên nhánh văn chương Việt nơi Đất lạnh tình nồng – Canada.
Báo chí, nhà xuất bản: Ðất Việt, Làng Văn, Nắng Mới, Trăm Con, Người Việt Hải Ngoại, Việt Thường, Truyền Thông… Tác giả: Nam Dao, Nguyễn Ngọc Ngạn, Trang Châu, Vân Hải, Song Thao, Hoàng Chính, Hồ Ðình Nghiêm, Hạnh Nguyên… (Văn); Luân Hoán, Hoàng Xuân Sơn, Phan Ni Tấn, Bắc Phong, Lâm Hảo Dũng, Nguyễn Đức Bạt Ngàn, Nguyễn Ðức Tùng, Ðỗ Quyên, Trân Sa, Lưu Diệu Vân… (Thơ); Lê Hữu Mục, Đỗ Khánh Hoan, Nguyễn Khánh Long, Nguyễn Tiến Văn, Nguyễn Ước, Hà Vũ Trọng… (Khảo cứu, dịch thuật); Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Vy-Khanh… (Phê bình, lý luận); Phạm Hữu Trác, Việt Phong, Hải Triều, Lương Châu Phước, Nguyễn Hữu Nghĩa, Tư Ðồ Tuệ, Trịnh Ðộ… (Nhà báo).
Phan Thắng: Anh có nhận xét gì về đội ngũ các nhà văn, giới nghiên cứu khoa học xã hội, văn hóa, văn học ở những nước mà anh biết?
Đỗ Quyên: Tôi nói qua về giai đoạn hiện tại. Thú vị nhất, khác với cộng đồng chung, giới làm văn học, văn hóa ở đây khi cư xử khá giống nhau giữa các quốc gia. Nhiều năm qua ảnh hưởng chính trị giảm đi nhiều; ở một số báo chí, diễn đàn gần như không hiển lộ như trước. Tất nhiên ngầm bên trong vẫn khá mạnh. Giới văn nghệ sĩ chúng tôi có vẻ lớn khôn nhiều, đã biết nhìn nhau mà chơi, mà viết. Rất nhiều năm rồi, tôi chưa biết một xì-căng-đan nào đáng kể như thời hoàng kim của văn nghệ hải ngoại 1985-1995/2000.
Về phong trào, không còn phong phú như trước. Các diễn đàn chính chỉ còn các báo mạng, như Da Màu, Diễn Đàn Thế Kỷ, Gió-O, Thơ tân hình thức Việt (Mỹ), Tiền Vệ (Úc), Diễn Đàn (Pháp), Người Bạn Đường (Nga)… Tờ báo giấy văn học, văn hóa đáng kể còn lại có lẽ là Khởi Hành (Mỹ)?
Về thế hệ, chưa thấy nhiều tác giả mới ở tuổi 8X-9X. Nổi và mạnh nhất là cánh 6X-7X và vài bạn 8X. Văn: Phạm Thị Hoài, Lê Thị Thấm Vân, Lê Minh Hà, Thuận, Nguyễn Thị Hải Hà, Trần Vũ, Đặng Thơ Thơ, Hiệu Constant, Lưu Thủy Hương, Hoàng Ngọc Thư…; Thơ: Đinh Linh, Phan Nhiên Hạo, Thận Nhiên, Đinh Trường Chinh, Lê Đình Nhất Lang, Nguyễn Hoàng Nam, Lưu Diệu Vân, Khánh Phương, Như Quỳnh de Prelle, Đỗ Lê Anhdao, Phan Quỳnh Trâm…; Phê bình, biên khảo: Đoàn Cầm Thi, Đinh Từ Bích Thúy, Trịnh Thanh Thủy… Cũng như văn chương trong nước, giới nữ lấn át về số lượng.
Về địa lý: nhiều vị chuyển hẳn bàn văn về quê nhà (Thái Kim Lan, Nguyễn Tiến Văn) hoặc về trong các tháng năm cuối cùng mà vẫn hành nghề (Tạ Chí Đại Trường – vừa mất), rồi cũng không ít vị quay lại quốc gia định cư. Riêng giới nghiên cứu văn học, khoa học xã hội, thập niên qua tăng trưởng rất mạnh, phần lớn nhờ lớp người đến từ Việt Nam học tập rồi định cư.
Phan Thắng: Sự giao lưu, ảnh hưởng từ văn học của chúng ta tới văn học sở tại như thế nào?
Đỗ Quyên: Có thể mạnh nhất là ở Úc và Séc. Ở Mỹ, rõ ràng là hùng mạnh hơn tất cả các nước gộp lại. Nhưng cái nước đó tôi thấy quá là mênh mang, khó hiểu. Văn học hải ngoại bằng tiếng Việt là thiểu số không mạnh, nếu có ảnh hưởng thì ở điểm, không thể nào ở diện. Dường như tới nay, Nguyễn Thanh Việt là điểm son nhất mà văn giới gốc Việt đã vẽ trên bảng giá trị văn chương Mỹ, dù chàng vẽ bằng tiếng Mỹ, chưa bằng tiếng Việt! Cũng có thể nói thế với nước Pháp và Linda Lê.
Phan Thắng: Ngoài một số người mà anh vừa nhắc đến, có nhiều người Việt viết văn bằng tiếng nước ngoài không? Và có nhiều tác phẩm văn học Việt được dịch sang tiếng của các nước sở tại?
Đỗ Quyên: Chắc có đến trên dưới 30 nhà văn gốc Việt viết bằng tiếng ngoại quốc tạo được ít nhiều tên tuổi. Linda Lê là nhà văn có tác phẩm mang nội dung và phong cách ít dính dáng đến vấn đề Việt Nam nhất. Việt Nam ở nữ tiểu thuyết gia ấy chỉ là cảm hứng, không là mục đích. Khác hẳn đa số các đồng nghiệp đồng “cố hương” ở Mỹ, Canada, Úc như Monique Trương, Lan Cao, Nguyễn Quí Đức, Nguyễn Thanh Việt, Kim Thúy, Kiên Nguyễn, Nam Lê… Còn có hai nhà văn viết tiếng Pháp, Anh khá nổi danh từ lâu là Kim Lefèvre và Andrew Pham.
Một số tay bút song ngữ Việt-Mỹ, Việt-Pháp mà tiếng Việt là chính, đã có tác phẩm từ các tạp chí, nhà sách uy tín như Đỗ Kh., Nguyễn Tiên Hoàng/Thường Quán, Đinh Linh…Với sáng tác tiếng Việt được dịch sang tiếng các nước sở tại để vinh danh, tôi chỉ biết thơ Du Tử Lê.
Phan Thắng: Thực trạng và khả năng quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài như thế nào, theo anh?
Đỗ Quyên: Điều này tôi được biết hầu hết là từ báo chí, bạn bè trong nước, nên xin không dẫn lại. Cũng có vài nhận xét riêng, nhưng có lẽ xin khất lần sau.
Phan Thắng: Theo quan sát và nhận định của anh thì văn học, các sinh hoạt văn chương, văn hóa đã có những đóng góp gì cho quá trình hòa hợp, hòa giải dân tộc?
Đỗ Quyên: Chúng ta vào “vùng nhậy cảm” nhất của cộng đồng Việt ở đây, mà văn học, văn hóa dễ trở thành trường văn trận bút! Để an toàn người ta thường ngại, nói khác sự thật, dối lòng. Tôi dành những đêm vừa qua để nghĩ sao hiệu quả. Trao đổi chân thành cùng anh, dù chưa đầy đủ như ý.
Là một trong các yếu tố quan trọng nhất của hoạt động tinh thần xã hội và đất nước trước và sau chiến tranh, lãnh vực văn chương, văn hóa đã không thể vắng mặt bằng ảnh hưởng đối ngẫu của mình cho công cuộc hòa hợp, hòa giải dân tộc. Ngôn ngữ nhà binh gọi là vũ khí không tiếng súng, là con dao hai lưỡi. Còn các nhà vật lý thì bảo chúng có tác dụng lực và phản lực. Đây, những bài thơ làm hai con tim chụm lại; kia, những câu ca khiến tay phải chém tay trái…
Tiến trình hòa hợp, hòa giải dân tộc Việt Nam hiện nay ở giai đoạn mà các bên liên đới đã có khá đủ các thông tin về nhau, về cuộc chiến, về thời đại; và nhất là có nhiều chia sẻ, cộng tác sau thời gian dài “đắc nhân tâm” chờ đợi, cảm thông…
Và đang là khoảng thời gian thúc tiến hoặc xô lùi quá trình, các bên đều cần thẳng thắn và có thái độ nghiêm túc để cùng hướng tới sự hòa hợp. Về văn nghệ, theo tôi cần tôn trọng xu thế văn nghệ, văn hóa mang tinh thần và khuynh hướng “không quốc nội không hải ngoại” như các tạp chí, báo mạng Diễn Đàn, Hợp Lưu, Trăm Con, Talawas ở giai đoạn trước.
Phan Thắng: Anh có thể cho dẫn chứng về vai trò quan trọng của văn học, văn hóa trong công việc này?
Đỗ Quyên: Xin minh họa bằng 1 tác phẩm, 1 tạp chí, 1 sự kiện quen thuộc trong làng văn nghệ, văn hóa ngoài này và với cả phạm vi không nhỏ của văn giới quê nhà.
Năm 1990, tuyển tập Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương ra đời như một trái bom chữ nghĩa và quan điểm nổ giữa trung tâm tỵ nạn hải ngoại là quận Cam, Nam California, và sang chấn khắp thế giới Việt ngoài nước. “Đọc và viết về 79 tác giả trong nước” của “cao trào văn nghệ phản kháng tại Việt Nam”, cuốn sách của ”27 tác giả ngoài nước” đến từ hầu khắp các quốc gia lớn với nhiều chính kiến khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau, dày tới 800 trang khổ to (mà các đoạn vừa dẫn là tiêu đề trang bìa 1 và bìa 4). Những dịp qua bên đó, khi gặp các chính chủ của cuốn sách, như Nhật Tiến, Đỗ Hữu Tài, Nguyễn Mộng Giác, Trương Vũ, Thân Trọng Mẫn, Lê Bi, Hoàng Khởi Phong, Phan Tấn Hải… tôi hay tra vấn họ về những gì trong-ngoài một ấn phẩm văn chương hiếm về thể loại, đẹp về nhân tình và lạ về thời cuộc đến thế!
Năm 1991 và khởi từ phần lớn các tác giả cuốn sách, Tạp chí Hợp Lưu với họa sĩ – nhà văn Khánh Trường trong vai chủ biên đã hiện diện cũng tại chính trung tâm tỵ nạn Việt trên xứ Mỹ.
Về sự kiện, trào lưu văn học. Kể từ mùa xuân năm 2000 đến mùa xuân này, cũng tại trung điểm của văn chương Việt hải ngoại là Quận Cam, nhóm thơ Tân hình thức Việt đã gây tiếng vang đáng kể từ ngoài nước rồi nhanh chóng lan vào trong nước. Từng lôi kéo được ngót trăm nhà thơ, nhà phê bình, dịch giả toàn cầu, kể cả người ngoại quốc, vào cuộc thử nghiệm ngôn ngữ Việt, thơ Tân hình thức Việt, với Tạp chí Thơ là diễn đàn, chỉ là một khuynh hướng văn nghệ thuần túy, phi chính trị. Vậy mà cái nhóm thơ rời rạc về tổ chức ấy bằng tinh thần muốn cải tạo tận gốc thơ ca dân tộc, trên thực tế đã hồn nhiên ghé đôi vai mảnh mai vào sứ mệnh hòa hợp hòa giải của cả đất nước.
Kể từ sau 1975, khác với nhóm văn sĩ phản chiến từ Trung Tâm William Joiner Centre, Đại Học UMASS (Mỹ), do nhà thơ Kevin Bowen làm Giám đốc và nhà thơ Nguyễn Bá Chung làm Điều hành, người Việt hậu chiến chưa biết một nhóm văn học nào của chính người Việt có thể tập tụ được nhiều loại tác giả ở nhiều quá khứ khác nhau cùng làm một công tác văn học như thế! Tạp chí Sông Hương ở Huế với Tổng biên tập – nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc đã làm con thuyền trung chuyển dòng thơ lạ lẫm, có phần kỳ quặc này, làm cho nó giao lưu hai bờ đại dương trước khi vượt ngăn cách giữa hai bờ sông Bến Hải với các lớp tác giả và khó hơn cả là với độc giả, dư luận cùng giới quản lý văn nghệ.
Phan Thắng: Văn hóa, văn học Việt Nam ở nước ngoài cần sự tiếp sức như thế nào từ trong nước?
Đỗ Quyên: Theo tôi, với quan hệ trong – ngoài một quốc gia, khác với kinh tế, khoa học… văn học, hơn nữa là văn hóa, không cần hỗ trợ. Bởi đó là các hoạt động tinh thần tự giác và tự do của từng cá nhân hướng về cộng đồng. Cái cần thì lại ở ngoài tầm với của văn học, văn hóa. Không gì khác, ấy là chính trị. Một khi sự lưu thông, giao lưu, hợp lưu trong – ngoài dễ như trở bàn tay, tất cả sẽ đến. Mà điều đó, theo tôi là đã bắt đầu có rồi đó. Những đại sự bao giờ cũng cần tự giác và tự do.
Phan Thắng: Anh có đề xuất, kiến nghị gì không với tư cách là một người hoạt động văn hóa, văn học ở nước ngoài về vấn đề này?
Đỗ Quyên: Như từng trả lời phỏng vấn của nhà văn – nhà nghiên cứu Ngô Tự Lập mươi năm trước, là một người viết, tôi chỉ nên thưa thốt với bạn đọc. Với bạn đọc trong nước bình thường, tôi mong hãy là những độc giả chân chính. Với bạn đọc trong nước cũng là người viết, tôi đâu thể nói gì. Với bạn đọc trong nước là người quản lý, lãnh đạo văn nghệ, văn hóa, tôi thực sự mong muốn những đối thoại này, cùng những sáng tác ở ngoài nước có thể tới đông đảo người đọc trong nước. Nếu những bức tường, tấm vách đã có tai – như trong thành ngữ dân gian – thì các lời thơ, câu văn cũng phải có lưỡi, có tâm tư của chúng. Chắc chắn, phải có…
Phan Thắng: Quan sát và nhận xét, nhận định của anh về Toàn cầu hóa về văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa, một cái nhìn của một người Việt Nam từ ngoài nước?
Đỗ Quyên: Dùng lại ý tưởng của Joseph Brodsky – một người Nga lưu vong ở Mỹ, thi sỹ đoạt giải Nobel – về sự thay đổi vai trò ngôn ngữ nơi xứ người, tôi thấy trong công cuộc toàn cầu hóa, bản sắc văn hóa dân tộc ở các quốc gia đang phát triển “trước kia là thanh kiếm, nay trở thành cái mộc”.
Dẫu ở thế bị động, khi mà chỉ nhóm G-7 mới có thể chủ động, với Việt Nam và người Việt khắp nơi, Toàn cầu hóa vẫn là một định mệnh khả ái. Không nên, vì không thể, cưỡng lại!
Cho tôi được dẫn lại đoạn kết từ bài “Văn học Việt Nam ở hải ngoại, những vấn đề của sự phát triển hiện nay” của một trong các nhà Việt Nam học uy tín và quen thuộc là A.A. Sokolov, PGS-TS sử học tại Viện Hàn lâm khoa học Nga:
“Quá trình toàn cầu hoá về kinh tế và văn hoá vốn càng ngày càng có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phải góp phần thúc đẩy việc bắc những nhịp cầu vững chắc giữa văn học ở trong nước và văn học ở ngoài nước, mà điều đó đến lượt nó, sẽ xúc tiến quá trình phục hồi sự công bằng lịch sử – đưa trả các nhà văn Việt Nam và những tác phẩm của họ ở hải ngoại về lại Tổ quốc lịch sử của mình.”
Phan Thắng: Cảm ơn anh đã làm khách của VHNA và đã dành cho chúng tôi một cuộc trao đổi thú vị.
Vancouver – Nghệ An, 5/5/2016
Đỗ Quyên & Phan Thắng