Con đường tăm tối trong hội họa và sự hiến thân của nghệ sĩ

Khánh Khánh

clip_image003

Đóng sách tranh triển lãm Nhập Nhằng- Affitta của Phạm Tuấn Tú lại, tôi thấy kinh sợ đến nỗi thở phào vì đã kết thúc trang cuối cùng. Cảm giác kinh tởm mới dấy lên quá mạnh trong lòng khiến tôi phải nhấp vội một ngụm sirô. Sau cái lợm người đến bủn rủn, tôi khâm phục cái can đảm của những nghệ sĩ như anh Tuấn Tú – những người dám dấn thân vào một thế giới tối tăm của cảm xúc.

Ảnh 1: Ngày vui của con (Phạm Tuấn Tú)

clip_image004

Sinh vật đứng đỏng đảnh, gợi cho tôi liên tưởng đến những cô gái quý tộc trong tiệc rượu. Khuôn vai cơ múi gồ gề và cái đầu méo mó dị dạng khiến cho tôi cảm thấy sinh vật mang trong mình một nỗi thống khổ tột độ tới nỗi hình hài không còn cầm giữ được những biến cố nội tâm. ‎

Ảnh 2: Trong lòng Hà Nội (Phạm Tuấn Tú)

clip_image005

Cái đầu hất hàm với ánh mắt liếc xéo đầy ám ảnh nhô lên giữa hồ Hoàn Kiếm. Cảm giác sinh vật như đang coi khinh tất cả những giá trị được xã hội tôn trọng, nhìn đời bằng nửa con mắt. Cái đẹp nhất của chúng lại là những cái lông mũi xoăn tít được miêu tả công phu, thứ vốn được coi là xấu xí cần giấu giếm trong quy chuẩn bình thường.

Như họa sĩ Phạm Quang Hiếu phê bình, trong tranh anh Tú xuất hiện nhiều nhân vật “đồng/lưỡng tính”, “với bầu không khí ma quái liêu trai”. Tôi lại cho rằng biểu tượng trong tranh anh không phải người mà là con quỷ – sinh vật hội tụ những gì xấu xa, đau đớn nhất trong bản ngã mà con người thường cố né tránh. Những con quỷ này đứng ngoài vòng xét đoán của các quy chuẩn xã hội. Chúng mang nặng những nỗi đau đớn, dày vò đầy giằng xé trong tâm can con người, bất kể khung cảnh (bờ Hồ, đám cưới, phòng ngủ). Sự xấu xa của chúng hiện thân qua vẻ ngoài: đôi mắt ti hí gian manh liếc xéo, khuôn cằm nhọn, má hốc hác, cái miệng đỏ chót xộc xệch cố ra vẻ mời chào, giấu bên trong những răng vàng lởm chởm.

Tôi thấy những con quỷ như đang muốn liếc tình mời gọi (dáng đứng cong cớn, đuôi mắt tít đàng điếm), trong khi đang ôm ấp những âm mưu thực dụng ti hèn (khóe miệng cong lại, cằm nhọn hoắt), hệ quả của những uẩn ức dồn ứ đã kết tủa. Quả vậy, không phải những mưu đồ xấu xa, niềm tị hiềm, sự tuyệt vọng, nỗi đau đớn luôn là những thứ nhăm nhe lợi dụng, chiếm lĩnh lấy tâm hồn con người hay sao? Câu hỏi sinh ra: Tại sao anh lại vẽ được nên những hình hài nghẹn bứ như vậy?

Nghệ sĩ thị giác Annette Messager nói: ”

Being an artist means forever healing your own wounds and at the same time endlessly exposing them.” (Trở thành nghệ sĩ tức là mãi mãi hàn gắn vết thương và đồng thời moi khoét chúng.)

Tôi cho rằng phương thức khai thác này nằm sau bộ tranh “Nhập nhằng – Affitta”. Những người nghệ sĩ như anh Tuấn Tú liên tục đào bới đống rác trong lòng mình (hay trong lòng xã hội/vũ trụ tùy theo phạm vi chủ thể cá nhân mà nghệ sĩ muốn đứng vai). Một công việc nhọc nhằn, khó khăn làm sao! Người nghệ sĩ phải phân loại, phân tích từng li từng tí thành phần của những đống rác để có nhận thức sâu sắc về vấn đề. Trong đống rác đã được phân loại rõ ràng, họ mới bắt đầu nhận ra những lấp lánh li ti của mầm hướng thiện để từ đó tạo lối thoát cho mình.

Lấy tranh của Francis Bacon, một họa sĩ đình đám của thế kỷ 20, làm một minh chứng nữa:

Ảnh 3: Figure with Meat (Francis Bacon) Dịch: Hình người với thịt

clip_image006

Ảnh 4: Three Studies for a Crucifixion (Francis Bacon) Ba nghiên cứu về một vụ khổ hình đóng đinh lên thập giá.

clip_image007

Trong cả hai tác phẩm này, ta đều thấy hình tượng những khúc thịt bê bết máu với xương và da lủng lẳng, còn những hình thù mặt mũi nhòe nhoẹt như bị cào xước, mang tâm trạng hốt hoảng. Những hình ảnh trong tranh Francis Bacon sống sượng và khốc liệt, nét màu mãnh liệt và thống thiết. Với tính dục đồng giới luôn phải che dấu và một tuổi thơ thường xuyên bị bố bạo hành, ông đã thị giác hóa những vết thương trong đời mình. Đọc kỹ về tiểu sử của Bacon, ta có thể nhận rõ, cảm hứng trong tranh chính là nỗi đau đớn vì phải che giấu tính dục của mình và những khoái cảm man rợ từ Bạo-khổ dâm (Sadomasochism) (theo nhà sử học nghệ thuật John Richardson). Vậy là khi đắm đuối trong cuộc khai thác những giằng xé bên trong, Bacon tạo ra những tác phẩm thật ám ảnh.

Lựa chọn những mảng cảm xúc u tối trong nội tâm mình, những nghệ sĩ như Tuấn Tú và Francis Bacon miệt mài đào bới, khai thác không chút rụt rè. Việc này đồng nghĩa với việc liên tục cấu chí vào những vết thương, những u uẩn tăm tối trong lòng mình. Như vậy, theo Pleasure Principle (Nguyên tắc Khoái Lạc) của nhà tâm lí học Sigmund Freud, hành động này đi ngược hoàn toàn với thiên hướng tự nhiên của con người là né tránh nỗi đau và khát khao khoái cảm. Trong khi số đông cố đè nén những mảng tối của mình xuống tiềm thức để tránh đối diện với những cái đê tiện hoặc cái đau đớn của bản ngã, nghệ sĩ lại khơi chúng lên rồi hữu hình hóa.

Tôi có cảm giác những người nghệ sĩ đi theo con đường này đang hiến tế chính một phần linh hồn và cuộc sống của mình cho nghệ thuật nhân loại. Cái giá như vậy có xứng đáng không?

Nguồn:

1. Charlotte Higgins. “Sado-masochism and Stolen Shoe Polish: Bacon’s Legacy Revisited.” The Guardian. N.p., n.d. Web.

2. “NHẬP NHẰNG – Ám ảnh, Mông Lung Và Rờn Rợn.” » NHẬP NHẰNG – Ám ảnh, Mông Lung Và Rờn Rợn. N.p., n.d. Web. 27 Mar. 2015.

3. “Notes towards a Portrait of Francis Bacon.” DangerousMinds. N.p., 14 July 2011. Web. 27 Mar. 2015.

Nguồn: http://www.triethocduongpho.com/2015/03/28/su-hien-than-cua-nghe-si/

Comments are closed.