Bể Dâu-Đất Trời-Gió Lửa của Nam Dao cùng ra mắt

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Lần đầu tiên, một tác giả cho ra mắt cùng một lúc ba tác phẩm “đồ sộ” với tổng cộng khoảng 2 ngàn trang sách, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt vào chiều Thứ Bảy, 7 Tháng Hai, với sự tham dự của nhiều gương mặt gạo cội trong lãnh vực văn học nghệ thuật tại Hoa Kỳ.

Tác giả đó không ai khác hơn là Nam Dao đến từ Canada, người đang gây nên sự chú ý trong văn đàn hải ngoại trong những năm qua qua với Dâu Bể (2 quyển), Đất Trời và Gió Lửa.

Diễn giả đầu tiên giới thiệu bộ Bể Dâu của Nam Dao là nhà thơ Đỗ Quý Toàn – cũng là nhà bình luận Ngô Nhân Dụng, từng là “đồng hương Canada với nhà văn Nam Dao.”

clip_image001

Nhà văn Nam Dao đến từ Canada giới thiệu với độc giả Quận Cam ba bộ tiểu thuyết lịch sử Bể Dâu, Đất Trời và Gió Lửa. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Theo ông Ngô Nhân Dụng, “Bể Dâu của Nam Dao được viết theo dạng tiểu thuyết lịch sử. Tôi có cảm tưởng Nam Dao viết tiểu thuyết lịch sử theo truyền thống của Hoàng Lê Nhất Thống Chí hay Tiêu Sơn Tráng Sĩ. Nghĩa là ông không viết thật sự những điều bịa đặt hư cấu mà ông còn muốn cho vào tiểu thuyết những nhân vật có thật. Đó là điều tạm gọi là liều lĩnh. Bởi khi viết về các nhân vật có thật thì mình không thể có sự nhầm lẫn, nhất là các nhân vật này sống ở thế kỷ 20 nên có thể có nhiều người biết về họ. Thế nên tôi vừa đọc tôi vừa run.”

“Bể Dâu là quyển sách quá nhiều tham vọng. Tôi nói điều này không có nghĩa khen cũng không có nghĩa chê. Nhưng đó là sự thật. Bởi vì Nam Dao đã tìm cách đưa ra một nhân vật hư cấu do mình tưởng tượng và đặt nhân vật đó qua cuộc sống từ thời 1927 cho đến sau này. Điều mà Nam Dao cố gắng làm là đặt nhân vật đó đi qua nhiều biến cố lịch sử Việt Nam,” nhà bình luận này nói thêm.

Về mặt bút pháp, nhà thơ Đỗ Quý Toàn nhận xét, “Ngay từ chương đầu, Nam Dao đã cho người đọc thấy kỹ thuật văn chương cao của mình. Tuy nhiên nhược điểm của lối viết này là không biết chỗ nào là tiểu thuyết, chỗ nào không là tiểu thuyết.”

“Viết tiểu thuyết nhưng lại để cho người ta thấy có lịch sử. Cho nên nếu có một lớp thanh niên lớn lên mà không hiểu rõ về thanh niên Việt Nam thì đọc tiểu thuyết lịch sử sẽ giúp họ hiểu luôn diễn biến của lịch sử Việt Nam. Riêng phần đó thôi cũng đã có giá trị giáo dục cho giới trẻ, giúp giới trẻ tò mò tìm hiểu thêm về lịch sử dân tộc,” diễn giả Ngô Nhân Dụng đưa lời kết luận về “Bể Dâu.”

Nhà văn Đặng Thơ Thơ giới thiệu với thính giả có mặt tiểu thuyết Gió Lửa của Nam Dao, quyển tiểu thuyết mà như bà nói một cách hóm hỉnh lúc đầu “trong suốt một tuần tôi phải đọc, đến nỗi những cuộc chiến của đất trời và gió lửa thường xuyên xảy ra trong những giấc mơ của tôi.”

Theo nhà văn Đặng Thơ Thơ, “Gió Lửa là tiểu thuyết được xây dựng với qui mô lớn, phức tạp, nhiều tuyến nhân vật, nhiều giai đoạn lịch sử và sự qui mô và phức tạp cũng tầm cỡ cũng như khi đọc tiểu thuyết kiếm hiệp hay Tam Quốc Chí xưa. Tức mức độ lôi cuốn của nó khiến mình phải đọc từ ngày này qua ngày khác, không ngừng.”

“Gió Lửa được viết theo dạng chương hồi. Nhưng mỗi chương có thể như một truyện ngắn. Liên kết tất cả các chương lại thì chúng ta có một tiểu thuyết có tính nhất quán. Gió Lửa được viết với kỹ thuật văn chương rất cao. Tôi đọc có những đoạn làm tôi rung động và có những đoạn làm tôi rúng động, với sự khâm phục và nghiêng mình dành cho nhà văn Nam Giao,” nữ văn sĩ nêu cảm nhận.

Nội dung của Gió Lửa “lấy bối cảnh là cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn khởi đầu với thời điểm Trịnh tàn Lê mạt cuối thế kỷ 18 và kết thúc với sự tiêu vong của triều đại Tây Sơn ngắn ngủi. Những trang viết về lịch sử trong này là cuộc nội chiến ròng rã, những tranh chấp quyền lực ngay trong nội bộ Đàng Trong và Đàng Ngoài, những âm mưa truy lùng, ám hại, thủ tiêu, tàn sát chồng chất trong gần 700 trang sách.”

Đánh giá tác phẩm này, Đặng Thơ Thơ nói, “Gió Lửa không chỉ thuộc phạm vi đơn thuần là truyện kể cho vui qua rất nhiều công phu dựng lại, mô phỏng hay hư cấu, mà gió lửa là một suy tư lâu dài của tác giả về những vấn đề lịch sử, gió lửa chất vấn lịch sử tại sao nó đã như thế, gió lửa khảo sát lịch sử để tìm ra mô hình đã chi phối lịch sử Việt Nam và những tranh chấp nội chiến dài qua nhiều thế kỷ và gió lửa đưa ra một cách nhìn khác, hay đề ra một phương pháp khác để thay đổi mô hình lịch sử.”

Nhà bình luận Nguyễn Xuân Nghĩa, một trong ba diễn giả của buổi ra mắt sách, nêu nhận xét chung, “Cả ba bộ truyện của Nam Dao tạo cho chúng ta một ý thức lịch sử mà nếu chúng ta được trang bị thêm những kiến thức, được trình bày rất là nghệ thuật trong phong cách truyện dã sử thì có lẽ chúng ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến lịch sử.”

“Và để chấm dứt tình trạng đại đa số chúng ta thuộc sử Tàu nhiều là vì già thì đọc Chiến Quốc Sách, trung niên thì đọc Tam Quốc Chí, còn trẻ thì đọc Kim Dung nhớ hết đời nào ra làm sao, trong khi truyện đất nước mình thì cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, giống như người Mỹ nhìn vào một chuyện nào xa lạ. Đây là điều cần thiết và Nam Dao là người mở ra điều đó,” ông Nghĩa nói.

Phát biểu suy nghĩ của mình trong tư cách là tác giả ba bộ tiểu thuyết lịch sử, nhà văn Nam Dao cho rằng, “Xin nói thật là chơi trò viết tiểu thuyết lịch sử khổ lắm” và cũng theo ông tiểu thuyết lịch sử ông viết “có tính cách luận đề nhiều lắm.”

Buổi ra mắt sách này thu hút được sự tham dự của nhiều gương mặt nổi tiếng trong giới cầm bút, bởi một lý do rất giản dị, “Vì đây là nhà văn Nam Dao.”

NỘI DUNG TIỂU THUYẾT:

Toàn bộ bốn cuốn tiểu thuyết lịch sử được sắp xếp theo trình tự thời gian, gồm :

Đất Trời, thời gian dân ta giành độc lập từ tay nhà Minh vào thế kỷ 15.Gió Lửa, giai đoạn Trịnh tàn-Lê mạt, rồi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn cho đến đầu đời nhà Nguyễn cuối thế kỷ 18.Bể Dâu, 2 tập, kể lại một số biến động đã tạo ra những bước ngoặt trong thế kỷ 20, đã và đang còn là những vấn nạn của lịch sử cận đại.

Đất Trời dựng lại thời Minh thuộc vào thế kỷ XV.  Mọi nhân vật, có hay không có thật trong chính sử, đều là nhân vật tiểu thuyết. Phần I, ĐẤT CAO, trải theo chiều dài hai mươi năm xương máu của con dân Đại Việt giành lại độc lập. Phần II, TRỜI THẤP, là mười năm đầu của nhà Hậu Lê, kết thúc với Vụ Án Vườn Vải và cái  chết bi thảm của Nguyễn Trãi, một con người mang kích thước lớn nhất của thời đại bấy giờ. Ông là người kết hợp được cây bút và thanh gươm để chiến thắng đoàn quân viễn chinh nhà Minh. Sau giải phóng, nhà Hậu Lê phải dựa dẫm vào mô hình phong kiến Tống Nho, rập khuôn tổ chức chính trị và ý thức hệ Trung Hoa. Nhưng thế là thua trên bỉnh diện văn hóa. Vì nếu cuộc chiến giành độc lập chỉ tạo lại một guồng máy quan nha bản địa rập khuôn ngoại bang thì độc lập để làm gì? Ta thắng hay bại? Và tại sao? Hiện nay, vấn đề lớn nhất đối với chúng ta là sự sống còn của một nền văn hóa Việt. Nếu văn hóa tiêu vong, chúng ta sẽ là những đứa con rơi của tình cờ trong quá khứ. Và là những kẻ vất vưởng trên con đường vào tương lai.

Trong GióLửa, thời điểm là buổi Trịnh tàn – Lê mạt vào cuối thế kỷ 18, bối cảnh là cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn, và sự ra đời rồi tiêu vong của triều đại Tây Sơn ngắn ngủi. Những trangs ử Việt Nam được tái dựng trong tiểu thuyết này là cuộc nội chiến ròng rã làm cho lệ rơi máu đổ. Tại sao? Yếu tố nào là nguồn căn của những cuộc nội chiến mà ta là nạn nhân của chính ta? Nặn đất sét làm tượng Thành Hoàng, phải chăng chúng ta đã quì lậy đến độ mê mụ để trở thành nạn nhân của những quyền lực do chính chúng ta dựng lên khi chúng xung đột với nhau? Tránh dậm chân đi giật lùi vào lịch sử máu lửa, giai tầng kẻ sĩ ngày trước, nay gọi là lớp trí thức đặc tuyển, là những kẻ buộc sẽ phải can trường đặt cả cái hệ hình văn hoá đó lên bàn giải phẫu để suy ngẫm, hội chẩn và cắt bỏ những phần nhiễm độc trong tâm thức. Chỉ có như vậy, tương lai mới phần nào rõ nét ngõ hầu hiện tại cưu mang được hy vọng để tiếp tục sống còn.

Bể Dâu, dựng trên bối cảnh lịch sử cận đại, gồm hai tập. Tập I chia làm 2 phần : CHỚP BỂ, thời gian từ đầu những năm 30 cho đến đầu năm 47, từ Khởi Nghĩa Yên Bái cho đến Tuyên Ngôn Độc Lập và kết thúc với cuộc tái xâm lăng của thực dân Pháp vào cuối năm 1946. Phần 2, BA ĐÀO, thời gian từ năm 50 đến năm 63, miền Bắc can qua Cải Cách Ruộng Đất, Cải Tạo Công-Thương Nghiệp, rồi Nhân Văn Giai Phẩm và quyết định xâm chiếm miền Nam qua con đường chiến tranh bạo lực. Tập II, cũngcó 2 phần: MÙA RỪNG ĐỘNG thuật lại một vài nét tứa máu của cuộc tương tàn cho đến khi Hiệp Định Paris ký kết, và BỜ DÂU, từ năm 75 cho đến năm 90, kể chuyện sống còn của những mảnh đời oan khiên còng lưng dưới gánh nặng lịch sử của một đất nước đầy thù hận tai ương. Thuộc thể loại tiểu thuyết, truyện kể về những mảnh nhọn hoắt cứa vào biết bao nhiêu thân phận oằn gánh oan khiên sau những đổi dời. Nhưng sức sống vẫn đưa những con người không may vượt qua mọi gian khổ, tìm đất lành đặt chân, vẫn không quên mình còn một gốc gác chung, và nếu hóa giải được hận thù thì biết đâu chẳng có một tương lai để cùng chia sẻ.

 019020017

Comments are closed.