Trò Chuyện với Ngu Yên

Kỳ 10 – Chơi!

clip_image002

Trần Vũ: Tôi nhận ra điều này khi gặp anh: Chất “Chơi” lồng lộng, ngồn ngộn trong mình anh, tỏa bung như những chiếc vẩy khôn kham. Gần như anh sống để chơi và anh nỗ lực chơi. “Chơi” là tấm bảng chỉ đường của anh. Ngay cả khi anh treo ngênh ngang tấm bảng “ý thức” cũng là một cách chơi. Vì như anh viết, có “sự khác biệt giữa người ý thức vui chơi và người vui chơi tùy tiện…”, với đầy tự tin: “nếu thế gian này chịu thi sáng tạo vui chơi, có lẽ tôi sẽ chiếm được tú tài, thám hoa, bảng nhãn.”

Tôi vẫn còn là Messala rất khác với Ben Hur, chính vì tôi chưa biết chơi. Ngày trẻ, viết truyện lôi công chúa Lê Ngọc Hân ra quất vài roi, cho Nguyễn Huệ say sỉn lật bàn, nhằm cơn ói mửa tung tóe làm Vũ Văn Nhậm đập đầu vào thau, hay Nguyễn Hữu Chỉnh tương tư một nhũ hoa mềm mềm còn ấm ở kẽ tay, hoặc “Tuyết của Đời Mưa Gió” nếm vị sữa thơm bún thang của Thạch Lam… tôi phá phách chút ít. Nhưng chưa biết thế nào là “chơi”. Hoang dã và Vô cùng.

Giải trí duy nhất của tôi là chợ sách cũ. Cuối tuần nào tôi cũng vào chợ lồng Georges Brassens lục lọi từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, đói bụng ra café rồi lại quay vào moi, tìm những quyển sách đã vàng ố còn in dòng chữ viết tay của chủ cũ, đôi khi kẹp một lá thư tình xa xưa hoặc một vé xem hí viện cuối thế kỷ 19…

“Vui Chơi” của tôi chỉ ngần ấy. Chồng sách thế chiến hay tể tướng Bismrack, cẩm nang chiến tranh của Clausewitz hoặc các trận Nà Sản, Vĩnh Yên, Mao Trạch, Mạo Khê, Đông Triều, Nghĩa Lộ, Tú Lệ với Tổ quốc Lê Dương, “Legio Patria Nostra”, là niềm vui duy nhất. Vui thêm chút, khi lâu lâu bắt gặp nhà phê bình Đặng Tiến, hoặc cùng vào chợ sách cũ với nhà phê bình Thụy Khuê, hay các thi sĩ Chân Phương, Nam Dao, cùng lục lọi… rồi đi ăn couscous hay bao tử hầm của vùng Normandie.

Nên …thấy anh chơi phát ham.

Nhưng tôi chưa mường tượng ra hết. Vì chúng ta gặp nhau ít, nên anh hãy kể cách chơi của một thi sĩ, là anh. Anh bày trò gì? Soi Gương Tìm Khỉ? Như anh viết “Mỗi ngày tôi soi gương, thấy khỉ, thấy người/ Nếu thượng đế soi gương, không chừng chính là…” Chơi có giống Danh và Thực trong thơ?

clip_image004Ngu Yên: Tôi luôn luôn nghĩ rằng, nếu đời không có “vui chơi”, chẳng có gì thú vị để sống. Người ta thường biết vui chơi nhưng ít ai để ý đến “buồn chơi”, khi họ buồn, đa số chỉ biết than thở, khóc kể hoặc say sưa. Lúc vui cũng chơi, lúc buồn cũng chơi, thành công cũng chơi, thất bại cũng chơi, dù đời sống tạm bợ hoặc đời sống duy nhất, cũng đáng sống.

Chơi tự nó không không có hại, không có tội. Vấn đề là chơi trò gì, chơi cách nào, chơi với ai và biết hậu quả của chơi.

Quan trọng nhất là tự chơi: tự giải tỏa mình ra khỏi những tiêu cực, buồn phiền, lo lắng, sợ hãi hàng ngày, dù chơi một mình hay chơi với nhiều người.

Kể ra những chuyện chơi của mình, thật ái ngại, tuy cái Tôi dễ thương đối với mình nhưng dễ ghét đối với người. Nhưng tôi sẽ kể tóm tắt vì có sự liên quan từ lúc chơi vô ý cho đến khi cố ý, từ trò chơi quanh đời đến chơi bằng thơ, không phải với thơ.

Từ nhỏ, tôi đã quen chơi một mình. Tôi không biết đi cho đến khi hơn ba tuổi, vì sinh ra trong liên khu 5, gia đình tản cư trốn Việt Minh Cộng Sản, nghèo đói, hiếu thốn dinh dưỡng, cái đầu to bằng trái banh, tay chân như que cũi, suốt ngày bò lết, không có bạn bè, không có ai ở quanh vì mọi người thân đều buôn tần bán tảo hoặc ở tù. Có lẽ tôi đã sống bằng tưởng tượng và niềm vui là thân thuộc nỗi buồn.

Đến khi biết đi, trong khi trẻ đồng lứa chơi đá banh, đánh trổng, đạp lon, bắn bi… tôi thường ra bãi cát trống, dùng tay moi những cái lỗ sâu, ngập cả cánh tay, rồi nhìn vào lỗ đen đó, không nhớ đã nghĩ gì, nhưng tôi nhớ lúc sợ hãi rồi bỏ chạy về nhà.

Suốt cả thời tiểu học, tôi nuôi kiến, đủ loại kiến, kể cả kiến đá núi, kiến bù nhọt, sau vườn. Lén lấy gạo, đường của mẹ để cho kiến ăn. Sau khi đi học về, tôi thường ra vướn xem kiến đánh nhau cho đến khi trời tối. Tôi học từ kiến nhiều điều về binh pháp, về lòng can đảm, về tình đồng loại và sự làm việc bất kể ngày đêm để đạt mục đích. Tôi có ghi lại trong truyện thơ: Chiến Trận: Người và Kiến, Tự Học. http://www.diendan.org/sang-tac/nguoi-va-kien

Bất cứ việc gì xảy ra chung quanh, tôi biến chúng thành trò chơi, ít nhất là chơi trong trí tưởng. Càng lớn tôi càng chìm đắm vào cỡi chơi, kể cả Học luật, tình yêu, cờ tướng, âm nhạc, cờ bạc, nhậu nhẹt, hút sách, đọc sách… và đi lính. Từ một người ham chơi vô ý thức, dần dà tôi khám phá ra, cần phải có y thức rõ ràng khi chơi và tôi bắt gặp Alexis Zorba, người chịu chơi của Nikos Kazantzakis. Tôi hiểu rõ trò chơi đánh cá và kéo xương cá của Ernest Hemingway trong Ngư Ông và Biển Cả. Tôi ngưỡng mộ cái lý tưởng giết chết con cá voi trắng trong Mobil Dick của Herman Melville. Tôi hoan nghênh lối chơi hoang tưởng ẩn dụ qua truyện kiếm hiệp kỳ tình của Kim Dung…. Đời ai chẳng gặp những khó khăn, phiền muộn. Hơn nữa, buồn nhiều hơn vui, thất bại nhiều hơn thành tựu. Nếu đã phải sống với chúng nó, trốn tránh và chống đối chúng là vô ích, chỉ thêm thiệt hại. Tại sao không biến chúng thành cuộc chơi. Buồn chơi nhiều khi thú vị hơn vui chơi.

Chơi là gì? Đối với tôi, chơi là tạo ra niềm vui cho mình. Vui ở đây không chỉ là nụ cười, còn là sự bình thản trước những khó khăn và phức tạp của đời sống. Lý thuyết: có việc chơi không liên quan đến ai khác, chỉ vui cho mình; Có việc chơi có lợi cho người khác, vửa vui cho mình vừa vui cho người; Có việc chơi cho mình vui mà có hại cho người khác. Có hại cho người khác, thường thường, trước sau gì cũng làm mất vui. Có lợi cho người khác, thường thường làm vui thêm. Chơi một mình, không liên quan tới ai, thường mang lại sự bình an trong tâm hồn.

Tôi thực hiện lý thuyết này, suốt khoảng đời từ năm 40 tuổi đến nay. Càng già tôi càng tin tưởng vào lý thuyết và áp dụng cho một điều cần thiết để sống: Sáng Tạo Việc Chơi và chơi với sáng tạo.

Sáng tạo việc chơi cũng như sáng tạo bài thơ. Trước khi đến mục đích, đi trên con đường sáng tạo, cho mình những tưởng tượng sung sướng, những tìm tòi say mê, những khám phá bất ngờ, những xây dựng biến báo, thường khi kết cuộc không giống như đã kế hoạch lúc ban đầu. Hành trình này làm người đi “khôn lớn, sâu sắc” hơn và hân hoan nhiều hơn. Rốt ráo, sáng tạo việc chơi là sáng tạo cuộc đời. Tôi tin có định mệnh, nhưng định mệnh không phải là cái gì cứng ngắt, đã định tất sẽ xảy ra. Tôi tin. định mệnh là hướng đi, dẫn về nơi nào đó. Những chọn lựa trong đời sống của một người sẽ thay đổi cách đi. Tôi thích sáng tạo định mệnh của mình vì sự thật tôi không biết định mệnh đó là gì. Vui trước đã, tới đó hãy tính sau.

Do đó, anh đã bắt gặp “không khí” chơi bao bọc quanh tôi.

Trần Vũ: Tôi cần những quá khứ trù mật của Chiến khu C “Chơi”. Nơi triệu vì tinh tú mọc đuôi sao chổi lộng lẩy… Để tôi tin, anh phải cầu chứng bằng những kỷ niệm “sống động”. Bảng nhãn Ngu Yên! Đã hết giờ lý thuyết!

Ngu Yên: Sáng tạo việc chơi thì nhiều lắm, nhiều đến nỗi đa số người quen cho rằng suốt đời tôi chỉ chơi, hiểu theo nghĩa chơi bời lêu lỏng. Tôi thích chơi nhưng không bời.

– Qua đến Mỹ năm 1975. Từ năm 1976, tôi chơi việc thợ may. Trong thập niên 80, nhà may tôi đón tiếp cựu tổng thống Clinton và gia đình ông, kể cả bà Hillary. Những Thượng ngjhĩ sĩ David Prior (Arkansas), Sam Walton (Wlamart)… đều đến để sửa đồ, may đồ với người thơ may chưa từng cầm kim chĩ trước 1975.

– Chán việc thợ may, tôi chơi việc giao dịch ngoại hối, xây dưng software để trao đổi tiền tệ và kim loại. Đại diện cho công ty FXDD, cơ quan tài chánh ở New York, đi dạy và hướng dẫn.

– Tôi tổ chức nhiều chương trình nhạc trình diễn, chủ trương áp dụng nghệ thuật hiện đại và sáng tạo những không khí khác thường. Tôi chỉ kể một chương trình ví dụ, Tuyết Rơi Giữa Mùa Hè. Tổ chức trong tháng 7, tháng nóng nhất ở Houston, Texas, ở một nơi chứa vào khoảng 900 người. Ít ai đi tham dự tin rằng sẽ có tuyết. Thậm chí, khi quảng cáo nói rằng nên đem theo áo ấm, đa số phì cười. Ca sĩ Khánh Hà mở đầu chương trình với nhạc phẩm Tiễn Em của Phạm Duy, tưởng tôi nói đùa khi dặn cô đem theo áo lông. Vậy mà khi cô vừa chấm dứt câu hát: Trời mùa đông Paris… Tuyết theo gió bắt đầu bay, càng lúc càng lớn, khi chậm khi nhanh, rơi suốt ba giờ trình diễn. Khán giả, có người ra hốt tuyết, xem thật hay giả. Bây giờ, kể cho anh nghe, lòng tôi vui đáo để. Dĩ nhiên, không bao giờ làm lại dù được yêu cầu. Còn nhiều chương trình khác như nhạc kịch Đêm Bên KIa Sông Đuống, phối hợp ca khúc Đêm của Cung Tiến và trường ca Sông Đuống của Hoàng Cầm do tôi phổ thành nhạc. Mai Hương, Thái Hiền, Kiều Loan (con Hoàng cầm) và Nguyễn Thảo trình bày; như Mưa Trên Ngày Tháng Đó khiến Từ Công Phụng vì không tin trời sẽ đổ mưa trong hí viện nên đã bị ướt khi mưa thật sự rơi…

– Tôi cùng anh em trong nhóm Thế Hệ và Nhóm VPS đã tổ chức Chợ Tết hơn 15 năm ở Houston. Tháng Giêng và tháng Hai ở Houston, trời lạnh và hay mưa đá, do đó việc tổ chức tốn kém và khó khăn hơn chợ Tết ở California. Dĩ nhiên, tổ chức chợ Tết là việc vui chơi, truyền bá nét đặc thù dân tộc và phối hợp với văn hóa hải ngoại cho người Việt ở Houston và vùng lân cận. Năm ít nhất là 10,000 người, năm nhiều nhất là 35, 000 người tham dự. Vui và mệt không kịp thở.

– Chán rồi, xoay qua chơi việc về hưu. Tôi về hưu khá sớm. Để thời giờ chơi việc sáng tác và chơi chuyển thơ.

Nhưng chuyện quan trọng mà tôi chia xẻ với anh là những chuyện nhỏ nhặt hàng ngày, sáng tạo hoặc sáng chế cho đở nhàm chán, cho vui vẻ hơn. Cao đẹp nhất là chuyện ái tình. Ái tình không có sáng tạo, làm gì sống nổi cho đến hết đời, nhất là người nghệ sĩ, hay mau chán. Muốn chuyện vợ chồng được thú vị, nhiều vui hơn buồn, phải sáng tác nghệ thuật tình ái vừa cụ thể vừa hoang tưởng vừa thay đổi phần Danh, giữ chặt phần Thực.

Trần Vũ: Muốn chơi phải biết tường lãm? Trong bài Đẹp và Thơ anh viết:

Có kẻ sinh con, đau banh cảm giác

Đứa trẻ ra đời trông cậy tương lai

Sao anh phá trùm thơ đang trái

Xưa nay thi sĩ cũng vậy thôi

Thơ để chơi

Chơi thật hết đời

Chơi không được oán hận trời

Trời ghét không cho chơi

Chơi lén, thơ không tới

Sớm nay, chuối nở buồng hoa đỏ

Bài thơ hẹn vàng mấy tháng sau

Em đẹp anh vào nằm ngủ tiếp

Thơ chết hồi, thơ sẽ hay hơn

Chơi ngoài đời và chơi trong thơ giống nhau vì cùng phải dấn thân hết mình?

Ngu Yên: Anh nóí đúng. Đời là một bài thơ dài và phức tạp. bài thơ là một phần nhỏ, một chi tiết của đời. Chơi thơ là chơi với đời. Chơi đời là chơi bằng thơ. Và khi chơi, phải chơi tận lực thì mới hiểu rõ cuộc chơi và vắt cạn niềm vui.

Trần Vũ: Những trò chơi của anh rất ít tính dục. “Miền Zục lạc”, như chữ của Trân Sa, ít xuất hiện trong thơ anh. Trong tập Thơ Bạc Tóc, là một tình yêu thủy chung “Yêu Phụng, Yêu nhất đời, Yêu như ngày hôm qua, Yêu như đã yêu em…” giống như anh chọn thể hiện phần thăng trầm trong trò chơi vợ chồng, thể hiện thème chính của Susan Minot: “sexuality and the difficulties of romantic relationships”, nhưng lược bỏ phần đầu: Sexuality. Vì sao đã chơi mà thám hoa Ngu Yên còn chừng mực thân xác? Đọc Móc Áo, thấy rõ thème này:

Gác thấp trên nhà cao

Chứa trống vắng

Cửa sổ duy nhất

Ánh sáng mù mờ

Gác trống trơn

Chiếc móc áo

Lẻ loi

Đong đưa khi mất thăng bằng

Im lìm

Khi hòa tan tĩnh lặng

Bao nhiêu tơ nhện bấy nhiêu áo cũ đã quên

Cùng gió nhẹ

Mùi bỏ hoang lay động

Dấu nước mưa hoen ố ở trên tường

Khóc cho niềm cô độc đã quen

Nặng một bên, mất trọng tâm

Nhẹ một bên, chới với

Nặng chính giữa, trì trệ

Nhẹ chính giữa, mong manh

Vì cái đinh

Móc áo treo suốt đời

Ngu Yên: Cái đinh đã treo cái móc áo (là tôi), cái đinh không phải ẩn dụ vợ tôi mà biểu tượng cho “người thấy tu” trong tôi. Dù tôi có bỏ trốn, đánh ông đầy thương tích, nguyền rủa thậm tệ, ông vẫn lẳng lặng đi theo tôi và xuất hiện rất đúng lúc.

Đã vui chơi ai chẳng sa đà. Tôi thường chọn cách vui chơi một mình, như đọc sách, nghiên cứu, làm nghệ thuật tạo hình… hoặc vui chơi có lợi cho người khác như những tổ chức văn nghệ và nghệ thuật kể trên…nhưng cũng có lúc tôi muốn vui chơi mà có hại đến người. Thường thường ông thầy tu xuất hiện lúc đó, có khi bằng ánh mắt giận dữ của sư huynh bề trên Roger; có khi bằng đôi mắt dịu hiền của sư huynh già Gondale; có khi bằng một phương trình toán học của sư huynh Ginbert mà tôi chưa bao giờ giải ra. Như môt cáo móc áo, nghiêng qua nghiêng lại, mất trọng tâm, mất thăng bằng rồi trở về chốn giữa, khi tĩnh lặng và năm tháng trôi qua với cảm giác bùi ngùi.

Như đa số đàn ông khác, tôi thích đàn bà. Như đa số nghệ sĩ lãng mạn, tôi thích chọc gái. Thích người đẹp là thích thẩm mỹ và thích dục tính, nhưng không mấy kết quả vì anh bạn nhà tu kia không mời vẫn đến đúng lúc.

Với vợ, biết nói sao? Chép cho anh bài thơ, biểu tượng tình cho vợ:

Tình Yêu Phải Chăng Có Thể Cân Đo Bằng Sự Chết? Hay Bằng Sự Sợ hãi?

– Nếu có lúc nào, em nói, sẽ không còn yêu anh nữa, xin em nói hôm nay, khi anh còn đủ sức chịu đựng.

Chàng vừa dứt lời, nàng chồm lên quấn quít. Lột trần khoái lạc trên thân chàng. Run rẩy cành trụi lá. Hừng hực nắng chiều đông.

Rồi nàng ôm lấy đầu chàng, hoan lạc, khởi sự cắn.

Chàng im lặng, hoan lạc, mất dần. chẳng bao lâu, chỉ còn chiếc cổ, gọn gàng. Thân xác run lên vì mất đầu. Máu vẫn còn nóng hổi.

Đó là chuyện tình, Yêu tận cùng sự chết của loài bọ ngựa.

Anh muốn được yêu em như vậy.

Anh xin giữ chiếc đầu nhưng thế bằng linh hồn. Em hãy ăn đi.

Em biết không, linh hồn là rào cản tình yêu. Nó vì đời sau nên chẳng dám làm gì đời nay. Nó vì lời hứa suông từ Trời im lặng mà không dám yêu nhau hết lòng. Từ nay, anh không còn linh hồn để sợ hãi.

Địa ngục hay thiên đàng, anh không th đến.

Em đến nơi nào, xin mang anh theo.

Một bài ngắn khác, về tình dục bất lực mà thường khi bị tránh né. Đã là đàn ông, trước sau gì cũng trầm ngâm nơi đây:

Tình và Làm Tình Khác Nhau Chữ Làm

Một đêm em mâm mê sức sống anh yếu mềm, rồi hỏi:

– Đàn ông sẽ ra sao khi không thể làm tình?

Chẳng sao cả, chỉ như mặt trời không còn sức nóng, chỉ như đại dương không còn sóng, chỉ như tiếng hát bị khan. Nhưng mặt trời vẫn mọc, biển vẫn bao la, người đàn ông ấy vẫn hát thầm trong trí.

– Khi không còn sức làm tình, đàn ông giống ai?

Có người giống sư tử, chỉ thiếu nanh vuốt. Có người giống chuột, bị rút xương. Có người giống nhện, giăng tơ óng ả. Có người trở thành y tá, giàu lòng nhân đạo. Có người trở thành dao cạo, bén chảy máu những ai đến gần.

– Như vậy, họ làm gì?

Ai mà biết.

Nhưng anh sẽ tiếp tục yêu em như sư tử không nanh vuốt, như chuột rút xương, như nhện quấn tơ quanh giường ngủ, như y tá săn sóc bệnh tình, như dao cạo bén chảy máu những ai đến gần em, bất chính.

Như tiếng hát câm, anh ân cần ru em vào giấc mơ dù tuổi già thường mất ngủ.

Như đại dương hết sóng, trở thành ao nước mặn, anh sẽ chờ em đến tắm mỗi ngày. Bơi đi em, tuổi già cần thể dục.

Như mặt trời hết nóng, anh sẽ mãi mãi sáng như đèn pha, soi suốt đêm ngày vì tuổi già mắt em kém thấy.

Những người thường sẽ nghĩ như vậy, nhưng anh, chưa bao giờ thấy em già. Ở mỗi tuổi già, em vẫn trẻ hơn anh.

Anh không thể cho em biết, khi nào sư tử mọc nanh vuốt, khi nào đại dương lại nổi sóng, khi nào tiếng hát trở mình vút lên cao.

Nhưng anh biết, ít nhất một lần khi thủy triều dâng lẫm liệt.

– Đêm nay, em nói đúng, trăng sáng mà buồn.

Trần Vũ: Trong Móc Áo tôi còn thấy tính đối xứng của các mệnh đề, từ hình ảnh đến ý thơ. Anh bị ám ảnh hoặc chính anh đi tìm những phản đề, những tương quan, tương khắc, chúng bám theo anh ngay từ những thi tập đầu. Tôi thấy vậy. Như bài: Đứa Trẻ Không Bao Giờ Lớn chính là symmetry của Móc Áo. Ở đây Ngu Yên có còn chơi nữa hay không, hay là đã vào phân viện tâm thần của Freud?

Ngu Yên: Nhân anh đã nhận ra điều này, tôi xin trình bày rõ ràng hơn về những mâu thuẫn trong tư duy, thể hiện qua đời sống của tôi và dĩ nhiên phảng phất trong thơ.

Tôi hiểu được ý thức về sự phi lý mà Jean Paul Sartre đề cập trong thuyết Hiện Sinh của ông. Và ông cảm thấy buồn nôn vì những hữu lý đều là phi lý. Tệ hại hơn nữa, buồn nôn hơn nữa, khi con người và cá nhân Sartre phải ý thức trách nhiệm việc làm hàng ngày dù rất phi lý, không lối thoát . Và tôi công nhận điều đó đúng. Chúng ta lẩn quẩn vì không thể tìm ra sự hữu lý từ việc lớn nhất là Thượng Đế, việc quan trọng nhất là sự chết, cho đến những chuyện hàng ngày như vợ chồng, bằng hữu, chiến tranh, hòa bình.. .kể cả những chuyện bé nhỏ như ăn ngủ, chuyện trò… Nếu nghĩ cho rốt ráo, tất cả đều phi lý. Đó là tiền đề.

Phản đề: Nếu sống chỉ một lần, đời sống thế gian là quan trọng. Nếu chết, đầu thai mà không biết gì về đời trườc, đời sống thế gian là quan trọng. Nếu chết, lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục, không bao giờ trở lại kiếp người, đời sống thế gian là quan trọng. Cho dù con bướm Trang Tử chiêm bao cuộc sống mà bướm chưa thức dậy, đời sống thế gian là quan trọng. Nếu mọi chuyện hữu lý là phi lý, thì phi lý chính là hữu lý duy nhất cho đời sống. Nếu phi lý là hữu lý, rồi hữu lý là phi lý, thì lý đó là lẽ đương nhiên. Đã là lý đương nhiên trong đời sống quan trọng thì tại sao lại để trí tuệ làm cảm giác buồn nôn. Và buồn nôn chẳng qua là lý đương nhiên mà thôi.

Kết đề: Chưa có. Tạm lấy vui làm lối đi.

Bây giờ Sartre đã chết và thuyết hiện sinh cũng chết theo. Còn chăng là những mâu thuẫn của hiều biết và những bế tắt của tâm tình. Có cần phải giải quyết không? Tôi nghĩ là không cần nhưng vẫn băn khoăn.

Không lẽ lại trở về “đạo hư vô”. Nhiều năm qua tôi đã chạy trốn Lão Tử, Trang Tử, Thiền vì không muốn bị ám ảnh bởi sức tiêu cực của những triết thuyết này. Tôi hiểu ra “Thõng tay vào chợ” một cách tích cực hơn, vui hơn cho đời sống, nhưng vẫn thấy hư vô là phi lý. Rốt cuộc, thơ tôi thường có nhiều câu hỏi tại sao vì tôi vẫn tự hỏi như vậy trong đời sống hàng ngày. Chỉ hỏi thôi, không cần trả lời vì đó là chuyện đương nhiên, cần gì phải hỏi.

Trần Vũ: Sách là gu, mà gu thì vô cùng. Tuy điều kỳ quặc là các văn gia và thi sĩ thường mê song hành những loại sách mà độc giả khó mường tượng họ say mê. Như Mai Thảo lúc sinh tiền tại Cali không đọc tiểu thuyết mà đọc các tuần san thời sự chính trị tại Pháp. Mỗi lần sang Pháp ông đều nhờ tôi mua các tạp chí Le Point, Le Nouvel Observateur, L’Express, Marianne… rồi sau ông đặt mua hàng tuần qua bưu điện. Một lần tôi mua biếu ông Madame Bovary của Flaubert và quý san L’Atelier du Roman [Phân Xưởng Tiểu Thuyết], Mai Thảo bảo tôi đổi cho ông sách trinh thám… Giống như một lần ai đó tặng Mai Thảo một chai Hennesy XO giá khoảng 100$ khi ấy, ông nhờ tôi đem xuống tiệm liquor Đại Hàn đổi 6 chai cognac VS giá 15$ một chai để uống cho nhiều… Tôi ngạc nhiên vô cùng. Phạm Thị Hoài cũng nói với tôi là Hoài thích đọc tiểu thuyết trinh thám và Hoài đọc rất nhiều các tuần san chính trị Đức, như tuần san Der Spiegel [Gương Phản chiếu]. Vì sao tác giả của Chuyến Tàu Trên Sông Hồng và tác giả của Thiên Sứ mê chính trị và tiểu thuyết trinh thám? Vì tình tiết bí ẩn khúc mắc cuối cùng sẽ lộ sáng? Vì chính trị là tri thức thanh đạt và lương tâm của con người? Bẩn thỉu lộ ra hết?

Ngu Yên, anh đọc gì, bên cạnh thơ? Kẻ phi thơ phú trong người anh, là kẻ nào?

Ngu Yên: Tôi đọc sách và báo hàng ngày, đủ loại. Từ khoa học thực nghiệm, y khoa cho đến tiểu thuyết, từ sách dạy học cho đến sáng tác, từ sách chính trị đến sách bói toán, từ sách sửa computer cho đến Tự Điển Bách Khoa. Tôi đọc nhiều thứ sách nhưng có thứ đọc nhiều, có thứ đọc ít, có thứ tham đọc và có thứ tự bắt mình phải đọc, dù ngán.

Tôi kể anh nghe một câu chuyện, có lẽ từ sách của các môn sinh chép chuyện Khổng Tử, không nhớ rõ chi tiết, phóng tác vậy:

Một môn đệ đến hỏi thầy:

– Người đời nói, thầy là vạn thế sư biểu, điều gì cũng biết, làm sao thầy có thể đọc hết sách trên thế gian?

Sư phụ trả lời:

– Không , ta chưa bao giờ đọc hết sách, chẳng có ai có thể đọc hết sách trong thiên hạ.

– Vậy thì thầy đọc sách gì? Quá nhiều sách, biết chọn sách nào để đọc?

– Ta chỉ đọc những sách giềng mối mà thôi, phần còn lại tự suy ra.

Nắm được Giềng thì điều khiển được cả tấm lưới. Nắm được Mối thì biết những dây chính để đan dây phụ.

Tôi đọc sách Triết và thơ là chính, kể cả triết học vật lý và triết học của stephen Hawking. Còn kho tàng trí tuệ và nghệ thuật trong thơ thế giới, từ cổ chí kim, thì không cùng. Đọc suốt đời chắc chắc chưa hết và chưa thông.

Tôi lại thích đọc sách thực dụng. Đặc biệt, tôi thích đọc những gì có thể áp dụng, có thể kinh nghiệm. Nếu không, chỉ đọc qua một lần cho biết.

Trần Vũ: Trong tiểu luận Viết Nhỏ, Phạm Thị Hoài xác định: “Tôi sẽ không chọn Alice Munro nếu bị lưu đày ra một hòn đảo vắng mà chỉ được đem theo một cuốn sách.” Anh biết đem theo gì chưa, nếu phải làm Robinson ra hoang đảo, và chỉ được cầm tay 1 quyển sách? Tôi biết mình đem theo Barbarossa của Paul Carell.

clip_image006

Ngu Yên: Ra hoang đảo, mang theo một cuốn sách? Tôi mang cuốn The Norton Anthology of Modern and Contemporary Poetry. Có lẽ sẽ qua đời trước khi đọc cạn hơn một ngàn trang sách này. Nhưng nếu cho tôi mang một bộ sách, tôi sẽ mang bộ sách The Story of Civilization của Will Durant. Tôi đặc biệt yêu mến trí tuệ từ con khỉ trở thành con người và say mê những sáng láng của nhân loại. Những gì họ nghĩ, họ viết, họ làm ra, khiến ta ngộp thở.

Nhưng cần gì phải ra đến hoang đảo, chằng phải chúng ta đang sống trên hoang đảo hàng ngày?

Trần Vũ: Anh Ngu Yên, chia tay với anh ở đây, tôi biết là câu chuyện của chúng ta đã giống như chiến xa với phi cơ, một bên ủi bãi và một bên bay trên không trung, một bên tin vào dây xích nghiền nát, còn một bên tin vào sức mạnh kỳ diệu của đôi cánh… Tuy vậy những điều anh trình bày vô cùng bổ ích, vừa căn bản, vừa phóng chiếu với tất cả suy nghiệm dài lâu của riêng anh. Tôi biết mình chưa bao giờ quan tâm đến thi ca đúng mức, nhưng anh vừa giúp tôi nhìn thơ bằng đôi mắt khác.

Ngu Yên: Cảm ơn nhà văn Trần Vũ đã cho tôi cơ hội nói ra những điều tiềm tích lâu năm trong suy tưởng. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi đến hàng chữ cuối cùng. Cảm ơn cho những lượng thứ về những gì tôi nói làm phật lòng bạn. Dù sao, cuộc bút đàm này cũng là một sáng tạo việc chơi. Xin tạm biệt.

Hết

Bản cắt ngắn in trong Tuần san Trẻ Dallas tháng 6 và 7-2015

Bản nguyên trên Văn Việt

Trần Vũ thực hiện qua điện thư tháng 5 và 6-2015

clip_image008

Comments are closed.