Lê Hồng Lâm
Trăm năm cô đơn – dự án chuyển thể từ kiệt tác của nhà văn người Colimbia Gabriel García Márquez của Netflix, cuối cùng cũng chuẩn bị on air sau gần 5 năm thực hiện trong âm thầm. Series sẽ lên sóng vào ngày 11.12 tới. Ngoài teaser được tung ra cách đây 5 tháng, rất ít thông tin về series này được cập nhật. Đây có vẻ là một canh bạc lớn của Netflix.
Đoạn này trích lại trong bài viết 5 năm trước, nhân lôi lại cuốn tiểu thuyết ra đọc lại khi nghe tin nó sắp được chuyển thể thành series.
Cuốn tiểu thuyết Trăm năm cô đơn xuất bản vào năm 1967, lúc Marquez vừa tròn 40 tuổi và lập tức gây chấn động văn đàn, mang lại cho ông nhiều tiền bạc nhờ tác quyền và giải Nobel văn chương năm 1982. Cuốn tiểu thuyết này, như ông nói, là nhờ những ký ức sống với ông bà ngoại từ thời ấu thơ, hai người thân có ảnh hưởng lớn đến phong cách sáng tác của ông sau này, trong khi bà ngoại là “nguồn cơn của cách nhìn mê tín, siêu nhiên và kỳ diệu về thực tế”; thì ông ngoại là “sợi dây rốn kết nối tôi với lịch sử và hiện thực”.
Đọc Trăm năm cô đơn đúng là thế thật, xen kẽ giữa hiện thực và siêu thực, giữa những sự kiện mang tính lịch sử lẫn những chi tiết hoang đường. Nhưng cho dù là hiện thực hay siêu thực, cuốn tiểu thuyết này vẫn ngồn ngộn sức sống và biến hóa kỳ diệu nhờ biệt tài kể chuyện như nàng Scheherazade của Marquez.
Dòng họ Buendía 7 đời và ngôi làng Macondo họ sống cả trăm năm, mặc dù do Marquez hoàn toàn tưởng tượng và sáng tạo ra, nhưng ta vẫn cảm giác như ông đang kể lại một phần lịch sử của đất nước Colombia quê hương ông, về sự ra đời, sinh sôi nảy nở, rồi thoái hóa dần và biến mất của bọn người homo sapiens trên trái đất. Không ai thoát được cái số kiếp người đã định sẵn cho họ, bởi bọn họ suy cho cùng chỉ là một loài động vật cấp cao, dù biết tư duy và suy nghĩ, nhưng vẫn là một thứ động vật ích kỷ, tham vọng, nhưng cô đơn và khốn cùng. Và cho dù có tồn tại hay biến mất vì tội loạn luân như người nhà của dòng họ Buendía thì sau trăm năm cái bọn người ấy cũng dần dần theo nhau rời khỏi mặt đất.
Nói như bà cụ Úrsula, nhân vật gần như xuất hiện từ đầu đến gần cuối cuốn tiểu thuyết, sống hơn trăm năm và về già lú lẫn điên dại, thì “thời gian là một vòng tròn” lặp lại mà thôi.
Sinh thời Marquez luôn từ chối bản quyền chuyển thể Trăm năm cô đơn thành điện ảnh mặc dù Hollywood chèo kéo mua rất nhiều lần. Duy nhất một lẫn ông lỡ dại bán bản quyền cuốn tiểu thuyết Tình yêu thời thổ tả cho Hollywood và xem phim đúng là như… thổ tả thật, dù ê kíp làm phim không phải là tệ. Họ rất trân trọng thuê ông Ronald Harwood viết kịch bản (từng đoạt Oscar giải Kịch bản chuyển thể với The Pianist) và ông Mike Newell đạo diễn, vốn là tác giả của nhiều phim thành công. Đúng là những tác phẩm văn chương lớn hiếm khi chuyển thể thành phim thành công, chắc một phần do tiểu thuyết đã đóng đinh vào trí nhớ của độc giả, một phần khác các bố biên kịch và đạo diễn bị cái bóng quá lớn của nhà văn át vía, trung thành với nguyên bản thì bị cho là cái xác không hồn, minh họa bằng hình; mà cải biên phóng tác thì dễ bị ăn chửi là phá hỏng tác phẩm gốc. Tình yêu thời thổ tả (phim) rơi vào trường hợp thứ nhất, một thứ minh họa tiểu thuyết bằng hình không hơn không kém.
Thế nên khi hai người con của ông Marquez, do được thừa hưởng tác quyền từ người cha đã mất, quyết định bán Trăm năm cô đơn cho Netflix để chuyển thể thành series, báo chí phương Tây lại được một phen nháo nhào bàn tán. Đơn giản, đây là cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất của Marquez, một trong những tác phẩm văn chương quan trọng nhất của thế kỷ 20, đã bán tới 47 triệu bản và dịch in hơn 40 thứ tiếng, một cuốn tiểu thuyết mà từ giáo sư, chính trị gia cho đến dân lao động và thậm chí gái điếm đều đọc say mê…