Nhị Linh
Số phận một tác phẩm văn chương lớn lúc nào cũng phải bao gồm đầy đủ cả hạnh phúc và bất hạnh. Chuyện kể năm 2000 là một sự kiện hạnh phúc của nền văn chương Việt Nam, và kể từ đó, tức là trải hết năm “lệnh” – theo cách tính đầy hào phóng của những người tù – thật bất hạnh, nó vẫn cứ là sự kiện lớn nhất của nền văn chương ấy.
Năm 2000, chắc là khoảng giữa năm, qua những mối quan hệ mà tôi chỉ nhớ là rất loằng ngoằng và thật ra không còn muốn nhớ cụ thể nữa, một nhà văn ở Hà Nội đồng ý cho mượn hai quyển Chuyện kể năm 2000. Phải đến tận nhà ông, đâu đó ở mạn Bà Triệu-Triệu Việt Vương ngay lập tức để lấy mang về. Thời ấy, đến gõ cửa nhà một người không quen vào đúng giờ cơm tối vẫn còn chưa trở thành một điều gì vi phạm quá đáng lắm đối với tập quán sống vẫn chưa trôi hết khỏi quán tính làng xã, phố huyện.
Chuyện kể năm 2000 ngay tắp lự đưa ta về với một tập quán sống nơi thành phố miền Bắc vào cái thời đã được Bùi Ngọc Tấn vĩnh cửu hóa bằng một cách miêu tả: “pha lê hóa”. Những người bạn tới nhà chơi, ngồi ở chỗ cái bàn con con uống nước, cửa để mở, hàng xóm đi qua đi lại nhìn rõ bên trong, thỉnh thoảng lại có ai đó đến gửi nhờ thứ đồ nào đấy (trong Chuyện kể năm 2000 là anh tù tên Giang gửi những chiếc xe đạp đánh nghẽođược, nguồn cơn để anh Giang đó tiếp tục đi cải tạo thêm một đợt vô tăm tích nữa), và trong ký ức lũ trẻ con sống ở nhà tập thể hồi ấy chắc chắn là có những người khách đến ngủ nhờ một đêm, vài đêm hoặc thậm chí nhiều đêm, những người không còn chắc chắn lắm có phải họ hàng không, rồi sau đó họ biến mất không để lại dấu vết, giống như già Đô trong Chuyện kể năm 2000, một nhân vật chất chứa rất nhiều thương xót, tủi hổ của tác giả, người bạn tù chỉ lo sợ sẽ chết trong tù, tức là rũ tù, nhưng khi đã được ra tù, ở nhờ đêm đêm nhà tác giả được một thời gian thì chỉ tìm cách xin quay trở lại trong tù, và bởi không được như vậy nên đi ăn cắp ngang nhiên, nhưng ngay cả sự ăn cắp này cũng không thành công, mà chỉ khiến ông trở thành niềm vui thú cho bọn trẻ con Hải Phòng.
Cái năm 2000 ấy, sau khi đứng ngoài cửa không dám vào nhà, chỉ kịp nhìn thấy một mâm cơm rất tương phản với những gì nhà văn ở mạn Bà Triệu-Triệu Việt Vương ấy viết về thú ăn chơi rực rỡ của dân Hà Nội, là đến lúc đọc ngốn ngấu hai tập sách, một mạch cho đến “đoạn Ngụy Như Cần”, tức là đoạn cuối. Những lần đọc sách mượn như ăn cướp thời gian ấy cũng là một phong vị của những năm Hà Nội ngày trước.
Đoạn người tù tên Tuấn đến gặp Ngụy Như Cần, giờ đọc lại, đẹp như một bức tranh: “Vừa nhô ra khỏi vạt rừng, bắt gặp con suối chặn ngang, con suối dẫn tới Ngụy Như Cần, hắn bỗng khựng lại vì suýt vấp phải đàn bướm. Một dải bướm vàng bay ngang qua mặt hắn. Hàng triệu con bay dọc suối. Những cánh bướm màu hoa cải như một dải lụa dập dờn trên không trung uốn lượn theo con suối ngoằn ngoèo. Nó từ đâu trôi tới và còn đi đâu nữa. Nó trôi giữa những hàng cây bên suối cành lá khum khum làm thành một đường hầm. Nó cong xuống sát mặt suối để tránh một tán cây xòe ngang. Nó bốc lên vì một cành cây khô gẫy nằm chỏng chơ bên suối. Những cánh bướm vàng tươi, mỏng manh giống hệt nhau bay theo một hướng như trảy hội, quấy động không khí, lấp lánh lấp lánh trên nền xanh đen nghiêm nghị của rừng” (t.2, tr.335).
Đọc lại một tác phẩm văn chương, thường gồ lên một nỗi sợ hãi mơ hồ là lần này đọc ta sẽ thấy nó bé đi, không còn lớn lao như trong ký ức, mà ký ức thì hay phản bội, hay đánh lừa và giả dối (“đạo đức giả”, giống như Bùi Ngọc Tấn hay nhắc tới trong Chuyện kể năm 2000). Chuyện kể năm 2000không thuộc vào hạng tác phẩm này, thêm thời gian chỉ càng làm nó tăng thêm sức nặng. Sức nặng ấy là từ cách nhìn của một tiểu thuyết gia.
Giống như đoạn tả đàn bướm trên đây, Chuyện kể năm 2000 có những khoảnh khắc rất đặc biệt, đó chính là những gì ta có thể gọi là “epiphany”, những chớp lóe thiên tải nhất thì, những đường nét ảo diệu làm một bức tranh có cái nền vô cùng u ám bật lên, sắc nét trong một bố cục hơi dị thường nhưng ăn sâu vào trí nhớ, không thể nào quên. Bóng cây xoan in trên tường nhà đối diện trong những đêm ân ái của cặp vợ chồng trẻ; thời khắc người tù tìm được những viên than đặc biệt tình cờ mà có do rễ cây cháy ngún xuống âm ỉ tạo ra – và những rễ cây ấy đã nói cho người tù biết bao nhiêu điều bí ẩn; giây phút tắm suối rồi lạc vào một cái hang có con tôm trắng; cái lúc cả một cái cây bỗng cháy đùng đùng đỏ rực giữa đêm khuya gần lán tù với những con người vừa hoảng sợ vừa háo hức; phiên tòa xử gí điện con chuột “Chí Văn Chuột”: những “epiphany” ấy tạo ra đường nét, dẫu là những nét chìm – en filigrane – cho một tác phẩm, khiến nó trở nên không còn giống bất kỳ một tác phẩm nào nữa. Đặc biệt là vài khoảnh khắc rất bất chợt khi nhân vật thấy như thể mọi thời gian chập vào với nhau, không còn phân chia quá khứ, hiện tại, tương lai nữa. Cảm giác về thời gian đã hoàn toàn bị xáo lộn khi người ta ở trong tù quá lâu, sự tập trung về tinh thần và tâm trí đạt đến một mức độ sẽ không thể có được nếu vây xung quanh vẫn là những lao xao của cuộc sống, dù cho có là “pha lê hóa” hay không.
Và nhất là, cả bộ tiểu thuyết dài đến vậy, rất nhiều chi tiết, rất nhiều câu chuyện, nhưng vô cùng nhất quán ở cái phong vị chung, nó là thể hiện bằng ấn tượng của một cách nhìn riêng biệt: từ đầu đến cuối, nhân vật là một người hiểu đời, hiểu về chia ly đứt ruột, bần cùng, cái đói, tình yêu, nhọc nhằn chữ nghĩa, thất bại và thất vọng, nhưng thủy chung, con người ấy hiểu đời mà không lõi đời, hết ngây thơ những vẫn không thôi mơ mộng.
Tôi còn nhớ không rõ lắm từ hồi đọc Chuyện kể năm 2000 vào năm 2000 rằng Bùi Ngọc Tấn có nói đến cảm giác của mình, rằng những gì ông chịu đựng chính là một cách thức “gánh hộ cho những người khác”. Đoạn ấy đây, tuy pha vị mỉa mai nhưng không phải là không chân thật:
“Còn hắn, hắn hy sinh cái quý nhất: Tự do. Là cũng để cho chiến thắng. Hắn chịu đựng khổ nhục, đau đớn là để cho chiến thắng. Chiến thắng cần phải được đảm bảo bằng sự an toàn tuyệt đối ở hậu phương, hậu phương pha-lê hóa… Ít nhất việc bắt hắn cũng có tác dụng răn đe những người khác, nếu hắn không có tội. Đóng góp vào việc răn đe, hướng mọi người toàn tâm toàn ý vào một mục tiêu duy nhất là sự đóng góp tích cực. Có nhiều cách đóng góp. Cách đóng góp của hắn đáng kể lắm chứ. Nó cũng được làm bằng đời người. Nó cũng được làm bằng nước mắt” (t.2, tr.221).
Những người đã trải qua những kinh nghiệm ghê gớm có cái nhìn đặc biệt; cái nhìn này càng đặc biệt hơn nếu người trải qua kinh nghiệm không chuốc lên người mình một sự bi lụy dễ dàng hoặc không gục ngã. Sau nhà tù, có người trở nên điên dại chỉ chăm chăm đi quét tước dọn dẹp hoặc phá tan hoang một khu vườn cam để lấy chỗ trồng củ ráy (nhân vật Sơn), có người lại tiếp tục như trước (nhân vật Giang), lại có người tuy có chịu thua nhưng không đầu hàng (già Đô), cũng có người tự kết liễu cuộc đời mình (Ngụy Như Cần). Ứng xử như thế nào với kinh nghiệm đã trải qua là vấn đề của Chuyện kể năm 2000.
Một thời gian sau khi ra tù, nhân vật cố tìm mọi cách để đòi lại hơn một nghìn trang bản thảo bằng giấy pelure bị công an tịch thu trước đó; chắc đã có lúc với Tuấn, đấy chính là lẽ sống, một cách thức để chống chọi. Nhưng một con người đã trải qua những “epiphany” rạng rỡ đến lúc cũng hiểu ra, mọi tài sản của một cuộc đời đã qua cũng mất đi giống như chính cuộc đời ấy. Hơn một nghìn trang bản thảo ấy có lẽ cần mất đi, hoặc cháy thành tro, để từ tro tàn ấy mà dựng nên một cuộc đời khác, những trang bản thảo khác, những trang bản thảo đích thực của một sứ mệnh.
Lần đầu tiên tôi gặp Bùi Ngọc Tấn là tại một nơi từ đó có thể nhanh chóng đi tàu xuống Marseille. Lần ấy và cả những lần sau này tôi chưa bao giờ hỏi đã bao giờ ông đến Marseille để biết không khí cuộc sống một thuở xa xăm của già Đô, người bạn tù thân thiết của ông.
Nguồn: http://nhilinhblog.blogspot.com/2014/12/bui-ngoc-tan-va-chuyen-ke-nam-2000.html#more