Nguyễn Thanh Bình
Tôi không phải nhà nghiên cứu, lý luận phê bình nghệ thuật, nhưng vừa là thế hệ đi sau, vừa là đồng nghiệp của những họa sỹ như Thành Chương, Ca Lê Thắng và Đào Minh Tri, đồng hành từ giữa những năm 60′ tới 70′, của thế kỷ trước.
Chẳng những nhìn thấy mà còn cảm nhận phong cách của từng người, thay đổi qua từng giai đoạn.
Họa sỹ Đào Minh Tri, từ những năm cuối thập niên 60, đã là một "hình tượng" cho lớp đàn em học tập, chẳng những kiến thức cơ bản rất vững mà còn ở những ý tưởng luôn độc đáo. Là một trong những thí dụ điển hình cho việc học cơ bản là một chuyện, mà biến những nền tảng cơ bản thành nét riêng, thông minh, độc đáo là chuyện khác.
Từ những ngày ấy, họa sỹ Đào Minh Tri đã "lên đường" tìm cho mình một "tiếng nói" riêng, bằng kỹ năng, tay nghề vững và một cái đầu thông minh.
Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam đã đào tạo nhiều thế hệ, nhưng không phải khóa nào, hệ nào cũng có những đại diện nổi bật của mình, số người thiết lập được chỗ đứng, tạo dựng được tên tuổi, rất ít, bởi điều đó đòi hỏi không chỉ đôi tay, đôi mắt thuần thục, mà còn ở sự hoài nghi, "bứt phá" trong đầu.
Nó là sự thay đổi quan niệm và thể hiện đối tượng từ "dessin", "figure" cụ thể, sang "object" trừu tượng, đặt trong không gian hư cấu ("fictional") một cách có suy nghĩ. Vượt thoát ra khỏi cái nền kiến thức cơ bản, mà tìm cho mình một cách nói riêng và thuyết phục, là một hành trình gian nan, lâu dài, đòi hỏi một năng lực cảm xúc dày dặn, một trí lực phong phú và bền bỉ, dù trọng bệnh tác động đến thể xác nhưng không làm tinh thần đứt gãy.
Họa sỹ Đào Minh Tri sử dụng sơn dầu, sơn mài, màu bột trên giấy, trút ra cảm xúc, để tìm một tiếng nói tạo hình cho riêng mình… ngân dài theo năm tháng.
Học vẽ, (hay học văn, học nhạc) là "học" cách mô tả đối tượng, từ đơn giản đến phức tạp. Qua đó, học cách thể hiện cảm xúc, thông qua đối tượng, bước đầu tiên trên con đường sáng tạo. Trên con đường ấy, tố chất năng khiếu cá nhân dần bộc lộ.
Tuy nhiên, tố chất cá nhân là khác nhau, người sâu, người cạn, người dày dặn, người mỏng manh, do đó, sự vận dụng kiến thức để tạo ra một giọng nói riêng cũng khác nhau: có người hầu như không có gì ngoài kiến thức, có người tạo ra được một chút khác biệt, nhưng cũng có người bứt ra hoàn toàn khỏi "khuôn khổ phép tắc" mà tạo ra một tiếng nói riêng, vốn là tính chất cơ bản và đặc thù của sáng tạo. Họa sỹ Đào Minh Tri là một trong số ít những người như thế, khi anh tìm được cho mình một "motif" tạo hình khác biệt, đôi khi, qua một vài tác phẩm, có thể thấy sự tự do, không giới hạn trong việc thông qua một hình tượng, mà bộc lộ tâm can…
"…Mục đích của nghệ thuật không phải là tái hiện những cái có sẵn (có lẽ là thừa), cũng chẳng phải nhằm tạo ra một cái gì đó bằng thị hiếu chủ quan thuần tuý để chơi (những thứ chỉ là nhất thời và chắc hẳn chẳng mấy ai quan tâm) mà là thúc giục tiến sâu vào toàn bộ thế giới bên ngoài và thế giới tâm linh, là nhìn ra và truyền đạt những thực tại khách quan trong đó, mà cho đến nay vẫn còn bị những quy tắc và quy uớc che khuất…"
—
| Max Scheler – Bản chất của cảm xúc |
Trích lời nói đầu trong Graham Collier, Hình, không gian và cách nhìn (Vuơng Tử Lâm, Phạm Long dịch). NXB Mỹ thuật, 2017.
–