Bỏ 4 tỉ mua nhà và mặt tiền để biến nó thành bãi rác hoang

Như Huy

1- Nếu bạn có 140.000 euro, khoảng 4 tỉ, thì bạn sẽ làm gì? Một số người sẽ mua nhà, hẳn thế. Nghệ sĩ Maria Eichhorn, người Đức, sinh năm 1962, cũng vậy. Bà cũng lấy 140.000 euros để mua nhà. Tuy nhiên, căn nhà bà mua tại số 15 phố Starvopoulou, Athens, từ đại diện của các anh chị em của gia đình đồng sở hữu căn nhà, là ông Stavros Papoutsis, lại không phải với mục đích để ở, và số tiền khoảng 4 tỉ tiền Việt bà chi ra cũng không phải của bà mà từ ngân quỹ của Bộ Xã hội và Văn hoá Thuỵ Sĩ cùng Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Zürich.

2- Vậy với mục đích gì mà hai tổ chức trên lại trả tiền cho bà nghệ sỹ này mua căn nhà xây bằng đá năm 1928, với lối kiến trúc tân cổ điển, đã được tu sửa gần đây, và mới năm năm trước, trước khi Hy Lạp rơi vào thảm trạng kinh tế nợ công, thì vẫn có người thuê và vẫn được bảo trì bảo dưỡng đầy đủ.

3- Thực tế là hai tổ chức trên đã tài trợ để nghệ sĩ mua căn nhà với mục đích biến nó thành tác phẩm nghệ thuật tham dự Documenta 14. Tên của tác phẩm này là "Toà nhà như là một tài sản phi sở hữu chủ" (Building as unowned property). Cụ thể là, toà nhà này, sau khi được mua bán xong, sẽ bị đóng lại và để hoang hoá vĩnh viễn giữa Athens như chứng nhân cho một thời điểm hoang tàn của Hy Lạp giữa châu Âu, khi giữa Athens cũng có vô số các bất động sản khác cũng đã rơi vào tình trạng không ai còn sử dụng thuê mướn do đó chủ nhà không còn đủ tiền để bảo trì bảo dưỡng và phải để mặc nó hoang hoá

4- Toà nhà này, khi trở nên tác phẩm, sẽ lập tức bị biến thành vô thừa nhận về mặt luật pháp, theo nghĩa không ai sở hữu nó, kể cả nghệ sĩ và các tổ chức tài trợ tiền mua nhà. Nó được lập kế hoạch chặt chẽ để có thể trở nên vô chủ và hoang hoá tuyệt đối (không một ai chăm sóc). Từ giờ cho đến vĩnh viễn tất cả mọi người chỉ có thể được phép nhìn nó từ phía ngoài và sẽ không có bất kì ai có quyền đi vào bên trong. Nó sẽ ở đó, cứ thế, tàn tạ, vô chủ cho đến khi bị huỷ hoại. Chính tại nơi đây nó đã trở nên một kiểu tượng đài: tượng đài của sự huỷ diệt, của sự băng hoại, của sự ngưng tiến hoá, của quá khứ, tức điều hiện hữu ngay trong đời sống hiện tại, trong sự sinh sôi nảy nở, trong các biến cố khôn lường luôn chạy hướng về phía tương lai

5- Để trở nên trạng thái hư vô tuyệt đối thế này, không thể chỉ nhờ vào các quy định bằng miệng với nhau hay bằng các thoả thuận kiểu nghệ sĩ. Thực tế là nghệ sĩ Maria Eichhorn đã phải làm việc kĩ lưỡng với một ban cố vấn là các luật sư để tìm trong luật Hy Lạp các điều khoản mà họ có thể diễn giải được theo cách nào đó, với mục đích khiến cho ngôi nhà này, sau khi được mua, sẽ trở thành vô chủ (điều này gần như là bất khả trong chủ nghĩa tư bản với lõi cốt là bảo vệ quyền sở hữu), và khiến cho nó có thể duy trì được trạng thái tuyệt đối bất khả xâm nhập, dù với mục đích tò mò đơn thuần hay mục đích vụ lợi. Có nghĩa là ngôi nhà này, sau khi mua về, phải được luật pháp bảo vệ tình trạng hư vô, vô chủ, song đổng thời nó cũng không được phép là một dạng vật thể công cộng. Nó – như Barthes từng nói về hoàng cung Nhật giữa Tokyo – từ nay phải trở thành một hố đen tuyệt đối, một hư vô tuyệt đối, theo luật. Các luật sư đã đưa ra cả một bản "quan điểm pháp lý (legal opinion) lập vào mùng 3 tháng Tư năm 2017, dài đến 9 trang trong đó sử dụng công cụ là quyết định từ Bộ Tư pháp dựa trên bộ luật 3028/2002. Theo quyết định được đưa ra từ bản diễn giải các điều luật dài 9 trang này, căn nhà từ nay sẽ không còn được bất kì ai sử dụng, theo nghĩa nó không còn thuộc tình trạng là tài sản của bất kì ai.

Hết chuyện, thưa bà con cô bác…

Note: Ai đi Hy Lạp, Athens, nhớ ghé 15 phố Starvopoulou, để chiêm ngưỡng tác phẩm này nhé.

Trong hình ảnh có thể có: thực vật và ngoài trời

Trong hình ảnh có thể có: ngoài trời

Không có mô tả ảnh.

Không có mô tả ảnh.

Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Comments are closed.