Kỳ 9 – Ben Hur và Messala
Trần Vũ: Anh Ngu Yên, trò chuyện với anh, tôi cảm giác kỳ lạ là đang làm Messala giẫm chân vào thành Jérusalem với một đạo quân văn xuôi hùng hậu… nhằm chống đỡ niềm tin của thi sĩ. Thuở niên thiếu tôi mê phim Ben Hur. Còn nhớ tình bạn thân thiết giữa Messala và Ben Hur, tuy một bên La Mã và một bên Do Thái. Rồi Messala đi chinh chiến khi trở về nhận chức Tổng Lãnh binh đã tìm gặp Ben Hur ngay buổi trưa đầu tiên. Cả hai mừng rỡ, cùng uống cốc rượu hội ngộ, rồi cùng phóng hai cây lao bay thẳng vút lên cánh cửa ghim cùng một đích. Nhưng tức khắc, cả hai nhận ra họ vô cùng khác. Sau lưng Messala là đế chế La Mã. Bên trong Ben Hur, là tín ngưỡng Do Thái giáo. Messala sẽ tìm mọi cách đầy ải Ben Hur, phát vãng, chiếm nhà, chiếm người yêu… cho đến khi Ben Hur được phục hồi, trở về và thách thức Messala ra đấu trường. Tất nhiên, giữa chúng ta không “thảm khốc” như vậy, nhưng tôi nhận ra sự khác biệt, khi anh viết: “quyến rũ tự nó có phải là văn chương hay chỉ là một thứ đính kèm theo văn chương?”
Dường như chính suy tư này khiến anh nhất quyết lột da thi ca, tước bỏ âm giai, mật mã, kể cả việc tinh diệu hóa ngôn từ cho bay bổng, sáng ngời. Vì anh không tin vào son phấn, mà tin vào khải thị, vào sự thông tuệ từ văn bản. Tức tin vào trí tuệ làm nên giá trị.
Tôi tin như anh, nhưng cùng lúc tin vào nhan sắc của văn chương, vì chúng ta chỉ có thể si mê một người đàn bà nếu người đàn bà ấy toát ngời thông minh và sức quyến rũ. Một người đàn bà cần da thịt và trí não. Chúng ta không thể ăn món óc chưng cách thủy thiếu tiêu và gừng.
Sự khác biệt còn ở nhu cầu phải phá vỡ khổ thơ truyền thống ở anh. Bên văn xuôi không có nhu cầu phá khung, trộn tiểu thuyết vào kịch, vào thơ, vào phóng sự, vì giản dị là tiểu thuyết có tất cả mà thi ca không thể có hết. Khi anh, một thi sĩ xác quyết: “Cái lý do mà thơ càng ngày càng ít được yêu chuộng, vì nó là thơ. Cái lý do mà văn được yêu chuộng hơn thơ, vì nó là văn. Điều này cho thấy, đã đến lúc thơ cần phải thay đổi để sinh tồn và thích hợp với sự phát triển của nghệ thuật.”..., tôi có được quyền xem thơ là một thể loại chật chội và giới hạn? không phải “con đường vương giả” như Võ Phiến từng tin. Làm thơ, là đi vào tử lộ. Đúng sai?
Ngu Yên: Tôi cũng rất thích phim Ben Hur. Đã xem từ lúc trẻ, bây giờ vẫn xem lại nhiều lần trên truyền hình. Như anh biết, ông đạo diễn William Wyler, tái sinh Ben-Hur từ phim câm, dựa trên tiểu thuyết Ben Hur của Lew Wallace, 1880. Sự giải quyết mâu thuẫn giữa tình bạn Ben Hur và Messala vô cùng khác với sự giải quyết mâu thuẫn giữa đôi bạn Narziss và Goldmund trong tiểu thuyêt của Hermann Hesse. Goldmun rời tu viện để đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Bạn anh nhà tu Narziss, đại diện cho nhà tư tưởng và sự nghiêm túc. Goldmun đại diện cho nghệ sĩ và những hệ lụy của những ai đi tìm nghệ thuật, đi tìm thẩm mỹ. Sự mâu thuẫn làm cho Goldmun thấm thấu hơn cái đẹp trong đời sống qua thử nghiệm và suy tưởng. Trong khi Narziss bắt gặp những thẩm mỹ quan tương đối trong đời sống không phải chỉ có thẩm mỹ tuyệt đối, là Thượng Đế.
Lew Wallace dùng sự thắng bại để giải quyết sự mâu thuẫn của lý tưởng (thuộc về lý trí) và sự ghét bỏ (sẵn có trong tiềm thức) giữa hai dân tộc La Mã và Do Thái, giữa người cai trị và nô lệ. Trong khi Hermann Hesse giải quyết sự mâu thuẫn bằng tri thức và tương thông. Không ai thắng, không ai bại. Chỉ có cả hai đều tự vượt lên bản thân. Goldmun chín hơn về nghệ thuật, Narziss rộng hơn về lý tưởng.
Có lẽ chữ "nhan sắc" khiến tôi lợ ngợ. Tôi cũng hiểu, anh nói "nhan sắc" không có nghĩa là son phấn, xảo thuật, trang điểm mặt nạ, thủ công. Tôi hiểu được đó là một loại hấp lực, khiến cho văn chương tỏa ra sức thu hút, người đọc bị lôi cuốn vào chữ nghĩa và vào sâu bên trong văn thơ. Như tôi đã trình bày, tôi đi tìm sức hấp lực này qua câu hỏi “Những gì để tạo ra thơ?” Tôi cũng thích ví dụ đàn bà của anh. Tiêu chuẩn chọn của tôi là: Một nhan sắc vừa phải chứa một trí tuệ sáng và học hỏi. Nếu được cả hai, đâu cần phải nghĩ đến thiên đàng. Điều mà tôi muốn chia xẻ, hấp lực của một bản chữ viết đến từ nội lực của tác giả truyền sang nội dung và tài hoa biến hóa của tác giả sử dụng văn bản.
Nếu cứ làm thơ như đa số người Việt đang làm, không phải là tử lộ, là tiểu lộ. Dòng thơ chung sẽ lừ đừ, èo uột, lập lại và lập lại. Chết không phải chết, sống không sinh động. Thơ có những thời kỳ là những con đường vương giả, những đại lộ văn chương. Thời ấy đã qua. Ngay cả trên thế giới, thi ca cũng mất đi vị trí dẫn đầu văn chương. Thơ bị nhiều giới hạn từ hình thức đến nội dung.
Theo lịch sử của thơ, ngày xưa, người ta chú trọng đến thể thơ. Giới hạn số chữ, số câu. Đặt ra nhiều qui tắc phải tuân theo. Hầu như thi ca của đa số dân tộc đều bắt đầu với những qui luật tương tự. Riêng thơ Việt bị ảnh hưởng văn học Trung Hoa, mang nhiều niêm luật nghiêm túc. Như thơ Đường, luật lệ chi li về thanh âm bằng trắc, đối chữ, đối ý, vần điệu...v.v… Có lẽ, các cụ muốn nâng thơ lên hàng văn học cao cấp. Phải có học thuật và khả năng mới có thể làm thơ. Thơ dành cho những bậc trí thức. Dẫu là thơ dân gian cũng phải có ít qui tắc vần điệu như Lục Bát. Hễ hình thức bị gò bó thì nội dung sẽ bị giới hạn. Do đó, đưa đến vấn đề cô đọng. Lý luận rằng, thơ là tinh chất của ngôn ngữ, cần phải cô đọng. Tinh chất thì được nhưng tại sao phải cô đọng. Cô đọng vì câu thơ có giới hạn và thể thơ có chừng mực. Xin hỏi bài thơ sáu câu Ô Dạ Đề của Lý Bạch và bài thơ dài Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều, bài nào có giá trị hơn? Giá trị không ở trong giới hạn chữ và câu. Vì vậy, về sau, thơ thoát ra qui luật, đi dần về thơ Tự Do. Phải có lý do cần thiết, người đi trước chúng ta mới phá bỏ giới hạn của thể thơ và giải thoát nội dung ý tứ của thơ. Sao bây giờ ta không thể bắt chước tiền nhân, mở mang bờ cõi của thơ? Cho thơ cơ hội vượt ra những giới hạn "được xác định là biên giới của thơ".
Một số lý luận cho rằng khi bị gò bó, bị giới hạn, thơ sẽ bộc phát, tức là sáng tạo sẽ bật ra, làm nên những lời thơ tuyệt tác. Điều này không có gì sai. Nhưng giờ đây, chúng ta hiểu được, sáng tạo là một siêu năng lực (super Power). Tìm cách sử dụng thần lực này là sự khám phá cần thiết.
Trần Vũ: Đọc giả Việt ít biết đến Kurt Eggers, “người thi sĩ ấy” tùng sự tại sư đoàn 5 Panzer Viking của binh chủng Waffen-SS. Một đại đơn vị kết hợp chí nguyện quân Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Bỉ, Hòa Lan trong thánh chiến chống Cộng trên đất Nga. Những câu thơ của Kurt Eggers qua bản Pháp văn của Jean Mabire mà tôi tạm dịch:
Xa trong đồng, xa trong gió
Một ý thức bước qua lời nguyện của chúng ta
Hãy ném lửa cùng reo khủng bố
Vì đó là lời phát thệ trung thành tuyệt đối
Những câu thơ này bám lấy tôi từ 1982, khi đọc lần đầu. Chúng như đỉa hút máu. Tôi hiểu chính sự cực đoan gây mê, nhưng tôi không hiểu vì sao lý trí không kháng cự được. Chúng ta cùng chống tiêu chí “trong thơ nên có thép” của Hồ Chí Minh, nhưng tôi vẫn thấy bài thơ này hay. Vì “ý thức” đi với “lời nguyện” gây băn khoăn. “Reo” mà không phải “gieo”, khiến nghe được tiếng gào la, cùng tiếng lửa cháy… “Lời phát thệ trung thành” càng làm tăng chất quá khích kinh dị. Bài thơ giúp hiểu vì sao trung đoàn thông tin và tuyên truyền đầu tiên của binh chủng SS mang tên Kurt Eggers Propaganda Regiment. Vì bài thơ xây cất trên huấn từ của Adolf Hitler: “Seule la terreur peut briser la terreur.” (Chỉ khủng bố mới tiêu diệt được khủng bố.)
Anh từng bàn về thưởng ngoạn thơ trên Da Màu. Đứng trước một thi phẩm, người đọc cần đặt cho mình những câu hỏi nào?
Ngu Yên: Tôi không rành về Kurt Eggers, lại không có nguyên bản, chỉ qua những câu thơ trên, đủ thấy đoạn thơ này chứa đựng ý tưởng xách động như một loại hịch truyền. Những tứ thơ “ý thức bước qua lời nguyện“, “ném lửa cùng reo khủng bố“, bày tỏ sự cực đoan đến cao độ. Không phải ai cũng viết được như vậy, nếu không phải là người cuồng nhiệt với lý tưởng.
Về sự thưởng ngoạn thơ, trước đây tôi có viết những bài trình bày về lý thuyết thưởng ngoạn và sáng tác nhưng trong dạng văn tản mạn và ẩn dụ. Tôi cũng mang ý định sẽ viết lại thành một khuôn khổ lý luận hơn về lý thuyết này. Nhân câu hỏi của anh gần gũi với lý thuyết, tôi xin được trình bày.
Khởi sự, vì tôi thích đọc thơ, thơ ta lẫn thơ tây; nhất là thơ tây phương. Nghe người ta khen hay, ca tụng bài thơ có giá trị. Đọc đi đọc lại, tôi vẫn không rõ. Thưởng khi cảm thấy hay. Nếu ai hỏi, vì sao hay? Tôi đành chịu, không có câu trả lời tử tế. Điều này khiến tôi suy nghĩ, làm sao biết được một bài thơ có giá trị? Nhiều khi phải đọc bài phân tích, phê bình của các nhà phê bình chuyên nghiệp, mới biết được điều hay, lẽ đúng. Đâu phải bài thơ nào cũng có người phê bình, phân tích, vả lại, chắc gì họ đã đúng hoàn toàn. Hơn nữa, hàng ngày đọc thơ, cần phải có thứ gì dễ dàng hơn là những phương pháp từ các lý thuyết Văn Bản Luận, Cấu Trúc Luận, Phản Cấu Trúc, Tâm Lý Luận, Độc Giả Luận, Hậu Hiện Đại Luận …
Một người lão luyện trong thơ nhiều năm tuổi có bản lãnh cảm nhận giá trị của thơ. Đúng nhưng không chắc. Một người trời sinh có khả năng nhận xét thơ, biết được thơ hay hoặc không. Đúng nhưng không chắc. Nhưng nếu cả hai người này có thêm học thuật và một phương pháp nằm lòng để cảm nhận thơ, thì có lẽ chắc hơn. Những người thích đọc thơ một cách bình thường, nếu có được những mấu chốt để cảm nhận thơ, sẽ thấy thú vị hơn khi gặp bài thơ có giá trị.
– Theo tôi, nên cho một bài thơ dù ngắn hay dài, một cơ hội được thưởng ngoạn tử tế. Nên đọc một bài thơ vài lần. Tôi thường đọc một bài thơ ba lần, hai lần liên tiếp và một lần cách ra vài ngày sau. Nếu là một bài thơ cưu mang nhiều tư tưởng, nên để dành, đọc nhiều lần, đôi khi mãi về sau mới cảm nhận được chất sâu sắc của tác giả.
– Câu hỏi để tự hỏi mình: Tại sao không thích bài thơ này? Đôi khi câu trả lời thầm kín nghe rất ngộ nghĩnh, ví dụ: vì tôi không thích nhà thơ.
– Câu hỏi: Tại sao câu thơ này, hoặc đoạn thơ này, khó hiểu? Ví dụ: “Anh sợ những cột đèn đổ xuống / Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta / Bóp chết mọi hy vọng…” [Dạ Khúc, Thanh Tâm Tuyền]
– Câu hỏi: Tại sao câu thơ này, hoặc đoạn thơ này, khiến mình thích thú, khoan khoái? Ví dụ: Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. [Nguyễn Du]. “Còn hai con mắt khóc người một con.” [Mắt Buồn, Bùi Giáng]; Nhạc sĩ Trịng Công Sơn thêm một câu tài tình thú vị: “còn hai con mắt một con khóc người“.
Tôi đã từng hỏi tôi như vậy khi đọc thơ. Tôi không thể tự trả lời, tự vừa ý với câu trả lời, cho đến một hôm, tôi nhận ra, có ba loại câu thơ:
– Câu thơ thường. Ví dụ: Xin chào nhau giữa con đường
– Câu thơ cần suy nghĩ. Ví dụ: Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
– Câu thơ thường. Ví dụ: Hỏi rằng: Người ở quê đâu
– Câu thơ thú vị. Ví dụ: Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà…
[Trích Chào Nguyên Xuân. Bùi Giáng]
Trần Vũ: Còn các Tổng Biên tập khi chọn thơ, phải trang bị gì? Hiểu biết tối thiểu điều gì? Có tiêu chí đánh giá thơ hay, thơ lạ, thơ xoàng hay không? Tiêu chí ấy ra sao? Anh có thể liệt kê từng điểm?
Ngu Yên: Chủ bút là độc gỉả. Trước và sau khi làm chủ bút, họ cũng như những người đọc khác. Độc giả chia làm hai giới: 1- Đọc thơ để giải trí và 2- Đọc thơ để tìm hiểu thơ. Chủ bút thuộc về hạng thứ 2. Tuy ở ngôi vị chủ bút, chưa hẳn họ đã có kiến thức thơ và kinh nghiệm về cảm nhận thơ hơn những độc giả bình thường. Cho dù có cảm nhận cao, kinh nghiệm dày, cũng bị lúc nắng lúc mưa, vì đã làm người không ai tránh khỏi những lúc sáng lúc tối. Vì vậy, ở cương vị chủ bút, nên có một phương pháp rõ rệt, ít nhất là rõ rệt với lương tri của mình. Nếu không, những bài thơ giá trị có khi bị vùi; những bài thơ giải trí có khi lên hàng cao cấp. Nhất là thơ quen, hay lên khuôn vì giá trị quen biết. Sự lơ là đó có hại cho văn chương chung.
Bên trên tôi có nói đến việc thưởng ngoạn thơ, tôi xin qui tắc hóa để dễ dùng như một lý thuyết nằm lòng vì chủ bút cũng như người đọc, không mấy ai có thời giờ để đọc thơ như nhà phê bình chuyên nghiệp, nhất là công việc chủ bút hiện nay là việc “cống hiến”, không lương bổng.
Đọc một bài thơ:
– Gặp những câu thơ THƯỜNG, là câu thơ dễ hiểu. Đọc là hiểu liền không có gì thắc mắc.
– Gặp những câu thơ THẤM, là những câu thơ có ẩn nghĩa, ẩn dụ, có những lớp ngầm ở bề sâu, cần phải suy nghĩ mới thấm thía.
– Gặp những câu thơ THẤU, là những câu thơ “xuât thần” hoặc trong dạng “trích ngôn” (quote), đọc thấy sướng khoái, thú vị hoặc khoan khoái.
– Đoạn thơ cũng vậy, có đoạn THƯỜNG, đoạn THẤM, đoạn THẤU.
Câu thơ Thường, tuy không có gì hay nhưng phải có, nên có một cách tối thiểu. Chỉ nên có khi cần thiết để dẫn câu thơ Thấm hoặc câu thơ Thấu.
Câu thơ Thường sẽ có giá trị khi nằm trong nghệ thuật Hiện Tượng Luận. Câu thơ tả hiện tượng, không có gì khác hơn. Để tùy ý độc gỉả cảm nhận. Thông thường phải là một chùm câu thơ hiện tượng để đủ khả năng mở ý.
Câu Thơ Thấm càng nhiều, bài thơ càng có độ sâu, nhiều tầng suy gẫm. Câu thơ Thấm làm bài thơ có trọng lượng. Những bài thơ lớn, thường cân nặng bằng những câu Thấm. Nhưng nên phân biệt câu thơ giả dạng Thấm, với ngôn từ hoặc cách sắp đặt ngôn ngữ khó hiểu, nhưng rỗng, không có bề sâu. Những câu thơ dựng Tứ kỳ lạ nhưng không có ý nên chẳng bao giờ có thể hiểu rõ.
Câu thơ Thấu, ít khi có nhiều, nhưng những câu này xuất hiện, xác nhận tài hoa và siêu năng lực của tác giả. Không phải bài thơ nào cũng có câu thơ Thấu.
Ngoài ra, chủ bút cần phải quen thuộc với cách xây dụng tứ thơ. Từ hình ảnh đơn giản của tứ thơ nhỏ dựng nên hình ảnh của tứ thơ câu và xây dựng tứ thơ đoạn rồi chung kết tứ thơ toàn bài. Tứ thơ có thể thuộc mọi thể loại từ hiện thực đến tượng trưng, siêu thực, ẩn dụ và cách phối hợp của hậu hiện đại.
Lý thuyết Thường Thấm Thấu qua ví dụ:
Hôm nay còn một nửa trăng thôi Câu thường. (Tứ thơ dẫn.)
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi! Câu thường. (Tứ thơ khác thường, mang tính tượng trưng.)
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột! Câu thấu. (Ai mà không có cảm nhận này khi thương nhớ tột cùng. Tứ thơ tâm lý.)
Gió làm nên tội buổi chia phôi! Câu Thấm. (Vì sao, gió làm nên tội? Tứ thơ ẩn dụ.)
[Ta Nhớ Mình Xa. Hàn Mặc Tử.]
Fu-ru (cũ) i-ke (ao) ya, Ao cũ. Câu thường.
ka-wa-zu (ếch) to-bi-ko-mu (nhảy xuống) Ếch nhảy xuống. Câu thường.
mi-zu (nước) no o-to (bủm) Bủm. Câu thấu và thấm.
(Tiếng động của nước phá tan sự tĩnh lặng. Tại sao? Có điều gì khiến cho nhà thơ lưu tâm đến tiếng nước bất chợt?)
[Thơ Hài Cú, Basho]
Vài ngư phủ kéo lên một cái chai từ đáy biển. Bên trong có một tấm giấy, viết rằng:”Ai đó, cứu tôi với. Tôi đang ‘ở đây’. Biển đánh tôi dạt vào đảo hoang. Tôi đứng trên bờ chờ đợi cấp cứu. Hãy nhanh lên! Tôi đang ‘ở đây’ !”
“Không thấy ngày tháng. Có lẽ đã quá muộn rồi. Cái chai này có thể trôi nổi trên biển đã lâu.” – Ngư dân đầu tiên nói.
“Không biết đảo nào. Thậm chí chúng ta không biết đại dương nào.” – Ngư dân thứ hai nói.
“Không muộn đâu. Cũng không xa lắm. Hòn đảo viết “ở đây”, có thể ở khắp nơi.” – Ngư dân thứ ba nói.
Họ cảm thấy bối rối. Khoảng trống im lặng. Chân lý phổ quát là như vậy.
[Przypowieść. Ngụ Ngôn. Wislawa Szymborska.]
Câu chuyện ngụ ngôn kể bằng năm câu thơ. Bốn câu thường kể theo hiện tượng luận. Câu thứ năm là câu Thấm. Không phải chỉ họ bối rối mà chính người đọc cũng bối rối. Điều gì là chân lý phổ quát và chắc hẳn chân lý này vượt ra ngoài ngụ ngôn.
Kết luận còn tiếp tục thử nghiệm:
1- Bài thơ có nhiều câu Thấm, càng tăng trọng lượng; câu thấm càng có nhiều tầng lớp sâu, càng có nhiều giá trị. Càng chứng tỏ khả năng sáng tạo.
2- Bài thơ càng có nhiều câu Thấu, càng dễ đạt lòng người, càng chứng tỏ tài hoa và năng lực xuất thần của thi sĩ.
3- Bài thơ có quá nhiều câu thường, nhất là những câu ngô nghê, là bài thơ không đạt giá trị.
4- Riêng bài thơ Việt, cách sử dụng ngôn ngữ cũng là một tài năng rất đặc thù của mỗi thi sĩ. Tài năng ngôn ngữ thể hiện trong thơ Nguyễn Tất Nhiên và Bùi Giáng, làm ví dụ.
Hết phần 9
Bản cắt ngắn in trong Tuần san Trẻ Dallas tháng 6 và 7-2015
Bản nguyên trên Văn Việt
Trần Vũ thực hiện qua điện thư tháng 5 và 6-2015