Hai cuộc triển lãm ở Paris: Jérôme Thẩm Võ Mỹ và Đinh Q. Lê

Bài của Kiến Văn

Jérôme Thẩm Võ Mỹ:

CHROMA LIBRE

Galerie Electric Paris

128, rue La Fayette, 75010 Paris

(18.02.2022 – 08.05.2022)

h1

Trong một cuộc triển lãm mới đây tại Foyer Vietnam (80, rue Monge, 75013 Paris), một tác phẩm của Jérôme Thẩm Võ Mỹ chắc chắn đã gây ấn tượng:

h2

“Tôi không nói tiếng Việt”, nếu phát âm, chắc phụ âm /kh/ và vần /ông/ sẽ không được chuẩn – dù là chuẩn Hà Nội hay chuẩn Sài Gòn – là câu nói cửa miệng của bạn trẻ Việt Nam “thế hệ hai” hay “thế hệ 1,5”. Ở đây, nó an nhiên chế ngự ba tấm tranh. Không phải một lời xin lỗi, hay một nhận xét khách quan. Ở đây, tôi hiểu nó như một tuyên ngôn. “Tiếng nói” mà Jérôme Thẩm sử dụng không phải là một ngôn ngữ nói, mà là ngôn ngữ của nghệ thuật. Để mọi người – nói tiếng Việt hay tiếng nào trong hơn 6000 ngôn ngữ hiện tồn – có thể (hay không muốn) hiểu.

Trong cuộc triển lãm hiện nay ở Galerie Electric Paris, đó là ngôn ngữ của màu sắc, của kỷ hà. Thông qua một kỹ thuật hiện đại: quan niệm bằng máy tính, in trên giấy dệt.

h3
(trái) #Lalala (màu mimosa, caca d‘oie, lilas)
(phải) #Et toi ? (màu capucine, cramoisi, mimosa)

Với 15 tác phẩm (khổ lớn, 140x140cm, 190x140cm), người xem phiêu du trong một thế giới muôn màu, hình nét biến hóa… Tương phản hẳn với vũ trụ màu đen của Bảo Vương (Coming Through). Nhưng thật kỳ lạ, Jérôme Thẩm và Bảo Vương đều đưa ta vào thế giới nội tâm, thức đẩy trí tưởng tượng của chính mình.

Tốt nghiệp trường Estienne, Jérôme làm việc mấy chục năm trong ngành thiết kế mỹ thuật, lãnh đạo liên tiếp nhiều công ty mỹ thuật (Usbek et Ricaa, La Toute Petite Agence, Bikini, Xxs). Từ 6 năm nay, với kiến thức và tay nghề tích lũy về công nghệ số, song song với lao động nghề nghiệp, Jérôme Thẩm bước vào sáng tác nghệ thuật. Đây là cuộc triển lãm thứ nhì – chắc chắn không phải cuối cùng – của anh.

Tái bút: Galerie Electric Paris ở lầu 2 một tòa nhà thiết kế rất hiện đại và hài hòa. Tầng dưới và lầu 1 là quán ăn và bar. Trước và/hay sau khi xem triển lãm, bạn có thể ăn, uống trong một khung cảnh thân thiện.

Dinh Q. Le:

LE FIL DE LA MÉMOIRE
ET AUTRES PHOTOGRAPHIES

Musée du Quai Branly – Jacques Chirac

(08.02.2022 – 20.11.2022)

h4

Đinh Q. Lê là một nghệ sĩ tạo hình độc đáo. Từ nhiều năm nay, anh trở về sống ở Việt Nam, sau khi làm thuyền nhân năm 10 tuổi, học và tốt nghiệp đại học ở Mỹ. Đinh Q. Lê đã trở thành cái tên quen thuộc trong giới nghệ thuật Mỹ. Đây là lần đầu tiên, anh triển lãm ở Paris, tại Viện bảo tàng dân tộc học Quai Branly – Jacques Chirac.

Nếu Jérôme Thẩm “vẽ” bằng máy tính, thì Đinh Q. Lê không vẽ gì cả. Anh dệt. Vật liệu của anh là những tấm ảnh lớn, cắt thành những băng dài, rộng độ 1-2 cm. Rồi anh dệt ngang dệt dọc. Những tấm ảnh anh dùng làm vật liệu là hình ảnh gì? Những tấm hình thời sự chiến tranh Việt Nam, những áp phích phim ảnh Hollywood. Thông điệp của Đinh Q. Lê khá đơn giản: Việt Nam, cuộc chiến tranh Việt Nam là những hiện thực phức tạp, được nhìn từ những góc độ khác nhau, đối chọi nhau. Cũng như Nguyễn Thanh Việt (sinh năm 1971), Đinh Q. Lê (sinh năm 1968), lớn lên ở Hoa Kỳ, xem phim Hollywood đọc sách Mỹ về chiến tranh, và không nhận ra người Việt Nam trong đó, và hình ảnh Việt Nam trong con mắt người Việt Nam – “bên thắng cuộc” cũng như  “bên thua cuộc” – lại càng trái ngược nhau hơn nữa, nhất là những hình ảnh, kỷ niệm còn được sàng lọc qua trải nghiệm của những bi kịch, thảm kịch, mấy chục năm sau. Đinh Q. Lê “dệt” những hình ảnh phiến diện, trái chiều ấy, để người xem tìm lại trải nghiệm của chính mình, tìm hiểu trải nghiệm của  người kia”, như nhân vật Vô Danh trong “Cảm tình viên” (The Sympathizer của Nguyễn Thanh Việt) cảm nhận cuộc sống từ góc độ của hai người đối nghịch/thoại.

h5
Không đề 9 (From Vietnam to Hollywood)

Một bộ phận của cuộc triển lãm dành cho những sáng tác chung quanh chủ đề Campuchia: Đinh Q. Lê sinh ra ở Hà Tiên, ngay sát biên giới của đất nước Angkor. Việt Nam hay Campuchia, mỗi tác phẩm là một cuộc đi tìm, tìm hình ảnh, ký ức, bản sắc, mời gọi người xem lên đường tìm tòi cho chính mình.

Cũng trong cuộc triển lãm: cuốn phim tài liệu “Ánh sáng và hy vọng” do chính tác giả thực hiện, phỏng vấn hơn mười họa sĩ thế hệ chiến sĩ, với những ký họa về bộ đội, du kích, thường dân. Và video “South China Sea Pishkin” gợi hứng từ những hình ảnh máy bay trực thăng Mỹ chìm xuống Biển Đông tháng tư 1875.

Nguồn: https://www.diendan.org/Doi-song/trien-lam/hai-cuoc-trien-lam-o-paris

Comments are closed.