Trò chuyện cùng nhóm Cánh Buồm: Cải cách nhà cải cách – ưu tiên của mọi ưu tiên

HỒNG THỦY

(GDVN) – Khó khăn nhất không phải là thiếu tiền – có nhiều tiền đến độ tiêu không hết vẫn có thể đưa cuộc Cải cách giáo dục vào chỗ bế tắc.

LTS: Ngày 30/12/2015 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài viết Giáo sư Phạm Vũ Luận, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển và những siêu đề án ngàn tỉ. Câu hỏi khiến chúng tôi băn khoăn và tự đặt ra lâu nay về việc cải cách nền giáo dục nước nhà qua những hệ lụy ông Phạm Vũ Luận, ông Nguyễn Vinh Hiển để lại khi còn đương chức là:

Liệu còn có cách nào khác để đổi mới căn bản, toàn diện thực sự nền giáo dục nước nhà mà không cần đến các “siêu đề án, siêu dự án ngàn tỉ” như cách làm của GS Phạm Vũ Luận và TS Nguyễn Vinh Hiển hay không?

Chính câu hỏi này thôi thúc chúng tôi tìm hiểu, và chúng tôi đã có một cuộc trao đổi với nhà giáo Phạm Toàn, đại diện nhóm Cánh Buồm – chủ nhân bộ sách Cánh Buồm vừa ra mắt nhân dân cả nước tối 19/12.

Nhóm Cánh Buồm làm sách cho trẻ học được nhiều nhân sĩ trí thức tên tuổi hưởng ứng và ủng hộ, mà không có một đồng nào từ ngân sách, chứ chưa cần nói đến các dự án tiền tỉ, đến siêu dự án chục ngàn tỉ như ông Luận, ông Hiển vẫn làm.

clip_image002

Giáo sư Phạm Vũ Luận, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển và những siêu đề án ngàn tỉ

(GDVN) – Chừng nào tư duy này còn ngự trị trong các cơ quan tham mưu và đội ngũ quản lý của Bộ, chừng đó đổi mới căn bản toàn diện giáo dục vẫn là điều xa vời.

Chúng tôi chưa bàn đến nội dung bộ sách Cánh Buồm mà để dành điều đó cho học sinh, giáo viên, phụ huynh cả nước và các nhà nghiên cứu chuyên môn, những người quan tâm đến giáo dục nước nhà.

Nhưng tinh thần làm giáo dục vì lợi ích học sinh, không nhằm trục lợi từ ngân sách của nhóm Cánh Buồm rõ ràng là điều đáng được xã hội ghi nhận và tôn vinh.

Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo rất nên tham khảo và tìm hiểu thấu đáo bộ sách của Cánh Buồm, biết đâu có thể tìm ra những gợi ý, hướng đi khả dĩ cải cách căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà mà không cần đến những siêu dự án ngàn tỉ đầy tai tiếng.

Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc nội dung câu chuyện với Nhà giáo Phạm Toàn.

Giaoduc.net.vn: Chào nhà giáo Phạm Toàn. Sau khi nhóm Cánh Buồm ra mắt 18 cuốn sách Tiếng Việt và sách Văn từ lớp 1 đến lớp 9, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn nói:

“Đây là một biến cố về văn hoá giáo dục. Tôi rất bất ngờ, tôi chỉ tham gia phần đọc duyệt nhưng càng đọc càng thấy bộ sách này quá hay”

Ông Bùi Văn Nam Sơn nói về bộ sách Tiếng Việt  và Văn Cánh Buồm từ lớp 1 đến lớp 9 nhóm đã hoàn thành là một “biến cố” … nghe sợ quá …! Ý ông thế nào? 

Nhà giáo Phạm Toàn: “Sợ” à? Vui nhỉ! Nhưng ai sợ, và nỗi sợ như thế nào? … Sau khi ra mắt, sách Trung học đã được đưa lên mạng dưới dạng Sách mở (Open Book) và chỉ sau ba tuần đã có gần mười ngàn người load về. 

Giáo sư Đặng Thị Hạnh gọi điện cho em Chung: “Cho cô thêm mười cuốn Văn 8, lần này cô trả tiền, cô không nhận biếu nữa đâu”

Chắc là cô Hạnh có tham gia vào “biến cố” đó, nên cô không sợ?  Còn tôi thì đang sợ cuống lên đây, vì các bạn trẻ trong nhóm Cánh Buồm đòi ăn mừng. Năm mới 2017 lại sắp đến… Tết ta lại sắp đến …

clip_image004

Nhà giáo Phạm Toàn, ảnh do nhân vật cung cấp.

Giaoduc.net.vn:  Khó gì! Chi cho mỗi bạn một phong bì. 

Nhà giáo Phạm Toàn: Nếu độc quyền bán sách, tôi dám mời các em cùng các vị trưởng lão tham gia soạn sách làm một cuộc ngao du luôn tiện “tổng kết công tác” sau bảy năm hoạt động! Thử xem đoàn thủy thủ cả trẻ lẫn già có gì hoảng sợ không…   

Giaoduc.net.vn: Hóa ra bây giờ “đoàn thủy thủ” Cánh Buồm đã đông hơn, có trẻ có già? 

Nhà giáo Phạm Toàn: Năm 2008 khi Cánh Buồm ra đời chỉ có “một con gà trống già U80 và “mấy con gà nhép”, có nhà báo về hưu đã mô tả nhóm Cánh Buồm như thế. 

Đến hôm nay, theo lời mô tả của nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, chúng tôi đã có bốn “Thê đội” – cái nhà ông Nga học kiêm Hán học này thích dùng chữ kiểu cũ đó. 

Thê đội 1 gồm mấy em “hồi xưa”, nay chuyên vào việc triển khai chương trình và sách Tiểu học.

Trong thê đội này, có em Thanh Hải đã hoàn toàn giã biệt Trường Chuyên Văn của Đại  học sư phạm Hà Nội để làm Hiệu phó phụ trách Tiếng Việt và Văn một trường “song ngữ” ở thủ đô hiện nay. Em Đinh Phương Thảo nay là tổ trưởng Văn và Tiếng Việt ở trường đó. Em Vũ Thị Loan là giáo viên nòng cốt cũng ở trường đó …  

Giaoduc.net.vn: Còn thê đội 2?

Nhà giáo Phạm Toàn: Thê đội 2 là mấy cụ già trên dưới 80 làm công việc dịch sách Tâm lý học giáo dục. Từ năm 2015, chúng tôi đã có một Tủ sách Tâm lý học Giáo dục Cánh Buồm nay đã có ba đầu sách:

Sự ra đời trí khôn ở trẻ nhỏ (Jean Piaget, Hoàng Hưng dịch), Sự hình thành biểu tượng ở trẻ nhỏ (Jean Piaget, Hoàng Hưng và Nguyễn Xuân Khánh dịch), Cơ cấu trí khôn (Howard Gardner, tái bản, Phạm Toàn dịch), và sắp ra quyển thứ tư, Sự xây dựng cái thực ở trẻ em (Jean Piaget, Hoàng Hưng dịch). 

Tủ sách này mở đầu bằng sách dịch, sau rồi sẽ phải có thêm hai bộ phận nữa, Sách hướng dẫn học tập và áp dụng các bộ sách kinh điển, và Sách nghiên cứu của tác giả bản địa trên trẻ em Việt Nam, ở đây và ngay bây giờ, Here and now!

Giaoduc.net.vn: Thê đội nữa?

Nhà giáo Phạm Toàn: Thê đội 3 là các giáo viên thực hành.

Số lượng giáo viên này hiện mới năm ở 2 trường tại Hà Nội, 1 trường ở Bắc Giang, 1 trường ở thành phố Hồ Chí Minh, và một Câu lạc bộ ở Hà Nội có tên Ô xinh, rất lãng mạn, thu hút cả giáo viên công lập, cả những sinh viên mới ra trường muốn học nghề lại, và bên trong còn có cả Câu lạc bộ phụ huynh cũng muốn học nghề dạy học.  

Và cuối cùng, mới có từ năm 2016, là thê đội những tác giả của 4 cuốn sách Tiếng Việt và 4 cuốn sách Văn từ lớp 6 đến lớp 9. Các tác giả này nằm rải rác ở Canada, ở Hoa Kỳ, ở Pháp, ở Australia, ở Sài Gòn và ở Hà Nội. 

Giaoduc.net.vn:  Thật đáng tò mò, những người tận bên Pháp soạn sách Cánh Buồm gồm những ai vậy?

Nhà giáo Phạm Toàn: Có vài bài của giáo sư già Đặng Tiến, có 1 bài của cô Đặng Xuân Thảo, chuyên gia ở Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), cô Thảo vui lắm, khi duyệt bài lần cuối đã viết cho Ban biên tập là “em muốn bé lại để được học sách như thế này”.

Có các cô Nguyễn Thị Kim Quý và Phạm Thị Kiều Ly nhóm viên Cánh Buồm đi làm nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ ở Úc và Pháp cũng tham giá viết… 

Cô tiến sĩ Văn khoa Nguyễn Thị Thu Nguyên tuy không là thành viên nhóm Cánh Buồm, nhưng đã được một thành viên dạy tiếng Pháp cho trước khi sang Đại học Bordeaux, nên cũng phần nào “tiêm nhiễm” tinh thần Cánh Buồm, nên cũng tham gia viết sách Trung học cơ sở Cánh Buồm ngay sau khi về nước. 

Giaoduc.net.vn: Đâu là khó khăn lớn nhất của Cánh Buồm?

Nhà giáo Phạm Toàn: Khó khăn nhất không phải là thiếu tiền – có nhiều tiền đến độ tiêu không hết vẫn có thể đưa cuộc Cải cách giáo dục vào chỗ bế tắc.

Khó khăn nhất không phải là khoảng không gian xa cách lớn – “đồng chí” Internet thời nay giúp xóa bỏ mọi xa cách không gian và thời gian…

Giaoduc.net.vn: Vậy đâu là khó khăn thực sự lớn nhất?

Nhà giáo Phạm Toàn: Khó khăn thực sự lớn nhất nằm trong điều chúng tôi đã làm để giải tỏa khó khăn ấy, Cải cách nhà Cải cách!

clip_image006

Bộ sách Cánh Buồm ra mắt ngày 19/12 vừa qua, ảnh: Giaoduc.net.vn.

Nói cho thật lòng, những em thành viên đầu tiên của nhóm Cánh Buồm hoàn toàn không xứng được mời mọc với tư cách là những người đứng mũi chịu sào cho một cuộc Cải cách giáo dục. 

Từ khi lọt lòng, cho đến khi nhận tấm bằng Thạc sĩ Giáo dục ở trường Đại học sư phạm, các em đã được nền giáo dục cũ ngấm vào máu thịt, ngấm vào não và thể hiện trong thái độ sống hàng ngày.   

Nhóm Cánh Buồm đâu có quyền tuyển dụng những bậc thánh? Mà ngay cả những bậc thánh thì cũng là sản phẩm của nền Giáo dục Việt Nam đã kẽo kẹt bao đời nay. 

Trước hết, các em thành viên đầu tiên của nhóm Cánh Buồm đều có chung một tính giáo điều. Các em chỉ nhắc lại được những nguyên lý “chắc đúng” và không một lần trong đời thử xem có giáo lý nào không gần với thực tiễn cuộc sống. 

Em Thanh Hải của nhóm Cánh Buồm đã cảm động nói với tôi về giọt nước tràn ly trong đời em, đó là khi lại được giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi Văn. Tự em đã chán ngấy những lời lẽ vô duyên của đời mình. 

May mà em giác ngộ sớm khi mới hai mươi lăm tuổi. May mà em chưa có quyền hành gì áp đặt lên học sinh trước khi tự thực hiện được điều Emmanuel Kant nêu ra: Thế nào là (được) khai sáng? 

Giaoduc.net.vn: Tính giáo điều, và chỉ thế thôi?

Nhà giáo Phạm Toàn: Tính giáo điều dẫn các em đến tình trạng trì trệ. Trong đầu mình đã trì trệ, thì còn nghĩ gì đến canh tân? Các em gần như không dọc, không nghĩ cái gì mới, và tệ hại nhất là không được làm cái gì mới. 

Cái bộ ba công cụ Đọc – Nghĩ – Làm chưa hề xuất hiên trong não trạng các em thành viên đầu tiên của nhóm Cánh Buồm. 

Một em nay đã có chồng, em “đo nghiệm” chính chồng mình (một kỹ sư IT) xem chồng đã đọc gì trong đời. Câu trả lời “Anh Pha và chị Dậu” và “Rừng xà nu” – may mà bạn đó còn nhớ tên cuốn sách thứ hai trong đời!

Một em cũng mới có chồng tốt nghiệp trường Luật, được một người tinh nghịch trong nhóm nhờ hỏi cũng hỏi chồng câu hỏi sau:

“Đọc Montesquieu chưa?”. “Chưa!” . “Đọc Diderot chưa?” “Chưa!” . “Đọc Rousseau chưa?” “Chưa!”   … “Chưa!”… “Chưa!”… “Chưa!”…  Mở rộng câu hỏi sang câu hỏi khác như sau: “Bạn thích tác phẩm nào nhất?” Một nữ tiến sĩ mới về hưu trả lời: “Đôrêmôn”. 

Giaoduc.net.vn:  Thực trạng nhóm Cánh Buồm là như thế?

Nhà giáo Phạm Toàn: Còn hơn thế! Các vị thành viên đầu tiên của nhóm Cánh Buồm cũng mắc một tật mang tính thời đại khác: tính hình thức. 

Nhóm Cánh Buồm trong giai đoạn “thanh lọc não trạng” ban đầu đã đem ra bàn các vấn đề như: Có nên dịch sách của Singapore làm sách giáo khoa cho học sinh Việt Nam không? Có nên áp dụng luôn hệ thống giáo dục rất hay của Sing, của Mỹ, của Nhật, của Hà Lan … không? clip_image008

Tại sao mô hình Trường học mới thành công tại Colombia?

(GDVN) – Các nước tiên tiến như Hoa Kỳ không lựa chọn mô hình EN cho giáo dục của họ, đơn giản chỉ vì mục tiêu giáo dục của Hoa Kỳ khác Colombia.

Thế nào là nhà trường hiện đại? Dạy học và dạy tư duy như thế nào? Nhiệm vụ của nhà trường là gì? Tổ chức đọc sách cho trẻ em như thế nào? Định nghĩa lại tên các môn học như thế nào? … 

Năm 2009 và 2010, nhóm Cánh Buồm có trụ sở ở trường Nguyễn Văn Huyên. Sáng thứ bảy nào cũng “học nghề sư phạm” đến trưa thì ra bờ hồ gần đó (nhóm gọi tên là Hồ Ngoại Thương) cùng ăn cơm bụi, thêm vài cốc bia hơi…

Vui lắm. Vừa học vừa làm vừa cãi nhau, và ngày một gắn bói với nhau trong công việc, trong một lý tưởng giáo dục khác.   

Giaoduc.net.vn: Chỉ có vậy mà gọi là Cải cách nhà cải cách?

Nhà giáo Phạm Toàn: Làm bao nhiêu năm, đúc lại một câu, ở trong còn lắm điều hay chứ!

Xóa bệnh giáo điều, xoá bệnh trì trệ, xóa thói xấu chuộng lạ, dễ gì! Phải vừa làm vừa cải tạo những con người cũ nay hăm hở làm một cái mới, tỉ mỉ lắm… nhưng có lẽ chúng tôi đã làm được nhiệm vụ ưu tiên của mọi ưu tiên đó.

Giaoduc.net.vn: Thế Cải cách nhà cải cách nhiều tuổi thì tiến hành như thế nào?

Nhà giáo Phạm Toàn: Ban biên tập thống nhất công việc với nhau, thì phải đến mời từng tác giả. Gọi là “mời” nhưng bỏ cả buổi để trình bày với chỉ một người đâu là tư tưởng giáo dục Cánh Buồm, bàn bạc cách thực hiện. 

Nhưng chúng tôi nhận ra một điều này: người lớn tuổi mà thực sự có tài thì cũng có tấm lòng cùng bắt tay vào việc. Nhiều “cụ” khi thảo luận nhất định bộc lộ cái tâm và cái tài của mình. 

Trường  hợp khó quá, thì cho qua, chỉ giữ hữu hảo thôi, không mời làm. Mình nhớ mãi cuộc thảo luận với cụ Nguyễn Thế Anh, năm nay hơn 90 tuổi. 

Cụ Thế Anh vốn là giáo viên tiếng Nga đại học Ngoại thương. Sau ba chục năm gắn với tiếng Nga cụ về hưu và “chợt nhớ” ra mình biết chữ Nho và chữ Nôm từ bé. Cụ quay sang nghiên cứu Truyện Kiều.

Chúng mình xin ý kiến cụ: làm cách gì cho thanh niên Việt Nam thuộc Truyện Kiều? Cụ mở rộng cõi lòng bấy lâu: 

“Phải đưa được Truyện Kiều vào nhà trường, nhưng không “đưa” theo cách cho học sinh thuộc vài ba đoạn vài ba ý tưởng cốt đi thi. Làm cách này thi xong thì Truyện Kiều cũng đi luôn.

Cả giáo viên dạy Truyện Kiều cũng chỉ cần nhớ vài ba trích đoạn và vài ba giáo lý rồi cũng không có gì trong tâm hồn mình gợi nhớ đến Truyện Kiều.”

Và cụ Thế Anh chỉ cho cách làm cho Truyện Kiều trở thành tài sản trong tâm hồn thanh niên Việt Nam,. Chứ không chỉ là tài sản trên giấy và trong các bữa liên hoan nhận chứng chỉ Danh nhân Văn hóa Nguyễn Du. Cụ nói rấy giản dị:

“Truyện Kiều ra đời khi dân ta hầu hết chưa biết đọc chữ Nôm. Nó lưu truyền đi theo cách truyền miệng và các trò chơi đố Kiều, bói Kiều, tập Kiều, lẩy Kiền, Vịnh Kiều thì bây giờ mình cũng làm vậy đã, sau đó hãy học theo cách hàn lâm”.

Cụ Thế Anh đã soạn Truyện Kiều theo lối đó cho cuốn Văn lớp 9 Cánh Buồm. Học sinh học thuộc và yêu Truyện Kiều trước khi học bài nghiên cứu của Phan Ngọc và Nguyễn Lộc… 

Bài học của nhóm Cánh Buồm trong vụ này thật là quá rõ: phải có một tư tưởng đủ đúng thì viên “tư lệnh” của “trận” viết sách dạy cho trẻ em sẽ hấp dẫn được người có tâm và có tài cùng viết. 

Có một Dự án là có chính danh, nhưng chưa đủ.

Cùng có mặt ở Điện Biên Phủ năm xưa có hai ông đại tướng. Mà ông tướng Pháp De Castries giàu sang hơn ông tướng Việt Minh ăn mặc luộm thuộm và chưa có lon để đeo. Ví von cho dễ hiểu thôi, chứ nhóm Cánh Buồm không có ai họ Võ đâu nhé!   

Giaoduc.net.vn: Theo ông, tiến hành viết sách giáo khoa mới bây giờ nên như thế nào?

Nhà giáo Phạm Toàn: Chịu! Cái đó đã có nhiều người chí cao trông xa hoạch định. Tôi và nhóm Cánh Buồm chỉ như những người chân quê đi đường thấy có cành gai thì nhặt đi cho trẻ em đỡ bị xước da và rách quần.

clip_image010

Viện Khoa học giáo dục Việt Nam mới trả lời một nửa vấn đề

(GDVN) – Chúng tôi sẽ chờ đợi câu trả lời chính thức của các cơ quan chức năng, các bên liên quan và sẽ thông tin đến bạn đọc khi có tình tiết mới.

Chúng mình thấy việc cần làm thì cứ làm đi đã, chuyện cao xa tính sau. Chúng tôi ở nhóm Cánh Buồm thực hiện quyền tự do của người công dân, thấy sách giáo khoa cần viết lại, thì chúng tôi làm. 

Nhiều người thích kêu ca phản biện, chúng tôi phản biện bằng việc làm: hình dung phải có một chương trình và sách giáo khoa như thế nào làđúng, đẹp, dễ áp dụng thì cứ làm ra đã. Cuộc sống sẽ lên tiếng đánh giá. 

Nhiều bạn cứ sốt ruột đặt câu hỏi: bao giờ thì được thừa nhận là sách giáo khoa chính thức? Vội gì! Được thừa nhận là chính thức nhưng đầy sai sót thì chỉ làm hại dân tộc trên quy mô lớn mà thôi. 

Mình làm quy mô nhỏ, có sai sót còn kịp chữa. Cố sao cho bớt sai, cố sao cho càng ngày càng đúng, cứ vậy đã!   

Giaoduc.net.vn: Tiến hành viết sách giáo khoa mới trên cơ sở nhiều nhóm cùng làm, liệu có rơi vào “lợi ích nhóm” không?

Nhà giáo Phạm Toàn: Hè hè hè … Mình đề nghị làm xong sách cứ đưa hết lên Internet. Không đọc quyền làm sách và bán sách nữa, thì lấy đâu ra lợi ích nhóm?

Internet là một công cụ siêu vĩ đại. Internet là công cụ phi giai cấp, phi vụ lợi, phi giả dối. 

Mỗi nhóm biên soạn sách giáo khoa hãy đưa sản phẩm của mình lên Internet. Dân sẽ đánh giá. Các giáo viên sẽ chọn bộ sách nào họ cho là đúng hơn cả, vì họ dễ thực hiện và đào tạo ra nhiều học sinh giỏi hơn cả. 

Hè hè hè … Mình có ý kiến này chẳng biết nhà báo có ưng không: dùng Internet thì sẽ giảm biên chế được 70 phần tram nhân sự đấy. 

Giaoduc.net.vn: Xin cám ơn nhà giáo. Mong sẽ gặp lại nhà giáo nhiều lần nữa. Bài phỏng vấn này chắc chắn sẽ được đưa lên Internet. Mong nhà giáo sẽ đối thoại với bạn đọc… 

Nhà giáo Phạm Toàn:  Ôi tôi chỉ mong có thế thôi! Xin cám ơn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam! Cám ơn báo Giáo dục trên Internet. Cám ơn những bạn đang sắp mở máy ra đọc, đọc rồi “còm” nữa mới vui chứ! Năm 2017 đã tới, chúc những người bạn ảo mà rất thật có rất nhiều niềm vui. 

Hồng Thủy

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tro-chuyen-cung-nhom-Canh-Buom-Cai-cach-nha-cai-cach–uu-tien-cua-moi-uu-tien-post173559.gd

Comments are closed.