Thông tin nghệ sĩ tháng thực hành nghệ thuật chuyển động Brown

Heritage Space

1. Yun Woo Choi

clip_image002

Choi chia sẻ với khán giả rằng quá trình tư duy bằng ngôn ngữ luôn diễn ra trong không gian 2 chiều, bởi ngôn ngữ bao giờ cũng là kí hiệu biểu đạt (represent) một thứ gì đó, và tư duy bằng ngôn ngữ là một hoạt động tuyến tính. Trong khi đó, hiện thực lại là 3 chiều (3-dimension reality). Choi muốn đưa cái hiện thực 3 chiều đó vào trong quá trình tư duy. Chẳng hạn, trong một tác phẩm được trình chiếu với khán giả của Heritage Space, Choi đã biến chương ghi chép cuộc hành trình Exodus đi tìm miền đất hứa của dân tộc Do Thái trong Kinh Thánh thành một cấu trúc nổi ba chiều. Anh muốn nhìn ngôn ngữ, không phải như là một kí hiệu trên một mặt phẳng, mà muốn ba chiều hoá chúng, nhìn chúng như những sự vật (object) tự thân thay vì biểu đạt đến một thứ gì khác nằm ngoài chúng. Bằng cách đó, Choi muốn vượt ra khỏi ý nghĩa của Kinh Thánh và tìm cách biểu hiện một thứ hiện thực khác.

clip_image004

clip_image006
Chủ đề ba chiều hoá các mặt phẳng này trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của Choi. Ở một tác phẩm khác, anh tạo một khối hình dây đồ sộ từ những tờ tạp chí bỏ đi, dùng mặt phẳng 2 chiều của trang tạp chí để kiến tạo nên một tổ hợp 3 chiều uyển chuyển và sống động. Trong tác phẩm này, người xem sẽ nhận thấy từ một mặt phẳng khá trật tự, những hình khối tuôn ra đầy dữ dội và hỗn độn.

Hầu hết những tác phẩm của Choi là nỗ lực biểu đạt tính chất đa chiều, phức tạp của hiện thực. Trong một tác phẩm, anh sử dụng các mảng ghép nhiều màu để ba chiều hoá một bức tranh, mà qua đó mỗi người xem khi đứng ở những vị trí khác nhau sẽ có một cái nhìn riêng biệt về tác phẩm. Choi nói với các thính giả rằng, anh muốn người xem dịch chuyển giữa các chiều không gian khác nhau thay vì bị khoá kín trong một chiều không gian duy nhất, nhờ đó quan sát được nhiều thứ hiện thực khác nhau trên cùng một sự vật. Thôi thúc người xem có những góc nhìn khác nhau, nhiều tác phẩm của Choi có kích thước khá đồ sộ và chiếm khá nhiều không gian. Bản thân anh cũng đề cập đến một khó khăn mà anh rất hay gặp phải trong quá trình thực hiện các dự án nghệ thuật, đó là tìm được một không gian gallery đủ lớn để anh có thể trình diễn các tác phẩm của mình.

( Đức Anh)

2. Thierry Fontaine

Là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhưng các tác phẩm của Thierry Fontaine lại giàu tính sắp đặt, tạo hình. Có lúc, anh tìm cách xóa bỏ những thứ hữu hình để bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc không thể gọi tên, nhưng cũng có lúc, anh lại làm đầy lên những phức tạp và tinh tế. Những gì ngôn từ bất lực, anh lại dùng hình ảnh để khám phá, cứ thế, anh trở thành người tìm hình của vật, của người. Không một ai có thể trở thành đại diện của loài người, nhưng xóa đi đại diện ấy chính là cách để phô bày toàn bộ những gì chỉ thuộc về một cá nhân cụ thể. Trên tất cả, đó là những sự chuyển dịch vô thanh, có khi vô hình nhưng lại được Thierry Fontaine khéo léo dựng lên.

clip_image008

Mỗi bức ảnh của anh đến từ một khoảnh khắc khác nhau, thậm chí chúng có thể được đặt cạnh nhau theo một trật tự nào đó. Chắp nối những khoảnh khắc, phủ lên trên chúng những chất liệu của điêu khắc, họa sĩ, của cả những gì không thể nhất. Những vỏ bọc trong các tác phẩm của anh là chiếc cúc áo, những ốc vít, những trang báo được mạ vàng… Nếu như vỏ bọc của con người trong cuộc sống này là những bức tường ngăn cách thì vỏ bọc trong các tác phẩm của anh lại là thứ giúp con người vẽ thành hình những thứ tưởng như không tồn tại. Đó là vỏ bọc được dệt nên trong mơ của hiện thực:“Tôi tạo ra một giấc mơ, các loại giấc mơ đến từ cuộc đánh bạc. Tất cả các bức ảnh của tôi là những giấc mơ. Tôi tạo ra mỗi người trong số họ, không phải bằng những bức ảnh. Họ không đại diện cho trò đánh bạc ấy, nhưng họ gợi lên nó một cách kín đáo. Họ không phải là những khái niệm”. Bằng cách ấy, Thierry Fontaine đã gợi chúng ta hướng đến những khả thể khác ngoài sức tưởng tượng của con người, đồng thời chứng minh sức sáng tạo không ngừng của anh.

clip_image010


3. Ludwika Ogorzelec

Các tác phẩm của nữ nghệ sĩ Ba Lan Ludwika Ogorzelec được đánh giá là biểu tượng hình mẫu của nghệ thuật thị giác thế giới. Đôi mắt là thứ cho ta tiếp xúc với những màu sắc, những chuyển động một cách chân thực nhất, vì thế mối quan tâm lớn nhất của Ogorzelec là tất cả mọi chất liệu và tín hiệu thị giác mà bà tìm thấy ở quanh mình, nhờ vào con mắt, khả năng nhạy cảm và sự hiểu biết.

clip_image012

Thủy tinh hóa không gian – tức là khiến cho thứ người ta vẫn tưởng rằng trống rỗng vô hình trở thành thủy tinh – một loại vật chất trong suốt. Như vậy, không gian sẽ càng rộng mở hơn trong những góc cạnh của thủy tinh, và thủy tinh cũng trong trẻo hơn trong lòng không gian. Không gian với Ludwika Ogorzelec là nguồn cảm hứng đặc biệt, bởi đó là môi trường tốt nhất để phát huy thị giác con người, nó tạo cho bà nguồn cảm hứng vô tận để sáng tác. Với bà, không gian lúc nào cũng đầy ắp, để bà có thể cắt nó ra, chia nhỏ nó, chuyển dịch nó và thậm chí, biến nó thành một vật chất hoàn toàn khác.

Nằm trong chuỗi sự kiện Tháng thực hành nghệ thuật dựa trên ý tưởng Chuyển động Brown của nghệ sĩ Trần Trọng Vũ, các tác phẩm mà Ogorzelec mang đến không nằm ngoài đề tài của những chuyển động phức tạp, tinh tế của cuộc sống. Những làn sóng vô hình trong không khí, những chuyển động của bụi, của vi khuẩn – những điều mà người đời không nhận thấy lại chính là chất liệu đầu tiên và cơ bản nhất để bà sáng tác. Đâu là lý do để bà lựa chọn không gian làm nơi lưu trữ những biến động? Đâu là nguyên nhân để bà có mong muốn chia nhỏ không gian? Ludwika Ogorzelec chắc chắn sẽ đem lại cho chúng ta những câu chuyện thú vị về thế giới không gian nghệ thuật của bà.

clip_image014

Trần Trọng Vũ: Bản chất lưu trú nghệ thuật
đã là chuyển động Brown
02. 12. 15 – 8:09 pm

Chung Tử Dạ

Vẫn cần mẫn đi về giữa Việt Nam và Pháp, nhưng lần này trong một vai trò khác – cố vấn nghệ thuật tại tháng thực hành nghệ thuật của Heritage Space. Người ta bắt đầu suy nghĩ, có thể họa sĩ Trần Trọng Vũ đang có những chuyển biến mới trong hành động, bởi anh vốn thích gieo vào lòng công chúng những hạt mầm trăn trở, và bây giờ, có thể là gieo vào một thế hệ nghệ sĩ.

clip_image016

Họa sĩ Trần Trọng Vũ

Không muốn lôi thôi suy diễn, chúng tôi đã hẹn gặp anh, một cuộc gặp chóng vánh nhưng chất lượng, như cách anh luôn rảo bước rất nhanh với gương mặt đầy suy nghĩ.

*

Chương trình Thực Hành Nghệ Thuật đã diễn ra tại Trung Tâm Văn Hóa Heritage Space một nửa chặng đường. Chúng tôi vẫn chưa hiểu tại sao lại là Chuyển động Brown?

Chuyển động Brown là một định nghĩa không mới và đã ảnh hưởng đến rất nhiều những lĩnh vực từ văn học, toán học đến chứng khoán… Tôi nhận lời mời của Heritage Space và nhận ra những nghệ sĩ lưu trú mới đến sẽ rơi ngay vào khu Mỹ Đình, một khu vực hỗn loạn và phức tạp của Hà Nội. Một ví dụ điển hình của chuyển động Brown trong xã hội, khi mà mọi hành động đều không thể tuân theo chủ đích mà tác động lên nhau, hình thành một chuỗi ý thức hỗn độn. Với đợt lưu trú đầu tiên này tại Heritage, đây có vẻ là đề tài khá trực diện về hiện thực Việt Nam.

clip_image018

Nghệ sĩ Trần Trọng Vũ trong buổi nói chuyện Hiện thực! Hiện thực! Hiện thực! – Tháng thực hành nghệ thuật

Một định nghĩa không mới mà lại điển hình cho hiện thực Việt Nam?

Vì Việt Nam thể hiện nó rõ quá. Bất kì một hiện tượng truyền thông bình thường nào cũng làm cho xã hội chuyển động như thể đó là tác động của một cuộc khủng bố.

Tôi chưa sống ở nước ngoài, vậy nước Pháp thì không như thế?

Một anh Lệ Rơi xuất hiện ở Pháp chắc chỉ tạo ra một chuyển động Brown rất nhỏ tác động đến… vài ba người. Chỉ có những khủng hoảng lớn như đợt khủng bố vừa rồi tại Paris mới tạo nên những ảnh hưởng khổng lồ, vì nó để lại những vết sẹo. Thật buồn vì trong một xã hội quá dễ chuyển động như ở Việt Nam, khi mà những chuyện cỏn con cũng tạo ra sự hỗn độn lấn át những vấn đề xã hội khác, thì lại khó lòng để lại một vết sẹo đủ sâu, với bất cứ chuyện gì.

clip_image020

Nghệ sĩ Trần Trọng Vũ (phải) và nghệ sĩ Trương Quế Chi trong buổi chiếu phim Mặt Trời Đen – Tháng thực hành nghệ thuật

Và anh mong muốn nghệ sĩ phát triển tác phẩm dựa trên quan niệm về chuyển động này?

Không hẳn như vậy. Chắc chắn nghệ sĩ sẽ tìm hiểu về nó nhưng tôi không ép họ tư duy theo ý muốn của mình. Khi quy tụ họ lại, về cơ bản tôi đã đưa họ vào một môi trường mới, và họ chính là những hạt phân tử đang chịu tác động của chuyển động Brown trong cuộc thí nghiệm kéo dài một tháng. Hiện tại tôi chỉ dõi theo cách họ ứng xử với không gian, không khí, nhịp điệu trong cách họ làm việc… nếu tôi tác động quá nhiều, sẽ không còn ngẫu nhiên theo nguyên lí Brown nữa.

clip_image022

Nghệ sĩ Thierry Fontaine và nghệ sĩ Trần Trọng Vũ trong buổi nói chuyện Mỗi người là một hòn đảo – Tháng thực hành nghệ thuật

Vậy anh có lo sợ nghệ sĩ sẽ chủ đích làm tác phẩm phục vụ cho cái tôi cá nhân, rồi gán ghép ý niệm về chuyển động Brown vào?

Đa phần nghệ sĩ vẫn làm những điều mà họ đang theo đuổi. Ví dụ như nghệ sĩ Yun Woo Choi với thuyết vật lí vũ trụ, hay Ludwika Ogorzelec  với những làn sóng vô hình trong không khí, những nghệ sĩ trẻ Việt Nam với trăn trở về liên kết giữa tâm lí bản thân với xã hội… tôi không muốn và cũng không nên cưỡng bức họ làm điều gì khác theo chủ đề mình đưa ra.

clip_image024

Ludwika Ogorzelec đang gia cố tác phẩm trên cao tại Dolphin Plaza

Việc các nghệ sĩ nước ngoài phải nhanh chóng thích nghi văn hóa, chia sẻ không gian, ứng phó với những vấn đề mới nảy sinh từ sự khác biệt. Các nghệ sĩ trẻ Việt Nam phải làm việc cùng những tên tuổi lớn và sẽ đặt tác phẩm của mình cạnh bên sẽ tạo một áp lực không nhỏ buộc họ phải không ngừng chuyển động. Tất nhiên tôi có mong đợi họ lưu tâm đến chủ đề xuyên suốt tôi đặt ra. Nhưng nếu không, cuối chặng đường chắn chắn họ cũng sẽ nhận thấy tác động trực tiếp của nó lên quá trình thực hành nghệ thuật của mình.

clip_image026

Yun Woo Choi và một tác phẩm của mình

Đã nửa tháng trôi qua, vậy anh đã thấy họ “chuyển động” như thế nào?

Nửa tháng thôi mà, một tháng của Thực hành nghệ thuật thậm chí còn là quá ngắn để thay đổi, nhất là với cái tôi nghệ sĩ. Tôi chưa biết họ khác gì trong quan niệm nghệ thuật. Nhưng việc Yun Woo Choi sử dụng thời báo và tạp chí của Việt Nam làm chất liệu chắc chắn đã là một thay đổi lớn về ý niệm, Ludwika Ogorzelec đang gia cố tác phẩm để chống chọi với đợt gió mùa vừa về, đây cũng là lần đầu tiên Thierry Fontaine sắp xếp một bố cục hoàn toàn mới và kết hợp cùng người Việt Nam… đó là những ví dụ chuyển động điển hình.

clip_image028

Thierry Fontaine và ảnh chụp tác phẩm

Còn với nghệ sĩ Việt Nam?

Tôi chưa thấy rõ lắm, họ chuyển động… hơi chậm. Nhưng chỉ cần một ngã rẽ tư duy nho nhỏ trong bản thân họ, đó đã là thành công đối với dự án.

Tôi đang nghi ngờ rằng lần này là một bước đi đầu tiên của việc anh sẽ chuyển hướng thành một một “thầy giáo”, trở về cố vấn và định hướng cho nghệ sĩ tại quê hương?

Tôi mong muốn Heritage Space sẽ đảm nhận vai trò đó, như một trường học không chính thức đưa nghệ sĩ nước ngoài đến chia sẻ những kiến thức không tồn tại trong trường lớp chính quy, là nơi giao thoa và tiếp cận với nghệ thuật thế giới. Còn về phần tôi, hiện tại tôi vẫn phải làm việc ở Pháp và chưa nghĩ đến chuyện này, mà cũng có thể đúng trong tương lai, biết đâu được.

Chân thành cảm ơn anh!

clip_image030

Ludwika Ogorzelec và một tác phẩm

Chương trình “Tháng thực hành nghệ thuật” với chủ đề “Chuyển động Brown” diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Heritage Space (Tòa nhà Dolphin, 28 Trần Bình, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) từ ngày 15/11 đến 18/12 với sự góp mặt của 3 nghệ sĩ thị giác lừng danh thế giới:Ludwika Ogorzelec (Ba Lan), Thierry Fontaine (Pháp), Yun Woo Choi (Hàn Quốc) cùng những nghệ sĩ trẻ Việt Nam như Trương Quế Chi, Đỗ Thanh Lãng, Quách Huy Bắc, Trần Kim Hạnh.

Chuyển động Brown (đặt tên theo nhà thực vật học Scotland Robert Brown) là một quá trình chuyển động ngẫu nhiên và liên tục, mô phỏng chuyển động của các hạt trong môi trường lỏng.

http://soi.today/?p=192812

Comments are closed.