Ca ngợi bóng âm – Tuỳ bút mĩ học về văn hoá Nhật Bản và phương Tây (kì 7 – Hết)

Jun’ichiro Tanizaki

Hà Vũ Trọng dịch

14.

Thế giới bóng râm

Tổ tiên chúng ta đã chia cắt ánh sáng ra khỏi từ trên cao để tạo dưới mặt đất một thế giới của bóng râm, rồi trong cái chốn mông lung hun hút đó, họ đặt người phụ nữ vào để nàng là phiến trắng ngần nhất thế gian. Nếu làn da trắng là điều kiện không thể thiếu của vẻ đẹp nữ tính tối cao, vì không còn cách nào khác, và tôi cũng thấy không thể phản đối. Các chủng da trắng đều có tóc màu sáng, còn tóc chúng ta màu tối; như thế, thiên nhiên dạy chúng ta quy luật về bóng tối mà theo bản năng chúng ta quen biến màu da vàng thành trắng. Tôi đã nói về việc nhuộm răng đen, thế chẳng phải việc cạo lông mày cũng là cách làm cho khuôn mặt trắng được nổi bật hay sao? Tuy nhiên, điều làm tôi thu hút nhất là thỏi son môi màu lục ánh kim mà ngày nay ngay cả những geisha ở Kyoto cũng hiếm khi dùng. Ta không thể biết được mê lực của nó trừ khi hình dung dưới ánh nến le lói chập chờn. Phụ nữ xưa cố tình giấu màu môi đỏ dưới lớp son môi xanh đen ấy, lại cài trang sức lung linh trên mái tóc, như để hút cho hết sắc máu hồng trên da mặt căng mọng của nàng. Tôi không biết có gì trắng hơn khuôn mặt của một cô gái trong bóng tối lung linh bên chiếc đèn lồng, thỉnh thoảng nàng mỉm cười, hàm răng đen hạt huyền loé qua đôi môi xanh như những đốm tinh linh. Da mặt ấy trắng còn hơn cả độ trắng nhất của một phụ nữ da trắng mà tôi có thể mường tượng. Độ trắng của người phụ nữ da trắng thì sáng, hiển hiện, quen thuộc, không phải là thứ màu trắng thoát trần như thế này. Có lẽ thứ màu trắng thoát trần ấy không hề tồn tại. Vả lại, có lẽ đấy chỉ là trò đùa tinh quái của ánh sáng và bóng tối diễn ra trong một khoảnh khắc. Nhưng như vậy là đủ. Chúng ta không đòi hỏi gì hơn.

Và trong khi nói về độ trắng này của khuôn mặt, tôi cũng muốn nói về màu của bóng tối bao phủ nó. Tôi nhớ tới một cảnh tượng bóng tối khó quên khi dẫn một người bạn từ Tokyo tới trà thất của kĩ viện Sumiya cổ kính ở Kyoto. Tôi ở trong gian phòng khách lớn có tên là “Tùng Gian”, sau này bị hoả hoạn thiêu rụi, và cái bóng tối ấy bị phá vỡ bởi vài ngọn nến nhưng lại có một vẻ phong phú khác hẳn với bóng tối của một gian phòng nhỏ. Khi chúng tôi bước vào cửa, một nữ chiêu đãi lớn tuổi với cặp chân mày đã cạo và hàm răng nhuộm đen đang quỳ bên ánh nến, sau lưng bà là bức bình phong lớn. Ở phía bên kia bình phong, quanh rìa của vầng tròn sáng nhỏ, bóng tối đổ xuống từ trần nhà cao mãnh liệt và nguyên khối mà ánh sáng mong manh của ngọn nến không thể xuyên thủng độ dày ấy, để rồi bị đẩy lùi như va vào một bức tường đen. Không biết bạn đã bao giờ thấy được màu sắc của “bóng tối nhìn qua ánh nến” này chưa? Về tính chất nó khác với bóng tối trên đường vào ban đêm. Đó là sự thai nghén đầy ắp những hạt mịn như tro, từng hạt phát sáng như mỗi cầu vồng. Tôi cứ chớp mắt vì không biết nó có vương vào mắt mình hay không nữa.

Ngày nay loại phòng nhỏ thịnh hành hơn, và ngay cả khi người ta dùng ánh nến trong đó hẳn sẽ không có được thứ màu của bóng tối như vậy; tuy nhiên trong những cung điện và lầu kĩ viện xưa có trần khá cao, hành lang rộng bao quanh, diện tích những phòng này thường rộng tới cả chục chiếu tatami, thì bóng tối trong phòng chắc luôn bị nén lại như sương mù. Giới quý tộc thanh lịch xưa chìm trong tấm màn hạt màu tro lơ lửng, và ngâm mình trong đó, nhưng người ngày nay vốn từ lâu quen với ánh điện nên quên mất rằng cái bóng tối như vậy từng tồn tại. Thật  là dễ bị ảo tượng trong cái “bóng tối thấy được” trong nhà ấy, luôn có gì đó lập loè và lung linh, một thứ bóng tối làm kinh sợ còn hơn cả bóng tối ngoài trời. Đấy là thứ bóng tối mà có khi những yêu ma quỷ mị biến hoá, và thực vậy, người đàn bà sống trong đó, sau những lớp màn dày, sau những tấm bình phong và những cánh cửa trùng điệp – chẳng phải nàng cùng loài quỷ mị với chúng hay sao? Bóng tối bọc quanh mình nàng mười lớp, hai mươi lớp, và lấp đầy tới cổ, tay áo kimono, nếp gấp của váy, bất cứ khoảng trống nào. Hơn thế nữa: lẽ nào không phải điều ngược lại, phải chăng bóng tối từ miệng nàng phả ra, từ hàm răng đen huyền kia, từ màu đen của tóc nàng, như tơ sợi nhả ra từ loài nhện đất lớn?

15

Làn gió mát trong bóng tối mịt mùng

 

Vài năm trước, nhà văn Takebayashi Musōan (1880-1962) cho biết khi ông từ Paris trở về, thì ở Tokyo và Osaka đèn rực rỡ hơn nhiều so với bất kì thành phố nào ở châu Âu; ngay cả trên đại lộ Champs-Élysées vẫn còn những ngôi nhà thắp bằng đèn dầu, trong khi ở Nhật hầu như không còn nhà nào, ngoại trừ ở miền núi xa xôi. Có lẽ trên thế giới không có quốc gia nào lãng phí điện bằng Hoa Kì và Nhật, ông nói, vì nước Nhật chẳng qua quá nóng lòng muốn bắt chước Hoa Kì bằng mọi cách. Đó là cách đây khoảng bốn, năm năm, trước khi thịnh hành loại bảng hiệu đèn neon và những thứ khác. Hãy hình dung ông ta ngạc nhiên tới đâu nếu trở về lại ngày hôm nay khi mọi thứ còn sáng chói hơn rất nhiều.

Yamamoto Sanehiko, chủ tịch nhà xuất bản Kaizo, kể lại cho tôi nghe về việc khi ông hộ tống Tiến sĩ Einstein trong một chuyến đi đến Kyoto. Khi tàu lửa tới gần Ishiyama, Einstein nhìn ra ngoài cửa sổ và nhận xét, “Ôi chao, lãng phí quá sức”. Khi hỏi ông muốn nói điều gì, Einstein chỉ vào cây cột đèn đang sáng giữa ban ngày. “Einstein là người Do Thái, nên ông rất kĩ tính về những thứ như thế” – Đó là lối giải thích của Yamamoto. Nhưng sự thật của vấn đề là Nhật Bản đang lãng phí ánh sáng điện hơn bất kì nước phương Tây nào ngoại trừ Hoa Kì.

Điều này làm nhớ tới một câu chuyện kì cục nữa ở Ishiyama. Năm nay tôi gặp nhiều phiền phức khi quyết định nên đi đâu ngắm trăng trung thu. Cuối cùng, sau nhiều bối rối vò đầu, tôi quyết định đi chùa Thạch Sơn Tự (Ishiyama-dera). Tuy nhiên, một ngày trước đêm rằm trung thu, tôi đọc báo cho biết sẽ có loa phóng thanh trong rừng ở Ishiyama để tăng hứng thú cho khách thưởng trăng, máy đĩa sẽ phát bài Sonata Ánh trăng. Tôi đã lập tức huỷ kế hoạch. Loa đã đủ tệ rồi, nếu họ cài đặt âm thanh thì chắc chắn bóng đèn pha cũng sẽ giăng khắp trên núi. Tôi nhớ tới một cuộc thưởng nguyệt khác bị hỏng bét, năm ấy chúng tôi đi thuyền vào đêm rằm trung thu, thuyền qua hồ của chùa Tu Ma Tự (Suma-dera). Chúng tôi cùng nhau làm một bữa tiệc, các món ăn thức uống đựng trong những hộp sơn mài, rồi nao nức lên đường. Nhưng ven hồ bị trang trí đầy những bóng đèn điện ngũ sắc chói loà. Đúng thật là có một vầng trăng nhưng người ta phải nheo mắt lên để tìm nó.

Ngày nay ánh đèn điện làm chúng ta mụ mị tới nỗi hoàn toàn vô cảm với tệ nạn chiếu sáng quá độ. Thiết tưởng cũng không quan trọng lắm đối với trường hợp ngắm trăng, nhưng các trà thất, nhà hàng, nhà trọ, và khách sạn thì chắc chắn bị thắp sáng quá phí phạm. Trong một số trường hợp cần thiết để thu hút khách, nhưng vào mùa hè đèn được bật lên ngay cả trước khi trời tối thì thật lãng phí, và tệ hơn cả lãng phí là cái nóng. Tôi khó chịu vì điều đó mỗi lần đi đâu vào mùa hè. Trong khi ngoài trời thì mát mẻ nhưng trong nhà thì nóng nực một cách vô lí, và thường là do đèn quá sáng hoặc quá nhiều đèn. Hãy tắt một số đèn đi thì căn phòng lập tức mát mẻ sảng khoái. Thế mà lạ thật, dường như cả khách hay chủ đều không nhận thấy điều đó. Một gian phòng nên sáng hơn vào mùa đông, nhưng nên tối hơn vào mùa hè; nhờ vậy nó sẽ mát mẻ phù hợp và không thu hút côn trùng. Nhưng người ta sẽ bật đèn rồi bật quạt điện để chống chỏi với cái nóng. Cứ nghĩ tới lại làm tôi khó chịu.

Người ta có thể chịu đựng nổi trong gian phòng kiểu Nhật, vì cuối cùng hơi nóng cũng thoát qua những bức vách. Nhưng trong phòng khách sạn kiểu Tây, không thông thoáng, sàn, tường, và trần hấp thụ nhiệt vào rồi lại nhả ra từ mọi phía với cường độ không thể chịu được. Ví dụ tệ nhất, than ôi lại là khách sạn Miyako ở Kyoto, mà bất cứ ai từng ở tiền sảnh của nó vào buổi tối mùa hè đều cảm thấy. Nó toạ lạc trên khu đất cao, mặt về hướng bắc, tầm nhìn hướng tới núi Hiei và núi Nyoigatake, chùa Kim Giới Quang Minh tự (Kurodani-ji), những khu rừng và đồi xanh của Higashiyama – một quang cảnh rất tươi mát và tinh khiết, chính vì vậy càng khiến bạn thất vọng hơn. Nếu một người vào chiều tối mùa hè muốn ra ngoài hứng mát giữa những quả đồi tím và những dòng suối pha lê, hít vào một làn gió lộng thổi qua đỉnh tháp trên ngàn cao, người ấy sẽ chỉ thấy mình ở dưới cái trần nhà màu trắng gắn những bóng đèn to tướng bằng thuỷ tinh nhũ bạch, mỗi cái phát ra như một khối lửa chói loà.

Cũng như phấn lớn những toà nhà kiểu phương Tây gần đây, trần nhà quá thấp nên cảm giác như thể những quả cầu lửa cháy trực tiếp trên đầu. “Nóng” không phải là đúng từ để chỉ hiệu ứng này, vì càng gần trần nhà thì càng tồi tệ hơn – đầu, cổ, và cột sống như thể đang bị nướng. Đáng lẽ chỉ cần một quả cầu lửa là đủ thắp sáng nơi này, thế nhưng ba hoặc bốn khối lửa từ trần nhà toả xuống, lại còn có những loại bóng đèn khác nhỏ hơn ở trên tường và trên cột, không có chức năng nào khác ngoài việc muốn trử khử mọi dấu vết của bóng râm. Và vì thế gian phòng thiếu hẳn bóng râm. Nhìn quanh bạn sẽ thấy toàn những bức tường trắng, cột to màu đỏ, sàn nhà sặc sỡ hoa văn khảm dát, trông rất giống bức thạch bản tươi rói mới in xong – tất cả nóng đến ngột ngạt. Khi bạn từ ngoài hành lang đi vào, có thể thấy nhiệt độ khác biệt quá rõ ràng. Cho dù một làn gió mát tới đâu thổi vào, lập tức nó biến thành làn gió nóng.

Tôi đã thường lưu lại Miyako với sự lưu luyến về nó. Những lời khuyên này của tôi đưa ra với đầy nhã ý. Thật đáng tiếc cho một quang cảnh đẹp đẽ như thế, một nơi quá đỗi hoàn hảo để tận hưởng không khí mát lành đêm hè phải chịu sự phá huỷ hoàn toàn vì những bóng đèn. Chưa nói đến người Nhật, dù người phương Tây tuy đa số họ có thích ánh sáng tới đâu đi nữa lại không sợ cái nóng, và tôi tin chắc rằng họ sẽ thấy ngay sự cải thiện khi giảm hết mức ánh đèn. Miyako không phải là ví dụ duy nhất. Khách sạn Imperial, với ánh sáng gián tiếp, nói chung là một nơi dễ chịu, nhưng tôi cho rằng ngay cả vào mùa hè, nó cần tối hơn một chút.

Trong nhiều trường hợp, ánh sáng trong phòng ngày nay không dùng để đọc, viết hoặc may vá mà chỉ dùng để xua tan bóng tối trong những góc xa nhất, tuy nhiên, điều này đi ngược lại ý tưởng về vẻ đẹp của gian phòng kiểu Nhật. Ở nhà riêng, khi một người tắt đèn trong nhà mình để tiết kiệm là tốt, nhưng ở những khách sạn và nhà hàng lại có quá nhiều ánh sáng không thể tránh khỏi ở hành lang, cầu thang, ngưỡng cửa, cổng, vườn. Những gian phòng, nước và đá tảng bên ngoài trời trở nên phẳng và cạn. Tôi cho là nó có lợi cho việc giữ ấm vào mùa đông, nhưng vào mùa hè, bất kể một người nào trốn đến khu nghỉ mát ở vùng núi biệt lập nào đó, y sẽ bị thất vọng chờ đợi nếu đấy là một nhà trọ hoặc khách sạn mà y sẽ tới. Đó là lí do tại sao tôi tự tìm ra cách tốt nhất để giữ mát là ở tại nhà, mở cửa, và nằm dài trong bóng tối dưới cái mùng chống muỗi.

16

Những lời phàn nàn cuối

Gần đây tôi có đọc trên một nhật báo hoặc tạp chí nào đó về sự phàn nàn của những bà cụ bên Anh. Họ nói, khi còn trẻ họ kính trọng và chăm sóc chu đáo bậc cao niên, nhưng lớp con gái họ rất khác xưa, chẳng quan tâm gì cả, lại còn tránh như thể họ dơ bẩn. Họ than thở rằng luân lí của lớp trẻ không giống như họ ngày xưa. Điều đáng chú ý là người già ở đâu cũng có những phàn nàn rất giống nhau. Càng lớn tuổi chúng ta càng cho rằng ngày xưa mọi thứ tốt đẹp hơn. Người già cách đây một thế kỉ muốn quay lại hai thế kỉ, và người cách đây hai thế kỉ thì ước gì trở lại ba thế kỉ trước. Chưa từng có thời đại nào mà người ta hài lòng với tình hình hiện tại. Nhưng trong những năm gần đây, tốc độ tiến bộ quá nhanh đến nỗi những điều kiện của đất  nước chúng ta có phần vượt quá mức bình thường. Những thay đổi đã diễn ra kể từ cuộc Minh Trị Duy Tân 1867 mà ít ra cũng tương đương bằng những thay đổi của ba thế kỉ rưỡi trước đó..

Tôi thấy có vẻ kì quặc nếu tôi lâm vào tâm trạng này, như thể tôi cũng đang phàn nàn vì lẩm cẩm. Tuy nhiên về điều này tôi tin chắc rằng những tiện nghi của nền văn hoá hiện đại chỉ dành riêng cho lớp trẻ, vì vậy thời đại này ngày càng thiếu sự chiếu cố tới người già. Tôi xin lấy một ví dụ quen thuộc: ngày nay chúng ta không thể băng qua một ngã tư mà không tham khảo tín hiệu giao thông, và người già không còn tự tin mạo hiểm ra đường phố nữa. Với một người khá giả ngồi trong xe ôtô được chở đi thì không có vấn đề gì, nhưng vào những dịp hiếm hoi khi tôi đến Osaka, nó khiến mọi dây thần kinh trong cơ thể tôi phải căng thẳng khi muốn muốn băng sang bên kia đường. Nếu tín hiệu đặt giữa giao lộ thì bạn dễ thấy; nhưng ở đây lại không thể thấy được đèn giao thông đặt lệch sang một bên, ở chỗ không ai ngờ. Nếu giao lộ rộng thì rất dễ lẫn lộn đèn giao thông đối diện với đèn qua đường. Với tôi, dường như mọi thứ đã kết thúc khi cảnh sát giao thông xuất hiện ở Kyoto. Ngày nay người ta chắc phải du lịch tới những thành phố nhỏ như Nishinomiya, Sakai, Wakayama, hoặc Fukuyama để cảm nhận nước Nhật thuần tuý.

Về thức ăn cũng vậy. Trong một thành phố lớn, thật khó tìm được món ăn hợp khẩu vị của người lớn tuổi. Cách đây không lâu, một phóng viên tới phỏng vấn tôi về đề tài những món ăn lạ, và tôi đã miêu tả cho anh ta về món sushi cuộn lá hồng (kakinohazushi) của dân miền núi hẻo lánh Yoshino – tôi muốn nhân cơ hội này giới thiệu với các bạn. Cứ mười phần (một thưng) gạo thì một phần (cáp) rượu sake chế vào khi nước vừa sôi. Khi cơm chín nên để thật nguội, sau đó xát muối vào lòng bàn tay rồi vo cơm thành những miếng vừa miệng ăn. Ở công đoạn này, hai bàn tay tuyệt không được ướt và bí quyết là chỉ có lớp muối chạm vào cơm. Những lát mỏng cá hồi muối đặt lên trên nắm cơm, và từng miếng gói trong lá cây hồng, mặt lá hướng vào trong. Nên lau cả lá hồng lẫn cá hồi cho thật ráo bằng khăn khô. Sau đó, cái khay đựng cơm hoặc hộp đựng sushi bên trong phải thật khô ráo, rồi xếp các miếng sushi này vào thật khít với nhau sao cho không còn hở kẽ nào, đậy nắp rồi chận lên một viên đá nặng, như khi ta muối dưa. Chuẩn bị vào buổi chiều, sáng hôm sau là sushi ăn được rồi. Tuy hương vị sushi ngon nhất vào ngày đầu tiên, vẫn có thể ăn trong vòng vài ba ngày. Trước khi ăn rưới một chút dấm lên mỗi miếng sushi và dùng với một nhánh rau tầm ma.

Tôi biết được món sushi này từ một người bạn đã từng tới vùng Yoshino và thấy nó quá ngon và ông chịu khó học cách làm món này – nhưng nếu bạn có lá hồng và cá hồi muối thì bạn có thể làm ở bất cứ đâu. Chỉ cần bạn nhớ tránh tuyệt đối không được để bị chút ẩm nào, và để cơm nguội hoàn toàn. Tôi đã tự tay làm, và quả nhiên vị rất ngon. Vị béo và mặn của cá hồi ngấm vào cơm, và làm cá hồi mềm như thể còn tươi sống – mùi vị này không thể diễn tả, và ngon hơn nhiều so với loại sushi ở Tokyo. Tôi đã mê món này tới nỗi hầu như không ăn món nào khác trong mùa hè năm nay. Tuy nhiên, điều làm tôi ấn tượng là cách chế biến món cá hồi muối tuyệt vời này lại là phát minh của dân nghèo miền núi. Hơn nữa, một ví dụ về các món ăn vùng miền đa dạng cho thấy người dân quê ngày nay có khẩu vị sành sỏi hơn nhiều so với dân thành phố, và chính về mặt này họ tận hưởng những cao lương mĩ vị ngoài sức chúng ta tưởng.

Và thời gian cứ trôi qua, người già từ bỏ đô thị để lui về miền quê; và cũng không có nhiều lí do để hi vọng ở đó, vì những thị trấn miền quê qua năm tháng đường phố rồi cũng rực rỡ ánh đèn giống như Kyoto khiến tôi chạnh lòng. Có giả thiết rằng khi nền văn minh tiến bộ hơn một chút thì các phương tiện giao thông sẽ di chuyển trên bầu trời và dưới lòng đất, và đường phố sẽ trở lại yên tĩnh như ngày xưa, nhưng tôi biết rõ rằng tới ngày đó sẽ có những thiết bị mới được phát minh để bắt nạt người già. “Các cụ tránh đường của chúng tôi ra!” và họ không còn cách nào khác ngoài việc thu mình vào trong nhà, tự nấu ăn, và thưởng thức rượu sake vào buổi tối là cách tốt nhất và nghe đài phát thanh.

Nhưng đừng nghĩ rằng người già là những người duy nhất bị người ta bới móc. Tác giả chuyên mục “Tiếng dân là tiếng Trời” trên Nhật báo Osaka gần đây đã buộc tội các quan chức thành phố, để xây một đường cao tốc xuyên qua Công viên Minō, một cách không cần thiết, họ đã chặt rừng và san bằng một ngọn đồi. Tôi thấy phần nào có được sự đồng cảm với tác giả; vì sự cướp đi của chúng ta ngay cả cái bóng tối dưới những tán cây nằm sâu trong rừng là những tội ác hết sức vô tâm. Với tốc độ này, mọi nơi nào đẹp đẽ ở Nara hoặc ở ngoại ô Kyoto và Osaka, với cái giá giao lại cho dân chúng, cây cối sẽ bị đốn trụi. Một lần nữa tôi đang phàn nàn.

Tôi ý thức và vô cùng biết ơn về những lợi ích của thời đại. Dù chúng ta có than phiền gì đi nữa, Nhật Bản đã chọn đi theo phương Tây, và nó không thể làm gì khác ngoài việc dũng đảm tiến lên và bỏ những người già chúng tôi lại phía sau. Nhưng chúng ta phải ngộ ra sự thực rằng chừng nào làn da của chúng ta còn giữ nguyên màu thì sự mất mát mà chúng ta phải chịu đựng không thể bù đắp được. Tôi viết ra tất cả điều này bởi vì tôi cho rằng vẫn còn ở đâu đó, có thể là trong văn học hoặc nghệ thuật, nơi có thể lưu lại được điều gì đó. Tôi muốn chiêu tập ít ra trong lĩnh vực văn học, cái thế giới của bóng âm mà chúng ta đang đánh mất. Trong cái ngôi đền gọi là văn học, tôi muốn có một mái hiên sâu và những vách tường tối, tôi sẽ đẩy lùi vào trong bóng âm những gì sấn sổ quá lộ liễu, tôi muốn loại bỏ những trang trí không cần thiết. Không cần phải tất cả mọi chỗ, nhưng chúng ta có thể cho phép ít nhất một toà nhà, nơi đó chúng ta thử tắt đèn xem sẽ ra sao.

*

Nguyên tác: 陰翳礼讃, (In’ei reisan/ Âm ế lễ tán), tuỳ bút, 1933-4.

Tác giả: Jun’ichiro Tanizaki 潤一郎 谷崎 (1886-1965)

Bản tiếng Anh: In Praise of Shadows của Thomas J. Harper và Edward G. Seidensticker, Nxb Leete’s Island Books 1977

Văn bản tiếng Nhật: http://www.kuniomi.gr.jp/togen/iwai/raisan.htm

Comments are closed.