Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 298): Tuyển Tập Nhạc – Nhạc Tiền Chiến – Bướm Hoa – Nguyễn Văn Thương

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2024)

clip_image002

clip_image004

Bướm Hoa – Nhạc và Lời: Nguyễn Văn Thương

Ca sĩ trình bày: Quỳnh Giao&Kim Tước

Đọc Thêm:

Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Thương

                                                                                                                      (Lê Quốc Thanh)

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sinh ngày 22 tháng 5, 1919 tại Thừa Thiên, trong một gia đình yêu nghệ thuật . Từ lúc 9 tuổi ông đã học đàn nguyệt và tự học ký xướng âm qua sách vở. Ông là một nhạc sĩ đa tài, là một trong những nhạc sĩ tân nhạc thuộc thế hệ đầu tiên của Việt Nam.

Hai bản nhạc được nhiều người biết tới nhất là “Đêm Đông” (viết vào năm 1939), và “Bướm Hoa” (viết năm 1942 khi làm việc ở nha bưu điện Saigon). Bản “Đêm Đông” đã được rất nhiều ca sĩ trình bày nhưng chỉ có nữ ca sĩ Bạch Yến là người đầu tiên chuyển điệu Tango sang Slow Rock vào năm 1958 và làm cho bài hát trở thành bất tử. Ông là người đầu tiên viết nhạc cho múa chuyên nghiệp như thơ múa “Chim Gâu”, kịch múa “Tấm Cám”, “Múa Ô”, “Chàm Rông”. Ông có viết nhạc phim, viết nhạc hợp xướng. Ông còn được nhiều người biết đến với các bản nhạc soạn phối khí như “Lý Hoài Nam” (độc tấu sáo trúc), “Buôn Làng Vào Hội”, “Quê Hương”, “Ngày Hội Non Sông”. Bản “Rhapsodie số 2” dành cho đàn T’rưng và dàn nhạc giao hưởng (viết đầu thập niên 70).

clip_image006

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương thời trẻ

Có lẽ khi viết Đêm đông, Nguyễn Văn Thương không ngờ được rằng rồi nó sẽ đi vào lòng biết bao thế hệ suốt mấy mươi năm như thế. Khi ấy ông mới hai mươi tuổi. Một anh chàng sinh viên nghèo xác, đêm ba mươi không có tiền về quê ăn tết, đi lang thang trong cái lạnh Hà Nội, với bộ quần áo tây cũ và đôi giày tây rộng thùng thình. Chàng ta chỉ đủ tiền ăn ổ bánh mì, dạo qua phố Khâm Thiên, phố ả đào nổi tiếng của Hà Nội bấy giờ, mong tìm một chút ấm lòng giữa khu phố dập dìu đó.

Thế nhưng ngay cả khu phố ăn chơi này cũng vắng ngắt, một cô đào nghe tiếng loẹt quệt trên đường (chứ nhạc sĩ lúc ấy làm gì dám bén mảng đến cửa nhà ả đào!) ra đưa mắt nhìn rồi chán nản quay vào, chỉ còn kịp thấy phản chiếu trong gương một cánh tay trần trắng nuỗn xanh xao. Buồn, chán đời và chán bản thân mình, quay về gác trọ và giữa tiếng gió lạnh gào rú bên ngoài, nhạc sĩ ngồi viết. Viết một mạch xong Đêm đông, từ thân phận mình, cảm thân phận người.

Bài hát lặp lại mãi từ đêm đông, điệp lại mãi sự điên cuồng của gió! Tuy nhiên, có một điều rất lạ là người ta đã lãng quên nhân vật ký tên chung trong bản nhạc Đêm đông với Nguyễn Văn Thương trong bản in ở Sài Gòn. Đó là Kim Minh. Kim Minh là một người bạn, người đã chau chuốt lời cho các bản nhạc của Nguyễn Văn Thương. Tuy nhiên, ông này mất sớm. Chính vì vậy người ta cũng thành lạ luôn.

Thêm một điều lạ nữa là người nhạc sĩ thâm niên này lại có thời gian làm bưu điện, sở dây thép bấy giờ. Khi ấy (1938-1939) Pháp muốn mở rộng chính sách mị dân bằng cách tuyển nhiều trí thức Việt Nam vào các ngạch cao cấp. (Chính vì thế Xuân Diệu cũng được đỗ vào ngành Hải quan!). Nguyễn Văn Thương đỗ đầu toàn Đông Dương, làm Bưu điện trung tâm Sài Gòn 5 năm. Đến bây giờ nhắc lại, ông nói: “Chỉ còn thế hệ trên 80 là biết mình. Vừa rồi có việc “lụy” bưu điện, mình đã phải quát ầm lên vì phải chờ lâu, bắc cái điện thoại mà mãi không xong. Mình bảo cái cô trẻ măng ngồi trực quầy: Này, thế hệ bọn mày không biết tao, chứ tao từng làm giám đốc bưu điện này cách đây 50 năm đấy!” (1)

Ngoài việc viết nhạc, ông còn viết nhiều sách về âm nhạc như “Tuyển Tập Piano” (trung cấp), “Tuyển Tập 16 Bài Dân Ca, Dân Vũ Việt Nam” (sọan cho piano). Ông cũng là người đã đưa hệ trung cấp âm nhạc cổ truyền Việt Nam lên thành hệ đại học ở Việt Nam.

Ngày 5 tháng 12, 2002, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã từ trần tại bịnh viện Thống Nhứt, hưởng thọ 84 tuổi. Ông nguyên là giám đốc Đoàn ca múa nhạc Việt Nam, giám đốc Nhạc Viện Hà Nội, giáo sư âm nhạc…

(Nguồn: Dotchuoinon.com)

Comments are closed.