Trò Chuyện với Ngu Yên

clip_image002

 

Kỳ 7 – Không Thể Dán Nụ Cười Đã Bể (*)

Nhiếp ảnh Nigel Tomm

Trần Vũ: Những chẩn đoán bệnh lý thi ca Việt của anh không khác với xét nghiệm máu bên văn xuôi: quá ít những tác giả đi tìm tác phẩm công phu và quá ít những người viết còn xem trọng cú pháp. Các nhà văn Việt lúc này ít quan tâm đến ngữ pháp, khiến không còn styliste và chính vì sa sút cú pháp mà văn xuôi Việt mất chất khác thường, trở nên thứ văn nhật trình hàng ngày… Bàn đến cú pháp, là bàn đến ngôn ngữ. Các thi sĩ thường xuyên chịu ám ảnh của ngôn ngữ, đi tìm cách điệu nâng cao ngôn ngữ và cùng lúc tạo ra chữ mới… Bến Lạ của Đặng Đình Hưng là một ví dụ. Bóng Chữ của Lê Đạt là một ví dụ khác, tuy ở Lê Đạt tính chất “chơi chữ” nhiều hơn… Ở anh, cũng xảy đến việc phát minh ra từ vựng mới, như chữ “Trí nghĩ” anh dùng lúc nãy, ngôn ngữ đối với thi sĩ là sự tìm kiếm tuyệt đối?

clip_image004Ngu Yên: Thơ trước hết là ngôn ngữ. Một loại ngôn ngữ thể hiện qua ý thức sáng tác thơ. Không có giới hạn từ ngôn ngữ bình dân đến ngôn ngữ bác học. Tài năng của thi sĩ là dùng ngôn ngữ diễn đạt ý tứ và tâm tư. Tài hoa của thi sĩ là ngôn ngữ hóa đưa thơ đến thẩm mỹ. Xin được minh xác: thẩm mỹ của thơ không liên quan gì đến mỹ từ pháp và từ chải chuốt, câu cú bóng bẩy. Cũng như sự cô đọng trong ngôn ngữ không liên quan đến sức nặng của thơ. Trường hợp này chứng minh qua Bóng Chữ của Lê Đạt. Ngược lại, nhiều khi vì dụng tâm chơi chữ khiến sự trình diễn làm thơ mất sức nặng. Tôi thích Bến Lạ của Đặng Đình Hưng hơn.

Thật ra, thơ không cần chữ mới. Chữ mới chỉ cần thiết khi nó cưu mang một ý tứ cần thiết mà chưa có chữ nào diễn tả. Nhất là trong thơ vì chữ mới liên quan đến vị trí bằng trắc, liên quan đến vần, liên quan đến nhịp điệu và liên quan đến số chữ trong câu. Trường hợp này thấy rõ trong thơ Bùi Giáng. Tôi thỉnh thoảng xây dựng chữ mới vì những suy tư liên quan đến tư tưởng. Trong triết học và tư tưởng, thường khi có những ý nghĩ, những quan niệm, những phạm trù chưa có từ diễn đạt, cần chữ mới. Trường hợp này thấy rõ trong các tác phẩm của nhà văn Đặng Phùng Quân.

Vì sao người ta nói, ngôn ngữ thơ “ẩn mật”, “thần bí”, “ảo thuật”, “khó hiểu”, v.v…?

Trong một câu thơ có nhiều Hư tự và Ẩn tự, không đứng vào vị trí hàng ngang của câu. Hoặc để hiểu ngầm như Hư tự, hoặc để tìm kiếm suy gẫm ý nghĩa như Ẩn tự.

Khác với nhà ngôn ngữ học, người làm thơ chú trọng đến ngôn ngữ, không chỉ là phạm vi của nghĩa đen, nghĩa bóng của một từ vựng, còn cần phải quan tâm đến tính tượng trưng và biểu tượng của nó. Ví dụ: “Con chó khóc cuộc đời dâu bể.” Từ Con Chó không có nghĩa đen hoặc nghĩa bóng mà có nghĩa biểu tượng cho ai đó. Nhưng tại sao là Con Chó mà không phải con bò, con heo? Bởi Con Chó tượng trưng cho trung thành hoặc cho những gì mà con bò, con heo không có.

Khác với triết gia, nhà thơ không trả lời những câu hỏi liên quan về Danh và Thực của từ vựng. Nhà thơ chỉ thao thức khi nào từ vựng cần lộ hoặc ẩn Danh và khi nào từ vựng cần ý nghĩa Thực. Triết học Đông Phương của Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử, Mặc Tử đụng độ nhau về Danh và Thực; Chính Danh và Vô Danh; mỗi bên đều đem đến cho đời sau sự hiểu biết thâm sâu hơn về Hình Thức và Nội Dung, về Thân Xác và Tinh Thần, về Thật và Hư. Triết học Tây Phương cũng bàn về Danh và Thực. Đầu tiên có thể nói là triết gia Plato trong tác phẩm Republic, (596 a-b). Nhưng rõ ràng hơn là Thuyết Duy Danh, (Nominalism). Đến đầu thế kỷ 20, các học giả như Burgess (1983), Rosen (1997) đem thuyết Duy Danh vào toán học. Kể như vậy để thấy cả Đông lẫn Tây đều quan tâm đến Danh và Thực. Ví dụ: Từ “Chính Trị”, Danh và Thực của nó, trong nhiều trường hợp khác nhau vô cùng, thường khi đối chọi. Ví dụ: Danh là Con Bò. Thực là động vật có bốn chân, hai bao tử, hai sừng, … v.v… và kêu “bò ò…” Qua đến Mỹ Danh Bò, chẳng ai hiểu, phải gọi là Cow. Nhưng nếu nói với người Hoa Kỳ về một động vật có bốn chân, hai bao tử, hai sừng… và kêu”bò… ò…”, họ biết ngay là con bò. Ngôn ngữ riêng của dân tộc thường do Danh mà ra. Ngôn ngữ chung của nhân loại nằm ở Thực. Việc này quan trọng đến truyền đạt thơ của dân tộc vào thế giới và chuyển dịch thơ thế giới về ngôn ngữ dân tộc. Chuyển Danh thì dễ, chuyển Thực mới là vấn đề của dịch.

Văn bản của thơ là ngôn ngữ và ký hiệu. Ngôn ngữ là một loại ký hiệu. Không có ngôn ngữ, không có thơ. Không có thơ, vẫn có ngôn ngữ. Thơ tùy thuộc vào ngôn ngữ. Làm thơ là làm ngôn ngữ với ý thức thẩm mỹ của thơ. Xác định như vậy để người làm thơ phải thực sự am tường vai trò ngôn ngữ. Không nên biểu diễn ngôn ngữ. Không nên khoa trương thanh thế bằng ngôn ngữ. Không nên mượn ngôn ngữ để che đậy những “không có gì để nói.” Ngôn ngữ chỉ có nhiệm vụ diễn đạt hoặc Danh hoặc Thực qua các “màn ảnh” của Hiện Thực, Biểu Tượng, Tượng Trưng, Siêu Thực, Hậu Hiện Đại, Tân Hậu Hiện Đại,… những thứ chỉ xem là nghệ thuật của kỹ thuật diễn đạt.

Trần Vũ: Bên văn xuôi, khi viết truyện ngắn cũng thường tìm cách xây cất nhiều tầng đọc nhưng chừng như có phần khác. Anh có thể cho một ví dụ rõ ràng trên một bài thơ điển hình, về Danh và Thực hay không?

Ngu Yên: Qua đến chuyện Danh và Thực của một bài thơ, nhân anh đã dùng tựa đề bài thơ của tôi “Không Thể Dán Nụ Cười Đã Bể”, tôi xin được dùng bài này vào ví dụ:

Bực bội như cục đá nóng nặng nề chận ngang ngực

làm chân tóc sôi

đồi mắt bốc lửa

khuôn mặt sát khí tỏa ra

miệng sắt lại đôi môi mỏng lét

Tôi thét lên

trần nhà rung rinh

những bức ảnh trên tường rơi xuống

cục đá văng ra khòi miệng cháy vô hình

cháy đỏ cả căn phòng ngộp thở

tôi đứng yên

cảm giác tóc dựng lên

những tượng chưng trên kệ rớt bể

những cuốn sách lăn trên sàn nhà

Hơi thở dịu lại

lửa tắt dần

một làn gió từ tứ thổi lên mặt

chớp mắt đôi lần thấy rõ hơn

Tấm ảnh gia đình chụp chụp khi đến Houston

nằm dưới đất

khung gãy đôi

mặt kính nát vụn

tôi lượm lên

hình không hề hấn gì

những con tôi đứng sau lưng mẹ nó

nhìn ra kinh ngạc

cả nhà vẫn cười tươi

Lau sạch hình

quét dọn

tượng Phật Di lặc bể nửa mặt

còn nửa nụ cười

dùng keo dán lại

Từ nay

nụ cười

có sẹo

Khi đọc bài thơ, đa số độc giả thấy ngay phần Danh: câu chuyện bình thường xảy ra trong mọi gia đình. Người chồng nóng giận không kềm chế được mình đã làm rớt bể tấm hình lồng kính của gia đình treo trên tường. Sau khi nguôi giận, vừa hối hận vừa dọn dẹp, ông ta dán lại tượng Phật Di Lặc đã bể nửa mặt. Chuyện này hư cấu dựa vào kinh nghiệm đã sống qua.

Phần Thực: Sự Mất/Còn trong đời sống. Sống có nghĩa là mất dần dù muốn hay không. Có những thứ mất luôn, nghĩa là hoàn toàn vắng mặt trong đời. Có những thứ mất dần cho dù chúng ta cố gắng bảo vệ, vẫn là vết sẹo. Nụ cười Di Lặc tượng trưng cho bình an, cho hạnh phúc. Chính con người đã tự hủy hoại sự bình an hạnh phúc này, từ đó con người chỉ còn nụ cười được dán lại. Chính mỗi chúng ta tự phá hủy sự bình an hạnh phúc của mình rồi chính chúng ta cảm thán vì sao nụ cười có sẹo.

Nói như vậy không có nghĩa là phải vẽ sơ đồ khi làm thơ. Yếu tính của sáng tác thơ là tự nhiên thành hình. Thơ luôn luôn khởi đầu với Danh, với vài câu bất chợt hiện hình. Dọc theo sáng tác, Danh dẫn thơ đi và Thực tự động xuất hiện. Bài thơ kết như thế nào, chính người làm cũng không biết trước. Khi viết bài thơ này, mãi đến khi tôi nghĩ đến sự bình an của gia đình, của đời sống thì tứ thơ Di Lặc mới ra đời. Và sau tứ thơ vết sẹo, tôi không còn thấy tứ thơ nào xuất hiện và hơi thơ yếu ớt. Chấm dứt đã đến. Riêng về sự mất còn là việc chứng nghiệm và suy tư lâu ngày nhưng bất ngờ xuất hiện lót dưới bài thơ. Chủ trương riêng của tôi là sử dụng ngôn ngữ trong phần Danh: đơn giản và bình thường. Phần Thực thì sử dụng tứ thơ để biểu tượng, tượng trưng hoặc cấu trúc một câu chuyện khác với Danh.

Trần Vũ: Song song với ngôn từ, là hình ảnh. Một giai đoạn, phong trào “sinh dục hóa thi ca” rộ hoa. Các thi sĩ quăng ném âm dương vật và tiêu tiểu trên các vần thơ. Tôi không thấy Ngu Yên tham gia. Phải hiểu là anh ngấm ngầm phản đối?

Ngu Yên: Hình ảnh là phần quan trọng giữa [văn bản và tác giả] và giữa [văn bản và độc giả]. Hình ảnh là đơn vị chủ yếu xây dựng tứ thơ. Hình ảnh là chiếc cầu bắc ngang những gì tác giả muốn trình bày và những gì độc giả tiếp thu. Hình ảnh xuất hiện qua hai ngả:

Ngả thứ nhất là qua từ vựng. Mỗi danh từ là một hình ảnh cụ thể hay tượng trưng. Mỗi động từ là mỗi hình ảnh di động thực tế hay vô hình. Mỗi tỉnh từ là hình ảnh trang điểm hay bổ túc cho hình ảnh danh từ.

Ngả thứ hai là qua những miêu tả của tác giả khi xây dựng những cảnh trí hoặc những quan niệm.

Đọc một câu thơ xong, hãy dùng trí tưởng tượng tách rời hình ảnh ra khỏi từ vựng rồi nối kết những hình ảnh lớn nhỏ, những hình ảnh chi tiết trong một hình ảnh lớn, sẽ thấy một bức tranh thơ, gọi là tứ thơ.

Sáng tạo xuất hiện nhiều nhất trong tứ thơ, tức là hình ảnh phối trí. Phong trào thơ Dụng Ảnh (Imagism) khởi xướng đầu thế kỷ 20, do các nhà thơ Anh và Mỹ dẫn đầu như Ezra Ponds, T. E. Hulme, Ernest Dowson, Robert Service, Rudyard Kipling… và W.B.Yeats. Chủ trương dùng hình ảnh nói lên ý nghĩa của ý tưởng, chú ý đến hình ảnh thay vì từ vựng. Dùng câu thơ tự do để chứa đựng hình ảnh mà không bị gò bó bởi số chữ hoặc vần điệu. Tuy phong trào này tàn lụn nhanh chóng nhưng đã để lại những ý niệm quan trọng cho Lập Thể và những nghệ thuật tiền phong sau đó. Không phải tự dưng mà các nhà thơ Dụng Ảnh chú trọng hình ảnh trong thơ. Nhưng khuyết điểm của họ là không nhận ra vai trò “toàn cầu” của hình ảnh trong ngôn ngữ thơ. Có hay không một ngôn ngữ chung cho thơ thế giới? Có, đó là ngôn ngữ của hình ảnh. Chứng minh rõ ràng nhất là phim câm. Chỉ cần xem ông Charlot biểu diễn tài nghệ, không cần tiếng nói, không cần phụ đề cũng hiểu được một câu chuyện khá dài. Chứng minh hùng hồn hơn nữa là thưởng thức tranh vẽ, ảnh chụp, đâu cần biết ngoại ngữ.

Dĩ nhiên tất cả những thành phần trong thơ đếu quan trọng nhưng riêng tôi, cho rằng hình ảnh phối trí tức là tứ thơ là quan trọng nhất trong bài thơ. Tài hoa và sáng tạo trên văn bản, nhìn thấy từ nơi này.

Sinh dục và văn chương nói chung, và thơ nói riêng, gắn bó với nhau từ thuở nào. Sinh dục vừa là một trong những động cơ lớn hối thúc sáng tác, vừa là năng lực thúc đẩy sự xuất thần trong ngôn ngữ thơ qua những kinh nghiệm sống tuyệt vời và say đắm. Thiếu sinh dục, thơ chỉ là những thánh ca.

Tuy nhiên dâm tính và hành dục trong thơ không nhất thiết phải cạnh tranh với truyện và phim X. Nếu nhà thơ nào cố ý cạnh tranh, tôi tin rằng đã thua ngay từ đầu. Những thi sĩ thành danh có nhiều thơ về sinh dục gần đây như Allen Ginsberg, Ai Ogawa… cho người đọc thấy được những lớp bên dưới hoặc chuyện sau lưng tình dục là gì. Dục trong thơ liên quan đến thẩm mỹ, đại biểu như những bài thơ tình có dục của Pablo Neruda. Dục trong truyện X liên quan đến cơ bắp nổi trận lôi đình, đại biểu truyện trong Cõi Thiên Thai chấm com.

Sáng tác văn chương tình dục không phải dễ, giữa cảm giác thẩm mỹ và cảm giác khích động chỉ là một đường tơ. Tôi không phản đối “sinh dục hóa thi ca” nhưng tôi chọn cách sáng tác khác về tình dục.

Anh Trần Vũ, chính anh cũng có một lúc, sáng tác nhiều truyện đầy dục tính. Phải nói là có phần bạo dâm. Anh có thể cho biết vì sao và vì sao anh chuyển hướng? Khó nhất của người sáng tác về sinh dục là ý nghĩa hoặc quan niệm phía sau tình dục không phải là bề mặt khiêu gợi hoặc kêu mời độc giả, anh nghĩ sao?

Trần Vũ: Trong bản dịch Lòng Ái quốc của Nguyễn Vạn Lý, Mishima từng tiếp cận thân xác: “Thân thể Reiko trắng ngần và tinh khiết; bộ ngực nở to của nàng bày tỏ một lòng trong sạch về dục vọng; nhưng, khi yêu chồng thì cặp vú ấy thật là quyến rũ trong gối chăn ấm áp và thân mật. Ngay cả lúc ân ái hai người hết sức trang trọng một cách đáng sợ. Giữa những giây phút dục vọng cuồng nhiệt, trái tim của họ lại rất thanh tịnh và trịnh trọng.” Văn Mishima trực tiếp mà vẫn giữ được cho thân xác sự quý trọng thanh sạch. Dụng văn thân xác, nhưng Mishima hướng người đọc về một suy tưởng: Hiến dâng và thâu nhận là một hành động tinh thần.

Thập niên 90, một thời gian bước chân vào hiệu sách nào tôi cũng thấy trưng bày hai tiểu thuyết Le Marteau et L’Ecume (Búa đe) của Christine Falkenland, được giới thiệu niềm hy vọng của văn chương Thụy Điển; và Dolorosa Soror (Thống Muội) của Florence Dugas, được xem hiện tượng khi ấy. Cả hai còn khá trẻ, cùng dạn dĩ táo bạo, viết tiểu thuyết đối với họ là thám hiểm cơ thể, cùng lúc bắt xã hội phải đối diện với cơ thể của chính họ. Tuy nhiên, cả hai rất khác nhau.

Sinh 1967, Christine Falkenland kể câu chuyện của một thiếu nữ quyết tâm giành giựt người tình của mẹ. Thiếu nữ lao vào mối tình cấm, không chút do dự, ân ái sống động và kịch liệt với cha ghẻ. Với cả cha xứ và các họa sĩ cô làm mẫu. Mỗi trưa, trong ánh nắng dịu của thị tứ sát biển, cô vén váy cho người đàn ông ngắm bụng mình đang ẩm những nhánh rong rêu chao lượn như vừa thả trong nước… Đoạn kết, ngày mẹ chết, ngay khi phu đòn vừa khuân xác ra khỏi phòng, thiếu nữ nhào lên giường còn in dấu vết thân thể của mẹ, lăn trong chăn, trên ra giường để hơi hám của mẹ bám vào cô, dấu vết của mẹ nhập vào cô, để cô hóa thành bà, trở thành bà…

Sinh 1968, Florence Dugas làm giáo sư dạy tại Hàn Lâm viện môn Kịch nghệ tại Pháp. Năm 28 tuổi bất chấp dư luận, đồng nghiệp, sinh viên, Dugas cho xuất bản tự truyện về đời sống tình dục của mình. Trong Dolorosa Soror, Dugas thú nhận lưỡng tính, thú nhận nghi hoặc các chức năng tạo hóa ấn định cho ba lỗ sâu trên thân thể của mình. Dugas viết: “Ân ái phía sau, giống đi tiêu ngược, thay vì bài tiết lại thâu nhận… Ngay những dòng đầu, chữ như đinh nhọn, Dugas hành văn như cưa gỗ, không kiêng cữ: “Tôi thắt người lại khi anh lấy tay vạch mông; rồi cái cảm giác vừa buồn cười vừa thèm muốn cứ cồn cào gan ruột, khuyến khích tôi mở rộng ra hơn nữa… Âm đạo có đáy, là ngõ cụt. Dead end. Hậu môn không có đáy. Dù dương vật hắn có lớn dài cách mấy đi nữa, người đàn bà vẫn còn giữ được trong mình những khoảng trống khát khao, những vực sâu khuất lấp, niềm bí mật.” [Bản dịch Cổ Ngư]

Khác Falkenland nhấn dục tình vào trong văn chương, Dugas không che đậy bằng văn chương. Khác Mishima xem hiến dâng và thâu nhận là một hành động tinh thần, Dugas xem dâng tặng và chiếm đoạt là một hành động thân xác, của nhu cầu bức bách thỏa mãn, bằng bất kỳ phương tiện nào.

Ngay tiểu thuyết đầu tay, Falkenland và Dugas lập tức nổi danh, tác phẩm của họ được hâm mộ, dịch sang nhiều thứ tiếng. Nhưng Falkenland được xem văn chương, còn Dugas bị xếp vào dâm thư. Vì ở Falkenland có ước muốn chiếm hữu tất cả sản vật của mẹ, từ cha ghẻ đến mùi của mẹ, làm nền. Trong lúc ở Dugas, tình dục hoàn toàn miễn phí.

Thế giới luôn lấy sự xuất hiện nguyên trạng của bộ phận sinh dục để phân loại phim ảnh và tiểu thuyết. Vì sao phải thâu hẹp văn chương vào một khối âm-dương vật?

Thập niên 80, do truyện ngắn VN ít thân xác nên tôi đem vào trong truyện của mình ba yếu tố Sexe, Action và Violence. Nhưng tôi luôn kiểm soát sự dung tục, ngay cả khi miêu tả mạnh bạo, ngay cả khi tả thực. Sang thập niên 2000 đến khi khuynh hướng Bái vật tràn lan gây bão hòa, tôi quyết định quay về Thanh giáo. Một mô-týp lập lại quá nhiều lần, gây nhàm. Đã xa, những ngày đánh đập nhân vật…

Trên Hợp Lưu, khi lập thuyết “trong thơ nên có vú…”, Chân Phương dừng lại ở vú, không tiến xa hơn nữa. Chừng như luôn hiện hữu hai môn phái, đấm trên và dưới thắt lưng.

Ngu Yên: Những gì anh vừa trình bày, xác định khá rõ ràng sự khác biệt giữa tình dục trong thẩm mỹ văn chương và tình dục trong cảm tính nhục thể. Tôi xin hưởng ứng thêm đôi điều về tình dục trong văn và thơ. Suốt hành trình làm người của nhân loại, đa số tôn giáo, đạo đức, giáo dục, xã hội, hướng dẫn, khen thưởng sự thăng hoa linh hồn và phê phán trừng phạt những thú vui mang dục tính; ngàn ngàn năm qua đã trở thành mặc cảm tội lỗi trong lương tri. Nhìn ở một góc độ khác, ngoại trừ việc truyền giống, tình dục là một nghệ thuật mang đến thú vui hoàn toàn không có gì thay thế. Vui, tự nó không có tội. Vấn đề là vui với ai, vui nơi nào, và vui giờ nào. Nếu tình dục là nghệ thuật, tức phải đòi hỏi sáng tạo và nâng cấp, thì nhiệm vụ chữ nghĩa chỉ cần trung thực. Chủ đề và nội dung văn chương tình dục cũng như mọi chủ đề và nội dung khác, có thể cạn, có thể sâu, có thể lớn, có thể nhỏ, phải chăng là do tài năng và tầm nhìn của tác giả?

Hết phần 7

Bản cắt ngắn in trong Tuần san Trẻ Dallas tháng 6 và 7-2015

Bản nguyên trên Văn Việt

Trần Vũ thực hiện qua điện thư tháng 5 và 6-2015

(*) đề tựa thơ Không Thể Dán Nụ Cười Đã Bể của Ngu Yên

http://www.gio-o.com/NguYen/NguYenDanNuCuoi.htm

Comments are closed.