Anh, tôi và những khúc rời của chữ

Đinh Thanh Huyền

Một ý nghĩ có thể là một dòng liên tục, nhưng nhiều ý nghĩ chỉ có thể là những khúc rời. Nhưng các khúc rời ấy sống như cây trong rừng, muối trong biển, không phải một, cũng chẳng phải hai. Đọc chùm thơ Đêm và những khúc rời của chữ của Lê Vĩnh Tài, tôi thấy mỗi khúc rời là một tinh cầu trong vũ trụ, một vũ trụ trong hằng hà sa số vũ trụ. Chúng không biệt lập đâu, chúng chỉ khác nhau trong cái toàn thể.

1. Nhiều nhà thơ không thích đặt nhan đề cho tác phẩm. Họ cho rằng nhan đề không giúp gì cho bài thơ. Ngược lại, nó hạn định người đọc vào một ý tứ nào đó. Nó khiến người đọc giống như con bò tót cứ chạy theo tấm vải đỏ của võ sĩ mà húc, trong khi lẽ ra nên đâm thẳng vào gã đang cầm tấm vải để kết liễu một trò chơi đầy xúc phạm. Có thể vì vậy mà Lê Vĩnh Tài chơi chiêu biến nhan đề thành câu thơ thứ nhất, tước luôn chỗ bám víu cũng đồng thời là “mảnh vải đỏ” trước mắt độc giả. Tôi chỉ ví dụ thôi, nhan đề và câu tiếp theo của vài bài thơ:

Có một tỉ lý do để nhìn xuống chiếc quan tài…

nhưng chỉ có một cách nói dối vì sao thơ chết?

Khi một bài thơ phải từ chối

những điều viết ra của chính nó…

lúc đó

mắt nó có một tia lửa

Sự thật…

và chúng ta luôn phải theo đuổi nó

giống như hạnh phúc

sẽ không bao giờ chịu dừng trò chơi lại

Bằng lối viết này, nhà thơ nói rằng: thoải mái đi, vào luôn đi, cửa cũng là nhà luôn đó! Bằng lối viết này, người đọc bị thử thách. Anh ta không kịp lấy hơi. Anh ta bị quăng vào bài thơ như bị đẩy xuống nước, buộc phải quẫy đạp ngay để nổi cùng dòng nước, trôi trong dòng nước, nước thấm vào từng lỗ chân lông trước khi kịp nghĩ ngợi gì.

2. Thế giới của thơ không thể xâm nhập bằng lí tính. Đó là thế giới đầy ngẫu hứng và cách biệt vô cùng với logic. Những gì khiến cho một câu thơ, một hình ảnh, thậm chỉ một chữ nảy ra cũng là không thể hình dung. Thơ Lê Vĩnh Tài giống như một dòng suối chảy, nó có thể mắc vào một tảng đá, lôi theo một khúc cây, nhùng nhằng với đám rong rêu, vùi vào một hõm đất ven bờ, nhảy tưng tưng trên đám đá cuội, trôi hiền hòa chỗ lòng êm. Không ai định trước được dòng chảy sẽ ra sao. Mạch liên tưởng và sức huy động liên tưởng của cây bút này thật khác thường. Trong thơ Việt hôm nay, Lê Vĩnh Tài thuộc về số ít người có được trữ lượng liên tưởng dồi dào vô tận đó.

3. Chữ là sự tự động. Chữ mới là người chơi. Nhà thơ bị chữ bắt và dong đi. Nó quất vào lưng nhà thơ và anh ta bắt đầu lồng lên hoặc quỵ xuống. Tùy vào điều đó mà ta thấy chữ của Lê Vĩnh Tài có lúc như mê man, có khi như dò dẫm nhưng chưa lúc nào ngừng chạy

nhưng thơ biết

người hàng xóm của thơ ngày xưa rất yêu hoa anh đào

đã đi lên đồi cao

đã khóc cho người nằm xuống

tiếng vang bước chân anh ta trên lối đi đá sỏi

giữa mùa hạ trắng

mỗi sớm thức dậy tưới hoa

vợ của anh ta đã cầu nguyện cho anh tại các ngôi đền

mà tóc của cô cũng bị cuốn theo cơn bão

xác xơ

còn hơn thơ

trong mùa biển nhớ…

4. Chữ “biết” trong thơ Lê Vĩnh Tài rất đặc biệt. “Biết” ở đây không phải là “hiểu”. “Hiểu” đòi hỏi một hành trình và những điều kiện. “Hiểu” cũng có quá trình của nó. Hiểu ít hiểu nhiều, hiểu nông hiểu sâu, hiểu sai hiểu đúng. Nhưng “biết” là ở ngay trong cái được biết, duy nhất, toàn bộ và sâu sắc.

thơ biết

thế giới này chỉ là nơi than thở những nỗi buồn của hai lá phổi

cũng là nơi chim hót vào tai

hai mắt thơ nhìn cuộc đời như túi hành lý cũ

ngày thơ lên đường

nhập ngũ

người ta mở cho thơ nghe những bài hát qua loa…

Chủ thể của sự biết đó là “thơ”. Chỉ thơ, với tất cả tính trong lành nguyên thủy của nó mới đến được cái biết sâu sắc. Với Lê Vĩnh tài, “thơ” là biểu tượng của bản nguyên thuần hậu ở con người. Chỉ bản nguyên ấy mới được ban cho quyền năng nhận biết một cách tự nhiên nhất, không rào cản nào có thể chặn được sự biết vĩ đại đó. Bản nguyên trong sáng của con người là cái duy nhất có thể nhận biết hiện thực đích thực là thế nào. Ai đọc thơ mà xé toạc được bức màn vô minh che mắt ấy là người “biết”. Đọc thơ chỉ dừng ở mức thấy hay mà không biết vì sao, ấy cũng là “biết”. Nhưng đọc thơ mà ngồi ngẫm xem thơ nói cái gì thì đó chỉ là “hiểu” thôi. Người biết sẽ hạnh phúc, người hiểu chỉ mãn nguyện. Giữa hai trạng thái đó, là vực thẳm không cùng.

Cái “biết” của thơ không phải là tri thức. Nhìn từ phía ngoài, ta thấy có lúc nó hơi vô lí, hoang tưởng hay ngớ ngẩn. Nhưng kể cả hoang tưởng, vô lí hay ngớ ngẩn đều chỉ là trò diễn, bề sâu là cái biết chân thực, nguyên vẹn.

và mọi người cũng nên có một cơn điên nhẹ

để viết những điều không thể viết

nó lớn lao hơn những thứ quà tặng

giải thưởng hay nhuận bút

Ta thấy nó hơi hoang tưởng nhưng nó chỉ thẳng vào tâm trí hỗn loạn của con người:

có thể thấy

năng lượng từ bộ não của ta

rớt ra

như hàm răng giả của một mụ phù thuỷ

mà ta cứ tưởng là Thượng Đế.

Và đây là hiện thực cay đắng đằng sau vẻ ngớ ngẩn:

bây giờ chúng ta nhìn ông

vua và vương miện

không biết rằng ông đã

chích điện

làm cho chúng ta bị lên đồng

suốt đời

chổng mông

lên trời

đời đời

Nhưng nhiều nhất, sâu nhất, thấm nhất là những nhận biết trụi trần hiện ra sau nỗi buồn hun hút:

cả với thơ ta cũng phải nghi ngờ

sợ hết thảy những điều không đáng sợ

dù giọt nước mắt nhà thơ

rớt trên đất nước nặng hơn một triệu mảnh vỡ

của trái tim

em hãy nhặt lên những gì còn lại

đừng khóc

chúng ta cần tồn tại

trong một thế giới có quá nhiều sự khốn nạn mà không ai dám cãi

Trong rất nhiều cái biết, suy tưởng về cái chết là niềm vui của thơ. Nó không né tránh cái chết. Con người sợ cái chết nên tránh nói về nó. Như thể không nhắc đến thì cái chết không hiện hữu vậy. Thơ thì khác:

thơ biết cái chết vẫn là cuộc sống

chỉ có điều nó nằm trong một cái hộp

chưa biết vui hơn hay sẽ buồn hơn?

Không gì hiển nhiên hơn cái biết này của thơ. Lí trí né tránh, nhưng cái biết vẫn có đó, nó chỉ đơn giản là hiện ra, và thơ chính là sự hiện diện của cái biết. Cái chết, thậm chí còn là sức mạnh của thơ. Nó (thơ) biết: cái chết ở ngay trong sự sống. Minh triết đó, làm sao từ chối được. Thơ còn biết: cái chết đáng sợ khi ta chỉ ngửi thấy mùi tử khí. Nhưng cái chết lại huy hoàng khi ta biết đến tình yêu, thứ tình yêu thanh bình và lớn lao phủ lên vạn vật. Thơ nhắc nhở:

và ngay cả chúng ta cũng suýt không còn được chết

vì tình yêu

mà tình yệu

thì chúng ta đâu bao giờ thiếu…

Viết về cái chết, thơ Lê Vĩnh Tài không chỉ nói về cái phổ quát mà còn khiến chúng ta nhìn sâu vào những gãy đổ tức thời, nhưng không phải để oán hận hay thứ tha. Đơn giản chỉ nhận biết rồi để nó qua đi mãi mãi. Đó là tinh thần của sự sống trong cái chết.

chắc khi chết không còn ai nuôi lòng thù hận

với một người vừa già vừa nghèo như anh ấy

dù trước đây anh ấy đã xóa sổ cả cánh đồng

anh ấy làm rối tung mọi thứ

anh ấy đã làm cho các giáo sư phải đi cắt cỏ

các nhà thơ đi chăn bò

vì không muốn chết

anh ấy đã pha trộn mọi thứ

như một thầy phù thủy

trong một cái bao tải rách

để mọi người giữ ấm trong mùa đông

bởi vì anh ấy thích

nó sẽ là một thiên đường

không phải trại súc vật

nên đừng ai đánh mất

niềm tin

(Thơ viết bài thơ về cái chết)

Cái chết mà thơ biết, không giống như hầu hết nhân loại nghĩ. Vậy nên, với đa số, những ý nghĩ về cái chết hoặc bi thảm quá, hoặc kì quặc quá, mà thực ra cái chết mở ra cơ hội cho tất cả, kể cả cho “những kẻ hành nghề đọc điếu văn”.

Ngay sau năm bài Thơ viết bài thơ về cái chết là hai bài Ngày tang lễ, Có một tỉ lí do để nhìn xuống chiếc quan tài. Viết về cái chết là một chuyện, nhìn sự sống từ cõi chết lại là chuyện khác. Nếu không ai trở về từ cõi chết để kể về nó thì thơ có thể làm được điều này. Có lẽ cái chết không làm người ta buồn và cay đắng bằng sự sống. Bởi vì thơ – trong ngày tang lễ của mình – đã nhìn thấy

và những người đã mang vòng hoa

cùng bạn gái của thơ đang thuyết giáo

về phận người

những giọt nước mắt của họ làm cho

cậu bé nghèo

thấy sợ

ngày tang lễ

của thơ…

(Ngày tang lễ)

Tôi thích thơ tình Lê Vĩnh Tài lắm, nhưng tôi lại không muốn nói nhiều về nó. Bởi nó mở nắp những cái giếng thơm ngát và u sầu trong tâm trí. Chúng ta, chưa ai thoát khỏi thứ tình yêu trần thế này. Mà tình yêu thì đầy thủ đoạn để buộc ta đánh cược vào những buồn vui của nó. Chẳng hiểu sao, tôi thấy tình yêu trong thơ anh quá nhiều trống trải, những người yêu nhau xa cách nhau quá đỗi. Họ đâu có lỗi, tình yêu cũng đâu có lỗi, nhưng tình yêu vốn không phải là hạnh phúc đích thực. Cuộc tình nào cũng bắt đầu bằng hạnh phúc và kết thúc bằng đau khổ. Tình yêu là cây cầu, chúng ta có thể đi qua nó nhưng đừng xây nhà trên nó. Bởi tất yếu ngôi nhà sẽ sụp đổ.

và chúng ta sẽ nghĩ về tình yêu

giống như chiều dài của một cuộn dây

mà vòng xoắn cuối cùng

không chỉ là những lần trói tay

không chỉ là những lần chúng ta bay

yêu

và cùng rơi xuống…

mà ở giữa đã có

một bài thơ dài như sợi dây thừng

vẫn dùng treo cổ

hai chúng ta…

(Bài thơ hay chỉ là một sợi dây thừng)

Lê Vĩnh Tài có thể viết bằng ý nghĩ của người con gái, tưởng vẩn vơ lơ đãng mà hóa ra nó hướng đến một điều gì đang bị bỏ lỡ.

em muốn một chiếc váy màu đỏ

em muốn nó mỏng manh

em muốn nó ôm thật chật

cho đến khi một giọt nước mắt

của người nào đó

rơi…

(Em muốn một chiếc váy màu đỏ)

Tình yêu được cảm nhận bằng tâm trí của người đàn ông, nó xuất hiện bất cứ lúc nào, như trò chơi quái ác làm người ấy bỗng như rơi vào lỗ hổng thời gian:

bạn không cần chờ đến mùa gió chướng như nàng

giọng bạn vẫn khàn

sự tuyệt vọng của mùi rêu và cây thông

phía sau nhà

bạn hát

như thể mỗi âm tiết có vị máu

bạn biết thiên thần của bạn luôn luôn yêu bạn

luôn luôn nã đạn

cả những lúc bạn khốn nạn

và nát tan…

(Bạn không nhớ nàng đã khóc như mưa)

Thực tại mà thơ Lê Vĩnh Tài mở ra bắt đầu từ thời sự. Nhưng mỗi sự kiện đều đi xa hơn chính nó. Một đời sống nóng hổi tràn vào thơ nhưng phía bên kia sự viết là những diện mạo khác, bị lọc mất lớp giả trang, đột ngột trình ra một sự thật.

khi bài thơ nói

chúng ta làm rơi xuống hố

phải hiểu là

chúng ta tha hồ

phát triển các cục nợ tổ bố

nhân dân è cổ

mùa thu qua phố

bao la..

Có quá nhiều phẫn uất, bi và hài, cay đắng và bất lực, đay nghiến và cười cợt dội vào thơ. Nhưng đó không phải thực tại cần thiết cho thơ. Thơ mượn sự kiện làm nơi trú ngụ, rồi giải phóng khỏi nơi đó một luồng sét chói lòa của nhận biết. Những cảm xúc ban đầu chỉ là đất mượn để cái trên đó nhà thơ cấy vào một mô sống. Từ mô ấy, lá hay cành hay rễ mọc ra không còn là việc của nhà thơ. Đó chính là cái biết tối hậu.

Trong một bài viết, tôi từng nhắc đến chính trị và thơ. Xét cho cùng, thơ cũng là một khí hậu chính trị. Nhưng không phải ai cũng có thể ở giữa thời cuộc mà viết như Lê Vĩnh Tài. Ở thi sĩ này, tiếng của thời cuộc vang động dữ dội. Viết từ va đập với thời cuộc, thơ anh nằm trong chuỗi giá trị hiếm của tinh thần thi ca xứ sở. Hiếm bởi sự nhập cuộc có một không hai của nhà thơ. Thế cuộc vây quanh người viết trong trạng thái trần trụi, bụi bặm, tự nhiên nhất của nó. Trong khi đại đa số nhà thơ Việt Nam nhắm mắt bỏ qua thì Lê Vĩnh Tài đối mặt. Không phải nhìn trừng trừng bằng con mắt thịt để viết nên những vần thơ ám chỉ hoặc vạch trần thô lỗ vô giá trị. Lê Vĩnh Tài đối mặt hiện thực bằng con mắt bên trong, con mắt mang năng lượng của cả ánh sáng và bóng tối. Vì vậy, thế cuộc với tư cách là sự kiện khơi ra cái xung động có thể đánh thức, đảo lộn hoặc hủy hoại. Nhưng chúng đều là cách đi đến sự thật. Mà sự thật, luôn đến bằng thức tỉnh. Trong lối viết, Lê Vĩnh Tài vượt hẳn lên nền chung ở độ thần thục trong các thủ pháp hậu hiện đại. Với thi sĩ phố núi, thủ pháp không còn là thủ pháp. Chúng là hồng cầu trong máu, đưa chất sống đến khắp cơ thể thơ, hiện diện trong mỗi tế bào thơ. Bằng chất sống đó, sự thật không là đe dọa dù nó mang đến quá nhiều cay đắng.

không có gì nguy hiểm

khi tôi giả vờ giấu một bí mật

đất nước này đã mất

tôi đánh một lô đề

đề về số 00

(Soi gương)

bạn nghĩ đất nước đang thanh bình

và người lính hát với chính mình

bài hát tình yêu

không gian dối

chỉ người lính biết

sự thật đã bị bắt

và biến mất

sau quá lâu xương máu…

(Sự thật nhiều khi cay đắng)

Có những khi Lê Vĩnh Tài rất tai quái:

chàng chính phủ chạy hộc

tốc về nhà, đóng sầm cửa và hét lên với

nhân dân vợ:

“Em ơi, đóng gói đồ đạc đi thôi. Anh mới trúng xổ

số.”

người vợ thốt

lên: “Ồ vậy à?

Tuyệt

quá. Em thật là

sung sướng.

Em sẽ chuẩn

bị đồ

đạc đi biển hay lên núi hả

anh?”

ông chồng nói:

“Anh chẳng cần biết.

Chỉ cần em

cuốn

xéo

(Đêm và những khúc rời… 14)

Và nhà thơ có thể lôi mọi thứ vào thơ nhưng lại vô cùng thơ

phép ẩn dụ

khi nguyễn đức sơn đụ

mẹ cây bông

nguyễn quốc chánh đụ

má tụi mày

không ngớt mài dao

(Đêm và những khúc rời…14)

5. Biết, nhưng thơ không phải là Chúa Trời, nó không có sức mạnh để làm nên những điều thần kì, ban phát ân huệ và sửa chữa những trò hư hỏng mà con người gây ra. Thơ không có nghĩa vụ phải gánh vác giúp con người các giá trị, bởi nó còn yếu ớt hơn con người:

thơ bị mất phanh

xin bạn vui lòng

tự ngừng lại

bạn đừng có cố

mấy cái trò bất tử

không phải là công việc của thơ

(Bởi vì thơ không thể không thể dừng cái chết lại)

Thơ và nhà thơ – cả hai vừa là chủ thể vừa là nhân vật trong thơ Lê Vĩnh Tài. Cả hai đều yếu ớt, buồn bã, tội nghiệp. Cả hai đều đứng thấp hơn hiện hữu, thấp hơn người đọc. Nhà thơ, hầu hết thời gian chỉ thấy mình vô dụng nhà thơ là những tù binh chiến tranh của ngôn ngữ…. trong đêm. nhà thơ dán những con tem lên bài thơ của mình.

sự mờ nhạt của con tem

như màu sắc nhạt nhoà trong bóng tối

nơi có một người phụ nữ đang ngồi khâu lại chiếc cúc áo của nhà thơ

bị rơi…

…ngày nhà thơ lên đường ra trận

đánh nhau

và trở về thành một tù binh

của cuộc chiến tranh

mong manh với chữ…

(Tù binh chiến tranh)

Còn thơ, ngơ ngác và bất lực:

thơ khóc

chỉ là câu thơ thôi

sao người ta lại nhét vào túi áo của thơ

quá nhiều ớt cay như vậy?

(Có một tỉ lí do để nhìn xuống chiếc quan tài)

Tôi rất thích bài Dì Út. Thơ trong bài này tội nghiệp vô cùng bởi nó có một người Dì, người đã mua cho nó đôi giày nhỏ khi nó bé bỏng và mất mẹ. Nhưng Dì theo nó đến lớn và chỉ bảo thơ phải làm gì. Dì yêu thơ nhưng rốt cuộc không tha thứ cho thơ. Đây là thi phẩm hầu như đã thâu tóm bi kịch của thơ-trong-thời-khốn-khổ. Nỗi ám ảnh của thơ cũng là ám ảnh của mọi kiếp người, khi nó phải mang vác thật nhiều, phải sống không như nó muốn.

Thế nhưng, dù tội nghiệp, bài thơ vẫn biết nó là ai. Có lúc thơ là là một cây chổi quét nhà, nhưng nếu bị xúc phạm/ thơ sẽ giết người, và sự thật của thơ phải là một trăm phần trăm. Cũng không hiếm khi thơ trở nên nanh nọc: bài thơ rất già và cũ/bạn là đứa con nít còn đang tuổi bú/khi nói rằng bạn đã làm thơ… Thơ cũng là một sinh linh mơ mộng trọn đời: Thơ mơ mình ngủ quên trong nhụy hoa…/ miệng vẫn còn ngậm núm vú/ bú vào sương mù… Và sau hết, thơ là những tra vấn về sự viết, về cơn cớ sinh tồn và định mệnh của “chữ”. Chữ và thơ chưa bao giờ tách rời khỏi thực tại. Chúng có đó bởi thực tại có đó.

thơ chưa từng sử dụng một ký hiệu

ví dụ như vết đạn

hay bảng cấm

thơ im lặng

thức suốt đêm

băng qua đường

nhập vào cuộc đọ sức

đạn bắn toang lồng ngực

trên màn hình thơ ngửi mùi biển mặn

muối trên tóc

những goá phụ đeo tang

bài thánh ca của nàng

chưa siêu thoát

Còn nhà thơ, dù yếu ớt, vẫn biết mình phải đi trên con đường đã chọn.

nhưng nhà thơ chỉ có sức mạnh

khi đi tìm sự thật

dù sợ vỡ mật

(Sự thật)

Trong chùm thơ này, thơ và nhà thơ là những thực thể được kiến tạo bằng một kĩ xảo chưa từng xuất hiện trong thơ Việt ở tính nhất quán, tính hệ thống, tính ổn định điều tiết cấu trúc hình tượng. Đồng thời sự biến hóa, đảo chiều, co giãn và xuyên thấm bất ngờ cho phép mỗi thực thể tiềm tàng khả năng thiết lập sự bùng nổ của nghĩa. Cuối cùng, sự ngẫu hứng đan dệt nên một thiên hà bí ẩn bồng bềnh trôi ở mỗi bài thơ.

6. Trong thơ Lê Vĩnh Tài, ngữ pháp mất giá trị, từ không làm nhiệm vụ dẫn nghĩa, từ chính là nghĩa. Một khi từ không phải phương tiện chuyên chở thì thơ là sự thật.

Điều này liên quan đến cách một diễn ngôn tồn tại. Lời là cách con người tư duy và diễn đạt. Nó là quy ước, nó không phải là sự vật. Nếu ta thay đổi tên một sự vật, bản thân sự vật không khác đi. Ta có thể không gọi cái cây bằng từ “cây” nhưng cây không thay đổi thành thứ khác. Ngôn từ, do đó mà không đáng tin như ta nghĩ. Thơ cũng là một diễn ngôn nhưng nó định tính mà không định danh. Thơ bỏ qua cái bề ngoài mà tiến thẳng đến hiện thực. Bởi thế, ngôn từ thơ càng ít phụ thuộc vào quan hệ quanh nó bao nhiêu, khả năng đi tới hiện thực càng mạnh bấy nhiêu. Cũng bởi thế, càng rườm lời thì sự thật càng trôi xa. Chỉ khi nào từ tự mình làm một sinh thể đủ đầy thì diễn ngôn nó tạo ra mới gần sự thật.

7. So với Đêm và những khúc rời của Vũ, Lê Vĩnh Tài đã đi rất xa trong Đêm và những khúc rời của chữ. Đó là những khúc rời trong đường thơ anh. Lê Vĩnh Tài ngắt được cái mạch tràn trề những chữ và lai láng cảm xúc, chuyển đến trạng thái hiện sinh như một trị tuyệt đối của chữ. Lúc này, hẳn nhà thơ đã tự do hơn, khó khăn hơn, và tin vào trực giác nhiều hơn. Không phải không có những bài anh viết như trò nghịch, vô định hướng và chẳng hiểu chính mình. Nhưng đọc, thích và nhớ thơ Lê Vĩnh Tài không phải ở những bài đó. Cũng không hẳn là những dung tải của chữ làm nên sức hút của thơ Lê Vĩnh Tài. Sâu lắm, có một chất thơ chảy dưới đáy của ngôn từ vẫy gọi, kết nối những khúc rời thành một thực tại phi nhân mở đường cho tất thảy. /.

14/7/2020

Comments are closed.