Nguyễn Thị Thanh Bình thực hiện
Nhà thơ Hoàng Hưng
1
Nguyễn Thị Thanh Bình: Sau 44 năm không còn tiếng súng đạn pháo, liệu tháng tư 1975 trong lòng bạn vẫn còn là tháng tư đen, và mỗi người trong chúng ta dường như đều có mỗi cách riêng để nghĩ về hoặc truy điệu cho Ngày 30/4 chăng? Ví dụ bạn có cảm hứng sáng tác một chút thơ “riêng tư” nào cho tháng 4 như thắp lên nén hương lòng chẳng hạn? Nếu bạn không làm thơ thì bài thơ tháng 4 hay tác phẩm nào khiến bạn xúc động nhất? Đại khái lúc trước tôi rất tâm đắc những linh cảm tiên tri của thi sĩ Vũ Hoàng Chương trong mấy câu thơ: “Nhổ neo rồi thuyền ơi xin mặc bến”, hoặc “Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ”… Coi như là chuyện “thơ thẩn”, vì dường như khi lòng mình chưa quên lãng nguôi ngoai thì người Việt vốn là dân tộc yêu thơ, nên đều muốn được gởi gấm cùng Thơ. Kỳ thực bạn ơi, nếu có một ai đó đang muốn lắng nghe một câu chuyện tháng 4 của bạn như “chuyện bây giờ mới kể”, thì liệu bạn có muốn chia sẻ điều gì cho mốc điểm 30/4 năm nay? Và liệu có bao giờ bạn tự hỏi giang sơn đất nước chúng ta đã quy về một mối, sao điều gì vẫn khiến lòng người ly tán và không thống nhất được?
Hoàng Hưng:
Tôi sẽ không trả lời “trực tiếp” từng ý nhỏ trong các câu hỏi của bạn! Mà chỉ nhân đây kể ra vài việc thật của bản thân hoặc nói lên suy nghĩ của mình vào lúc này liên quan đến ngày 30/4.
Cho câu 1, cũng để trả lời câu hỏi của một bạn văn ở “bên thua cuộc” mới quen trên FB, tôi đã post vài đoạn nhật ký viết bằng văn vần từ đầu những năm 1970.
Nay xin chép lại (theo trí nhớ) để bạn thấy tôi đã từng nghĩ thế nào về cuộc chiến, sau một số năm cũng xổ ra không ít vần thơ hào hùng như mọi cây bút khác trên đất Bắc, thậm chí còn viết đơn “tình nguyện đi B. (miền Nam) phục vụ chiến trường” (chắc là làm báo “Giải phóng”?).
Các anh bảo chúng tôi
Đi chiến đấu cho ngày mai tươi đẹp
Chúng tôi đi
Vì không sợ chết
Chúng tôi chết
Vì sợ sống hèn
Nhưng sẽ ra sao cái ngày mai ấy?
…
Chúng tôi đấy
Đều ngoan ngoãn cả
Anh vừa lòng chứ ạ?
Vâng
Chúng tôi cứ khoanh tay nhắm mắt ngồi nhìn
Sư nặng nề ngu độn của các anh
Cứ chầm chậm dìm con tàu xuống biển
…
“Họ tháo cho ta cánh tay xiềng xích
rồi đem xiềng xiềng chặt óc tim ta”.[1]
Tất cả đã thành một rọ cua
Quơ càng vào nhau rối rít
Đến chết không thôi kìm kẹp lẫn nhau
Bạn ơi!
Hãy xé tan lá cờ liệm chặt đời ta
Hãy lật nhào
Những thần tượng ta siết bao yêu quý!
Trong vụ án “Về Kinh Bắc” năm 1982 (tôi cầm bản chép tay “VKB” mà nhà thơ Hoàng Cầm chép tặng để mang vào Sài Gòn “chơi”), vì tôi cãi bướng, công an đã vào SG lục tung nhà tôi và vớ được những dòng “thơ” này. Họ kết luận: “Thơ này phản động gấp trăm lần thơ HC” (lời ông Khổng Minh Dụ, trưởng phòng Văn nghệ của Cục An ninh Văn hoá – A25 – lúc đó, sau này là Thiếu tướng Cục trưởng). Và kết quả là tôi được… đi tập trung cải tạo (“chiếu cố nên chỉ xử lý nội bộ, không đưa anh ra toà” – lời sĩ quan điều tra khi kết luận vụ án), ở cùng trại với rất đông cựu sĩ quan công chức của “bên thua cuộc”!
2
Nguyễn Thị Thanh Bình: Nếu chỉ một lần cần quay lại cuốn phim Hà Nội vứt bỏ Hiệp Định Đình Chiến Paris, để mang danh nghĩa giải phóng Miền Nam, giữa đôi mắt “quan sát” ráo hoảnh của Liên Hiệp Quốc, liệu bạn còn nhớ cảm giác hụt hẫng mất mát, khi cả nhà cùng mở đài phát thanh nghe tin T.T Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng kéo cờ trắng buông súng? Cảm giác sững sờ tê điếng ấy nếu có thử hỏi có giông giống cảm giác lặng người bên vỉa hè MN Sài Gòn chan hòa nắng đẹp tự do của nhà văn Dương Thu Hương, vì chợt nhận ra chiếc mặt nạ tuyên truyền dối trá của cách mạng giải phóng? Thật tình hình ảnh vẫn còn ghi đậm trong tâm trí của bạn về Ngày 30/4 là gì? Bạn có chứng kiến cảnh những người lính VNCH cởi quân phục vất đầy đường, hay đại khái những âu lo tang thương khi “đàn bò vào thành phố” như câu nhạc bất ngờ của Trịnh Công Sơn? Nếu bạn cũng “bất ngờ” thuộc diện “Bên Thắng Cuộc” thì ngày 30/4/1975 bạn có nhớ mình đang làm gì, và khung cảnh, không khí cũng như cảm giác tưng bừng hoa lá như thế nào ở Miền Bắc lúc đó. Đặc biệt khi nghe báo tin trên đài cuộc chiến đấu thần thánh chống Mỹ đã cáo chung và Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng Miền Nam từ đây anh em một nhà?
Hoàng Hưng:
Tôi kể câu chuyện khó tin này nhé! (Đã hơn một lần bộc lộ trên FB):
Một hai ngày gì đó sau 30/4/1975, có cuộc mit tinh lớn chào mừng, ở trước Nhà Hát Lớn Hà Nội. Tất nhiên tôi phải tham dự cùng với cả cơ quan mình làm việc (lúc đó tôi làm báo Người Giáo viên nhân dân của Bộ Giáo dục). Ông Phạm Văn Đồng (thủ tướng) đọc diễn văn khai mạc. Khi ông nhấn mạnh tuyên bố, “cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước hoàn toàn thắng lợi” và ngưng lại cho mọi người vỗ tay như thường lệ, thì… tất cả im phăng phắc. Ít giây sau chờ không thấy ai hưởng ứng, ông phải tự mình “vỗ”, rồi mọi người mới bắt chước theo.
Trong lúc ấy, tôi tự than thầm với mình: “Thế là chút hy vọng cuối cùng của Tự do cho VN đã tắt!”.
Hầu như năm nào, dịp 30/4 tôi cũng nhớ lại giây phút kỳ lạ, khó tin ấy!
Có lẽ chỉ có thể lý giải: trong thẳm sâu lòng người Hà Nội lúc ấy đều chán ngán hết mức cuộc chiến kéo dài quá lâu, đồng thời cũng mông lung một sự tiếc rẻ nào đó cho Sài Gòn – một hình ảnh gần gũi với Hà Nội trước ngày “giải phóng” 1954??. Nghĩa là, một cách vô thức, nhiều người thầm cảm giống như tôi thầm nghĩ một cách ý thức!
Tại sao tôi coi Sài Gòn là “chút hy vọng cuối cùng của Tự do”? Nói thẳng, tôi không hề tin là miền Nam có thể “Bắc tiến, giải phóng miền Bắc” như câu khẩu hiệu “tự sướng” của vài nhà lãnh đạo miền Nam từng hô to! Nhất là sau khi Mỹ rút quân. Nhưng có lẽ… tôi nghĩ đến một cách mơ hồ, tình trạng 2 miền, một khi chấm dứt chiến tranh theo Hội nghị Paris, cứ “thi đua hoà bình”, giống như Nam-Bắc Triều, Tây-Đông Đức, thì đến lúc nào đó, sẽ rõ rành rành “ai thắng ai” trên “mặt trận xây dựng kinh tế xã hội”! Tất nhiên đó chỉ là ảo tưởng, khi một bên quyết “xẻ dọc Trường Sơn” và vẫn có tiếp trùng trùng súng đạn của “phe ta”, bên kia thì nát bươm vì kẻ địch chui sâu vào trong nội địa và… trong nội bộ, cả vì tự xâu xé, lại bị “phe ta” good-bye!
Hàng ngồi, từ trái sang: Lê Xuân Khoa, Nhật Tiến, Hoàng Hưng. Hàng đứng, từ trái: Trịnh Y Thư, Nguyễn Thị Khánh Minh, Đặng Thơ Thơ, ca sĩ Thu Vàng. Trong buổi ra mắt thi tập song ngữ Ác Mộng/Nightmares của Hoàng Hưng hôm 16/9/2018 tại Fountain Valley, Quận Cam. (Photo: PTH)
3
Nguyễn Thị Thanh Bình: Với chính sách ngu dân, Việt Cộng đã mở những chiến dịch truy lùng truy diệt và thiêu hủy toàn bộ sách vở sách báo của văn hóa, văn học Miền Nam. Họ còn trâng tráo đến độ quy tội đó là thứ văn hóa nô dịch, đồi trụy, phản động. Nghe nói học giả Vương Hồng Sển đã có lần viết thư năn nỉ họ và tuyên bố đòi được chết theo sách, nếu toàn bộ sách quý trong thư phòng của ông bị đốt cháy. Bạn nghĩ gì về “tội ác” cố tình diệt chủng nền văn minh văn hóa của MN này? Và giả thử bạn cũng là nạn nhân của một tủ sách gia đình đáng quý, liệu bạn xử trí ra sao lúc ấy? Còn nếu bạn đã lên tàu vượt biên hay di tản, thì thử hỏi cuốn sách nào vào thời buổi đó được bạn vội vã trân quý mang theo? Tôi nghe nhà thơ Trần Mộng Tú nói là chỉ kịp vác theo cuốn Truyện Kiều và Chinh Phụ Ngâm thì phải?
Hoàng Hưng:
Với người Hà Nội gốc thì không mới lạ, vì đã từng chứng kiến cảnh ấy từ năm 1954, khi Việt Minh vào tiếp quản thành phố (nhưng có lẽ ở một qui mô nhỏ hơn, theo tôi nhớ thì chủ yếu là ở mấy trường trung học như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, nhằm “tẩy não” các học sinh lớn bị “nhiễm độc văn hoá đồi truỵ phản động”).
Riêng tôi, vào Sài Gòn tháng 5 năm 1975, thì không được chứng kiến cảnh “đốt sách” nào. Ngược lại, mừng như nắng hạn gặp mưa rào, khi suốt ngày được dạo trên phố Nguyễn Thị Nhu và vài phố gần đấy, tha hồ xem và mua sách bán vỉa hè! Chợ trời sách khổng lồ chưa từng thấy! Mua được cả đống sách mang về Bắc. Chắc đó cũng là câu chuyện của tất cả trí thức, nhà văn Hà Nội vào Sài Gòn trong suốt mấy năm sau đó. Với tôi, có 3 loại sách quý đã hoàn chỉnh quá trình “giải độc ngược” (giải độc CS) mà tôi bắt đầu có từ sau Đại hội XX Đảng CS Liên Xô với kho sách tiếng Pháp mà tôi đọc được trong Thư viện Trung ương Hà Nội (kho sách này được Sứ quán Pháp bổ sung hằng năm, nhà cầm quyền cho là rất ít người biết tiếng Pháp nên cứ mặc kệ tiếp nhận để… tranh thủ được lòng kẻ thù cũ nhưng nay có thể giúp họ trên mặt trận ngoại giao! Tôi đã đọc ở đó Docteur JIvago của Pasternak, nhiều tài liệu về phong trào CS quốc tế của nhóm “xét lại” Đông Âu và Pháp…). Ba loại sách quý ở chợ sách SG là: 1. Sách triết học và khoa học xã hội nói chung (xin cảm ơn tủ sách Lê Thanh Hoàng Dân, và ông Nguyễn Hiến Lê). 2. Sách Phật giáo (xin cảm ơn NXB Lá Bối). 3. Văn học Mỹ (đặc biệt là các tác giả Henri Miller, W. Faulkner).
Có thể nói: chính kho sách chợ trời Sài Gòn sau 1975 đã… góp phần “không nhỏ” để sau đó tôi mạnh dạn kết giao với các đàn anh Nhân Văn-Giai Phẩm như Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Đặng Đình Hưng (vì càng đọc càng hiểu các anh hơn) và đó cũng là con đường… đưa tôi vào… Trại!!!
4
Nguyễn Thị Thanh Bình: Cách đây khoảng hơn một năm, không chỉ trong giới cầm bút mà hầu như đâu đâu cũng nghe người ta bàn tán về một thứ hội nghị gặp gỡ giao lưu kiểu hòa hợp hòa giải dân tộc về văn học văn chương trong và ngoài nước, do chủ tịch Hữu Thỉnh của Hội Nhà văn V.N chủ xướng gọi mời. Hẳn nhiên khi đụng phải phản ứng từ chốihậ mạnh mẽ của nhà văn “quân đội” Phan Nhật Nam, người ta cũng đâm ra muốn đặt lại vai trò liệu nhà văn có thể lãnh nhận sứ mệnh to tát như thế để mở ra những cuộc đại đoàn kết dân tộc? Thật tình hễ nghe người ta “khuyên bảo” về hai chữ đoàn kết, tôi không biết có bao giờ họ muốn dang tay ra đoàn kết với người dân… thật, hay chỉ cốt đoàn kết có tính cách cục bộ trong những đảng viên của Hội Nhà Văn VN với nhau mà thôi? Và như thế bạn nghĩ có phương cách gì để những vết thương được ngừng ung mủ, chảy máu? Thử hỏi làm sao để chúng ta có thể “giải phóng” những uất ức của Ngày Quốc Hận 30/4, và sau 44 năm liệu ai mới thực sự giải phóng ai?
Hoàng Hưng:
Vụ HT và “hội nghị hoà giải, hoà hợp văn chương” chỉ là một trò hề không đáng bàn.
Nhưng về nguyên tắc, xin nói một lần cho xong: Không bao giờ có “hoà giải” giữa “bên thắng cuộc” và “bên thua cuộc”!
Đơn giản lắm! Vì chỉ có thể có chuyện ấy khi: “Bên thắng cuộc” tự nhận cuộc chiến tranh mà họ gây ra để “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” là sai lầm! Tại sao sai lầm? Vì như những dòng nhật ký của tôi đã chỉ rõ (Nhưng sẽ ra sao cái ngày mai ấy?): Cuộc chiến huynh đệ ấy chỉ có thể biện minh nếu chế độ chính trị xã hội mà miền Bắc muốn áp đặt cho miền Nam là ưu việt (tương tự chế độ của miền Bắc nước Mỹ so với chế độ nô lệ của miền Nam trong nội chiến Mỹ). Rồi còn phải nhận là sai lầm khủng khiếp khi mọi chính sách “cải tạo sau 1975” dẫn đến thảm kịch kinh tế lụn bại, trại tập trung mọc khắp nước, hằng triệu thuyền nhân mất quê hương/ mất mạng trên biển. Hoặc, ngược lại, “bên thua” chịu cúi đầu để được “bên thắng” bỏ qua cái tội “tay sai đế quốc Mỹ”! Cả hai bên đều không thể. Nhất là đến bây giờ, sau 44 năm, ngày càng rõ tanh bành, chế độ “thắng cuộc” là… lạc hậu, phản động, mà chính nó đang… lặng lẽ và từ từ… đánh bài… chuồn (sang tư bản man rợ!).
Nếu nói “thống nhất đất nước” là ý chí truyền thống của người Việt, thì cũng không thể chấp nhận “thống nhất” với cái giá quá đắt: đưa cả nước vào con đường lạc hậu và từ đó lại rơi vào bẫy của kẻ thù lâu đời, nguy hiểm nhất!
Chuyện “hoà giải” càng khó vì bản tính “phe phái” và “chấp” của người Việt. Cứ xem ngay trong số người ghét Cộng sản hiện nay, kể cả trí thức văn nghệ sĩ, vẫn có sự chia rẽ đến nản lòng: giữa người Nam và người Bắc (rất đông người Nam cho rằng tất cả “người Bắc” đều thuộc về “bên thắng cuộc” và phải chịu trách nhiệm về những đau thương của “bên thua cuộc”); giữa những người luôn hô hào “chống Cộng quyết liệt” (nhưng thực sự chưa biết “chống” cách nào ngoài cách luôn nhắc lại hận thù cũ + chửi bới tất tật mọi thứ đang diễn ra trong nước) với những người muốn “thoát Cộng bằng áp lực chuyển hoá phi bạo lực”; giữa những nạn nhân của CS với những cựu CS nay “giác ngộ, hồi chánh” (nhất là với số trí thức miền Nam xưa “nhảy núi” nay lại muốn “thoát Cộng”, càng khó lắm lắm!)
Kinh nghiệm bản thân: là một người không biết mình thuộc “bên” nào (hihi), vì sau 30/4/1975 thì vào Sài Gòn với danh nghĩa “bên thắng” nhưng trong bụng thầm nghĩ mình “thua”, rồi sau đó lại bị “bên thắng” tống giam cùng với “bên thua”, còn bây giờ thì được “bên thắng” coi là “đối tượng ngăn chặn”, cùng lúc lại… hẫng hụt trước những sự kỳ thị, hay xầm xì nghi kỵ… mà mình phải nén lòng để không… quá rầu lòng!
Vậy: “Hoà giải” thì không thể! Nhưng có khả năng “hoà hợp”:
– Trước mắt: Hoà hợp trước tiên là giữa tất cả những người VN Tự Do trong-ngoài nước, bất kể quá khứ, nay chung một mục tiêu kép: “thoát Trung, thoát Cộng”.
– Tương lai: người Việt sẽ tự động “hoà hợp” sau vài thế hệ, khi mục tiêu trên đã hoàn thành, khi con cháu của “Cộng sản” cũng như Cộng hoà lúc ấy đều là… nhà tư bản hoặc người làm thuê, là trí thức hay doanh nhân độc lập (self-employed), chẳng còn ai nhớ gì đến quá khứ lẫy lừng hoặc đau thương của cha ông trong cuộc nội chiến 20 năm và “thống nhất” những năm sau đó!
Vậy thì: Nếu không thay đổi được lịch sử, thôi thì ta cứ góp một hạt cát cho ngôi nhà tương lai của người Việt, theo viễn cảnh được vẽ ra ở trên!
Nguyễn Thị Thanh Bình thực hiện
3/5/2019, ngày Tự do Báo chí Quốc tế.
[1] Từ câu thơ của một nhà thơ Ba Lan chống Liên Xô.
Nguồn: https://vietbao.com/a293749/phong-van-nhung-tran-tro-thang-tu