Inrasara
Qua tiếp nhận những phát hiện của người đi trước và bằng quan sát của mình về hiện tình sinh hoạt văn học Việt Nam đương đại, tôi đã một lần gọi tên mười căn bệnh phê bình (1). Sinh hoạt phê bình văn học Việt Nam mấy chục năm qua đầy tràn các căn bệnh như thế với nhiều biến thái và biến tướng. Các bài viết kia cuối cùng được tập hợp lại trong một cuốn sách dày trên dưới 300 trang, rồi kêu đó là “tập lí luận – phê bình”: Cảm nhận, Cảm luận, Tản mạn… gì gì đó. Đọc suốt tác phẩm, độc giả không thấy đâu là tư tưởng nền tảng của nhà phê bình, mà chỉ thấy bao nhiêu giai thoại nhảm nhí, trích đoạn tùy tiện, nhận định vu vơ vô bằng, cùng muôn ngàn ý kiến nói theo từng xuất hiện nhan nhản trên đủ loại báo phổ thông.
Hôm nay xin bổ sung 7 thói tật mới/ khác.
1. Phê bình ma
Là thứ phê bình không biết đề cập đến ai. Tuổi tên không, địa chỉ không. Như thể nhà phê bình đang nói với ma. Một vị đã làm thế với một đoạn văn của Lê Anh Hoài, nhưng nhiều người đọc nó cứ tưởng ông ta đang ám chỉ Inrasara (2)! Rồi có ông khi phê bình tôi, lại không thấy đâu tên tôi, cũng chả thấy đâu tên báo với bài báo, chỉ trích dẫn [dù có cho vào cái ngoặc kép] mơ hồ vậy thôi (3).
Năm ngoái một nhà phê bình khác cũng làm thế với tôi (4). Không cách nào khác, tôi phải lôi họ lên diễn đàn nói chuyện. Để chứng tỏ tôi không phải là con ma, ít nhất là lúc này, và ở đó.
Và mới nhất, một “nhà” viết kiểu phê bình ma trên tuần báo Văn nghệ Thành phố: “Phản biện phản ánh luận mà nói như ông nào đó… Không biết ông ấy sẽ chứng minh thế nào nhưng người ta có thể không thấy sự phản biện đó có lý”. Rồi “Nghe nói có ông còn bảo cái chữ cấu trúc trong “chủ nghĩa cấu trúc” phải dịch là “kiến tạo” (5).
Nói chi các nhà còn vô danh, ngay ở tầm như ông giáo sư Mai Quốc Liên cũng cứ là phê bình ma. Hãy nghe vị này thuyết: “Chủ nghĩa “hậu hiện đại”, chủ nghĩa “Tân hình thức” ngày nay cũng đang ế khách và tàn lụi dần ở phương Tây (…). Theo một bài báo của một GS Mĩ thì hàng năm mới có một người mua sách này ở các hiệu sách. Còn ở ta nó là một món hàng mới, không dễ gì nó vượt qua rào cản người đọc ở nước ta” (6).
Rặt một thứ “nghe nói”, “một bài báo”, “một GS Mĩ”, “ông nào đó”, “ông ấy”, “có ông” với “người ta” thì đố ai biết đó là ma nào!
2. Phê bình nhân danh
Ông giáo sư cả quyết: “không dễ gì nó vượt qua rào cản người đọc ở nước ta”. Người đọc là ai? Và người đọc nào? Sao lại nhân danh người đọc, mà không dám nói: “không dễ gì nó vượt qua rào cản của lối đọc của tôi”?
Ở Việt Nam, phê bình nhân danh rất đa dạng với vô vàn biến thái. Phổ biến hơn cả là nhân danh “truyền thống văn hóa Việt Nam không chấp nhận” loại thơ ngôn ngữ đường phố, chữ nghĩa chợ búa như thế, tiếp đến là nhân danh “độc giả ta khó mà tiếp nhận” loại thơ tắc tị kia.
Năm ngoái ở Hà Nội, trong đêm sinh hoạt “Lửa Tìm Kiếm”, có vị đã luống tuổi lại “tôi xin đại diện thế hệ trẻ” để phản bác thơ tân hình thức với thơ hậu hiện đại. Ba bận nhân danh, mà lại nhân danh trước cả khối người trẻ ngồi ngay trong hội trường đó. Lạ là không một người trẻ nào phản đối!
Cũng ở bài báo trên (5bis), nhà phê bình đã nhân danh cái biết, cái nhìn của “những người bình thường” (?!) để phê phán [và mỉa mai] thao tác phân tích khoa học của chuyên gia: “Đọc mới có ba cái lý thuyết đã thấy choáng ngợp những kiến thức thừa thãi. Trong khi những người bình thường ngày nay có thể không biết đến cơ học lượng tử vẫn biết rằng không có những thiết bị liên lạc hay nghe nhìn thì ta không nhận thức nổi sự tồn tại những sóng truyền thanh, truyền hình”.
3. Phê bình nói leo [kiểu Đạo thính đồ thuyết]
Ở báo Đại biểu Nhân dân, 8-12-2014, một nhà phê bình viết (4bis):
“Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, dù mỉa mai bỡn cợt hay nhại, thì những cái đó cũng không phải phẩm chất riêng có của văn chương “Hậu hiện đại”.
Tôi hỏi nhà phê bình này đào đâu ra tuyên bố quái gở kia, thì anh tắt. Tôi biết chắc anh này chưa đọc căn bản về hậu hiện đại, mà chỉ nghe nói. Nghe nói, nhưng sẵn sàng tán nhảm, rồi cạnh khóe người khác là:
“mặc nhiên được những tín đồ Việt Nam kia xem như những dấu chỉ quan trọng để đánh giá giá trị của các tác phẩm văn chương đương đại”.
Tôi đã chỉ ra tên tuổi “cây đa cây đề” đã từng phát ngôn cũng rất mực ngang tàng oanh liệt hệt thế, để anh dựa vào đó mà nói… leo.
4. Phê bình đoán mò [không biết chắc mà nói]
Ở Vanhocviet, 12-2010, hai đồng tác giả viết (7):
“… Có thể nhận ra quan điểm về hậu hiện đại của Lê Huy Bắc, Hoàng Ngọc Tuấn (sic), Nguyễn Hưng Quốc… ảnh hưởng từ cách hiểu và quan niệm về hậu hiện đại của Hoa Kỳ… Thụy Khuê, Bùi Văn Nam Sơn, Ngân Xuyên, Trịnh Lữ… lại dựa trên những quan niệm về hậu hiện đại ở Pháp… Một số nhà nghiên cứu khác như Inrasara thì lại chịu ảnh hưởng bởi các nhà nghiên cứu hải ngoại. Riêng Phương Lựu lại chịu ảnh hưởng bởi các nhà “Marxism phương Tây”…
Tôi gọi đây là lối phê bình đoán mò.
Ai thì tôi không biết, riêng người có kiến thức mênh mông về hậu hiện đại như Hoàng Ngọc-Tuấn mà chỉ “ảnh hưởng từ cách hiểu và quan niệm về hậu hiện đại của Hoa Kỳ”, hay tầm như nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn mà chỉ “dựa trên những quan niệm về hậu hiện đại ở Pháp” thì đích thị đại đoán mò.
5. Phê bình liều
Vụ Chu Giang mù tịt về Lí thuyết Trò chơi mà cả gan tán nhảm để phê phán luận án Tiến sĩ của Trần Ngọc Hiếu – luận án lấy Lí thuyết Trò chơi làm nền tảng khảo cứu thơ ngoại vi Việt đương đại – đăng mấy số liên tục trên báo Văn nghệ Thành phố tháng 7-2015 vừa qua đã làm trò cười cho thiên hạ, thì ai cũng biết rồi. Đó là loại phê bình liều lĩnh đến liều mạng. Sinh hoạt văn học ta đâu đó cũng nảy nòi loại phê bình này, dù nhẹ đô hơn.
Ở Tienve.org vào đầu tháng 7 vừa qua, nữ nhà thơ kiêm nhà phê bình viết đầy liều lĩnh, rằng (8):
“Cám ơn bạn đã đưa ra cho tôi và độc giả một định nghĩa rất lạ tai mà buồn cười “nhà phê bình thực hành”
rồi mỉa thêm rằng:
“nhất định phải tìm cho bằng được một cái phòng thí nghiệm nào đó để gieo cấy các hiện tượng…”.
Practical Criticism, Practical Critic đã có mặt trong từ điển thuật ngữ văn học từ lâu (9); còn trong tiếng Việt, đã có vài nhà phê bình xài rồi mà nhà này không biết. Không biết thì hỏi, nhưng lại tư thế mỉa người khác, là liều hết thuốc chữa rồi.
6. Phê bình sang đàng
Là thứ phê bình từ chuyên môn sang ngang qua chính trị, đạo đức để chụp mũ thiên hạ. Có vị đạo mạo và khá nghiêm nghị khi túng thế đã phải sử dụng đến lối phê bình này. Trao đổi về thơ Việt đương đại trên báo Nhân dân cuối tuần, từ số 13-2013 đến số 23-2013, nhà thơ kiêm nhà nghiên cứu văn học nhận định về một ý kiến của tôi (10):
“để tỏ rõ tầm quan trọng của hệ mỹ học, anh [Inrasara] viết: “Vào phòng tranh cổ điển, ta dễ dàng phân biệt đâu là bức đẹp/ xấu. Nhích chân bước sang phòng tranh lập thể bên cạnh thôi, nếu chưa được trang bị kiến thức căn bản về mỹ học lập thể, thì ta ỡm ờ là cái chắc”. Không biết Inrasara có giỏi về mỹ thuật không, nhưng điều tôi thấy qua văn lý luận của anh là, anh tỏ ra coi thường công chúng mỹ thuật ta!”.
Sự thể xảy ra với cả thế giới, đâu riêng gì ở “ta”? Bạn chưa biết gì về mĩ học lập thể, thì chuyện bạn không thể thưởng thức tranh lập thể, thì đâu có gì mà lạ? Bản thân ông chưa trang bị tri thức mĩ học hậu hiện đại, ông dị ứng hay hoàn toàn mù màu trước tác phẩm “Tôi là cột điện” của Lê Anh Hoài hay các bài thơ hậu hiện đại của Lê Vĩnh Tài là cái chắc; trong khi nhiều người coi đó là các sáng tác độc đáo.
Cá nhân tôi cũng đâu khác gì anh. Xưa đọc các sáng tác của Nguyễn Hoàng Nam ở tạp chí Thơ (Mỹ) vào những năm cuối thế kỉ trước, tôi mù tịt; mãi khi “tự đào tạo” và nghiền ngẫm về mĩ học hậu hiện đại qua tác phẩm lí luận của Nguyễn Hưng Quốc, Derrida, Deleuze, Baudrillard… rồi đọc lại chúng, tôi mới thấy đó là những bài thơ cực kì.
Nhận định kia có thể đúng, có thể sai; nhưng có ai hiểu đoạn văn trên là “coi thường công chúng mĩ thuật ta” như ông nhà nghiên cứu thơ này không?
Từ chuyên môn, ông [lỡ bước] sang đàng qua đạo đức, là vậy.
7. Phê bình đọc/ nghe hụt đầu hụt đuôi
Hai nhà thơ tường thuật “Bàn tròn ‘Thơ Dân tộc Thiểu số và Miền núi đương đại’” có đoạn (11):
“Thơ DTTS và Miền núi đương đại có sự khác biệt nhiều về vùng miền, nói lên bản sắc dân tộc, tâm cảm dân tộc, nếu không có nhà thơ dân tộc thiểu số sẽ không có văn học Việt Nam [Inrasara tô đậm]”
Trời biển ôi! Làm gì tôi dám phát ngôn mệnh đề vĩ đại như thế.
Tác giả khác, ở bài “Phê bình văn học – nhìn từ miền Trung” trên Web Sông Hương, có đoạn (12):
“Phê bình là một bộ môn khoa học, là một nghề chuyên nghiệp, thì người làm phê bình phải có tri thức và tư chất riêng, không thể để tồn tại tình trạng đáng báo động “người người làm phê bình, nhà nhà làm phê bình” như nhà thơ (cũng có viết phê bình) Irasara (sic) đã cảnh báo”.
Tác giả này đã ghi chú số [9] như sau: “Inrasara, Phê bình văn học: hội chứng rên rỉ và đổ thừa, Tạp chí Sông Hương số 5.2012, tr.78”.
Tôi có bao giờ cảnh báo ai như thế đâu, ngược lại là khác. Ở bài viết trên, tôi viết nguyên văn:
“Thở than phê bình xuống cấp, sa sút, ta luôn đòi hỏi chất lượng tiêu chuẩn ISO cho các bài phê bình.
… Sa sút với xuống cấp, lại cũng là nguyên do từ “ai ai” trên. Qua đó hội chứng đổ thừa cho “người người làm phê bình, nhà nhà làm phê bình” giành thêm mảnh đất mầu mỡ để nhân giống! Tại sao cứ chính nó mà không là thủ phạm nào khác? Cớ sao “người người làm phê bình, nhà nhà làm phê bình” không phải là cơ hội lớn cho nền văn học phát triển, mà lại làm trở ngại?”
Đó là 7 căn bệnh phê bình cần nhận lời phê bình thích đáng.
Sài Gòn, 20-8-2015
_________
Chú thích
(1) Inrasara, Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say, NXB Thanh niên, 2014, tr. 176-187
(2) Hà Yên, “Người thơ ơi, đừng diễn nữa!”, đăng trên báo Công an Nhân dân Cuối tuần, số 30, 10-8-2008
(3) Nguyễn Hòa trả lời phỏng vấn: “Họ đang biến văn học thành cái bung xung”, báo Văn nghệ trẻ, Phongdiep.net đăng lại 18-2-2012
(4) Hoài Nam, “Chẳng cần là hậu hiện đại”, Đại biểu Nhân dân, 8-12-2014
(5) Lê Xuân Mậu, “Phản biện phải có lý”, báo Văn nghệ Thành phố, 3-9-2015.
(6) Mai Quốc Liên, “Một vài nhận thức về lí luận văn nghệ hiện thời”, báo Văn nghệ, 22-4-2006.
(7) Phan Tuấn Anh – Nguyễn Hồng Dũng, “Quan niệm về chủ nghĩa hậu hiện đại trong nghiên cứu văn học ở Việt Nam”, Vanhocviet, 12-2010
(8) Đỗ Khánh Phương, Tienve.org, 4-7-2015
(9) Kathleen Morner – Ralph Rausch, NTC’s Dictionary of Literary Terms, Mc Graw Hill, New York, USA, 1998, p. 173.
(10) Anh Chi, “Tạm khép lại một cuộc trao đổi”, Nhân dân cuối tuần, số 23-2013
(11) Lò Cao Nhum và Hoàng Thanh Hương, “Bàn tròn ‘Thơ Dân tộc Thiểu số và Miền núi đương đại’”, tạp chí Văn hóa Dân tộc, số 6-2015, tr. 30.
(12) Phạm Phú Phong, “Phê bình văn học – nhìn từ miền Trung”, Web Sông Hương, 18-8-2015.
Nguồn: http://inrasara.com/2015/09/05/inrasara-7-thoi-tat-khac-cua-phe-binh-van-hoc-hom-nay/