Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ Miền Nam (kỳ 158): Trịnh Văn Ngân: Người Đưa Thư Đã Đi Qua

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2021)

clip_image001

clip_image002

clip_image003

clip_image004

Người Đưa Thư Đã Đi Qua – Sáng tác: Trịnh Văn Ngân

Trình bày: Thanh Lan (Pre 75)

Đọc thêm:

NGƯỜI ĐƯA THƯ ĐÃ ĐI QUA (TRỊNH VĂN NGÂN)

 

Ngày ấy, bạn bè tôi bỏ xứ ra đi nhiều lắm, đa phần là đi Mỹ. Đứa thì đi từ cấp II, cấp III, có đứa lên Đại học rồi mới đi. Nếu thời cuộc không thế thì chắc tôi cũng chẳng có “bộ sưu tập” thư viết tay đầy một hộp, mỗi lần dọn nhà là tôi lại tha lôi nó theo. Hồi đó, mỗi lần nhận được thư bạn, tôi lại phải để dành tiền mới hồi đáp lại được. Về sau, các bạn tôi khi gửi thư về Việt nam, bao giờ cũng chu đáo kẹp vào đó mấy coupon (một loại tem) để tôi có thể gửi thư lại cho bạn.

Khi nhận được thư của nhau, chúng tôi vui lắm, vài trang giấy mà đọc trong chốc lát là hết veo rồi lại trách bạn sao viết ngắn quá. Thư từ Mỹ về viết trên giấy trắng xanh, có những đường kẻ xanh đậm, thư viết bằng bút bi, còn thư từ Việt nam viết trên giấy ca rô hoặc giấy tập vàng vàng, viết bằng bút máy mực tím. Tôi có người bạn cấp II tên Quỳnh, Cha bạn là sỹ quan VNCH, vượt biên sang Mỹ rồi bảo lãnh cả gia đình đi năm bạn học lớp 8. Vài năm sau, bạn gửi thư về, trong đó có kẹp tờ 10US$ để tôi và ba cô bạn cùng lớp dùng tiền đó chụp hình gửi qua cho Quỳnh xem để nhớ. Đổi tờ tiền đó xong, bốn đứa chúng tôi kéo nhau vào…. Sở thú chụp mấy tấm hình trắng đen và một tấm hình màu, số tiền còn lại vừa đủ để uống nước mía và gửi thư cho bạn. Vật đổi sao dời, chúng tôi mất liên lạc với Quỳnh từ dạo ấy.

Chẳng hiểu sao ngày ấy thư đi lâu lắm, mấy tháng mới tới, tâm trạng mong thư lạ lắm, tôi không diễn đạt được, chỉ tiếc rằng thế hệ sau này sẽ không biết được cảm giác trông đứng trông ngồi Bác phát thư. Bạn có thể đồng cảm ngay với tâm trạng này khi nghe bài “Please, Mr. Portman” của the Beatles. Nhưng có lẽ hay hơn hết vẫn là bài “Người đưa thư đã đi qua” của tác giả Trịnh Văn Ngân. Tôi cho rằng bài này hay hơn vì tác giả là người Việt nam nên nỗi lòng của người mong thơ trong bài hát này tha thiết và phụ hợp với chúng ta hơn cách thể hiện của the Beatles trong Please, Mr. Portman. Chắc nghe xong cái câu năn nỉ: “Lần sau nhé, nhớ mang cho ta một lá thư hồng. Khỏi tủi lòng ta hôm sớm trông mong”, bác Bưu tá sẽ phải về lục tung cả bưu điện lên xem mình có sót lá thư nào cho Ca sĩ Ngọc Lan hay không nhỉ!?!

Người đưa thư đã đi xa
Ta ngóng theo không ngừng
Người cứ đi, cứ đi, cứ lạnh lùng đi
Lần sau nhé, nhớ mang cho ta một lá thư hồng
Khỏi tủi lòng ta hôm sớm trông mong

Rồi đến khi email (thư điện tử) phát triển, mọi chuyện trở nên nhanh đến chóng mặt. Lúc này thì nhanh hay chậm lại phụ thuộc vào tốc độ đường truyền internet. Đi làm, gửi thư cho đối tác nhưng mạng internet bị trục trặc mail chưa tới họ, bị hối quá, có khi tôi buột miệng: “Mail đang trên đường đi”. Nói xong mới thấy mình ngớ ngẩn, đường gì ở đây? Gói cước mắc tiền thì tốc độ truyền của internet sẽ ổn định hơn và email tới nhanh hơn thôi. Cũng có lúc bị tên hàng xóm xấu tính, ngang ngược xua tàu qua cắt cáp quang trên biển của mình thì có khi vài mối tình hoặc quan hệ đối tác làm ăn cũng tan thành mây khói chứ chẳng chơi.

Những cánh thư điện tử này cũng góp phần đưa mọi người xích lại gần nhau. Tôi thích bộ phim “You’ve got mail” có Tom Hank và Meg Ryan đóng. Tôi yêu cái cách hai nhân vật này nói chuyện với nhau hàng ngày qua email những câu chuyện thiên trời địa đất nhưng hoàn toàn không biết mặt mũi nhau, thậm chí họ không ngờ rằng họ chính là đối thủ cạnh tranh của nhau trên thương trường. Hai người thường xuyên “check mail” và giật mình vui sướng khi thấy biểu tượng “You’ve got mail” đột ngột sáng lên trên màn hình. Tôi nghĩ những người thích xem cuốn phim này hẳn cũng đã từng có cảm giác ấy khi thấy hộp thư của mình nhấp nháy sáng đèn.

Thời buổi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, đến email cũng dần ít được sử dụng (ngoại trừ trong công việc), mọi người dùng Facebook, Skype, Yahoo Messenger, Viber rồi Tango để giao tiếp. Tôi biết có người tối ngày chỉ ngồi canh cái nút hình vuông tim tím của Viber xem nó có xuất hiện trên điện thoại không. Bạn tôi cài Viber vào điện thoại chỉ để liên lạc với một người, rồi đến một hôm người kia “im thin thít, lặn mất tăm”, bạn tôi vẫn cứ ngồi ngó cái điện thoại suốt mấy tháng trời, mong một tiếng “bip” báo có tin nhắn. Tôi chẳng dám khuyên bạn, chỉ nghĩ thầm trong đầu: “Thôi thì đến nhanh, đi cũng sẽ nhanh”. Tôi cũng chẳng dám cho bạn nghe bài “Chờ phone của anh”, sợ bạn lại bảo nhạc sỹ sáng tác bài đó dành riêng cho bạn.

Người đưa thư đã đi qua
Nhưng cớ sao không ngừng?
Mà cứ đi, cứ đi, cứ lạnh lùng đi
Ðừng quên nhé! có chăng cho ta một lá thư hồng
Kẻo tủi lòng ta luống công chờ mong

Vô tâm tiếng chân đều đều vang theo ai kia bước đi
Xa xa cứ xa dần dần trong khi tim ta muốn lắng
Hoài công trông ngóng mong chờ tin vắng
Chắc người xa cách nên lòng đã xa

Người đưa thư đã đi xa
Ta ngóng theo không ngừng
Người cứ đi, cứ đi, cứ lạnh lùng đi
Lần sau nhé, nhớ mang cho ta một lá thư hồng
Khỏi tủi lòng ta hôm sớm trông mong

Nguồn: https://www.facebook.com/TinhCaMuonThuo/posts/593650480763021:0

Ghi chú (1) của người thực hiện chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” (11-02-2017):

Trong lúc đi tìm các tài liệu về nhạc sĩ TRỊNH VĂN NGÂN, tên tác giả được ghi trên tờ nhạc NGƯỜI ĐƯA THƯ ĐÃ ĐI QUA, chúng tôi bắt gặp trang Web của nhạc sĩ Nhật Ngân (http://www.nhatngan.com/). Trên trang Web này, bài “Người đưa thư đã đi qua” được ghi tên tác giả là Trịnh Lâm Ngân. Tuy nhiên, bài nhạc chỉ mới được đưa thêm vào danh mục các bài hát của nhạc sĩ Nhật Ngân và Trịnh Lâm Ngân (nghệ danh chung của Nhật Ngân và Trần Trịnh), tức là sau khi nhạc sĩ Nhật Ngân qua đời (ông mất ngày 21-1-2012). Còn nhạc sĩ Trần Trịnh cũng đã qua đời sau đó không lâu (10-10-2012).

Khi chúng tôi xem lại các chi tiết trong bản nhạc gốc, thì bản nhạc được xuất bản năm 1953, tức năm nhạc sĩ Nhật Ngân mới 11 tuổi (ông sinh năm 1942); cũng theo tiểu sử nhạc sĩ, thì bản nhạc đầu tay của ông là bài “Tôi đưa em sang sông” ra mắt công chúng yêu nhạc năm 1960. Theo chúng tôi suy đoán, có thể người phụ trách trang Web của nhạc sĩ Nhật Ngân (sau khi ông qua đời) đã nhìn cái tên TRỊNH-VĂN-NGÂN (tác giả bản nhạc NGƯỜI ĐƯA THƯ ĐÃ ĐI QUA) và cho là của Trịnh Lâm Ngân chăng? Mặt khác, căn cứ trên bìa sau của tờ nhạc, Trịnh Văn Ngân còn là tác giả của một số nhạc phẩm như bức hình dưới đây cho biết:

clip_image006

Tuy nhiên, vì không tìm được bất cứ chi tiết nào liên quan đến nhạc sĩ Trịnh Văn Ngân, hay đến bài hát Người Đưa Thư Đã Đi Qua, chúng tôi cũng ghi thêm chi tiết nói trên vào phần giới thiệu bài nhạc. Hy vọng, có quý độc giả nào biết được chút manh mối nào chính xác hơn chỉ giúp chúng tôi (như nhiều độc giả đã từng giúp chúng tôi trong thời gian qua) để chúng ta có được một kho tàng nhạc Việt trước 1975 đầy đủ và chính xác.

T.Vấn

Ghi chú (2) thêm (sau khi giới thiệu bài NGƯỜI ĐƯA THƯ ĐÃ ĐI QUA) (11-5-2017):

Về những chi tiết liên quan đến bài nhạc “Người Đưa Thư Đã Đi Qua” của Trịnh Văn Ngân

clip_image007

Ảnh nhạc sĩ Trịnh Văn Ngân (cắt từ bìa nhạc Người Đưa Thư Đã Đi Qua xuất bản năm 1953 tại Sài Gòn)

clip_image009

Ảnh nhạc sĩ Trịnh Văn Ngân (nguồn: Nhạc Vàng Việt Nam)

Sau khi cho giới thiệu bản chụp nhạc phẩm “Người Đưa Thư Đã Đi Qua” của nhạc sĩ Trịnh Văn Ngân với phần ghi chú về sự khó khăn của người thực hiện khi làm công việc sưu tầm tiểu sử tác  giả và sự ngỡ ngàng khi thấy trang web của cố nhạc sĩ Nhật Ngân cho bản nhạc này vào nằm trong danh mục các nhạc phẩm của Trịnh Lâm Ngân, chúng tôi đã nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của quý độc giả thường xuyên theo dõi chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” từ nhiều năm nay.

Trước hết là ý kiến của anh Trần Đại Phước (một độc giả), anh cho rằng: “…Bài “Người Đưa Thư Đã Đi Qua” của Trịnh Văn Ngân đã xưa rồi, nên nếu có ai gán nó vào tên tác giả Trịnh Lâm Ngân (thuộc lớp nhạc sĩ thời sau) thì là một sự lầm lẫn…”.

Kế đến là nhà văn Lê Hữu (tác giả tác phẩm “Âm Nhạc của Một Thời”), một  thân hữu thường xuyên cộng tác với TV&BH, đã khẳng định: “Theo tôi biết thì NS Trịnh Văn Ngân hoàn toàn khác với Trịnh Lâm Ngân (tên ghép của ba người).  NS Trịnh Văn Ngân thuộc thế hệ trước (sinh năm 1918), sáng tác nhạc từ những năm đầu thập niên 1950’s, trong lúc Trịnh Lâm Ngân viết nhạc sau 1960…”.

Anh Lê Hữu còn giới thiệu với chúng tôi trang Web Nhạc Vàng Việt Nam, nơi có phần tóm tắt tiểu sử của nhạc sĩ Trịnh Văn Ngân như sau:

Nhạc sĩ có tác phẩm đầu tay Đường Tơ Lưu Luyến, đã được ca sĩ Mộc Lan trình bày lần đầu tiên trên đài phát thanh Huế. Ông sanh năm 1918, học nhạc và chơi đàn từ năm 18 tuổi.

Sau Đường Tơ Lưu Luyến là Buồn Thu, Chiều Nhớ Nhung, Người Đưa Thư Đã Đi Qua, Tiếng Tơ Vàng, v.v. Đặc biệt nhạc phẩm “Chiến Sĩ Của Lòng Em” ra đời năm 1953 đã được hầu hết giới yêu nhạc thời bấy giờ ưa thích, nhất là các bạn trẻ. Có lẽ ông nổi tiếng nhờ nhạc phẩm này và nhạc phẩm này cũng đã được thường nhật vang vọng trên các làn sóng của đài phát thanh Huế, Sài Gòn, Hà Nội.

Thời điểm bấy giờ kỹ nghệ băng nhựa đang trong vòng phôi thai chưa được phát triển mạnh, tuy nhiên ba nhà phát hành nhạc lớn kiểu in trên giấy lúc đó là Tinh Hoa, Á Châu và An Phú đã liên tục xuất bản trên dưới hai mươi nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Văn Ngân.

Nhạc sĩ Trịnh Văn Ngân là một trong những nhạc sĩ thời tiền chiến lúc mà nền tân nhạc Việt Nam còn trong thời kỳ trẻ trung, ông viết không nhiều song những giòng nhạc của ông đã ghi lại nhiều dấu ấn trong giới mộ điệu và đây cũng là một đóng góp của ông cho sự trưởng thành nền tân nhạc Việt Nam của chúng ta.

Ông qua đời ngày 17/03/2011 tại San José California.

Như vậy, với mục đích ghi nhận chính xác những chi tiết liên quan đến các nhạc phẩm xuất bản trước tháng 4 năm 1975 tại miền Nam Việt Nam, ở đây là nhạc phẩm “Người Đưa Thư Đã Đi Qua” của nhạc sĩ Trịnh Văn Ngân, chúng tôi đã tạm thỏa mãn với những gì có được trong tay. Xin cám ơn độc giả Trần Đại Phước, nhà văn Lê Hữu và gián tiếp gởi lời cảm tạ đến trang Nhạc Vàng Việt Nam như một lời xin phép được trích ghi lại nơi đây phần tiểu sử Nhạc sĩ Trịnh Văn Ngân.

TV&BH

Comments are closed.