Viết về tranh Bùi Suối Hoa

(trích từ sách tranh Bùi Suối Hoa 2016)

clip_image001

Suối Hoa và những nghịch lí

Dương Tường

Bùi Suối Hoa

Sinh năm 1957 tại hà Nội

Tốt nghiệp Đại học Mĩ thuật Hà Nội năm 1985

Những triểm lãm chính đã tham dự

1991: Triển lãm “Uncorked Soul” tại Hồng Kông

Triển lãm ở Singapour

1996: Triển lãm ở Paris (Pháp

1997: Triển lã ở New York, California, Texas (Hoa Kì)

1998: Triển lãm ở Connecticut (Hoa Kì)

2002: Triển lãm ở Genève (Thuỵ Sị)

2004: Triểm lãm ở Zurich (Thuỵ Sĩ)

2008: Triển lãm ở London (Anh)

Trước mắt tôi, là hai tác phẩm sơn dầu gần đây của Bùi Suối Hoa, “Hoan ca” và “Chèo”. Tôi ngồi im lặng hồi lâu, “đọc” tranh của Suối Hoa. Không hiểu sao, tôi thích “đọc” những nghịch lí ở người nữ nghệ sĩ này. Vẫn cái ứa trào cảm xúc, cái ngồn ngộn của chất liệu sơn dầu đã níu mắt tôi lại lần đầu tiên khi cùng đồng giám tuyển với Gallery Plum Blossoms (Hồng Kông), chuần bị cho triển lãm Uncorked Soul (Tâm hồn bộc bạch, hay dịch nôm na la: Tâm hồn mở nút), một bước đột phá quan trọng của hội hoạ đương đại Việt Nam ra thị trường thế giới. Vẫn là những nhát cọ quyết đoán, dồi dào năng lượng biểu cảm, táo bạo nhưng vẫn đằm thắm nữ tính, những mảng màu phồn thực, nồng nàn, đôi khi chói gắt, chen chúc xô đẩy nhau nhưng vẫn hài hoà kì lạ, tạo nên cái chất riêng chứa chất nghịch lí của Suối Hoa.

Tôi biết Bùi Suối Hoa từ những năm đầu 1990. Hồi ấy, chị đã chuyển vào lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mĩ thuật Hà Nội năm 1985. Suối Hoa, như tôi thấy, là người biết hát, biết tấu nhạc bằng màu. Xem tranh Suối Hoa, tôi thấy màu sắc, như một động thái của vô thức, dẫn dắt chủ thế – chứ không phải là ngược lại – tạo nên những chùm hợp âm rộn rã, những rápxôđi náo nức mà chị đặt tên là những “Phong cảnh”, “Khúc vui” hoặc “Hoan ca” tuỳ theo tâm trạng. “Tôi muốn tranh tôi là một ngọn lửa nhỏ chất chứa những khao khát sống của tôi,” Suối Hoa thổ lộ. Ngọn lửa nhỏ ấy, Suối Hoa duy trì nó thường trực trong ấm áp hội hoạ của mình. Không da diết như Frida Kahlo, cũng chẳng dị biệt như Georgia O’Keeffe, Suối Hoa biểu hiện tình yêu cuộc sông với một cường độ mãnh liệt, đôi khi cuống cuồng, khiến ta nghĩ tới cái sinh lực rốt ráo của một Rouault, một Derain… Nghịch lí ấy như một chất muối làm dặm thêm phong vị của nghệ thuật Suối Hoa.

Suối Hoa vục cảm xúc của mình từ hiện thực cuộc sống, nhưng nghệ thuật của chị không mảy may tả thực. Suối Hoa ít quan tâm đến chi tiết và những gươg mặt nhân vật trong tranh của chị thường không hoặc hầu như không điểm nét. Trong ba loại đề tài mà Suối Hoa thường vẽ: con người, sân khấu và trừu tượng, tôi đặc biệt thích cái phóng túng trong các bức trừu tượng của chị. Tôi có cảm giác như hội hoạ trừu tượng là một bản chất thứ hai của Suối Hoa, chị vẽ trừu tượng thoải mái, tự nhiên, tung tăng, vùng vẫy như cá gặp nước. Hãy nghe chị nọi về thể loại nghệ thuật này: “Hội hoạ trừu tượng chính là thế giới rộng lớn mênh mông mà người nghệ sĩ đắm mình trong đó, mặc sức tưởng tượng, mặc sức phá phách, tha hồ sáng tạo như người nghệ sĩ xiếc đi trên dây. Vẽ trừu tượng như một sự giải thoát, bứt ra khỏi mọi luật lệ, mọi ràng buộc. Khi vẽ trừu tượng tôi thả hồn thư giãn, không nghĩ ngợi gì, xả láng đuổi theo hình và màu, nhào lộn, quyện vào nhau… Đó là sự trào dâng cảm xúc ngưng đọng trong khoảnh khắc, nhiều khi dẫn tới những bất ngờ thú vụ. Đó là phút thăng hoa của vô thức trong đó người nghệ sĩ cảm thấy mình thật sự tự do.”

Suối Hoa thích đăt tên cho nhưng triển lam của mình là NHỮNG KHOẢNH KHẮC TRONG THIÊN NHIÊN với tâm niệm rằng con người tuy nhỏ bé trước thiên nhiên vô cùng tận nhưng í thức trọn vẹn khoảnh khắc thực tại trong continuum không gian – thời gian. Một chấp nhận không hề tiêu cực, thậm chí dũng cảm. Trong cuộc sống thực, người đàn bà Bùi Suối Hoa ắt không ít thăng trầm. Nhưng ta không hề thấy dấu vết của những bất hạnh trong tác phẩm của người nữ nghệ sĩ Suối Hoa, ta không bao giờ gặp trong tranh của chị những gam màu ảm đạm, u ám mà chỉ toàn những gam màu tươi nguyên. Tôi nghĩ khi vẽ là lúc Suối Hoa lấy lại thăng bằng bằng hành động sáng tạo, hay nói một cách khác, vẽ là một đời sống khác của chị trong đó, chị có được nhiững gi chị không có được trong thực tại, giàu co về tâm hồn hơn, tới gần những mơ ước của mình hơn. “Vẽ là người bạn tuyệt diệu nhất đời của tôi,” Suối Hoa nói.

Vâng, tôi tin là thế và tôi muốn nói thêm: với Suối Hoa, vẽ là hạnh phúc.

IMG_0099

IMG_0123

IMG_5881

IMG_6829

clip_image001[1]

Biểu hiện trữ tình –

Khát khao và tâm sự

Nguyễn Quân

Ngay từ triển lãm Unkorked Soul do Plum Blossoms tổ chức rất thành công tại Honkong 1991 Suối Hoa đã xuất hiện như một tài năng trẻ của hội họa Việt Nam thời Đổi mới. Mười mấy năm trôi qua tôi vẫn thấy con người-hội họa chị như vậy. Tự lập.tự tin, hồn nhiên vui vẻ và thẳng thắn .Chị thuộc mẫu họa sĩ ‘bản năng’,bất chấp mọi ràng buộc hay giáo điều lý thuyết để tự dựng lên những giáo điều,ràng buộc của mình.

Cảm giác đầu tiên của tôi về cô nữ sinh viên trường đại học Mỹ thuật Hà Nội là: “một tiểu thư nông thôn”! Xuất thân trong một gia tộc, gia đình danh giá và giàu có ở Hà Tây. Vị thế ‘quý tộc’ đã phai nhạt nhưng truyền thống trí thức và văn nghệ còn mạnh mẽ. Rồi đời sống kháng chiến, chiến tranh, sơ tán, tập thể cùng nếp giáo dục công nông ở phổ thông và hiện thực XHCN ở trường mỹ thuật cùng góp phần tạo nên nhân cách của cả một lớp người,một thế hệ nghệ sĩ. Người nữ họa sĩ sớm cảm thấy sự chật hẹp của cái “hệ thống” tưởng như đã hoàn chỉnh ấy. Sau khi tốt nghiệp, Suối Hoa vào TPHCM dậy đại học một vài năm rồi “bỏ” hẳn nghiệp sư phạm. Đổi Mới thay đổi con đường hội họa và cả lối sống, quan niệm sống của một lớp hoạ sĩ. Suối Hoa như một người đi đầu của “thế hệ hai”: Trở thành những hoạ sĩ tự do, chuyên nghiệp đầu tiên. Sống khoẻ bằng sáng tác của mình, “cho riêng mình”. Và hơn thế qua gần 20 năm hội họa của chị vẫn vững vàng trước các cơn lốc thị trường hoá, vẫn là một mảnh vườn có sắc, hương riêng biệt.

Suối Hoa trung thành với một phong cách, với những chủ đề, môtíp quen thuộc của mình. Màu rất tươi, nhẹ nhàng, có vị lạ mà nhát bút thì mạnh bạo, uốn lượn tuỳ hứng, bất đối xứng và thô nhám. Không gian tranh và bố cục cũng như các chi tiết được Suối Hoa lọc ra từ hiện thực thị giác bằng con mắt tinh sắc, khắt khe. Một vạt núi đồi, một triền sông bể hay một góc nhìn xéo ở chợ quê, một bụi cỏ cằn bên đường dất, lùm cây âm u, cái khăn đội đầu, cái vạt áo dài của thiếu nữ bên cửa, hay cái mũ, cái áo bông của ông lão đi chợ hoa ngày Tết… cho tới cánh hoa, cái chén trên bàn… đều được “xăm xoi” kỹ càng. Song họa sĩ không mô tả mọi thứ như thực, cũng không dùng chúng để “tả cái tình” của mình mà “hợp tác” cùng chúng để sáng tạo ra một đối vật mới là bức tranh. Ở đó bố cục, không gian và các chi tiết đều mang vẻ phóng túng tự nhiên, tự thân vận động. Chúng luôn “sắp sửa thay đổi” chứ không như ta đang thấy trên mặt vải! Vì thế những phong cảnh đơn giản nhất cũng gợi cảm nhất tiến sát đến trừu tượng mà không bao giờ là tranh trừu tượng. Ở những phong cảnh này có một chút bi đát, buồn chán rộng rãi. Biểu cảm mạnh và thô mộc. Song tôi vẫn cho rằng Suối Hoa là nhân vật trữ tình. Hay tranh chị là hội họa trữ tình? Đàn bà “mạnh mẽ” không để gần thành đàn ông mà chỉ trở nên đàn bà hơn!?

Sân khấu Chèo với cái duyên thầm và sự lẳng lơ, sự dằn dứ, nắm buông, vừa đoan trang vừa cợt nhả, như say trầu thuốc hấp dẫn hoạ sĩ không thôi. Không gian có tính sân khấu và sự “bốc đồng” nhẹ nhàng, đôi khi điệu đà cố ý của các nhân vật vừa thách thức người xem vừa mời ta đối thọai với tác giả. Bút pháp ít đổi thay, bảng màu cũng vậy; luôn tươi tắn, tự tin nhưng dọc theo con đường sáng tác không mệt mỏi của mình người họa sĩ đã vượt qua bao sự “mệt mỏi” trong cuộc đời cũng như trong nghệ thuật mà chỉ riêng mình biết với mình được thôi.

Suối Hoa hồn nhiên phủ nhận mọi ảnh hưởng bên ngoài đối với tranh mình, như muốn nói: “Hội hoạ của tôi là của riêng tôi, đầu tiên và duy nhất!”. Chính các nhà thơ trữ tình cũng đã đưa ra những tuyên ngôn như vậy. Khát khao vể tự do cá nhân, về khám phá cá nhân, khẳng định cá nhân là một đặc trưng cho Hội hoạ Đổi Mới ở Việt Nam, điều đã khắc phục cái chủ nghĩa tập thể, bình quân và đồng nhất thời trước đó và cũng là điều đã khiến cho người yêu nghệ thuật phát hiện ra hội hoạ Việt Nam những năm đầu mở cửa. Họa sĩ đã góp tiếng nói riêng của mình cho giai đọan hội họa quan trọng này ở Việt Nam.

Phía sau tranh Suối Hoa tôi thấy chút “…riêng mình xót xa” nào đấy. Cũng như nghệ thuật Chèo: sự ước lệ, vẻ hồn nhiên mạnh mẽ, và tiếng cười không dứt, trang trí rạng rỡ chỉ là một nửa bên ngoài. Phía sau còn một nửa nữa khác hẳn. Người hiểu Chèo sẽ nhận ra ngay. Và tôi nghĩ nếu tranh chị mang tới được cho người xem cái “biện chứng” cuộc đời không ai chối cãi được này thì đó là một thành công thật sự.

Tâm sự của ta (tôi và bạn) và khát khao của ta (tôi và bạn) ở trên tranh theo phái biểu hiện-trữ tình của người họa sĩ?

TP HCM 9-2007

Comments are closed.