KHI CHẤT THỂ chống lại MƠ MỘNG; NHỤC THỂ chống lại VÔ NHIỄM; Ý THỂ chống lại VẬT CHẤT-CÁC KHẢ NĂNG MỚI CỦA TRANH VẼ

10 THÁNG HAI – 9 THÁNG TƯ

clip_image002

Nghệ sĩ: Trần Nguyễn Trung Tín và Nguyễn Văn Đủ
Giám tuyển: Nguyễn Như Huy

Thời gian: 10 tháng Hai – 9 tháng Tư, 2017

Địa điểm: Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory
15 Nguyễn Ư Dĩ, P.Thảo Điền, Quận 2, TP.HCM

Nguyễn Văn Đủ (sinh năm 1986) và Trần Nguyễn Trung Tín (sinh năm 1992) là hai đại diện thuộc lứa trẻ nhất các nghệ sĩ Việt Nam đang thực hành tranh vẽ. Và vì lẽ đó, như nói trên, các anh cũng là các nghệ sĩ ứng xử với tranh vẽ một cách thanh thản hơn hẳn các thế hệ trước mình, nhin từ góc độ coi nó là các phương tiện biểu lộ tự nhiên chứ không phải là một vũ khí/công cụ nằm trong cuộc chiến quyền lực giữa hoặc là hiện đại và truyền thống, hoặc là nhà quê, hoặc là toàn cầu.

…Tín và Đủ đều có rất nhiều điểm đối lập nhau. Các điểm đối lập ấy đã không chỉ về ý niệm hay nội dung tác phẩm, mà còn ở ngay chất liệu họ sử dụng. Chính qua các sự đối lập này giữa họ với nhau, họ đã cho thấy tranh vẽ không chỉ đơn giản là một chất liệu nghệ thuật trong mối quan hệ phân cấp có tính đối lập với các chất liệu nghệ thuật đa hoặc tân phương tiện khác, mà còn là một khu vực vô cùng giàu có nhìn theo nghĩa nó có thể kết hợp với thậm chí cả các ý tưởng và chất liệu đa phương tiện khác. Vì lý do này, việc đặt hai nghệ sĩ này trong một triển lãm chung chính là một chiến thuật của giám tuyển Nguyễn Như Huy, qua đó tìm cách nhìn rõ và tường giải các khả năng biểu lộ khác của tranh vẽ vào thời điểm dường như đang có cái gọi là sự phục sinh của tranh vẽ tại Việt Nam ở những năm đầu thế kỷ 21.

A. Nguyễn Văn Đủ: tính vật chất, xác thịt, sự thanh tẩy, phi hư cấu và cuộc đối thoại với lịch sử nghệ thuật.

…Tất cả 6 bức tranh đều mô tả các cảnh diễn ra trong lò mổ, ngập tràn sắc đỏ. Các bức tranh như xoá nhoà ranh giới giữa sự mô tả và cái được mô tả, để rối lập tức đưa ngươi xem vào một không gian vừa có tính gây nhờn gớm, bởi chất liệu vẽ của hoạ sĩ, song- bởi khả năng vẽ tả thực ở tầm mức rất cao của hoạ sĩ – lại cũng vừa có tính bất vị lợi (disinterestedness), tức tính chất nơi cái đẹp kiểu Kant.

Tuy thế, cùng lúc đó, loạt tranh của Đủ cũng lại là một sự đối thoại ngầm ẩn nhiều chiều với chính lịch sử nghệ thuật thế giới. Ta thấy những xác bò trong các bức tranh lạnh lẽo của Đủ như đang đối thoại với những con bò nhầy nhụa của Chaim Soutine, với con bò bị xẻ đôi ngâm trong bồn formaldehyde của Damien Hirst. Các bức tranh của Đủ, do đó, một cách nào đó, đã trở nên bộ phận của một mối quan tâm mỹ học chung, chi phối mọi nghệ sĩ không phân biệt quốc gia. Cùng lúc ấy, loạt tranh này, bởi tính chất phần nào như một thực hành thanh tẩy tôn giáo (nghê sĩ bỏ ăn thịt khi vẽ chúng), cũng lại đi xa hơn cái gọi là lịch sử mỹ học để biến thành một hành vi như thể hành xác tôn giáo…

…Chính bằng cách này, Đủ đã mở ra một khả năng mới mẻ và thú vị của tranh vẽ: sự trộn lẫn thực tại vào hư cấu, đối tượng vẽ vào chính hình ảnh được vẽ của đối tượng ấy, thực hành tôn giáo vào không gian mỹ học.

B. Trần Nguyễn Trung Tín; sự hư cấu, thế giới liên truyền thống, tính phi vật chất và phi quốc gia của tranh vẽ

…Tranh lụa tại Việt nam, có lẽ là cho đến trước những năm 2000 của thế kỉ trước, vẫn được coi mặc nhiên là một không gian của cũ xưa, của bình dị, của nhẹ nhàng, của hoa lá cỏ cây hay của nữ tính, tức những gì, một cách ngầm ẩn hay tường minh, phóng chiếu một kiến tạo về Á Đông, về Việt Nam như những gì gần gũi quen thuộc và gắn với thiên nhiên hiền hoà-và đặc biệt là phi hiện đại.

Tín không phải là một nghệ sĩ đầu tiên tiếp cận với tranh lụa theo lối giải kiến tạo đại tự sự truyền thống về lụa. Trong dòng nay chúng ta còn có hoạ sĩ Bùi Tiến Tuấn, với hình ảnh các cô gái ăn mặc hiện đại thời trang; có hoạ sĩ Vũ Đình Tuấn với các hình ảnh đậm chất trang trí khi anh này đưa lụa vào các khung cảnh đô thị hoá; Rồi gần đây ta có nữa hoạ sĩ Lê Thuý với các bức tranh lụa không tô nền và theo lối tả thực mà ở đó xuất hiện các bộ xương hay hình ảnh người nữ khoả thân trần trụi có lẽ của chính nghệ sĩ. Cả Bùi Tiến Tuấn, Vũ Đình Tuấn và Lê Thuý, đều tìm cách sử dụng chất liệu tranh vẽ lụa theo lối giải kiến tạo đại tự sự về bản sắc Việt Nam.

…Trong các thực hành của Tín ta tìm thấy vô số truyền thống được trộn lẫn với nhau, từ animation, minh hoạ nhật Bản đến tranh của Herman Broch. Hội hoạ của Tín, do đó, không bắt nguồn từ truyền thống và cũng không đơn giản sinh ra từ thế giới hiện tại. Nhìn ở góc độ nào đó, nó dựng nên một dạng truyền thống, một dạng Á Đông, một dạng việt nam mà ở đó tương lai và quá khứ trộn lẫn, Ta và Họ trộn lẫn, hư cấu và phi hư cấu trộn lẫn.

Song thậm chí còn cực đoan hơn, các bức tranh của Tín còn đi xa hơn khung xương hội hoạ. 9 bức tranh của hoạ sĩ chính là chân dung của 9 nhân vật do anh hư cấu ra. Mỗi nhân vật đều được minh hoạ bằng âm thanh bởi một bản nhạc nhỏ, do nhạc sĩ Tôn Thất An sáng tác riêng cho Tín.

Chính ở đây, Lụa của Tín đã vượt hẳn ra ngoài khuôn khổ của mọi cuộc tranh luận về các khía cạnh chính trị của tranh vẽ để chuyển hoá thành một chất liệu “mới mẻ, một khả năng mới mẻ đầy tính chiết trung, lai ghép và thực tế là không thể định nghĩa…

(Bài viết được được trích lược từ tiểu luận của giám tuyển Nguyễn Như Huy. Quý khách có thể tìm thấy toàn bộ tiểu luận kèm hình ảnh tác phẩm sẽ được in màu trong catalog chính thức của triển lãm. Vui lòng liên hệ với lễ tân tại The Factory để biết thêm chi tiết.)

Triển lãm được mở cửa cho cộng đồng vào ngày 10/02/2017. Tiệc khai mạc triển lãm sẽ diễn ra vào chiều ngày 17/02/2017 lúc 18h.

Triển lãm này được đồng tổ chức bởi Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory và Nguyễn Như Huy

NGUYỄN VĂN ĐỦ
(sinh năm 1986, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam)

Sinh ra tại thành phố Vũng Tàu, Nguyễn Văn Đủ không ngừng tìm tòi, thử nghiệm những phương thức mới để tạo ra nội dung sâu sắc hơn cho các tác phẩm của mình. Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh khoa Sơn dầu, tranh của Đủ tập trung vào việc khám phá nhận thức cá nhân, được hình thành từ thói quen hàng ngày và ảnh hưởng của nền giáo dục, văn hóa truyền thống tại Việt Nam (xã hội hậu chiến). Đủ đào sâu vào khía cạnh đạo đức và luân lý ẩn đằng sau chủ nghĩa dân tộc và tính bạo lực trong quá trình hình thành chủ nghĩa đó.

Tác phẩm của Đủ chủ yếu là tranh vẽ sơn dầu trên vải bố, màu nước trên giấy. Gần đây, anh bắt đầu các thử nghiệm mới vẽ bằng máu bò và máu người trên các chất liệu khác nhau như giấy và lụa.

TRẦN NGUYỄN TRUNG TÍN
(sinh năm 1992, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam)

Tốt nghiệp khoa Lụa trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, vẽ là cách Tín xem xét một đối tượng và nêu lên suy nghĩ bản thân. Qua quá trình sáng tác, anh đã khai thác và hiểu các khía cạnh của con người, sự việc, kiến thức mới, và quan trọng hơn là hiểu chính bản thân mình. Anh vẽ nhiều tranh thuộc mảng chân dung. Anh xem chân dung của đối tượng trong tranh là chân dung của sự sáng tạo bản thân. Vẽ chân dung là cách cụ thể thể hiện ấn tượng về nhân vật, nhưng đôi khi chân dung chỉ là cớ để thể hiện một cảm giác hoặc nêu lên những suy nghĩ bên trong.

TẢI VỀHÌNH ẢNHDANH SÁCH TÁC PHẨM

Nguồn: http://factoryartscentre.com/event/khi-chat-the-chong-lai-mo-mong-nhuc-the-chong-lai-vo-nhiem-y-the-chong-lai-vat-chat-cac-kha-nang-cua-tranh-ve/

Comments are closed.