Bảng chữ cái tiếng Việt có cần được chuẩn hoá?

Nguyễn Đức Dương

 

Cách đây ít lâu (23/02/2014), tác giả Lê Thời Tân có giới thiệu cùng độc giả trên tạp chí Văn Hoá Nghệ An (bản điện tử) một bài viết khá dài, bàn sâu thêm về những điểm còn tranh cãi xung quanh các kí tự “dùng lậu” và các kí tự bị “kì thị” trong bảng chữ cái [BCC] Việt[1].

Đọc những lí lẽ sắc sảo và giàu sức thuyết phục của tác giả, chắc hẳn ai cũng có thể dễ dàng đồng tình ngay với ông. Tuy nhiên, theo thiển ý, phải chi tác giả còn chú ý thêm tới hai điểm sắp nói dưới đây thì bài viết chắc còn chinh phục được cảm tình của nhiều người hơn nữa.

Thứ nhất, ngay từ năm 1988, tức cách nay hơn 35 năm, Viện Ngôn ngữ học đã cho “trình làng” bộ Từ điển tiếng Việt dày hơn một nghìn trang. Trong công trình biên khảo công phu này, GS. Hoàng Phê cùng các cộng sự đã giới thiệu cùng độc giả cả nước một BCC “mới” (tại điểm 6 trang XIII) gồm 33 kí tự (với 29 kí tự “cũ” cộng thêm F, J, W và Z, bốn kí tự tuy bị coi là “dùng lậu” (do chưa được cấp căn cước), nhưng lại rất hay gặp cả trên sách báo lẫn trong lời ăn tiếng nói bình thường.

Từ độ ấy tới giờ, công trình cấp quốc gia này cùng với BCC mới đã được in đi in lại những hơn một chục lần, được công chúng rộng rãi cả trong lẫn ngoài nước hồ hởi đón nhận và ngầm coi như là chuẩn mực của tiếng ta, nhất là sau ngày công trình được trao giải thưởng nhà nước về khoa học và công nghệ vào năm 2005. Điều đó cho thấy: Gọi F, J, W và Z là những kí tự “dùng lậu” e chưa thật xác đáng, và câu chuyện bốn kí tự ấy có dùng “lậu” hay không có lẽ khỏi cần bàn.

Thứ hai, BCC của mọi thứ tiếng, như tất cả chúng ta đều rõ, là tập các kí tự dùng để ghi lại diện mạo ngữ âm của mọi từ ngữ hiện có trong vốn từ của thứ tiếng đang xét. Nói khác đi, công năng chủ chốt của BCC là để ghi âm, chứ đâu phải để đánh số thứ tự các hàng ghế trong nhà hát, trong hội trường, trên sân vận động, trong xe tàu hay các đề mục lớn nhỏ trong các bài viết hoặc báo cáo, v.v.

Hơn nữa, chả cần nói thêm chắc ai ai cũng rõ mười mươi là ở những nước dùng hệ chữ Latinh làm văn tự, người ta còn lợi dụng trình tự trước sau nghiêm ngặt của các kí tự trong BCC để đánh số thứ tự cho một số đối tượng, như các đối tượng vừa được chúng tôi nhắc đến. Khi Latinh hoá tiếng Việt, chúng ta cũng du nhập luôn cả cách làm này, bỏ qua sự sai khác khó có thể coi là nhỏ giữa BCC Latinh và BCC Việt. Ấy chính là ngọn nguồn của chuyện “kì thị” bảy kí tự Ă, Â, Đ, Ê, Ô, Ơ và Ư trong BCC tiếng ta.

Việc bỏ qua đó chẳng hề được ai để ý, do ai cũng nghĩ đó chỉ là công năng thứ sinh (chứ chả phải là công năng chủ chốt!). Bởi thế, chẳng phải vô cớ mà trong suốt cả mấy trăm năm qua, chẳng hề thấy ai trong chúng ta than phiền, cho mãi tới ngày “bị” TS Lê Vinh Quốc “tố giác” [2].

Nhân đây, chúng tôi còn muốn góp thêm đôi điều về chuẩn tắc viết i (“i ngắn”) và y (“y dài”), vốn gây lúng túng cho không ít người, nên cũng được giới làm công tác chuẩn hoá chính tả bàn tới.

Theo chủ trương của Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê cb.), chúng ta nên nhất loạt viết âm chính “i” bằng i ngắn trong mọi trường hợp, trừ khi âm này đi sau âm đệm -U- (UY, TUY, CHUYÊN, TRUYỆN, v.v. và v.v.) và khi xuất hiện trong mảng từ gốc Hán chỉ do mỗi một âm tố ấy tạo thành (như y tế, y sao, ỷ lại, ý đồ, ý kiến, v.v.).

Hơn nữa, vẫn theo từ điển trên, nếu có ai đó thích thay i bằng y ở một số từ nhất định do thói quen (hoặc do bất cứ một nguyên do nào khác) thì theo sách trên, chuẩn chính tả vẫn chấp nhận, tức vẫn được coi là hợp chuẩn (bởi lạt mềm thường dễ buộc chặt). Nói cách khác, trong trường hợp này, chuẩn tiếng Việt chấp nhận cả hai dạng: cả li tâm, lí lẽ, lí thuyết, mĩ thuật, tỉ lệ, v.v. lẫn ly tâm, lý lẽ, lý thuyết, mỹ thuật, tỷ lệ, v.v.

 Ưu điểm nổi bật và khó lòng chối cãi của lối xử trí vừa giản dị, vừa uyển chuyển này là giúp cho bất kì ai, ngay cả những người trưởng thành nhưng ít có dịp động tới giấy bút, và nhất là học sinh tiểu học ít tuổi, dễ dàng viết đúng chính tả. Thật vậy, lối xử trí ấy khiến các em ít khi (hoặc hầu như chả bao giờ) phải phân vân khi hạ bút viết những chữ có chứa kí tự i (/y) trong thành phần, bởi trong óc họ chả bao giờ lởn vởn những câu hỏi (vốn hết sức đáng ngờ về tính khoa học!) đại để như: độ cao của các kí tự mình sắp viết trong một từ nào đó có cân đối không, hay hình chữ của chúng đã đẹp chưa hoặc chả hiểu tại sao từ hỷ (trong song hỷ) lại phải viết y (cho hình chữ đẹp hơn), nhưng từ hỉ (trong hỉ hả) cũng đứng sau “h, nhưng xưa nay chưa hề thấy ai viết bằng “y” cả[3]?

Ngoài ra, trong tâm trí các đối tượng thuộc nhóm ấy cũng chả bao giờ lởn vởn hai câu hỏi hóc hiểm: (a) Làm cách nào để biết đích xác một từ nào đó là từ gốc Hán (chứ không phải thuần Việt)?[4] (b) Tại sao chỉ có những từ gốc Hán mở đầu bằng H-, K-, L-, M-, S- và T- thì mới phải viết “y”; còn hàng loạt từ cũng là gốc Hán, nhưng mở đầu bằng CH- (như chí), bằng KH- (như khí), bằng NH- (như nhi, nhĩ, nhị, …), bằng PH- (như phi, phí), bằng TH- (như thi, thí, thị), bằng TR- (như tri, trí, trị) và bằng V- (như vi , vĩ ) thì bao giờ cũng phải viết “i”?

Từ những gì vừa trình bày, chúng ta có thể đi đến đề nghị: chắc hẳn đừng chuẩn hoá BCC tiếng Việt thêm nữa bởi lẽ nó đã được GS Hoàng Phê cùng các cộng sự ở Viện Ngôn ngữ học chuẩn hoá rồi ngay từ những năm cuối thập kỉ 80 của thế kỉ trước và đã được đông đảo người Việt chấp nhận, và coi như chuẩn mực.

Abstract: Trong bài này, tác giả đề nghị không nên chuẩn hoá tiếng Việt về mặt chính tả thêm một lần nữa do việc đó đã được GS Hoàng Phê cùng các cộng sự tiến hành từ những từ cuối thập niên 80 của thế kỉ trước khi công bố lần đầu công trình Từ điển tiếng Việt, và đã được công chúng rộng rãi đồng tình kể từ độ ấy. Ngoài ra, tác giả cũng đề nghị nên chấp nhận các giải pháp vừa giản tiện, vừa hợp lí do công trình biên khảo ấy đưa ra, để tránh gây nên những xáo trộn không cần thiết khi viết hai kí tự “i ngắn” và “y dài”.

Key words: các kí tự “dùng lậu”, các kí tự bị “kì thị”, chuẩn hoá tiếng Việt về chính tả, kí tự “i” và “y”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Thuỳ Nương (2014). “Chính tả: Chuẩn lí tưởng và chuẩn thực tế”. Tạp chí Ngôn ngữ, số 5-2014, tr.3-10.

[2] Lê Vinh Quốc (2012). “Những chữ cái bị kỳ thị”, Tuổi Trẻ, 3/5/2012.

[3] Lê Thời Tân (2014). “Tại sao Bảng chữ cái tiếng Việt cần phải được “chuẩn hóa”? (Trao đổi cùng tác giả bài “Một số biện pháp để chuẩn hóa Bảng chữ cái tiếngViệt”)”. Tạp chí Văn hoá Nghệ An, 23-2-2014.

[4] Đào Tiến Thi (2014). “Phân biệt viết i (ngắn) và y (dài)”. Văn Việt 06-6-2014.

 

 



[1] Lê Thời Tân (2014). “Tại sao Bảng chữ cái tiếng Việt cần phải được “chuẩn hóa”? (Trao đổi cùng tác giả bài “Một số biện pháp để chuẩn hóa Bảng chữ cái tiếngViệt”)”. Tạp chí Văn hoá Nghệ An, 23-2-2014.

[2] Lê Vinh Quốc (2012). “Những chữ cái bị kỳ thị”, Tuổi Trẻ, 3/5/2012.

[3] Xin x. GS. TS Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Thuỳ Nương (2014). “Chính tả: Chuẩn lí tưởng và chuẩn thực tế”. Tạp chí Ngôn ngữ, số 5-2014, tr.3-10.

[4] Theo tác giả của phương án, đây là một chuyện đơn giản do “bằng ngữ cảm bản ngữ, nói chung mỗi người đều có thể nhận ra đâu là từ gốc Hán, đâu là từ thuần Việt, cũng giống như biết rằng khi nào dùng từ phu nhân, khi nào dùng từ vợ, khi nào dùng phụ nữ, khi nào dùng đàn bà”. Chắc tác giả đã quá tự tin và quá lạc quan khi viết thế, chứ trên thực tế thì câu chuyện vốn liên quan đến từ nguyên này rắc rối hơn thế nhiều. Chứng cớ? Chỉ xin đơn cử một thí dụ: Chữ tị trong tị nạnh, ghen tị, tị hiềm thì ai cũng biết là từ gốc Hán, nhưng vẫn được tác giả xếp vào mảng thuần Việt khi nêu làm dẫn chứng. Đến tác giả mà còn lẫn lộn đáng tiếc đến thế, huống hồ các em học sinh mới mươi tuổi đầu! (xin x. Đào Tiến Thi (2014). “Phân biệt viết i (ngắn) và y (dài)”. Văn Việt 06-6-2014.

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.