Tô Văn Trường
Sài Gòn xưa, nay là Thành phố Hồ Chí Minh, đã từng được vinh danh là “hòn ngọc Viễn Đông”. Là công dân thành phố, tôi rất quan tâm đến đến cuộc thi tuyển do Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phương án thiết kế “Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và Thiết kế kiến trúc các công trình trong Khu trung tâm hành chính Thành phố”, nhằm lựa chọn phương án thiết kế quy hoạch và kiến trúc đạt yêu cầu cao nhất, tối ưu tại vị trí trang trọng nhất Thành phố, có kiến trúc hài hoà giữa khối công trình được bảo tồn, tôn tạo với khối công trình được xây dựng mới, và hài hoà với kiến trúc của khu vực xung quanh.
Nhiều người dân thành phố đã được chứng kiến triển làm các đồ án tại địa chỉ 72 Lê Thánh Tôn từ ngày 21-1-2015 đến ngày 25-1-2015 vừa qua với các đánh giá khác nhau, tùy theo góc nhìn và nhận thức của mỗi người.
Đề xuất
Một công trình kiến trúc mang tính biểu tượng, một trung tâm của quyền lực thì phải được xây dựng trên triết lý kiến trúc, chứ không chỉ đơn thuần là công trình thiết kế phô diễn “hình thể” hay kỹ thuật. Công trình mới phải giải quyết bài toán khó về:
– Bảo tồn công trình di sản.
– Bảo tồn không gian kiến trúc đô thị.
– Bảo tồn biểu tượng.
– Tuân thủ các quy định quy hoạch đô thị về chiều cao, khoảng lùi.
– Đề xuất những hành động mang tính kiểu mẫu cho việc bảo tồn, quy hoạch và phát triển đô thị.
– Đáp ứng công năng sử dụng của công trình.
Với các cuộc thi, người ta thường xem xét nhiều phương án giải quyết một vấn đề, tránh việc chấm điểm từ trên xuống dưới, chỉ dựa vào các phán quyết theo cảm tính. Như vậy, cuộc thi này nên đưa ra các tiêu chí đánh giá một cách rõ ràng. Tiếp theo, phân loại các đồ án theo phương án đề xuất. Sau đó, với mỗi phương án, áp các tiêu chí đánh giá lên từng đồ án để từ đó chọn ra đồ án tốt nhất theo từng phương án. Cuối cùng là sự đánh giá giữa các đồ án tốt nhất của mỗi phương án để từ đó chọn lựa được đồ án tốt nhất.
Quan điểm kiến trúc
Là người đã tham gia công tác quy hoạch lâu năm, dù không phải lĩnh vực kiến trúc nhưng tôi có thể hiểu việc trước tiên của cuộc thi này là xác định các tiêu chí cụ thể để đánh giá.
-TP. Hồ Chí Minh là thành phố có lịch sử của hơn 300 năm hình thành và phát triển. Công trình mới phải lưu giữ được tính chất lịch sử của thành phố, đặc biệt, theo đề bài, hai khối nhà, toà nhà UBND thành phố và khối nhà số 159 – 161 Lý Tự Trọng là di sản kiến trúc cần được bảo tồn.
Hình 1: Toà nhà UBND Thành phố cần bảo tồn
Hình 2: Toà nhà 159-161 Lý Tự Trọng cần bảo tồn (nguồn: Tim Doling)
– Một công trình mang tính biểu tượng thì tất cả hành động diễn ra trên công trình này đều được nhìn nhận như hành động kiểu mẫu và mang tính dẫn dắt, hướng dẫn cho việc phát triển đô thị. Các hành động đề xuất đều phải cực kỳ thận trọng vì người ta xem đây như là một hình mẫu để làm theo. Bởi thế, nếu đề xuất ở đây mang thông điệp sai, sẽ kéo theo những hành động sai ở những nơi khác trong việc xây dựng và bảo tồn kiến trúc đô thị của thành phố.
– Một số đồ án đề xuất đập bỏ toà nhà 159- 161 Lý Tự Trọng là vi phạm đến nguyên tắc bảo tồn thì hành động dỡ nóc toà nhà này của đồ án số 110 cũng khó thuyết phục người dân. Ngay cả phương án di dời công trình đi vài chục mét của đồ án số 107 cũng là hành động cần xem xét vì sẽ dẫn đến nguy cơ những di sản còn lại của thành phố sẽ viện dẫn vào trường hợp này như là một ví dụ để lý giải cho hành động di dời sau này. Chưa kể, trong nguyên tắc bảo tồn, thì bảo tồn tính chân thật của công trình, trong đó bảo tồn vị trị và tính toàn vẹn của công trình là điều rất quan trọng.
Hình 3: Mô hình dỡ nóc toà nhà 159-161 Lý Tự Trọng của đồ án 110
Hình 4: Mô hình di dời toà nhà 159-161 Lý Tự Trọng của đồ án 107
Những đồ án đạt tiêu chí nói trên là đồ án 105, 106, 108, 109, 113, v.v.
– Trong đề bài, việc khó nhất không chỉ là bảo tồn công trình đô thị mà còn cần bảo tồn không gian kiến trúc đô thị. Công trình mới cần giải quyết những “hạt sạn” rất to hiện nay, đó là sự lổm nhổm của các toà nhà sau lưng khối nhà UBND thành phố và càng phải tránh tạo thêm những hình khối nặng nề xung quanh. Do vậy, đồ án nào áp dụng thủ pháp xử lý hình khối phù hợp được xem là thành công lớn nhất của công trình.
– Đồ án 106 đã xử lý khéo léo làm bằng cách tạo ra tấm màn bằng kính mỏng, nhẹ nhàng để che lấp các toà nhà lởm chởm phía sau và làm nổi bật công trình phía trước bằng thủ pháp tương phản.
Hình 5: Phối cảnh đồ án 106
Đồ án 113 cũng chọn cách xử lý hình khối nằm ngang rất ấn tượng, bằng cách tạo ra một “phông màn” nhẹ nhàng uốn lượn phía sau toà nhà UBND thành phố.
Hình 6: Phối cảnh đồ án 113
Trong khi đó, một số đồ án chọn thủ pháp hình khối thẳng đứng sẽ góp phần làm rối không gian đô thị của công trình cần bảo tồn:
Hình 7: Mô hình đồ án 105
Hình 8: Phối cảnh đồ án 107
Hình 9: Phối cảnh đồ án 109
– Với việc xây dựng toà nhà Trung tâm Hành chính TPHCM, bên cạnh việc bảo tồn không gian kiến trúc đô thị, còn là bảo vệ tính biểu tượng của công trình. Một công trình biểu tượng phải có tính liên tục, trường tồn, không thể tạo ra biểu tượng khác, thay thế cho biều tượng cũ. Để bảo tồn không gian này thì mọi nỗ lực cần phải tăng cường tính ấn tượng, hoành tráng cho công trình lịch sử hiện hữu.
– Đồ án 108, 109 và 113 tuy có hình khối rất ấn tượng, nhưng có nguy cơ lu mờ biểu tượng cũ, làm gián đoạn tính liên tục của lịch sử của biểu tượng hay thậm chí tạo ra biểu tượng mới (toà nhà UBND thanh phố không còn là biểu tượng nữa). Như vậy, có thể nói, những công trình làm lu mờ hay thậm chí là nhấn chìm, đè nặng lên toà nhà di sản phía trước cũng là vi phạm bảo tồn biểu tượng, bảo tồn không gian kiến trúc đô thị.
Hình 10: Mô hình của đồ án 113
Hình 11: Mô hình của đồ án 109
Hơn nữa, một công trình mang tính biểu tượng thì biểu tượng cần phải được nhìn thấy ở mọi góc độ và người dân phải cảm thấy vừa gần gũi vừa trang nghiêm. Do đó, với những đồ án tạo ra biểu tượng chỉ nhìn thấy được ở trên cao hoặc có những đồ án, nhìn từ trên cao sẽ biến toà nhà UBND thành phố hiện hữu thành “chân đế” của công trình mới là vi phạm “tinh thần” của công trình cần bảo tồn.
Hình 12: Mô hình của đồ án 108
– Đồ án 106 đã chọn thủ pháp lặp lại khối nhà nằm ngang bằng một khối nhà nằm ngang khác để tăng cường tính nằm ngang (horizontality) của một công trình và đối chọi lại với các công trình thẳng đứng khác (verticaltality) đang xây dựng rất nhiều xung quanh, đồng thời hài hoà tổng thể với công trình hiện hữu phía trước là một đồ án xử lý rất hay về bảo tồn biểu tượng.
Hình 13: Mô hình xử lý hình khối theo chiều ngang của đồ án 106
– Việc xây dựng một công trình kiến trúc biểu tượng cũng phải căn cứ vào bối cảnh lịch sử, chính trị, xã hội. Công trình toà nhà Trung tâm Hành chính được xây dựng trong bối cảnh xã hội đổi mới, hướng đến một xã hội dân chủ, dân sự mà trong đó, các đồ án có những thiết kế mang tính mở, những quảng trường, khu vực dân chúng có thể tham quan, chụp hình, thảo luận,… là mang tính đột phá, cần được quan tâm.
– Công trình toà nhà Trung tâm Hành chính còn là sản phẩm của đổi mới xã hội “một cửa, một dấu” nên phải đảm bảo công năng, đáp ứng nhu cầu làm việc của 2000 con người ở các sở, ban, ngành. Tuy nhiên, việc tập trung các cơ quan vào một khối nhà sẽ dẫn đến việc tắc nghẽn di chuyển trong toà nhà mà chúng ta đã gặp ở công trình toà nhà hành chánh trung tâm tỉnh Bình Dương (mất khá nhiều thời gian chờ đợi tại cửa ra vào mỗi khi đi vào toà nhà này). Những đồ án tập trung vào một khối nhà, chẳng hạn đồ án 109 hoặc đồ án 112, cần phải lưu tâm vấn đề “ách tắc giao thông” này.
Hình 14: Phối cảnh của đồ án 112
– Một số đồ án như 106, 110 đã giải quyết vấn đề này bằng chia nhỏ công năng thành các khối nhà nhỏ phía sau, đồng thời phân tán lối tiếp cận vào công trình.
Hình 15: Phối cảnh đồ án 106 phân nhỏ công năng công trình ở các khối nhà phía sau
Hình 16: Phối cảnh đồ án 110 phân nhỏ công năng công trình ở các khối nhà phía sau
– Công trình kiến trúc còn phải giải quyết các vấn đề phát triển xã hội cũng như các vấn đề về không gian kiến trúc và quy hoạch đô thị. Do vậy, các đồ án buộc phải tuân thủ những quy định của quy hoạch đô thị về chiều cao, khoảng lùi.
– Ngoài ra, việc xây dựng công trình mới cũng phải giải quyết bài toán về không gian xanh, thể hiện xu hướng mới trong kiến trúc hướng tới không gian xanh, sinh thái.
Đồ án 113 là đồ án đáp ứng tốt nhất xu hướng này bằng các lớp thảm sinh vật uốn lượn quanh các tầng toà nhà.
Hình17: Các thảm thực vật trong đồ án 113
Thay cho lời kết:
Mỗi đồ án dự thi đều có ưu khuyết điểm riêng, và không dễ để lựa chọn chỉ ra ngay đồ án tốt nhất nếu không dựa vào các tiêu chí đánh giá. Trao đổi với những người bạn cùng quan tâm đến quy hoạch kiến trúc của thành phố, chúng tôi ấn tượng nhất với đồ án số 106 của Pháp và 113 của Bỉ. Đồ án 107 của Nhật và 109 của Hongkong (đề xuất toà nhà hình… cục đá) cũng được nhiều người quan tâm nhưng tiếc là vi phạm nguyên tắc về bảo tồn công trình di sản, bảo tồn không gian kiến trúc đô thị và biểu tượng về quy hoạch đô thị (giới hạn chiều cao, khoảng lùi).
Với tất cả các quan điểm nêu ở trên, tôi thật sự mong đợi ban tổ chức sẽ chọn được đồ án tốt nhất cho công trình biểu tượng của thành phố thân yêu của chúng ta và qua công trình này chuyển tải một thông điệp thể hiện nguyện vọng của chính quyền thành phố cũng như mong ước của người dân về việc bảo tồn lịch sử, phát triển đô thị và xây dựng một đô thị hiện đại, một xã hội đang đổi mới hướng nhiều hơn đến người dân.
T. V. T.
Nguồn: http://www.boxitvn.net/bai/32604