T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2018)
Ơn nghĩa sinh thành – Sáng tác: Dương Thiệu Tước
Trình bày: Giang Tử
Nghe thêm:
Hoài Nam – 70 Năm Tình Ca (5)-Dương Thiệu Tước
Đọc thêm:
Phạm Ký: Vài dòng về cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (1915-1995)
(Nguồn: http://tranquanghai.info)
Những năm đầu của thập niên 1930 văn hóa Âu Châu, nhất là của Pháp ồ ạt xâm nhập Việt Nam. Các nhà văn hóa, văn nghệ Việt Nam cũng bắt đầu chuyển hướng. Về lãnh vực văn chương có nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Về mỹ thuật có trường Cao Đẳng Mỹ Thuật được mở năm 1926. Về âm nhạc thì các nhạc sĩ Việt Nam thời đó một phần chịu ảnh hưởng của âm nhạc Pháp nhưng mặt khác họ cố tìm một đường hường mới để không bị nhạc Tây “nuốt”. Dòng âm nhạc mới này được gọi là TÂN NHẠC, NHẠC CẢI CÁCH, sau này còn được gọi là NHẠC TIỀN CHIẾN. Năm 1938 báo Ngày Nay kêu gọi các nhạc sĩ Việt Nam khi viết nhạc Cải Cách nên cố gắng giữ hồn Việt Nam. Trước đó ở Việt Nam có hát Ả Đào, hát Ca Trù, hát Xẩm do các ca sĩ mù hát rong ngoài đường phố. Năm 1927 Pháp mở Viện Âm Nhạc Viễn Đông (Conservatoires de musique Francaise d´extrême orient) tại Hà Nội chuyên dậy nhạc cổ điển Âu Châu. Chịu ảnh hưởng này các nhạc sĩ Việt Nam bắt đầu học “son phe”. Thanh niên Việt Nam lúc đó, nhất là giới sinh viên, học sinh, ưa chuộng nhạc phổ thông của Pháp qua các bài hát của các ca sĩ Tino Rossi, Josephine Becker… Họ cũng học các điệu vũ Tango, Foxtrott, Valse… Một số học dương cầm, vĩ cầm, lục huyền cầm/Tây Ban Cầm (guitar), banjo, mandoline. Một trong các thanh niên thời đó chọn học đàn Piano và Guitar chính là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.
Vài dòng về cố nhạc sĩ DƯƠNG THIỆU TƯỚC
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sinh ngày 14.01.1915. Quê ông ở làng Vân Đình, quận Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây). Xuất thân từ một giòng họ khoa bảng. Ông là cháu nội cụ Dương Khuê (1836-1898). Cụ đỗ Tiến Sĩ và làm quan dưới triều Nguyễn. Cụ cũng là một nhà thơ có tiếng trong văn học Việt Nam. Thân phụ ông là cụ Dương Tự Nhu làm bố chánh tỉnh Hưng Yên. Mang máu nghệ sĩ trong người, ông chọn con đường âm nhạc ngay từ lúc ấu thơ. Có cái may là cụ Dương Tụ Nhu là người trọng văn học, không coi âm nhạc là “xướng ca vô loại”, nên ông đã được khuyến khích học nhạc từ lúc còn nhỏ. Cụ Nhu mua cho ông Đàn Nguyệt lúc ông 7 tuổi. Ngoài Đàn Nguyệt ông còn học thêm Đàn Tranh tại các bậc thầy miền Trung. Đến lúc 14 tuổi, ông bắt đầu chú ý đến nhạc Tây phương và chuyển qua học đàn dương cầm với một thầy người Pháp. Lúc 16 tuổi ông học thêm lục huyền cầm/Tây Ban Cầm, nhạc cụ sở trường của ông. Sau này ông trở thành một cây đàn guitar có hạng tại Việt Nam và đồng thời là giáo sư tại Viện Quốc Gia Âm Nhạc Việt Nam dạy đàn này cho vô số các nhạc sĩ của thế hệ sau. Ngoài lục huyền cầm/Tây Ban Cầm ông còn tự học thêm lục huyền cầm/Guitar Hạ Uy Di. Cũng như ông, các nhạc sĩ Việt Nam cùng thời đều tự học, mua sách của Pháp về rồi tự học hay học hỏi lẫn nhau. Họ đều không có cơ hội theo học tại trường âm nhạc nào.
Mặc dù học nhạc, kỹ thuật sáng tác nhạc Tây Phương, nhưng các tác phẩm của ông vẫn đượm hồn dân tộc, đúng như báo Thời Nay lúc đó kêu gọi. Trong một ấn phẩm viết tay, ông ngỏ ý: “Theo tôi tân nhạc Việt Nam phải thể hiện rõ cá tính Việt Nam. Để đạt được điều này, người sáng tác phải hiểu rõ nhạc Việt qua cách học nhạc cụ cổ truyền cũng như hát được các điệu hát cổ truyền”.
Các nhà phê bình nhạc cho rằng ý nghĩ này đã được thể hiện rõ trong các tác phẩm Tiếng Xưa (Stimme der Vergangenheit), Đêm Tàn Bến Ngự (Die Nacht endet an königlicher Anlegestelle). Theo các nhà khoa học nghiên cứu âm nhạc thì bài Đêm Tàn Bến Ngự được viết dựa theo các điệu Nam Bình, Nam Ai nổi bật cá tính của Huế. Những sáng tác khác của ông trong những năm cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1950 phải kể Kiếp hoa, Áng mây chiều, Nhạc ngày xanh, Dưới nắng hồng, Xuân mới, Thiếu niên xuân khúc ca, Thuyền mơ…
Theo Phùng Quốc Thụy nhận xét, Dương Thiệu Tước “là người có dáng vẻ rụt rè ít nói, không ưa sự phô trương ầm ỹ, nhưng lại là người sốt sắng nhất trong việc xây dựng, cổ động, phổ biến nền tân nhạc mọi hình thành, với mọi hình thức: sáng tác, biểu diễn, xuất bản, đào tạo, lý luận, phê bình”. Ông cũng viết các bài tham khảo cho tập san VIỆT NHẠC. Ông thành lập hội KHUYẾN NHẠC cùng với nhạc sĩ Thẩm Oánh để cổ động và phổ biến nền Tân Nhạc Việt Nam. Cũng cùng với Thẩm Oánh ông thành lập ban nhạc đặt tên là MYOSOTIS (hoa Vergiß mein nicht). Ban nhạc thường chỉ chơi tại nhà riêng, rất ít khi trình diễn nơi công cộng.
Năm 19 tuổi ông lập gia đình với bà Lưong Thị Thuần, cũng xuất thân từ một giòng họ khoa bảng. Thời đó việc kết hôn thường được các cụ dàn xếp theo truyền thống “môn đăng hậu đối”. Ông bà sinh hạ được 3 con gái và 2 con trai . Một trong 2 ngưòi con trai là anh Dương Hồng Ân.
Năm 1940, lúc đó ông 25 tuổi, ông mở cửa hiệu bán và sửa chữa đàn tại 57 Hàng Gai, Hà Nội. Cửa hàng sau đó phải đóng vì chiến tranh. Đầu thập niên 1950 ông rời Hà Nội vào Huế và Sài Gòn. Tại Huế ông quen với Minh Trang, một ca sĩ có tiếng tại Huế lúc đó, đánh dấu cho một chuyện tình giữa người nhạc sĩ thành Hà và cô ca sĩ miền Trung.
Những sáng tác của Dương Thiệu Tước trong thời điểm này phải kể ngoài Đêm Tàn Bến Ngự, còn có Ngọc Lan, Chiều, Bóng Chiều Xưa…
Năm 1954 lúc đất nước chia đôi, ông vào Sài Gòn sinh sống. Tại Sài Gòn ông sống chung với ca sĩ Minh Trang và có thêm với bà 4 gái và 1 trai. Bà Lương Thị Thuần và các con cũng vào Nam tháng 7 năm 1954.
Từ giữa thập niên 60 qua thập niên 70 trở đi ông bớt sáng tác. Tác phẩm có tiếng phải kể lúc này là Ơn Nghĩa Sinh Thành.
Tại Sài Gòn ông làm chủ sự phòng văn nghệ tại đài Phát Thanh Sài Gòn đồng thời được mời làm giáo sư dạy lục huyền cầm/Tây Ban Cầm tại trường Quốc Gia Âm Nhạc. Đã cả chục năm trôi qua nhưng vẫn ấp ủ ý nguyện hội nhập cá tính và hồn Việt Nam vào tân nhạc, ông cho ra đời một chương trình có tên là CỔ KIM HÒA ĐIỆU, phát thanh thường xuyên tại đài Phát Thanh Sài Gòn những năm cuối thập niên 1950. Trong chương trình này ông sử dụng cả hai nhạc cụ Tây phương và cổ truyền Việt Nam để trình diễn tân nhạc Việt.
Biến cố 30.04.1975 đánh dấu một khúc quanh trọng đại trong sự nghiệp của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Các tác phẩm của ông bị coi là nhạc lãng mạn, ủy mị nên nhà nước Cộng Sản cấm, không cho ai trình diễn nhạc của ông. Ông cũng ngưng dạy học tai trường Quốc Gia Âm Nhạc. Ít lâu sau đó ca sĩ Minh Trang cùng con cái ra đi qua Mỹ. Ông ở lại Sài Gòn. Bà Lương Thị Thuần, sau biến cố 75, năm 1979 đã qua CHLB Đức đoàn tụ với gia đình người con trai cả của bà là anh Dương Hồng Ân.
Phải nói là từ lúc này ông sống rất chật vật, nhờ vào sự tiếp tế của các con ở ngoại quốc và sự chăm sóc của 2 người con gái con bà Luơng Thị Thuần lúc đó còn sống tại Sài Gòn.
Đầu thập niên 1980 ông về chung sống với bà Nguyễn Thị Nga tại quận Bình Thạnh, nguyên là một học trò giỏi của ông lúc bà theo học đàn lục huyền câm/Guitar tại trường Quốc Gia Âm Nhạc. Bà Nga, một phụ nữ có tư cách, đứng đắn, mẫu mực, đảm đang, hết lòng lo lắng, chăm sóc cho ông lúc tuổi xế chiều. Không những là một danh cầm về đàn lục huyền cầm Guitar, bà còn là một giáo sư dậy Anh ngữ tại Sài Gòn. Năm 1983 ông có thêm một con trai với bà Nga.
Những năm tháng cuối cùng cuộc đời ông, ông sống rất đạm bạc. Đến ngày 01.08.1995 ông đã vĩnh viễn ra đi, hưởng thọ 80 tuổi.
Phạm Ký ghi chép