Leo với Huế

Nguyễn Trọng Chức

Đến Huế tháng 10-2019, tôi được bạn hữu giới thiệu một họa sĩ nước ngoài đang sống và sáng tác tại đây: Léopold Franckowiak. Là người Pháp gốc Ba Lan, Leo (tên gọi thân mật của Léopold) đến Huế từ năm 2011 để rồi “phải lòng” xứ Huế êm đềm mà giàu có đời sống văn hóa – nghệ thuật. Sau thời gian dạy Pháp văn tại Viện Pháp ở Huế (Institut Français de Huế), Leo bắt đầu vẽ tranh từ năm 2016. Tháng 12-2018, triển lãm cá nhân “Gặp gỡ” (Rendez-Vous) của ông được tổ chức tại New Space Arts Foundation (N.S.A.F.) của anh em Lê Ngọc Thanh – Lê Đức Hải (Le Brothers), đến tháng 12-2019 “Gặp gỡ” diễn ra ở Institut Français de Huế. Giản dị và chân thành, Leo đã có một cuộc trò chuyện với người viết.

* Vì sao ông chọn Huế thay vì thành phố nào khác ở Việt Nam để sống và sáng tác?

– Tôi chọn Huế để định cư có ít nhiều ngẫu nhiên, bởi tôi từng sống sáu tháng trong gia đình một người bạn Pháp đã cưới một cô gái Huế. Thành phố này có nhiều thuận lợi dành cho tôi. Ở không xa biển cả, nơi đây có một thư viện Pháp ngữ ở Viện Pháp tại Huế – điều rất quan trọng với tôi vì tôi đọc rất nhiều sách. Thêm nữa, Huế là một đô thị xinh đẹp, không quá lớn, nơi người dân rất hiếu khách. Tôi từng sống ở Paris, và dù rất thích Hà Nội hay Sài Gòn, tôi chẳng muốn cư ngụ trong một đại đô thị, quá ồn ào, ô nhiễm, quá mất thời gian để di chuyển.

Tại Huế, tôi đã gặp họa sĩ Lê Quốc Hoàn, người sớm trở thành bạn tôi và giới thiệu tôi với cộng đồng làm nghệ thuật bản địa, đặc biệt là tại địa chỉ 15 Lê Lợi(1), một trung tâm nghệ thuật rất sôi động và là một điểm gặp gỡ quan trọng với các nghệ sĩ Huế cũng như nghệ sĩ quốc tế. Tôi nghĩ mình có thể sống lâu dài ở Huế.

* Ông nhận định thế nào về sinh hoạt nghệ thuật tại Huế?

– Tôi thật tiếc đã không biết rõ hết những gì ở Huế, và nói chung ở Việt Nam, đó là các bảo tàng mỹ thuật cổ, hiện đại và đương đại, cũng như các gallery nghệ thuật đương đại. May thay, sự thiếu sót đó gần như đã được Internet bù đắp. Nhờ vậy tôi tìm thấy được chất lượng cuộc sống ở Việt Nam vốn đã không thể tìm thấy tại châu Âu, và dễ dàng chấp nhận điều đó.

Sự hiện diện của N.S.A.F. vào thời gian đầu của tôi tại Huế là tối quan trọng. Thanh và Hải thật sự là một động lực phía sau văn hóa Huế, với năng lực và ước muốn của họ nhằm đưa nghệ thuật hiện đại vào cuộc sống, đồng thời sự tận tâm của họ nhằm kết nối các nghệ sĩ Việt Nam với nghệ sĩ từ các quốc gia khác thông qua hoạt động nhiệm trú cho các nghệ sĩ được N.S.A.F. tổ chức. Tôi cũng rất cảm kích tác phẩm của Le Brothers, qua đó họ thực hành nghệ thuật đương đại và quốc tế trong khi vẫn gắn với bản sắc Việt Nam, thể hiện một tầm nhìn sâu sắc vào lịch sử và một trí tuệ rộng mở. Tình bạn giữa chúng tôi đã sớm hình thành từ lúc tôi đến Huế cách đây tám năm.

* Từ một người thực hành nghệ thuật đương đại (sắp đặt và trình diễn) lâu năm, bằng cách nào ông đến với hội họa và đã có triển lãm “Gặp gỡ” gây được ấn tượng? Hình họa và kỹ thuật vẽ sơn dầu của ông rất vững vàng: thời trẻ, ông có học qua trường lớp hội họa nào không?

– Sự hình thành của nghệ thuật sắp đặt và trình diễn ở châu Âu hiển nhiên có dính dáng tới văn hóa phương Tây, thấm đẫm các huyền thoại Hy Lạp hoặc có liên quan về mặt lịch sử với cả Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo (tiếc là tôi không có đủ ngôn ngữ Việt để nói rõ hơn về điều này). Tuy nhiên, nếu muốn theo đuổi hoạt động nghệ thuật tại đất nước các bạn, tôi phải thay đổi phương tiện và chất liệu nghệ thuật. Và tôi đã chọn hội họa mặc dù trước đó chưa từng vẽ tranh. Vì sống trong một thế giới hình ảnh, tôi nghĩ rằng có những điều mình có thể chia sẻ dễ dàng với người khác từ những nền văn hóa khác. Những năm học trung cấp mỹ thuật tại Pháp, thời kỳ đó nghệ thuật là “hoàn toàn ý niệm” (all conceptual) nên tôi được dạy tri thức thuần túy, không học về kỹ thuật là mấy, chỉ thỉnh thoảng vẽ phác họa. Do đó, tôi phải tự học mọi thứ, và nhờ vẽ tranh hàng ngày nên tôi mau chóng tiến bộ và trau dồi về mặt kỹ thuật. Tôi chọn sơn dầu làm chất liệu vẽ tranh vì không mau khô, cho phép tôi ngày hôm sau trở lại với những gì mình đã vẽ hôm trước, nhờ đó tôi có thể hoàn thiện tác phẩm.

* Triển lãm “Gặp gỡ” hầu như chỉ có tranh chân dung. Vì sao ông chỉ vẽ tranh chân dung, đặc biệt là bộ tranh khổ lớn thể hiện chân dung Le Brothers và người mẹ của họ?

– Từ khi bắt đầu sống ở Việt Nam, khó khăn lớn đối với tôi là ngôn ngữ. Tôi không đủ khả năng và cả thời gian để học, để hiểu được tiếng Việt. Rất may là hầu hết nghệ sĩ bạn bè của tôi có thể nói tiếng Anh. Chính điều đó cũng là yếu tố thuận lợi giúp tôi đến với hội họa. Và vẽ tranh chân dung đã nhanh chóng mê hoặc tôi. Tôi luôn vẽ tranh chân dung bởi điều duy nhất khiến tôi yêu thích là con người. Đó là những người tôi đã gặp gỡ, những người tôi đã biết – đang tồn tại hay đã qua đời – những người làm cho tôi nhận biết mình là ai và vẫn tiếp tục hoàn thiện tôi. Tất cả những cuộc gặp gỡ bất ngờ trong đời đã giúp tôi trở thành một nghệ sĩ, cũng vì lý do đó mà từ khi bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật của mình, các triển lãm của tôi đều lấy tên là “Gặp gỡ”. Đó là câu chuyện tình yêu của tôi với thế giới này, cũng là những gì giúp tôi hiện hữu.

Khi Thanh – Hải mời tôi tham gia dự án nghệ thuật của họ, do đã có ý định vẽ chân dung Le Brothers nên tôi coi đây là một cơ hội. Sự khác biệt ở đây là kích thước tranh. Và tất nhiên, đề nghị của họ về kích thước tranh (khổ lớn) đã mở ra cho tôi những cách nhìn mới. Tôi rất thích thú được vẽ họ như thể những hình tượng: họ là người như thế nào, tính cách lập dị của họ, sức thu hút của họ với người khác và với khung cảnh nghệ thuật ở Huế, một tính cách mãnh liệt hơn người khác bởi họ là song sinh – luôn luôn thấy ở họ, người này cũng chính là người kia. Để vẽ chân dung Thanh – Hải, cũng có một thách thức đối với tôi: tính cách hai nhân vật giống hệt nhau. Với người phương Tây chúng tôi, bức tranh này có tác động nhanh chóng đến cảm xúc bởi phông tranh được dát bằng lá bạc – vật liệu trang trí trong tranh chủ đề tôn giáo hay vua chúa ở Đông Âu các thế kỷ trước.

Từ hai bức chân dung Thanh Hải, tôi làm một tranh bộ ba (triptych) bằng cách vẽ thêm chân dung người mẹ như một sự tương phản về tính cách với hai người con; tất cả đều được vẽ với phong cách thật cổ điển. Bà mẹ trong tranh là biểu tượng của sự yên bình, dung dị song là một phụ nữ Việt Nam với đầy cảm xúc…

* Chúc ông có thêm nhiều tác phẩm đặc sắc tại Huế.

1

Tự họa với chú khuyển

2[3]

Joconde

 

3

Chân dung Lê Quốc Hoàn trong y phục quan lại Triều Nguyễn

    4

    Tác phẩm bộ ba Nam – Bắc với chân dung Le Brothers và bà mẹ

     

    5

    Leo vẽ người mẹ của Le Brothers trong xưởng vẽ của ông trên đường Chi Lăng (Huế)

     

    6

    Chân dung Francine mặc áo pull

    clip_image002

    Đã lấy chồng

     

    8

    Lắc vòng

     

    9

    Quan lại

10

Dân Sài Gòn

Comments are closed.