Ca ngợi bóng âm – Tuỳ bút mĩ học của Tanizaki (kì 6)

Jun’ichiro Tanizaki

Hà Vũ Trọng dịch

12.

Phụ nữ ngày xưa

Trên sân khấu kịch rối Bunraku, những con rối nữ bao gồm đầu và đôi tay, còn thân thể, chân và bàn chân đều che kín trong chiếc kimono dài, thợ múa rối chỉ cần luồn bàn tay mình vào trong trang phục đó để thể hiện động tác là đủ. Đối với tôi đây chính là hình ảnh thu nhỏ của hiện thực, vì một phụ nữ xưa thực sự chỉ tồn tại từ cổ áo trở lên và tay áo ra ngoài; phần còn lại của nàng vẫn ẩn trong bóng tối. Một phụ nữ thuộc bậc trung lưu hoặc thượng lưu của xã hội hiếm khi ra khỏi nhà, và nếu ra khỏi nhà, nàng tự che mình khỏi ánh nhìn của công chúng trong hốc tối của chiếc kiệu. Hầu hết cuộc đời nàng sống trong bóng tranh tối tranh sáng của ngôi nhà duy nhất, thân thể nàng ngày và đêm phong kín trong màn âm u, khuôn mặt là dấu hiệu duy nhất cho thấy sự tồn tại của nàng. Mặc dù đàn ông xưa ăn mặc có phần hào nhoáng hơn so với ngày nay, còn phụ nữ phục trang màu tối hơn. Các cô con gái và vợ của tầng lớp thương nhân mặc y phục nghiêm trang một cách đáng ngạc nhiên. Quần áo của họ thực chất không khác gì một phần của bóng tối, là sự chuyển tiếp giữa bóng tối và khuôn mặt.

 

Ta nghĩ tới tục nhuộm răng đen (ohaguro) làm đẹp. Phải chăng đó là một cố gắng đẩy lùi mọi thứ vào bóng tối ngoại trừ khuôn mặt? Ngày nay vẻ đẹp lí tưởng này hầu như biến mất khỏi đời sống thường ngày, và muốn tìm dấu vết của nó người ta phải tới một trà thất cổ kính ở Kyoto, như khu kĩ viện Sumiya ở quận Shimabara. Nhưng khi hồi tưởng lại tuổi nhỏ của mình ở khu phố cổ Kyoto, và thấy mẹ mình đang khâu vá dưới ánh sáng mờ mờ từ vườn lọt vào, tôi nghĩ mình có thể hình dung một chút về phụ nữ Nhật xưa ra sao. Vào thuở ấy, khoảng năm 1890 – cư dân thành phố Tokyo vẫn còn sống trong những ngôi nhà âm u, và mẹ, các dì và họ hàng tôi, hầu hết phụ nữ lớn tuổi vẫn còn nhuộm răng đen. Tôi không còn nhớ họ mặc gì thường ngày, nhưng khi ra ngoài thì thường mặc bộ kimono màu xám có hoa văn nhỏ rất khiêm tốn.

Mẹ tôi khá thon gầy, cao chừng 1 thước 50, nhưng không chỉ mẹ tôi mà các phụ nữ thời đó cũng tầm như vậy. Tôi có thể mạnh dạn nêu ra vấn đề: phụ nữ thời ấy hầu như không có da thịt. Tôi nhớ khuôn mặt và bàn tay mẹ, và nhớ rõ mồn một đôi bàn chân, nhưng lại không nhớ gì về thân thể của bà. Bà làm tôi nhớ tới pho tượng Quán Thế Âm trong chùa Trung Cung Tự (Chugu-ji) mà thân hình chắc phải điển hình cho hầu hết phụ nữ Nhật trong quá khứ. Lồng ngực phẳng phiu như tấm ván, bộ ngực mỏng như giấy, lưng, hông, và mông tạo nên một tuyến thẳng, cả thân thể gầy gò gần như không cân xứng với khuôn mặt, và bàn tay, bàn chân, dường như thiếu thực chất đến nỗi gây ấn tượng không phải bằng da thịt mà là một cây sào – chẳng phải phụ nữ Nhật xưa đã có loại vóc dáng như thế? Ngày nay hiếm người còn lại vóc dáng đó – chỉ còn những bà cụ thuộc gia đình theo nếp cũ, một vài geisha. Họ làm tôi nhớ tới những con búp bê bằng que, vì thực sự họ không khác gì những cây sào mặc trang phục. Cũng giống những búp bê, thực thể của chúng được tạo bằng hết lớp y phục này này đến lớp khác, mà nếu tước đi thì chỉ còn lại cây sào vô duyên. Thế nhưng trong quá khứ điều ấy là đủ rồi. Vì một phụ nữ sống trong bóng tối chỉ cần một khuôn mặt trắng nhạt là đủ, không nhất thiết đầy đủ cả thân mình.

Tôi cho rằng thật khó cho ai thích vẻ đẹp nhục thể của phụ nữ hiện đại dưới ánh đèn sáng trưng ngày nay có thể hình dung ra được vẻ đẹp ma mị của lớp phụ nữ xưa. Có thể sẽ có người lập luận rằng nếu vẻ đẹp phải che giấu khuyết điểm của nó trong bóng tối thì không phải là vẻ đẹp thực sự. Nhưng người phương Đông chúng ta, như tôi đã nêu trên, tạo nên một loại vẻ đẹp của bóng âm từ những chỗ hun hút. Có một bài ca xưa hát rằng “bó củi thu thập được, chất lên thành lều, tháo tung lại hoá rừng.” Cách tư duy của chúng ta là thế đấy – chúng ta tìm vẻ đẹp không ở tự thân vật thể mà tìm trong những mẫu mực của bóng râm, sáng và tối tạo ra khi tương tác với nhau.

Một viên ngọc dạ quang toả sáng trong bóng tối nhưng lại mất vẻ đẹp giữa ban ngày. Nếu không có bóng âm thì không có vẻ đẹp. Tổ tiên chúng ta đã làm cho người phụ nữ thành đối tượng không thể tách khỏi bóng tối, như đồ sơn mài trang trí dát vàng hoặc khảm ngọc trai. Họ che người phụ nữ trong bóng âm càng nhiều càng tốt, tay và chân giấu trong ống tay áo và nếp áo dài sao cho chỉ nổi bật một chỗ – khuôn mặt. Thân thể không có đường cong, nếu so với phụ nữ phương Tây, có thể là xấu. Nhưng chúng ta không thể nghĩ tới những gì mình không thể thấy. Với chúng ta, cái không thấy được thì không tồn tại. Người khăng khăng muốn nhìn vào sự xấu xí của người phụ nữ thì giống như rọi ánh đèn điện một trăm nến vào cái bích khám trong phòng khách, và tự xua đi vẻ đẹp đang trú ngụ ở đó.

13.

Vẻ đẹp trong bóng tối – Đông và Tây

Tại sao xu hướng tìm cái đẹp trong bóng tối lại mạnh mẽ đến thế chỉ có ở người phương Đông? Phương Tây cũng đã biết đến một thời kì không có điện, khí đốt, hoặc dầu hoả, và cho đến nay theo tôi biết thì phương Tây vốn chưa bao giờ thích thú với bóng âm. Theo truyền thống, ma Nhật không có chân, ma Tây có chân nhưng trong suốt. Ngay cả chi tiết nhỏ nhặt đó cũng cho thấy bóng tối u huyền đã luôn chiếm trọn trí tưởng tượng của chúng ta, trong khi ở phương Tây, ngay đến bóng ma cũng sáng trong như pha lê. Điều này cũng đúng với đồ gia dụng: chúng ta thích những màu có pha với bóng tối, còn họ chuộng những màu của ánh mặt trời. Còn đồ dùng bằng bạc và đồng: chúng ta yêu thích sự lên nước thời gian và lớp gỉ mà họ coi là dơ bẩn, thiếu vệ sinh, cho nên đánh cho bóng loáng. Họ sơn trần nhà, tường màu nhạt để xua bóng tối càng nhiều càng tốt. Về tạo cảnh vườn, nếu vườn ta rợp bóng cây, còn họ thì trải một bãi cỏ bằng phẳng.

Nhưng điều gì tạo ra sự khác biệt về thị hiếu đến như vậy? Theo tôi: người phương Đông chúng ta có khuynh hướng tìm sự hài lòng trong bất cứ hoàn cảnh nào và thích ứng với hiện trạng, vì thế sự tối tăm không khiến chúng ta bất mãn mà cam chịu như điều không thể tránh khỏi. Nếu ánh sáng khan hiếm vậy cứ xem là tự nhiên; chúng ta sẽ trầm mình trong bóng tối và từ đó phát hiện ra vẻ đẹp của nó. Thế nhưng người phương Tây tiến bộ luôn quyết tâm cải thiện số phận của mình. Từ ngọn nến tới đèn dầu, từ đèn dầu tới đèn khí đốt, từ đèn khí đốt tới đèn điện – và cuộc tìm kiếm ánh sáng rực rỡ hơn này không bao giờ ngừng, và không tiếc công tiễu trừ ngay cả một bóng râm nhỏ nhất.

Tuy nhiên, ngoài khác biệt về tính khí, tôi muốn xem xét tầm quan trọng về sự khác biệt của màu da. Từ xưa, chúng ta đã coi da trắng thanh lịch hơn, đẹp hơn da sậm, tuy vậy màu trắng của chúng ta khác với của chủng da trắng. Xét từng cá nhân, ta thấy có người Nhật trắng hơn người Tây và có người Tây sậm hơn người Nhật nhưng độ trắng và độ sậm của chúng không giống nhau. Để tôi đơn cử ví dụ từ kinh nghiệm riêng. Thời gian tôi sống nơi khu phố Bluff (Yamate) ở thành phố Yokohama, tôi dành nhiều thời gian rảnh để giao du với cư dân ngoại quốc trong những bữa tiệc và dạ hội của họ. Khi ở bên cạnh, tôi không đặc biệt ấn tượng với độ trắng của họ, nhưng nhìn từ xa tôi có thể phân biệt khá rõ họ với người Nhật. Trong số người Nhật có những quý bà mặc đầm dạ hội lộng lẫy không kém người ngoại quốc, và có làn da còn trắng hơn so với họ. Tuy nhiên nhìn từ bên kia căn phòng, những phụ nữ Nhật này nổi bật riêng không thể nhầm lẫn với người ngoại quốc. Vì nước da người Nhật, dù trắng đến đâu, cũng pha chút vẩn đục. Những phụ nữ này tuyệt nhiên không dè dặt trong việc thoa phấn, những chỗ da thịt hở ra, ngay cả lưng và cánh tay, họ đều đánh một lớp phấn trắng dày, nhưng vẫn không làm lu mờ được sắc tối nằm dưới lớp da; tựa như lớp đất dưới đáy hồ tinh khiết. Giữa kẽ ngón tay, quanh lỗ mũi, sau gáy, dọc sống lưng – đặc biệt những chỗ này có những bóng thâm gần như cáu bẩn tụ lại. Nhưng lớp da của người Tây, ngay cả người có màu da sẫm hơn đều ánh lên độ trong trẻo. Không nơi nào họ bị vấy bởi cái bóng xám này. Từ đỉnh đầu xuống đầu ngón tay họ, sắc trắng ấy thuần khiết, không pha tạp. Vì vậy, khi một người trong chúng ta ở giữa nhóm người Tây thì giống như vết hoen ố trên tờ giấy trắng. Cảnh tượng này chướng mắt và cũng không để lại cảm giác dễ chịu nào.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rõ thứ tâm lí trong quá khứ đã khiến người da trắng từ chối người da màu. Một người da trắng nhạy cảm không thể nào an tâm vì cái bóng của một, hai người da màu phủ lên trong một buổi xã giao. Ngày nay hoàn cảnh như thế nào tôi không biết, nhưng vào thời Nội Chiến Mĩ [1861-1865], khi cuộc bách hại người Da Đen lên đến mức khốc liệt nhất, sự căm ghét và khinh miệt không chỉ nhắm vào những người Da Đen thuần chủng, mà còn vào những người lai, con cái của những người lai, và ngay cả con cái hỗn huyết giữa người lai với người da trắng. Người nào có nhuốm chút dòng máu Da Đen, dù chỉ một nửa, một phần tư, một phần mười sáu, hoặc một phần ba mươi hai, phải bị tầm nã và chịu khổ sở. Ngay cả với những người nhìn qua không thể phân biệt với người da trắng thuần chủng, nhưng tổ tiên của họ nếu hai hoặc ba thế hệ trước đó từng là người Da Đen, cũng không thoát khỏi sự soi mói truy lùng, bất kể cái sắc tố đó mờ nhạt đến đâu dưới lớp da trắng của họ.

Và vì vậy, chúng ta thấy mối quan hệ giữa bóng âm với chủng da vàng sâu sắc biết bao. Bởi không ai thích khoe điểm xấu xí của mình ra, lẽ tự nhiên là chúng ta sẽ chọn đồ ăn có màu đục, quần áo và nhà cửa, rồi lại chìm mình vào bóng tối. Tôi không nói rằng tổ tiên chúng ta đều ý thức về sắc tố âm u trong màu da của mình. Họ không thể biết tới sự tồn tại của một chủng da trắng. Nhưng chúng ta phải kết luận rằng có gì đó trong cảm quan về màu sắc đã dẫn họ tới thị hiếu ấy một cách tự nhiên.

______

Nguyên tác: 陰翳礼讃 (In’ei reisan/Âm ế lễ tán), tuỳ bút, 1933-4. Tác giả: Jun’ichiro Tanizaki 潤一郎 谷崎 (1886-1965).

Bản tiếng Anh: In Praise of Shadows do Thomas J. Harper và Edward G. Seidensticker dịch, Nxb Leete’s Island Books 1977. Bản PDF: https://www.pdfdrive.com/in-praise-of-shadows-d185560859.html

Văn bản tiếng Nhật: http://www.kuniomi.gr.jp/togen/iwai/raisan.htm

Comments are closed.