Ngọn “linh sơn” trong hội họa

Nguyễn Trọng Chức

Hiếm có một nhân vật như Cao Hành Kiện: vừa là một nhà văn xuất sắc vừa là một họa sĩ tài ba. Nếu như trong văn chương, tác giả tiểu thuyết Linh sơn đã được trao giải thưởng Nobel cao quí nhất thì tác phẩm hội họa của ông cũng được triển lãm và vinh danh khắp thế giới.

Sinh năm 1940 ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc trong một gia đình mà việc đọc sách và xem kinh kịch là một phần không thể thiếu của cuộc sống, Cao Hành Kiện đã làm quen với hội họa từ khi còn là một đứa trẻ. Năm lên mười tuổi, được người chú cho một cuốn sổ tay, ông đã viết và vẽ nhiều tranh minh họa cho truyện ngắn đầu tiên của mình. Cao Hành Kiện học vẽ tranh màu nước và tranh sơn dầu thời là học sinh trung học tại Nam Kinh những năm 1951-1957. Dù mong muốn được theo học Học viện mỹ thuật quốc gia ở Bắc Kinh nhưng mơ ước trở thành họa sĩ của ông không thành vì thân mẫu ông không đồng ý.

Tốt nghiệp khoa Pháp văn Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh năm 1962, ông đã trải qua năm năm “lao động cải tạo” ở một vùng nông thôn trong thời kỳ “Đại cách mạng văn hóa” bởi dám bày tỏ quan điểm của mình trước thảm họa này. Năm 1983, không khí chính trị ngột ngạt ở Bắc Kinh buộc Cao Hành Kiện rời bỏ thủ đô, tìm đến vùng núi non xa xôi thuộc tỉnh Tứ Xuyên, nơi ông đã đi bộ 15.000 km dọc sông Dương Tử, mà về sau này khi trở lại Bắc Kinh ông đã khởi sự viết một tiểu thuyết từ những gì đã trải qua trong những ngày một mình lang thang giữa rừng thẳm núi cao. Và “cái tôi cô đơn” ấy còn đi vào tranh ông sau này. Cao Hành Kiện đã sáng tác một số vở kịch trong những năm 1982-1986, nhưng tất cả đều không được phép đưa lên sàn diễn. Năm 1987, ông rời quê nhà sang Pháp định cư. Năm 1990, với tiểu thuyết Linh sơn cùng với hàng loạt tác phẩm văn học, kịch nghệ, phê bình… đã xuất bản, ông được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao tặng Giải Nobel văn học. Trước đó, ông đã được trao tặng Huân chương Văn học – nghệ thuật (Chevalier de l’Ordre des Arts et des Lettres) của Chính phủ Pháp vào năm 1992.

Dù thành công về mặt văn chương, Cao Hành Kiện vẫn không rời xa hội họa. Đối với ông, viết và vẽ luôn song hành để cùng giúp ông biểu đạt những tư duy và cảm xúc: “Hội họa và văn chương là hai ngôn ngữ khác nhau – hội họa được nhen nhóm trong tôi khi ngôn ngữ không thể diễn đạt được nữa. Sứ mệnh của người họa sĩ là tìm ra một ngôn ngữ mới, và thứ ngôn ngữ mới này không thể truyền tải được bằng từ ngữ”. Chỉ có một dạo, trước khi được trao tặng Giải Nobel văn học thì Cao Hành Kiện mới tạm ngưng sáng tác tranh để tập trung cho những trang viết.

Triển lãm cá nhân đầu tiên của Cao Hành Kiện được tổ chức tại Berlin (Đức) năm 1985, từ đó đến nay ông đã có hơn 30 cuộc triển lãm tranh ở hầu như khắp thế giới. Trong khoảng những năm 2008-2010, Cao Hành Kiện chủ yếu vẽ bằng mực tàu trên toan (canvas) với kỹ thuật đặc trưng hội họa của ông, ánh sáng trong tranh đã được cô đặc thành những vệt, những mảng đen, xám tạo thành những chiều kích khác nhau của cảm xúc. Sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối trong tranh được khuếch đại khi mà những nhát cọ tạo nên một sức mạnh được làm mới không ngừng, đem lại cho người xem những xúc cảm mạnh mẽ. Được hình thành trong một cõi riêng không phân định rõ ràng giữa biểu hình và trừu tượng, tranh của Cao Hành Kiện dù được vẽ trên toan hay trên giấy xuyến chỉ (rice paper) vào giai đoạn về sau đều biểu đạt sự mơ hồ của các hình thể, dẫn dắt người xem đến với những truy vấn nội tâm. Đó là thành tựu từ những kinh nghiệm của cả đời người, từ sự hiểu biết sâu sắc về tư tưởng phương Đông cũng như phương Tây, từ kỹ năng điêu luyện cả về thủy mặc Trung Hoa và hội họa châu Âu và sự trải nghiệm không ngừng với chất liệu mực nho. Dù chỉ có một màu đen nhưng mực nho trong tranh Cao Hành Kiện có tới 50 sắc độ khác nhau, giúp ông thể hiện chính xác những trạng thái cảm xúc khác nhau vào thời điểm sáng tạo. Aart van Zoest, một giáo sư chuyên ngành ký hiệu học (semiotics) trong lĩnh vực văn học Hà Lan và Pháp cũng như trong văn hóa – nghệ thuật phương Tây, cho rằng cách mà Cao Hành Kiện xử lý ánh sáng trong tranh khiến ông nhớ đến triết gia Hy Lạp Plato, người từng cho rằng thực tại của thế giới con người chúng ta chỉ là cái bóng của những ý thức hay nhận thức, đó là thời khắc sự ghi nhận thực tại diễn ra trước khi sự hiểu biết hé lộ và thời khắc đó được Plato gọi là “trạng thái mộng mị”.

Tranh mực tàu trên giấy xuyến chỉ của Cao Hành Kiện nay đã là một “thương hiệu” nghệ thuật, từng được trưng bày nhiều gallery, hội chợ nghệ thuật và bảo tàng danh tiếng của London, New York, Paris, Marseilles, Bordeaux, Aix-en-Provence, Madrid, Barcelona, Stockholm, Malmö, Berlin, Aachen, Baden-Baden, Vienna, Moskva, Poznan, Luxembourg, Bắc Kinh, Đài Bắc, Hongkong, Singapore… Cuối tháng 6-2013, triển lãm có tên “Bên bờ thực tại” (The Edge of Reality) của Cao Hành Kiện với 16 bức tranh thủy mặc được tổ chức trang trọng tại Trung tâm nghệ thuật châu Á ở Đài Bắc. Vẫn là những phong cảnh với hai màu đen-trắng, ở đó con người là những sinh linh đơn độc, hoàn toàn đơn độc sau những kiếm tìm hư ảo cuộc đời – điều mà Cao Hành Kiện gọi là “cảm giác cô đơn”, và theo ông “cảm giác cô đơn là thuộc tính độc đáo của con người”, “để tiếp nhận sự thú vị từ cảm giác cô đơn thay vì để cho nó trở thành một nỗi bi thống, ta phải kiến khảo cả những gì ở bên ngoài và những gì ở bên trong – nói cách khác, dùng một con mắt khác để lặng lẽ quan sát thế giới ngoại tại cũng như thế giới nội tại của chính mình. Con mắt thứ ba này – con mắt có khả năng vượt lên trên những giới hạn của bản thân – chính là cái mà chúng ta vẫn gọi là ý thức, hay thậm chí là tuệ thức… Chỉ khi một đứa trẻ đối diện với cô đơn, nó mới bắt đầu trở thành một người lớn; và chỉ khi một con người đối diện với cô đơn, y mới trưởng thành… Mở rộng hơn nữa, cô đơn là một điều kiện tiên quyết cho tự do. Tự do tùy thuộc vào khả năng tư duy phản tỉnh, và tư duy phản tỉnh chỉ có thể bắt đầu khi con người ở trong cô đơn… Khi những ý thức hệ, những trào lưu ý tưởng, những trò thời thượng và những trò điên khùng đang ngự trị khắp nơi, thì chính sự cô đơn khẳng định sự tự do của mỗi người” (*).

Sau khi đã trải qua hai đợt phẫu thuật tim và còn bị chứng cao huyết áp hành hạ, tác giả Linh sơn cho biết ông sẽ tập trung vẽ thay vì viết và làm phim, bởi: “Một khi ngồi vào bàn viết một tiểu thuyết, bạn không thể dừng lại được. Với Linh sơn, tôi đã mất bảy năm để hoàn thành”.

(*) Trích từ “Sự cần thiết của cô đơn” (“The Necessity of Loneliness” – Gao Xingjian, The Case for Literature, HarperCollins Publishers, 2006)

1 (2)

Cao Hành Kiện ở tuổi 73 (2012)

 

2 (2)

Dưới ánh trăng

3 (1)

Hồi kết của thế giới

4 (2)

Sống trên non cao

5 (1)

Ngôi nhà mơ ước

6

Không đề

7

Tiểu thuyết Linh sơn, bản dịch sang tiếng Anh (NXB HarperCollins)

Comments are closed.