Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ Miền Nam (kỳ 157): Trường Sa: Mùa Thu Trong Mưa

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2021)

clip_image001

clip_image002

clip_image003

clip_image004

Mùa Thu Trong Mưa – Sáng tác: Trường Sa

Trình bày: Lệ Thu

 

Đọc thêm:

Những dòng cảm nghĩ…

Ngô Thụy Miên

Những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, giới yêu nhạc tại Sàigòn đã được nghe ba ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Trường Sa: Xin Còn Gọi Tên Nhau, Rồi Mai Tôi Đưa Em, và Mùa Thu Trong Mưa qua tiếng hát của nữ ca sĩ Lệ Thu. Chỉ với ba bản tình ca này, vườn hoa âm nhạc Việt Nam đã có thêm một bông Hồng tuyệt đẹp.
Cá nhân tôi, khi nghe ba ca khúc này đã yêu ngay cái nét nhạc dịu dàng, bình lặng như dòng suối nhỏ lượn quanh khu vườn yên tĩnh, rồi bất chợt trổi lên như cơn bão nổi, như con sóng thần ngập tràn dấu đau thương. Tôi cũng yêu nữa những lời ca sâu lắng, man mác buồn, chau chuốt nhưng không kiểu cách, không làm dáng. Cả ba bài đều mang chung một nhịp điệu Slow buồn. Hồn nhạc lãng đãng, mênh mang diễn tả những cuộc tình lỡ làng, có lẽ xuất phát từ chuyện tình cảm mất mát của người nhạc sĩ tài hoa này. Hãy lắng nghe tiếng hát Lệ Thu vút cao khi diễn tả những dòng âm thanh trầm bổng kỳ diệu để thấy kỹ thuật viết nhạc và lời ca của anh đã có thể lôi cuốn, đưa đẩy, dẫn dắt người nghe vào những cơn mưa êm đềm, hay vào những cơn hồng thủy, chấn động, nát tan con tim:

Tình trong cơn ngủ mê

Rồi phai trên hàng mi

Chợt khi mình nhớ về

Mộng thành mây bay đi

Còn gì trên đôi tay
Nên thầm hờn dỗi mình

Cho tình càng thêm say…

Chiều xưa em qua đây Ru hồn nắng ngủ say Lời yêu trót đong đầy Đón em thu mây bay Tiễn em xuân chưa phai Xót ngày vàng còn gì
Đành đoạn rồi những lần chiều hẹn ước…
Rồi thật tình cờ chúng tôi có dịp quen biết nhau, và lại có những tháng ngày làm việc chung trong một chương trình nhạc trên đài phát thanh Quân Đội, để tôi nhận biết thêm một điều, Trường Sa, tác giả những bài tình ca đã làm rung động bao tâm hồn của tuổi trẻ thập niên 60-70, còn là một sĩ quan cấp tá của Hải Quân quân lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn đang tiếp tục hành quân, chiến đấu ngoài mặt trận.

Sau ba ca khúc này, Trường Sa tiếp tục gửi đến người nghe Một Mai Em Đi, Tàn Tạ, Ru Em Một Đời, Như Hoa Rồi Tàn… Rất nhiều ca sĩ hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam lúc đó đã hát những sáng tác của anh, nhưng theo tôi, nữ ca sĩ Lệ Thu đã đưa những tình khúc cũng như tên tuổi của anh đến tuyệt đỉnh danh vọng. Có thể nói Lệ Thu đã chuyên chở được trọn vẹn những tình cảm, tâm tư nhạc sĩ Trường Sa gửi gấm qua những tác phẩm của anh.

Tháng 4 năm 75 chúng tôi mất liên lạc… cho đến một dịp tình cờ ở hải ngoại khi xem cuốn video Thúy Nga 44, tôi đã gặp lại anh qua một sáng tác anh viết sau này: Mùa Xuân Sao Chưa Về Hỡi Em, và sau đó Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi trên sân khấu Asia. Năm 2003 Trung tâm Thúy Nga Paris đã thực hiện cuốn dvd Thúy Nga 70 để vinh danh, cũng như tri ân những đóng góp của anh cùng hai nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương và Lê Dinh vào nền tân nhạc Việt Nam. Vẫn dáng dấp quen thuộc, vẫn gương mặt hiền lành, tiếng nói điềm đạm. Và cho dù cuộc đời đã trải qua bao thăng trầm, đổi thay, những sáng tác sau này của anh như Mùa Xuân Sao Chưa Về Hỡi Em, Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi, Bài Tình Ca Cho Kỷ Niệm, Xin Yêu Nhau Dù Ngày Mai Nữa…vẫn tràn đầy xúc cảm, nét nhạc vẫn dịu dàng, êm ái, lời ca vẫn trau chuốt, mượt mà như thuở nào.

Mùa xuân sao chưa về hỡi em
Xua mây tan cho những ngày nắng êm
Lũ chim non gửi gấm khúc tự tình
Gọi xuân cho xanh mầu mắt em
Và mơ ước thắm thiết mãi lên, cho ta nói yêu em…

Thôi còn đâu nữa Sài Gòn qua bao tháng ngày chung đôi
Nỗi buồn phong kín những mùa thu qua trên cuộc tình tôi
Theo ngàn mây mãi lang thang trôi vào tận cuối trời
Tới bên em Sài Gòn lắng đọng một thời yêu xưa vang bóng…

Một trong những nguyện vọng của anh là có thể gom góp tất cả những ca khúc anh đã sáng tác từ hơn 40 năm nay để in trong một tập nhạc. Hôm nay trong niềm quí mến đối với người nhạc sĩ một đời viết tình ca, và đã đóng góp rất nhiều cho nền tân nhạc của chúng ta, tôi xin được hân hạnh giới thiệu cùng các bạn tập nhạc quí giá này.

(Nguồn: Cothommagazine.com)

Comments are closed.