Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ Miền Nam (kỳ 152): Phạm Đình Chương: Xóm Đêm

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2021)

Xóm Đêm – Sáng tác: Phạm Đình Chương

Trình bày: Ban Hợp Ca Thăng Long (Pre 75)

 

Đọc thêm:

Ca khúc “Xóm Đêm” (Phạm Đình Chương) – Bức tranh của một xóm nghèo hơn 60 năm trước

clip_image006

Trong nền âm nhạc nhiều màu sắc của miền Nam sáng tác trước năm 1975, có rất nhiều ca khúc nói về cảnh nghèo, kiếp nghèo, phận nghèo. Nói đến “nhạc nghèo”, người ta hay nhớ đến dòng nhạc đại chúng trong các băng “thời trang nhạc tuyển”. Nhưng những ca khúc nghèo của dòng nhạc này thường rơi vào trường hợp thậm xưng, cực tả cảnh nghèo với những lời than thân trách phận, không thực tả bức tranh của cảnh đời.

Có ba ca khúc nhạc nói về cảnh nghèo khó, khốn khổ của tầng lớp lao động ở Sài Gòn ngày xưa được nhiều người đánh giá cao và có giá trị trường tồn theo năm tháng, đó là Kiếp Nghèo (Lam Phương), Phố Buồn (Phạm Duy) và Xóm Đêm (Phạm Đình Chương).

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác rất đa dạng, từ những bài ca giàu tình cảm như Mộng Dưới Hoa, Thuở Ban Đầu, ray rứt như Nửa Hồn Thương Đau, Đêm Cuối Cùng, vui tươi như Ly Rượu Mừng, Sáng Rừng… riêng bài hát Xóm Đêm đã thể hiện được sự nhạy bén của ông trong việc mô tả chân thật bức tranh xã hội. Về bản chất, Xóm Đêm là một bài tình ca, một bài tình ca tràn ngập niềm tin yêu dù trải qua những khó khăn thiếu thốn, đôi khi là cùng cực.

Đường về canh thâu.

Đêm khuya ngõ xâu như không mầu,

qua phên vênh có bao mái đầu

hắt hiu vàng ánh điện câu.

clip_image008

clip_image010

Đây cũng là một ca khúc có giai điệu bolero hiếm hoi của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Tuy cũng là bolero nhưng màu sắc của bài hát khác hẳn với những ca khúc giai điệu bolero mà người ta thường hình dung. Xóm Đêm được sáng tác từ đầu thập niên 1950 và nổi tiếng qua giọng ca Thái Thanh cùng ban hợp ca Thăng Long.

Đến nửa thế kỷ sau, khi ca sĩ Quang Dũng cover lại bài hát này hồi đầu thập niên 2000, tạo thành một cơn sốt trong giới thưởng ngoạn, ở thời điểm nhạc trẻ đang làm mưa làm gió.

Lúc đó nhiều khán giả trẻ đã ngơ ngác không biết nhạc sĩ Phạm Đình Chương là “nhạc sĩ trẻ” nào mà lại có một bài hát xuất sắc đến như vậy. Giá trị của bài hát này đã được khẳng định xuyên thế kỷ, xứng đáng với tên gọi là ca khúc vượt thời gian. Tuy nhiên khán giả thế hệ sau sẽ không thể nào hình dung được hình ảnh một xóm nghèo thời thập niên 1950 như thế nào, thế nào là “đêm khuya ngõ xâu”, “ánh điện câu” và “phên vênh” là gì. Ca sĩ Quang Dũng đã hát sai câu hát “qua phên vênh có bao mái đầu” thành “qua chênh vênh có bao mái đầu”, làm cho câu hát trở thành tối nghĩa.

clip_image012

Tấm phên

“Phên” là tấm che được đan bằng tre, những nhà nghèo thời những năm 1950 ở một xóm nhỏ nghèo, nhiều vách nhà được che bằng tấm phên (còn gọi là nhà vách nứa), lâu ngày mưa nắng làm tấm phên bị cong vênh lên tạo thành một khe hở, nhạc sĩ nhìn qua khe “phên bị vênh” ấy, thấy có những mái đầu trong 1 gia đình đông con chụm lại dưới ánh đèn “hắt hiu vàng ánh điện câu”.

Đêm khuya ngõ xâu như không mầu,

qua phên vênh có bao mái đầu

hắt hiu vàng ánh điện câu.

Câu hát đắt giá này có tới ba chi tiết có thể gây khó hiểu cho khán giả trẻ. Nhiều người tưởng là “ngõ sâu”,* nhưng thực chất, nếu xem lại nhạc tờ thì thấy ghi là “ngõ xâu”, là câu hát ngắn gọn mô tả những ngõ hẻm trong xóm nghèo đan xâu chằng chịt vào nhau. Bấy giờ có khi cả xóm mới có một công tơ điện, mỗi nhà chỉ câu nhờ một bóng đèn vàng võ hắt hiu, nên tác giả gọi là “ánh điện câu”. Dòng “điện câu” thường rất yếu, những ngọn đèn vẫn sáng lên, nhưng là một thứ ánh sáng yếu ớt, vàng vọt!…

clip_image014

Đường dài không bóng.

Xa nghe tiếng ai ru mơ mòng.

Mưa rơi rơi xóa lối đi mòn.

Có đôi lòng vững chờ mong.

Ai chia tay ai đầu xóm vắng im lìm.

Ai rung lên tia mắt ngàn câu êm đềm.

Mong sao cho duyên nghèo mai nắng gieo thêm.

Đẹp kiếp sống thêm.

Màn đêm tịch liêu.

Nghe ai thoáng ru câu mến trìu.

Nghe không gian tiếng yêu thương nhiềụ

Hứa cho đời thôi đìu hiu.

Đêm tha hương ai vọng trông.

Đêm cô liêu chinh phụ mong.

Đêm bao canh mưa âm thầm,

Theo gió về khua cơn mộng,

hẹn mai ánh xuân nồng.

Cho nên đêm còn dậy hương,

để dìu bước chân ai trên đường,

để nhìn xóm khuya không buồn

vì người biết mang tình thương.

clip_image016

Cũng giống như ca khúc Kiếp Nghèo của nhạc sĩ Lam Phương có hình ảnh “Êm êm tiếng hát ngân nga ôi lời mẹ hiền ru thiết tha”, trong bài Xóm Đêm cũng có bóng dáng của mẹ hiền. Trong đêm tối tăm của xóm nhỏ nghèo, trong cái vàng hắt hiu của ánh điện kia lại thấy bừng sáng lên tiếng ru nghe thật trìu mến của người mẹ, cũng là người cô phụ có chồng phải xa nhà. Họ chia tay nhau nơi đầu xóm vắng, trao đổi với nhau bằng đôi mắt muốn nói lên ngàn lời thương yêu, hứa hẹn đôi lòng vững niềm đợi mong nhau và hy vọng ngày mai sẽ có nắng ấm về làm đẹp mối duyên nghèo.

Đông Kha

Nguồn: https://nhacvangbolero.com/ca-khuc-xom-dem-pham-dinh-chuong-buc-tranh-cua-mot-xom-ngheo-hon-60-nam-truoc/

*Trong bản nhạc mà chúng tôi (T.Vấn) có trong tay, xuất bản ngày 27-10-1967, ghi là “ngõ sâu”. Trong khi đó, bản đăng trên nhacvangbolero.com – nguồn của bài đọc thêm chúng tôi trích dẫn – lại ghi là “ngõ xâu”, bản này không ghi ngày tháng xuất bản.

Comments are closed.