Kỳ 4 – Miền Gai Mật
Trần Vũ: Trong hồi ký Suy nghĩ và Ký ức [Pensées et Souvenirs], tể tướng Otto von Bismarck viết: “Những khi yếu đuối, tôi đọc sách. Tôi ngưỡng mộ các thi sĩ Đức, những gì họ viết làm tôi dịu lại.” Tôi vô cùng ngạc nhiên khi đọc những dòng này, từ Bismarck. Trong thi ca, chừng như có một khả năng kỳ diệu nào đó, làm vơi đi hay thăng hoa một tâm trạng?
Mỗi khi gặp một thi sĩ, tôi luôn cảm giác kỳ lạ là gặp một sinh vật hiếm, cùng lúc cũng có thể là một bệnh dịch… Tôi tin, không phải thi sĩ chọn thi ca mà chính thi ca chọn thi sĩ. Nếu người được chọn ý thức, hắn sẽ thành một tài thơ. Thiếu ý thức, hắn là trận dịch hoành hành các báo. Đến khi nào thì anh được “chọn”? Anh ý thức “sinh vật tuyển” này ra sao? Trước 75 anh có theo dõi thi ca miền Nam? Ai ảnh hưởng anh? Mai Thảo, Nguyên Sa và Thanh Tâm Tuyền hay nhắc đến Jacques Prévert, Paul Valéry, Paul Éluard nhưng tôi lại không thấy bóng dáng họ trong thơ anh. Anh từng viết “Cuối cùng là thơ.”, giống Mai Thảo xác quyết: “Thơ là tiếng nói tận cùng và chung quyết của văn chương.” Từ đâu, niềm tin kỳ vĩ này?
Ngu Yên: Câu hỏi này có ba điểm chính, tôi xin phân ra để trả lời cho rõ hơn.
1- Nói rằng thi ca chọn thi sĩ, phải chăng là một cách nhìn nhận, định mệnh tìm đến con người? Chúa chỉ định một người, làm thơ. Nghiệp duyên móc nối một người, làm thơ. Ngược lại, phải chăng cách sống của mỗi người tạo ra định mệnh của mình? Vì có ai biết trước định mệnh của mình là gi? Vậy thì, một người đi tìm, chọn lấy thi ca, cũng có cơ hội trở thành thi sĩ. Nói đến Định mệnh và bản ngã, e rằng ngàn trang khó giải. Từ xưa đến nay, chưa có ai thuyết phục được ai. Hãy nói sang: người tìm thơ và thơ tìm người, có lẽ kiếm ít nhiều thú vị.
– Khi bắt đầu làm thơ, thông thường Người đi tìm Thơ. Thơ càng trốn, người càng tìm. Tìm ra hay không, cũng có đôi lời, gọi là thơ. Thường là thơ dở, không có giá trị bao nhiêu.
– Làm thơ lâu đủ, có kinh nghiệm hoặc có học thuật từ các kinh nghiệm của các thi sĩ thời danh hoặc có ý thức về sáng tạo, sẽ giúp cho nhà thơ có kiên nhẫn chờ đợi thơ. Thi sĩ là người luôn luôn canh thức và bắt chộp những lúc thơ đến. Nhưng thơ không phải đến bất ngờ, người làm thơ đã sống, đã kinh nghiệm, đã trăn trở một điều gì đó, cho đến một hôm điều đó xuất hiện trong ý thức sáng tạo thơ.
– Tôi làm thơ bằng cách đi tìm, đào sâu một điều gì đã và đang làm cho mình thao thức, cho đến khi thơ đến. Nếu thơ không đến thì viết văn xuôi hoặc viết nhạc hoặc để trong đầu tiếp tục trầm ngâm.
2- Tôi đọc nhiều bài viết, nhận thấy bằng hữu của tôi nhiều người lớn lên với Sáng Tạo, Bách Khoa… với Mai Thảo, Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Dương Nghiễm Mậu… Khi còn trong nhà dòng, tôi đọc sách lành mạnh, văn chương các thánh, Tự lực Văn đoàn, truyện của Alexandre Dumas, kịch Molière… Tôi đặc biệt yêu thích Đông Châu Liệt Quốc và Tam Quốc Chí. Ra khỏi nhà dòng, tôi say mê truyện dịch. Những dịch giả ở miền Nam trước năm 1975 là sư phụ của tôi. Bên cạnh dòng truyện dịch, tôi yêu văn chương và sách Nguyễn Hiến Lê, Kinh dịch của Ngô Tất Tố. Tôi thích đọc thơ dịch nhưng thời đó rất ít người dịch thơ nên thường khi tôi mày mò ráng đọc đôi bài nhưng không đủ khả năng và ít khi có được tư liệu.
Do đó khi bắt đầu làm thơ, tôi không quen thuộc lắm thơ của các thi sĩ miền Nam, miền Bắc. Về sau này, mới có dịp đọc nhiều. Tôi yêu cái chất sáng tạo như pháo bông của Bùi Giáng, yêu tình cảm trong tu từ thi pháp của Tô Thùy Yên, yêu sức bực tức phá phách của Nguyễn Đức Sơn. Phạm Thiên Thư, lành và tròn. Thanh Tâm Tuyền, trí tuệ và sáng… Miền Bắc, Phùng Quán, đơn giản, sâu sắc và ngay; Hoàng Cầm, chải chuốt, nhiều tâm sự phải ẩn sau biểu tượng; …tạm thôi nói sao cho hết.
3- Trước tập thơ “Cuối Cùng Là Thơ”(2013) là tập thơ “Chấm Hết” (2012). Từ Chấm Hết, tôi đã quyết định từ bỏ phong thái làm thơ trước đó. Không phải là từ bỏ tác phẩm và bài thơ mà từ bỏ nghệ thuật diễn đạt. Đi tìm một cách diễn đạt khác, thích hợp với cá tính và nhu cầu của bản thân.
Cuối Cùng Là Thơ, ở một tuổi đời bỗng dưng hiểu ra sự sướng khoái, hạnh phúc mà thơ mang lại cho mình. Không phải danh, chắc chắn chỉ tốn tiền; thơ mang lại cho mình những âm thầm thỏa mãn của trí tuệ và tâm sự. Rất có nhiều thứ trong đời không thể nào hiểu nổi, bỗng dưng thơ làm cho nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn. Cuối Cùng chỉ có thơ mới giải tỏa những uẩn khúc. Dù chỉ là giải quyết cá nhân. Phải chăng chúng ta sống, mỗi người dù muốn hay không, phải đối đầu với những câu hỏi, không có câu trả lời thỏa mãn? Một phần nào, tôi gặp gỡ ông tể tướng Otto Von Bismarck ở điểm này.
Thơ chắc chắc không phải là tiếng nói tận cùng và chung quyết của văn chương, theo ý của nhà văn Mai Thảo.
Trần Vũ: Vậy là gì, theo ý của anh?
Ngu Yên: Thơ và triết là tinh chất của trí tuệ. Nếu triết học ví như tinh cầu rộng lớn, thì thi ca là trái tinh cầu này đã rút hết khoảng trống, chỉ còn bằng nắm tay nhưng có sức nặng ngang với tinh cầu vĩ đại (Thiên văn học gọi là ngôi sao chết). Tâm tình triết học rối rắm như khu rừng già, tâm tình thi ca rộng lớn như xa lộ chuyên chở nhanh chóng cảm xúc, tâm sự đến nhân gian. Bằng hai ưu điểm này, thơ qua mặt nhiều loại nghệ thuật khác nhưng tiếc rằng không phải ai cũng nhận ra điều này.
Cuối Cùng Là Thơ, tôi có ý định xác nhận, đối với tôi, thơ trước kia là phương tiện nhưng về sau là cứu cánh. Tôi không chết vì thơ nhưng sống với thơ cho đến cuối đời. Nhưng phải đợi mãi cho đến tác phẩm “Độc Quạnh” thì tôi mới tìm cho mình một cách diễn đạt ưng ý và thỏa thích khi trình bày thơ.
Trần Vũ: Những điều anh vừa trình bày cho “Cuối Cùng Là Thơ”, có mâu thuẫn với thực tế không, khi hôm nay, lúc này đang chuyện trò với anh, tôi cầm trong tay tập san Granta số 129, ấn bản mùa Thu 2014 chuyên đề Fate. Trên tổng số 280 trang, duy nhất 2 bài thơ. Ấn bản mùa Đông 2015 số 130 chuyên đề India có 4 bài thơ Ấn Độ trên tổng số 290 trang. 4 trang thơ và 286 trang văn xuôi… Làm sao có thể “Cuối Cùng Là Thơ”? Thời gian sống ở Pháp, tôi còn kiểm chứng thi ca biến mất trên các phương tiện truyền thông… Khi các văn gia Pháp nhắc đến thơ, đều là thơ của những thi sĩ quá cố. Tất cả chúng ta cùng biết, các hiệu sách ở Little Saigon không nhận bày các thi tập của các thi sĩ đem đến vì chật chỗ. Anh không nghĩ, giai cấp sáng tác Việt đã nhầm phương tiện? Các thi sĩ sử dụng một binh khí của thế kỷ 19 không còn phù hợp với thời đại?
Ngu Yên: Thực tế gần cuối thế kỷ 20 sang thế kỷ 21, nghệ thuật chuyển hướng rất nhiều. Càng ngày nghệ thuật THẤY chiếm ưu tiên, so với nghệ thuật ĐỌC. Phim ảnh, ca vũ, trình diễn đem đến sự giải trí dễ dãi cho thưởng ngoạn. Đời sống càng lúc càng áp lực, vật chất càng lúc càng đòi hỏi, con người càng lúc càng không có thời giờ, giải trí cần thiết hơn giải tỏa. Những ưu tư, mệt mỏi, phiền muộn chỉ cần quên đi chốc lát như uống thuốc giảm đau. Khi nào đau, lại uống tiếp. Thói quen này khiến cho thơ chỉ hợp thời ở chỗ giải trí, trà dư tửu hậu, tán gái, kể lể tâm sự, bày tỏ cảm xúc. Còn giải tỏa, chìa khóa chính, lại không được sử dụng.
Nhưng không có gì thay thế được giải tỏa này. Xem phim ảnh, coi TV, tham dự đại nhạc trình diễn, dạo trong triển lãm….Thấy, coi, xem, biến thưởng ngoạn thành thụ động. Sự cuốn hút, lôi kéo khiến cho người thưởng ngoạn mất vị trí chủ động và không có giờ để tiêu hóa. Trong khi ĐỌC cho thưởng ngoạn sự chủ động, kiểm soát trí tuệ và tâm tình. Cần dừng lại suy nghĩ, cứ xếp sách. Cần tra cứu thêm chữ nghĩa, cứ từ tốn mà làm. Ví dụ như đọc câu thơ:
Người sống lâu nhất là người chết.
Lập tức câu hỏi Tại Sao sẽ vang lên. Người đọc dừng lại ngẫm nghĩ. Nếu cần tra cứu một tuần, một tháng, bài thơ cũng không mất. Miễn làm sao cho trí tuệ và tâm tư thỏa thích.
Những ưu điểm kết hợp này sẽ cho phép thơ tồn tại, cho dù thơ có thể phải trải qua những giai đoạn bị số đông lãng quên.
Tôi nghĩ, Thơ sẽ tồn tại song song với những nghệ thuật khác. Hoặc thơ sẽ biến dạng vào những nghệ thuật mà ngôn ngữ không còn toàn quyền chiếm giữ ngôi vị độc tôn.
Trần Vũ: Vì sao thơ bị chính dân Việt, một “dân tộc thi sĩ” xem nhẹ?
Ngu Yên: Đa số người Việt thích mà xem nhẹ thơ. Trước cũng vậy, sau này cũng vậy. Thơ chưa có lúc nào được “nể trọng”. Thơ vào báo, tạp chí, đóng vai trám chỗ. Thơ lên mạng lưới có nhiệm vụ tô điểm. Từ nhà phê bình, đến chủ bút, đến người đọc, kể cả người sáng tác, tính luôn nhà thơ, có mấy người thật sự thấy được sự giải tỏa, giải đáp chỉ mới thấy giải trí. Vì sao thơ không được nể trọng? Hãy hỏi những người làm thơ.
Hãy hỏi những người đọc thơ? Người ta thường nói, mỗi người Việt là một thi sĩ. Dù chỉ một nửa người Việt là thi sĩ, cũng đã khó hiểu vì hầu hết người Việt không mua thơ. Đa số người người Việt đọc thơ để giải trí; để thoả mãn tò mò xem thử người thi sĩ nổi tiếng này viết thứ gì; để tìm lại kỷ niệm, hương thời gian. Để thỏa mãn tâm tình là chính. Ít người đọc thơ để tìm hiểu văn chương.
Trần Vũ: Có phải vì vậy mà anh dịch thơ ngoại quốc sang Việt ngữ rất nhiều lúc này? Vì sao công việc dã tràng xe cát này, theo anh là cần thiết? Đem đến gì cho độc giả và các nhà thơ Việt ngữ?
Ngu Yên: Tôi không dùng chữ Dịch vì khi tôi hoán đổi ngôn ngữ ngoại qua ngôn ngữ Việt, sự hiểu biết cho tôi hiểu rằng, chẳng bao giờ có thể làm việc dịch một cách hoàn hảo. Cho dù dịch được chữ, được nghĩa, cũng còn nhiều yếu tố khác mà mỗi ngôn ngữ có tính đặc thù và mỗi tác giả có sự cá biệt, không sao dịch trọn. Tôi dùng chữ Chuyển Thơ với dụng ý, chỉ lấy chuyển chữ và văn phạm làm chính. Những ngôn phong, không khí, đặc tính, chuyển được chút nào thì hay chút đó. Cũng vì vậy tôi không phải là dịch giả.
Tôi chuyển thơ vì có lý do riêng:
Như đã nói trên, tôi rất thích đọc thơ ngoại. Qua bên Mỹ, tha hồ đọc. Sách vở tràn đầy. Sau khi đọc một thời gian, tôi khám phá ra, nếu chỉ đọc bằng mắt, với trình độ sinh ngữ của tôi, không thể thấu đáo. Một cụm chữ, một câu thơ, một bài thơ tưởng đã hiểu nhưng khi đọc lại hoặc nghiền ngẫm, thấy chưa hiểu thấu hoặc hiểu sai. Tôi bắt đầu viết xuống. Lạ lùng thay, một câu nói dễ hiểu trong đầu, khi viết lại bằng tiếng Việt lại ngập ngừng, khó khăn; đôi khi vô nghĩa. Từ đó, khi đọc một bài thơ ngoại, tôi đều cố viết lại bằng tiếng Việt. Viết sao cho suôn sẻ. Viết sao cho mình hiểu được.
Làm việc trong nhiều năm liên tục, tôi viết lại rất nhiều bài thơ của nhiều thi sĩ danh tiếng trên thế giới. Đàng nào cũng đã làm, tôi soạn theo thứ tự và ghi chú thêm thành những tập NHÁP: Chuyển thơ Federico Garcia Lorca, Thơ Nam Phi, Thơ Wislawa Szymborska, Thơ Mark Strand… còn rất nhiều vị dở dang, mươi bài này, mươi bài kia. Từ từ thế nào tôi cũng tập hợp lại. Tôi vẫn muốn giữ trong dạng NHÁP vì biết mình chưa có đủ giờ và kinh nghiệm để làm cho tốt. Khi nào tôi không còn sáng tác được nữa, sẽ quay lại mày mò sửa chữa các tập thơ chuyển này. Còn nếu như tắt thở giữa chừng, đành chịu. Tôi chắc rồi sẽ có người khác hoàn tất những việc này.
Dịch, chuyển thơ, là một cách học. Đối với tôi, được đi vào tâm tư, trí tuệ của các nhà thơ thành danh, khám phá họ nghĩ gì, buồn bã đau đớn ra sao, làm thế nào để diễn tả những điều như vậy, là một việc hết sức thú vị, khoái trá và tu thân.
Không thể hiểu thơ bằng cách nhìn toàn diện hoặc quan sát cõi thơ từ bên ngoài. Đi vào ngõ ngách của mỗi tâm hồn vĩ đại để họ thay nhau dẫn ta đi xem thơ. Qua từng nhân vật thi sĩ thật, thơ hiện hình khác nhau và cho ta cái nhìn đa dạng về thi ca.
Nếu như những bài thơ chuyển của tôi có giúp ích cho người yêu thơ khác, tôi thật sự vui mừng nhưng xin đừng quá tin vì có thể còn nhiều lầm lẫn và sai sót. Tôi đã cố ghi lại những nguyên bản và những bản dịch của các dịch giả khác nhau, vì muốn người đọc có dịp sửa chữa những lỗi lầm ngoài ý muốn của tôi.
Sau cùng phải nói rằng, dịch tuy không thể đúng và hoàn hảo nhưng đó là con đường duy nhất để đến với thơ thế giới, với tâm hồn thế giới và với nghệ thuật sáng tạo của thế giới.
Trần Vũ: Vào giữa thế kỷ 20, trên lục địa châu Mỹ La Tinh, những cây bút trẻ của lục địa này phải đối diện nhiều câu hỏi: Chọn giữa văn tranh đấu hay thẫm mỹ hình thức? Giữa dấn thân chính trị hay làm văn suông? Giữa hiện thực hay trí tưởng? Giữa hoang đường hay thực tế? Giữa bạn đọc bản địa hay mở ra thế giới? Và nếu viết cho thế giới, thì cống hiến gì cho nhân loại? Là những câu hỏi lớn. Có 4 nhà văn đã quyết định chọn lựa “không-chọn-gì-hết”. Một cách khác, họ chọn vươn ra khỏi tính đối lập cố định của những khái niệm: A hoặc B, 1 hoặc 2, đen hoặc trắng… 4 nhà văn ấy là Márquez, Cortázar, Vargas Llosa và José Lezama Lima, sẽ làm nên cao trào văn chương Nam Mỹ sau đó. Có thể xem là cả 4 đã theo kim chỉ nam của Borgès: Không có cách cưỡi ngựa theo kiểu Tin lành hay cách cưỡi ngựa theo kiểu Công giáo, chỉ có nghệ thuật tuyệt đối mà thôi. Những câu hỏi trên có từng xảy đến cho anh, từng là một nhà thơ trẻ, từng suy tư và từng thao thức về con đường thi ca phải chọn… Đã diễn ra như thế nào và đâu là chọn lựa của anh?
Ngu Yên: Trong đời sống hàng ngày, quan niệm của tôi rất rõ rệt về quê hương. Tôi chọn quốc gia cao hơn thể chế. Tôi chọn dân tộc cao hơn quốc gia. Mất dân tộc thì quốc gia và thể chế đều vô nghĩa. Dân Do Thái Không có đất nước mà tồn tại suốt mấy ngàn năm lưu lạc, lưu vong. Ngôn ngữ Do Thái, ngôn ngữ Trung Hoa khó như vậy mà sống ở đâu họ vẫn giữ được tiếng nói, truyền từ đời này sang đời kia. Ngôn ngữ là sức mạnh của dân tộc. Gìn giữ ngôn ngữ là gìn giữ sinh mệnh của dân tộc. Văn chương là ngôn ngữ tinh hoa. Phát triển văn chương, cố đạt đến giới hạn văn chương trong thời đại của mình là việc làm của người yêu văn chương, tức là yêu dân tộc của mình. Giới hạn ấy ở đâu? Một người không thể biết mình cầm được bao nhiêu sức nặng, cho đến khi bỏ lên tay từng cân một, đến một lúc nào, tay sẽ tự động không giữ nổi trọng lượng, những ngón tay từ từ bật ra, bắp thịt dần dần buông thả. Người ấy đụng giới hạn.
Tôi thao thức về văn chương dân Việt hơn là làm nghệ sĩ lưu vong. Tôi mong muốn người Việt sáng tác những tác phẩm ngang hàng và vượt qua trình độ thế giới hơn là quan tâm sáng tác cá nhân. Tôi ý thức được sự muộn màng và thiếu cơ hội của mình nhưng tôi có niềm tin những thế hệ sau sẽ không đi và đến trễ.
Đó là quan niệm và sự chọn lựa chung của tôi. Để trả lời câu hỏi của anh trong lãnh vực thi ca, tôi xin nói đến hai quan điểm. Thứ nhất con đường văn chương hoặc con đường thơ mà mỗi người sáng tác chọn đi, dường như đã có trước và những sinh hoạt thường ngày trong đời sống dẫn đưa mỗi tác giả đến những khúc quanh ngã rẽ. Thứ hai, tôi đã chọn con đường thơ nào để đi.
1- Tôi cho rằng nghệ thuật thơ là điều cần đạt, cần sáng tạo, cần thẩm mỹ hóa tối đa trong sức của mỗi người sáng tác. Phần còn lại, diễn đạt như thế nào, chọn lãnh vực phản kháng, chính trị, xã hội, thuần túy văn chương…v…v…là tùy vào cá tính và tấm lòng của mỗi người sáng tác.
Nói về cá tính: Mỗi người có mỗi năng khiếu sắc bén, mỗi tài hoa cá biệt, có kiến thức và kinh nghiệm riêng tư, quan trọng nhất là có quá khứ khác nhau. Chính những điều đó tạo ra mỗi người sáng tác là mỗi đặc thù.
Thông thường con đường sáng tác của họ ra đi lúc bắt đầu do vô tình, tự nhiên hơn là cố ý. Thông thường đi chung với bạn bè, những khi rẽ lối, cũng thường rẽ chung với nhóm bạn sáng tác cùng sở thích. Ít có người tự mình chọn lựa con đường đi riêng rẽ, đơn độc với chí hướng hoặc mục tiêu được xác định. Tôi có thể đơn cử ngay nhà Thơ Thanh Tâm Tuyền làm ví dụ. Lại có người nhờ tài hoa đặc biệt, tự tạo cho mình một cách đi riêng, ví dụ như nhà thơ Bùi Giáng. Suy nghĩ rốt ráo, tôi vẫn cho rằng, nếu không tin vào số mệnh, thì chính cá tính của mỗi người sẽ đưa họ vào những lãnh vực sáng tác khác nhau. Sự chọn lựa chẳng qua là kết quả, không phải bắt đầu. Cho dù, có ai tin rằng con người có tự do hoàn toàn khi chọn lựa, thì chọn lựa đó cũng là kết quả của những dữ liệu, dữ kiện (data) trong quá khứ thúc đẩy.
Một tác giả, quên tên, nói với tôi, cuộc đời của một người hôm nay là do người đó thi hành những quyết định đã chọn lựa trong quá khứ. Trước khi đi đến quyết định là những lý luận, những tranh cãi. Muốn lý luận tranh cãi phải có dữ kiện, dữ liệu tức là kiến thức và kinh nghiệm. Đi ngược lại thời gian sẽ cho thấy vì sao sự chọn lựa và quyết định dường như đã có trước.
Tôi cũng không chắc, bốn nhà văn lớn kia đã chọn lấy vị trí “không chọn gì cả”. Nhưng tôi biết, khi một người nghệ sĩ đã đạt đến một mức độ cao kỳ trong bộ môn nghệ thuật nào đó, người này sẽ không quan tâm về chọn lựa. Đối với họ sẽ không có biên giới giữa văn chương đấu tranh, văn chương thẩm mỹ, văn chương dấn thân, văn chương thực tế, văn chương hoang đường, văn chương địa phương hay văn chương toàn cầu… Đối với họ chỉ có văn chương. Dù họ viết về điều gì, ở lãnh vực nào, chỉ là phương tiện để sáng tỏ nghệ thuật và tư tưởng. Ví dụ như những người học võ, mới học chỉ giỏi một bộ môn vũ khí. Khi đến cao độ, người ấy giỏi mọi thứ vũ khí chính, gọi là thập bát ban võ nghệ. Rồi lên bậc cao hơn, dù cầm một cành trúc, cây đũa, cũng trở thành vũ khí phát huy võ công thượng thừa.
Nói về tấm lòng. Trong sự chọn lựa, tấm lòng là ảnh hưởng đầu tiên và nhiệt huyết đun sôi dọc đường sáng tác. Vì ghét bạo quyền, sẽ dẫn người sáng tác đến văn chương tranh đấu. Vì yêu chất đẹp, vẻ đẹp, sẽ dẫn người sáng tác đến thuần túy vị nghệ thuật. Những cao nhân trong cõi chữ nghĩa thường là những người hết lòng yêu văn chương. Chẳng những họ trân quí văn chương, họ còn tận sức làm cho văn chương đạt đến mức độ đẹp sáng mà họ có thể làm. Ví dụ nhà văn Doãn Quốc Sĩ.
2- Con đường làm thơ của tôi được chọn do một sự tình cờ và bước đi với sự chủ ý. Tôi cũng như đa số người sáng tác bình thường khác, bước vào cõi thơ do thời cuộc đưa đẩy. Tiếp tục làm thơ như một cách chơi. Thích thì làm, bận rộn thì thôi. Hăng hái thì viết đêm viết ngày. Hụt hơi thì lặn nghỉ. Cho đến một hôm, lúc đó còn ở Little Rock, Arkansas, tôi vô tình mua một cuốn sách đại hạ giá 2 đồng 99 xu, “Life 101” của Peter McWilliams. Tôi đã đứng đọc gần hết cuốn sách này tại tiệm sách cũ, quên cả chuyện đón vợ đi chợ ra, chờ dưới trời tuyết. Nội dung cuốn sách không liên quan gì về thi ca. Nhưng nó khiến tôi đặt lại vấn đề suy nghĩ, luận lý và quyết định trong đời sống. Những tích trữ kinh sách lâu ngày, một mớ hỗn độn, tự dưng sáng rõ ra và di chuyển thành một thứ tự nhân sinh quan. Từ đó, tôi nhìn thơ bằng một cách khác.
Khởi đầu tôi thích dùng thơ để phát huy sáng tạo. Áp dụng sáng tạo trong công việc lớn nhỏ hàng ngày, ở chỗ làm, kể cả chuyện vui chơi. Dần dà, sáng tạo quay lại phát huy thơ. Như tôi đã nói trước đây, tôi làm thơ gần gũi với nhà thám hiểm hơn là thi sĩ. Con đường tìm tòi, suy tưởng, bắt gặp… cho tôi nhiều thú vị và sung sướng. Tác phẩm không cho tôi được niềm vui như vậy.
Suốt gần bốn mươi năm làm thơ, chưa lúc nào tôi hài lòng về thơ của mình. Vì khi tưởng đã tìm được một nơi dừng chân thì một hai con đường khác lại mở ra, dẫn đến mịt mù.
Vào lúc này, tôi dừng lại một nơi gọi là “Độc Quạnh”, tập thơ này có lẽ sẽ ra đời trong năm 2016. Sẽ có dịp khác, chia xẻ với anh Trần Vũ nhiều hơn về Độc Quạnh.
Trần Vũ: Anh chỉ mới trả lời phần đầu của câu hỏi: đã diễn ra như thế nào. Còn phần sau: đâu là chọn lựa thật sự của anh?
Ngu Yên: Sự chọn lựa của tôi là chú tâm vào sự sáng tạo phương pháp sáng tác. Tôi cho rằng cách diễn tả ý tưởng và tâm tình ra thành nghệ thuật thơ là yếu tính quan trọng nhất của làm thơ. Một bài thơ phải di động trên hai chân: Một là hình thức, tức là thân xác của thơ. Hai là nội dung, tức là tinh thần của thơ. Người ta nói, thuở ấu thơ hai chân tập đi. Khi khôn lớn hai chân tập chạy, tập nhảy cao, nhảy xa. Những đôi chân tài hoa biết nhún nhẩy thành những vũ điệu tuyệt vời. Chẳng những có phương pháp sáng tác, còn phải đòi hỏi lòng yêu thơ.
Nếu không thực sự yêu, làm sao có thể viết thơ tình? Nếu không cảm nhận được nỗi khổ, niềm đau của con người, làm sao làm thơ tranh đấu cho nhân quyền? Nếu quê hương chỉ là trò chơi thì thơ đấu tranh chẳng qua là lời lẽ hô hào khẩu hiệu và cố thuyết phục người đọc dành cho mình một chỗ đứng. Làm thơ, không thể làm giả, đi ngược lại những điều tin tưởng và lòng yêu thích.
Cổ ngữ có câu, ngành nào cũng có tú tài. Họa sĩ Võ Đình, có lần đã nói với tôi, tụi mình chỉ có thể làm hết sức, những chuyện còn lại, đừng quan tâm. “Làm hết sức”, chỉ có làm hết sức mới tìm thấy giới hạn.
Trần Vũ: Thế nào là “Làm hết sức”?
Ngu Yên: Có câu, Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Làm hết sức không có nghĩa đơn giản là tận sức làm. Làm hết sức là một tiến trình: biết người biết ta. Biết văn thơ của những tài năng trên thế giới. Biết ưu điểm và khuyết điểm của họ. Đặc biệt là cái gì dở trong thơ của những người thành danh. Rồi phải tự biết mình. Ngồi đáy giếng, không thể biết trời cao rộng. Czeslaw Milosz, Nobel 1980, nói, thi sĩ là người bay trên cao nhìn xuống toàn diện, cùng một lúc thấy những chi tiết ở bên dưới. Ông muốn nói đến bề rộng tri thức và bề sâu trầm tư của thi sĩ. Ông muốn nói, ý thức làm thi sĩ.
Biết người, biết ta xong, trăm trận trăm thắng. Thắng ai? Trong văn thơ làm gì có thắng. Tác phẩm Ars Poetica của Horace, gồm 476 câu, viết từ thế kỷ 19 trước Dương lịch và bài thơ con ếch của Baso, chỉ có 3 hàng, viết trong thế kỷ 17 sau Dương lịch, bài nào hay hơn? bài nào giá trị hơn? Chịu. Chúng ta đều biết, mỗi bài mỗi vẻ, mỗi người mỗi vẻ… mười phân vẹn chín; vì thơ không bao giờ có mười. Vậy thì câu nói trên sẽ phải đổi lại cho phù hợp với văn thơ: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng mình”. Mỗi thời kỳ thơ là mỗi tự vượt qua chính mình, tự thắng thơ của mình. Nói như đại đế Alexander, mỗi trận chiến là trận chiến cuối cùng. Mỗi bài thơ hãy viết như bài thơ cuối cùng.
Trong lãnh vực văn chương, biết người, biết ta không, chưa đủ, phải biết thơ nữa. Có rất nhiều chuyện cần biết về thơ. Nhưng chuyện cần biết căn bản nhất: Thế nào là thơ hay?
Khi còn đi tu, có lần tôi hỏi cha bề trên, thế nào là người tốt. Cha trả lời, người tốt có nhiều tầng loại nhưng ở tầng lớp đầu tiên, người tốt là người không làm điều xấu. Câu nói này theo tôi vào thi ca. Thơ hay, trước hết phải là thơ không dở.
Người ta dễ đồng ý với nhau về cái xấu, cái ác, cái dở nhưng cũng những người đó, họ khó đồng ý với nhau về cái thiện, cái đẹp, cái hay. Tôi thích nghiên cứu những cái gì làm thơ dở. Tôi nhớ tên các nhà thơ dở nhiều hơn các nhà thơ hay. Càng ngày danh sách cái dở càng dài, càng sâu sắc, càng phức tạp. Học cho thuộc hoặc dùng đối chiếu khi thơ đã thành hình. Càng loại bỏ nhiều cái dở, bài thơ càng có nhiều cơ hội hay. Dĩ nhiên, đây chỉ là quan niệm cá nhân. Cách nào cũng được miễn một người sáng tác ý thức về việc tự thắng, tự vượt thì câu cổ ngữ sẽ được viết lại: “Biết người biết ta, biết thơ, trăm trận trăm thắng mình.”
Mây cao, có mây cao hơn. Tinh tú xa có ngân hà xa hơn. Nhưng trước hết, thử hỏi, thế nào là một đám mây? thế nào là một ngôi sao? Thế nào là một tác phẩm lớn?
Hết phần 4
Bản cắt ngắn in trong Tuần san Trẻ Dallas tháng 6 và 7-2015
Bản nguyên trên Văn Việt
Trần Vũ thực hiện qua điện thư tháng 5 và 6-2015