Tranh giấy dó của Đinh Ý Nhi

Dinh-Y-Nhi“Đinh Ý Nhi không bao giờ trang điểm”

Đây là lời chia sẻ của nữ sĩ Ý Nhi về cô con dâu cùng tên mình. Lời chia sẻ tưởng chừng như riêng tư, nhưng không chỉ đúng về thông tin cá nhân, đúng về tính cách, mà nhìn rộng ra, đúng cả phong cách và quan niệm nghệ thuật của Đinh Ý Nhi.

Từ năm 14 tuổi (1981) đã xác định mình sẽ trở thành họa sĩ, tranh thu hút giới làm nghề và giới sưu tập ngay ở triển lãm cá nhân đầu tiên năm 1994. Sau hơn 20 năm chỉ vẽ và vẽ, Đinh Ý Nhi đã là một “ cái gì đó” riêng biệt, không cần điểm trang và không cần khoác thêm “áo mão cân đai”.

Xuyên suốt cả hành trình, Đinh Ý Nhi có khoảng 10 năm vẽ bột màu, hơn 10 năm vẽ sơn dầu, còn giấy dó thì chưa biết đến bao giờ nữa. Gần đây chị để tâm nhiều với giấy dó, 2 năm vẽ và bỏ đi cả ngàn bức, triển lãm Hạnh phúc bé nhỏ của tôi (2016) và Thì hiện tại (2016) là một phần nhỏ trong số tranh được giữ lại. Điểm chung trong hành trình đó, Đinh Ý Nhi luôn thể hiện những thân phận tự do. Đôi khi như họ bị cô lập, bị phô bày nội tâm…, nhưng không quỵ ngã.

Triển lãm Thì hiện tại chưa hẳn là một chủ đích cách tân của Đinh Ý Nhi, vì dù hình tướng bên ngoài có đôi chút khác biệt, thì cách nhìn – tâm thế vẫn như vậy. Đó vẫn là những thân phận nữ độc lập, không hề có tính điển hình, nghiêm trang. Nó là một riêng tư thường nhật, vẫn là những dằn vặt, ám ảnh, đam mê, cá tính như các triển lãm trước đây.

Xem tác phẩm giấy dó trong Thì hiện tại, tự dưng ta liên tưởng tới dòng tranh Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) bằng mực tàu, dù tâm thế, thủ pháp và quan niệm hoàn toàn khác nhau. Các họa sĩ và tín đồ vẽ Bồ Đề Đạt Ma không vì mục đích thể hiện chân dung, mà tìm sự tịnh tâm trong quá trình tu tập của bản thân bằng cách quán chiếu vào ánh mắt nhi nhiên tự tại của vị sơ tổ này. Vẽ như là vẽ, chứ không vẽ vì mục đích gì, ngay cả chuyện đẹp xấu, mới cũ. Tranh giấy dó của Đinh Ý Nhi cũng là những ánh mắt chân thật, tự tại như vậy.

Họa sĩ này cho biết chị thích tính hình ảnh của thư pháp mà không lưu tâm đến nghữ nghĩa của nó. Điều này có lẽ cũng để lại một phần dấu ấn trong loạt tranh Thì hiện tại, tưởng giống nhau, mà rất khác nhau. Cũng như tranh Bồ Đề Đạt Ma, mới nhìn tưởng giống nhau, nhưng rất cũng khác nhau, tùy người đối diện.

“Lúc nào tôi cũng vẽ đúng như tôi nghĩ, không bao giờ thêm bớt hay tô vẽ. Nếu như nay tôi vẽ có gì khác là vì suy nghĩ của tôi đã khác chứ không phải chủ đích vẽ vì một cái gì đó, vì thiền, vì ngộ, vì tối giản hoặc u mặc gì đâu. Tôi cũng không cố tình thả lỏng hoặc bó buộc, mà cứ làm theo cảm giác của mình mà thôi”, Đinh Ý Nhi nói.

Và dường như chất liệu giấy dó trực tiếp, dứt khoát, nguyên trạng… rất phù hợp với suy nghĩ của Đinh Ý Nhi lúc này. Vẽ như đấu kiếm. Kiếm sắc bén, kiếm thủ chuộng hiệu quả, nên ra đòn dứt khoát, giản dị.

Văn Bảy

Họa sĩ Đinh Ý Nhi và câu chuyện chất liệu

(Nhân xem triển lãm “ Hạnh phúc bé nhỏ của tôi” tại 24 Lý Quốc Sư, của họa sĩ Đinh Ý Nhi)

Đen và trắng. Rồi chuyển sang màu. Nhưng rất ít màu.

Thoạt đầu là bột màu. Rồi sơn dầu. Sơn dầu rất lâu. Phải đến gần 20 năm dành cho sơn dầu, trên giấy dầu, trên toan… Rồi bỗng một ngày chị xuất hiện với một bất ngờ lớn: hơn 30 bức giấy dó cực kỳ hoành tráng.

Thực ra, với nghệ sĩ, câu chuyện chất liệu luôn là mối quan tâm rất đặc biệt. Họ sáng tác trên chất liệu nào cũng là cả một con đường tìm kiếm, giống như đi tìm kiếm cái tôi của mình.

Có người chỉ vẽ sơn mài mới ra được mình, có người chỉ tung hoành với sơn dầu, chỉ thấy vẽ sơn dầu mới đã. Lại có người, dù vẽ nhiều thứ, nhưng anh chỉ thú vị nhất khi vẽ giấy dó.

Người ta nói, đó là hợp tạng. Như tạng nhà văn chỉ viết được truyện ngắn, hay nhà thơ chỉ hợp với thơ tự do.

Thấy Nhi bỗng vẽ giấy dó mới lại ngồi trò chuyện về câu chuyện chất liệu.Thi-hien-tai-pic-1

Hỏi: “Chắc vứt đi cũng nhiều?’

“Tất nhiên rồi, để em kể, có lần đang ở cửa hàng chọn giấy, có một cô gái trẻ, tiến lại hỏi em: “Chị ơi, em có thể đến nhà chị để xin chị chỉ cho em vài điều về giấy dó được không ạ?” Em cười và bảo, em ơi, chẳng ai chỉ bảo được cho ai cả, em cứ mua một nghìn tờ giấy dó này, về vẽ hết, sẽ tự tìm thấy câu trả lời.”

Chắc cô bé thất vọng nhưng đó là sự thật.

Cách đây khoảng mười năm, Nhi cũng từng có ý tưởng thử vẽ giấy dó, nhưng rồi chưa khi nào thực hiện. gần đây, trở lại ý tưởng này nhân họa sĩ Hoàng Phượng Vĩ rủ triển lãm chung.

Mỗi lần mua chừng hai trăm tờ giấy dó, vẽ hết lại mua tiếp. Lúc đầu, số vứt sọt rác chiếm 95%, chỉ vài tờ còn được giữ lại. Sau, số được giữ lại nhiều dần lên… Sau hai năm, theo cách nói của họa sĩ, thì chị đã lờ mờ hiểu được về giấy dó, ít nhiều, làm chủ được nó.

Tuy nhiên, giấy dó, loại chất liệu có một lợi thế mà nhiều họa sĩ giấy dó hay sử dụng, là tính chất loang nhòe, dễ tạo xúc cảm cho tranh, thì theo Đinh Ý Nhi lại phải vô cùng cảnh giác. Không cẩn thận, họa sĩ sẽ dễ dãi, không khai thác được hết ý, hết chiều sâu, dễ bằng lòng với mình. Và họ rất dễ bị lẫn vào nhau, thiếu cá tính.

Thi-hien-tai-pic-2Phát hiện này, theo tôi, là một phát hiện rất Đinh Ý Nhi, ở chỗ, dù là vẽ chất liệu gì, điều quan trọng là tìm được con đường riêng.

Mới nhìn lại triển lãm giấy dó của Nhi, hoàn toàn không chút nào lạm dụng tính nhòe, mờ, lan tỏa của giấy dó, vẫn là Nhi trong từng nét bút, sắc sảo, tung tẩy, thoải mái, tựa như không bị sự nhòe của chất liệu cản trở. Hóa ra, mất hai năm để làm chủ giấy dó chính là như vậy.

Lại hỏi Nhi: “Vậy thì Nhi vẽ trên chất liệu nào thì khó hơn?” “Sơn dầu vẫn là khó nhất. Hơn hai mươi năm rồi, vẫn thấy khó, vì nó nặng, bết, và trơ. Xử lí được những tính chất đó không dễ tí nào.”

“Giấy dó có lẽ dễ hơn, nhưng cái chính, vẫn là vẽ thế nào cho hay mới là khó. Loang, nhòe có thể cứu vãn cái yếu của hình họa, dễ ru ngủ họa sĩ. Để tránh được điều này, anh phải tiên liệu được, nét vẽ phải dứt khoát, kiên quyết.”

Theo Nhi, quan trọng là, phải mở được biên độ của chất liệu. Phải nhìn thấy những khả năng biểu đạt khác trên chính những khả năng đã được gần như mặc định cho chất liệu giấy dó.

Vượt qua tính loang, nhòe, thế mạnh của giấy dó, nhưng cũng là bất lợi, dễ bị rơi vào sến sẩm. Đinh Ý Nhi đã mang đến cho giấy dó một khả năng biểu đạt mới, mà trước đó tôi chưa thấy ở họa sĩ giấy dó nào.

Trước đây, thấy Đinh Ý Nhi cứ vẽ mãi đen trắng, hỏi: “Khi nào thì Nhi thôi không đen trắng nữa?” “Em thấy vẫn đi chưa đến tận cùng, vẫn còn hứng thú nên cứ đi thôi! Khi nào thấy thỏa mãn, thấy hết hứng thú, thì sẽ dừng lại…”Thi-hien-tai-pic-3

Là như vậy.

Điều kỳ diệu ở Nhi là niềm đam mê miệt mài, không mệt mỏi. không chùn bước, là tiếng cười sảng khoái khi nói lên một suy nghĩ nào đó của mình.

Trong hai năm giấy dó, Nhi hầu như bỏ quên mọi thứ khác. Các con của chị phải tự xoay xở tự lo cho mình. Chị tự tối giản mọi nhu cầu cho bản thân, trừ đôi khi thư giãn, cho phép mình đi chơi.

Tất nhiên, trong triển lãm này, không chỉ có câu chuyện chất liệu. Nhưng người viết thấy riêng nó, cũng đã nói được điều gì đó rất Đinh Ý Nhi.

Giáng Vân

Comments are closed.