Hậu từ – “Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật”

Sarah Thornton

Như Huy dịch

Bảy câu hỏi

Từ lần xuất bản đầu tiên bằng tiếng Anh cuốn Hiểu thế giới nghệ thuật đương đại trong bảy ngày và sau đó là bản dịch của nó sang vài thứ tiếng khác, đã có rất nhiều báo và tạp chí vòng quanh thế giới phỏng vấn tôi. Tôi cũng có được cơ hội nói chuyện với nhiều loại công chúng khác nhau – những công chúng nghệ thuật nói chung, các sinh viên lịch sử nghệ thuật và xã hội học, cùng các nghệ sĩ tại rất nhiều trường nghệ thuật. Sau đây là câu trả lời của tôi cho những câu hỏi tôi thường gặp.

1. Sự suy thoái kinh tế ảnh hưởng ra sao đến các lãnh vực bà đề cập trong cuốn sách?

Từ khi thảm hoạ kinh tế xảy ra vào năm 2008, khối lượng tác phẩm bán được đã xuống dốc không phanh và các kỉ lục đặt giá là vô cùng hiếm hoi. Vào đỉnh điểm của thời thị trường bùng nổ, một phiên đấu giá chiều tối sẽ diễn ra như thể một bộ phim truyện kiểu Holywood với sự xuất hiện của các tỉ phú trong các vai diễn khách mời và sự xuất hiện thay nhau của những mức giá trên trời làm chóng mặt người tham dự. Ngày nay, các phiên đấu giá diễn ra buồn tẻ y như các vở kịnh truyền hình kinh phí eo hẹp.

Tại hội chợ nghê thuật sự mua bán diễn ra chậm chạp hơn và mối quan hệ quyền lực giữa nhà đại diện và nhà sưu tập bị đảo lộn. Nhà sưu tập không còn phải xếp hàng chờ mua tác phẩm của các nghệ sĩ được nhiều người thèm khát. Chúng ta không còn nghe câu chuyện về việc “mua ép” nữa và ngày càng ít hơn các cú toát mồ hôi lạnh trong trong phòng VIP.

Trong khi thị trường co rút lại, cấu trúc và động lực của thế giới nghệ thuật rộng lớn hơn vẫn tương đối giữ nguyên. Nghệ sĩ vẫn tiếp tục làm tác phẩm, nhà đại diện và giám tuyển vẫn tìm cách trưng bày chúng, phê bình gia vẫn bình luận về chúng. Mặc dù số lượng trang quảng cáo trên tờ Diễn đàn nghệ thuật giảm một cách chóng mặt, não trạng của Ban biên tập tạp chí vẫn không thay đổi. Cũng như thế, giáo trình giảng dạy tại các trường nghệ thuật như CalArts như thể các con tàu biển siêu trường siêu trọng vẫn lầm lũi đi bất chấp thời tiết xấu. Và như thế, như một chủ đề từng được đề cập trong chương “Buổi phê bình nhóm”, sự thay đổi lớn nhất ở đây chỉ là việc các nghệ sĩ sau khi tốt nghiệp sẽ khó khăn hơn không chỉ trong việc tìm một gallery đại diện, mà thậm chí trong việc xin một chân treo tác phẩm hay trợ lý tại đó.

Thị trường nghệ thuật là một con quái thú phức tạp không bao giờ giữ nguyên trạng. Nó u ám và thiếu hiệu quả, chịu sự chi phối của xã hội và sự mở rộng toàn cầu. Các suy nghĩ mới nhất của tôi về việc này luôn được cập nhật trên trang bài của website www.sarah-thorton.comhttp://www.sarah-thorton.com

http://www.sarah-thorton.com

2- Các sinh viên-nghệ sĩ nên suy nghĩ về thế giới nghệ thuật hay không cần quan tâm tới nó?

Thế giới nghệ thuật và thị trường nghệ thuật thực tế là các chủ đề cấm kỵ tại một số trường nghệ thuật, và điều này là đáng xấu hổ bởi suy nghĩ về một chủ đề nào đó không đồng nghĩa với việc bị chi phối bởi hay trở thành chủ đề đó. Tất cả chúng ta đều có các chiến lược sáng tạo riêng, song, một cách cá nhân, tôi không nghĩ rằng sự cố tình bỏ qua hay tự dối mình là một việc hay ho. Hầu hết các nghệ sĩ đat tới sự thành công nào đó đều có một hình ảnh khá rõ về thế giới nghệ thuật. Họ có các chiến thuật để dấn thân hay từ khước khỏi thế giới ấy tuỳ theo khí chất hay cách làm việc của họ.

3- Vị thế thực sự của một nghệ sĩ trong giới nghệ thuật là gì?

Nhìn từ góc độ ý thức hệ, người nghệ sĩ được cho là ở đỉnh chóp của thế giới ấy, song từ góc độ thực hành, thì thực tế không luôn như vậy. Ở chương 6, trên chuyến bay với Murakami cùng các trợ lý của ông, các nhà đại diện của ông và các nhân sự thuộc bảo tàng, tôi đã quan sát ví dụ hiếm ai được chứng kiến tường minh về việc hình thành giai cấp. Vào lúc ấy, nghệ sĩ đã được ngồi ở chiếc ghế quyền lực cao nhất, theo nghĩa đen. Ghế 1A. Tuy nhiên, trong thực tế, việc này luôn mơ hồ hơn. Hệ phân cấp của thế giới nghệ thuật rất phức tạp và luôn thay đổi. Thêm vào đó, nó luôn phụ thuộc vào quan điểm của người quan sát. Bất kì nghệ sĩ nào cũng đều có nhiều khoảng mờ tối khó định nghĩa trong bản thân anh/chị ta.

Các nghệ sĩ luôn bác bỏ việc có tồn tại hệ phân cấp trong cộng đồng của mình, song thật ra các hệ phân cấp ấy ở đây còn tàn bạo hơn ở các nơi khác. Có lẽ rất nhiều nghệ sĩ khinh miệt thế giới nghệ thuật bởi họ ghét việc khi ở trong thế giới đó họ buộc phải xuất hiện trong một địa vị nào đó. Mỗi chủ gallery sở hữu một bảng danh sách nghệ sĩ lớn đều nhận thức sâu sắc về sự nhạy cảm của các địa vị khác nhau. Họ có các nghệ sĩ để giúp kiếm tiền, các nghệ sĩ để giúp tăng uy tín, các nghệ sĩ họ nuôi dài hạn để chờ ngày đơm hoa kết trái. Và họ phải ứng xử khéo léo với tất cả sao cho không ai phật ý phiền lòng.

Trong phần lời nó đầu tôi đã dẫn lại câu nói đùa của John Baldessari rằng nghệ sĩ có thể đeo các dải băng chéo danh dự như các vị tướng lĩnh và thế là ai ai cũng biết chức vụ của họ. Câu đùa này rất vui, phần nào, bởi các hệ phân cấp của nghệ sĩ không có gì giống với hệ phân cấp trong quân đội cả. Chúng dựa trên các hình thức xác nhận giá trị hiệu lực, hợp pháp hoá, và chứng thực, tức tất cả những gì sẽ tạo nên một niềm tin về giá trị.

4- Phải chăng các “đối tượng nghiên cứu” của cô đã diễn tuồng với cô?

Khi bắt đầu nghiên cứu cuốn sách này, tôi là một nhà xã hội học vô danh. Chả ai trong giới nghệ thuật thèm quan tâm tới tôi để phải diễn tuồng. Khi nghiên cứu của tôi bắt đầu có đà và hồ sơ của tôi bắt đầu được chú ý (cụ thể là sau khi tuần báo The New Yorker xuất bản một bản rút gọn chương 4 của cuốn sách này), lúc đó có lẽ tôi mới bắt đầu phải đối diện với các mặt nạ và các sự quanh co. Nhưng những người đã trở thành nhân vật sinh động trong cuốn sách của tôi (chứ không đơn giản là những nhân vật tôi phỏng vấn) không diễn tuồng hay chối quanh, phần nào bởi họ cảm thấy hoàn toàn thoải mái với việc hành xử nói năng trung thực, không che đậy hay thậm chí là thô ráp. Dĩ nhiên là đôi lúc các kiểu bốc phét nào đó cũng rất thú – chẳng hạn như khi họ bịa và tin luôn vào điều họ bịa. Trong những trường hợp ấy, tôi không cắt và để người đọc tự phán xét.

5- Nhờ ai mà nghệ sĩ đạt thành công?

Không hề có một con người hay hệ thống toàn năng như thế. Từ những năm 1970, các bằng đại học và thạc sĩ đã trở nên sự hợp pháp hoá đầu tiên cho sư nghiệp của hầu hết các nghệ sĩ (các trường hợp ngoại lệ quan trọng bao gồm Maurizio Cattelan, với tác phẩm đươc dùng làm minh hoạ trang nhất cho phần này. Cattelan chưa hề theo học một trường nghệ thuật nào). Sau các bằng cấp này, và không theo một trật tự cụ thể nào, công việc của nghệ sĩ sẽ được chứng thực nhờ vào: sự đại diện của một nhà đại diện cấp một; các tài trợ, giải thưởng, và các kì nhiệm trú nghệ thuật; sự xuất hiện trên tuyền thông dưới hình thức các bài điểm triển lãm hay các bài phân tích chuyên sâu trên các tạp chí; có mặt trong các bộ sựu tập cá nhân có uy tín (một trong những điều lạ lùng của nghệ thuật là việc người mua tác phẩm lại tác động được tới danh tiếng của tác phẩm họ mua); sự chuẩn hoá của bảo tàng khi nghệ sĩ được đưa vào các triển lãm chung tại đó; sự xuất hiện tại các triển lãm lưỡng niên; các triển lãm cá nhân trong các trung tâm triển lãm công (cụ thể là các triển lãm hồi cố do bảo tàng tổ chức); và các sự đánh giá cao từ giới nghệ thuật thể hiện qua việc tác phẩm được mua đi bán lại liên tục trong các phiên bán đấu gía. Tuy nhiên, bất chấp danh sách minh bạch trên, “sự thành công” của một nghệ sĩ không đi theo tiến trình một chiều đơn giản, mà là kết quả từ các xung đột, bởi mỗi trạm thành công trong danh sách trên lại được mỗi nhóm văn hoá đặc thù khác nhau thuộc thế giới nghệ thuật kiểm soát. Việc qua được bài kiểm tra của một nhà bán đấu giá hay một hội chợ nghệ thuật khác hoàn toàn với việc có được một bài điểm triển lãm tốt trong một tạp chí nghệ thuật địa phương hay việc được chọn làm đại diện cho một quốc gia tại TLLN Venice.

Sự chuẩn hoá luôn có vẻ mâu thuẫn bởi thế giới nghệ thuật là một môi trường xã hội mà luật chính của môi trường ấy chính là sự phá luật – và luật này không chỉ được áp dụng cho nghệ sĩ mà còn cho các giám tuyển, các nhà đại diện, các nhà sưu tập, và ở một mực độ nào đó, các nhà bán đấu giá. Các giám tuyển nói về sự phá bỏ khuôn mẫu, về việc dấn thân về phía chưa biết chứ đừng lặp lại các luật lệ cũ. Các nhà sưu tập coi bản thân là kẻ sáng tạo nhờ vào “con mắt xanh”. Hầu như mọi nhà đại diện tôi từng phỏng vấn đều tự thấy họ như thể một kẻ nổi loạn (maverick).

Tuy nhiên, giữa tất cả những điều này, quan trọng là chúng ta không được quên bản thân tác phẩm nghệ thuật. Việc nó là gì? Và việc nó làm cách nào chạm vào được sự tưởng tượng của người xem để rồi đưa họ vào một chuyến du hành của trí tuệ cũng là yếu tố cốt tử cho sự thành công của nghệ sĩ.

6-Sau khi hoàn thành nghiên cứu này, bà vẫn tin vào nghệ thuật đương đại?

Vẫn tin. Tôi cảm thấy rõ rằng mình tin vào nó khi được ở bên thứ nghệ thuật làm tôi rung động, tức điều sẽ hoặc là mở cho tôi sự thần khải, hoặc sẽ làm tôi khó chịu. Dĩ nhiên dạng nghệ thuật ăn cắp ý tưởng hoặc gây mỏi mệt có xu hướng tạo ra hiệu ứng trái ngược; nó đem đến sự tối nghĩa và rối rắm. Tuy nhiên, sau tất cả, tôi không bị thu hút bởi sự mỉa mai châm biếm và tôi không tin vào thứ nghệ thuật đương đại (như một phạm trù) mà tôi thấy có vẻ hư vô chủ nghĩa hay thụt lùi.

Một trong những lý do có sự đối thoại nghèo nàn đến thế giữa các sử gia nghệ thuật và các nhà xã hội học nằm ở việc các nhà xã hội học không đủ tin vào bản thân tác phẩm nghệ thuật. Tiền đề cơ sở cho cuốn Hiểu thế giới nghệ thuật đương đại trong bảy ngày là niềm tin vào tính quan trọng của tác phẩm nghệ thuật, song rõ ràng là với tôi, trong vai trò một nhà xã hội học, tự thân tác phẩm nghệ thuật không đủ sức quyết định cách nó tạo nghĩa trong thế giới. Bất chấp thực tế rằng chủ nghĩa hình thức không còn thống trị trong nghệ thuật, vẫn có một quan niệm chính thống khá mạnh mẽ, có gì đó tự mãn (self-righteous) – của các sử gia nghệ thuật chứ không phải của các phê bình gia hay các nhà đại diện – rằng người ta nên nghĩ và viết chỉ về bản thân tác phẩm mà thôi. Do vậy, thật mỉa mai, sẽ có chút gì đó như thể dị giáo khi đòi hỏi phải quan sát cả các yếu tố ngoài nghệ thuật.

7- Sau khi xem các tác phẩm không giống ai, làm thế nào cô biết được đâu là nghệ thuật và đâu chỉ là sự vô nghĩa lí thuần tuý (nonsense)?

Đôi khi, bạn sẽ nhầm lẫn, song thường xuyên hơn, bằng bản năng – bạn sẽ nhận ra ngay. Nghệ thuật không phải khoa học, do đó có một số dạng nghệ thuật khảo sát thế giới bằng các công cụ phi lý tính. Vì lẽ đó, ngay cả sự “vô nghĩa lí” cũng có thể là một địa chỉ khảo sát hứa hẹn. Cũng như thế, cặp đối lập ở đây không phải là giữa nghệ thuật và phi-nghệ thuật, mà chủ yếu là giữa tác phẩm dũng cảm, có sức mạnh thức tỉnh và tác phẩm minh hoạ ngọng nghịu. Việc biết ai làm tác phẩm cũng luôn có ích bởi các nghệ sĩ sở hữu các ngôn ngữ riêng, do đó, người xem có thể hiểu được các tác phẩm mới một cách giàu có và tràn đầy hơn nhờ vào kiến thức họ có được từ các tác phẩm cũ của nghệ sĩ ấy. Cuối cùng, sự thưởng thức tác phẩm là có tính cá nhân. Sau khi xem vô số các dạng nghệ thuật, khi đứng trước một tác phẩm, bạn sẽ nảy ra các câu hỏi: Tác phẩm này có gợi tưởng không? Có làm ta phấn chấn sâu xa không? Ta có muốn mất thời gian với nó không? Liệu thời gian ta bỏ ra suy tư về nó có tỉ lệ thuận với sức hấp dẫn nó tạo ra cho ta không?

Comments are closed.