Mùa đông rét nhưng ngày cũng như đêm, người, xe máy, thức ăn, hàng họ … tràn ngập, chen chúc từ ngoài đường vào các ngõ, ngách, không thấy đâu là chủ nghĩa xã hội trừ vài khẩu hiệu cũ kỹ treo hoặc viết lạc lõng đâu đó
Giới trẻ Hà Nội và Tây Ba lô ngồi la liệt ở phố Tạ Hiện ăn uống đủ kiểu về đêm
Tĩnh vật ở một góc của quán Cà phê Cộng trên phố Tràng Tiền – Hà Nội
Thời trang của các phục vụ viên tại quán Cà phê Cộng
Trịnh Cung giữa 2 nhà thơ, Kaitlin Rees (Mỹ) và Nhã Thuyên trước quán Cà phê Reng Reng
(Tôi đã gặp Nhã Thuyên trong đêm ra mắt phim thơ của eL và Dino Trung cùng với những tác phẩm sắp đặt của hai nữ nghệ sĩ Võ Trân Châu và Tạ Bạch Dương trên chủ đề Sương Mù Đen)
Nhà thơ eL đang chuẩn bị cho buổi trình chiếu lần đầu phim thơ Sương Mù Đen của mình tại Nhà Sàn Collective – Hà Nội
Phim video đối chiếu thơ Sương Mù Đen ở buổi triển lãm
Cảnh công chúng đến dự buổi trình diễn phim thơ Sương Mù Đen tại Nhà Sàn Collective đêm 9-1-2015
Vào đêm ngày 13-1-2015, tại Tadioto, môt quán rượu của nhà văn Nguyễn Quí Đức nằm trên phố Tông Đản-Hà Nội, có buổi đọc thơ song ngữ và giới thiệu sách của Ajar Press. Nhã Thuyên và Kaitlin Rees làm người dẫn chương trình. Khách ta và Tây ngồi, đứng ngập cả căn phòng khoảng 9m vuông
Đây lại là môt ngạc nhiên của tôi. Trước đây tôi biết nhà thơ Nhã Thuyên bị tố vì vi phạm đường lối văn hóa của Đảng, tưởng chị ấy khó yên thân, nhưng qua hai lần gặp như thế, Nhã Thuyên trong ý nghĩ của tôi vẫn rất sinh động về mặt đời sống văn hóa tại Hà Nội
Hai câu thơ tiếng Anh trên miếng vải bố xin được tạm dịch là “Chỉ có những giòng chữ ngoằn ngoèo/và những giải không khí giữa chúng ta”
Nhà thơ Bỉm, ông chủ quán cà phê Reng Reng đang pha cà phê bằng máy hiệu Gaggia của Ý, mua lại từ nhà thơ nữ Lynh Bacardi hiện ở Sài Gòn cũng đang có một quán cà phê có tên là Sống Chậm
Bỉm vừa pha cà phê vừa dắt xe cho khách còn giúp người đánh giầy kiếm sống trên thềm quán của mình chỉ rộng bằng một viên gạch
Tây ngồi dưới nắng trưa mùa đông tại một góc cà phê vỉa hè phố cổ Hà Nội
Trưa cũng đầy người trẻ Hà Nội ngồi kín cà phê vỉa hè
Một lớp học đường phố cho sinh viên Hà Nội do một giáo sư người Mỹ cổ động. Có lẽ những người như ông này đã góp phần vào sự thay đổi của người Hà Nội ngày nay
Chỉ ngồi được vài chỗ ở balcon như trong hình, cà phê Đinh tầng 2 nằm ngay phố Đinh Tiên Hoàng nhìn ra Hồ Hoàn Kiếm cũng là một bộ mặt rất đặc biệt của Hà Nội
Để lên được quán này, bạn phải đi xuyên qua một cửa hàng bán ba lô sâu khoảng 6m rồi lên một cầu thang hẹp, tối tăm, dẫn lên tầng 2 nơi một căn phòng nhỏ không quá 9m vuông đầy ắp tín đồ cà phê
Trong không gian hẹp của quán Cà phê Đinh, họ, toàn người trẻ Hà Nội
Tranh siêu thực của Lê Quảng Hà
Xưởng vẽ rộng hơn 200m2, nằm bên bờ Hồ Tây. Họa sĩ vừa kết thúc cuộc triển lãm tại xưởng của mình theo cáchstudio open
Lê Quảng Hà là một họa sĩ độc lập, đầy cá tính và ý thức về một xã hội tự do và công bằng, đang làm việc đầy sung mãn giữa một Hà Nội đang lặng lẽ đổi thay
Mùa Trứng Rụng (3m90 X2m00), acrylic trên bố, hoàn thành bởi Trịnh Cung tháng 12 – 2014, đang được treo tại phòng triển lãm Manzi, Hà Nội
Kết:
Tôi không còn thời gian ở lại Hà Nội để nhận biết thêm những mặt khác nữa đang tạo nên bộ mặt đa diện của Hà Nội hôm nay. Tuy vậy, những gì tôi chụp và chép được như thế cũng cho tôi một cảm nhận, và tin thật rằng Hà Nội đã “rất khác” dù đang là thủ đô của một nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa. Sự thay đổi này là một diễn biến lặng lẽ bởi sức sống mãnh liệt của người dân Hà Nội cộng với sự tác động của văn hóa phương Tây do hằng ngàn người ngoại quốc đang sinh sống lâu dài hoặc là du khách ở đây, cũng như do mạng lưới internet toàn cầu.
Theo Vũ Nhật Tân, một nhạc sĩ đương đại hàng đầu của Việt Nam, Hà Nội hiện có hơn 1000 người Mỹ thường trú, với những sinh hoạt ở hai tổ chức văn hóa, một là American Club, hai là KaMa. Cũng có nhiều artspace ngoài nhà nước đang hoạt động thường xuyên tại Hà Nội như Nhà sàn Collective, Manzi Gallery, Tadioto, Heritage Space,Viện Goethe, Hội Đồng Anh (British Council), L’Espace của Pháp… chưa kể hàng chục gallery lớn nhỏ khắp nội thành Hà Nội.
Có thể Hà Nội có sự thay đổi đáng kể như vậy dưới mắt tôi chỉ trong một tuần lễ quan sát là do:
1. Hà Nội là thủ đô, nơi có rất nhiều tòa đại sứ, nhiều thường trú nhân và khách du lịch phương Tây, do đó giới trẻ ở đây nhận rất nhiều sự trợ giúp, chia sẻ tinh thần và vật chất để trở thành người trí thức toàn diện.
2. Trong mắt người nước ngoài, văn hóa là bộ mặt quan trọng nhất để gây cảm tình và giảm đi những lập luận nặng nề của chủ nghĩa cộng sản truyền thống.
3. Dù rất ngại sự thay đổi chính trị nhưng nhà cầm quyền ở đây vẫn không ra tay quá mạnh với trí thức và văn nghệ sĩ cấp tiến của Hà Nội vì đa phần trí thức lớn tuổi ở đây đều là cựu đảng viên, có công góp phần làm nên chiến thắng sau cùng, hoặc họ từng là bạn thân hay từng đã đào tạo ra các thế hệ cán bộ đang cầm quyền. Riêng đám trẻ, họ, phần đông là con cháu của các gia đình có công với cách mạng hoặc có bố mẹ đang làm cán bộ, đảng viên, thì biện pháp tốt nhất là vờ đi nếu công việc của họ không có vấn đề “tiết lộ bí mật quốc gia.”
5. Tầng lớp thanh niên Hà Nội ngày nay đa phần không quan tâm đến chính trị. Họ để chính trị đỏ hay xanh ra ngoài. Họ sống nhanh, theo mốt và hưởng thụ cá nhân. Hình như sống phi chính trị khiến họ đỡ bị rắc rối. Họ không “tôi là Charlie!” Họ mang kính đen làm ngơ trước việc nhóm cực đoan Hồi giáo cắt cổ những nhà báo Mỹ. Chủ nghĩa thực dụng đang là lẽ sống của họ, họ muốn trút bỏ hết lớp vỏ cũ kỹ, nghèo khó, lạc hậu càng nhanh càng tốt. Fashion, showbiz, v.v… không chỉ khoe sắc ngoài đường phố mà tràn vào cả mọi ngõ ngách của Hà Nội hôm nay và cả ngày mai nữa. Tất nhiên, không phải toàn thể giới trẻ Hà Nội đều thế cả nhưng những tiếng nói đứng về quyền con người không nhiều, nhất là trong lãnh vực văn học và nghệ thuật. Dẫu sao, nhu cầu tự do cho cuộc sống đời thường và làm văn nghệ của giới trẻ Hà Nội đang được họ biểu hiện khá sống động và cho chúng ta cảm giác là xu thế ấy phản ảnh một tiến trình không thể đảo ngược.
6. Khác với thành phố Sài Gòn, một trung tâm công nghiệp-thương mại lớn nhất và phồn thịnh nhất nước nên coi nhẹ hoặc không cần thứ “văn học nghệ thuật phức tạp,” Sài Gòn vẫn sống hùng sống mạnh theo giáo điều. Hà Nội với một địa chính trị đặc thù lịch sử, thiên nhiên và văn hóa nên nguồn lợi tức chính là kinh tế-du lịch do vậy mà hoạt động văn hóa đa chiều ắt cũng nằm trong “chủ trương âm thầm” của Hà Nội?
Nếu bảo chính trị Hà Nội thực sự chủ trương như thế thì chắc chắn không phải, tuy nhiên, nếu họ có nhìn ra điều đó thì cũng có lợi cho chế độ. Nó làm vơi đi áp lực chống đối từ phía người dân, nhất là giới trí thức và tầng lớp thanh niên ưa tự do dân chủ.
Bộ mặt văn nghệ ngoài luồng đông vui và “vô tư” của Hà Nội khác hẳn Sài Gòn – nơi 15 năm trước, văn nghệ ngoài luồng là tiền phong và “hot” nhất mà Hà Nội lúc đó chưa có, nhưng nay thì vắng tanh vì sự kiểm duyệt và các biện pháp ngăn chận rất gắt gao khiến những khuôn mặt gạo cội như Nguyễn Quốc Chánh, Phan Bá Thọ, Trần Tiến Dũng trở nên mệt mỏi, chán nản: người lui về “im lặng,” người về quê bán cà phê, người viết chuyện hang cùng ngõ hẻm để nuôi thân. Nhóm Mở Miệng thì cũng hết vốn cho cuộc “tự do lên tiếng.” Ngựa Trời thì ngẫu nhiên ra đời và cũng tan hàng “ngẫu nhiên” ….
Ở đây cần nói rõ thế nào là ngoài luồng, thứ nhất, văn nghệ ngoài luồng là các sáng tác văn chương hay nghệ thuật được phổ biến ở các nước độc tài không qua kiểm duyệt, phổ biến chui, nếu bị phát hiện có thể bị tịch thu, bị phạt hoăc bị bỏ tù, tùy theo mức độ chống đối nhà nước. Sài Gòn rất khắt khe với văn nghệ ngoài luồng vì là thành phố của miền Nam bỏ lại, dân chúng đa phần là bên thua cuộc, cộng với thành phần Mặt Trận Giải Phóng ly khai và các tổ chức khác như Thành phần Thứ Ba … nên nhà cầm quyền rất cảnh giác. Văn nghệ ngoài luồng Hà Nội, khác với Sài Gòn, chỉ mới có những năm gần đây. Những tác phẩm của các nghệ sĩ sinh sống ở đây phần nhiều đều né tránh chính trị, hoặc chỉ có những ẩn dụ nhẹ, lấp lửng, gần như không “cố tình.” Các nghệ sĩ và cha chú họ là một đại gia đình phía thắng cuộc nên không có chuyện ly khai và cũng vì thế mà nhà nước ở đây không quá sợ bạo loạn như trường hợp Sài Gòn được văn nghệ lôi kéo, tác động vào quần chúng.
Làm con người ai cũng muốn tự do, có thể cha chú các nghệ sĩ Hà Nội đã lỡ đời phải làm cán bộ, nhưng là những người trẻ thì các nghệ sĩ may mắn hơn, sinh ra có nhiều chọn lựa hơn và đồng thời không ngại dùng cha chú cán bộ làm ô dù cho những hoạt động văn nghệ ngoài luồng của mình. Why not?
Thật ra, về mặt tài trợ các nghệ sĩ đang lâm vào thời khó khăn. Các quỹ văn hóa như Ford, viện Goethe, Hội Đồng Anh, L’Éspace và Đan Mạch đều đã cắt giảm hầu hết do kinh tế của các nước sa sút và cũng do áp lực chính trị từ phía quốc gia sở tại. Do đó hầu hết các nghệ sĩ phải tự xoay sở bằng cách bán tác phẩm hay nhờ vào đồng lương – nếu có việc làm thêm – hoặc nhờ vào tiền của chồng hay bố mẹ. Mặt khác, ở Hà Nội đã hình thành được một công chúng trẻ yêu văn chương và nghệ thuật, họ vừa là người đi xem vừa là tình nguyện viên cho các sự kiện nói chuyện, đọc thơ hay trình diễn nghệ thuật của các văn nghệ sĩ trẻ. Đó là bốn yếu tố: đam mê, che chở, tự túc và fanbase đã góp phần làm nên một cái tạm gọi là Hanoi Literature & Art Network ngày nay.
Như thế cũng có thể gọi là bước đầu của tiến trình độc lập.
Trên đây là những phân tích chủ quan, không sâu, của một người vừa mới đi qua thành phố Hà Nội chỉ trong ít ngày, xin bỏ qua những nông cạn và thiếu sót.
Dù có nhìn sai đi nữa, tôi cũng mừng cho một Hà Nội đổi thay như thế và hơn thế.
Hà Nội, 16-1-2015
TC