Năm 2020 mở ra với một biến cố chấn động: cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm của lực lượng vũ trang Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng 1. Nó đã giết chết người nông dân/cựu binh Lê Đình Kình, khi cụ đang ở trong nhà mình.
Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu? Đâu là con đường đúng để cả trăm triệu người Việt tự cứu lấy mình?
Văn Việt xin mời các anh chị tham gia cuộc trò chuyện về Người Việt, như cách giúp chúng ta nhìn/hiểu rõ hơn về chính mình, để có được lựa chọn đúng đắn/phù hợp cho đất nước, dân tộc trong tương lai.
Chúng tôi xin lần lượt đăng tải những câu trả lời đã nhận được.
Dưới đây là trả lời của nhà văn Khuất Đẩu.
Trước hết, xin chân thành cảm ơn Văn Việt đã có nhã ý cho phép tôi được tỏ bày đôi chút tâm tình với tư cách của một người cầm bút ngoài lề.
Tôi sinh năm 40 của thế kỷ trước, thế kỷ chưa chữa lành vết thương của cuộc thế chiến thứ nhất, đã lại bước vào thế chiến thứ hai, với những cuộc tàn sát khốc liệt hơn, ngu xuẩn hơn. Đến nỗi nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã phải kêu lên: “Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ!”. Chẳng những lầm thế kỷ, mà còn lầm cả cái xứ sở gọi là quê hương này.
Đúng vậy, chưa có đất nước nào trong thế kỷ 20 chịu nhiều đau khổ vì chiến tranh như nước Việt Nam. Hết thế chiến, đến nội chiến. Ngoài việc giết nhau bằng súng đạn, bằng mưu mô chinh trị, người ta còn giết nhau bằng tư tưởng, lập trường. Đến bây giờ, những người già chưa chịu chết như tôi, vẫn còn sợ những tiếng Cu dê đê (Quốc dân đảng), tạch tạch sè (tiểu tư sản), địa chủ…, và ngay lúc này đây là sáu chữ không vàng: Thế lực thù địch phản động. Vướng phải mấy chữ đó, coi như tàn đời, không chỉ riêng mình mà đến cả đời con đời cháu.
Tuổi thơ tôi bị giày xéo trong cái thời gọi là cộng sản sơ khai, thời mà bạn tôi ở Bạc Liêu thấy những xác người trôi đầy trên sông Hậu, còn tôi thì thấy địa chủ bị bắt quỳ trên mẻ chai, rồi bị nhét trong giỏ đựng mạ, dìm xuống sông.
Hỏi rằng có mơ ước gì không? Có chứ, nhưng những mầm xanh hy vọng nào vừa mới nhú lên cũng bị chà đạp một cách tàn nhẫn. Giống như trong cái lò cừ của Nguyễn Gia Thiều, tất cả đều “Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”!
Nguyễn Tuân bảo ông sống được là nhờ biết sợ. Tôi nghĩ còn hơn thế nữa, phải biết làm con giun giấu mình trong đất mới khỏi phải bị xéo.
Chỉ một bài thơ khóc vợ mà Hữu Loan đã phải thồ đá một đời. Chỉ một đôi mắt “dìu dịu buồn Tây phương” mà Quang Dũng suốt bao nhiêu năm không biết đến mùi thịt, để rồi khi được mời một bát phở, ngồi mãi không dám ăn. Và còn biết bao người nữa…
Như Lộc Vàng, chỉ vì yêu những bài hát của Đoàn Chuẩn mà bị tù đến những 10 năm.
Hỏi có đất nước nào mà con người bị đày đọa tận cùng như ở những nước cộng sản?!
Nhưng dù có thế nào, tôi cũng vẫn tự hào mình là người Việt Nam.
Không phải tự hào vì vừa đoạt huy chương vàng SEA GAMES bóng đá Đông Nam Á. Cũng không tự hào vì đã đánh Mỹ thay cho Liên Xô và Trung Quốc. Mà tự hào vì sức chịu đựng bền bỉ của dân tộc.
Chỉ hơn nửa thế kỷ mà đã có đến những năm cuộc chiến tranh. Nào đánh Pháp, đuổi Mỹ, nào “giải phóng” miền Nam, nào đánh Pôn Pốt ở biên giới Tây Nam, đánh xâm lược ở sáu tỉnh biên giới phía Bắc và giờ chống cái lưỡi bò dài thoòng của Tập Cận Bình ở biển Đông.
Tự hào vì một đất nước mà các cấp lãnh đạo hết sai lầm này đến sai lầm khác; trước những kẻ thù nham hiểm, nước vẫn không bị mất.
Không phải vì thiếu những kẻ bán nước như Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc, cũng không phải vì kẻ thù không đủ mạnh. Mà vì lịch sử đã từng có những Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo; có Quang Trung Nguyễn Huệ chỉ trong năm ngày đêm đã quét sạch khỏi bờ cõi hai mươi vạn quân Thanh, và chỉ trong một buổi chiều đã nướng chín hai vạn quân Xiêm ở Rạch Gầm Xoài Mút.
Và rồi lịch sử cũng sẽ được viết tiếp bởi những hậu Trần Hưng Đạo, hậu Quang Trung…
Chẳng những tự hào mà còn thương đến đứt ruột sự chịu đựng của những con người bị bóc lột đến cùng kiệt, những nông dân bị cướp mất đất, những tài xế bị BOT chặn đường mãi lộ, những em bé như người tiền sử ở Lai Châu, Sơn La…
Thương quá dân tộc tôi, một dân tộc xứng đáng được sống trong hòa bình, trẻ con đi học không mất tiền, người già có bảo hiểm xã hội… mà giờ đây phải chui trong thùng xe đông lạnh kiếm ăn trên xứ người đến nỗi chết cứng!
Vì sao, một đất nước giàu tài nguyên và xinh đẹp, một dân tộc kiên cường bất khuất không thiếu những kẻ tài giỏi lại đứng cuối bảng xếp hạng của thế giới?
Vì sao một văn đoàn như Văn Việt mỗi lần trao giải là bị rượt đuổi ngăn chận, vì sao cầm bút mà phải đứng ngoài lề?!
Phải chăng, nước không bị cướp vì kẻ thù cho dù hùng mạnh đến đâu, mà bị cướp bởi một nhúm người gọi là lãnh đạo. Cũng như người cày bị cướp mất ruộng, chúng ta bị cướp mất tự do.
Vậy thì, có tự do là sẽ có tất cả.
Đó là một cuộc chiến đấu bền bỉ, không chỉ thế hệ này mà còn tiếp nối bởi các thế hệ của tương lai.
Ngày xuân, sức manh của mỗi người như được nhân lên, niềm tin cũng vậy.
Tôi tin rằng, cái tự do mà Vũ Văn Hiển gọi là con cặc, sẽ không phải buồn thiu như trong cái nhìn của Phạm Thị Hoài.