Người Việt – một câu hỏi lớn (6)

Năm 2020 mở ra với một biến cố chấn động: cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm của lực lượng vũ trang Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng 1. Nó đã giết chết người nông dân/cựu binh Lê Đình Kình, khi cụ đang ở trong nhà mình.

Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu? Đâu là con đường đúng để cả trăm triệu người Việt tự cứu lấy mình?

Văn Việt xin mời các anh chị tham gia cuộc trò chuyện về Người Việt, như cách giúp chúng ta nhìn/hiểu rõ hơn về chính mình, để có được lựa chọn đúng đắn/phù hợp cho đất nước, dân tộc trong tương lai.

Chúng tôi xin lần lượt đăng tải những câu trả lời đã nhận được.

Dưới đây là trả lời của nhà văn Trần Mộng Tú, hiện sống ở Hoa Kỳ.


(Từ các câu hỏi gợi ý của Văn Việt:

-Ký ức tuổi thơ nào đã ảnh hưởng lên cuộc đời của anh/chị?

-Ngày nhỏ anh/chị có mơ lớn lên sẽ làm gì? Ở tuổi thành niên, anh/chị đã thực hiện được bao nhiêu % mong muốn? Con người hiện nay của anh/chị khác biệt với hình ảnh mong muốn ra sao, cả về mặt cá nhân và mặt xã hội? Anh/chị có muốn “thay đổi” gì trong những việc đã làm?

-Nhân sinh quan/thế giới quan của người Việt là gì, theo anh/chị? Nó đã chuyển biến thế nào theo tình hình đất nước trong từng giai đoạn?

-Theo anh/chị, lịch sử Việt Nam có gì đáng tự hào và có gì đáng hối tiếc?

-Cái gì hay nhất và dở nhất trong tính cách người Việt? Cái cần nhứt cho con người Việt hiện nay là gì? Làm sao để thay đổi theo chiều hướng tốt hơn?

-Anh/chị đang nghĩ/hy vọng gì về tương lai người Việt/nước Việt?”.

TRAN MONG TU (1)

*Đã hơn bốn mươi năm rồi, từ ngày sống xa quê hương, tôi hay lang thang trong thành phố nơi tôi đang cư ngụ vào những ngày cuối năm. Dù đã thay đổi chỗ ở đôi ba lần, nhưng cuối năm ở bất cứ nơi nào cũng có một cảm nghiệm giống nhau, cái cảm nghiệm của một người xa xứ, và ở tuổi nào cũng muốn ngoái đầu nhìn lại quê nhà.

Thú thật, đôi khi sao thấy mình giỏi thế, kinh qua nhiều chuyện thế, đi xa thế, thay đổi nhiều thế! Để rồi tự ngậm ngùi chấp nhận và hàm ơn con đường Thượng Đế đã xếp đặt cho mình.

Trưởng thành trong chiến tranh, nhưng tôi may mắn được giáo dục trong một phần đất nước lương thiện, tử tế. Ở nhà được cha mẹ, tới trường được thầy cô dạy dỗ uốn nắn hạnh kiểm từ thời mới cắp sách đến trường học lớp vỡ lòng. Môn Công Dân Giáo Dục là môn quan trọng nhất trong các môn học.

Tôi không có ao ước quá nhiều ở tuổi trẻ, nhưng tôi yêu và tiếc những gì tôi đã có, dù đó là hạnh phúc hay bất hạnh. Tôi yêu cả cái bất hạnh của mình, vì chính trong bất hạnh đó tôi cũng thấy một cái gì thật đẹp, phải chăng đó là dấu tích của tuổi trẻ, là vết chàm thời chiến để lại.

Ở tuổi ngoài bảy mươi, khi đứng ở bờ bên này nhìn sang bờ bên kia, tôi không nhìn thấy cá nhân mình nữa. Tôi nhìn thấy dân tộc tôi hiển hiện rõ hơn, thấy thương cho đất nước và người dân mình quá đỗi.

Đất nước thanh bình, hết súng đạn rồi, nhưng sự thật người dân nói chung có được hưởng cái phúc lộc đó không? Vẫn bao nhiêu bất công hàng ngày diễn ra, giữa những từng lớp xã hội trong một đất nước Thanh Bình, Thịnh Vượng, Dân Chủ. Tất cả chỉ là khác biệt giữa đảng viênkhông phải đảng viên.

Thế hệ trẻ dần băng hoại vì không được hướng dẫn lương hảo, làm đủ cách để hưởng thụ hay sinh tồn bất chấp đạo đức, trong khi đó các thành phần lãnh đạo cộng sản từ trên xuống dưới chia nhau ơn trời lộc nước. Sống chết mặc con dân. Công hữu hóa tài sản của xã hội chỉ để dồn vào túi một số người. Họ chia chác phân phát cho nhau, đất nước cứ bán dần từng mảnh.

Không ai nghĩ đến hướng dẫn giới trẻ, họ lớn lên như cỏ dại mọc chen lấn trên đồng lúa, làm hại mùa màng. Có ai làm ơn cứu họ không? Các bậc “đầy tớ” của dân ở đâu, có đọc những bản tin cháu giết bà lấy vài chục ngàn để mua thuốc lắc, để chơi game điện tử. Tuổi trẻ thời xã hội chủ nghĩa có thể nhân danh nghèo khó để làm tất cả mọi chuyện xấu, ngay cả chuyện giết người trong gia đình, hay ra nước ngoài ăn cắp, ăn trộm, buôn lậu, lừa đảo… Và đau buồn hơn nữa, họ đua nhau bỏ nước ra đi dưới bất cứ phương tiện, hình thức nào. Hậu quả này có phải đã xuất phát từ sự chênh lệch giầu nghèo trong xã hội quá rõ ràng.

Chao ôi…

Đến bao giờ Bộ Giáo dục của Việt Nam xã hội chủ nghĩa mới chịu hiểu, giáo dục lương hảo cho thế hệ trẻ là điều tối quan trọng cho đất nước, vì có được giáo dục như vậy, những đứa bé mới trở thành những công dân lương thiện khi chúng lớn lên.

Đào tạo một thế hệ trẻ Việt Nam lương hảo phải là mối quan tâm lớn nhất đối với những người yêu nước bây giờ.

Đã tới lúc những nhà lãnh đạo cộng sản cần thức tỉnh, áp dụng dạy dỗ triết lý của triết gia Lý Đông A cho thế hệ trẻ “Nuôi tâm sinh thiên tài, nuôi trí sinh nhân tài, nuôi thân sinh nô tài”.

Thời kỳ khủng hoảng hậu chiến đã kéo dài hơn 40 năm, đủ quá rồi.

Người Việt lẽ nào lại muốn con cháu chúng ta tất cả đều biến thành “nô tài” mãi hay sao?

Comments are closed.