Phỏng vấn nhà văn Cung Tích Biền (kỳ 4)

Phạm Viêm Phương thực hiện

[bốn kỳ]

Kỳ IV.

Việc cầm bút, Cái-viết-ra, cũng là một Trả-Lời.

Sự cần thiết của việc nghiên cứu, phê bình trong văn học, tôi nghĩ rằng, “Một tác phẩm được một tác giả viết ra, mới là người đi… một chân rưởi, lúc được nhà phê bình ra tâm nghiên cứu, bình giải, là lúc đi đủ… cả hai chân. Độc giả đến với những tác phẩm lớn, cần một tầm cao tiếp cận, đều phải cần một ‘cây đèn bấm’. Đèn bấm ấy là nơi nhà phê bình”.

Phạm Viêm Phương: Riêng ông, mấy năm rời xa Việt Nam có khiến ông hụt hẫng như bị cắt khỏi nguồn chất liệu sống như nguyên liệu không thể thiếu cho sáng tác (như thần Antaeus mất sức mạnh khi rời khỏi mặt đất của mẹ hắn là nữ thần Đất Gaia) không? Nếu có thì ông vượt qua cảnh này như thế nào?

Cung Tích Biền: Hỏi rằng “…rời xa Việt Nam có khiến ông hụt hẫng như bị cắt khỏi nguồn chất liệu sống như nguyên liệu không thể thiếu cho sáng tác…”, thì tôi chưa hiểu hết, hoặc có thể hiểu lầm, giữa “chất liệu sống”, và chất liệu “sống”.

Tôi hiểu, “chất liệu sống” là cái luôn xảy ra trong đời sống; chất liệu “sống”, cũng là những tương tác ấy, nhưng mình được trực tiếp tham dự không qua chế biến. Thịt sống là thịt chưa qua nấu nướng. Tiền tươi [sống], là tiền mặt đưa trực tiếp tay trao tay, không thông qua chi phiếu, hoặc chuyển qua trương mục ngân hàng của nhau. Chất lượng “sống”, là cái trực tiếp nhìn thấy, trực tiếp tham dự, không thông qua các hình thức kể lại, tường thật hình ảnh.

Trong một thế giới “ảo” của hôm nay, mọi thông tin đều được toàn cầu chia sẻ trong từng phút giây, rất chi tiết, rất rõ thật qua từng lời nói, hình ảnh, từng con số. Tại Việt Nam, người hâm mộ có thể xem trực tiếp một trận bóng đá bên tận xứ Âu châu, Nam Mỹ, chỉ vài giây ngay sau khi trái bóng lăn trên sân. Bất kỳ một nơi nào trên trái đất cũng có thể theo dõi từng giờ con virút corona tác hành như thế nào, số người nhiễm bệnh, số người chết, thậm chí giá một cái khẩu trang nơi nào tăng cao nơi nào vẫn giữ nguyên giá bán. Bất cứ tình tiết, tình hình gì ở trong một nước, người nước ngoài vẫn có nhiều phương cách, phương tiện, kênh thông tin, để theo giỏi sát rạt. Như thế, người cầm bút chẳng mất đi đâu, “nguồn chất liệu sống, như nguyên liệu cho sáng tác…”.

Những gì cần biết về một sự vụ thì hãy còn nguyên đó. Chỉ thiếu một tác động quan trọng, nòng cốt nhất cho một nhà văn, là “chứng nghiệm tại chỗ”, chất liệu “sống”, mà thôi. “Mất đi cái trực tiếp, cái sức nóng va chạm thời sự tại hiện trường”, là mất đi một nửa cảm hứng, sức viết, mặc dù văn chương có là trên nền của một phần hư cấu. Ngồi ngay chỗ khán đài xem một cuộc đấu võ, một trận bóng đá, chất liệu “sống”, hẳn khác xa với khi xem tường thuật, sau đó.

Chạm một vết thương của một người thân yêu, nhìn rõ dòng máu đang chảy, sờ vào máu đỏ, máu thấm đầu ngón tay mình, cảm xúc ấy, sự chia sẻ ấy, là rất khác khi từ xa, khi sau đó, mới được xem qua một lá thư kể lể cảnh tình, hay một đoạn clip vidéo quay vội.

Nói gọn, một người cầm bút, là phải tham dự; viết lại cái-mình-đã-có-mặt. Phải là kẻ trực kiến, từng chứng nghiệm. Những nhà văn khi thoát ly ra khỏi nước, viết được những tác phẩm lớn, chẳng phải chỉ do rặt tưởng tượng, thuần hư cấu, mà cốt căn tiên khởi, là chính họ phải/bị/đã từng là người-có-mặt.

Sống tại Việt Nam, cõi Quê nhà, mới viết thấu những gì từ Quê hương.

Ra Đi, sự hụt hẫng đeo đẳng, có thể là vậy.

Người cách xa quê nhà lâu ngày, dần dà quên đi sự mệt mỏi đương đầu tại chỗ; bị tiêu triệt sự mơ tưởng một cuộc đào thoát cái địa ngục khốn cùng, một tác động sống còn. Có thể, đã nói,“Nơi nào có tự do, nơi ấy có quê hương”.

Đương nhiên tôi tôn trọng mọi phát biểu, nhưng tôi xin phép được hiểu theo quan điểm của tôi, về phát biểu trên. Quê hương, như thế, đã như một điều kiện sống. Nơi nào tôi có tiền của, tôi có nhà cửa, có hạnh phúc.

Bấy giờ, Việt Nam-Quê hương, chỉ là một nơi cư ngụ bình thường, như từng cư ngụ trên đất Pháp, đất Mỹ, chẳng một phút băn khoăn nào về sự mất mát, xa lìa. Mẹ đẻ ra, lần chôn nhau cắt rốn sẽ được xem là bình thường, chỉ là nơi xảy ra một sự kiện, như một dịp lãnh văn bằng tốt nghiệp thời du học, mà thôi.

Quê hương, bấy giờ, không là nơi an nghĩ tổ tiên, chẳng là nơi dấu máu, mồ hôi của lịch sử, của vi diệu vô hình, từ đó anh có bộ gen truyền nòi.

Nghĩ vậy, Việt Nam, cho cùng, chỉ là một cái tên trên bản đồ, để xác định vị trí một lãnh thổ. Như một con người phải là Y hay Z. Thông minh, ngu đần, cũng là nó. Lành mạnh hay què cụt, đau nằm liệt giường đời sống thực vật, cũng là nó. Việt Nam chống nạng, Việt Nam tâm thần, cũng là Việt Nam, một cái tên mà thôi.

“Nơi nào có tự do nơi ấy quê hương tôi”, một cuộc bức tử Việt Nam – Quê hương ra khỏi nhau. “Việt Nam quê hương tôi”, đã hoàn toàn vô nghĩa.

Phạm Viêm Phương:Vậy thưa ông, mặt trái của câu trả lời là thế nào?

Cung Tích Biền: Trong câu hỏi của anh có cụm từmặt đất của mẹ hắn”. Tôi hiểu là, “Đất Mẹ”. Nếu gọi là Đất Mẹ, ta sẽ nhận ra một cái Thương-nhớ-đáng-rùng-mình. Cuộc rùng mình rung chuyển tâm linh. Nó nấu nhuyễn cái thực tế thực dụng, trần trụi thô thiển, cái mừng-vui-cập-nhật của anh, để hiện ra trong anh cái thế-giới-hiển-linh. Khi hô hoán “Đất Mẹ’, âm vang này nó rủ rê ta nghĩ tới “Hồn Nước”. Một trực nghĩ xao xuyến, chạnh lòng.

Ở đây là một chuyển đổi trầm trọng về nội tâm, giữa Tối và Sáng. Giữa Xác-định hay Nghi-hoặc về một thận phận làm người.

Nó đòi hỏi anh, định nghĩa một “từ”, phải đủ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Nghĩa đen thì rõ, nghĩa bóng nơi đâu?

Tôi sống dài lâu, sống giữa đời thực với thằng người có họ tên trong tờ khai gia đình, và sống trong/với những nhân vật bàng bạc tử sinh trong tác phẩm của tôi. Hai “đứa” này đồng cảm, thân thiết cùng nhau. Cả hai, thực-ảo, đang rất bâng khuâng hai cụm từ, Việt-Nam-tôi với Quê-hương-tôi chỉ là một, hay là hai cái-gì-đó khác nhau.

Có khi tôi ở Việt Nam nhưng không nghĩ đây là chốn Quê hương. Tôi và hầu hết nhân vật của tôi trong truyện, ai nấy đều nhận thấy, và đều an phận, “Mình là kẻ tha hương ngay trên quê hương”.

Lại có khi mình đang ở nước nhà, nhưng chừng, đây không phải là Việt Nam?

Trong cái tình yêu thiêng liêng ấy đang ẩn kín một nỗi đau cũng không thiếu chân thành, “Việt Nam hôm nay có phải là Việt Nam của chúng ta?” Một nhạc sĩ trẻ đã gào thét, “Việt Nam tôi đâu?”

Khi than van,“Là kẻ tha hương ngay trên quê hương”, hẳn là hắn đang có một Quê hương? Khi gào thét, “Việt Nam tôi đâu?”, hẳn là đã từng có một Việt Nam? Chỉ Đất Mẹ ấy, nay đang trong cuộc dày vò phân mảnh, vong thân; đã mất dấu vì bị đánh tráo.

“Việt Nam tôi đâu?” Có thể, một hồn thiêng hun hút, xa mờ, nay đành trả lại cho tổ tiên. Có thể, Việt Nam là một nền Cộng Hòa, nay đã 45 cái giỗ kỵ”.

Anh ạ, một tác phẩm văn chương được hình dựng, tác giả ấy không chỉ có giấy mực, một nguồn chất liệu thực tế, và một mớ suy nghĩ đơn thuần trong trí não. Tác giả ấy phải cần mở rộng tưởng thức, tâm linh, phải man mác hóa thân trong cái thế giới diệu tưởng, huệ tâm. “Chúng ta, sống trên Đất Việt, sống cả trong Hồn Việt”.

Phạm Viêm hương: Giang hồ thường nói, người sáng tác vừa cần có vừa khó chịu với nhà phê bình. Như vậy, trong đời, ông thấy thú vị, và thấy thất vọng, nhất với bài viết phê bình hay nhận định nào về tác phẩm của ông? Nếu không tiện nêu tên tác giả hoặc bài viết thì xin ông nói qua nguyên nhân khiến ông có cảm xúc đó.

Cung Tích Biền: Đúng vậy, có một số nhà sáng tác rất “ớn” nhà phê bình. Ngược lại nhà phê bình cũng “hơi bị ớn” nhà sáng tác. Phê bình, chỉ được khen không được chê bai. Ông có là sui gia, là đồng chí, cũng không chơi với ông nữa.

Tôi nghĩ khác, một tác phẩm khi đã được công bố, là một Lên-đường-gió-bụi, khen chê là chuyện bình thường.

Sự cần thiết của việc nghiên cứu, phê bình trong văn học, tôi nghĩ rằng, “Một tác phẩm được một tác giả viết ra, mới là người đi… một chân rưởi, lúc được nhà phê bình ra tâm nghiên cứu, bình giải, là lúc đi đủ… cả hai chân. Độc giả đến với những tác phẩm lớn, cần một tầm cao tiếp cận, đều phải cần một ‘cây đèn bấm’. Đèn bấm ấy là nơi nhà phê bình”.

Đây là nói về sự công minh chính trực giữa đôi bên. Cần thiết một phẩm hạnh, trí lực và ôn hòa khi tới với nhau.

Một nền văn học sẽ chịu nhiều thiệt thòi, một trầm trọng gieo rắc, ấy là lúc thiếu những nhà phê bình tử tế, uyên bác, thông tuệ, công tâm và khách quan khi cầm bút.

Ngoài việc giới thiệu, luận phê, bình giải, soi sáng các ngõ ngách một tác phẩm của nhà văn, nhà phê bình còn là một Mở Đường, để nhà văn thêm cảm hứng, nhiều kinh nghiệm cầm bút, về sau. Ngược lại, với những nhà văn có phẩm hạnh và nghiêm túc, tác phẩm của họ có nội dung tư tưởng, cưu mang sự kiện lịch sử, thể hiện thẩm mỹ thời đại, nhu cầu nhân văn, cũng là một tác động mạnh mẽ khiến các nhà nghiên cứu, phê bình khó làm ngơ. Phải động bút thôi. Không cứ là chỗ thân quen mới áo thụng vái nhau.

Một nền văn học ở thời hoàng kim rực rỡ, sẽ có những nhà văn lớn, có các nhà phê bình tầm cỡ, đúng danh xưng. Họ cùng sống trong mỗi phẩm cách, tôn trọng lẫn nhau; hòa điệu, tương đồng, soi sáng lẫn nhau.

Trong đời văn của tôi có một may mắn. Thời kỳ trước 1975 cũng như sau này, hầu hết các ý kiến ngắn, các bài viết trên các báo, từ các nhà văn, Chu Tử, Võ Hồng, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Du Tử Lê, Phan Huy Đường, Hồ Nam, Lam Kiều, Viên Linh, Khánh Trường, Chu Vương Miện, Trần Tuấn Kiệt, Trần Doãn Nho, Lê Hữu, Nguyễn Vy Khanh, Trần Hoài Thư, Nguyễn Lệ Uyên, Vương Trùng Dương, Đặng Phú Phong, Nguyễn Liệu, Chu Vương Miện, Nguyễn Đình Bổn, Việt Yên Lê, Nguyễn Lương Vị, Châu Đăng Long…. đến những Đặng Thơ Thơ, Đinh Từ Bích Thúy, Hoàng Ngọc Thư, Phục An, Ban Mai, Ý Nhi, Ngô thị Kim Cúc, Lý Đợi, Thận Nhiên, Trần Vũ, Phùng Nguyễn, Nguyễn Đức Tùng, Tuấn Khanh, Nguyễn Văn Thiên, Lưu Nhi Dũ, Nguyễn Tấn Cứ, Trần Tiến Dũng, Huỳnh Ngọc Chiến, Trịnh Y Thư… các ý kiến nhận xét, các bài viết dài ngắn về tôi, đều rộng lòng chia sẻ sự thành tựu chung của văn chương.

Đặc biệt, một số trong ấy có bài viết rất dài, những tiểu luận về văn chương của tôi đều đến từ, những người tôi không hề quen biết, hoặc có nghe tên tuổi nhau nhưng chưa bao giờ có một lần hân hạnh gặp mặt, chưa một lần thư tín, trao đổi gì, trước đó. Những bài viết nhiều tìm tòi, nhận xét công phu, rõ ràng người viết đã đọc của tôi rất kỹ lưỡng, có chủ tâm viết bài; thái độ sòng phẳng, khách quan, không vì giao tế.

Năm 1993, Nhà xuất bản Tân Thư in tập truyện Thằng Bắt Quỷ, gồm các truyện của tôi đã đăng trên tạp chí Hợp Lưu cùng vài truyện viết trước 1975. Ngay sau đó xuất hiện bài viết của Dịch giả Phan Huy Đường, ký tên Trần Đạo, tựa đề Thằng Bắt Quỷ, Ba mươi năm nung nấu một ngọn lửa [bài đăng trên tạp chí Hợp Lưu, số đặc biệt về nhà văn Mai Thảo]. Gần một năm sau tôi mới nhận được một thư tay, từ Paris của ông. Sau thủ tục thăm hỏi, ông đề nghị, và đã dịch tác phẩm của tôi sang Pháp ngữ. Trải mấy mươi năm, rất mong được gặp mặt nhau, dzô một ly rượu, ông đã qua đời năm 2019 tại Paris.

Tháng Ba năm 2008, tôi nhận được một thư của một Kẻ Xa Lạ, nhà văn Đặng Thơ Thơ. Cô thông báo với tôi là Ban Biên tập tuần báo mạng Văn chương Không biên giới Da Màu sẽ thực hiện một số Đặc biệt Văn chương Cung Tích Biền. Số đặc biệt này khá phong phú, từ 23 đến 28 tháng 8-2008. Cô là chủ biên, viết bài nhận định, có thêm một bài phỏng vấn 4 [bốn] triền miên phiêu bồng dài dặc. Hai năm sau, nhân dịp cô từ Mỹ về thăm Sàigòn, chốn quê hương lần đầu tiên tôi mới gặp cô.

Trong số báo trên của Da Màu, có bài của Nhà văn Dịch giả Đinh Từ Bích Thúy, tựa đề, Phẩm tiết Cung Tích Biền, nhìn thẳng vào mặt trời và cái chết. Đây là một thiên khảo luận công phu, nghiêm túc. Phải mười năm sau, 2018, lúc tôi sang Mỹ, lần đầu tiên mới gặp được cô, nhân dịp buổi Tưởng niệm Nhà văn Phùng Nguyễn. Lần đâu tiên gặp gỡ, cũng là duy nhất, cho tới nay.

Các bài viết của các nhà văn Nguyễn Vy Khanh – Cung Tích Biền, những năm 2000; Ban Mai — Cung Tích Biền và Xứ Động Vật Màu Huyết Dụ; Đặng Châu Long; – Khi nụ mai tàn em Bay; là những tác giả tôi mới gặp lần đầu, tôi tặng sách, họ đọc và viết, một tự nhiên, trong sáng, vầy thôi.

Đặc biệt nhà văn Lê Hữu, cũng là một Kẻ Xa Lạ đối với tôi, chưa một lần gặp gỡ sơ giao, không thư từ qua lại, cho tới khi tôi đọc được một bài tiểu luận dài, rất công phu của ông, Cung Tích Biền Giấc Mộng Rỗng Không. Bài được đăng trên mạng Da Màu, www.damau.org, thể hiện người đọc, đọc thấu tận, thấy rõ ruột gan của nhà sáng tác.

Tự cổ kim, trong gió mây tương hợp đã nãy ra cái từ “tri âm”, cây cầu huyền diệu gây hương, nối tình. Là nòi tình mới tìm tới nhau. Là nhận ra hương mới tới cùng nhau. Tử Kỳ có hai cái lỗ tai, một hồn thấu thị từ trong núi. Bá Nha có đôi bàn tay, những ngón tay thần, gởi tiếng đàn trên sông.

Trong văn chương cũng vậy thôi, có chỗ tri kỷ. Ngoài cái “xác chữ”, còn “hơi chữ”, “hồn chữ”. Hơi chữ gợi hương. Hương đi xa, người tới gần. Hồn chữ là nơi thoát – thường. Là cái yên ba mờ mịt, cực kỳ biến hóa chỗ-vô-hình-tướng. Nó trói buộc kẻ lẳng lơ sẽ trót trôi theo dòng, một dòng hư ngộ. Qua hư ngộ là chạm trực ngộ, “Hồn chữ”.

Rồi tôi phải trở về chỗ thế gian thường tình, ngối vào bàn viết.

Với tôi, qua những chia sẻ nặng tình từ bá phương đổ về, đều là niềm vui, là Vào Ngõ Hạnh, không có chi phải phiền lòng.

Qua cuộc phỏng vấn này, tôi xin được cảm ơn tất cả, những tâm hồn, những tương ngộ, những bãi bờ cỏ xanh nước rộng.

Phạm Viêm Phương: Ông nghĩ gì về cuộc trò chuyện này?

Cung Tích Biền :

Rằng hay thì thật là hay

Nghe ra ngậm đắng nuốt cay trong lòng.

Thưa, Cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã nói trước cho nỗi lòng của kẻ hậu thế đấy ạ.

Phạm Viêm Phương: Thưa ông, nói tới “ngậm đắng nuốt cay”, tôi chạnh lòng và muốn hỏi thêm ông một câu, cũng khá quan trọng. Câu này khá tế nhị, ông có thể trả lời, hoặc vẫn giữ tự đáy lòng, như bấy nay, thì tùy.

Cung Tích Biền: Lại gì nữa đây?

Phạm Viêm Phương: Sau biến cố 30 tháng Tư, 1975, chúng tôi biết ông ở lại trong nước, đời sống khó khăn mọi bề, ông vẫn đầy bản lĩnh bỏ ngoài những thị phi, những “Lời ra tiếng vào” rất có hại tới uy tín của ông, để bình thản tiếp tục cầm bút.

Những gì ông viết, sau này, chứng tỏ ông đã có một thái độ rõ ràng với chế độ mới và thành tâm chia sẻ những thiệt thòi, đau khổ một thân phận chung của Miền Nam, trong đó có ông.

Ngay những gì ông viết trước 1975 cũng đã tỏ rõ thái độ chính trị của ông, tiêu biểu là truyện ngắn Bạch Hóa, ông viết từ 1968. Nội dung truyện có nhân vật Sáu Vu từ rừng núi trở về lập tòa án nhân dân xử tội cha của mình. Rồi, chính Sáu Vu thi hành nhiệm vụ cách mạng, là vung mã tấu chặt đầu người cha của mình, chỉ vì ông ta có một chức vụ nhỏ nhoi, một chủ tịch xã của chính thể Việt Nam Cộng Hòa.

Sự việc là như thế. Vậy, đâu là điều bí ẩn, khó tỏ lòng. Chúng tôi nghĩ, đến nay cũng đã 45 năm trôi qua, bao nhiêu nước đã qua cầu. Mong ông cho biết thực hư những dư luận không tốt về ông trong ngày xảy biến cố ấy?

Cung Tích Biền: Cảm ơn anh về câu hỏi. Cảm ơn thịnh tình muốn chia sẻ. Tuy nhiên câu trả lời rất tường tận của tôi về sự vụ này, tôi mong anh lưu giữ trong ngăn kéo, như một kỷ niệm, cuối đời tặng anh. Vậy xem như tôi xin phép, không trả lời câu này, tại đây.

Chỉ là bèo trôi xô đẩy:

Tôi, tự thâm tâm muốn “sống để lòng, chết mang theo”. Thêm một chút bí ẩn đời người.

Bốn mươi lăm năm trôi qua, tôi không tỏ bằng lời, mà tận tụy làm việc. Việc cầm bút, Cái-viết-ra, cũng là một Trả-Lời.

Bốn mươi lăm năm, những vu cáo, gia oan đổ vạ cho tôi, thêu dệt những điều không có thật, thì bạn bè, độc giả, người đời đã hiểu cho tôi, minh oan cho tôi rồi.

Non nửa thế kỷ trôi qua, đến hồ sơ bí mật quốc gia còn được giải mã, huống chi chuyện riêng tư mỗi con người. Tất thảy đã/sẽ sáng tỏ.

Tôi yêu mến sự đoàn tụ, lòng hỉ xả. Tôi không là một con người trọn đời là Một Hoàn Hảo. Tôi khiếm khuyết và khập khiễng, nên luôn mong chờ “Nụ cười khi đến với nhau”.

Phạm Viêm Phương: Xin cảm ơn ông, nhà văn Cung Tích Biền, đã thật lòng bạch hóa những riêng tư, và cho những kinh nghiệm đã từng trải trong nghề cũng như trong cuộc sống hơn tám mươi năm qua bao thăng trầm của lịch s. Thật là những bài học quý giá.

Cung Tích Biền: Thành thật cảm ơn anh, Dich giả Phạm Viêm Phương, một cách nào đó để tôi có dịp trải tấm lòng. Anh quả là một “bác sĩ” lắm tài mổ xẻ.

Phạm Viêm Phương: Lần nữa xin được chúc mừng ông. Rất vui khi thấy ông, một cụ tóc trắng đã ngoài tám mươi tuổi, vẫn còn rất minh mẫn, tâm trí lực rất dồi dào. Có thể, cách trả lời của ông khá nhã nhặn, vừa minh bạch vừa khiêm tốn; thêm, là sự hóm hỉnh hài hước đậm chất u mặc nơi ông, đã giữ ông gần gũi với chúng tôi, và giữ ông nán lại lâu dài với cuộc đời.

Cung Tích Biền: Đại ca ôi, tôi được Bà Mẹ đẻ ra vào đầu năm 1937, Đinh Sửu, đích thị tuổi Con Trâu, một loài cần cù, chậm chạp. Đường đời trôi vút, truông đèo cao thấp. Bát ngát khỉ vượn, âm binh, là bạn cùng chung bình sinh hít thở với ta. Mùi cười của ta mùi khỉ. Trai gái yêu nhau, tỏ tình cùng nhau bằng ngôn ngữ vượn hú.

Bao năm, đời nó bỏ tôi vào cái lò thuộc da. Nước nó sôi dữ lắm. Lại được căng ra phơi nắng dữ.

Tôi, nay là miếng da trâu khô, được căng lên miệng trống. Nó rất đỗi im lìm. Nó kêu lên một đôi tiếng, khi ai đó sẵn cái dùi. Rồi nó lại im lìm.

Phỏng vấn ư? Đại ca gõ. Tôi kêu. Rồi tất cả, trong tôi, trở về với im lìm. Một Rỗng Không. Lòng Trống.

Phạm Viêm Phương: Xin chúc ông mọi sự an lành.

Cung Tích Biền: Đa tạ, Đại ca.

Midway City. Kết thúc, 28-3-2020

Ghi chú của Người Phỏng vấn:

* Có một câu hỏi, Nhà văn CungTích Biền đã trả lời tường tận, nhưng ông muốn tặng cho Người phỏng vấn được riêng giữ trong ngăn kéo làm Kỷ niệm.

** Bài Phỏng vấn khởi từ ngày 28-1-2020, và kết thúc vào ngày 28-3-2020, được thực hiện qua điện thư và điện thoại viễn liên giữa Quận I thành phố Sàigòn và Midway City, Quận Cam, California. PVP.

Comments are closed.