Tranh trẻ con họp

Hoàng Dũng     

Tranh trẻ con họp của Việt Nam

Một thế giới trẻ con bày ra: đồ chơi lăn lóc và ba nhân vật – là ba đứa trẻ. Lãnh tụ trẻ con, mà nhân dân cũng trẻ con. Nhưng có hai “nhân dân”: một, số nhiều, rất nghiêm chỉnh tung hô và một, số ít, cởi truồng, bày cả dái, chõ vào mặt người xem!

Sáu đứa trẻ nhưng chỉ một đứa trẻ tồn tại ở dạng tranh (tranh trong tranh), mà chiều ngang cơ thể bằng năm đứa kia cộng lại, tách trẻ con thành hai loại người: lãnh đạo và bị lãnh đạo, thống trị và bị thống trị.

Nhưng cái đám bị lãnh đạo, bị thống trị lại nghiêm chỉnh vung tay tung hô; chỉ một – mà lại là nữ – không chịu theo đám đông, thu tay dưới gầm bàn.

Còn cái thằng trẻ con lãnh đạo đang sung sướng tu bình sữa. Mà họa sĩ, chừng như sợ người xem tưởng đó là sữa, bèn ghi rõ chất lỏng đựng trong bình là nước. Chữ “nước” trong tiếng Việt đầy sức gợi.

Sau cái bàn dài phủ khăn màu đỏ, ba đứa trẻ họp lại thành một thế giới của sự nghiêm túc dưới cái dải vải cũng màu đỏ có nhãn HỘI NGHỊ GÌ ĐÓ ‘…’, . Chiếm vị trí trung tâm là một đứa nước mắt ngắn nước mắt dài đang chĩa thẳng tay vào đứa con gái duy nhất trong tranh, có lẽ là để tố cáo, lên án, phê bình, … Mà đứa con gái, thì lạ thay, chẳng tỏ ta sợ hãi gì, vẻ mặt câng câng, còn thè lưỡi liếm kem hay kẹo gì đấy. Đứa thứ ba bình thản, có lẽ đóng vai “quan sát viên”.

Đứa cuối cùng tự diễn biến “một mình một cõi” thành thế giới riêng, đang thực hành một trong tứ khoái trên cái bô, cạnh đấy còn vương vãi cuộn giấy vệ sinh đang dùng dở. Nó kéo áo lên quá bụng, lộ phần dưới trần truồng, lại quay đít về phía ba người, khinh bỉ cái thế giới nghiêm túc kia hoặc coi nó như không có. Đáng chú ý trong các nhân vật của tranh, chỉ có nhân vật này mặc áo gần màu đỏ nhất.

Bốn nhân vật, không biết có thể gọi “tứ trụ” không, ngồi cùng bàn, được vẽ chính diện và đều là nữ. Nhân vật trung tâm và là nhân vật duy nhất mặc áo đỏ. Cũng không còn trẻ con lứa tuổi bú bình, mà đã lớn, thậm chí có “trụ” còn biết sử dụng laptop. Chỉ còn một quả bóng đồ chơi trẻ con quen thuộc màu đỏ như rơi rớt lại từ quá khứ, lăn lóc ở góc bàn.

Nhưng bàn không phủ khăn đỏ. Mà cũng không có cái dải vải màu đỏ ghi tên hội nghị như bức tranh ở status TRANH TRẺ CON HỌP (3). Thay vào đó, khăn bàn màu xanh hòa bình rời rợi và ở vị trí dải băng đỏ là tấm bảng đen trên có mấy dòng phấn trắng: HỘI NGHỊ “Cử chỉ nghiêm-túc”.

Thế thì “tứ trụ” có nghiêm túc không? Ba người-mặc-áo-không-đỏ quả là nghiêm túc, vẻ rất chăm chú. Nhân vật trung tâm, người-mặc-áo-đỏ, dang rộng hai tay, miệng há to như đang diễn thuyết đến hồi cao trào, hay đang ngáp một cách chán ngán, tùy người xem tranh “phiên dịch”.

Tác giả của bốn bức tranh trên không biết là ai. Nhưng rất có thể được gợi hứng từ loạt tranh “Trẻ con trong buổi họp” (Children in Meeting) của họa sĩ Trung Quốc (sinh năm 1959) Đường Chí Cương Tang Zhigang 唐志冈, người có ảnh hưởng đến một vài họa sĩ Việt Nam như Phạm Huy Thông chẳng hạn.

Tranh trẻ con họp của Đường Chí Cương

Đường Chí Cương

Hai bức tranh dưới đây của Đường Chí Cương trong loạt tranh “Trẻ con trong buổi họp”. Bức thứ nhất đã được bán với giá 618.308 đô la Mỹ tại Christie’s Hong Kong năm 2007.

Cả hai bức tranh đều vẽ cuộc họp, với tất cả các nhân vật đều là trẻ con (với đồ chơi còn vương vãi trên sàn nhà) và đều mặc quân phục, trừ các trẻ-con-lãnh-đạo mặc áo đại cán. Vẻ mặt của lãnh đạo và người được/bị lãnh đạo đều nghiêm túc, thậm chí có vẻ lo âu.

Ở bức thứ nhất, có một bé gái nấp sau bức màn, thò mặt nhìn người xem. Đó là nhân vật cho thấy tất cả đều giả-nghiêm-túc vì rõ ràng bức màn ấy là cánh gà của sân khấu đang mở rộng và toàn bộ chỉ là một màn diễn xuất.

Bức thứ hai cũng biểu đạt ý tưởng ấy, nhưng theo một cách riêng. Cánh gà không mở ra trực diện. Nó được treo ở góc tranh, mở hé, khiến người-xem-trong-tranh, tức là người xem cuộc họp, chỉ thấy được một góc của cuộc họp, còn người xem tranh, là chúng ta, lại có thể nhìn được toàn cảnh. Như thế, có hai loại khán giả.

Nếu bức thứ nhất tranh vẽ cẩn trọng, thì bức thứ hai còn tung tóe vệt màu chưa tẩy xóa – hay nói đúng hơn, cố ý không tẩy xóa. Như để mách người xem rằng đây là tranh chưa hoàn thành – biết đâu còn có chi tiết bất ngờ nào đó mà tác giả chưa kịp vẽ. Như thế, vệt màu chưa tẩy xóa cũng là một thành tố nghệ thuật – tư tưởng của tranh.

Ở bức thứ hai, thay cho đứa trẻ nấp sau cánh gà, độc đáo là ngay trước cánh gà, tức phơi bày công nhiên trước mắt của cả hai loại khán giả, là một đứa trẻ mặc quân phục đứng canh, mắt hướng ra phía người xem tranh. Chính người xem tranh mới là đối tượng cần phải cảnh giác! Cạnh người đứng canh là một con chó đốm, làm gợi nhớ đến cuốn phim nổi tiếng “101 chú chó đốm” (One Hundred and One Dalmatians) (1961), mà trẻ con đứa nào cũng mê. Chú chó đốm đáng yêu của tuổi thơ nay cũng “làm nhiệm vụ”!

Một nghệ sĩ như Đường Chí Cương mà vẫn được chính quyền Trung Quốc cho triển lãm công khai và nhiều lần ở trong nước và cả nước ngoài. Nhiều công dân Việt Nam được tôi hỏi, nếu như đó là nghệ sĩ Việt Nam thì có được đối xử như thế không. Tất cả đều trả lời: Không thể tưởng tượng nổi!

Đúng thế! Chỉ cần nhớ lại triển lãm chân dung gò đồng của Phạm Xuân Trường năm ngoái bị cấm treo 30 chân dung của văn nghệ sĩ, trong đó có những người được giải thưởng Hồ Chí Minh hay giải thưởng nhà nước, hay năm trước nữa, toàn bộ các tác phẩm của Bùi Chát trong triển lãm cá nhân mang tên “Improvisation”, gồm 29 bức tranh bị yêu cầu tiêu hủy, là đủ biết.

*

* *

Đường Chí Cương sinh ra tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, lớn lên trong một gia đình quân nhân ở tỉnh Vân Nam, nhiều năm thời thơ ấu sống ở trại lao động Côn Dương (Kunyang), nơi mẹ ông làm quản giáo. 

Đường Chí Cương gia nhập quân đội PLA ngay sau khi tốt nghiệp trung học.

Năm 1979, tiểu đoàn của ông nằm trong số các lực lượng được cử đến Việt Nam để tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh Trung Quốc xâm lược Việt Nam.

Năm 1989, ông tốt nghiệp Cử nhân Nghệ thuật, khoa Sơn dầu của Học viện Nghệ thuật PLA ở Bắc Kinh.

Đường Chí Cương đã thăng tiến lên hàng ngũ phụ trách về nghệ thuật tuyên truyền tại Tổng bộ Chính trị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong gần một thập kỷ.

1996, bắt đầu giảng dạy tại Học viện Nghệ thuật Vân Nam ở Côn Minh.

1999, khởi sự loạt tranh Trẻ em trong cuộc họp nổi tiếng, được vẽ một cách điêu luyện và hài hước về những đứa trẻ hóa trang thành những người lính trưởng thành và các nhà lãnh đạo chính trị, diễn trò những công việc nghiêm túc trong các cuộc họp.

2005, mở một studio ở Bắc Kinh.

2008, khi đang ở đỉnh cao của sự nổi tiếng và thành công với tư cách là một nghệ sĩ, rút lui khỏi đời sống công chúng và chuyển về quê hương để tìm kiếm nguồn cảm hứng.

2015, lần đầu tiên triển lãm những bức tranh mới của mình: Worldplay, tại phòng tranh Hanart TZ, Hongkong

Các cuộc triển lãm chung và riêng của Đường Chí Cương ở nước ngoài:

1999, University of Chicago Art Center, Chicago, Hoa Kỳ

2000, De La Villette Museum, Paris, Pháp

2000, Asia Contemporary Art, London, Anh

2002, Espace Cardin, Paris, Pháp

2004, triển lãm riêng mang tên “Tang Zhigang”, Galerie Enrico Navarra, Paris, Pháp

2005, Canvas International Art, Amsterdam, Hà Lan

2006 MoCP Chicago, Hoa Kỳ

2007 Bảo tàng ZKM, Karlsruhe, Đức

2008 Bảo tàng Maillol, Paris, Pháp

2008, Today’s Contemporary Art from China, BELvue Museum, Brussels, Bỉ

2008, Contemporary Art from China, TECHNOPOLIS of the City of Athens Athens, Hy Lạp

2008, Gallery Hyundai, Seoul, Hàn Quốc

2009 Bảo tàng nghệ thuật quốc gia Bắc Kinh Trung Quốc, Havana, Cu ba

Comments are closed.