Nghĩ vụn về nghề

Nguyễn Thanh Bình

Tất cả các họa sĩ trên thế giới, khi bắt đầu “hành trình” của mình, hầu như ai cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều của một “tiền bối” nào đó, để “dẫn đường”…
Tôi cũng vậy, vốn thích cơ khí, máy móc, nên rất thích các tác phẩm lập thể của Juan Gris, George Braque, một cách tự nhiên, nhưng cũng mê tranh của Gustav Klimt vi ý tưởng thể hiện độc đáo…
Trong cuộc mưu sinh vất vả ngày ấy, tôi cũng phải “vật lộn” với những ảnh hưởng từ các bậc thầy.

Bức tranh bà khách đã mua là một sự pha trộn giữa hiện thực và siêu thực, tương tự như bức “Lời cầu chúc may mắn”…
Hồi đó, tôi còn thích thú với sự trình diễn kỹ thuật, khi diễn tả chất liệu, với những ý tưởng mang tính thi ca… nghĩa là loay hoay đi tìm những bố cục bất ngờ và độc đáo. Nhưng những điều đó đã mau chóng dẫn tôi vào ngõ cụt. Tôi đã cảm thấy điều gì đó không ổn, khi cứ cố tình đi tìm những gì chỉ gây ngạc nhiên mà không tạo ra sự lôi cuốn bằng cảm xúc rưng rưng từ đáy lòng.
Một lần họa sĩ Nguyễn Xuân Việt tặng tôi cuốn sách mới xuất bản là những ghi chép của anh về cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí: “Nghệ thuật mong đạt đến cái đẹp nhẹ nhàng như hơi thở, không dụng công, giống như trời đất vậy…”.
Tôi đã thấy điều này qua các tác phẩm của Trương Tăng Giao, Cố Khải Chi, Tề Bạch Thạch… tuy tôi vẽ màu nước không giỏi và không thích vẽ bằng mực nho, nhưng tôi vẫn tìm thấy ở đó một sự gợi ý rõ ràng, chính tôi cũng mong như thế, mà chưa biết làm thế nào đạt được…
Ngày ấy, tôi khá thân với nữ họa sĩ Hoàng Minh Hằng, chị chuyên vẽ lụa, tranh tĩnh vật và phong cảnh của chị rất đẹp, một cái đẹp truyền thống, dịu dàng và đặc biệt, rất đơn giản, một sự đơn giản trình độ cao. Tranh của chị nhẹ nhàng lay động một cái gì đó sâu thẳm trong lòng và lặng lẽ gây ảnh hưởng.
Nhà tôi lúc đó gần một trường trung học, hầu như ngày nào cũng nhìn thấy cảnh tan trường, đám nữ sinh trung học trong bộ đồng phục áo dài trắng (có lẽ là đẹp nhất thế giới) túa ra rực rỡ một góc phố. Lúc đó đang còn say mê với những trang truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp và ấn tượng với tiểu thuyết “Thời xa vắng” của Lê Lựu mà những ý tưởng hoài niệm trong những tác phẩm đó gợi cho tôi nảy ra cảm hứng về loạt tranh mang chung một chủ đề “100 người đàn bà chờ đợi”…
Đến một hôm, tình cờ lạc vào giữa một tốp nữ sinh lúc tan học, trong nắng chiều tà, tôi sững sờ nhận ra vẻ đẹp trong sáng, dịu dàng và vô cùng lôi cuốn của tà áo dài trắng…
Trong khoảnh khắc, tôi cảm thấy mọi sự trở nên đơn giản, rõ ràng và thấy lòng mình chùng xuống với bao kỷ niệm vui buồn và cả niềm tiếc nuối những năm tháng tuổi trẻ đã qua…
Đạo diễn lừng danh Quentin Tarantino nói: “…nếu bạn muốn làm một cuốn phim, đừng chờ sự chấp nhận, đừng chờ điều kiện hoàn hảo, mà hãy làm đi…”. Tôi không làm phim, cũng không chờ đợi một vận may mà tôi làm theo điều mình từng mong ước là vẽ những bức tranh mà một anh xích lô hay một giáo sư đại học đều cảm nhận và yêu thích. Sau này, một đạo diễn Mỹ lừng danh khác là Steven Spielberg cũng nói một điều tương tự: “… khi đạo diễn (một bộ phim) tôi luôn nghĩ đến khán giả, vì tôi cũng là một khán giả…”.
Đi tìm cái tôi sáng tạo cho mình giữa trùng điệp những cái tôi sáng tạo khác là một điều cực khó, dung hòa một cách nhuần nhuyễn giữa cái tôi của sáng tạo cá nhân với cái tôi của công chúng còn khó hơn bội phần, nếu không nói là ảo tưởng với những ai chỉ nhìn thấy mỗi bản thân minh.
Một lần, tôi vẽ hỏng một bức tranh khổ lớn, cáu kỉnh và bực mình, tôi lấy dầu rửa cọ xóa đi, thứ dầu này vốn đục ngầu, giống màu bùn, nhưng khi nó trôi xuống, kéo theo lớp màu nền trên bức tranh vẽ hỏng, tạo nên những vệt trắng li ti chảy ròng ròng trên khắp mặt tranh như màn mưa mà vẫn để lại những vệt cọ ngang dọc, vô tình tạo nên một không gian kỳ lạ. Thấy hay hay, tôi dừng lại ngắm nghía và ngồi nghĩ rất lâu xem cái gì đặt lên nền này là hay nhất. Cuối cùng “Dàn đồng ca” nhà thờ trong áo choàng trắng xuất hiện trên cái nền kỳ ảo đó, hoàn toàn ngẫu hứng.
Tôi đã ngồi đến sáng để ngắm nhìn trong nỗi xúc động và lờ mờ cảm thấy rằng: “Tôi đã ra đến đường lớn!”.
Hội họa hiện đại (ấn tượng, biểu hiện, trừu tượng, siêu thực…) chỉ là bước phát triển tiếp theo của hội họa cổ điển, là sự “chuyển động” cực mạnh của tư duy tạo hình, đồng thời cũng là sự thể hiện tính “hướng ngoại” (khám phá) của tâm thức phương Tây, mà từ đó, thế giới ngày nay, chẳng những có nền công nghiệp và giao thương hiện đại, mà cả nền hội họa cực kỳ phong phú.
Trong khi đó, hội họa đương đại Việt Nam, từ khi ra đời đến nay (1925 – 2020) chịu nhiều “đứt gãy” dù quãng đường chưa tới trăm năm. Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, hội họa Việt Nam ở miền Bắc trước 54 mang tính dân tộc rõ nét và ở miền Nam trước 75 đi cùng nhịp với thế giới. Sự “đứt gãy” đó tạo ra sự “hụt hơi” loạc choạc, dẫn đến một diện mạo “trăm hoa đua nở”, thoạt nhìn thì rực rỡ, nhưng sớm nở tối tàn.
Nguyên nhân sâu xa nằm ở đâu, không nói ai cũng thấy.

Trong hình ảnh có thể có: thực vật

Comments are closed.