Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ Miền Nam (kỳ 167): Trịnh Công Sơn: Biển Nhớ

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2021)

clip_image001

clip_image002

clip_image003

clip_image004

Biển Nhớ – Sáng tác: Trịnh Công Sơn

Trình bày: Khánh Ly

Nghe thêm:

Hoài Nam – 70 Năm Tình Ca (58)- Trịnh Công Sơn 1

Hoài Nam – 70 Năm Tình Ca (58)- Trịnh Công Sơn 2

Đọc thêm:

Biển Nhớ

Sau Hạ trắng và Diễm xưa, Trịnh Công Sơn sáng tác Biển nhớ. Khi đó ông mới là chàng trai 23 tuổi đang tràn nhựa yêu đương. Đây cũng là một trong những ca khúc của Trịnh được công chúng biết đến nhiều nhất và được yêu thích nhất.

Theo trang bách khoa toàn thư Wikipedia thì “Biển nhớ kể lại những nỗi lòng của người con trai thương nhớ người yêu đã đi xa. Có giả thuyết là câu chuyện và nỗi lòng trong bài hát được lấy cảm hứng từ tâm trạng thật của tác giả Trịnh Công Sơn nhiều đêm ngồi trên bãi biển Quy Nhơn để nhớ về một cô gái tên là Bích Khê theo đó, cụm từ Sơn Khê (nghĩa chung là núi và sông) cần viết hoa để tạo nghĩa riêng là Trịnh Công Sơn và Bích Khê”…

“Ngô Quang Cảnh – một đồng môn của Trịnh Công Sơn tại Trường Sư phạm Quy Nhơn có kể lại câu chuyện về Biển nhớ: “… Sau khi Biển Nhớ xuất bản mình hay ghẹo anh Sơn và hát: “Ngày mai Khê đi, biển nhớ tên Khê gọi về … Trời cao níu bước Sơn Khê…” Khi in ấn, có lẽ nhà xuất bản sẽ in hai chữ Sơn Khê bằng chữ thường vì sơn là núi, khê là con suối nhỏ, hai danh từ chung mà, có gì phải viết hoa. Nhưng trong thâm tâm của anh Sơn, của Bích Khê của những người trong cuộc và là chứng nhân, đó phải là hai danh từ riêng và phải được trân trọng viết hoa để đánh dấu một cuộc tình thánh thiện”…”. Một cuộc tình đã xa xưa, ngày đó có một đôi nam nữ cứ khi bóng chiều buông xuống thường ngồi bên nhau ngắm biển…

Bất cứ chàng trai nào ở độ tuổi mới lớn được nghe Biển nhớ với giai điệu giản dị và ca từ vô cùng da diết cũng đều dâng lên trong lòng những cung bậc cảm xúc khó tả. Nó gợi lên niềm thương nỗi nhớ một bóng hình trong mộng nào đó. Nhưng với những người đã đi qua cái thời học trò đầy mộng mơ thì lại cảm bài hát theo một ý nghĩa sâu sa hơn đó là những nỗi khắc khoải tâm linh về sự chia cắt, thương nhớ, vô thường. Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về…Ngày mai em đi, biển nhớ em quay về nguồn… nhạc sĩ đã khiến ta mông lung không còn biết biển là em hay em là biển, hoặc giả, đó chính là con người ta đang mộng mị. Thế rồi, trong đó, tất cả: cành liễu, bờ cát, đồi núi, mây giăng, gió ngập, mưa tủi, đèn phố, sỏi đá, rêu phong, hồn lẻ, mắt đêm…đều bâng khuâng nhịp chân xung quanh cái cao trào triều sương ướt đẫm cơn mê… Đây cũng chính là cái trạng thái đạt tới từ một trong những “chức năng” thẩm mỹ được nhiều nghệ sĩ coi là cao nhất, có thể dìu người thưởng thức cùng mình thăng hoa vào một…chốn khác.

Ngày mai em đi, vậy hôm nay họ vẫn còn cùng nhau ngồi ngắm biển, từng cơn sóng vẫn đang ào ạt xô bờ cát trắng. Ngày mai là một ngày trong tương lai, vì chàng trai đã nhận ra rằng cuộc đời cũng như các cuộc tình là vô thường, không có gì là mãi mãi. Có hợp và có tan. Biển nhớ là một dự cảm, một lời tự sự hay cũng chính là một lời tâm sự của một người con trai tràn đầy những con sóng yêu đương nhưng không khỏi khắc khoải một nỗi buồn chia xa.

Biển nhớ cho thấy chất vô thường bàng bạc trong nhạc Trịnh Công Sơn ngay từ thuở đầu, nhưng ít ai để ý. Cũng bởi lời bài hát quá hay, nghe đã bâng khuâng rồi, đâu cần hiểu ý nghĩa, chỉ mang máng thấy lời thơ có một chiều sâu triết lý. Có lẽ chính tác giả cũng chưa ý thức được rõ ràng điều mình cảm nhận, và chính nhờ thế mà tính cách mông lung của lời ca làm rung động lòng người.

Nguồn: https://vtv.vn/tinh-khuc-bat-hu/bien-nho-142408.htm

Comments are closed.