Ca ngợi bóng âm – Tuỳ bút mĩ học của Tanizaki (kì 5)

Jun’ichiro Tanizaki

Hà Vũ Trọng dịch

10.

Ánh vàng kim trong bóng tối

Nếu bạn từng đi vào nội thất sâu nhất của những dinh thự đồ sộ, nơi chốn thâm u mà ánh mặt trời không chiếu tới, chắc bạn sẽ được thấy tấm cửa kéo hoặc bình phong dát vàng đón bắt một tia sáng le lói xa xăm từ ngoài vườn ra sao, rồi bỗng nhiên toả ra một vầng sáng huyền ảo, một ánh hoàng kim mờ mờ hắt vào bóng tối bao trùm tựa ánh hoàng hôn nơi chân trời. Không thấy vẻ hoàng kim nào lại đẹp thanh tú đến như vậy. Rồi khi bạn bước qua, ngoái đầu nhìn đi nhìn lại, và khi bạn đi khỏi thì bề mặt dát vàng kim trên giấy lại càng toả xa hơn, nó không biến đổi trong chớp nhoáng mà toả sáng dần dần, đều đặn hơn, như thể người khổng lồ đổi màu trong cổ tích. Hoặc một lần nữa, bạn thấy lớp bụi vàng kim trên nền vào lúc đó chỉ là một nước bóng tẻ nhạt đang ngủ say, nhưng khi bạn lướt qua, đột nhiên chúng loé lên như thể rực cháy.

Trong một nơi tối tăm như vậy làm cách nào vàng thu hút nhiều ánh sáng vẫn là điều bí ẩn với tôi. Nhưng tôi hiểu lí do tại sao thời xưa tượng Phật được thếp vàng và tại sao vàng lá dát trên các bức vách trong nhà của giới quý tộc. Con người thời hiện đại sống trong ngôi nhà sáng sủa không biết tới vẻ đẹp của vàng kim; nhưng người sống trong ngôi nhà tối tăm thời xưa không chỉ bị vẻ đẹp của nó quyến rũ, họ còn biết giá trị thực tiễn của nó; trong những gian phòng tờ mờ này, vàng chắc phải được dùng với tác dụng phản quang. Việc sử dụng vàng lá và vàng tấm không đơn thuần là sự xa hoa. Đặc tính phản quang của nó đã được đưa vào dùng như một nguồn chiếu sáng. Bạc và những kim loại khác thì chóng mất đi độ bóng, nhưng vàng vẫn giữ được độ ngời sáng vô thời hạn để thắp sáng bóng tối trong gian phòng. Đó là lí do tại sao vàng được quý trọng đến như vậy.

Như tôi đã nói đồ sơn mài trang trí dát vàng được làm ra để thưởng ngắm trong bóng tối và cũng cùng lí do với những loại gấm vóc trong quá khứ được dệt bằng chỉ kim ngân rất xa hoa. Chiếc áo cà sa kim lan của tăng lữ có lẽ là ví dụ điển hình nhất. Nhiều ngôi chùa ở thành phố ngày nay, khi làm lễ trước đại chúng, chính điện được thắp sáng choang, và những bộ áo kim tuyến này hầu như chỉ còn là sự loè loẹt, bất kể vị cao tăng ấy khả kính đến đâu nhưng bộ áo ấy không thể hiện được phẩm cách của ông. Nhưng khi bạn tham dự một buổi Phật sự cử hành tại một ngôi chùa cổ theo nghi thức xưa, bạn sẽ thấy chiếc cà sa vô cùng hoà điệu với nếp da nhăn nheo của vị lão tăng dưới ánh đèn dầu chập chờn từ bàn thờ góp phần tạo nên không khí trang nghiêm của buổi lễ; cũng như đồ sơn mài, những hoa văn đậm màu phần lớn ẩn trong bóng tối, chỉ những sợi dệt kim tuyến hay kim ngân thì lấp lánh ẩn hiện.

Đây có thể là cảm nhận riêng của tôi, dường như không ở đâu làn da người Nhật giống được như trong trang phục tuồng Nō. Tất nhiên nhiều trang phục lộng lẫy quá mức được dệt bằng rất nhiều kim tuyến và ngân tuyến. Tuy nhiên diễn viên tuồng Nō không bôi phấn trắng như diễn viên kịch Kabuki. Bất cứ khi nào xem tuồng Nō tôi đều có ấn tượng không ở đâu vẻ đẹp của làn da người Nhật được tôn lên tới mức như vậy – làn da nâu nhạt hường hường rất đặc hữu Nhật, khuôn mặt như màu ngà vàng vàng. Chiếc áo ngoài dệt hoặc thêu hoa văn bằng chỉ kim ngân làm nổi bật vẻ đẹp, cũng như chiếc áo quan khanh lễ phục màu lục đậm hay hồng hoàng, hoặc với bộ kimono hoặc chiếc váy xẻ bằng vải màu trắng trơn. Và khi diễn viên là một thiếu niên khôi ngô có làn da mịn màng, cặp má bừng sáng vẻ tươi tắn của tuổi trẻ; một mĩ nam tử như vậy có vẻ quyến rũ khác hẳn với của một phụ nữ. Ở đây ta thấy chính vẻ đẹp này đã khiến các vương công chư hầu say đắm đối với những cậu bé vốn được họ sủng ái.

Trang phục Kabuki, trong các vở kịch lịch sử và vũ kịch, cũng sặc sỡ không kém trang phục tuồng Nō; và Kabuki thường được cho là hấp dẫn tính dục nhiều hơn so với tuồng Nō. Nhưng đối với người sành sỏi thì ngược lại mới đúng. Thoạt nhìn, Kabuki dường như gợi tình hơn và đẹp hơn về mặt thị giác là điều không phải bàn cãi; tuy nhiên, so với bất cứ những gì đã có trên sân khấu xưa thì ngày nay màu sắc Kabuki loè loẹt dưới ánh đèn sáng chói kiểu phương Tây khiến nó rơi vào sự dung tục và khiến người xem mau chán. Và nếu trường hợp này đúng với trang phục thì với sự trang điểm cũng bị như vậy. Một gương mặt dù đẹp đến đâu chăng nữa thì vẫn cứ là hoá trang chứ không phải vẻ đẹp trực tiếp của da thịt. Diễn viên tuồng Nō khi trình diễn đều không hoá trang trên mặt, cổ hoặc tay; vẻ đẹp của họ là vẻ đẹp tự thân, và mắt của chúng ta không bị đánh lừa. Vì thế chẳng bao giờ có sự thất vọng với diễn viên tuồng Nō với gương mặt không hoá trang như thấy diễn viên Kabuki đóng vai nữ (onnagata) hoặc vai thanh thiếu niên khôi ngô. Đúng hơn, chúng ta ngạc nhiên về vẻ đẹp của nam diễn viên được tôn lên như thế nào nhờ trang phục sặc sỡ của võ sĩ thời trung cổ – diễn viên này có làn da như chúng ta, trong bộ trang phục mà chúng ta hẳn tưởng rằng không thích hợp chút nào với anh ta.

Tôi từng được xem diễn viên Kongō Iwao đóng vai mĩ nhân Dương Quý Phi trong vở tuồng Nō Hoàng đế, và tôi không bao giờ quên được vẻ đẹp của đôi bàn tay lấp ló dưới ống tay áo. Khi ngắm động tác đôi tay diễn viên, thỉnh thoảng tôi liếc nhìn bàn tay mình đặt trên đầu gối. Tôi nhìn đi lại đôi tay người diễn viên và so sánh với tay mình; không có sự khác biệt nào cả. Thế nhưng, thật kì lạ, đôi tay của anh ta trên sân khấu đẹp khôn tả, trong khi đôi tay trên đầu gối của tôi lại thật tầm thường. Trong tuồng Nō, chỉ có thể thấy một phần nhỏ da thịt của diễn viên – khuôn mặt, cổ, bàn tay – và khi đeo mặt nạ, như trong vai Dương Quý Phi, ngay cả gương mặt cũng bị che đi; và như thế phần da thịt nhỏ nhìn thấy lại gây ấn tượng mạnh lạ thường. Điều này đặc biệt đúng đối với diễn viên Kongō Iwao; nhưng ngay cả đôi bàn tay của một diễn viên bình thường – tức bàn tay của một người Nhật trung bình, không có gì đặc sắc – đều có một sức gợi tình đáng kể mà chúng ta chắc hẳn không thấy được ở một người trong trang phục hiện đại.

Tôi xin nhắc lại rằng điều này không chỉ đúng với những diễn viên trẻ hoặc khôi ngô. Đôi môi của một người nam thường sẽ không thu hút chúng ta, nhưng trên sân khấu tuồng Nō, sắc đỏ thẫm với độ bóng ươn ướt tạo sự hấp dẫn nhục cảm hơn so với đôi môi thoa son của một người nữ. Việc ca xướng có thể giữ môi của diễn viên luôn ẩm ướt, và còn có những lí do khác nữa về vẻ đẹp của diễn viên. Và hơn nữa, đôi má ửng hồng của một diễn viên thiếu niên mang vẻ tươi tắn lạ thường mà theo kinh nghiệm của tôi thì nổi bật nhất khi đi với trang phục màu xanh lá cây chủ đạo. Chúng ta có thể cho rằng điều này cũng đúng với diễn viên thiếu niên có nước da trắng, thế nhưng sắc ửng hồng lại cho thấy hiệu ứng tuyệt hơn với nước da sẫm. Đối với thiếu niên có làn da trắng thì tương phản giữa trắng và hồng quá rõ ràng, và những màu sắc tối và u ám của tuồng Nō nổi bật rất mạnh mẽ, trong khi so với đôi má nâu nhạt của thiếu niên da sẫm hơn thì màu đỏ không nổi bật cho lắm, trang phục và khuôn mặt bổ sung cho nhau rất đẹp. Sự hài hoà hoàn toàn của nước da vàng với quần áo màu xanh lá cây dịu hoặc màu nâu lại bắt mắt chúng ta hơn bao giờ hết.

Nếu tuồng Nō được thắp sáng bằng đèn pha hiện đại, như kịch Kabuki, thì sự cảm thụ về vẻ đẹp này hẳn sẽ bị biến mất dưới thứ ánh sáng quá gắt. Như vậy, kiến trúc càng xưa thì càng tốt, vì điều kiện thiết yếu của tuồng Nō là để sân khấu nằm trong bóng tối vốn đã duy trì từ thời xa xưa. Một sân khấu mà sàn có độ bóng tự nhiên, những thanh dầm và màn hậu trường toả ra một thứ ánh sáng mờ tối, ở đó bóng tối dưới xà nhà và mái hiên bao trùm trên đầu diễn viên như thể một đại hồng chung – đó mới là nơi thích hợp cho tuồng Nō. Những thử nghiệm gần đây trong những khán phòng lớn tuy đáng tán thưởng, nhưng trong khung cảnh như vậy thì vẻ đẹp thực sự của tuồng Nō bị mất đi hơn một nửa.

11.

Bóng tối của sân khấu tuồng

Bóng tối bao phủ trong tuồng Nō và từ đó vẻ đẹp nảy sinh vốn là một thế giới của những bóng âm riêng biệt mà ngày nay chỉ còn thấy trên sân khấu, nhưng trong quá khứ bóng tối ấy không tách khỏi đời sống thường ngày. Bóng tối của sân khấu tuồng Nō xét cho cùng chính là bóng tối kiến trúc trong căn nhà xưa; và trang phục Nō, ngay cả khi hoa văn và màu sắc có hoa mĩ hơn một chút, nhìn chung đều được mặc bởi giới quý tộc và các lãnh chúa chư hầu thời đó. Tôi thấy liên tưởng này thật quyến rũ: thử hình dung vẻ đẹp đó ra sao khi so với chúng ta ngày nay, người Nhật Bản xưa hẳn phải phục trang lộng lẫy, đặc biệt là các võ sĩ vào những thế kỉ 15 và 16. Tuồng Nō bày ra trước mắt chúng ta vẻ đẹp của nam tính Nhật Bản ở mức tuyệt đỉnh. Điều gì đã tạc nên những hình tượng hùng tráng về người võ sĩ xông pha chiến trường xưa, hẳn họ mang trên mình trọn vẹn bộ y phục lẫm liệt trang trí với gia huy, và trên phông nền tối, mẫu thiết kế gấm thêu ánh lên những khuôn mặt khí cốt dày dạn như ánh đồng sạm trong mưa gió dãi dầu. Những ai mê xem tuồng Nō đều tìm thấy một phần khoái cảm nào đó trong những duy đoán kiểu như vậy, vì sự liên tưởng rằng cái thế giới đầy màu sắc trên sân khấu ấy từng tồn tại như chúng ta thấy nó truyền vào tuồng Nō một niềm đam mê lịch sử hoàn toàn khác với kịch [Kabuki].

Trái lại, kịch Kabuki là một thế giới giả trang, không liên quan tới vẻ đẹp trong trạng thái tự nhiên. Thật không thể nhận thức được rằng vẻ đẹp phụ nữ thời xưa – không kể nam giới ­– lại có sự tương tự nào với phụ nữ ta thấy trên sân khấu Kabuki. Phụ nữ tuồng Nō, được diễn bởi những diễn viên đeo mặt nạ, khác xa với thực tế ngoài đời; nhưng nam diễn viên Kabuki trong vai một phụ nữ lại không truyền được chút cảm nhận nào về thực tế ngoài đời. Sự thất bại này do lỗi của ánh sáng quá mức. Khi không có đèn pha hiện đại, và khi sân khấu Kabuki được thắp sáng bằng thứ ánh sáng đạm bạc của nến và đèn lồng, thì các diễn viên hẳn đã phần nào thuyết phục hơn trong những vai nữ. Người ta than phiền rằng các diễn viên Kabuki không còn thực sự nữ tính, nhưng việc đó hầu như không phải lỗi do tài năng hay ngoại hình của họ. Giả sử các diễn viên [vai nữ] ngày xưa phải xuất hiện trên sân khấu sáng chói của ngày nay, chắc chắn họ sẽ nổi bật vẻ nam tính cứng cỏi mà trong quá khứ được che giấu kín đáo trong bóng tối. Điều này cho thấy một cách sống động khi tôi được xem diễn viên Baiko lớn tuổi trong vai Okaru trẻ tuổi. Việc sử dụng ánh sáng một cách vô nghĩa và quá độ, tôi cho rằng, đã phá huỷ vẻ đẹp của kịch Kabuki.

Một quý ông am tường ở Osaka đã nói với tôi rằng rạp kịch rối Bunraku vốn từ lâu được thắp sáng bằng đèn dầu ngay cả sau khi du nhập điện vào thời Minh Trị, và cách thức này giàu tính ám thị hơn nhiều so với ánh đèn hiện đại. Thậm chí ngày nay tôi thấy những con rối còn thật hơn nhiều so với diễn viên vai nữ của Kabuki. Nhưng trong ánh đèn dầu mờ ảo, đường nét cứng nhắc của những con rối dịu đi, màu trắng lóng lánh trên khuôn mặt chúng giảm bớt – khiến tôi ớn lạnh khi nghĩ đến vẻ đẹp lạ lùng từng có của rạp kịch rối xưa.

____

Nguyên tác: 陰翳礼讃 (In’ei reisan/Âm ế lễ tán), tuỳ bút, 1933-4. Tác giả: Jun’ichiro Tanizaki 潤一郎 谷崎 (1886-1965).

Bản tiếng Anh: In Praise of Shadows do Thomas J. Harper và Edward G. Seidensticker dịch, Nxb Leete’s Island Books 1977. Bản PDF: https://www.pdfdrive.com/in-praise-of-shadows-d185560859.html

Văn bản tiếng Nhật: http://www.kuniomi.gr.jp/togen/iwai/raisan.htm

Comments are closed.