Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ Miền Nam (kỳ 192): Anh Thy: Đừng Gọi Anh Bằng Chú

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2022)

clip_image001

clip_image002

clip_image003

clip_image004

Đừng Gọi Anh Bằng Chú – Sáng tác: Anh Thy

Trình bày: Duy Lê – Yến Thanh

Đọc thêm:

“Đừng gọi anh bằng chú” bị cấm, em gái tác giả lên tiếng

Nguyễn Hằng

Mới đây, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã cấm lưu hành vĩnh viễn 5 ca khúc bị sửa lời, sai tên tác giả. Trong đó, có ca khúc “Đừng gọi anh bằng chú” được đề tên tác giả là Diên An.

Tuy nhiên, trên thực tế “Đừng gọi anh bằng chú” là tác phẩm của cố nhạc sĩ Anh Thy. Cùng với “Hoa biển”, “Lính mà em”, “Đừng gọi anh bằng chú” là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của Anh Thy (tên thật là Phạm Văn Khổn).

Ca khúc “Đừng gọi anh bằng chú” bị cấm, sai tên tác giả, hiện chưa tìm thấy bản gốc.

“Đừng gọi anh bằng chú là một trong 17 ca khúc được ông Phạm Dương Khai, bố của cố nhạc sĩ Anh Thy ủy quyền quản lý và khai thác quyền tác giả âm nhạc cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam từ ngày 25/3/2013. Hiện mới có danh sách 17 ca khúc, chưa tìm được bản gốc ca khúc “Đừng gọi anh bằng chú”, nhà báo Phan Phương, Trưởng ban hội viên của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết.

Trả lời phóng viên Dân trí ngày 11/4, bà Phạm Thị Nguyệt, em gái cố nhạc sĩ Anh Thy hiện đang sống tại TPHCM cho biết bố của bà, ông Phạm Dương Khai mới mất cách đây hơn một năm, giờ mọi tài liệu liên quan đến tác phẩm của anh trai do bà và người nhà lưu giữ.

“Tôi và gia đình đã biết thông tin về 5 ca khúc bị cấm lưu hành, trong đó có ca khúc của anh trai tôi, “Đừng gọi anh bằng chú”. Biết thông tin bị cấm, nhưng gia đình tôi vẫn thắc mắc không hiểu vì sao bị cấm?”, bà Phạm Thị Nguyệt nói.

Theo bà Phạm Thị Nguyệt, nhạc sĩ Anh Thy mất năm 31 tuổi và ông sáng tác ca khúc này khi ngoài 20 tuổi. Bà kể lại: “Tôi còn nhớ, ngày đó anh trai tôi nhận được rất nhiều thư ái mộ của các cô gái trẻ, thậm chí còn ngồi trên ghế nhà trường. Thư gửi về gia đình nhiều quá, anh không trả lời hết, nhờ chị em tôi xem giúp. Khi đó, các cô gái cứ viết gọi anh bằng “chú” hay “đại nhạc sĩ”. Đọc thư mà tôi cũng buồn cười. Cũng vì điều này mà anh sáng tác ca khúc “Đừng gọi anh bằng chú””.

Bà Phạm Thị Nguyệt chia sẻ, đó là ca khúc có những ca từ khá dễ thương như thế này: “Em ơi đừng gọi anh bằng Chú/ Khi em em chín thơm hoa mộng/ Chưa vấn vương gì em lúc Xuân thì/ Còn anh mới đôi mươi… Xin em đừng gọi anh bằng Chú/ Ô hay sao Chú hay mơ mộng/ Sao Chú hay nhìn sao Chú hay cười/ Làm con bé bâng khuâng…”

Khi phóng viên Dân trí hỏi: “Bà và gia đình cố nhạc sĩ Anh Thy có biết việc ca khúc bị nhầm lẫn tên tác giả là Diên An?” Bà Nguyệt khẳng định: “Chúng tôi biết việc đó. Trước đây, một người bạn ở nước ngoài kiếm cho tôi bản “Đừng gọi anh bằng chú” với tên tác giả là Diên An. Tôi đã nhờ con gái chụp ảnh bìa ca khúc với đầy đủ tên tác giả gửi qua cho người đó.”

Bà Nguyệt cũng chia sẻ thêm, anh trai bà, bố của bà cũng đã “trở về với cát bụi”, bản thân bà và những anh chị em còn sống cũng ở cái tuổi thất thập cổ lai hy nên không rành việc đính chính tên tác giả cho tác phẩm “Đừng gọi anh bằng chú”. Cũng vì anh trai bà mất sớm nên không ít bản nhạc bị thất lạc, nên gia đình mới ủy quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chưa đầy 20 ca khúc.

Cũng xoay quanh việc 5 ca khúc bị cấm lưu hành vì sửa lời, ông Bảo Thương, con trai nhạc sĩ Minh Kỳ, đồng tác giả ca khúc “Cánh thiệp đầu xuân” thể hiện sự tiếc nuối với phóng viên Dân trí: “ Tôi có biết ca khúc “Cánh thiệp đầu xuân” cùng bốn ca khúc kia bị cấm lưu hành vì ca từ không đúng như bản gốc. Đối với tôi, đây là ca khúc hay và tôi rất tiếc khi “Cánh thiệp đầu xuân” bị cấm lưu hành.”

Theo ông Bảo Thương, “Cánh thiệp đầu xuân” đã trở thành kỷ niệm, một phần ký ức của rất nhiều khán giả. Bố ông sáng tác ca khúc đơn giản là nói lên tiếng lòng mình, chia sẻ cùng những người cùng hoàn cảnh, thế hệ…

Hiện bản gốc “Cánh thiệp đầu xuân” được lưu giữ tại Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là bản chép tay. Ông Bảo Thương đã ủy quyền quản lý và khai thác quyền tác giả âm nhạc cho Trung tâm ca khúc này cùng nhiều ca khúc khác của bố mình từ ngày 22/2/2005. Trước đó, bà Kha Thị Đàng, vợ cố nhạc sĩ Châu Kỳ, tác giả ca khúc “Con đường xưa em đi” cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi ca khúc này bị cấm lưu hành vì sửa lời. Theo lời chia sẻ của bà, chính chồng bà là người sửa những cụm ca từ được cho là nhạy cảm.

“Khi anh Châu Kỳ còn sống, chúng tôi nghe nói ca khúc bị cấm bởi hai cụm từ “Chiến trường anh bước đi” và “Nơi đây phiên gác canh dài”. Vì nghĩ ngành chức năng ngại hai cụm từ đó nên anh đã sửa “Chiến trường anh bước đi” thành “Lối mòn anh bước đi” và “Nơi đây phiên gác canh dài” thành “Nơi đây thao thức canh dài”, bà Kha Thị Đàng cho biết.

Tuy nhiên, bà chia sẻ thêm rằng, cố nhạc sĩ mới chỉ bàn luận chứ chưa sửa vào bản nhạc. Bà chia sẻ thêm: “Có thể anh Châu Kỳ đi gặp bạn bè và nói về ý định sửa lời ca khúc đó. Và có đơn vị nào đó xin cấp phép đã sửa bản nhạc này nhưng chưa hỏi ý kiến gia đình tôi”.

Nguồn: https://dantri.com.vn/van-hoa/dung-goi-anh-bang-chu-bi-cam-em-gai-tac-gia-len-tieng-20170411162712134.htm

Comments are closed.