TIỂU THUYẾT RU CỦA NHÀ VĂN KIM THÚY: QUYỂN TIỂU THUYẾT VIỆT NAM-CANADA ĐẦU TIÊN

clip_image002

 

Cây bút khách mời Nguyễn Vinh bình luận tiếp về tiểu thuyết Ru của nhà văn Kim Thúy. Quyển tiểu thuyết này được giới thiệu lần đầu tiên trên diaCRITICS qua bài bình luận của Isabella Thuy Pelaud với bản gốc tiếng Pháp. Xuất bản lần đầu vào năm 2009, Ru là sự phản ảnh của Kim Thúy về hành trình di cư và thời thơ ấu của một đứa trẻ Việt Nam trên đất Canada. Vào thời điểm xuất bản, Ru được viết bằng tiếng Pháp, nhưng hiện nay tiểu thuyết này đã được Sheila Fischman dịch ra tiếng Anh. Nguyễn Vinh sẽ bình luận về bản dịch tiếng Anh của quyển tiểu thuyết Việt Nam-Canada này. For the original English version of this article, click here.

[Bạn đã đăng ký nhận bài của diaCRITICS chưa? Đăng ký để trúng thưởng! Đọc thêm chi tiết ở đây.]

clip_image008

Trong buổi giới thiệu sách mới đây tại Toronto nhằm quảng bá bản dịch tiếng Anh mới phát hành của quyển tiểu thuyết tiếng Pháp đoạt giải thưởng này, Kim Thúy đã hỏi tôi một câu bằng tiếng Việt: “Ru chính là từ đẹp nhất trong ngôn ngữ của chúng ta đúng không anh?” Một từ đơn âm tiết, để chỉ điệu hát ru con trong tiếng Việt và chỉ một dòng chảy, dòng suối nhỏ trong tiếng Pháp, được lựa chọn kỹ càng để làm tựa đề cho quyển sách của cô, và từ Ru đã thành công trong việc định hình và bao quát tất cả những mảnh ghép khác nhau tạo nên câu chuyện kể trong Ru. Những chủ đề chính của tác phẩmRu: chiến tranh và di cư, nghĩa vụ làm mẹ và gia đình, đấu tranh và hồi sinh; tất cả vang lên chỉ trong một từ “Ru”. Đó là điều mà Kim Thúy đã làm được chỉ với một từ, quả vậy chỉ với lượng ngôn từ ngắn ngủi thôi, đã tạo nên vẻ đẹp cho từ “ru” cũng như quyển tiểu thuyết mang tên nó.

Là một nhà ngôn ngữ học đã qua trường lớp và từng là một dịch giả, tình yêu của tác giả đối với ngôn từ cũng đã thể hiện rõ trong con người cô ngoài đời thật, và bản chuyển ngữ tinh tế của Sheila Fischman đã không đánh mất đi niềm đam mê ngôn ngữ và ngữ nghĩa này cũng như chất thơ trong tác phẩm. Kim Thúy cho biết trong buổi giới thiệu sách rằng cô cố gắng nắm bắt cái hồn của sự tĩnh lặng và sự nhẹ nhàng trong quá trình viết tác phẩm này, và dưới bàn tay của Fischman, ngay cả những khúc đoạn thương cảm nhất cũng được chuyển tải đầy sống động. Hãy xem đoạn văn miêu tả cuộc vượt biên khỏi Việt Nam của nhân vật trên một chiếc tàu:

Chiếc bóng đèn nhỏ lủng lẳng trên sợi dây diện quàng vào một chiếc đinh gỉ sét tỏa ra thứ ánh sáng nhờ nhờ. Dưới lòng thuyền không thể phân biệt được ngày hay đêm. Ánh sáng rọi từ chiếc bóng đèn bảo vệ chúng tôi khỏi sự mênh mông của biển và đất trời xung quanh. Những người ngồi trên mạn thuyền kể cho chúng tôi nghe rằng không có biên giới phân tranh giữa màu xanh của trời và màu xanh của biển. Nào ai biết được là chúng tôi đang tiến đến thiên đường hay đang đi sâu xuống đáy biển. Thiên đường và địa ngục đều có cả trong lòng của chiếc thuyền này. (3)

clip_image010

Minh họa của Jiny Ung

Điểm mạnh của Ru nằm ở cách Kim Thúy kể lại câu chuyện giờ đây đã hết sức quen thuộc của người Việt Nam về chiến tranh, vượt biên và định cư. Câu chuyện chủ đạo tường thuật lại những trải nghiệm của Nguyen An Tinh – một hiện thân của chính tác giả – và hành trình của nhân vật này từ đất nước Việt Nam bị chiến tranh tàn phá đến Canada. Suốt trong chuyến hành trình này, nhân vật luôn suy ngẫm về nhiều vấn đề khác nhau như bệnh tự kỷ, nạn mại dâm, con lai, tình yêu và những chuyến hồi hương. Tiểu thuyết không hề tản mác và lạc đề, ngược lại các đoản văn kết dính với nhau tạo ra cho tác phẩm một cấu trúc không theo khuôn phép thông thường – thành quả của sự nỗ lực của tác giả trong việc mô phỏng lối kể chuyện không liền mạch hay bắt gặp trong đời thường, cái bản chất hết sức ngắn gọn của ký ức và hồi tưởng.

Kim Thúy có lối viết văn duyên dáng và cách kể truyện đầy hấp dẫn, nhưng điều làm Ru hấp dẫn tôi là sự ra đời của tác phẩm đã đánh dấu một thời điểm lịch sử ở Canada. Ru là tiểu thuyết Việt-Canada đầu tiên, hay đúng hơn, quyển tiểu thuyết đầu tiên được viết nên bởi một người gốc Việt sống trên đất Canada, hay là quyển sách đầu tiên của một Việt kiều Canada được quảng bá dưới hình thức truyện tiểu thuyết. Như đã nói ở trên, cuộc đời của nhân vật hư cấu có nhiều điểm giống với cuộc đời của Kim Thúy, và quyển sách có thể được xem như một hồi ký nếu tác giả không đổi tên nhân vật. Tuy vậy, nhờ quyết định thay ngôi xưng “tôi” của Kim Thúy bằng ngôi xưng “tôi” hư cấu của nhân vật, Ru giành được danh dự là cuốn tiểu thuyết Việt-Canada đầu tiên.

_______________________________________________________________

Bạn có thích đọc diaCRITICS không?

Nếu thế thì mời đăng ký nhận bài hoặc GÓP TIỀN GIÚP ĐỠ.

Xem các lựa chọn ở góc phải bên trên, đăng ký qua email hoặc bản tin RSS.

_______________________________________________________________

Cùng với một vài tác phẩm khác, tiểu thuyết này tạo hình “dòng văn học Việt-Canada”: những hồi ký do Việt kiều Canada viết (Ý chí nơi Thiên đường: Câu chuyện về một người Việt Nam và thế giới sụp đổ của anh ấy của Nguyễn Ngọc Ngạn & đồng tác giả E.E.Richey;Rời bỏ Việt Nam của Nguyễn Minh Thanh [?]; Cô bé trong bức ảnh: Câu chuyện về Kim Phúc, bức ảnh, và cuộc chiến Việt Nam của Kim Phúc & đồng tác giả Denise Chong; Đất nước mãi xanh: Hồi ký về Việt Nam của Thương Vương-Riddick), các tuyển tập thơ của Việt kiều Canada (Đôi bờ/ Deux Rives của Thương Vương-Riddick), các tác phẩm của Việt kiều gốc Hoa ở Canada (Rút máu và những phương thuốc thần kỳ Sự đánh cược của thầy Hiệu trưởng của Vincent Lâm), và các tiểu thuyết mà tác giả không phải là Việt kiều Canada nhưng các nhân vật trung tâm lại là người Việt (Thời gian ở giữa của John Bergen và Điều chúng ta mong đợi của Dionne Brand). Trong khi nhiều tác phẩm trong số này thành công theo cách riêng của mình, sự xuất hiện của Ru trên văn đàn, với thành công về mặt thương mại và phê bình đại chúng đã làm công chú chú ý đến những trải nghiệm của người Việt kiều Canada và dòng văn học miêu tả các trải nghiệm này, cũng như khả năng tự thể hiện bản thân của người Việt kiều Canada qua nghệ thuật tiểu thuyết đầy thi vị.

Người dịch: Nguyễn Thị Như Ngọc và Đỗ Ngọc Quỳnh Chi.

Nguyễn Vinh là nghiên cứu sinh ngành Văn chương và Nghiên cứu văn hóa tại Đại học McMaster University. Anh sống ở Toronto, Canada.

Nguyễn Thị Như Ngọc (Trưởng bộ môn Biên – Phiên Dịch, Khoa Ngữ Văn Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội – Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp.HCM, và đang là nghiên cứu sinh của chuyên ngành Ngôn ngữ học so sánh tại trường) và Đỗ Ngọc Quỳnh Chi (Giảng viên bộ môn Biên – Phiên Dịch, Khoa Ngữ Văn Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội – Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp.HCM. Học viên cao học chuyên ngành TESOL).

diaCRITICS hân hạnh khi có được Jiny Ung minh họa cho bài báo này. Jiny Ung chuyên về nghệ thuật chế tác khuôn và vẽ hoạt hình. Cô đã thực hiện việc thiết kế và sản xuất cho các bộ phim ngắn ở Đông Nam Á. Các dự án phim hoạt hình hiện tại của cô tập trung vào các chủ đề: về tội lỗi, mất mát, và các nhân vật anh hùng quia (queer) dưới hình dạng tích hợp động vật-robot-trái cây.

____________________________________________________________

Bạn có thích đọc diaCRITICS không? Nếu có thì xin mời đăng ký nhận bài ở đây.

Vui lòng bỏ chút thời gian chia sẻ bài này. Chia sẻ (qua email, Facebook, v.v.) giúp quảng bá diaCRITICS. Mời bạn tham gia vào câu chuyện và để lại lời bàn.

Bạn có hứng đọc cuốn tiểu thuyết Việt Nam-Canada đầu tiên? Bạn nghĩ cuốn tiểu thuyết này giống hoặc khác gì một cuốn tiểu thuyết Việt-Mỹ?

Nguồn: http://diacritics.org/?p=24278

Comments are closed.