Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ Miền Nam (kỳ 175): Phạm Đình Chương: Xuân Tha Hương

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2021)

clip_image001

clip_image002

clip_image003

clip_image004

Xuân Tha Hương – Sáng tác: Phạm Đình Chương

Trình bày: Quỳnh Dao

Đọc thêm:

Nhạc phẩm “Xuân Tha Hương” của Phạm Đình Chương

Quỳnh Giao

Hôm nay mùng Một Tết ở miệt Tây của bán cầu thì ở bên bên nhà đã là ngày mùng Hai. Mùa màng, năm tháng thì ở đâu trên quả đất này cũng đều gắn liền với từng địa danh cụ thể, do đó một khi ta nhắc đến ngày Tết, đến không khí của ngày Tết thì nó chỉ có thể gắn liền với cái Tết ở quê hương mình. Tách cái Tết ra khỏi khung cảnh của đất nước thì không còn là cái Tết, và đối với tất cả những ai sống xa quê nhà vào những ngày “đầu Xuân Tết đến” thì tâm trạng chung cũng không thể nào khác hơn là cảnh ngộ “Xuân tha hương”.

Thời 54, sau cuộc di cư diễn ra trên đất nước mình, khi tôi còn nhỏ, tức khoảng mười hai mười ba tuổi, thì Tết đến vẫn nghe đi nghe lại trên các Đài Phát Thanh ở Sài Gòn các bài hát nói lên cái ý của một mùa “Xuân tha hương”. Giai điệu của bài nào thời ấy cũng đều chứa chan cái ý ngậm ngùi luyến tiếc. Tiêu biểu nhất là ý tình qua bài hát “Xuân tha hương” của Phạm Đình Chương hoặc như bài “Nhớ bạn” của Vũ Thành, mở đầu với câu: “Xuân vướng trên ngàn hoa, nhắc bao sầu nhớ mơ màng…”. Cả Vũ Thành lẫn Phạm Đình Chương thời ấy đều nhớ về những kỷ niệm buồn vui của mùa Xuân, những mùa Xuân xưa, trên đất Bắc. Và như vậy thì ngẫm cho cùng vẫn là những nỗi nhớ nhung thuộc loại “còn chịu đựng đuợc” vì đàng nào thì các vị ấy vẫn còn sinh sống trên đất nước của mình. Kể cả đối với những trường hợp tương đối hơn, khi hai chữ quê hương đuợc gói gọn trong ý nghĩa sinh quán của mình. Với cuộc chiến tranh kéo dài hơn ba mươi năm của thời ấy, từ trước 54 cho đến năm 75, thì Xuân đến, Tết đến, không biết bao nhiêu binh sĩ của cả hai miền đều phải xa gia đình, xa “quê”! Đến sau năm 75 thì một lần nữa, một cuộc di cư rộng lớn còn hơn cả thời kỳ 54, mà đầu đuôi cũng chỉ vì cái họa Cộng Sản, trên một triệu năm trăm nghìn con người đều phải xa quê hương cả theo nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp! Trong số những con người tính riêng trên phần đất nước của miền Nam thì không dưới con số một triệu lại còn phải chịu cảnh ngộ ác liệt gấp bội so với đồng bào của mình ở chỗ là tuy vẫn còn trên đất nước của mình nhưng lại nằm trong các trại tập trung của CS, kéo theo nỗi buồn tủi mất mát của vài triệu con người khác là bố mẹ, vợ con, anh chị em cũng bao người thân kẻ thuộc khác nữa.

Nhưng nói gì thì nói, Xuân đến, Tết đến, dù là ở nơi nào đi nữa thì con người ta vẫn cứ chớm lên một niềm hy vọng. Sống mà không có hy vọng, không mơ ước có một “ngày mai tươi sáng hơn”, thì làm sao sống? Bởi thế mà Xuân này dù có ai phải qua cảnh ngộ của một mùa Xuân tha hương thì rồi ta vẫn có thể chúc nhau một mùa Xuân tươi thắm hiền hòa sẽ có ngày phải đến, để năm hết Tết đến cho dù có là ở nơi nào đi nữa trên quả đất này thì trong lòng ta vẫn cảm thấy thơ thới nhẹ nhàng. Theo cái nghĩa là cho dù mình không có mặt trên đất nước của mình trong những ngày đầu năm mới thì đồng bào của mình từ Bắc vô Nam cũng sẽ đuợc sống yên vui.

Năm mươi năm trước đây, Phạm Ðình Chương đã viết cho chúng ta Xuân Tha Hương, với trái tim còn đầy ắp hình ảnh của miền Bắc thân yêu đã bị chia cắt từ Hiệp Ðịnh Genève 54.

Theo lời tác giả, bài Xuân Tha Hương được dùng trong một phim loại “đen” là “The Quiet American” do đạo diễn Joseph Mankiewicz dựng từ truyện cùng tên của Graham Greene vào năm 1958. Truyện này được quay lại thành phim lần thứ hai vào năm 2002, nhưng Xuân Tha Hương không còn và miền Nam cũ nay cũng đã mất.

Cả một khung cảnh xa xưa nay được nhìn lại, với con mắt mới, nhãn quan và thính giác mới.

Trong các ca khúc về Xuân của Phạm Ðình Chương, đây là bài có nhạc thuật cao nhất. Nói như nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi, một bạn thân của ông, nhạc Phạm Ðình Chương quả là “cao mà không xa”. Riêng với Xuân Tha Hương thì lại rất gần vì từ nửa thế kỷ nay, chúng ta đã có biết bao Mùa Xuân xa nhà rồi. Xa nhà vì chiến tranh và sau chiến tranh còn xa nhà hơn nữa.

Nếu Ly Rượu Mừng là ca khúc ai cũng nhớ, cũng yêu thích và hò hát rất vui trong ngày Tết vì dễ hát dễ nhớ, thì Xuân Tha Hương là khúc nhạc Xuân để hát một mình, trong nỗi ngậm ngùi.

Phạm Ðình Chương viết bài này khi mới 27 tuổi.

Chúng ta hãy so sánh với các sáng tác của lớp tuổi 30 thời nay mới thấy một khoảng cách rất xa. Ông viết với kỹ thuật già dặn của một Dương Thiệu Tước hay Vũ Thành trong loại ca khúc nghệ thuật.

Sau bốn câu của đoạn đầu…

Ngày xưa Xuân thắm quê tôi…
Sống bao Xuân lạnh lẽo âm thầm

Phạm Ðình Chương chuyển qua đoạn hai

Hoa xưa dần qua biết bao kỳ đơm bông…
Mắt huyên lệ rưng rưng sầu héo đến bao giờ

trước khi trở lại giai điệu ban đầu

Chiều nay lê bước phiêu du…
Ðể sống vui quê mẹ lúc Xuân về.

Rất nhiều ca khúc thật hay đã có kể kết thúc như vậy, tròn trịa tràn đầy, vuông vức có thủy có chung, một ca khúc có “carrure”. Khác hẳn những bài mà người ta có thể ngừng đâu cũng được như loại truyện tình không đoạn kết, trong đó có Buồn Tàn Thu của Văn Cao.

Nhưng Phạm Ðình Chương không dừng tại khuôn khổ ấy.

Ông viết một chuyển đoạn trên nhịp luân vũ còn dìu dặt hơn, như trong một giấc mơ, nhờ rất nhiều vần trắc:

Xuân tới muôn cánh hoa nở bay khắp nơi
Hương khói lan dưới mưa nhẹ rơi phơi phới
Chiều dâng, sầu lắng, trên đường về mịt mùng
Mây Tần ơi cho nhắn bao niềm thương.

Sau đoản khúc có thể là điệp khúc ấy, người ta mới trở lại hai đoạn chính ở ban đầu.

Hai đoạn chính này là để tả tình, tả nỗi nhớ gia đình trong buổi Xuân về. Ðoạn sau cùng mới là tả cảnh, mà là cảnh Xuân miền Bắc, mưa phùn rơi trên hoa đào phơi phới.

Cảnh Xuân ấy mịt mùng tan loãng trong áng “mây Tần”, một biểu tượng của nỗi nhớ nhà mà mọi người cùng thế hệ với tác giả đều biết. Cũng vậy, thời ấy, người ta hiểu ý tác giả ở câu “mắt huyên” là mắt của mẹ hiền. Sau này, ông dễ dãi chấp nhận “mắt hoen lệ rưng rưng sầu héo đến bao giờ” vì âm “trầm bình thanh” của chữ đó. Nhưng, thời nay, nhiều người vẫn nghe ra là “mắt huyền”. Hình ảnh mẹ già của Xuân xưa đã nhòa trong đôi mắt huyền mơ của tình yêu đôi lứa! Xưa và nay có khác xa.

Viết từ năm 1956, Xuân Tha Hương vì vậy đã báo hiệu cho những bản tình ca tuyệt vời mà Phạm Ðình Chương sáng tác sau này từ ý thơ Thanh Tâm Tuyền, Trần Dạ Từ, Du Tử Lê, Hoàng Anh Tuấn hay Nguyên Sa, Ðinh Hùng… Ông là người viết “những bản tình ca không có hạnh phúc” hay nhất, từ một thành phố đổ nát về chiến tranh mà vẫn nức nở về tình yêu.

Nhạc thuật cao và sang nhưng không xa không khó của Phạm Ðình Chương khiến những bài thơ tình hay nhất đã trở thành phổ biến trong dân gian và còn mãi với chúng ta cùng hình ảnh của Sài Gòn nay đã mất tên. Ðặc biệt hơn cả, Phạm Ðình Chương viết các tình khúc ấy khi còn ở nhà, trước khi vượt biên ra ngoài. Ngay tại Sài Gòn, dù chưa đi ngoại quốc, chưa hề đặt chân lên nước Pháp, ông đã viết những tình khúc tân kỳ nhất. Lê Trọng Nguyễn yêu ông và quý trọng ông cũng vì lòng cảm phục ấy giữa những người đồng điệu.

Quả thật là đã một thời Sài Gòn có phong cách nghệ thuật rất mới chính là nhờ những bài như Dạ “Tâm” Khúc, Bài Ngợi Ca Tình Yêu hay Nửa Hồn Thương Ðau của Phạm Ðình Chương.

Khi viết Xuân Tha Hương, ông có thể nhớ về Hà Nội hay quê mẹ ở Sơn Tây. Ngày nay, khi hát Xuân Tha Hương, chúng ta lại nhớ đến Sài Gòn.

Và tìm nghe nhạc Xuân ở trong nước thời bây giờ (2006) thì lại thấy hương sắc của ngoại ô Hương Cảng.

Đặc san Cỏ thơm online số 14, tháng 2, 2019, tr. 85-87.

Comments are closed.