Những lá thư Nguyễn Gia Trí gửi Phạm Tăng (2)

Thụy Khuê

2- Nguyễn Gia Trí đương đầu với Mai Thọ Truyền

Trong lá thư dưới đây, Nguyễn Gia Trí cho biết ông đã dự định chỉ vẽ những bức tranh nằm trong kế hoạch nghệ thuật của ông chứ không vẽ tranh theo đơn đặt hàng của khách, nhưng liệu họa sĩ có thực hiện được ý mình hay không?

Tài liệu 4

NGT-66-09-01

 

Thư ngày 1/9/66

NGUYỄN GIA TRÍ

36/26/8 Đường Cách Mạng

SAIGON

Saigon, 1/9/66

Anh Phạm Tăng thân mến,

Như Phong [Lê Văn Tiến] về đây và tôi nhận được tin anh tôi lấy làm mừng lắm. Muốn viết thư cho anh ngay và nhiều, mà rồi việc nọ việc kia liên tiếp, mệt quá, viết rồi lại bỏ đấy. Độ này nhiều việc, có lẽ vì đồng bạc sụt giá, tranh mình vẫn mang tiếng là đắt, mà bây giờ đâm ra rẻ hơn nhiều thứ khác. Vẫn làm có một mình vì nhân công mỗi ngày một cao, giá tranh không dám tăng nhiều (bắt đầu từ năm nay mới lên 20% đối với giá từ 1956!).

Tôi đang ráng thực hiện một chương trình làm việc hai ba năm. Nghĩa là trước kia tôi vẫn một phần nào phải làm theo ý muốn của khách hàng miễn là có công ăn việc làm thì thôi. Tuy có những phác họa muốn thực hiện cũng để đấy, họa hoằn mới có người chịu được những ý kiến của mình. Bây giờ tôi định chỉ nhận những commande nào nằm ở trong chương trình của mình thôi. Kể cũng khá rồi vì có một vài bức lớn thì đã có người nhận đặt. Trong chừng hai năm làm xong nếu có tiền tổ chức một cuộc triển lãm thì triển lãm đó nó còn tiêu biểu nghệ thuật của mình đôi chút. Mà lúc bấy giờ sẽ phải mượn lại những tranh vì là của người ta rồi, có điều mỗi tranh khác nhau không như bây giờ nhiều cái tôi phải làm tới năm lần, làm mãi phát ngấy lên, anh phải hiểu! Vừa mất thì giờ, vừa mất vật liệu, công lao. Mà bởi vì lúc cần tiền đành nhận làm vậy.

Loanh quanh những vấn đề của tôi nó cứ toàn thuộc địa phương ở đây như vậy đã chẳng ít năm nay. Đã hai ba lần tôi làm cái chương trình như vậy rồi sau lại phải phá ngang không thành gì hết. Tuy vậy, tôi cũng không tiếc gì, vì nghĩ cho cùng, cái nghệ thuật của mình nó có tính cách gì đặc biệt cũng là do ở sự sáng tác trong những hoàn cảnh và bằng những phương tiện đặc biệt của lúc bấy giờ. Nếu tôi có nhiều vốn, có nhiều thợ, nhiều thời giờ tôi chắc chắn cái lối làm của tôi và tranh sẽ khác hẳn. Và biết đâu không có cái gì thúc đẩy thì sáng tác lại khó khăn một cách khác, lại có những vấn đề khác nêu lên cho mình? Nói một cách khác là mình sẽ phải đi tìm những đề tài gì khó khăn để mình buộc cái nghệ thuật của mình, nếu không nó bông lông muốn vượt đi thoát vào chỗ không cần nghệ thuật nữa, cái thế giới không ai theo mình vào hết, mà mình vẫn hi vọng dẫn người ta đến.

Nói gì dẫn ai? Chính mình muốn tới đó đó. Nhưng hình như nghệ thuật chỉ là cái con đò nó đưa mình, mình còn bịn rịn con đò bến xưa thì khó mà qua sang bờ bên kia. Thôi, hết giấy, để lần sau.

Chúc anh chị và cháu mạnh.

Ng. Trí

Nguyễn Gia Trí gửi cho Phạm Tăng lá thư thứ tư, viết ngày 1/9/1966, lần này đánh máy. Ông cho biết những sự việc sau đây:

Tình trạng tài chính của ông đã khá hơn trước, nhưng ông vẫn làm việc một mình, vì nhân công cao lên mà giá tranh không tăng nhiều, trong 10 năm từ 1956 đến 1966, giá tranh chỉ tăng 20%.

cần tiền để sống, ông phải làm tranh theo ý khách hàng, có bức đặt làm đến 5 lần, phát ngấy. Còn những phác họa theo ý ông, rất ít người thích. Bây giờ ông quyết định chỉ nhận những đơn đặt hàng nào có trong chương trình nghệ thuật của ông thôi. Nhưng đã hai ba lần ông định chương trình như vậy, rồi phải phá ngang. Ông mong có nhiều vốn, để mượn thợ, thì tranh của ông sẽ khác.

Trong thời gian này Phạm Tăng có con gái [tên là Serena Phạm Nhật Minh].

Tài liệu 5

Tháng 10-11/1967, Phạm Tăng triển lãm tranh ở Sao Paulo (Brésil), gửi carte về thăm Nguyễn Gia Trí. Và dưới đây là thư trả lời của ông Trí. Lá thư này đáng chú ý vì ông cho biết lý do tại sao ông không đi dự triển lãm ở Sao Paulo.

NGT-67-11-06

 

Thư ngày 6/11/67

NGUYỄN-GIA-TRÍ

36/26/8 Đường Cách Mạng

SAIGON

Saigon, 6/11/67

Anh Phạm Tăng thân,

Tôi đã nhận được carte postale của anh từ Sao Paulo gửi về, và rất mừng rằng anh đã được đi như vậy. Tuy tôi đã được nghe chuyện anh Tấn ở Tổng Ty Văn Hóa và ông Nguyễn Lưu Viên nói. Tôi sở dĩ không muốn đi, vì ở nhà còn bận lắm, nợ nhiều tranh chưa trả. Tôi may ra có một commande chính phủ. Còn giấy tờ lôi thôi lắm. Vả lại mình giờ lớn tuổi rồi, chẳng muốn phân tâm nhiều việc ở ngoài nữa. Ngay như ở nhà cũng vậy, chẳng đi đâu hết mà cũng chẳng gặp ai – chẳng khác một ông thày chùa đi tu – mà sự thực như vậy. Không biết ai nói – l’art est une ascèse [Nghệ thuật là tâm thuật].

Có một hôm tôi đọc trong báo Vạn Hạnh đoạn văn này, tôi đã cẩn thận cắt ra, nghĩ bụng có dịp sẽ gửi cho anh thưởng thức. Không biết anh có kinh nghiệm đó không, làm một tác phẩm non figuratif (trừu tượng) thiệt khó là phải gột cái óc của mình hết những hình sắc cũ vẫn luẩn quẩn trong đầu mình, cái khó ấy vẫn có khi mình làm figuratif mà nó không rõ rệt bằng. Sau khi đầu óc mình thanh tịnh thì bấy giờ cái medium[1] mình dùng, dù là âm thanh, màu sắc hay nước sơn mới nói lên tiếng của nó được.

Mấy lời tâm sự với anh, thôi để thư sau. Chúc anh mạnh, vui vẻ sáng tác.

Ng. Trí

Theo thư trên, có lẽ Nguyễn Gia Trí cũng được mời dự cuộc triển lãm này (qua lời ông Tấn và ông Nguyễn Lưu Viên ở Tổng Ty Văn Hoá) nhưng họa sĩ đã từ chối: "Tôi sở dĩ không muốn đi, vì ở nhà còn bận lắm, nợ nhiều tranh chưa trả. Tôi may ra có một commande chính phủ".

Thư này cho thấy một thời kỳ sáng tác mới của Nguyễn Gia Trí đã bắt đầu với com-măng lớn của chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, ký với ông Nguyễn Lưu Viên, trong tháng 11/1967, chính là bộ ba bức tranh làm cho Thư viện Quốc gia đang xây ở đường Gia Long (xem các tài liệu số 6, số 7, số 8, số 9). Đây là thời kỳ sung mãn, điều kiện tài chính của hoạ sĩ đã khá hơn và ông đã mướn lại thợ cho xưởng sơn mài.

Ngoài ra Nguyễn Gia Trí còn cho biết cái khó khăn của tranh trừu tượng: "làm một tác phẩm non figuratif (trừu tượng) thiệt khó là phải gột cái óc của mình hết những hình sắc cũ vẫn luẩn quẩn trong đầu mình".

Đến đầu năm 1970, bộ ba bức tranh làm cho Thư viện Quốc gia[2] đã xong, Quốc Vụ Khanh Mai Thọ Truyền đòi đưa ba bức tranh này đi triển lãm ở hội chợ Osaka (Nhật) và họa sĩ đã quyết liệt từ chối. Nguyễn Gia Trí đã gửi cho Phạm Tăng bản đánh máy lá thư ông viết cho Quốc Vụ Khanh và bái báo Quyết Tiến tường thuật về vụ này.

Vụ Mai Thọ Truyền

Tháng giêng năm 1970, bắt đầu cuộc đối chất tay đôi giữa họa sĩ Nguyễn Gia Trí và Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hoá Mai Thọ Truyền. Ông Mai Thọ Truyền (1905-1973), đã từng giữ những chức vụ cao cấp trong chính quyền Bảo Đại, dưới các chính phủ Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Phan Long và Bửu Lộc. Năm 1955, ông chuyển sang ngạch Thanh tra hành chánh. Năm 1960, về hưu, ông hoạt động tích cực trong việc phổ biến Phật giáo (từ 1950). Trong cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, ông tham gia "hội đồng nhân sĩ cách mạng" và trở lại chính trường. Năm 1968, ông giữ chức Quốc vụ Khanh đặc trách văn hoá cho tới khi qua đời, năm 1973.

Những tài liệu sau đây phản ảnh vụ: Mai Thọ Truyền đòi đem ba bức tranh Nguyễn Gia Trí làm để trần thiết Thư viện Quốc gia, sang triển lãm ở hội chợ Osaka, nhưng họa sĩ nhất định từ chối. Dưới đây là lá thư ông viết cho ông Mai Thọ Truyền.

Tài liệu 6

NGT-70-01-13-1

 

NGT-70-01-13-2

 

Thư gửi cho Quốc vụ khanh ngày 13/1/1970

Nguyễn GIA-TRÍ

36/26/8 Đường Cách Mạng

SAIGON

Saigon ngày 13 tháng 1, 1970

Kính gửi Cụ Quốc Vụ Khanh

Đặc Trách Văn Hóa

Việt Nam Cộng Hòa

Sàigòn

Kính thưa Cụ Quốc Vụ Khanh,

Ngày 27.12.1969, sau khi chúng tôi được tiếp đón Cụ đến khánh thành triển lãm ba bức tranh sơn mài chúng tôi đã thực hiện để trần thiết Thư Viện Quốc Gia, chúng tôi đã được Cụ cho biết tôn ý đem những bức tranh để đi trưng bày tại Hội chợ OSAKA 1970. Cụ đã cho phép chúng tôi được suy nghĩ về dự định này.

Hôm qua, chúng tôi lại được tiếp chuyện Giáo sư Hội họa Nguyễn Văn Long, tòng sự tại Phủ Quốc Khanh Đặc Trách Văn Hóa, đến nhắc lại chúng tôi về việc đó. Để xác định những lời chúng tôi đã nói với Giáo sư Nguyễn Văn Long trong cuộc gặp mặt đó, chúng tôi xin trình bày như sau:

I.- Nguyện vọng phụng sự nghệ thuật sơn mài. Chúng tôi thường hồi tưởng đến một kỳ Hội Chợ Hà Nội (khoảng 1935-1940), được duyên may mắn nhìn thấy một tác phẩm sơn mài đầu tiên, do một họa sĩ đàn anh, TRẦN-QUANG-TRÂN, thực hiện tại Trường Mỹ Thuật Hà Nội và đem trưng bày. Nhờ được sự hứng khởi đó mà kẻ hèn này, đã chán bỏ Trường Mỹ Thuật từ năm thứ ba chẳng cần phải để Ông Hiệu Trưởng, Giáo sư hay bạn bè kêu gọi, lại quay trở về tiếp tục học và đã chọn môn làm sơn mài.

Sau cùng đây, khi chúng tôi làm ba bức tranh sơn mài để bày trong Thư Viện Quốc Gia, chúng tôi như muốn tóm tắt trong ba bức tranh này những kinh nghiệm chúng tôi đã thâu hoạch được qua ba thời kỳ học nghề. Thực ra, nếu chỉ muốn làm ba bức tranh đẹp thôi thì quả không cần biểu diễn nhiều kỹ thuật như vậy. Nhưng để bày trong một Thư Viện Quốc Gia, chúng tôi đã cố gắng làm những tác phẩm để mọi người có thể thưởng thức cái đẹp của Sơn Ta, tùy theo trình độ thẩm mỹ của mình. Một tỷ phú nếu có thời giờ bước chân vào Thư Viện Quốc Gia, sẽ thấy thích thú cái rực rỡ huy hoàng của vàng son, nhưng có thể chỉ thưởng thức được một phần trăm cái mà, trong không khí trầm lặng của Thư Viện, một người thợ ở Bình Dương hay một thanh niên nghệ sĩ về hội họa tìm ra được để phụng sự nghề nghiệp của mình.

Chúng tôi sở dĩ nói như vậy là để nêu ý nghĩa đại khái rằng ba bức tranh sơn mài chúng tôi làm có thể ví như mấy quyển sách để trong Thư Viện, cái Đẹp thực của nó chưa hẳn là hoàn toàn, và nên chỉ để nó ở nơi nó có thể thành công trong tác dụng mà nghệ sĩ đã muốn giành cho nó…

2.- Về việc đem đi trưng bầy tại Hội chợ Quốc tế OSAKA: Chúng tôi nghĩ rằng để cho các Nước trên thế giới hiểu biết thêm về Việt Nam, nhất là văn hóa, cố dĩ là một điều hay vô cùng. Nếu là một sự trưng bày trong phạm vi nhỏ của Hội Họa, nếu có một Hội Nghệ sĩ ngoại quốc có uy tín, một Bảo tàng viện ngoại quốc mời tham dự trưng bày và phụ trách cùng bảo đảm sự trưng bày thì Việt Nam sẽ chỉ có lợi, trước hết là được trưng bày trong hoàn cảnh xứng đáng, sau là không phí tổn lại được nhiều bảo đảm. Nhưng nếu trưng bày trong không khí náo nhiệt ồn ào của một Hội chợ Quốc tế, tôi e rằng chẳng khác chi không được là đem chuông đi đấm nước người nữa, mà là đem một chiếc đàn cò đến một công trường rộng lớn biểu diễn cùng với những ban đại hòa tấu quân đội đang trình diễn những bản hùng ca…

3.- Ngoài ra, việc đem đi trưng bày ba bức tranh ở OSAKA, ở một nơi xa xôi, không quen thuộc, không thể tránh được sự hư hỏng tai hại không thể sửa chữa được. Nhân đây chúng tôi kính gửi một bản nói về CÁCH THỨC GIỮ GÌN TRANH SƠN MÀI mà Phủ Văn Hóa giữ làm tài liệu. Chúng tôi tiếc rằng không thể đi theo ba bức tranh cùng với những người thợ của chúng tôi như Cụ đã đề nghị, vì chẳng dám nói dấu gì, chúng tôi còn nợ quá nhiều của những khách hàng chúng tôi, vì phải đem toàn lực trong xưởng để hoàn thành tranh của Thư Viện Quốc Gia nên mọi công việc khác đã bị đình trệ.

Vì Cụ đã cho phép bày tỏ ý kiến, chúng tôi xin thành thực tường trình, và kính xin Cụ miễn chấp những lời ý thô thiển của chúng tôi.

Kính thư,

Nguyễn Gia Trí

Trong lá thư chính thức gửi Mai Thọ Truyền trên đây, Nguyễn Gia Trí nói rõ nguyện vọng phụng sự nghệ thuật sơn mài của ông, tại sao ông nhận làm ba bức tranh để trần thiết Thư viện Quốc gia và ông từ chối việc đem ba tác phẩm này đi trưng bày ở hội chợ Osaka.

Lời lịch sự nhưng giọng đàn hặc, họa sĩ đã cho Quốc vụ khanh Văn hoá một bài học về văn hoá, về cách xử sự với nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật: Tranh ông, sáng tạo để treo trong Thư viện Quốc gia, là nghệ thuật đặt trong im lặng của bảo tàng viện chữ nghiã, không thể đem đến hội chợ cho một quần chúng xô bồ, chẳng khác gì đem đàn cò gẩy trước tai trâu.

Ta còn biết thêm: họa sĩ đã phải "dồn toàn lực vào làm ba bức tranh này" nên thợ phải dừng mọi công việc khác.

Để cho các loại "tai trâu" hiểu qua về nghệ thuật, họa sĩ viết kèm lời giải thích sau đây:

Tài liệu 7

NGT-GiaiThich

 

GIẢI THÍCH

1)- Tranh HOÀI NIỆM XỨ BẮC (3m1x2,4) dùng làm đề tài những hình ảnh cổ kính, phong cảnh, chùa đền, nhân vật ngoài Bắc, với đời sống thanh bình thời xưa, đình đám chợ búa, làm ruộng đi chùa, v.v. Phía trên có bộ tứ bình vẽ mấy danh thắng Hà Nội: Hồ Hoàn Kiếm, Ô Quan Chưởng, Văn Miếu, Chùa Một Cột. Ở giữa là bài thơ nôm của thi sĩ Tản Đà:

Dù cho sông cạn núi mòn

Còn non còn nước vẫn còn thề xưa

Non cao đã biết hay chưa?

Nước đi ra biển lại mưa về nguồn

Nước non hội ngộ còn luôn.

Hai bên và phía dười tranh là những hình ảnh và những biểu hiệu liên quan đến tinh thần đời sống của dân miền Bắc và căn bản tôn giáo Nho Lão Thích.

2)- Tranh VƯỜN XUÂN (1m8x2,4), với đề tài cổ điển Việt Nam, mấy Tố Nữ chơi đùa trong khung cảnh một vườn hoa dưới ánh trăng, có thể chẳng cần giải thích dài giòng.

Nhưng vẫn có thể có những ai phân tích tỷ mỷ tán nghĩa rằng: Sáu cô thôn nữ bên trái tượng trưng sáu Thức con người, ba cô ở khoảng giữa múa tượng trưng vũ điệu Tham Sân Si. Còn người đàn bà bồng con đứng phía bên tay mặt nhìn ra tượng trưng Thức thứ 7, cái Ta chuyển thành Tình thương, Từ Bi Hỉ Xả, dưới ánh sáng của Bồ Đề Tâm, hoặc như ở phía dười là chìm đắm trong tối tăm phiền não.

Giài thích như vậy kể ra cũng một phần nào hợp với tranh vẽ, nhưng sự thật ý định của họa sĩ không phải là để minh họa Duy Thức luận. Minh họa như vậy có họa chi làm tối nghĩa đi, mà có cái điên rồ muốn minh họa một pháp môn tinh diệu nhường ấy.

3)- Tranh TRỪU TƯỢNG (1m2x2,4) gọi tạm là trừu tượng vì không mô phỏng những sự vật mà ta thường thấy trong không gian khách quan, cùng với những biểu hiệu của những cảm tưởng hoặc tư tưởng của ta. Theo quan niệm thông thường, cái «khéo léo» của người nghệ sĩ là ở chỗ điều khiển dụng cụ cùng chất liệu thế nào để ghi làm sao cho hết những ảo ảnh trong cái gọi là không gian và thời gian. Chất liệu và cả cái công việc hội họa đều được coi là những phương tiện.

Với chất nhựa lấy ra từ Cây Sơn, một thứ cây mọc trên những đồi cằn cỗi Phú Thọ Hưng Hóa ngoài Bắc, chất liệu này xử dụng nó khó khăn phiền toái vô cùng, cho nên người nghệ sĩ phải kiên trì nhẫn nhục nhiều mới hợp tác được với nó. Nó không phải là phương tiện nữa, nó trở thành một người bạn, nó có những tính nết, những cảm tình (biết đâu đấy) mình phải chìu theo. Do đó người nghệ sĩ dần dần gạt bỏ những quan niệm, quan điểm của riêng mình, từ những hình ảnh đến những tư tưởng quen thuộc.

Thế để rồi đi tới đâu? Sáng tác một bức tranh “trừu tượng”? không thể nói là ý muốn của nghệ sĩ như vậy, (còn đâu là người nghệ sĩ nữa?) mà tự nhiên nó thành ra như vậy. Hoặc giả khi bắt đầu họa sĩ có những ý định, những ý muốn. Mà tranh xong, những ý định đó đã tiêu tan đâu rồi.

Như xưa kia, Lý Bạch đã thốt ra: "Khúc tận dĩ vong tình" phải chăng cũng một tâm trạng tương tự?

NGUYỄN GIA TRÍ

Qua những lời trên đây, Nguyễn Gia Trí giải thích ý nghiã ba bức tranh, đồng thời để lại chứng từ văn bản về ba tác phẩm nghệ thuật sáng tác có chủ ý, dành riêng cho Thư viện Quốc gia, là Hoài Niệm Xứ Bắc (3m1x2m4) Vườn Xuân (1m8x2m4) và Trừu Tượng (1m2x2m4).

Theo lời lẽ trong Tài liệu 4 (thư ngày 1/9/66), ba bức tranh này nằm trong chương trình nghệ thuật đã hoạch định.

Về ba bức tranh này, Văn Bẩy, trong bài Danh họa Nguyễn Gia Trí: ở đâu một di sản đồ sộ? ghi là của bà Trần Lệ Xuân mua để tặng Nhật Hoàng[3], thông tin hoàn toàn sai, vì ông Diệm bị lật đổ và bị ám sát cùng với ông Nhu từ năm 1963, bà Nhu bôn ba trên đất Ý, không trở về nước cho đến khi qua đời năm 2011, ở Roma.

Về tên bộ ba bức tranh này, Hoàng Hưng ghi bức thứ nhì tên là Múa dưới trăng, thay vì tên Vườn xuân, như họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã đặt trên đây. Hoàng Hưng dùng tên Vườn xuân để chỉ một bức tranh khác nhỏ hơn (1m2x1m8), họa sĩ làm năm 1970, do bác sĩ Phạm Văn Hải đặt.[4] Nhiều chỗ khác cũng nhắc đến bức Vườn xuân. Vậy để tránh sai lầm, có lẽ nên đánh số lại các bức Vườn Xuân của Nguyễn Gia Trí, theo thứ tự thời gian sáng tác.

Vụ Quốc vụ Khanh Đặc trách Văn hoá Mai Thọ Truyền lạm quyền, áp đặt lên họa sĩ Nguyễn Gia Trí kéo dài, phải nhờ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu can thiệp mới xong. Nội bộ vụ này được tường thuật trong nhật báo Quyết Tiến, cũng là nội dung của tài liệu 8 dưới đây:

Tài liệu 8

clip_image012[4]

Nhật báo QUYẾT TIẾN số 1533 ra ngày Thứ Bảy 24-1-1970

Một Vụ Án Văn Nghệ Đang Làm Sôi Nổi Dư Luận Saigon: Họa Sĩ NGUYỄN GIA TRÍ TÌM CHỖ TỴ NẠN CHO 3 BỨC TRANH SƠN MÀI TẠI DINH ĐỘC LẬP, 4 TÁC PHẨM CỦA HỌA SĨ BỊ ÔNG QUỐC VỤ KHANH MAI THỌ TRUYỀN "HỐT" ĐEM ĐI OSAKA

SAIGON 23-1 (QT) Họa sĩ Nguyễn Gia Trí sáng nay ông đã phải kêu gọi tới sự can thiệp của Tổng Thống [Nguyễn Văn Thiệu], Thủ Tướng [Nguyễn Cao Kỳ] và xin cho 3 tác phẩm sơn mài của ông được tá túc tại Dinh Độc Lập để tránh sự đụng độ với Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hóa Và Giáo Dục. Họa sĩ Trí đã phải dùng tới biện pháp trên nhằm tránh sự đe dọa từ Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa Mai Thọ Truyền cho hay sẽ dùng tới biện pháp mạnh để đem 3 tác phẩm sơn mài trên ra khỏi nhà họa sĩ Trí để gừi sang trưng bày tại gian hàng VN tại Hội chợ Quốc tế OSAKA (Nhật) khai mạc vào tháng tư tới. Được hỏi về biện pháp mạnh trên, ông Trí nói rằng QVK Truyền cho hay sẽ dùng tới Cảnh Sát và Thừa Phát Lại để làm công việc này. Nguyên do của việc trên, theo họa sĩ Trí, bắt nguồn từ 3 tác phẩm sơn mài do ông sáng tác để trưng bày Thư Viện Quốc Gia đang xây cất ở đường Gia Long. 3 tác phẩm sơn mài này trị giá theo hợp đồng với chính phủ lên tới 2.475.000$00[5] và ông vừa hoàn thành sau 27 tháng làm việc. Họa sĩ Trí cho hay, ông sáng tác tác phẩm trên để trang hoàng Thư Viện Quốc Gia chứ không phải để đem trưng bày ở những nơi không có khung cảnh thích hợp. Trong bức thư gửi cho Tổng Thống, Họa sĩ Nguyễn Gia Trí tố cáo dự định đem một hai bức tranh của ông đi OSAKA nhằm mục đích che lấp những sự tồi tàn của một sự sửa soạn tắc trách, sự phản đối của ông Trí còn nhằm vào sự kiện ông không hề được QVK Mai Thọ Truyền báo trước dự định đem tranh của ông đi OSAKA. Tất cả những sự phản đối của Họa sĩ Trí đều căn cứ vào những điều liên quan tới bản quyền tinh thần của tác giả đối với tác phẩm của mình. Quyền này cho phép tác giả tác phẩm văn nghệ, trong đó có họa phẩm, được quyền từ chối không cho tác phẩm mình đem trưng bày ở một nơi nào đó mà không có sự đồng ý của mình. Họa sĩ Trí cho hay, ông sẽ giao tranh cho QVK Truyền khi có một giao kèo bảo đảm tác phẩm của ông được dùng đúng như hợp đồng đã ký kết. Ông Trí cũng cho hay, ông đang chờ phản ứng của Tổng Thống, Thủ Tướng về vụ này và cho rằng QVK Mai Thọ Truyền, một người lo về văn hóa không thể dùng tới Cảnh Sát và Thừa Phát Lại để đối xử với văn nghệ sĩ như vậy. Một điểm đáng lưu ý mà ông Trí không muốn đề cập tới nhưng theo một người thân của ông thì Chính Phủ chưa trả hết tiền đặt làm bộ tranh trên. Mặt khác, sau khi có những lời hăm dọa từ Phủ QVK và ông Trí gửi thư nhờ Tổng Thống và Thủ Tướng can thiệp, Ngoại Trưởng Trần Văn Lắm đã đến tư thất của ông Trí, cuộc viếng thăm không được họa sĩ Trí mô tả như một cuộc dàn xếp mà chỉ là một cuộc viếng thăm văn nghệ của cá nhân ông Lắm. Cần nhắc lại là Họa sĩ Nguyễn Gia Trí hiện được coi là một họa sĩ tạo những tranh sơn mài đắt giá và có giá trị nhất. Bộ tranh sơn mài gồm 3 bức ở trên có tên "Hoài niệm xứ Bắc" (dài 3m1 cao 2m4), "Vườn Xuân" (dài 2m4 cao 1m8) và "Trừu Tượng" (dài 2m4 cao 1m2). Họa sĩ Nguyễn Gia Trí còn là một nhà Cách Mạng lão thành, đồng chí với lãnh tụ VNQDĐ Nguyễn Tường Tam.

Bài báo này mô tả tính cách thiếu văn hoá của Quốc vụ khanh "Đặc trách Văn hoá" Mai Thọ Truyền và phản ứng mãnh liệt của họa sĩ.

Nhưng còn cho ta biết một chi tiết khác: Bộ ba bức tranh làm cho Thư viện Quốc gia trị giá: 2.475.000$00, và Nguyễn Gia Trí đã hoàn thành sau 27 tháng làm việc.

Để bảo toàn tác phẩm của mình, họa sĩ đã phải viết thư cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, và có lẽ ông Thiệu đã tích cực can thiệp, nên Mai Thọ Truyền mới chịu thua.

Vụ Quốc vụ khanh Mai Thọ Truyền lạm quyền, muốn áp đặt họa sĩ Nguyễn Gia Trí chấp nhận việc đưa tranh ông dự hội chợ Osaka, tuy đã chấm dứt, nhưng hậu quả còn kéo dài, gây cho ông những bực mình nối tiếp. Họa sĩ tỏ ý chán chường về sự lạm dụng của thế quyền và cả về môi trường sống. Tranh mất giá mà vật giá gia tăng, cuộc sống của ông dường như khó khăn hơn.

Lá thư dưới đây, ngoài những chi tiết thêm về vụ Mai Thọ Truyền, còn cho chúng ta biết giá tranh của Nguyễn Gia Trí, vào giữa năm 1970.

Tài liệu 9

NGT-70-05-22-1NGT-70-05-22-2

 

Thư ngày 22/5/1970

NGUYỄN GIA TRÍ

36/26/8 Đường Cách Mạng

SAIGON

Saigon, 22.05.70

Anh Phạm Tăng thân,

Sau khi làm xong ba bức tranh cho Thư-viện Quốc Gia, (từ cuối 1967, hai năm trời), tôi lại phải chống đối một vụ Quốc-vụ-Khanh Văn-Hóa muốn đem tranh tôi đi bày Hội-chợ Osaka. Không chịu cho đem đi, họ dọa đem cảnh-binh lại "hốt" bằng được. May mà tôi còn giữ được tranh trong xưởng vì Thư-viện chưa xây xong. Vậy mà tới nay họ còn dai đẳng đòi tôi giao tranh, và dọa kiện tại Tòa. Câu chuyện này riêng nó đủ làm anh thấy tình trạng văn-hóa ở đây thế nào, và đời sống nghệ-sĩ thế nào!

Tôi thực cũng nhờ ơn Phật độ, các Tổ phù trì, nên tới nay vẫn còn sống được, sáng tác được, chứ không thì chết sớm về vật-chất cũng như về tinh-thần rồi.

Để tôi gửi kèm đây vài tài liệu anh coi cho biết chuyện. Bài giải thích để phát cho những người đến coi tranh, cắt nghĩa qua quít cho họ khỏi hỏi lôi thôi, nhất là cái có đề tài non-figuratif. Tôi không thích théoriser về nghệ thuật của mình, nhưng giá có anh ở đây lúc nào rảnh đấu láo với nhau cũng vui.

Nói về vấn-đề trong thư 10.5.70 của anh, tôi rất cảm ơn anh vì tôi biết đã bao nhiêu năm anh vẫn hằng nghĩ về đó nhiều.

1°/ Về 5 bức tranh anh nói đó, vừa hay tôi cũng có 5 tấm đang làm dở dang, mà được cái không là nợ nần ai hết, tùy hứng làm lai rai, mà chưa ai biết để lấy cả. Kích thước và giá như sau:

– 34 x 45, nu (38.000$)

– 50 x 62, Cánh đồng quê (75.000$)

– 60 x 80, (120.000$) Đi chùa

– 60 x 110, (165.000$)

– 92 x 120, trừu-tượng (275.000$)

Những giá tiền này là theo thường lệ, tôi tính máy móc theo kích thước, trên giá căn bản 250.000$ một m2. Tổng cộng 675.000 mà tính anh chẵn là 650.000$, vì anh định trả tiền trước. Anh không biết, chuyện này ở Việt Nam bây giờ quan hệ và khiến làm ăn khó khăn lắm, vì giá đồng bạc sút mau một cách kinh khủng.

Và nếu anh phụ trách việc gửi tranh, v.v. thì tôi mới dám nhận. Vì nếu anh không có phương tiện đặc biệt để chuyên chở, thì theo tôi biết, có nhiều thủ tục xuất cảng, thuế má phiền toái ghê, tôi cũng không tìm hiểu xâu xa bao giờ. Biết như vậy nên tôi xuy nghĩ chẳng bõ bôn ba, để thời giờ tâm trí vào nghệ-thuật, nó vất vả một cách khác dễ chịu hơn. Sau nhiều năm lăn lộn, tôi thấy cứ an phận nghèo kiết xác, thế mà có lợi.

Anh thấy không, tôi chẳng bao giờ muốn cạnh tranh với ai. Ở những nơi như Trường Mỹ-Thuật, hay ở những nơi người ta trông đợi thầu những món trang trí, phủ Tổng-Thống, v.v. tôi chẳng bao giờ bén mảng. Chỉ mới có việc làm tranh cho T.V.Q.G. tôi làm do Ô. Nguyễn Lưu Viên tự ông ấy đến mời, tôi làm mà rồi xảy ra bao nhiêu chuyện bực mình. Khó lắm anh ạ!

2°/ Chuyện của anh bàn, tôi thấy cũng hay. Nếu có marchand d’art nào đấy, sáng suốt và tin tưởng, ký giao kèo với mình làm, trong vòng 2 năm, 15, 20 thước vuông gì đó; tùy mình muốn làm gì thì làm; kích thước, đề tài, v.v. tùy mình hết. Giao kèo tôi ký với ông Nguyễn Lưu Viên cũng vậy, tổng cộng thế mà cũng được 14m2, ngoài ra tôi cũng phải làm thêm chừng dăm thước vuông nữa, vì những món nợ còn lưu lại. Mà được miễn hết các sắc thuế, thuế trước bạ, thuế sản xuất, thuế môn bài thì tôi không có cửa hàng khỏi phải đóng nhưng muốn mua vàng bạc hay nhập cảng gì trực dụng phải qua trung gian một nhà xuất nhập cảng. Bây giờ muốn thực hành ý kiến của anh, tôi không biết mình phải làm thế nào? Ở đây giá có một marchand d’art nào lo mọi việc cho mình, mình trả cho họ 30% cũng khó. Để tôi thử nhờ người nghiên cứu xem.

5 bức tranh sơn mài tôi đề nghị với anh đại khái cũng tiêu biểu vì đủ các lối, cổ điển cũng có mà trừu-tượng cũng có. Nhưng tôi đã kinh nghiệm bản thân, giá Trời cho tôi sống 100 năm nữa, thực hiện những mơ tưởng của tôi cũng không hết. Mà làm nhỏ cỡ 35×45 nó khác, làm cỡ những mural hàng 5, 10m nó lại khác, mỗi cái một vẻ. Càng lớn càng huy hoàng!

Thôi để thư sau, chúc anh cùng gia đình quý mến của anh (đã thêm mụn nào nữa chưa?) mạnh giỏi và hạnh phúc.

Thân mến,

Ng. Trí

Chú thích

Hoạ sĩ ghi tay bên lề:

1967: 150.000$/m2

Cuối cùng:

– Nguyễn Gia Trí không phải đem tranh đến "tỵ nạn" ở dinh Độc Lập, như lời tường thuật của báo Quyết Tiến, mà có lẽ việc này được Tổng Thống Thiệu dàn xếp, cho nên hoạ sĩ vẫn giữ tranh ở nhà: "May mà tôi còn giữ được tranh trong xưởng vì Thư viện chưa xây xong".

– Ngày 10/5/1970, Phạm Tăng viết thư ngỏ ý muốn mua tranh Nguyễn Gia Trí, và được họa sĩ cho biết: hiện ông có 5 bức đang làm dở, chưa ai biết, để đặt mua, có thể bán cho Phạm Tăng.

Nhân dịp này, Nguyễn Gia Trí cho biết giá tranh của ông năm 1970, như sau:

– 34 x 45, khoả thân (38.000$), (tương đương với 137 đô la), tính theo hối suất 1970.

– 50 x 62, Cánh đồng quê (75.000$) (270 đô la).

– 60 x 80, Đi chùa (120.000$) (433 đô la).

– 60 x 110, (165.000$) (595 đô la).

– 92 x 120, trừu tượng (275.000$) (992 đô la).

Tranh Nguyễn Gia Trí bị mất giá vì đồng tiền VNCH không ngừng xuống giá.

Năm 1967, giá tranh Nguyễn Gia Trí là 150.000 đồng/m2 tức 1875 đô la/m2 (tính theo hối suất 1 đô-la=80 đồng VNCH, năm 1966).

Năm 1970, tranh Nguyễn Gia Trí giá 250.000 đồng/m2 (902,58 đô la/m2) (tính theo hối suất 1 đô la = 277 đồng, năm 1970).

Vậy giá tranh năm 1970, chỉ bằng nửa giá tranh năm 1967. Bởi vì đồng tiền VNCH sụt giá, vì thế đời sống của họa sĩ ngày càng khó khăn thêm.

Năm bức tranh Nguyễn Gia Trí bán cho Phạm Tăng, diện tích tổng cộng là 2,707m2, tính gọn là 2,7 m2, trị giá 675.000 đồng (2.436 đô la) nhưng ông bớt cho bạn, chỉ lấy 650.000 đồng (2.346 đô la).

Ba bức tranh làm cho Thư viện Quốc gia, tổng cộng diện tích 14,54 m2, trị giá 2.475.000 đồng (tức 30.937,5 đô la), tính theo hối suất 1966. Nhưng đến năm 1970, khi ông được trả hết tiền thì giá tranh chỉ còn là 8.910, 9 đô la, nếu tính theo hối suất năm 1970.

Những thông tin quý giá này cho ta biết rõ giá tranh của Nguyễn Gia Trí và hiểu thêm tại sao ông nghèo.

(còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.fr.fr


[1] Médium trong hội họa là chất thêm vào để nối kết những thành phần khác nhau (sơn, màu,…) như dầu làm cho mau khô (huile scicative), dầu cất (huile essentielle), nhựa thiên nhiên hoặc nhân tạo, v.v.

[2] Thư viện Quốc gia ở đường Gia Long, Sài Gòn, thời VNCH, nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp, số 69, Lý Tự Trọng, Q. 1. TpHCM.

[3] Văn Bẩy, Danh họa Nguyễn Gia Trí: ở đâu một di sản đồ sộ? Thể Thao Văn Hoá cuối tuần, 25/7/2013 và được nhiều nơi chép lại trên Internet.

[4] Hoàng Hưng, Nguyễn Gia Trí, bậc đạo sư của sơn mài nghệ thuật, in trong sách Những người lao động sáng tạo, nxb Lao Động, 1998. Có thể đọc trên mạng: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13595&rb=0202.

[5] Tức 2.475.000 đồng bạc VNCH.

Comments are closed.