Phỏng vấn Nina McPherson – Kỳ 2

Trần Vũ thực hiện

Trần Vũ: Nina còn dịch tác phẩm nào khác của Dương Thu Hương?

Nina McPherson: Tôi vừa hoàn tất bản dịch Tiểu Thuyết Vô Đề [Novel Without A Name], cũng sẽ do nhà Morrow in trong năm 94. Việc chữa bản thảo, viết lời tựa, giới thiệu với quần chúng Hoa Kỳ, với báo giới là một tiến trình lâu lắc, gian lao. Không những chỉ thuần túy chuyển ngữ, nhưng cũng cần tạo một nhịp cầu giới thiệu văn hóa Việt Nam. Một công việc nặng nề, cần rất nhiều thời gian để chuẩn bị và tạo dựng một khung cảnh cho phép giới báo chí, độc giả Hoa Kỳ hiểu và nhận rõ thông điệp của Dương Thu Hương. Thật sự không dễ dàng. Dù Tiểu TThuyết Vô Đề viết về “Chiến tranh Việt Nam”, một đề tài lôi cuốn người Mỹ, nhưng đây là một tác phẩm viết cho người Việt. Chữ “Mỹ” chỉ được nhắc đến 2 lần trong suốt văn bản! Chính sự vắng mặt của chính mình, theo ý tôi, sẽ làm độc giả Hoa Kỳ cảm thấy khó chấp nhận, khó cảm thông.

Trần Vũ: Với tư cách là dịch giả đã “làm việc” trên bản thảo, Nina định giá thế nào về nghệ thuật và tác phẩm của Dương Thu Hương?

Nina McPherson: Phải nói là tôi không đủ thẩm quyền để đánh giá toàn bộ trước tác của Dương Thu Hương, vì chỉ đọc được trong ấn bản tiếng Pháp: Những Thiên Đường Mù, Tiểu thuyết Vô Đề, Truyện Tình Kể Trước Lúc Rạng Đông. Tôi ước ao, một ngày nào đó, có thể đọc hết trong tiếng Việt, tôi sẽ bắt đầu với Bên Kia Bờ Ảo Vọng. Còn về nghệ thuật, có một điểm chắc chắn, là tất cả các nhà xuất bản, dịch giả, và độc giả của Dương Thu Hương đều chia sẻ một điều: Ai cũng say mê lối viết cực kỳ gợi cảm, và yêu mến qua bút pháp, người đàn bà, nhà văn, người kể chuyện lạ lùng là Dương Thu Hương. Tất nhiên, tình yêu này hoàn toàn không mù quáng, và cũng không ai thần thánh hóa Dương Thu Hương. Ở vị trí một người chuyển ngữ, tôi thấy rất rõ những giới hạn trong lối viết của Dương Thu Hương, về mặt hành văn và kỹ thuật, và tôi là người thứ nhất, với anh Phan Huy Đường, đã nói cho chị Hương hay điều ấy. Sự thật, như tất cả những người viết văn khác, như mọi người, chị Hương vướng mặt khuyết của những ưu điểm của mình. Tôi có thể liệt kê rõ hơn nếu Vũ muốn – Chị Hương là một người viết truyện phim (scénariste), làm việc với những mảng hình ảnh ráp nối, và điều đó đôi khi làm hại đến cấu trúc tiểu thuyết, làm hại cho phần hợp lý của câu chuyện. Quá nhiều flash-back, cắt cúp vụng và thô. Đó là do ảnh hưởng của nghề phim. Chị Hương còn là người đấu tranh cho dân chủ, một người đàn bà khinh “nghệ thuật vị nghệ thuật”, rất thực tế, chẳng cần tự biện. Do đó các nhân vật của chị Hương quá kiểu mẫu, hình nộm, được tạo dựng chỉ để chuyên chở thông điệp chính trị của tác giả. Chính chị Hương cũng thú nhận là mình nóng nảy, viết gấp, không đọc lại, không chữa, chị sáng tác dưới áp lực và đam mê của tình hình. Bản thảo có lỗi, có nơi sơ sót, vụng về. Tóm lại chị Hương cần một người chữa bản thảo, và chị rất hiểu điều đó. Nhưng đối với tôi, các giới hạn này hoàn toàn nhỏ bé so với văn tài lớn lao bẩm sinh ở Dương Thu Hương. Nhiều nhà văn phải học suốt đời những gì mà Dương Thu Hương biết nắm bắt một cách bản năng: Cách kể một câu chuyện, trút hết lòng dạ, viết với tim gan mình. Tôi đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần các chương trong Tiểu thuyết Vô Đề, Những Thiên Đường Mù mà lần nào cũng thấy mìn run rẩy, cổ họng thắt lại vì cay đắng, hoặc vì sung sướng, chính những lúc ấy tôi biết mình đã gặp một nhà văn đích thật.

Trần Vũ: Có những bài phê bình bất lợi, nghiệt ngã trên sách báo Hoa Kỳ?

Nina McPherson: Tất nhiên. Trong ngành in ấn, các nhà xuất bản sẽ thất vọng nếu như không có những luồng phê bình đối ngược. Nhưng tôi cảm thấy thương hại những bài “phê bình bất lợi” này nhiều hơn là giận, vì tính chất ti tiện và hoàn toàn không thông hiểu của người viết. Sự kiện đập vào mắt trước nhất là những bài phê bình nghiệt ngã – đến từ phía Việt Nam hay Hoa Kỳ – đều không phải những bài phê bình văn chương. Mà là những tấn công cá nhân, nham hiểm, chỉ phơi bày thêm gương mặt người viết. Cho Vũ một ví dụ: Có một bài phê bình đăng trên tập san Far Eastern Economic Review, một tạp chí chuyên về chính trị và kinh tế Á châu, đã dành nguyên một trang cho tác phẩm (ấn bản tiếng Anh), cuộc đời và những đấu tranh cho dân chủ của Dương Thu Hương. Cuối bài viết, tác giả đã ngợi khen bản dịch bằng một công thức khá thâm độc: “Chính nhờ vào tài năng của hai dịch giả Nina McPherson và Phan Huy Đường mà tập tiểu thuyết này hoàn chỉnh, nhưng vì hai dịch giả chỉ có thể trao đổi với nhau bằng tiếng Pháp và không sử dụng chung một ngôn ngữ nào khác, chúng ta ao ước một bản dịch trực tiếp hơn.” Hai cái tát cùng một lúc! Theo lời phê bình, nếu hiểu sát nghĩa, thì Dương Thu Hương là một nhà văn tồi, phải nhờ vào bản dịch mà tác phẩm mới gọi là đọc được, còn dịch giả là bọn vô học phải làm việc bằng tiếng Pháp. Hoàn toàn không đúng. Vì chúng tôi chia sẻ với nhau, ngoài tiếng Pháp, tiếng Anh (anh Phan Huy Đường là người chữa bản thảo tiếng Anh của tôi một cách tỉ mỉ và nghiêm khắc), còn cả tiếng Hoa mà tôi thông thạo và nói trôi chảy nhờ đã theo học trong năm năm liền và từng sống ở Hoa Lục. Như Vũ biết, 50% từng vựng tiếng Việt là gốc Hán. Văn chương Việt Nam mang dấu ấn Trung Hoa rất rõ, trên câu chữ, thành ngữ. Chính dấu ấn Trung Hoa này đã giúp tôi rất nhiều, hiểu thêm tinh hoa và nghĩa trong tiếng Việt. Mỗi khi chạm phải khó khăn trước một từ cần dịch sát (từ tiếng Pháp), anh Phan Huy Đường chỉ cần chuyển âm sang Hán-Việt là tôi hiểu. Tiếng Việt hợp với tôi hết mình, chính vì tiếng Việt bị pha trộn rất nhiều, rất phân tâm về mặt ngôn ngữ. Tôi cũng thế.

Trần Vũ: Từ Hoa Lục sang Việt Nam, từ Bắc Kinh đến Hà Nội, Nina có vẻ dấn thân vào một chu kỳ khác. Tại sao lại có sự chọn lựa lạ lùng như vậy? Vì sao Nina chọn dịch tiểu thuyết VN từ văn bản Pháp văn mà không là tiểu thuyết Trung Hoa, trong lúc Nina thông thạo tiếng Quan Thoại và đã học văn chương Trung Hoa?

Nina McPherson: Câu hỏi của Vũ hay lắm. Mọi người vẫn hỏi tôi luôn, và mỗi lần tôi trả lời một cách khác. Không phải vì tôi muốn trốn tránh, nhưng vì cuộc sống của chính mình hãy còn bí mật đối với cả chính mình. Và con đường mà mình đeo đuổi, vừa do chí hướng vừa do số mạng. Tôi không là Phật tử, nhưng cũng không tin là có nhiều chọn lựa lắm trong đời sống của một con người. Những chọn lựa thật sự hình thành trong ta rất sớm, từ thuở ấu thơ. Đúng là tôi đã “chọn” học tiếng Quan Thoại, vào năm thứ hai của đại học Yale. Nhưng mẹ tôi sẽ nói cho Vũ biết là tôi đã muốn học tiếng Quan Thoại từ năm lên mười. Tại sao? Tôi cũng không rõ. Nhưng lúc trẻ thơ, tôi thấy chữ tượng hình đẹp mê hoặc. Tôi đậu cử nhân Sử, chuyên ngành Sử Trung Hoa hiện đại. Luận án ra trường viết về nhà văn ly khai Liu Binyan, hiện đang lưu vong tại Hoa Kỳ. (Phương Tây xem Liu Binyan là « Lương tâm Trung Hoa » với tác phẩm Ác Mộng của Các Quan lại Đỏ). Sự lựa chọn làm luận án ấy, cũng đã cho Vũ thấy khía cạnh số mạng: Tôi luôn luôn bị dằn co giữa chính trị và văn chương. Đó là hai cực trong đời sống của tôi. Lúc nào chúng cũng phải giao tiếp với nhau. Có lẽ, gần như không thể tránh khỏi, tôi phải trở thành ký giả, cũng như phải ghi nhận một tình cảm trắc ẩn sâu đậm đối với Dương Thu Hương. Tôi ngưỡng mộ, ao ước khả năng đương đầu những giao điểm của cuộc đời của chị ấy. Nhưng hãy trở lại câu hỏi chính. Vũ hỏi tại sao dịch tiểu thuyết VN từ văn bản Pháp văn, mà không dịch tiểu thuyết Trung Hoa? Tôi chỉ có thể trả lời giống như nhà thám hiểm đầu tiên trên đỉnh Everest: ‘‘Tại vì…’’ Có ngàn lý do. Những lý do hiển nhiên và những lý do sâu xa hơn: Trước nhất tôi mới chập chửng trong tiếng Việt, nhưng nếu dù có thông thạo tiếng Việt, như tôi đã nắm vững tiếng Quan Thoại, dù có đậu tiến sĩ văn chương VN, lấy chồng Việt, và dù có sống ở Việt Nam, tôi cũng không nghĩ mình có khả năng dịch một mình hơn bây giờ. Tôi đã thử dịch một vài tác giả Trung Hoa hiện đại, như Zhang Xinxin, nhưng luôn với sự giúp đỡ của vài người bạn Hoa. (Zhang Xinxin theo Hồng Vệ Binh trước khi bị kết án phản cách mạng). Trước sự khác biệt quá lớn giữa 2 nền văn hóa, như Việt Nam và Tây phương, một dịch giả cẩn trọng khó lòng đảm đương được trọn vẹn chức năng của mình. Anh Phan Huy Đường là một trường hợp cá biệt; một trường hợp lưỡng văn hóa. Còn việc dịch từ văn bản Pháp văn? Thì như thế nào mới là “một bản dịch trực tiếp”? Có chăng? Ai mới có đủ thẩm quyền để dịch? Thiết lập khuôn vàng thước ngọc, đối với tôi, là hiểu dịch thuật như một khoa học chính xác, một thảo trình quy ước tương đương, trong lúc chuyển ngữ là một nghệ thuật. Có bắt buộc phải là người Việt để phiên dịch sang tiếng Việt? Hay phải là người Pháp chuyển ngữ sang tiếng Pháp mới hay? Thật nguy hiểm nếu khẳng định trước. Về mặt văn hóa, tinh thần, chúng ta đều là những đứa con lai, tất cả, dù chúng ta nhìn nhận hay không. Nếu cứ khư khư bảo vệ sự thuần khiết văn hóa mà chính mình cũng không biểu trưng nổi, đến một lúc nào đó, sẽ đi đến chỗ “thanh lọc nhân chủng” trong ngành dịch. Nhưng mà Vũ đang lôi kéo tôi vào một cuộc lý giải triết học về dịch thuật hao tốn thời giờ! Thật sự, clip_image002chuyển ngữ đối với tôi, không có mục tiêu tái tạo bản sao trung thành, như ảnh chụp của bản gốc. Chuyển ngữ có thể trở nên một nghệ thuật, một phong cách viết, một trước tác, một đối thoại, thấm nhiễm tầm nhìn và tiếng nói của người dịch. Một cách tuyệt đối, một bản dịch chính xác không thể có. Dịch là phản. Mọi người đều biết. Bằng chứng, lời ngợi khen nồng nhiệt nhất cho một dịch giả là câu: “Tôi rất yêu thích bản dịch này, đọc không thấy gì là dịch”. Sự thật, là tôi không thể, và cũng không bao giờ cho phép mình phiên dịch bất kỳ một cuốn tiểu thuyết VN nào từ bất kỳ một văn bản tiếng Pháp nào. Ví dụ, tôi không thấy mình đủ khả năng hay đủ thẩm quyền để dịch Nguyễn Huy Thiệp. Vì phong cách, bút pháp và những truyện của Nguyễn Huy Thiệp quá đậm đặc tính chất Việt Nam. Điều đó trông thấy rõ trong những bản dịch Nguyễn Huy Thiệp đã in, tất cả vẫn chưa được trong suốt, giống như không thể dịch được. Thực tế, tôi cũng không dịch một mình, như một người đi lạc vào trong một khoảng trống, hay tôi chỉ dịch duy nhất từ một văn bản tiếng Pháp: Tôi cùng dịch với anh Phan Huy Đường. Ấn bản tiếng Anh là kết quả của sự hợp tác giữa hai chúng tôi, với tất cả ưu cùng khuyết điểm. Đôi khi, một tổng thể cho cái nhìn hoàn chỉnh hơn tổng số các bộ phận được nhìn riêng lẻ cộng lại.

(Còn tiếp)

Trần Vũ thực hiện bằng Pháp văn và phiên dịch, Paris 25 tháng 3-1994

Bản in lần đầu trên tập san Hợp Lưu số 17 phát hành tháng 6-1994

(*) ảnh chụp Dương Thu Hương, Phan Huy Đường và họa sĩ Phan Nguyên tại Paris đầu thập niên 90

Comments are closed.