Phạm Thanh Nghiên: TRÒ CHUYỆN VỚI TS NGUYỄN XUÂN DIỆN

TS. Nguyễn Xuân Diện:

Xốc lại Tinh thần Dân tộc để cứu Dân tộc

Phạm Thanh Nghiên’s Blog

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện sinh năm 1970 tại Làng cổ Đường Lâm, xứ Đoài, một ấp sinh hai vua là những vị anh hùng dân tộc đó là Ngô Quyền và Phùng Hưng.

Nguyễn Xuân Diện tốt nghiệp ngành Hán Nôm, ĐH Tổng hợp HN năm 1992; bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 2007 về đề tài Ca trù. Đây cũng là luận án Tiến sĩ đầu tiên về Ca trù tại Việt Nam.

Từ sở học và hiểu biết của mình, TS Nguyễn Xuân Diện đã cất lên tiếng nói phản biện về nhiều mặt trong đời sống văn hóa nước nhà, về văn hóa ứng xử của các cơ quan công quyền, về văn hóa lễ hội, văn hóa chính trị, về việc hiểu sai lệch và lợi dụng văn hóa truyền thống để mưu lợi riêng, về trùng tu di tích sai quy cách làm hỏng di sản của tổ tiên. Ông tham gia phản biện với tinh thần “tự nhiệm” và đầy kiêu hãnh của kẻ sĩ. Ông hầu như không vắng mặt trong các cuộc biểu tình ôn hòa tại Hà Nội từ năm 2011 đến nay để bày tỏ lòng yêu nước, phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh gây hấn trên Biển Đông, tranh đấu cho sự vẹn toàn lãnh thổ; hoặc các cuộc biểu tình bảo vệ cây xanh Hà Nội, bảo vệ biển Miền Trung mới đây.

TS. Nguyễn Xuân Diện là chủ trang Blog với hàng chục ngàn lượt truy cập mỗi ngày với tin bài phong phú, cập nhật, trung thực và khách quan, là nơi bạn đọc khắp trong và ngoài nước gửi gắm niềm tin tưởng và quý mến.

Mới đây, ông đã tự ra ứng cử đại biểu Quốc hội với mong muốn đem trí tuệ và tâm huyết để thực thi “quyền lực” của một đại biểu Quốc hội trước các vấn đề lớn của đất nước hôm nay. Rất tiếc là đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Mặt trận – một tổ chức ngoại vi của đảng đã loại ông ngay sau vòng hiệp thương thứ 2.

Phạm Thanh Nghiên có dịp trò chuyện cùng tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện để thảo luận về một đề tài – rất tiếc, không nhiều người quan tâm, nhưng lại là vấn đề sống còn của mỗi quốc gia: Văn hóa và tinh thần dân tộc.

Phạm Thanh Nghiên (P.T.N): Thưa tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, xin cảm ơn ông đã vui lòng cho phép chúng tôi thực hiện cuộc trò chuyện hôm nay.

Thưa ông, là một nhà nghiên cứu về Hán Nôm, về văn hóa và lịch sử, xin ông cho biết một cách khái quát về sự ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc đối với nước ta như thế nào trong suốt chiều dài lịch sử ?

TS. Nguyễn Xuân Diện (N.X.D): Trước hết xin cám ơn cô Thanh Nghiên đã hỏi đến tôi, và lại hỏi về một vấn đề mà tôi có chút hiểu biết, có quan tâm.

Về ảnh hưởng của văn hóa Phương Bắc, mà ở đây là văn hóa Trung Hoa, thì đây là vấn đề thuộc về quy luật. Các nền văn hóa lớn, lâu đời luôn ảnh hưởng lớn mạnh và sâu rộng ra chung quanh nó. Văn hóa Trung Hoa do vậy, có sức ảnh hưởng ghê gớm tới chung quanh. Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam trong lịch sử đều chịu ảnh hưởng rất sâu đậm văn hóa Trung Hoa. Sự ảnh hưởng này đến mức người Âu Mỹ đến Hàn, Nhật, Việt đều cho họ cảm giác đang ở Trung Quốc. Một trong những ảnh hưởng lớn nhất, mang tính quyết định là ảnh hưởng của chữ Hán đến các nước vừa kể, và từ đó người ta gọi chung các nước có sử dụng chữ Hán là các nước trong khối “chữ vuông”(tức là chữ Hán, vì mỗi chữ được trình bày trong một ô vuông).

Chữ Hán là một văn tự lâu đời, và từ chữ Hán đã làm xuất hiện những đỉnh cao của văn hóa Trung Hoa và thế giới như: Sở từ, Hán phú, Đường thi, từ Tống, tiểu thuyết Minh Thanh, nghệ thuật thư pháp…

Do điều kiện lịch sử, chữ Hán đã được truyền từ Trung Quốc sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, rồi từ đó lại tiếp tục được sinh sôi tạo nên các chữ viết mới mà chữ Nôm của người Việt Nam là một ví dụ (chúng ta có chữ Nôm – Việt, chữ Nôm – Tày, chữ Nôm – Dao…). Ngôn ngữ Hán văn khi truyền sang Việt Nam, đến nay vẫn còn giữ được âm đọc từ thời Đường, giàu có về âm sắc và thâm trầm về ý nghĩa. Cách sử dụng và cách đọc chữ Hán của người Việt tạo nên từ Hán Việt rất riêng của Việt Nam và từ đó dòng văn học chữ Hán và dòng văn học chữ Nôm hình thành và phát triển, tạo nên các tác phẩm và tác gia văn học lớn.

Với hàng nghìn năm Bắc thuộc, dân tộc Việt Nam đã bị áp đặt hoặc tự áp đặt cho mình một mô hình nhà nước theo mẫu của Trung Hoa. Từ chính trị, ngoại giao, nghi thức, âm nhạc, văn chương, kiến trúc, y dược, tôn giáo…đều ảnh hưởng rất nặng nề và nhiều khi rập khuôn từ Trung Hoa. Đó là điều khó tránh khỏi!

P.T.N:  Thưa ông, vậy cha ông chúng ta có chống lại hoặc phản kháng sự áp đặt văn hóa của người Phương Bắc. Và ông lý giải thế nào về sức đề kháng của văn hóa Việt trước sự xâm lăng của văn hóa Tàu?

N.X.D:  Đúng rồi! Trong lịch sử, cứ mỗi lần có một triều đình, một nhà nước chủ trương xa rời và “ly khai” với ảnh hưởng Trung Hoa thì khi ấy tinh thần phi Hoa, giải Hoa mạnh mẽ lan tỏa trong lòng xã hội, và khi ấy đất nước được độc lập thực sự, văn hóa và tư tưởng khai phóng và nhiều thành tựu.

Thời đại Lý – Trần (thế kỷ XI – XIII) nước Đại Việt học mô hình chính trị Trung Hoa, nhưng có nhiều sáng tạo, nhiều thành tựu, nhiều thành công là bởi vì Lý – Trần là thời đại của ĐA NGUYÊN và Khai phóng.

Đa nguyên về chính trị (các thủ lĩnh tôn giáo Nho – Phật – Lão được vua mời vào cung bàn chính sự và tham khảo kế sách). Đa nguyên về tôn giáo (Nho – Thích – Đạo tịnh hành, cùng phát triển);  Đa nguyên về văn hóa (Văn hóa Lý – Trần tiếp thu từ Trung Hoa – Ấn Độ và Chàm).

Chính Đa nguyên và Khai phóng khiến cho thời đại Lý Trần trở thành một thời đại thịnh trị, rực rỡ võ công, văn trị, được coi là một thời đại hoàng kim trong lịch sử trung đại Việt Nam.

Tóm lại, ảnh hưởng về văn hóa của Trung Quốc đối với ta là tất yếu. Nhưng tự thân sự ảnh hưởng này đã bao gồm sự tương tác qua lại, và sự tiếp biến văn hóa (tức là làm mới, làm khác). Chữ Nôm, thơ Nôm song thất lục bát, ẩm thực, ăn vận, điêu khắc đình làng…là những sáng tạo đặc biệt, riêng khác và độc lập với văn hóa Trung Hoa. Chính nhờ đó mà văn hóa Việt Nam giữ được bản sắc riêng, và tạo nên sức đề kháng và sức mạnh nội sinh mà văn hóa dân tộc ta không bị đồng hóa, thôn tính. Tức là có lúc mất nước, nhưng không mất văn hóa.

Về thể chế, nếu triều đại nào có vua sáng, tôi hiền thì biết vực cả nước đứng lên độc lập, đối thoại với Trung Hoa không chỉ biên cương, bờ cõi mà còn cả về văn hóa, phong tục và ngôn ngữ. Thời đại Lý Trần thế kỷ XI – XIII và thời đại Lê – Trịnh thế kỷ XVII – XVIII là ví dụ. Thời Nguyễn thì ta rập khuôn theo Tàu, thậm chí còn “Tàu hơn cả Tàu” nữa, vì vua lú, tôi ngu nên đất nước mất vào tay thực dân Pháp.

P.T.N: Có nhiều ý kiến cho rằng, kể từ khi đảng CSVN lên cầm quyền thì người Việt chúng ta đã trở nên lạc hậu về văn hóa và sa sút về tinh thần- cái tinh thần dân tộc vốn là niềm kiêu hãnh của chúng ta suốt chiều dài lịch sử. Tiến sĩ nghĩ sao về ý kiến này?

N.X.D:  Thưa cô, người cộng sản thì vô thần, và tinh thần dân tộc thì đặt dưới tinh thần quốc tế vô sản. Vô thần thì đền chùa, đình miếu, nhà thờ họ … phải đập bỏ vì tôn giáo và tín ngưỡng là “thuốc phiện” của nhân dân lao động. Tinh thần quốc tế vô sản học theo Trung Quốc và dưới sự bảo kê của Liên Xô nên mới có cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất.

Cuộc cải cách ruộng đất tại miền Bắc để lại hậu quả vô cùng lớn đối với văn hóa cố truyền khi chính quyền hô hào đạp đổ tầng lớp địa chủ và trí thức cũ, quét bỏ những “tàn dư phong kiến”. Về mặt văn hóa thì nhiều sách vở chữ Nho và chữ Nôm, hoành phi, câu đối của những gia tộc quyền thế bị đốt, đình, chùa, đền, miếu bị hủy hoại. Về giá trị truyền thống thì quan hệ trong nhiều gia đình, xóm giềng bị phá vỡ do những cảnh con cái tố khổ cha mẹ, láng giềng làm hại lẫn nhau khiến đạo lý cổ truyền suy sụp. Về nòi giống thì 220 ngàn người bị chết hoặc mất tích trong cải cách ruộng đất, sau các cuộc đấu tố tàn độc. Họ là những ai? Họ chính là những cá thể có trí tuệ và giàu kinh nghiệm trong việc làm giàu. Các cá thể ấy được như vậy là do họ được di truyền trong những dòng giống khoa bảng, những gia tộc nền nếp gia phong. Nghe theo Trung Quốc thực hiện cải cách ruộng đất là tiếp tục thực hiện chủ trương “trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ” do Tổng bí thư Trần Phú (lúc 26 tuổi) đề ra, tiêu diệt hết tầng lớp tinh hoa, ưu tú của dân tộc.

Cảnh đấu tố ấy, mấy năm gần đây cơ hồ quay lại, với việc đấu tố cô Nhã Thuyên, đấu tố các ứng viên đại biểu Quốc hội, và gần đây nhất là đấu tố MC Phan Anh…

Tiêu thổ kháng chiến chống Pháp 9 năm đã khiến người dân đốt cháy biết bao đình chùa đền miếu, mà mỗi một di tích như vậy lại không đơn giản chỉ là một hiện vật bảo tàng, mà xung quanh đó, hàng ngày, hàng giờ vẫn diễn ra các sinh hoạt tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Vì vậy, nó chính là một bảo tàng sống động về văn hóa. Chúng ta mất bao nhiêu di sản khi lệnh “tiêu thổ kháng chiến” được ban ra?

Và rồi ngay sau đó là hợp tác hóa nông nghiệp. Người ta hùng hổ phá bỏ đền chùa, đình miếu, lấy hoành phi, câu đối làm bàn ghế, lấy bia đá để đập lúa, bắc cầu, v.v… Bài học cay đắng đó, đến nay còn hằn in trong ký ức nhiều người!

Nhưng, đã có người thấy hân hoan khi chùa lớn, tượng to, nhà thờ khủng đang được xây dựng lại khắp nơi từ nam chí bắc. Xin thưa, những nơi to lớn ấy như Bái Đính, Đại Nam Lạc cảnh nơi thì như bản sao của Tàu, nơi thì quá phô trương, kệch cỡm, khác xa truyền thống Việt.

Cách đây 10-15 năm, một số người giàu có kết hợp với các quan chức coi việc trùng tu hoặc nâng cấp mở ra các chùa chiền đấy là cách làm ăn của họ. Điều này có thể thấy ở tất cả các nơi, các tỉnh đều mở ra các khu du lịch tâm linh như thế, mà thực chất đằng sau nó là việc kinh doanh. Họ chỉ mượn các vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng để kinh doanh, đây là mối lợi béo bở giữa các thế lực chức sắc tôn giáo, các doanh nghiệp giàu có và các quan chức từ trung ương đến địa phương. Ba thế lực chân vạc này nó tạo nên những cái khu du lịch Bái Đính ở Ninh Bình và Đại Nam Lạc Cảnh ở Bình Dương và sắp tới đây là khu tháp Phật ở Thái Nguyên…

….

P.T.N: Còn các di sản phi vật thể thì sao, thưa ông?

N.X.D:  Xin đơn cử về lễ hội. Xuất hiện cả một phong trào sân khấu hóa lễ hội, đã làm biến dạng và tha hóa các giá trị của lễ hội. Nhiều lễ hội làng, vốn có qui mô nhỏ bé đã được phù phép thổi phồng của các “chuyên gia văn hóa” thành các lễ hội lớn, hoành tráng, thu hút sự quan tâm của hàng vạn người. Lại có những lễ hội thuần túy là lễ hội tín ngưỡng địa phương, nhưng nay được biến thành các lễ hội mang tính chất quốc gia.

Nước ta đang dấy lên chuyện tâm linh, nhưng toàn cổ xúy cho những lệch lạc, mê lầm.

Đáng lẽ đền Trần là nơi giáo dục hào khí Đông A và tinh thần yêu nước thì thành ra nơi cổ xúy chuyện ấn triện, thăng tiến và lợi lộc, mua quan bán chức. Ấn đền Trần Nam Định, Thái Bình, rồi ấn Hoàng thành Thăng Long, và vừa rồi là ấn đền Lý Thường Kiệt ở Thanh Hóa nữa.

Đáng lẽ đền Trần Thương, đền Bà Chúa Kho là nơi giáo dục tinh thần tận tụy và liêm chính, trách nhiệm với kho dự trữ của nhà nước thì thành ra nơi mặc cả vay mượn, mua bán quàng xiên.

Đáng lẽ lễ Tịch điền, đàn Xã Tắc là nơi giáo dục lòng biết trọng nông thuần phác thì lại thành ra nơi lòe loẹt, cờ đèn kèn trống.

Lễ hội đang dẫn cả dân tộc này đi lạc đường! Dân ta đang được dẫn vào bến lú sông mê. Và nhà cầm quyền không giải được các bài toán hiện tại, bất lực, đành để cho dân xuống con thuyền lễ hội và tín ngưỡng đi vào bến lú sông mê, quên hết …quên hết…

P.T.N:  Thưa Tiến sĩ, nếu cần lựa chọn một sự kiện thời sự cụ thể để “định hình” tinh thần Việt, tôi nghĩ đó là sự kiện Formosa. Liệu người dân VN có đủ sức để đẩy lùi thủ phạm gây ra nạn ô nhiễm môi trường mà hậu quả của nó ảnh hưởng lâu dài đến tương lai chúng ta và nòi giống Lạc Hồng?

N.X.D: Cô làm tôi giật mình trở về với thực tại rồi đấy! Vụ Formosa là một thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, về quy mô cũng như về mức độ và tầm vóc của vấn đề. Tôi chưa xét đến di họa Formosa dưới góc độ môi trường, kinh tế, mà chỉ nói về văn hóa thôi, cũng đã thấy nó khủng khiếp thế nào!

Nó ảnh hưởng đến văn hóa và công nghiệp du lịch của 4 tỉnh miền Trung, với hàng chục bãi biển đẹp và hàng triệu người dựa vào đó để sống. Giống nòi Việt Nam sẽ ra sao? Sẽ có bao nhiêu trẻ con đẻ ra sau những tháng năm này sẽ bị ảnh hưởng, còn hơn cả ảnh hưởng từ chất độc màu da cam. Người dân ngay bây giờ đã bị phù nề, lở loét mà mạng xã hội mấy hôm nay đã đưa hình ảnh.

Cá chết, biển chết. Ngư dân trở thành người đi xuất khẩu lao động. Biển chết và bị bỏ trống, biển vô chủ vì thiếu vắng những “cột mốc sống”.

500 triệu đô la Mỹ mà Chính phủ loan báo là Formosa bồi thường, đến nay ai đã trông thấy đồng nào? Có lẽ là Chính phủ và các bộ ngành cũng chưa dám thò tay nhận những đồng tiền này, vì mấy nhẽ: Thứ nhất: Dựa vào đâu, dựa vào đánh giá nào và căn cứ pháp lý nào để nhận số tiền đó. Nhận sẽ bị Formosa kiện thẳng thừng, và khi ấy chính phủ Việt Nam có đủ mo nang để che mặt không?; Thứ nhì: Cầm số tiền đó mà bán cả mấy trăm cây số biển Miền trung, là nồi cơm của hàng chục triệu con người, mà mạng sống của họ hiện nay còn chưa biết là sẽ ra sao, vì chất độc còn chưa phát tác ra thành ung thư, dịch bệnh, thương tật… thì có xứng và có dám cầm không?

Tóm lại, mệnh lệnh của tổ tiên chúng ta là hãy giữ cho bằng được di sản của tổ tiên. Không có một món tiền nào có thể mua được sinh mệnh của mấy chục triệu người con đất Việt dải đất miền Trung. Không có một nhà máy thép nào có thể cho hàng triệu ngư dân cuộc sống như là biển cả.

Vì vậy, chắc chắn người dân Miền Trung sẽ khước từ mấy triệu đồng gọi là bồi thường của Formosa vì cái họ cần là biển sạch, là tôm cá đầy khoang mỗi khi thuyền về bến. Và như vậy chỉ có cách là phải yêu cầu chính phủ Việt Nam đóng cửa và chấm dứt hoạt động của Formosa, yêu cầu Formosa phục hồi các miền biển chết cho đến khi trở lại bình thường.

P.T.N:  Thưa Tiến sĩ, xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện hôm nay. Mong lại có dịp được gặp gỡ ông trong các chủ đề khác. Xin chúc ông dồi dào sức khỏe và bền chí trong công cuộc giữ gìn văn hóa dân tộc

Comments are closed.