Biển không tranh chấp: Lịch sử bị bóp méo của Biển Đông trước thế kỷ 20 (kỳ 3)

Tác giả: Lê Oa Đằng

Việt dịch: Phan Văn Song

This image has an empty alt attribute; its file name is image-25.png

  被扭曲的南海史: 二十世紀前的南中國海 黎蝸藤 南圖書出版股份有限公司 (Ngũ Nam đồ thư xuất bản cổ phần hữu hạn công ty) Năm xuất bản: 2016; ISBN, 9571184578, 9789571184579

Chương II

BIỂN ĐÔNG THỜI VIỄN CỔ (TRƯỚC THẾ KỈ 10)

Lịch sử biển Đông, căn cứ vào tình trạng có tranh chấp hay không, có thể chia thành hai phần: giai đoạn không tranh chấp và giai đoạn tranh chấp, và năm 1900 có thể được xem như lằn ranh phân cách. Và giai đoạn không tranh chấp có thể được chia thành hai thời kì, cổ đại và cận đại, với lằn ranh là giữa thế kỉ XIX. Do hai bên yêu sách quan trọng nhất – Trung Quốc và Việt Nam – đều bị các nước phương Tây xâm lược đồng thời, điều này có tác động lớn đến lịch sử của các đảo ở biển Đông. Đối với các nước như Philippines và Malaysia, các lực lượng phương Tây đã vào cuộc sớm hơn. Để tiện cho việc xử lí, tác giả xếp lịch sử của các nước này từ thời các nước phương Tây xâm lược đến thế kỉ 19 vào chương cận đại. Vào thời cổ đại, lịch sử biển Đông được chia thành hai thời kì rõ rệt, được phân cách đại khái vào giữa thế kỉ thứ 10 (năm 960). Có hai lí do giải thích cho việc phân định theo lằn ranh này: thứ nhất, trước đây, Việt Nam và Trung Quốc là cùng một nước, và trong những năm 960, việc thành lập nhà Tống (961) và nền độc lập của Việt Nam (968) diễn ra gần như đồng thời. Sau đó, Trung Quốc và Việt Nam về cơ bản là hai quốc gia khác nhau; thứ hai, kể từ thời Tống, Trung Quốc đã trở thành một thế lực không thể bỏ qua trong giao thông biển Đông, do đó có mối quan hệ mật thiết với các đảo ở biển Đông.

2.1 Bối cảnh lịch sử

1. Cư dân bản địa quanh biển Đông

Do thiếu tư liệu thành văn, chúng ta chỉ có thể xác định lịch sử thời thượng cổ của biển Đông dựa trên nghiên cứu sinh học và nhân chủng học. Thuyết “Ra đi từ châu Phi” (Out of Africa Theory) dựa trên nghiên cứu cổ sinh vật học và di truyền học phân tử được các nhà khoa học chấp nhận nhiều nhất. Theo thuyết này, homo sapiens, tức là người hiện đại, đã tiến hóa ở Đông Phi khoảng 200 000 đến 150 000 năm trước và bắt đầu cố rời khỏi châu Phi khoảng 120 000 năm trước, nhưng không thật sự thành công trong việc ra khỏi châu Phi mãi cho đến khoảng 60 000 năm trước. Trước homo sapiens, các loài hominin khác đã lan rộng từ châu Phi đến các lục địa khác sớm hơn, chẳng hạn như homo erectus (người đứng thẳng) và người Neanderthalensis, những người sơ khai này đã bị những người về sau loại bỏ và thay thế. Do đó, loài người hiện tại đều là hậu duệ của dòng homo sapiens được hình thành cách đây 200 000 năm này (mặc dù một số nhà khoa học tin rằng có một lượng rất nhỏ gen của các chủng tộc khác trong vốn gen của người hiện đại, điều này vẫn còn gây tranh cãi).

Có hai nhóm người homo sapiens từ châu Phi đến biển Đông,[15] được gọi là người châu Á sơ khai và người châu Á muộn. Người châu Á sơ khai lan rộng ra dọc theo bờ biển Tây Á – Nam Á – Đông Nam Á – Châu Đại Dương, và đã tới Đông Nam Á và Châu Đại Dương khoảng 60 000 năm trước (trong thời kì băng hà, mực nước biển hạ xuống và nhiều đảo ở quần đảo Malaysia được nối với đất liền hoặc chỉ tách biệt bằng vùng nước nông). Nhiễm sắc thể Y ở nam giới của họ có dạng chữ D, và da của họ sẫm màu hơn, cuối cùng đã hình thành nên các chủng tộc chính ở Đông Nam Á – người Nam đảo (Austronesian) và thổ dân Úc (chủng tộc da nâu). Người Nam đảo phân bố rộng rãi, và trên đại thể phạm vi của họ bao gồm miền nam Việt Nam (trước đây là Champa), Malaysia, Indonesia, Philippines, Đài Loan, New Guinea, Madagascar và các đảo Nam Thái Bình Dương.

Nhóm di dân thứ hai, người châu Á muộn, di cư ra khỏi Đông Phi khoảng 30 000 năm trước, và lộ trình di cư của họ đi theo nội địa đến vùng đông nam cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng, đông bắc Ấn Độ, bắc Myanmar và cả nam Vân Nam. Nhiễm sắc thể Y của nhóm người nhập cư này có dạng chữ O và da của họ màu vàng, rất khác với những người châu Á sơ khai. Họ tiếp tục di cư tới vùng đông nam cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng theo hai nhánh. Một nhánh đi về phía nam đến bán đảo Đông Dương (Lào và Việt Nam), rồi từ đó di cư đến Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam và Phúc Kiến phía nam Trung Quốc, nhánh này trở thành tộc “Bách Việt”, nhánh còn lại đi về phía bắc Đầu tiên, họ đi vào Hồ Quảng và sau đó trở thành tộc Miêu: một số người tiếp tục đi về phía bắc vào đồng bằng Hà Sáo, sau đó lan ra Trung nguyên, trở thành tộc Khương và tộc Hán; một số người quay về phía tây để tạo thành tộc Tạng hiện nay.

Có thể thấy những người đến biển Đông sớm nhất là tổ tiên của các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam (phía nam), Malaysia, Brunei và Philippines. Những người tiếp theo đến biển Đông là người Bách Việt. Hiện tại, Việt Nam là nước duy nhất ven biển Đông có nhóm dân tộc chính là hậu duệ của tộc Bách Việt. Còn người Hán, nhóm dân tộc chính ở Trung Quốc, đến biển Đông rất muộn, sau khi nhà Tần thống nhất đất nước và chinh phục Lĩnh Nam (214 TCN).

Dĩ nhiên, sự phân bố và di cư của các dân tộc cổ đại này không thể trực tiếp tạo nên cơ sở cho chủ quyền, nhưng kiến ​​thức này có thể được sử dụng để xây dựng lịch sử biển Đông và kiểm tra lại một số lập luận về biển Đông. Chẳng hạn, ai là người đầu tiên phát hiện ra biển Đông? Không còn nghi ngờ gì nữa, chính những người châu Á sơ khai, tổ tiên của người Austronesian hiện đại, là những người đầu tiên phát hiện ra biển Đông. Họ đã sinh sống dọc theo bờ biển Đông hàng vạn năm trước khi người Hán đặt chân đến biển Đông. Những người tiếp theo đến biển Đông là người Bách Việt, tổ tiên của người Việt Nam hiện nay. Vì vậy, biển Đông “xưa nay” không chỉ là nơi người Trung Quốc sinh sống, hoạt động mà còn là nơi sinh sống của tất cả các dân tộc sống trong khu vực quanh biển Đông. Còn người Trung Quốc, chỉ tộc người Hán chủ yếu, chỉ là những kẻ đến sau.

2. Sự phát triển của Bách Việt

Người Austronesian là tộc người đến biển Đông sớm nhất để lại rất ít sử liệu nên người ta biết rất ít về họ. Nhóm người thứ hai đến biển Đông là người Bách Việt. Nhờ các ghi chép rải rác trong thư tịch lịch sử phong phú của Trung Quốc, cũng như kĩ thuật sinh học phân tử, nghiên cứu ngôn ngữ học và nhân chủng học, có thể xây dựng sơ bộ tiến trình phát triển của họ (Hình 4).

This image has an empty alt attribute; its file name is image-39.png

Hình 4. Sự hình thành Bách Việt (tự vẽ)

Nhánh người châu Á muộn được đề cập ở trên đã đi từ rìa đông nam của cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng băng qua dãy Trường Sơn ở trung Lào đến bờ biển biển Đông, nơi ngày nay là đồng bằng sông Hồng ở Việt Nam. Nhánh này có thể là thiểu số so với các nhánh khác (Tạng, Hán, Khương, Miêu, v.v.) phát triển ở phía bắc, nhưng do sản vật phong phú dọc bờ biển Việt Nam, nhánh này dần lớn mạnh nên tiếp tục phát triển dọc theo bờ biển về phía bắc, đi qua Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến đến tận Chiết Giang, trở thành tộc Bách Việt, phân bố rộng rãi ở các vùng ven biển rộng lớn từ Chiết Giang đến Việt Nam. Theo sử liệu Trung Quốc, người Bách Việt được chia thành nhiều nhánh, từ Chiết Giang đến Giao Chỉ, từ bờ biển phía đông bắc đến bờ biển phía tây nam, đại khái như sau: Vu Việt (bắc Chiết Giang), Âu Việt (nam Chiết Giang), Mân Việt (Phúc Kiến), Nam Việt (Quảng Đông, Quảng Tây) và Lạc Việt (Việt Nam, Quảng Tây).[16] Xét từ quá trình di cư của người Việt, người Lạc Việt còn ở lại Việt Nam là gốc gác của tộc Việt.

Ngoài ra, trong những người châu Á muộn từ rìa đông nam cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng đến ven biển Việt Nam, có những cư dân bản địa vẫn ở lại trên cao nguyên Vân Nam – Quý Châu, đó là gốc gác của nhiều tộc người thiểu số ở Tây Nam Trung Quốc, cũng như các tộc sau này di cư sang Đông Nam Á (như Thái Lan và Lào). Họ cũng thành lập một loạt quốc gia (như Quốc và Dạ Lang) từ thời Xuân Thu của Trung Quốc đến nhà Hán, nhưng trong thời Tiền Tần và Tần – Hán, Trung Quốc dường như không có tên gọi thống nhất đặc biệt nào cho các tộc người ở khu vực này. Một số người cho rằng vào lúc đó họ được gọi là Việt Thường, và Việt Thường với Lạc Việt là một.[17] Sau thời Ngụy và Tấn, họ được gọi là Bách Việt. Các nhà sử học có quan điểm khác nhau về mối quan hệ giữa các dân tộc thiểu số ở tây nam Trung Quốc và Bách Việt, có người một mực cho rằng các tộc thiểu số ở tây nam Trung Quốc và người Việt Nam là một nhánh của Bách Việt,[18] và thậm chí có người còn cho rằng người Việt Nam không phải là hậu duệ của người Bách Việt.[19] Tuy nhiên, phân tích ngôn ngữ học cho thấy rằng ngôn ngữ của các nhóm thiểu số tây nam Trung Quốc này, thường được gọi chung là Lão (Lào) sau thời Tấn, thuộc nhánh ngôn ngữ Tráng – Thái (ngôn ngữ Tai-Kadai)[20] không liên quan trực tiếp đến ngữ tộc Khmer (ngôn ngữ Môn-Khmer) hoặc tiếng Việt[21] vốn có nguồn gốc độc lập.[22] Theo tố chất tâm lí và đặc điểm văn hóa về nhân chủng học, Bách Việt và Bách Bộc là hai nhóm dân tộc khác nhau,[23] và bằng chứng gần đây từ nghiên cứu DNA mẫu hệ cho thấy có các tộc người thiểu số ở tây nam Trung Quốc và tộc Việt khác biệt nhau đáng kể không có tương đồng.[24] Do đó, mặc dù họ cũng được gọi là Bách Việt vào thời Hán, nhưng đó có thể chỉ là sự nhầm lẫn của người Hán đối với các nhóm tộc người khác nhau này vốn không có mối quan hệ trực tiếp nào với tộc Bách Việt phát triển ở Việt Nam và dọc theo bờ biển Quảng Tây.

Văn hóa của người tộc Việt ở Chiết Giang phát triển nhất. Ngay từ 5300-4200 năm trước, văn hóa Lương Chử đã xuất hiện ở khu vực Thái Hồ của Chiết Giang. Văn hóa Lương Chử nổi tiếng với sự phong phú và tinh xảo của đồ ngọc bích. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng nhiều di tích của các thành phố cổ đại đã được tìm thấy tại khu vực văn hóa Lương Chử.[25] Di chỉ này có phải là một bức tường thành cổ thật sự hay không vẫn còn gây tranh cãi, nếu phát hiện này được xác nhận, thì đây là thành phố xưa nhất được tìm thấy ở Trung Quốc ngày nay, đồng thời nó cũng cho thấy lúc đó văn hóa của người Việt vẫn cao hơn văn hóa của người Hoa Hạ, thậm chí có thể đã bước vào ngưỡng cửa “văn minh”. Văn hóa Lương Chử đã biến mất cách đây 4200 năm và lí do cụ thể không rõ ràng. Văn hóa Mã Kiều cũng xuất hiện trong cùng khu vực này vào khoảng thời Hạ và Thương, được coi là kế tục của nó. Sau đó, văn hóa Mã Kiều cũng biến mất.

Về nguồn gốc của văn hoá Việt, có 4 giả thuyết trong giới lịch sử truyền thống: thứ nhất, Đại Vũ (大禹) là tổ tiên của người Việt; thứ hai, Việt và Sở đến từ cùng một nguồn; thứ ba, Việt có gốc từ Tam Miêu; thứ tư, văn hóa Việt bắt nguồn từ văn hoá bản địa. Thuyết thứ tư là đáng tin cậy nhất.[26] Nguồn gốc văn hoá bản địa ở đây muốn nói đến, đó là dòng văn hóa Lương Chử – Mã Kiều – Việt. Dòng văn hóa này độc lập với văn hóa Hoa Hạ ở Trung Nguyên. Kết hợp với các kết quả nghiên cứu sinh học phân tử, có thể kết luận rằng văn hóa Việt là một nền văn hóa được phát triển tại địa phương bởi những người Việt có gốc từ thung lũng sông Hồng của Việt Nam ngày nay về sau di cư đến Chiết Giang. Theo ghi chép của “Sử kí”, nước Việt được Vô Dư (無餘), con trai của Thiếu Khang, thành lập vào thời nhà Hạ. Lịch sử của nhà Hạ vẫn chưa được xác nhận, và “Sử kí” được viết sau thời nhà Hạ rất xa, do đó những gì nó nói về nhà Hạ là không đáng tin cậy. Nguồn gốc của các quốc gia xung quanh Trung Quốc cổ đại thường bắt nguồn từ các nhân vật huyền thoại ở Trung Quốc, nhưng đó thường là kết quả của những kết luận xa vời.

Vào thời nhà Chu ở Trung Quốc, những ghi chép về người Việt bắt đầu xuất hiện trong sử liệu. Khi mới xuất hiện, nó được gọi là “Vu Việt” (于越) hoặc “Vu Việt [Quảng Đông] ” (于粵) (thời cổ đại Vu Việt và Quảng Đông tiếp xúc nhau). Theo ghi chép lịch sử, người Việt đã tiếp xúc với Tây Chu từ đầu thời Tây Chu. Vào đầu thời Xuân Thu, nước Việt đã có ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, cho tới cuối thời Xuân Thi nước Việt mới thật sự trỗi dậy. Vua nước Việt là Duẫn Thường xưng vua và bắt đầu chiến tranh lâu dài với nước Ngô. Năm 473 TCN, Câu Tiễn, vua nước Việt, cuối cùng đã tiêu diệt nước Ngô. Sau đó chỉ trong vài năm, thông qua Liên minh Từ Châu, quyền lực của nó đã đạt đến đỉnh cao, trở thành bá chủ của Trung Nguyên, và là bá chủ cuối cùng trong thời Xuân Thu của Trung Quốc. Trong thời Chiến Quốc, nước Việt bắt đầu suy tàn. Năm 333 TCN, nước Sở đánh bại nước Việt và chiếm được một vùng đất rộng lớn của nước Việt. Mặc dù nước Việt không bị diệt vong, nhưng sức mạnh quốc gia đã suy giảm rất nhiều và trở thành một quốc gia nhỏ hạng hai. Khi Tần tiêu diệt 6 nước (lục quốc), cũng chinh phục nước Việt lần cuối cùng (222 TCN), vào lúc đó, có lẽ nước Việt chỉ còn một nơi là Hội Quyền (會權). Sau khi nước Việt bị nước Sở đánh bại, trước áp lực của người Hoa Hạ và chính sách áp bức dân tộc, người Vu Việt ở Chiết Giang bắt đầu phân tán và di cư về phía nam.[27] Họ di cư đến Phúc Kiến, Lĩnh Nam và Việt Nam và trở thành một phần của tộc người Việt địa phương. Người Việt ở phía nam tỉnh Chiết Giang được gọi là Âu Việt. Vào thời vua Câu Tiễn, nước Việt là một quốc gia phong kiến. Sau khi Sở đánh bại Việt, một số lượng lớn người Việt đã di cư đến Âu Việt. Người Việt ở Phúc Kiến, được gọi là Mân Việt, đã có văn hóa riêng từ thời Xuân Thu, nhưng phải đến khi Sở diệt Việt, một số lượng lớn người Việt đi về phía nam thì Mân Việt mới được thành lập. Người Việt ở Quảng Đông được gọi là Nam Việt, và họ cũng bắt đầu có văn hóa của riêng mình vào thời Xuân Thu. Sau khi Sở đánh Việt, một số lượng lớn người Vu Việt đã chạy sang Nam Việt, nhưng Nam Việt có lẽ vẫn chưa thiết lập một chính quyền cấp nhà nước vào thời điểm đó.

3. Việt Nam sơ khai

Việt Nam hiện đại có thể được chia thành 3 phần dựa trên nguồn gốc lịch sử của lãnh thổ. Miền Bắc Việt Nam, được biết đến trong lịch sử là Giao Chỉ, Đại Việt và Đông Kinh, về mặt văn hóa là một phần của quyển văn hóa Trung Hoa đại Lục. Sau khi bị nhà Hán thôn tính, nước Nam Việt mãi đến năm 968 sau Công nguyên mới chính thức độc lập với Trung Quốc. Miền Trung và miền Nam Việt Nam trong lịch sử được gọi là Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành, Chiêm Bà và Chiêm Thành An Nam.[28] Nước này được thành lập vào thế kỉ thứ hai sau Công nguyên và bị Đại Việt chinh phục vào thế kỉ 17. Về mặt văn hóa, đây là một phần của quyển Văn hóa Đại Ấn Độ. Phần cực nam của Việt Nam (phía nam Nha Trang, bao gồm Sài Gòn và các nơi khác) trong lịch sử thuộc về nước Phù Nam, và Phù Nam sau đó được thay thế bằng Cát Miệt và Chân Lạp. Phần lãnh thổ này đã bị Đại Việt chiếm đóng vào thế kỉ 18 và sau này được gọi là Nam Kì (Cochinchina).

Người Việt ở Giao Chỉ và Quảng Tây lần lượt được gọi là Lạc Việt hoặc Tây Âu. Tây Âu và Lạc Việt có lẽ là những tên gọi khác nhau cho các nhánh nhỏ của cùng một tộc người.[29] Một số người cũng cho rằng chúng cũng khác nhau về phân bố, Tây Âu ở phía bắc Quảng Tây, trong khi Lạc Việt ở nam Quảng Tây và bắc Việt Nam.[30] Nhưng ngay cả những người coi chúng là các nhánh riêng biệt cũng thừa nhận rằng khu vực xen kẽ giữa hai nhánh là rộng lớn. Tóm lại, mối quan hệ của họ rất thân thiết. Do đó, tác giả coi họ là hai nhánh nhỏ của cùng một tộc người Việt.

Ngoài bằng chứng sinh học phân tử, còn có rất nhiều bằng chứng khảo cổ học cho thấy người Lạc Việt và người Việt lan tỏa đến bờ biển phía đông nam Trung Quốc ngày nay có cùng nguồn gốc. Phong tục của họ đều là cắt tóc xăm mình, đều có văn hóa trống đồng độc đáo, và giỏi đi “thuyền hai thân”.[31] Sử sách còn ghi lại rằng vào cuối thời Chiến Quốc và thời Tần, người Vu Việt di cư về phía nam trên quy mô lớn đến Lạc Việt và Tây Âu. Vì vậy, giữa nước Việt và Việt Nam hiện đại có mối liên hệ chặt chẽ, và mối liên hệ này được nhiều người công nhận.[32]

Về Lạc Việt và Tây Âu, quan điểm truyền thống cho rằng họ đã di cư từ Vu Việt và Đông Âu và hợp nhất với những người châu Á sơ khai địa phương (tức là người Austronesian) để thiết lập một hệ thống chính trị bộ lạc và hình thành nước Việt Nam xưa nhất. Tuy nhiên, theo các bằng chứng sinh học phân tử nêu trên, người Bách Việt có nguồn gốc từ miền Bắc Việt Nam, sau đó lan tỏa theo đường bờ biển đến Quảng Đông, Phúc Kiến và Chiết Giang. Do đó, lập luận truyền thống không thể được hậu thuẫn đầy đủ. Tác giả tin rằng có một khả năng như vậy: Người Lạc Việt và Tây Âu là người Việt đã ở lại nơi xuất phát. Vào cuối thời Chiến Quốc, người Việt di cư đến bờ biển phía đông nam Trung Quốc đã quay trở lại và hòa trộn với người Việt ở lại nơi gốc, đồng thời pha trộn huyết thống với của những người châu Á sơ khai và người thuộc ngữ hệ Austronesian, tạo thành tổ tiên trực tiếp của người Việt Nam hiện nay. Điều này giải thích bằng chứng DNA và hiện tượng trong tiếng Việt có sự hiện diện mạnh mẽ của ngữ hệ Nam Đảo.

Lịch sử của Bách Việt và nước Việt được ghi lại trong lịch sử được chính người bản địa Việt Nam viết. Trong “Lịch sử cổ đại Việt Nam” của Đào Duy Anh, một học giả hiện đại viết, nước Việt và bộ lạc Bách Việt trong thời Xuân Thu và Chiến Quốc, cùng Mân Việt, Đông Việt và Nam Việt trong các triều đại Tần và Hán đều được coi là một phần của lịch sử Việt Nam.[33]

Tiền sử Việt Nam có triều đại Hồng Bàng huyền thoại. Tuy nhiên, người ta thường tin rằng vương triều Hồng Bàng quá lắm chỉ là một liên minh bộ lạc và chưa đạt đến đẳng cấp của một quốc gia. Theo truyền thuyết, vào năm 257 TCN, tương truyền rằng An Dương Vương, một vương tử của nước Thục cổ đã bị nước Tần chinh phục (có thể là một thủ lĩnh bộ lạc đã chinh phục Hồng Bàng, lập ra triều đại Thục Phán, còn được gọi là Âu Lạc. Vẫn là một câu hỏi lớn về việc An Dương Vương thuộc dân tộc nào, nước Thục cổ có lịch sử phát triển độc đáo của riêng mình, và thậm chí có thể là nước kế thừa nền văn hóa Tam Tinh Đôi (三星堆), nhưng chắc chắn không phải là thành viên của tộc Hoa Hạ.[34]

Ngoài ra còn có tranh cãi về ranh giới địa lí và ngày thành lập của nước Thục Phán. Lãnh thổ của nước Thục Phán có thể nằm ở Quảng Tây, Vân Nam và miền bắc Việt Nam ngày nay, nhưng quy mô và lịch sử chính xác của nó không rõ ràng. Tranh cãi về năm thành lập sẽ được bàn bên dưới. Các nhà sử học chắc chắn hơn rằng nước Thục Phán đã có quy mô của một quốc gia. Mặc dù nước Thục Phán do những người nhập cư từ khu vực Tứ Xuyên thay vì người Lạc Việt địa phương cai trị, nhưng vì không có tổ chức địa phương ở cấp quốc gia trước khi thành lập nước Thục Phán, nên trong chính sử Việt Nam, nước Thục Phán là triều đại chính thức đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.[35]

Tất nhiên, không thể coi nước Việt Nam sơ khai là do người Trung Quốc thành lập, bởi vì lúc bấy giờ cả người Việt Nam và người ở vùng Tứ Xuyên đều không phải là một phần của Trung Quốc, và nước Thục cổ không thuộc tộc Hoa Hạ. Hầu hết các nhóm dân tộc chính ở các nước bán đảo Đông Dương ban đầu sống ở phía tây nam Trung Quốc, trong lịch sử, dưới áp lực của nhà Hán và Mông Cổ, họ di chuyển xuống phía nam theo từng đợt đến bán đảo Đông Dương. Một tình huống tương tự cũng tồn tại ở Thái Lan trong thời Nguyên Mông. Vua An Dương của nước Thục Phán chỉ là một chương trước trong lịch sử di cư kéo dài hơn 1000 năm.

4. Trung Quốc đến biển Đông như thế nào

Văn hóa Hoa Hạ của Trung Quốc có gốc gác từ Trung Nguyên, cách xa biển Đông. Trước thời nhà Tần, Trung Quốc không chút liên hệ nào với biển Đông. Tần Thủy Hoàng cuối cùng đã thống nhất Trung Quốc sau khi tiêu diệt nước Tề vào năm 221 TCN. Lãnh thổ của Trung Quốc vào thời điểm đó khác xa so với bây giờ: phía bắc không vượt quá Vạn Lí Trường Thành, phía tây không vượt quá biên giới giữa Thiểm Tây và Cam Túc, và phía nam đến khoảng Hồ Nam. Vào thời Tần thống nhất, nước Việt bị nước Tần tiêu diệt, nước Tần thu tóm toàn bộ đất đai của nước Việt ở phía bắc Chiết Giang, thành lập quận Cối Kê (會稽).

Tần Thủy Hoàng không hài lòng với lãnh thổ hiện có, và tiếp tục mở rộng ra bên ngoài, và hướng mở rộng chính của ông là khu vực tộc người Việt ở phía đông nam và phía nam. Năm 219 TCN, Tần Thủy Hoàng phái 50 vạn quân chia thành 5 đạo tấn công Lĩnh Nam và Đông Nam. Hai đạo quân Tần trên lộ trình phía đông đã chiếm Giang Tây và mở cuộc tấn công vào Âu Việt và Mân Việt ở phía nam Chiết Giang và Phúc Kiến. Cuộc tấn công diễn ra rất thuận lợi, chẳng bao lâu nước Tần phong vua cho hai nước này, thành lập quận Mân Trung. Các thủ lĩnh của Âu Việt và Mân Việt có lẽ có một số quyền lực thực tế, vì vậy quận Mân Trung có thể là một dạng cai trị mềm dẻo (ki mi: nắm cương ngựa – ND).

Ba đạo quân Tần trên lộ trình phía tây tấn công Nam Việt và Tây Âu Lạc Việt. Mặc dù quân Tần đông đảo và được huấn luyện tốt, việc tiến quân không thuận lợi. Điều đó có thể là do khí hậu, bệnh tật, vận chuyển quân lương, nhưng sự kháng cự ngoan cường của người Nam Việt và Lạc Việt rõ ràng là bất ngờ trước nhà Tần. Người Việt lần lượt trốn vào rừng rậm, bắt đầu chiến tranh du kích, chỉ huy của Tần cũng bị giết. Năm 217 TCN, trận chiến bắt đầu đình trệ. Vào lúc đó, Tần đã ra lệnh cho Sử Lộc đào kênh Linh Cừ nối liền sông Tương và sông Li, để có thể được vận chuyển vật liệu đến Lĩnh Nam bằng đường thủy. Năm 215 TCN, Tần Thủy Hoàng một lần nữa dẫn quân do Nhâm Hiêu (Nhâm Ngao) và Triệu Đà chỉ huy tấn công Nam Việt và Lạc Việt.

Mãi đến khoảng năm 214 TCN, khu vực phía nam mới bị chinh phục và ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận được thành lập ở Lĩnh Nam. Đó là lần đầu tiên quân Trung Quốc đến biển Đông. Do đó, nếu nói rằng Trung Quốc “đã tiếp xúc với biển Đông từ xưa tới nay”, thì “xưa” này xa nhất chỉ được tính từ năm 214 TCN.

Chính sách của Tần đối với người Việt rất nghiêm ngặt, họ áp bức người Việt về các mặt quân sự, kinh tế, chính trị và phong tục, điều này đã gây ra làn sóng di cư thứ hai của người Việt xuống phía nam. Một số lượng lớn người Việt đã di cư đến Đông Âu, Mân Việt, Nan Việt và Lạc Việt. Chính sách áp bức của nước Tần đối với người Việt đã khiến những vùng này lập tức chống lại Tần hoặc trở nên độc lập trong thời kì loạn lạc vào cuối nhà Tần.

5. Thành lập nước Nam Việt

Biên giới phía nam của nhà Tần đến biển Đông chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Chỉ vài năm sau, Tần Thủy Hoàng qua đời, nước Tần rơi vào nội chiến, điều này làm thay đổi lịch sử biển Đông. Năm 208 TCN, Nam Hải Úy Nhâm Ngao trước khi chết dặn dò cho cấp phó của mình là Triệu Đà tách đất tự lập. Triệu Đà sau đó xây dựng một tuyến phòng thủ ở phía bắc quận Nam Hải, đồng thời sử dụng quận Nam Hải làm cứ điểm, ông đã tấn công quận Quế Lâm và quận Tượng, sau đó tấn công nước Thục Phán. Năm 204 TCN, Triệu Đà chính thức xưng đế ở phía nam và thành lập nước Nam Việt.

Vẫn còn nhiều điều mơ hồ về lịch sử của 10 năm đó, chẳng hạn như quận Tượng của nhà Tần có bao gồm miền Bắc Việt Nam hay không? Mối quan hệ giữa nước Thục Phán và quận Tượng là gì? Vua An Dương thành lập nước Thục Phán khi nào ? Nước Thục Phán bị Triệu Đà chinh phục lúc nào? Có rất ít tài liệu về giai đoạn lịch sử này và hầu hết không nêu ngày tháng chính xác, vì vậy những vấn đề này gây tranh cãi về mặt học thuật. Một giả thuyết cho rằng vào thời nhà Tần, quận Tượng đã bao gồm đất đai của nước Thục Phán và vua An Dương là một trong những tù trưởng trong quận Tượng. Khi nhà Tần sụp đổ, vua An Dương thành lập nước Thục Phán vào khoảng năm 210 TCN. Vì vậy, Triệu Đà tấn công quận Tượng cũng là tấn công nước Thục Phán. Theo thuyết này, miền Bắc Việt Nam bị Trung Quốc thôn tính lần đầu tiên là vào thời nhà Tần. Một giả thuyết khác cho rằng vào thời nhà Tần, vua An Dương đã một tù trưởng lớn thống trị một phương, và quận Tượng có tính chất như môt ‘châu ki mi’, nó thuộc về Tần trên danh nghĩa, nhưng thực tế nó là một quốc gia độc lập, mãi về sau mới bị Triệu Đà tiêu diệt hoàn toàn. Lập luận thứ ba là quận Tượng thật sự không bao gồm miền bắc Việt Nam và nước Thục Phán được thành lập sớm nhất là vào năm 257 TCN. Vào thời nhà Tần, nước Thục Phán ở miền bắc Việt Nam là một quốc gia hoàn toàn độc lập. Mãi về sau, Nam Việt mới chinh phục nước Thục Phán. Có một thuyết khác nói rằng nước Thục Phán chỉ là một truyền thuyết, và từ đầu đến cuối đó chỉ là một nhóm các tù trưởng. Thuyết này cực đoan hơn và ít được chấp nhận hơn.

Không rõ Triệu Đà tấn công nước Thục Phán khi nào. Một thuyết cho rằng vào năm 207 TCN, Triệu Đà đã chinh phục nước Thục Phán. Thuyết này về cơ bản có thể kết luận là sai. Trong “Sử kí Nam Việt liệt truyện” có ghi: “Khi Tần bị diệt, ông lập tức tấn công Quế Lâm và Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vũ vương.”[36] Có thể thấy rằng Triệu Đà đã tấn công Quế Lâm và Tượng Quận sau khi nhà Tần sụp đổ (206 TCN) vào khoảng vào năm 205 TCN, và cuộc tấn công vua An Dương phải muộn hơn nhiều. Thuyết thứ hai cho rằng hành động tấn công và tiêu diệt nước Thục Phán của Triệu Đà diễn ra rất nhanh, có thể khoảng năm 205 TCN ngay sau chiến tranh không lâu. Thuyết thứ ba là cuộc tấn công kéo dài, mãi đến năm thứ bảy của nhà Hán (181 TNC), nước Thục Phán cuối cùng mới bị chinh phục, dù theo thuyết thứ hai hay thứ ba, nước Nam Việt đã chinh phục nước Thục Phán sau khi Tần sụp đổ. Do đó, miền bắc Việt Nam trở thành một phần của nước Nam Việt muộn nhất là vào năm 181 TCN.

Dù thế nào đi nữa, nước Lạc Việt đã bị đánh bại và cuối cùng trở thành một phần của nước Nam Việt. Nam Việt đã lập 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân trên vùng đất cũ của Lạc Việt, vẫn do các thủ lĩnh của Lạc Việt quản lí, có hình thức giống như các châu ki mi. Trong những thập kỉ tiếp theo, Nam Việt vẫn duy trì vị thế độc lập của mình mặc dù đã thần phục nhà Hán. Đối với nhà Hán, Triệu Đà tự xưng là vua, nhưng ở trong nước, Triệu Đà tự xưng là hoàng đế. Vị thế của nước Nam Việt tương đương với Triều Tiên vào lúc đó, một nước chư hầu chỉ có quan hệ thần phục nhà Hán trên danh nghĩa. Nước Nam Việt đã được duy trì như vậy trong khoảng 100 năm. Cho đến năm 111 TCN, Hán Vũ đế thôn tính nước Nam Việt và sáp nhập nó vào lãnh thổ của nhà Hán.

Giống như Cao Câu Li (Goguryeo / Cao Li) ở phía bắc, tình trạng lịch sử của Nam Việt bị tranh cãi. Tại Trung Quốc, nước Nam Việt được coi là một chế độ cát cứ ở miền nam Trung Quốc và là một phần của lịch sử Trung Quốc. Nhưng ở Việt Nam lại có cách nhìn khác. Trong các sử liệu cổ của Việt Nam,[37] nước Nam Việt được coi như một phần của lịch sử Việt Nam, và được gọi là nhà Triệu trong lịch sử.[38] Một trường phái tương đối gần đây (chẳng hạn như nhà sử học Việt Nam Đào Duy Anh) cho rằng Nam Việt là kẻ xâm lược bên ngoài, vì vậy họ không nghĩ rằng nước Nam Việt nên được xem như một phần chính trong lịch sử Việt Nam.[39]

Cuộc thảo luận về tính chính thống này cũng tồn tại trong lịch sử Trung Quốc. Các triều đại nhà Nguyên và nhà Thanh theo truyền thống cũng được coi là các triều đại chính thống của Trung Quốc. Tuy nhiên, các học giả và dân gian gần đây đã bác bỏ điều này, cho rằng Trung Quốc có thân phận bị xâm lược và bị đô hộ vào lúc đó.

Tác giả cho rằng quan hệ dân tộc và văn hóa cũng là cơ sở quan trọng để phán đoán vấn đề này. Mặc dù cả hai đều là ngoại tộc xâm lược, nhà Nguyên khác với nhà Thanh. Nhà Nguyên công khai thực hiện chính sách phân biệt dân tộc đối với 4 tộc người, trong khi nhà Thanh ít ra bề ngoài vẫn duy trì chính sách dân tộc Mãn – Hán một nhà; về mặt văn hóa, người Mông Cổ không bị Hán hóa như người Nữ Chân trước họ và người Mãn sau này. Trong khi bảo tồn văn hóa Mông Cổ, họ cũng tích cực đưa vào văn hóa Tây Á và thúc đẩy Phật giáo Tây Tạng. Ảnh hưởng của Nho giáo suy giảm, và thơ ca văn học truyền thống nhường chỗ cho Nguyên khúc mới nổi. “Sau Nhai Sơn Không có Trung Quốc” thể hiện chính xác sự suy tàn của văn hóa truyền thống Trung Quốc trong triều đại nhà Nguyên. Do đó, tác giả có xu hướng nghĩ chung rằng Trung Quốc thời Nguyên là thuộc địa của Mông Cổ, và Trung Quốc thời Thanh có thể coi là một phần chính của Trung Quốc.

Đánh giá theo tiêu chuẩn này, nước Nam Việt đối với Việt Nam gần như nhà Thanh đối với Trung Quốc. Nước Nam Việt mặc dù do người Hán thống trị, nhưng người Việt là chủ thể chính của nước Nam Việt, và cũng có sự tham gia rộng rãi của người Việt vào chính trị. Ví dụ, tể tướng Lữ Gia vốn là người tộc Việt, lại có ảnh hưởng hơn hoàng tộc ở nước Nam Việt thời kì cuối. Nước Nam Việt cũng có khá nhiều khu vực do người Việt tại chỗ tự trị. Chính sách bình đẳng dân tộc và hôn nhân khác chủng tộc của Triệu Đà đã khiến người Hán từ phía bắc nhanh chóng hòa nhập vào xã hội của người Việt. Khi người Việt bị Hán hóa thì người Hán cũng bị Việt hóa. Người Hán đã áp dụng một số lượng lớn phong tục, kĩ thuật nông nghiệp và thủ công mĩ nghệ của người Việt. Vì vậy, Nam Việt giống như một quốc gia được người Hán và người Việt cùng cai trị. Vì vậy, không phải vô lí khi người Việt Nam coi nước Nam Việt là một phần chuyện cũ của mình. Về việc nước Nam Việt là một phần của lịch sử Việt Nam hay lịch sử Trung Quốc, vấn đề này cũng giống như việc Koguryo là lịch sử Triều Tiên hay lịch sử Trung Quốc, về cơ bản không thể đạt được sự đồng thuận, và hai bên có thể bày tỏ riêng.

6. Trung Quốc thôn tính Nam Việt và thời kì Bắc thuộc lần 1 và lần 2

Trong thời kì loạn lạc vào cuối nhà Tần, không chỉ Nam Việt Nam giành được độc lập mà cả Đông Âu và Mân Việt cũng nổi lên chống lại Tần. Trong cuộc tranh hùng giữa Sở và Hán sau khi Tần sụp đổ, vua Dao của Đông Âu và vua Vô của Mân Việt đều đứng về phía Lưu Bang. Vì vậy, sau khi nhà Hán thành lập, để ban thưởng cho các công thần, và vì không thể không chú ý tới phía nam, cả Đông Âu và Mân Việt (còn gọi là Đông Việt ) đều được phong làm chư hầu. Vị thế độc lập của hai nước này không cao bằng Nam Việt. Vào đầu thời nhà Hán, vì sức mạnh của Trung Quốc có hạn, không thể chú ý tới 3 nước Việt ở phía nam. Mãi đến đời Hán Vũ đế mới quyết định tiêu diệt 3 nước này. Ba nước Việt không thuận thảo với nhau, tạo cơ hội cho Trung Quốc đánh diệt họ. Nước đầu tiên bị tiêu diệt là Đông Âu. Năm 138 TCN, Mân Việt tấn công Đông Âu, Đông Âu không chống lại nổi nên xin được lệ thuộc, nhà Hán tiện thể hủy bỏ danh hiệu đã phong cho Đông Âu.

Trước sức mạnh của Nam Việt, nhà Hán chỉ mong biến Nam Việt thành một nước chư hầu bên trong như Mân Việt. Nam Việt bị chia làm hai phe, thái hậu (Cù) người Hán muốn quy phục, nhưng Tể tướng Lữ Gia đứng đầu phe nắm thực quyền muốn giữ nguyên tình trạng độc lập của Nam Việt, hai bên đối đầu nhau. Thái hậu định dùng quân Hán để uy hiếp Lữ Gia, nhưng Lữ Gia đã biết trước kế hoạch, phát động binh biến để phế bỏ thái hậu và đánh bại quân Hán kéo đến. Hán Vũ Đế vô cùng tức giận, lợi dụng uy thế còn lại việc tiêu diệt Mân Việt, năm 111 TCN đã cử 10 vạn quân tấn công Nam Việt, cùng năm đó Nam Việt bị tiêu diệt. Sự sụp đổ của Nam Việt đưa Trung Quốc tiếp xúc trở lại với biển Đông một lần nữa, đồng thời cũng mở đầu thời kì đô hộ đầu tiên của Trung Quốc trong lịch sử Việt Nam (Bắc thuộc lần 1). Trong năm tiếp theo, đội quân Nam chinh chinh phục đảo Hải Nam, một khu định cư truyền thống khác của người Lạc Việt.

Lúc này, Mân Việt, môi hở răng lạnh, cảm thấy áp lực vô cùng lớn, nhưng vị vua cuối cùng của Mân Việt không lượng sức mình tự xưng hoàng đế vào năm 110 TCN và dấy binh chống lại nhà Hán. Hán Vũ đế đã triệu tập hàng trăm ngàn quân tấn công và tiêu diệt Mân Việt thành công. Cho đến nay, cả 3 nước Việt này (Tam Việt) đều thuộc về Trung Quốc.

Chính sách của Hán Vũ đế đối với người Việt tương tự như chính sách của Tần Thủy Hoàng, ông đã áp dụng chính sách cưỡng bức người Việt di cư, đặc biệt là Đông Âu và Miân Việt, điều này đã gây ra làn sóng chạy trốn đi lần 3 của người Việt, được gọi là “Đông Việt địa trục hư” (đất Đông Việt trống rỗng).[40] Hướng chạy trốn của người Đông Việt nói chung là Lĩnh Nam và Giao Chỉ, và một số người có thể đã chạy ra nước ngoài.

Sau khi Hán Vũ Đế chinh phục Nam Việt, ông đã chia vùng đất Nam Việt thành 7 quận: Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Nam Hải và Hợp Phố thuộc Quảng Đông ngày nay, Thương Ngô và Uất Lâm thuộc Quảng Tây ngày nay, còn Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam nằm trên tuyến từ miền bắc Việt Nam đến Quảng Nam ngày nay. Năm sau, hai quận Đam Nhĩ và Chu Nhai được thành lập trên đảo Hải Nam. Đó là 9 quận của Giao Châu. Giao Chỉ và Cửu Chân đại khái là lãnh thổ của nước Việt lúc ban đầu, tức là 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân của nước Nam Việt. Tuy nhiên, quận Nhật Nam có thể là một lãnh thổ mới mở và nhóm dân tộc chính có thể là người Austronesian. Sau đó, Nhật Nam độc lập với tên gọi Chiêm Thành (Champa).

Vào thời Đông Hán, cuộc nổi dậy nổi tiếng của hai chị người Việt Trưng Trắc và Trưng Nhị diễn ra ở Giao Chỉ. Họ đã thành công trong việc đánh đuổi quân Trung Quốc vào năm 40. Trưng Trắc được tôn làm vua, quyền cai quản bao gồm 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân, tức là về cơ bản đó là vùng đất cũ của người Việt. Tuy nhiên, vào năm 43, cuộc nổi dậy do hai chị em bà Trưng lãnh đạo đã bị quân đội nhà Hán do Mã Viện phái xuống phía nam đàn áp, Việt Nam bị sáp nhập lại vào lãnh thổ Trung Quốc và thời kì chiếm đóng thứ hai của Trung Quốc (Bắc thuộc lần 22) bắt đầu. Về việc đánh giá hai chị em bà Trưng, sách cổ Trung Quốc gọi là loạn, nhưng ở Việt Nam lại được coi là anh hùng dân tộc, suy cho cùng vẫn là vấn đề góc nhìn. Trưng Trắc chỉ xưng vua một thời gian ngắn và đó không phải là một chế độ ổn định, vì vậy có phần miễn cưỡng khi coi cuộc nổi dậy này là khoảng thời gian gián đoạn giữa hai giai đoạn Trung Quốc đô hộ

7. Nguồn gốc Chiêm Thành (Champa)

Nam trung bộ và nam Việt Nam, một phần của Việt Nam hiện đại, chưa bao giờ bị Trung Quốc cai trị trong lịch sử. Dân tộc chủ yếu ở bắc trung bộ Việt Nam là dân tộc Chăm thuộc chủng Malay. Dưới thời của Hán Vũ đế, nước Nam Việt đã được mở rộng về phía nam và quận Nhật Nam đã được thành lập. Sự cai trị của nhà Hán đối với Giao Chỉ và Cửu Chân rất lỏng lẻo, đặc biệt là quận Nhật Nam. Quận Nhật Nam được chia thành 5 huyện, cực nam là huyện Tượng Lâm. Vào thời đó, phần lớn quận Nhật Nam có thể là một vùng đất cằn cỗi, toàn là núi cao, rừng già với voi và tê giác.

Theo ghi chép trong sử liệu Trung Quốc, kể từ năm 100 Công nguyên, người Di (thực chất là người Chăm) ở huyện Tượng Lâm, nằm ở cực nam quận Nhật Nam, bắt đầu kháng cự dưới nhiều hình thức. Cuối thời Đông Hán, một viên quan địa phương là Khu Liên dấy binh lên làm vua năm 192 (có tài liệu khác ghi 137) và lập ra Champa.[41] Trong các tư liệu lịch sử Trung Quốc, Chiêm Thành (Champa) đầu tiên được gọi là Lâm Ấp, sau được gọi là Hoàn Vương và Chiêm Bà.[42] Đó không phải là một nước của tộc người Việt.

Biên giới ban đầu của Chiêm Thành nằm ở tỉnh Quảng Nam thuộc miền trung Việt Nam. Sau khi lập quốc, nó mở rộng ra phía bắc và phía nam. Phía nam, Chiêm Thành chiếm được khu vực nam trung bộ của Việt Nam ngày nay thông qua cuộc chiến chống Phù Nam (Campuchia) vào giữa thế kỉ 4, một khu vực mà Trung Quốc chưa bao giờ cai trị. Ranh giới của Chiêm Thành trở thành cơ sở của biên giới nam trung bộ của Việt Nam ngày nay. Sau khi chiếm cứ đất đai cũ của Phù Nam, Chiêm Thành bị văn hóa Ấn Độ của Phù Nam đồng hóa và bước vào thời kì Ấn Độ hóa. Ở phía bắc, Chiêm Thành từng có chiến tranh với Trung Quốc. Từ thời Đông Hán đến cuối thời Đường, mỗi khi quyền lực của chính quyền trung ương Trung Quốc suy giảm, Chiêm Thành bèn nhân cơ hội đó xâm lược phía nam Giao Chỉ. Khi chính quyền trung ương của Trung Quốc hùng mạnh, Chiêm Thành bị đánh đuổi ra khỏi Giao Chỉ. Sức mạnh của Chiêm Thành đạt đến đỉnh cao từ thế kỉ 7 đến thế kỉ 10. Với lợi thế địa lí, Chiêm Thành đã trở thành trạm trung chuyển trong iao thương giữa Trung Quốc và Trung Đông, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong giao thương biển Đông.

8. Nước Vạn Xuân, thời kì Bắc thuộc lần 3 và nền độc lập của Việt Nam

Trong loạn lạc vào cuối thời Đông Hán, Trung Quốc bị chia cắt thành 3 nước Ngụy, Thục và Ngô. Nước Ngô là nước trực tiếp cai quản Giao Châu. Tôn Quyền chia Giao Châu thành 2 châu: Quảng Châu có Nam Hải, Hợp Phố, Thương Ngô và Quế Lâm; Giao Châu có Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Kể từ đó, gọi chung là Giao Quảng Châu. Mặc dù điều này nhằm củng cố quyền cai trị đối với phía nam, nhưng sự thay đổi về khu vực chính trị này một lần nữa củng cố khái niệm về Giao Châu mới như là một khu vực chính trị hoàn chỉnh, đặt nền móng cho nền độc lập trong tương lai của Việt Nam. Cùng năm đó nước Ngụy diệt nước Thục, chiếm được Giao Châu từ nước Thục, Giao Châu thuộc về nước Ngụy (sau là nhà Tấn) ngay trước khi Tấn diệt Ngô.

Vào thời Đông Tấn và Nam Bắc triều, Giao Châu đã xảy ra nhiều sự kiện cát cứ và nổi loạn. Dưới thời Lương Vũ đế, sự chuyên chế của thứ sử Giao Châu đã khiến người Việt bất mãn. Năm 541, Lí Bí [Bôn], một phú hào ở Giao Châu, nổi dậy, đánh đuổi quân Lương và tách Giao Chỉ ra. Li Bí gốc là người Hán ở Trung Nguyên, nhưng ông ta đã di cư đến Giao Châu từ thời Tây Hán và đã bị người Giao Châu đồng hóa. Li Bí sau đó đánh bại quân tiếp viện của nhà Lương và quân Chiêm Thành tấn công từ phía nam, chiếm toàn bộ Giao Châu. Năm 544, ông xưng là Nam Việt đế và lập ra nước Vạn Xuân, được gọi là nhà tiền Lí trong sử Việt Nam.

6 năm sau đó, dưới sự thống lĩnh của Trần Bá Tiên, quân của nhà Lương đã đánh bại quân Vạn Xuân, và quân Vạn Xuân phải rút lui về phòng tuyến quận Cửu Chân. Nhưng đến năm 550, Trần Bá Tiên quay về phương bắc chiếm ngôi vua, lập ra nhà Trần. Nước Vạn Xuân đã có thể giành lại quyền kiểm soát Giao Chỉ và đảm bảo vị thế độc lập của nước Vạn Xuân. Năm 602, nhà tiền Lí bị nhà Tuỳ tiêu diệt, Bắc Việt Nam lại bị sáp nhập vào Trung Quốc, bắt đầu thời kì Bắc thuộc lần 3.[43]

Trong thời kì Trung Quốc đô hộ lần 3, Việt Nam từng bước tiến tới độc lập. Nhà Đường dần dần chuyển từ cai trị trực tiếp sang hệ thống ki mi. Vào thời Đường, Giao Châu là phủ Đô hộ An Nam (An Nam đô hộ phủ) do tiết độ sứ hoặc kinh lược sứ của nhà Đường cai trị với quyền lực rất lớn. Tới giữa thời Đường, tiết độ sứ bắt đầu thoát khỏi sự kiểm soát của trung ương. Vào cuối thời Đường, loạn lạc khắp nơi. Lãnh thổ phía nam bị cát cứ. Mặc dù Giao Châu trên danh nghĩa thuộc quyền cai trị của vương triều trung ương, nhưng vào năm 905, do tiết độ sứ An Nam Tĩnh Hải bãi chức, Giao Châu trở thành một vùng đất không ai cai quản. Vì thế Khúc Thừa Dụ, một phú hào tại chỗ, tự xưng là tiết độ sứ, và được chính quyền trung ương của nhà Đường phong làm tiết độ sứ Tĩnh Hải vào năm sau, khiến Giao Chỉ trở thành bán độc lập. Sau khi thành lập vào năm 907, để thu phục thứ sử Quảng Châu Lưu Ẩn, nhà Hậu Lương phong ông làm tiết độ sứ Tĩnh Hải kiêm đô hộ An Nam. Nhưng Lưu Ẩn trên thực tế không thể cử người đến Giao Châu, và họ Khúc vẫn nắm quyền cai quản trên thực tế. Năm 911, nhà Hậu Lương cũng phải phong tước tiết độ sứ Tĩnh Hải cho Khúc Thừa Mĩ, thủ lĩnh Giao Châu lúc đó. Thứ sử Quảng Châu Nam Bình Vương Lưu Nham chính thức xưng đế vào năm 917, quốc hiệu là Đại Việt, năm sau đổi thành Nam Hán. Năm 930, nhà Nam Hán sai tướng tấn công Khúc Thừa Mĩ và tiêu diệt chế độ họ Khúc. Tuy nhiên, một bộ tướng của họ Khúc là Dương Đình Nghệ, ngay lập tức đánh đuổi quân Nam Hán, và Nam Hán phải phong ông làm tiết độ sứ. Năm 937, trong chính quyền họ Dương nổ ra nội loạn, và cuối cùng bộ tướng của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền đã đánh bại quân nổi loạn vào năm 938 và giành được quyền lực thật sự ở Giao Châu.

Ngô Quyền xưng vua, sử gọi là nhà Ngô. Tuy nhiên, nhà Ngô bị cuốn vào cuộc tranh giành quyền lực và loạn lạc, và việc cai trị không ổn định. Cho đến năm 968, Đinh Bộ Lĩnh đã đánh bại tất cả các đối thủ và thống nhất Giao Châu. Đinh Bộ Lĩnh xưng đế, thành lập nhà Đinh (nhà Đinh), chính thức độc lập với Trung Quốc. Người ta thường cho rằng, bắt đầu từ năm 968, Việt Nam không còn thuộc về Trung Quốc.[44]

Nhà Đinh không tồn tại được lâu, năm 980 tướng Lê Hoàn cướp ngôi lập ra nhà Lê (sử gọi là nhà tiền Lê). Nhà tiền Lê không qua được giao đoạn cổ chai. 29 năm sau, tức là năm 1009, Lí Công Uẩn cướp ngôi, lập ra nhà Lí, đầu tiên xưng là nước Đại Việt, và cho đến lúc đó nước Việt Nam vẫn chưa thật sự ổn định.

Từ việc xem xét lịch sử ở trên, chúng ta có thể thấy rằng từ năm 214 TCN đến năm 968 Công nguyên, Việt Nam là một bộ phận của Trung Quốc trong một thời gian dài và nước Nam Việt thậm chí còn được người Việt coi là thuộc về lịch sử của Việt Nam. Vì vậy, các hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông trong giai đoạn này thực chất là lịch sử chung của Trung Quốc và Việt Nam. Trên thực tế, về sự phát triển của biển Đông, người Việt có thể đã có những đóng góp lớn hơn người Hán, và điểm này sẽ được mô tả chi tiết sau.

9. Nước Phù Nam

Trong thời kì này, một nước khác ven biển Đông được thành lập là Phù Nam. Nước Phù Nam nổi lên sớm hơn Chiêm Thành. Người Phù Nam có thể là thành viên của tộc người Mon (猛: Mãnh) và tộc Khmer (吉蔑: Cát Miệt), thuộc ngữ hệ Nam Á (Austro-Asiatic), khác với người Giao Chỉ[45] và Chiêm Thành. Vào thế kỉ 1, một Bà la môn người Ấn Độ là A Nhược Kiêu Trần Như (Ajanta Kaundinya) đã đến Phù Nam bằng thuyền và lập ra nước Phù Nam với thủ đô gần Phnom Penh ngày nay. Kể từ đó, Phù Nam sử dụng tiếng Phạn và tin theo Ấn Độ giáo, trở thành điểm bắt đầu cho quá trình Ấn Độ hóa Đông Nam Á.

Ngay từ đầu, Phù Nam đã là một nước lớn ở Đông Nam Á. Sau khi giao thương ở biển Đông thịnh đạt, Phù Nam trở thành bá chủ giao thương giữa Trung Quốc và phương Tây nhờ có được lợi thế địa lí của nam trung bộ và nam bộ Việt Nam (khu vực trung nam bộ Việt Nam bị Chiêm Thành chiếm vào thế kỉ 4). Vào thế kỉ 3, thời hùng mạnh nhất, Phù Nam sở hữu một hạm đội hùng mạnh, thông thạo các tuyến đường biển và trở thành bá chủ của các tuyến đường biển Đông Nam Á và biển Đông. Phù Nam cũng tấn công khu vực Giao Chỉ của Trung Quốc thông qua liên minh với Chiêm Thành. Do áp lực từ người Cát Miệt (Khmer) trên đất liền, Phù Nam bắt đầu suy tàn vào thế kỉ 5, và cuối cùng bị người Khmer tiêu diệt vào giữa thế kỉ 7.

Người Cát Miệt lập ra nước Cát Miệt (吉蔑 [Ji mie]: Khmer) còn gọi là Chân Lạp. Người Khmer là một dân tộc chuyên tâm vào đất liền, tuy còn chiếm giữ đồng bằng sông Cửu Long nhưng không mặn mà với giao thương đường biển. Do đó, vị trí trước đây của Phù Nam trong giao thương Đông Tây cũng nhường chỗ cho Chiêm Thành, Tam Phật Tề (còn gọi là Srivijaya) ở Sumatra và Trảo Oa (Sailendra) ở Java.

Đầu thế kỉ 8, Chân Lạp từng bị chia thành Thượng và Hạ Chân Lạp, nhưng đến đầu thế kỉ 9 thì được thống nhất. Sau khi thống nhất, Chân Lạp được gọi là vương triều Cát Miệt hay Cao Miên. Thủ đô dời từ khu vực Phnôm Pênh tới Ngô Ca (Angkor) nằm sâu trong nội địa hơn. Chân Lạp có diện tích rộng lớn và lãnh thổ bao gồm Campuchia, Thái Lan, Lào, khu vực sông Mê Kông ở miền nam Việt Nam và một phần của Myanmar hiện nay.

2.2 Ai đã khai phát và kiểm soát giao thông ở biển Đông

Kể từ thời nhà Hán, Trung Quốc đã tiến hành giao lưu bằng đường biển với Đông Nam Á và Tây Á, sự giao lưu này được Trung Quốc gọi là “Con đường tơ lụa trên biển”. Con đường tơ lụa trên biển là một kênh quan trọng cho giao dịch hàng hóa và đi lại của nhân viên giữa Trung Quốc và nước ngoài, và giá trị của nó không thể phủ nhận. Tuy nhiên, các quan chức và học giả Trung Quốc thường coi Con đường Tơ lụa trên biển là hoạt động thăm dò của Trung Quốc ở biển Đông mà không (hoặc thậm chí cố ý không) phân tích, và sử dụng điều này để chứng minh quyền của Trung Quốc đối với biển Đông cũng như việc khám phá và phát triển các đảo ở biển Đông từ trước thời Tống. Ví dụ, trong “Lịch sử biên giới cận đại của Trung Quốc” có viết: “Ngay từ thế kỉ 2 TCN, tàu thuyền của Trung Quốc đã đi trên Nam Hải. Sau đó, nhờ thực tiễn đi biển lâu dài, họ đã phát hiện ra các đảo ở Nam Hải…”[46] Học giả Trung Quốc Lí Kim Minh nói: “… Quần đảo Tây Sa và Nam Sa trong cương vực Nam Hải của nước ta, nằm ở điểm xung yếu của tuyến đường này, vì vậy sau một thời gian dài đi biển liên tục, nhân dân ta đã người đầu tiên khám phá và biết đến những đảo này.”[47] Quan điểm của các chuyên gia Trung Quốc về giao thông trên biển Đông có thể được đại diện bằng “Con đường tơ lụa trên biển và trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và nước ngoài” của Trần Viêm.[48]

Hoạt động càng nhiều ở biển Đông thì càng có nhiều khả năng phát hiện ra các đảo ở biển Đông, đây là logic dễ chấp nhận. Tuy nhiên, kết luận của các chuyên gia Trung Quốc rằng “Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện ra các đảo ở biển Đông” là không đứng vững được, vì nó dựa trên giả định rằng Trung Quốc có các hoạt động thường xuyên nhất ở biển Đông vào thời điểm đó, và điều giả định này là sai. Trong hơn 1000 năm lịch sử từ thời nhà Hán đến cuối nhà Đường, người Trung Quốc không phải là người đóng vai trò chính trong giao thông ở biển Đông. Trong giai đoạn này, mặc dù Con đường Tơ lụa trên biển Đông bắt đầu và kết thúc ở Trung Quốc, nhưng trên thực tế, tuyến đường thủy ở biển Đông không phải do người Trung Quốc phát triển, cũng như việc giao thông chủ yếu ở đó không phải do người Trung Quốc cung cấp. Không có nhiều tàu thuyền Trung Quốc đi lại ở biển Đông, chưa kể đến không có nhiều người đi biển Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm hàng hải. Mãi đến thời Ngũ Đại, người Trung Quốc mới bắt đầu gia nhập dần vào giao thông đường thủy ở biển Đông. Trong thời kì này, các tư liệu lịch sử của Trung Quốc chắc chắn đã ghi lại rất nhiều thông tin và kiến ​​thức về các chuyến hải hành ở biển Đông, nhưng hầu như tất cả những kiến ​​thức này đều được ghi lại từ miệng của các nhà hàng hải nước ngoài, hoặc học được khi du hành bằng tàu nước ngoài. Trung Quốc xuất sắc trong ghi chép, nhưng điều này không hậu thuẫn cho lập luận rằng “người Trung Quốc là những người đầu tiên phát hiện và nhận biết quần đảo Tây Sa và Nam Sa”.

Trên thực tế, quan điểm “Trung Quốc không tích cực tham gia trong thời kì ban đầu của giao thông ở biển Đông” gần như đã trở thành sự đồng thuận quốc tế, nhưng điều đó đã bị Trung Quốc phớt lờ. Trong số các chuyên khảo về Con đường Tơ lụa trên biển Đông trước thời nhà Tống, tác phẩm có thẩm quyền gần đây nhất là The Nanhai Trade: Early Chinese Trade in the South China Sea của Vương Canh Vũ người Singapore.[49] Còn công trình mới nhất là tác phẩm A History of Early Southeast Asia: Maritime Trade and Social Development, 100-1500 cũng là một cuốn sách tham khảo tốt.[50] Hai tác phẩm này lần lượt chứng minh quan điểm trên từ góc độ sử liệu Trung Quốc và sử liệu phương Tây. Thật ra, Phùng Thừa Quân, một người Trung Quốc cũng có quan điểm tương tự trong thời kì đầu của Trung Hoa Dân Quốc, trong cuốn “Lịch sử giao thông Trung Quốc ở Nam Dương“.[51] Nhưng chỉ một số học giả Trung Quốc hiện đại giữ quan điểm này.[52] Phần này đề cập một cách toàn diện các kết quả nghiên cứu trên, đồng thời bổ sung một số tư liệu, sử liệu để chứng minh vấn đề này đã bị Trung Quốc phớt lờ đi.

1. Chuyến đi biển ra nước ngoài đầu tiên

Con đường Tơ lụa trên biển là tên gọi của giao thương biển Đông thời xưa. Giao thương ở biển Đông trong thời kì nước Nam Việt chủ yếu là giao thương ven biển từ Quảng Đông đến Giao Chỉ. Trên thực tế, đây không phải là con đường tơ lụa trên biển ngày nay, vì Quảng Đông và Giao Chỉ đều là một phần của nước Nam Việt vào thời đó và bản chất của loại hình giao thương ven biển này có thể được coi là thương mại trong nước của Nam Việt. Lúc đó, không có giao thương quốc tế trên biển Đông vì không có nhu cầu đó.

Chỉ sau khi Hán Vũ đế chinh phục nước Nam Việt, mới có những ghi chép về Con đường tơ lụa trên biển thật sự. Ghi chép xưa nhất xuất hiện trong “Hán thư – Địa lí chí”, như sau:

Từ rào chắn giữa Nhật Nam, Từ Văn và Hợp Phố đi bằng thuyền trong 5 tháng có thể đến nước Đô Nguyên, và đi tiếp bằng thuyền trong 4 tháng có thể đến nước Ấp Lô Một; rồi đi thuyền tiếp trong hơn 20 ngày có thể đến nước Kham Li, đi bộ hơn 10 ngày đến nước Phu Cam Đô Lô. Từ Phu Cam Đô Lô đi thuyền hơn 2 tháng có thể đến nước Hoàng Chi, có phong tục hơi giống với phong tục của Châu Nhai. Nước này rất rộng lớn, có nhiều nhà cửa và nhiều vật lạ, và đã được chào mời đến xem từ thời Vũ đế. Có một dịch giả, thuộc Hoàng Môn, cùng một số người muốn vào chợ biển bán ngọc trai, ngọc bích, đá lạ và vật lạ, vàng, và nhiều thứ khác. Tất cả đã quen thuộc với thứ đó như vợ chồng, bọn man di mua thuyền rồi giao cho họ. Buôn bán cũng vì lãi, dẫn tới giết người, lại còn có thể chịu chết chìm trong bão táp, không biết bao năm mới quay trở lại. Kích thước của các hạt ngọc lớn có chu vi gần đến 2 thốn (≈ 6,6 cm- ND). Đầu thời Bình Đế, phụ chính Vương Mãng, muốn phô trương uy đức đã ưu đãi cho vua Hoàng Chi và ra lệnh ông sai sứ đến hiến tê giác. Từ Hoàng Chi có thể đi thuyền đến đảo Bì Tông (đảo Pisang, Malaysia – ND) trong 8 tháng, rồi có thể đến ranh giới Nhật Nam và Tượng Lâm trong 2 tháng. Phía nam của Hoàng Chi, đường đi không chắc chắn, và dịch giả của nhà Hán đã quay trở lại từ chỗ đó.[53]

Đoạn văn này ghi lại sự việc nhà Hán lần đầu tiên phái sứ giả đến Nam Dương (biển Đông), đồng thời ghi lại tuyến đường biển Tây Trung Quốc vào lúc đó. Sứ giả của nhà Hán lần lượt khởi hành từ Nhật Nam, Từ Văn và Hợp Phố (Nhật Nam nay là Huế, Việt Nam; huyện Từ Văn, Quảng Đông và huyện Hợp Phố, Quảng Tây), và lần lượt đến nước Đô Nguyên, nước Ấp Lô Một rồi đến nước Kham Li. Tại nước Kham Li, phải chuyển từ đường biển sang đường bộ, sau đó từ đường bộ chuyển sang đường biển để đến nước Phu Cam Đô Lô, và cuối cùng là tới nước Hoàng Chi. Giới học thuật nhìn chung đồng ý rằng nước Hoàng Chi nằm ở Cam Cát Bố Lặc Mỗ (Kanci, nay là Kanchipuram) ở phía đông của bán đảo Ấn Độ.[54] Nước Kham Li và nước Phu Cam Đô Lô nằm khoảng phía đông và phía tây của eo đất Kra ở Thái Lan (vì giao thông bằng đường bộ), không có sự thống nhất về vị trí chính xác.[55]

Hai thông tin quan trọng có thể thu được từ đoạn văn này: thứ nhất, lí do nhà Hán cử sứ giả đến Hoàng Chi là vì Hoàng Chi đã cử người mang lễ vật đến tặng nhà Hán, và rõ ràng là Hoàng Chi đã đến Trung Quốc bằng đường biển. Điều này có nghĩa Con đường tơ lụa trên biển đã được nước ngoài mở ra là trước khi có cuộc hành trình này; thứ hai, trong cuộc hành trình của các sứ giả nhà Hán, “những người man di đã mua thuyền rồi giao cho họ”, và tất cả những chiếc thuyền cung cấp cho họ đều là từ “thuyền do những người man di mua”. Điều này cho thấy những người cung cấp chính cho giao thông Con đường Tơ lụa trên biển lúc bấy giờ là người nước ngoài,[56] Sứ giả Trung Quốc chỉ đi nhờ thuyền. Vào thời đó, công nghệ đóng tàu của Trung Quốc không đủ để đối phó với các chuyến đi trên biển và tàu thuyền nước ngoài là lực lượng chính của vận tải biển. Phải đợi đến thời nhà Đường, Trung Quốc mới đóng được những con tàu thích hợp cho việc đi lại trên biển, và phải đến thời nhà Tống, tàu thuyền Trung Quốc mới bắt đầu xuất hiện với quy mô lớn ở biển Đông.[57]

Những người nước ngoài này là ai? Ban đầu, hầu hết các học giả đều tin rằng họ là người Ấn Độ, vì người Ấn Độ đã học được những kĩ thuật đóng tàu tiên tiến hơn từ người Ba Tư và có thể đóng những con tàu phù hợp để đi biển. Nhưng theo phân tích của Hall, người Đông Nam Á, đặc biệt là người “Côn Lôn” có nhiều khả năng hơn.[58] Các học giả phương Tây truyền thống gọi người Đông Nam Á là người Malay, trong khi người Trung Quốc gọi họ là Côn Lôn. Ngoài vai trò là lực lượng vận tải chính, người Đông Nam Á còn đứng đầu về cướp biển.[59] Điều này càng chứng tỏ người Đông Nam Á lúc đó khả năng hàng hải mạnh mẽ và là lực lượng chủ đạo trong giao thông biển Đông.

2. Chuyến đi của Chu Ứng và Khang Thái

Vào thời Đông Hán, chỉ có 4 ghi chép liên quan đến giao thương ở biển Đông trong “Hậu Hán thư”, lần lượt ghi lại các chuyến đi của các sứ thần từ các nước Đàn, Diệp Điều, Thiên Trúc và Đại Tần.[60] Nước Đàn ở Miến Điện, nước Diệp Điều có thể là Java, nước Thiên Trúc là Ấn Độ và nước Đại Tần là Roma. Các quốc gia này vào Trung Quốc thông qua “Nhật Nam cơ ngoại”[61], tức là họ lên bờ từ Nhật Nam, vì vậy họ đều đến bằng đường biển. Rõ ràng, không có phương tiện vận chuyển đường biển nào của họ do người Trung Quốc cung cấp. Trong cùng khoảng thời gian này, không có ghi chép nào về bất kì chuyến đi nào từ Trung Quốc đến phương Tây. Điều này cho thấy vào thời nhà Hán, tàu thuyền Trung Quốc không đi lại trên các tuyến đường ở biển Đông.

Triều đại nhà Ngô trong thời Tam Quốc, có nhiều ghi chép hơn về giao lưu giữa Đông và Tây, phần lớn là các chuyến thăm của các sứ thần nước ngoài.[62] Trung Quốc chỉ có một chuyến đi nước ngoài. Đó là sự kiện Tôn Quyền nhà Ngô cử hai đặc sứ —Chu Ứng và Khang Thái—đến nước Phù Nam để “tuyên hóa” ghi trong “Lương thư”.[63] Sự việc này không được ghi chép chi tiết trong “Tam Quốc Chí”. Cái gọi là “tuyên hóa” dùng để chỉ tuyên truyền và giáo hóa, đó đương nhiên là một kiểu cách làm đẹp cao ngạo của những người coi Trung Quốc là trung tâm. Nói chính xác, đây là một chuyến ra nước ngoài, có thể để đáp trả việc vua Phù Nam đã “cử sứ đến dâng nhạc khí và sản vật địa phương” hồi năm 243. Trên thực tế, Phù Nam lúc bấy giờ là một nước lớn ở Đông Nam Á, kiểm soát các tuyến đường giao thương từ Trung Quốc đến Đông Nam Á, Ấn Độ và cả Roma. Trong “Lương Thư – Thiên Trúc quốc” cũng ghi lại rằng Phù Nam đã cử một đặc sứ từ Phù Nam đến Thiên Trúc bằng đường biển. Có thể thấy kĩ thuật hàng hải của Phù Nam lúc bấy giờ rất tiên tiến.[64]

Cả Chu Ứng và Khang Thái đều viết sách về chuyến đi của họ. Chu Ứng viết “Phù Nam dị vật chí” (Chuyên vật lạ xứ Phù Nam), đã bị thất bản hoàn toàn. Một số cuốn sách của Khang Thái có thể được gom góp lại thành tác phẩm, được gọi chung là “Ngô thời ngoại quốc truyện” (Truyện về các nước ngoài thời Ngô),[65] nhưng không chắc liệu hai cuốn sách này có giống nhau hay không. Các chi tiết về chuyến đi không rõ ràng. Ví dụ, họ bắt đầu từ đâu? Họ đến Phù Nam bằng cách nào? Ai là người cung cấp phương tiện đi lại bằng thuyền? Sau khi đến Phù Nam, họ có tiếp tục đi đến các nước khác không? Tác giả cho rằng một nhận định đáng tin cậy hơn, như Phùng Thừa Quân đã nói, là có lẽ họ đã khởi hành từ Giao Chỉ và đến Phù Nam bằng đường thủy trên các thuyền của Trung Quốc (thuyền của người Việt) hoặc đi nhờ thuyền chuyến về của sứ giả Phù Nam: ở Phù Nam, có lẽ họ đã đến thăm một số nước Đông Nam Á khác bằng thuyền do Phù Nam cung cấp, nhưng các quốc gia khác được ghi trong sách, chẳng hạn như Thiên Trúc, họ chỉ nghe kể chứ không thật sự đến đó.[66]

3. Pháp Hiển và chuyến hành hương đi Ấn Độ

Vào thời Tấn và Nam Bắc triều, có nhiều ghi chép về giao thông ở biển Đông. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó cũng là các chuyến đi lại của sứ thần nước ngoài. Cũng có các ghi chép về việc người Trung Quốc đi đến Đông Nam Á vào thời Tấn và Nam Bắc triều, nhưng không nhiều, và hầu hết những người đi đến đó đều vì công việc đạo Phật. Sư Pháp Hiển thời nhà Tấn là một ví dụ nổi tiếng. Pháp Hiển khởi hành từ Trường An năm 399, đến Thiên Trúc (Ấn Độ) và nước Sư tử (Sri Lanka), và cuối cùng trở về Trung Quốc qua Sumatra (hoặc Java) trên một tàu buôn của người nước ngoài. Ông đã mô tả chi tiết tình hình ở Sri Lanka trong “Pháp truyện” (còn được gọi là ” Phật quốc kí”), mô tả nơi đó là một trạm giao thương lớn với nhiều thương nhân tham gia buôn bán, trong đó lụa từ Trung Quốc là một mặt hàng quan trọng. Nhưng tại đó, ngoài bản thân ông và các đồng bạn, ông không hề nói đến việc nhìn thấy bất kì người Trung Quốc nào. Ông nhớ quê hương đến mức ứa lệ khi nhìn thấy tấm lụa từ tổ quốc.[67] Năm 414, Pháp Hiển đi qua Da Bà Đề (Yavadvipa) ở Sumatra trên đường về nhà, đây là điểm dừng chân cuối cùng của ông trước khi trở về nước. Pháp Hiển ở lại Da Bà Đề 5 tháng và ông cũng không hề nói đến việc gặp người Trung Quốc nào. Ông cũng không nói đến việc gặp người Trung Quốc trên con tàu có khoảng 200 hành khách mà ông đang đi. Điều này chỉ có thể được giải thích bởi thực tế là người Trung Quốc cũng không hoạt động ở Da Bà Đề.[68] Có thể thấy rằng mặc dù lụa là mặt hàng quan trọng trong giao thương biển Đông vào lúc đó, nhưng vai trò của Trung Quốc trong đó chỉ là cung cấp chứ không vận chuyển mặt hàng này.

Trong thời Nam Bắc triều, Quảng Đông và Giao Chỉ thường ở trạng thái bán độc lập do tình hình chiến tranh liên miên của chính quyền trung ương. Vào cuối thời nhà Lương, Giao Chỉ thậm chí đã tách ra độc lập. Vì vậy, lượng triều cống từ nước ngoài cũng liên quan đến tình hình chiến tranh, khi ổn định thì triều cống nhiều, khi loạn lạc thì triều cống ít đi. Trong hơn 160 năm, có tổng cộng 99 lần triều cống được ghi nhận, trong đó Phù Nam và Chiêm Thành là nhiều nhất.[69] Triều cống có hai bản chất kinh tế: thứ nhất, bản thân triều cống là một hình thức buôn bán, triều cống mang hàng hóa đến, một phần hàng hóa được dùng để buôn bán, và một số hàng hóa được dùng để đổi lấy quà tặng từ triều đình Trung Quốc sau khi đó; thứ hai, qua triều cống giành được sự thừa nhận của chính phủ Trung Quốc về giao thương.[70] Vì triều cống phần lớn mang tính chất kinh tế nên Phù Nam và Chiêm Thành chiếm tỉ trọng lớn nhất trong giao thương giữa Trung Quốc và phương Tây, còn tỉ trọng của tàu thuyền Sumatra và Java trong giao thương không cao. Trong thời kì này, không có ghi chép nào về các đoàn sứ Trung Quốc đi ra nước ngoài.

Thời kì này, Trung Quốc có ba cảng chính đến Nam Dương (biển Đông). Cảng thứ nhất là Nhật Nam (Huế) và cảng thứ hai là Giao Chỉ. Chúng có hai chức năng quan trọng: thứ nhất, chúng là giao thương đường dài, nghĩa là cảng đến của các tàu từ Phù Nam và các nước khác ở biển Đông và là trạm trung chuyển đến Quảng Châu; thứ hai, chúng là cửa khẩu cho giao thương khoảng cách ngắn giữa Chiêm Thành (Lâm Ấp) và Giao Chỉ. Loại giao thương này do người Chiêm Thành thống trị và được thực hiện bằng đường biển.[71] Cảng thứ ba là Quảng Châu (Nam Hải). Trong thời Tấn và Nam Bắc triều, Quảng Châu đã thay thế Từ Văn và Hợp Phố trở thành một trong những trung tâm giao thương với nước ngoài. Trong “Lương Thư – Vương Tăng Nhụ truyện”: ” Tìm hiểu mới biết ông là thái thú quận Nam Hải. Hàng năm quận thường có thuyền biển (海舶: hải bạc) và người Cao Lương Sinh Khẩu đến, người mua nước ngoài trao đổi hàng hoá.”[72] Điều này có nghĩa là có nhiều người nước ngoài tiến hành các hoạt động giao thương ở Quảng Châu.

Sử liệu Trung Quốc khi mô tả về các nước ở Nam Dương (biển Đông), mặc dù coi thường văn hóa “man di”, nhưng vẫn thừa nhận rằng “man di” có kĩ thuật hàng hải tiên tiến. Ví dụ, trong “Tống thư · Man di truyện” có ghi: “Người Nam Di và người Tây Nam Di, ở khoảng phía nam và tây nam Giao Châu, sống ở các đảo giữa biển lớn, cách nhau 3 đến 5 ngàn lí, hoặc cách nhau xa đến 20 tới 30 ngàn lí, đi bằng thuyền thì không thể biết khoảng cách. Dù người di nước ngoài có nói tới số lí, nhưng không chắc là thật.”[73] Ở đây, phía nam Giao Châu là Chiêm Thành, và phía tây nam có lẽ để chỉ Phù Nam. Điều này cho thấy sự thống trị của Chiêm Thành và Phù Nam trong giao thương biển Đông.

Ngoài ra còn có một số mô tả về tàu thuyền nước ngoài trong thời kì này, và từ “tàu Côn Lôn”[74] đã xuất hiện. Trong sử sách Trung Quốc có nhiều ghi chép về việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu Côn Lôn. Ví dụ, “Nam Tề thư · Tuân Bá Ngọc truyện”: “Gởi gấm lụa và hàng hóa cho tàu Côn Lôn, đồng thời gửi lệnh ngăn không cho chúng được gửi đến bến Nam Châu.”[75] “Bắc Tề thư · Ngụy Thu truyện”: “Khi tàu Côn Lôn (Côn Lôn bạc) đến, nhận được hàng chục món đồ quý hiếm như đồng hồ, nệm bông và thước ngọc bội tuyệt đẹp.”[76] “Bạc (舶)” ở Trung Quốc cổ đại dùng để chỉ tàu thuyền nước ngoài. “Nam Châu dị vật chí” của Vạn Chấn thời nhà Ngô viết: “Tàu thuyền mà người ngoài khu vực gọi là thuyền bạc dài hơn 20 trượng, và cao 2 hoặc 3 trượng. Chúng trông giống như các gian hàng và con đường. Chúng có thể chở 600 đến 700 người và có thể chứa cả chục ngàn hộc.”[77] Giải thích về từ “bạc” trong “Từ điển Khang Hi” là: “thuyền đi biển của bọn man di gọi là bạc (Tập vận)’” (蠻夷汎海舟曰舶)[78].Kết hợp nhiều sử liệu khác nhau, tàu Côn Lôn này là những con tàu chính đi trên biển Đông.

Vậy thì Côn Lôn ở đâu ? Ferrand, người Pháp, đã có một phân tích chi tiết trong tác phẩm tiên phong về lịch sử và địa lí của Đông Nam Á, “Le K’ouen-louen et les anciennes navigations interocéaniques dans les mers du sud” (Côn Lôn và việc giao thông liên đại dương ở biển Đông thời xưa).[79] Từ Côn Lôn có ý nghĩa khác nhau trong các thời đại khác nhau và tất cả đều chỉ một quốc gia lớn ở Đông Nam Á. Trước thế kỉ 5, Côn Lôn chỉ nước Phù Nam; sau thế kỉ 5, khi Phù Nam suy tàn, Côn Lôn chỉ Tam Phật Tề (Srivijaya, nay là Sumatra). Từ tàu Côn Lôn (Côn Lôn bạc) có lẽ thường dùng để chỉ những con tàu của Đông Nam Á, bao gồm cả những con tàu của Phù Nam và Chiêm Thành.[80] Tàu Ba Tư (có thể từ Mã Lai), tàu Thiên Trúc, v.v. được gọi chung là tàu Côn Lôn.

Câu trích dẫn trên ” Tìm hiểu mới biết ông là thái thú quận Nam Hải. Hàng năm quận thường có thuyền biển của người Cao Lương Sinh Khẩu đến, người mua nước ngoài trao đổi hàng hoá”[81] cũng đưa ra một thông điệp khác: nếu như lúc đó, tàu Trung Quốc đóng một vai trò nhỏ trong giao thông trên biển Đông, thì vai trò này là hoạt động buôn bán đường ngắn của người Việt. “Cao Lương Sinh Khẩu” là một cách gọi miệt thị của người Hán đối với người Việt vào thời đó, và “hàng năm” chỉ ra rằng đó là một loại giao thương đường ngắn. Những người Việt này có lẽ đã thông qua vận chuyển ven biển đưa hàng hóa nước ngoài từ Nhật Nam (Giao Chỉ) đến Quảng Châu, do đó đóng một phần vai trò là chặng cuối của giao thương Đông-Tây. Việc người Việt bị khinh thường cũng cho thấy người Việt và người Hán chưa hòa nhập tốt, và cũng giải thích tại sao Việt Nam luôn có khuynh hướng tách ra và cuối cùng độc lập với Trung Quốc.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-40.png

Hình 5 Giao thông ở biển Đông từ thời hai triều Hán đến thời Nam Bắc triều, vẽ theo “Ngã quốc cổ đại đích hải thượng giao thông” của Chương Tốn

4. Đi sứ thường xuyên

Sau khi nhà Tuỳ thống nhất Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Tuỳ Dương đế lên ngôi, Trung Quốc bắt đầu bành trướng ra nước ngoài, tấn công Cao Củ Li (Goguryeo) ở phía bắc và Việt Nam (Vạn Xuân) ở phía nam và sáp nhập nó vào lãnh thổ. Tuỳ Dương đế cũng tấn công Chiêm Thành và đánh đuổi nhà vua khỏi kinh đô. Vì tham vọng mở rộng ra nước ngoài, Tuỳ Dương đế cử hai đoàn sứ ra nước ngoài, một đến Ryukyu (Đài Loan) và một đến Xích Thổ. Năm 607, Thường Tuấn khởi hành từ Quảng Châu. “Tuỳ thư – Xích Thổ quốc “ghi:

Vào tháng 10 năm đó, Tuấn và những người khác đi thuyền từ quận Nam Hải suốt 20 ngày đêm, mỗi lần đều lợi dụng gió thuận. Đi qua khỏi núi Tiêu Thạch, có đảo Bạc Lăng Cà Bát Bạt ở phía đông nam, và Lâm Ấp đối diện ở phía tây, và có một đền thần trên đó. Lại đi về phía nam, đến Sư Tử Thạch, từ đó các đảo nối tiếp nhau, đi thêm hai ba ngày nữa, có thể nhìn thấy ngọn núi của nước Lang Nha Tu ở phía tây, rồi đến đảo Kê Lung ở phía nam, rồi đến biên giới Xích Thổ.[82]

Nước Xích Thổ nằm ở phía đông của bán đảo Malaysia, ban đầu là một nước chư hầu của Phù Nam, và có khả năng là thuộc địa của người Phù Nam ở bán đảo Malaysia. Xích Thổ chưa bao giờ triều cống Trung Quốc trong quá khứ. Triều đại nhà Tuỳ có lẽ đã biết về Xích Thổ từ người Phù Nam hoặc người Chiêm Thành. Vào thời đó, Phù Nam đã bị Cát Miệt (Khmer) tiêu diệt và các quốc gia trên bán đảo Malaysia bắt đầu thay thế Phù Nam trong giao thương, và Xích Thổ có thể là một trong các nước quan trọng số đó.

Lộ trình nhiệm vụ của Thường Tuấn sẽ được thảo luận sau. Cần nhấn mạnh ở đây rằng chuyến đi sứ này của Thường Tuấn là chuyến đầu tiên trong hơn 300 năm Trung Quốc mới sai sứ đi đến một nước Đông Nam Á. Việc Thường Tuấn có thể đến nước Xích Thổ bằng thuyền cho thấy công nghệ hàng hải của Trung Quốc đã được cải thiện rất nhiều vào thời đó và họ có thể đi thuyền đường dài ở biển Đông. Trung Quốc có khả năng tham gia nhiều hơn vào giao thông biển Đông, nhưng việc sai người đi sứ thời nhà Tuỳ là do Tuỳ Dương đế muốn mở rộng lãnh thổ và thèm muốn các kho báu. Sau khi Tuỳ Dương đế suy sụp, tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông đã bị tắt đi.

5. Giao thông trên biển Đông và Độc quyền của người Ả Rập thời nhà Đường

Đến đời Đường, việc vận chuyển đường biển ở biển Đông có bước phát triển mới. Tầm quan trọng của giao thương biển Đông trong đời sống kinh tế của Trung Quốc đã tăng lên. Trước nhà Đường, Lĩnh Nam nói chung là một vùng đất cằn cỗi. Trong quá khứ, trung tâm kinh tế của Trung Quốc luôn ở Trung Nguyên, ngay cả trong thời Ngô, Đông Tấn, Tống Tề, Lương, Trần và các triều đại phía nam khác, địa vị của Lĩnh Nam cũng kém xa các trung tâm cai trị Giang Tô, Chiết Giang và Hồ Bắc. Vào đầu triều đại nhà Đường, một tuyến đường giao thương đã được phát triển từ An Nam đến Nam Ninh, qua sông Tây Giang đến Quảng Châu, sau đó đến Nam Xương bằng đường bộ, từ Nam Xương đến Dương Châu và Giang Lăng bằng đường thủy, sau đó từ Dương Châu đến kinh đô phía đông Lạc Dương qua kênh Đại Vận Hà, giúp tăng tốc đáng kể giao thương trong nội địa Trung Quốc từ Lĩnh Nam đến các vùng sâu trong lục địa.

Một sự kiện thúc đẩy sự phát triển giao thương ở biển Đông xảy ra vào năm 684, đó là việc người Côn Lôn ở Quảng Châu ám sát đô đốc Quảng Châu. “Tân thư Đường bản kỉ 4” ghi: “Người Côn Lôn ở Quảng Châu giết đô đốc Lộ Nguyên Duệ.”[83] “Liệt truyện 41” mô tả thêm: “Ở Nam Hải có thuyền người Côn Lôn đậu ngoài khu Sâm Kì, cựu đô đốc Lộ Nguyên Duệ đoạt lấy hàng của thuyền, bạn thuyền không kềm được cơn giận đã giết ông”.[84] Đoạn văn này cho thấy các thương nhân Đông Nam Á ở Quảng Châu lúc bấy giờ đã bị thống đốc Quảng Châu lúc đó bóc lột đến mức giết chết ông ta. Một số ghi chép khác cũng đề cập đến quá trình mưu sát cụ thể, và cuối cùng người Côn Lôn đã trốn chạy bằng đường biển. Sau khi thống đốc mới Vương Lâm nhậm chức, để xoa dịu các thương nhân nước ngoài, ông đã công bố các biện pháp nghiêm cấm tham nhũng, điều này khiến giao thương của Quảng Châu ngày càng thịnh vượng.

Năm 755, cuộc nổi dậy của An Lộc Sơn gây náo loạn ở Trung Nguyên, các tuyến đường giao thương bị phong tỏa. Một sự cố khác vào năm 758 còn ảnh hưởng nhiều hơn đến hoạt động giao thương ở biển Đông. Năm đó, người Ba Tư và thương nhân Ả Rập ở Quảng Châu cùng nhau cướp bóc, đốt phá Quảng Châu, cuối cùng trốn thoát bằng đường biển. “Cựu Đường thư – Ba Tư truyện” ghi: “Năm Càn Nguyên thứ nhất, Ba Tư và Đại Thực (Ả Rập) cùng cướp phá Quảng Châu, cướp kho, đốt nhà và chạy trốn bằng đường biển”.[85] Vụ cướp này đã châm ngòi cho sự thù địch của Quảng Châu đối với các thương nhân nước ngoài, và tình trạng hỗn loạn ở Quảng Châu trong hai thập kỉ sau đó đã khiến các thương nhân nước ngoài chuyển từ Quảng Châu đến các nơi giao thương an toàn hơn. Quảng Châu tụt hậu so với Giao Chỉ về giao thương, nên tổng đốc Lĩnh Nam thậm chí đã viết thư yêu cầu chính quyền trung ương can thiệp, nhưng hoàng đế từ chối. Mãi cho đến đầu thế kỉ 9 khi Giao Chỉ bị Chiêm Thành tấn công thì sự yếu kém trong giao thương biển Đông của Quảng Châu mới được cải thiện.

Mặc dù giao thương ở biển Đông trong thời kì này được luân chuyển giữa hai thành phố, nhưng về tổng thể, nó vẫn đang phát triển, nguyên nhân chính là do vào năm 751, nhà Đường bị đánh bại trong trận Đát La Tư (Talas) và Thổ Phiên đã lợi dụng loạn lạc chiếm Hành lang Hà Tây, dẫn đến sự suy tàn của Con đường Tơ lụa trên đất liền.[86] Các thương nhân lớn Ba Tư và thương nhân Ả Rập đến định cư tại Quảng Châu và thành lập cộng đồng của riêng họ tại Quảng Châu.

Năm 878, giao thương nước ngoài của nhà Đường chuyển từ thịnh sang suy. Quân nổi loạn của Hoàng Sào đã chiếm được Quảng Châu vào năm đó và lấy nó làm thủ đô. Hoàng Sào đã tàn sát người Ả Rập ở Quảng Châu, dẫn đến sự sụp đổ của cộng đồng người Ả Rập ở Quảng Châu. Trong những thập kỉ tiếp theo, Quảng Châu và Giao Chỉ rơi vào tình trạng loạn lạc, giao thương ở biển Đông đã kết thúc vào thời nhà Đường và không bao giờ hồi phục tới mức trước đó.

Dưới thời thống trị của nhà Nam Hán, giao thương ở biển Đông dần được khôi phục và 4 xu hướng nổi lên: thứ nhất, giao thương ở biển Đông bắt đầu phát triển về phía Phúc Kiến; thứ hai, Giao Chỉ ngày càng độc lập hơn trong thời Nam Hán, và cuối cùng đã tách khỏi Trung Quốc trong những năm cuối thời Nam Hán; thứ ba, trong loạn Hoàng Sào, lực lượng Ả Rập đã bị tấn công, mặc dù người Ả Rập đã trở lại ngay sau đó, nhưng trong khoảng thời gian ngắn bỏ trống một số lượng nhỏ tàu thuyền Trung Quốc đã bắt đầu buôn bán ở biển Đông; thứ tư, trong thời kì loạn lạc, một số người Trung Quốc đã chạy ra nước ngoài và trở thành đợt người Trung Quốc di cư đầu tiên. Ở đảo Sumatra, đã có người Trung Quốc làm nghề nông tại đó vào năm 943.[87]

Giao thương biển Đông thời Đường rất khác so với trước đó. Thứ nhất, vào đầu thời nhà Đường tuyến đường giao thương biển Đông đã vươn đến Sri Lanka trở lại, và sau đó còn đi xa hơn, lần đầu tiên mở rộng đến Ba Tư và Ả Rập. Điều này có nghĩa là kĩ thuật hàng hải lúc đó đã được cải thiện để có thể đi đường dài một cách ổn định. Thứ hai, từ biển Đông đến Ấn Độ Dương không cần phải đi qua eo đất Kra bằng đường bộ nữa mà có thể đi qua eo biển Malacca và eo biển Sunda, điều này cũng phản ánh sự cải tiến về kĩ thuật hàng hải. Thứ ba, chủ thể chính của giao thương biển Đông không còn là giao thương theo hình thức của triều cống mà giao thương tư nhân đã vươn lên trở thành thành phần chính. Thứ tư, người Ba Tư và người Ả Rập (Ba Tư đã bị người Ả Rập tiêu diệt nên người Ba Tư và người Ả Rập thực chất là một) đã thay thế người Côn Lôn (người Đông Nam Á) đóng vai chính trong giao thương biển Đông. Thứ năm, liên quan nhiều nhất đến các đảo ở biển Đông, sau thời nhà Tuỳ, các tuyến đường biển ở biển Đông không còn giới hạn ở ven biển trước đây, mà xuất hiện một tuyến đường trực tiếp từ đảo Chiêm Bà đến Quảng Châu.[88] Tuyến đường biển này đã được ghi lại trong lộ trình đi sứ của Thường Tuấn nêu trên và cũng được ghi là tuyến đường buôn bán (mãi kí tái) trong tài liệu bên dưới, và sau này nó được gọi là tuyến đường “nội câu” (kênh trong). Chính sự phát triển của tuyến đường này đã giúp cho việc khám phá quần đảo Hoàng Sa thành hiện thực, vì quần đảo Hoàng Sa cách tuyến đường này không xa, các nhà hàng hải nếu không cẩn thận sẽ bị trôi dạt đến quần đảo Hoàng Sa, hoặc gặp tai nạn như gió lớn. (trong 3.3-3.5 có nhiều ví dụ).

Về vai trò chủ yếu của giao thông đường biển trong giao thương biển Đông thời Đường, cần phân tích chi tiết hơn. Chiêm Thành vẫn chiếm một vị trí nhất định trong giao thương biển Đông. Giao thương Chiêm Thành chủ yếu là giao thương khu vực, còn các mặt hàng giao thương chủ yếu vẫn là các sản vật địa phương. Chiêm Thành cũng là nước triều cống bằng đường biển nhiều nhất vào thời Đường. Điều này cho thấy vị trí kinh tế của Chiêm Thành về cơ bản không thay đổi so với các triều đại trước. Ngoài giao thương khu vực, vị trí của Chiêm Thành trong giao thương biển Đông có lẽ chỉ là trạm trung chuyển cho vận tải biển. Sau sự sụp đổ của Phù Nam, nước Cát Miệt (Cao Miên) không kế thừa địa vị hàng hải của Phù Nam, ngoại trừ một đợt triều cống, vai trò của nó trong giao thương biển Đông gần như không đáng kể.

Có một số nước nhỏ ở Malaysia cũng mất đi vị thế là điểm giao thương chính sau khi eo biển Malacca mở ra và chỉ có nước La Việt ở Nhu Phật (Johor) phát triển thành trạm trung chuyển. Nước được lợi trong việc mở eo biển Malacca là Tam Phật Tề (Sri Vijaya, còn được gọi là Thất Lợi Phật Thệ, nay gần cảng cũ [Palembang] của đảo Sumatra). Tam Phật Tề kiểm soát tuyến đường biển Malacca vào thời đó. Ngoài vai trò là trạm trung chuyển trên tuyến đường thủy đông tây, Tam Phật Tề còn trực tiếp tham gia giao thông giữa đông và tây. Vào thời đó, tàu Côn Lôn trong triều đại nhà Đường chủ yếu dùng để chỉ tàu thuyền của Tam Phật Tề. Vào đầu thời nhà Đường, tàu của Tam Phật Tề là những con tàu chính hoạt động trên các tuyến đường biển Đông, và mãi đến giữa thế kỉ 8 chúng mới bị tàu thuyền của người Đai Thưc (Ba Tư và Ả Rập) thay thế. Sau đó, số lượng tàu Côn Lôn đã giảm đi rất nhiều khi Tam Phật Tề hài lòng với việc thu thuế và cung cấp dịch vụ qua việc tận dụng vị trí thuận lợi của mình.

Người Ả Rập nổi lên vào đầu thế kỉ 7. Năm 651, Ả Rập tiêu diệt triều đại Tat San (Sassanid) của Ba Tư và trở thành quốc gia lớn duy nhất ở Trung Đông, Trung Quốc gọi nó là Đại Thực. Người Đại Thực nắm quyền khống chế giao thương biển Đông từ giữa thời Đường về sau. Nhờ việc mở rộng tuyến đường thủy Đông-Tây từ vịnh Bengal đến vịnh Ba Tư, giao thông đường biển từ vịnh Ba Tư đến Trung Quốc trở nên thường xuyên và sinh lợi. Vị thế mạnh mẽ của người Đại Thực trong giao thương biển Đông có thể được nhìn thấy trong các cộng đồng do người Ả Rập thành lập ở Trung Quốc. Đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử người nước ngoài thành lập một cộng đồng ở Trung Quốc. Họ đã thành lập một số cộng đồng người Đại Thực ở Trung Quốc, bao gồm ở Quảng Châu, Giao Chỉ và Dương Châu, và chủ yếu tham gia vào giao thương biển. Họ đã xây dựng các nhà thờ Hồi giáo và rao giảng đạo Hồi ở Trung Quốc. Dân số của họ đủ lớn để cướp phá Quảng Châu và rời đi an toàn. Trong vụ Hoàng Sào thảm sát người Đại Thực ở Quảng Châu, hơn 100 000 người đã bị giết chết. Trước đó, khi Phù Nam hùng mạnh nhất, số lượng thương nhân không đủ để thành lập một cộng đồng ở Trung Quốc. Cùng lúc đó cũng có rất ít người Trung Quốc ở nước ngoài.

Thế thì vị trí của Trung Quốc trong giao thông biển Đông vào đời Đường như thế nào? trong toàn bộ sử liệu đời Đường không có ghi chép nào về việc cử sứ giả đi nước ngoài bằng đường biển. Theo các sách của Trung Quốc và nước ngoài, người Trung Quốc đi đến nước ngoài bằng đường biển vào thời Đường hết sức ít ỏi, và hầu hết họ đều là nhà sư Phật giáo, những trường hợp này có thể mô tả là lẻ tẻ. Nổi tiếng nhất trong số đó là Nghĩa Tịnh vào đầu thời nhà Đường. Ông rời Trung Quốc trên một thuyền buôn Ba Tư vào năm 671, chuyển sang tàu Tam Phật Tề ở Chiêm Thành để đến Nam Dương và Ấn Độ, sau nhiều thập kỉ ở Nam Dương cuối cùng ông từ Tam Phật Tề trở về Trung Quốc. Dưa theo hành trình của Nghĩa Tịnh có thể thấy rằng vào đầu thời Đường, lực lượng chính của của giao thông trên biển vẫn là các thuyền buôn nước ngoài.[89] “Cao tăng cầu pháp truyện”, “Tục cao tăng truyện”, và “Tống cao tăng truyện” cũng ghi lại trải nghiệm của khoảng 40 nhà sư ra nước ngoài tìm tòi Phật pháp, không tàu nào được tả rõ gốc của nước nào, nhưng xét hầu hết các tàu thuyền mà họ đang đi đều được ghi rõ là tàu buôn, nên có vẻ rằng tất cả đều đi trên tàu buôn nước ngoài.[90]

Mãi sau loạn Hoàng Sào mới có người Trung Quốc di cư ra nước ngoài để thoát khỏi chiến tranh.Trong cuốn sách “Đồng cỏ vàng” do người Ả Rập viết có nêu rằng vào năm 943, có rất nhiều người Trung Quốc làm ruộng gần cảng Palembang ở Sumatra. Những người này có lẽ đã di cư đến Sumatra bằng đường biển. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, người Trung Quốc di cư ra nước ngoài bằng đường biển.[91] Trong tất cả các sách vở xưa, không có bằng chứng đáng tin cậy nào về việc các thương nhân Trung Quốc ra nước ngoài buôn bán trong thời kì này.

Có rất nhiều tuyến đường thủy được ghi lại vào thời nhà Đường Trung Quốc. Nổi tiếng nhất chắc chắn là những ghi chép của nhà địa lí Giả Đam (730-805) vào giữa thời Đường. Từ quan đến tể tướng, Giả Đam thích tìm hiểu riêng về địa lí, “giỏi địa lí, mỗi khi sứ các nước man di (tứ di) đến cho đến lúc về, ông đều hỏi han về chỗ bắt đầu và tận cùng của núi, sông và đất.đai[92] Ông là tác giả của nhiều tác phẩm như “Hải nội Hoa Di đồ”, “Cổ kim quận quốc huyện đạo tứ di thuật” và “Hoàng hoa tứ đạt kí”. Những phần còn lại của cuốn cuối được gom góp lại trong “Tân Đường Thư – Địa lí chí”. Trong số đó có “Quảng Châu thông hải di đạo”, ghi lại 4 đoạn đường từ Quảng Châu đến Nam Dương (biển Đông) và Ấn Độ Dương, là tư liệu cần thiết để nghiên cứu lịch sử giao thông Nam Dương. Tuy nhiên, bản thân Giả Đam chưa bao giờ ra nước ngoài, và không có ghi chép nào về việc các sứ thần Trung Quốc đi ra nước ngoài bằng đường biển trong chính sử nhà Đường.[93] Vì vậy, tất cả kiến ​​thức về các tuyến đường biển mà ông có được đều được học từ các sứ giả của các nước man di (tứ Di), đặc biệt là từ nước Sư tử (Sri Lanka) và Ha Lăng (Java), sứ giả hai nước này đến Trung Quốc khi ông đang có quyền bính ở triều đình.[94] Theo khảo chứng của Trương Tinh Lãng, tên của nhiều nước và vùng biển dọc theo tuyến đường biển dẫn đến Đại Thực do Giả Đam ghi lại hầu hết đều tương đồng với ghi chép của người Ả Rập.[95]

Trung Quốc lúc đó đã có năng lực đóng tàu thuyền lớn thích hợp cho việc vận chuyển trên biển. Chẳng hạn, nhà Đường đã đóng được những tàu lớn chở được 600-700 người, lớn hơn cả tàu của người Ả Rập. Tuy nhiên, không có tài liệu nào của Trung Quốc cho thấy những tàu này đã được người Trung Quốc sử dụng trong giao thương ở biển Đông, nhưng có bằng chứng cho thấy những con tàu này đã được sử dụng rộng rãi trong giao thương Trung-Nhật.[96]

Trong các tài liệu của người Ả Rập, có thể thấy có tên “tàu Trung Quốc” (Trung Quốc thuyền) tương tự. Tuy nhiên, theo phân tích của người Ả Rập, cái gọi là “tàu Trung Quốc” này thực chất chỉ là tên gọi của những tàu vận chuyển hàng hóa Trung Quốc, xét theo ngữ cảnh và mô tả về tàu thuyền thì những tàu này đều là tàu của Ả Rập.[97] Chỉ trong một trường hợp, có khả năng một tàu do Trung Quốc đóng đã đi đến vịnh Ba Tư. Ví dụ này nằm trong một đoạn văn của nhà sử học Ả Rập al-Masudi trong “Đồng Cỏ vàng”,[98] nhưng đó là vào thời Ngũ Đại. Hơn nữa, tuy đây là tàu do Trung Quốc đóng nhưng nhiều khả năng cả chủ tàu lẫn thủy thủ đều là người Ả Rập.[99] Do đó, Trung Quốc có lẽ chỉ bắt đầu tiến hành giao thông đường biển ở biển Đông trong thời Ngũ Đại, và tỉ lệ giao thông đường biển vẫn còn rất nhỏ. “Đồng cỏ vàng” liệt kê tàu thuyền của rất nhiều nước trong ghi chép các tàu thuyền ra vào Quảng Châu, nhưng không hề nhắc đến tàu thuyền Trung Quốc. Ngay cả trong thời kì giao thông hàng hải bắt đầu khởi sắc trở lại vào thời Ngũ Đại, giao thông hàng hải của Trung Quốc vẫn chủ yếu dựa vào tàu nước ngoài.[100] Chẳng hạn như nước Mân (Phúc Kiến) “mời gọi người man di ngoài biển đến mua bán”,[101]đưa nhiều tàu thuyền người man di dùng vào việc công, rất có lợi vì khi có sóng gió, biển động cũng không bị hư hại”.[102]

Tại sao sự phát triển của ngành đóng tàu thời Đường không đồng nghĩa với vai trò quan trọng của Trung Quốc trong thương mại và giao thông ở biển Đông thời Đường? Lí do là ngoài việc đóng tàu, việc tích lũy kiến ​​thức về hàng hải và địa lí cũng rất quan trọng. Có một tàu tốt không có nghĩa là có thuyền trưởng và thủy thủ giỏi. Trong thời đại trao truyền kiểu trao tay nhau thì truyền thống là một yếu tố cực kì quan trọng. Trung Quốc thiếu truyền thống hàng hải ở biển Đông nên dù sau này Trung Quốc có phát triển công nghiệp đóng tàu cũng không thể cạnh tranh với các nước khác về hàng hải ở biển Đông. Đối với vấn đề cụ thể của giao thương, nó liên quan chặt chẽ đến vấn đề chi phí. Người Srivijaya cũng có kinh nghiệm đi biển phong phú, nhưng vẫn không địch lại người Ả Rập, về chi phí và chuyển sang tập trung vào thương mại trung chuyển và dịch vụ cảng. Sự độc quyền lâu dài của người Ả Rập khiến ngành công nghiệp hàng hải của Trung Quốc hoàn toàn không thể cạnh tranh với họ về chi phí. Mặt khác, trong giao thương với Triều Tiên ở biển Hoa Đông, Trung Quốc có ưu thế hơn hẳn. Như một số nghiên cứu đã chỉ ra, mặc dù Nhật Bản cũng có ngành đóng tàu phát triển vào thời điểm đó, nhưng hầu hết các tàu thương mại viễn dương của họ đều được chủ tàu Trung Quốc mua lại để phục vụ giao thương giữa Trung Quốc và Nhật Bản. [103] Trong thương mại biển Đông cũng xuất hiện tình trạng tương tự.[104]

This image has an empty alt attribute; its file name is image-41.png

Hình 6 Giao thông trên biển Đông thời Tùy, Đường và Ngũ Đại, được vẽ theo Chương Dị trong “Giao thông biển nước ta thời cổ đại”

Tóm lại, vào thời nhà Đường, mặc dù người Trung Quốc có ghi chép về các tuyến đường hàng hải ở biển Đông, nhưng họ chỉ biết qua lời kể của người nước ngoài. Vào thời đó, mặc dù có Con đường tơ lụa trên biển vận chuyển hàng hóa Trung Quốc đến Ả Rập qua tuyến đường biển Đông, nhưng địa vị của người Trung Quốc trong đó chỉ giới hạn ở việc cung cấp hàng hóa, bến cảng và có thể là tàu chứ không phải vận tải hàng hải. Giao thông đường biển đầu tiên được kiểm soát bởi người Côn Lôn, và sau đó là những bộ tộc Đại Thực(Ả Rập và Ba Tư). Mãi đến thời Ngũ Đại, các nhà hàng hải Trung Quốc mới bắt đầu xuất hiện trên Con đường tơ lụa trên biển. Như có thể thấy trong Chương Ba, các nhà hàng hải Trung Quốc mãi cho đến khi nhà Tống phát triển mạnh mẽ ngành hàng hải thì mới bắt đầu có đóng vai trò quan trọng trong thương mại biển Đông. Sau thế kỉ 13, các nhà hàng hải Trung Quốc đã vượt qua người Ả Rập và trở thành lực lượng quan trọng nhất trong thương mại biển Đông.

2.3 Người Trung Quốc đã phát hiện ra các đảo ở biển Đông?

Trước nhà Tần, nhà Tần và nước Nam Việt để lại rất ít thông tin về biển Đông. Hầu hết các tài liệu xưa nhất về biển Đông đều do nhà Hán và nhà Ngụy, nhà Tấn, Nam và Bắc Triều để lại. Các chuyên gia Trung Quốc tin rằng ít ra ngay từ thời nhà Hán, người Trung Quốc đã hoạt động tích cực ở Hoàng Sa và Trường Sa. Họ đưa ra một số bằng chứng về các hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông từ thời nhà Hán, nhằm chứng minh rằng “quần đảo Tây Sa và Nam Sa luôn là lãnh thổ của chúng ta[105] Có hai loại bằng chứng, một là văn bản ghi chép, và hai là bằng chứng sản vật. Thời gian cụ thể của bằng chứng sản vật được lấy là thời “Đường – Tống”, thời gian rất chung chung, điều này sẽ được thảo luận cùng với bằng chứng từ thời Tống trong chương 3. Chương này trước hết sẽ thảo luận về các ghi chép bằng văn bản. Văn hóa Trung Quốc sâu rộng hơn các nước xung quanh biển Đông rất nhiều, và Trung Quốc có những lợi thế vô song về tư liệu. Cần phải chỉ ra rằng bản gốc của những tác phẩm này đã bị thất lạc, và chỉ có thể nhìn thấy một số câu chữ trong các ghi chép có biên tập lại trong các sách cùng loại, khiến việc phân tích toàn diện dựa trên bối cảnh trở nên khó khăn. Vì vậy, tác giả chỉ có thể tiến hành phân tích dựa trên những mảnh ghép và bối cảnh của cuốn sách.

Từ phân tích sau đây, có thể thấy rằng mặc dù Trung Quốc có rất nhiều tài liệu ghi chép nhưng vai trò của những tài liệu này đã bị các chuyên gia Trung Quốc phóng đại quá mức. Sau khi phân tích cẩn thận, không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy Trung Quốc đã phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước thời nhà Tống.

1. Biển bao lớn?

Ở Trung Quốc cổ đại, biển Đông được gọi là Trướng Hải. Hàn Chấn Hoa có bài viết đặc biệt phân tích phạm vi của Trướng Hải. Kết hợp nhiều thư tịch cổ, ông kết luận: “Vào thời Hán và Đường, vị trí địa lí của Trướng Hải về cơ bản đã được xác định. Phía đông nam của Trướng Hải là Chư Bạc (Trảo Oa : Java); phía tây nam của Trướng Hải có thể thông với Câu Trĩ hoặc Đốn Tốn (bán đảo Malay), phia tây Tướng Hải là Nhật Nam (miền Trung Việt Nam), phía bắc Trướng Hải là Giao Châu, phía đông Trướng Hải là Vĩ Lư. Bốn quần đảo của các đảo ở Nam Hải ngày nay đều được bao gồm trong phạm vi bốn hướng đông, tây, bắc, nam nói trên”.[106] Ở đây chỉ có Vĩ Lư ở phía đông của Trướng Hải là không xác định nằm cụ thể ở đâu. Vĩ Lư có nêu trong “Bác vật chí” của Trương Hoa đời Tấn: “Đông Việt, Thông Hải, nằm giữa phía bắc và phía nam Vĩ Lư, sông Tam Giang chảy vào Nam Hải thông với Đông Trị, với núi cao và biển sâu, là một đất nước tuyệt nguy hiểm.”[107] Do đó, vị trí của nó là ở Đông Việt, tức là Phúc Kiến, và Tam Giang nằm ở khoảng ranh giới của Phúc Kiến với Triều Châu thuộc Quảng Đông.

Phân tích của Hàn Chấn Hoa trải dài từ thời nhà Hán đến nhà Đường, kéo dài hơn 1000 năm, và thời kì này là thời kì mà sự hiểu biết của Trung Quốc về biển Đông không ngừng sâu rộng hơn. Hàn Chấn Hoa chỉ đơn giản là trộn lẫn quan niệm về Trướng Hải thời Hán và thời Đường với nhau và gọi chung chúng là quan niệm “giai đoạn Hán – Đường”, điều này rất thiếu nghiêm túc về mặt học thuật. Rõ ràng, không thể đánh đồng sự hiểu biết về biển Đông của thời Đường với thời Hán, rồi dùng điều này để bàn luận về việc liệu người thời Hán có khám phá ra các đảo ở biển Đông hay không. Lập luận của Lí Kim Minh chia cương vực biển Đông thành ba giai đoạn: Tống – Nguyên, Minh và Thanh khoa học hơn nhiều.[108]

Nếu xét từ nhận thức người Đường, phân tích của Hàn Chấn Hoa nói chung là có cơ sở. Tuy nhiên, ngay cả như vậy, phạm vi của biển Trường Hải được người Đường công nhận không giống với phạm vi thật sự của biển Đông. Từ phân tích của Hàn Chấn Hoa, chúng ta có thể thấy rằng kiến ​​​​thức địa lí của Trung Quốc vào thời đó chủ yếu đến từ các tuyến đường biển do người nước ngoài mở ra. Theo định hướng địa lí chính xác, phía nam của biển Đông là đảo Kalimantan, phía đông là đảo Luzon của Philippines, và phía đông nam là đảo Trường Sa và đảo Palawan, tất cả các địa điểm này đều không được đề cập trong mô tả của người Đường về phạm vi Trướng Hải. Điều này cho thấy người Đường không biết gì về những địa danh đó, nếu không, họ nhất định sẽ không gọi phía đông nam của biển là Trảo Oa (Java), bởi vì trên thực tế, Java vẫn ở phía tây nam (hoặc phía nam) của biển Đông. Lí do tại sao Java được cho là ở phía đông nam của biển chỉ có thể là vì Java thật sự ở phía đông nam của vùng biển có các tuyến đường biển ở biển Đông. Qua đó có thể thấy quần đảo Trường Sa không nằm trong phạm vi Trướng Hải như người Đường hiểu biết.

Hàn Chấn Hoa và các cộng sự đã mở rộng các hoạt động của các quan lại Trung Quốc tại các khu vực ven biển của biển Đông trong thời Hán và Đường thành các hoạt động trên toàn bộ biển Đông, và mô tả đó là việc chính phủ Trung Quốc đã thực thi chủ quyền đối với các đảo ở biển Đông vào thời đó. Ví dụ, Hàn Chấn Hoa dẫn: “Sách Hậu Hán thư của Tạ Thừa ghi: ‘Trần Mậu ở Nhữ Nam đã từng là một biệt giá (别驾) của Giao Chỉ [tương ứng với chức quan] cựu thứ sử hành bộ (旧刺史行部) và ông ta chưa từng đi qua Trướng Hải. Khi thứ sử Chu Xưởng xuống thuyền ra biển, một cơn gió nổi lên đe dọa làm lật thuyền, Mậu rút kiếm ra mắng thuỷ thần và gió lập tức dịu xuống.’ ” Sau đó, ông đưa ra nhận định: “Có thể thấy rằng kể từ thời Hán và Tấn, chính phủ Trung Quốc đã thực thi chủ quyền đối với các đảo ở biển Đông. Đây là sự thật không ai có thể xóa bỏ được.”[109]

Thật ra, câu trích dẫn của Hàn Chấn Hoa là từ “Thái Bình ngự lãm”.[110] Theo nguyên văn “Hậu Hán thư”:

Trần Mậu ở Nhữ Nam có năng lực dị thường, Chu Xưởng thứ sử Ngô quận Giao Chỉ vời làm biệt giá, cựu thứ sử hành bộ, [Chu Xưởng] chưa từng đi qua Trướng Hải, tỏ ý muốn đi đến Chu Nhai và Đam Nhĩ. Mậu can ngăn rằng không nên mạo hiểm. Ông không nghe theo, đi qua biển gặp gió, thuyền sắp bị lật, Mậu rút gươm mắng thủy thần, gió lập tức ngừng lại, nên vượt qua biển được.[111]

Có thể thấy rằng Chu Xưởng và Trần Mậu chỉ muốn đến đảo Hải Nam (tức là Chu Nhai và Đam Nhĩ), không dính dáng gì đến các đảo ở biển Đông. Đầu tiên, Hàn Chấn Hoa làm mờ lộ trình thật sự của chuyến đi này; sau đó, ông phóng đại nó như là việc thực thi chủ quyền đối với các đảo ở biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa cách xa hàng ngàn dặm). Rõ ràng là vô lí và thậm chí vô lí khi diễn giải các hoạt động tùy thích của Trung Quốc dọc theo bờ biển phía bắc của biển Đông thời cổ đại là khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ biển Đông và các đảo xa. “Lấy một phần thay cho toàn thể” là một lỗi logic thường thấy ở các chuyên gia Trung Quốc khi chứng minh chủ quyền biển Đông. Đây chỉ là một ví dụ. Nếu logic ngớ ngẩn này là đúng, thì hoạt động tuần tra hiện tại của tàu chiến Nhật Bản giữa đảo chính của Nhật Bản và quần đảo Ryukyu có thể được hiểu là hành vi thực thi chủ quyền của Nhật Bản đối với đảo Phục Sinh ở Nam Thái Bình Dương?

2. Sản vật có thể được sử dụng làm bằng chứng về chủ quyền ?

Một số chuyên gia Trung Quốc như Hàn Chấn Hoa, Lí Kim Minh, Lâm Kim Chi, Trương Vĩ… đã cố gắng đưa ra nhiều bằng chứng “khoa học” để chứng minh rằng người Trung Quốc đã hoạt động ở các đảo ở biển Đông từ lâu, từ những ghi chép về các sản vật (vỏ ốc, san hô, rùa biển) để kết luận rằng Trung Quốc đã hoạt động ở các đảo ở biển Đông từ hai thời nhà Hán. Logic của họ là do những sản phẩm này được ghi trong sách cổ của Trung Quốc và những sản vật này cũng được sản sinh trên các đảo ở biển Đông, nên hai điều này cho thấy rằng người Trung Quốc vào thời đó đã hoạt động trên các đảo ở biển Đông.

Có hai lỗi nghiêm trọng trong logic tồi tệ này. Thứ nhất, những sản vật đó không phải chỉ thấy có ở các đảo ở biển Đông, và chỉ vì các đảo ở biển Đông sản xuất ra những sản phẩm đó không có nghĩa là chúng chỉ có thể được lấy từ các đảo ở biển Đông. Các bài viết của họ đều cho rằng những sản vật này là “đặc sản” của các đảo ở biển Đông. Nhưng không cái nào trong số những cái gọi là “đặc sản của các đảo ở biển Đông” là đúng. Ví dụ, Hàn Chấn Hoa lập luận rằng gốc gác các động vật có vỏ trong triều đại nhà Thương là Hải Nam, bao gồm cả các đảo ở biển Đông, và do đó, nguồn gốc của tiền tệ của các triều đại Ân và Thương phải bao gồm các đảo ở biển Đông và không có động vật có vỏ nào được sản sinh dọc theo bờ biển của Trung Quốc đại lục.[112] Lâm Kim Chi nói: “Đặc biệt là vỏ sò dùng làm tiền (貨貝: hóa bối), các khu vực ven biển của Trung Quốc đại lục không sản xuất vỏ sò dùng làm tiền, chỉ có ở quần đảo Nam Sa mới có vỏ sò dùng làm tiền.”[113] Trên thực tế, phân bố của vỏ sò dùng làm tiền (Monetaria moneta), hay còn gọi là ốc bươu vàng (hoàng bảo loa) thuộc trong nước, gồm “Đảo Đài Loan, Hồng Kông, đảo Hải Nam, Tây Sa, Đông Sa và quần đảo Nam Sa,”[114] có nghĩa là vỏ sò dùng làm tiền có thể tìm thấy dọc theo bờ biển Đông của Trung Quốc đại lục, và không cần phải đến các đảo ở biển Đông. Trừ khi Hàn Chấn Hoa và Lâm Kim Chi nghĩ rằng Hồng Kông và đảo Hải Nam không phải là một phần của Trung Quốc. Trên thực tế, sự phân bố của động vật có vỏ là vô cùng rộng rãi, có cả nguồn gốc nước ngoài ở “Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Australia, đảo Cocos, đảo Galapagos, quần đảo Marshall, quần đảo Cocos (Keeling), Sri Lanka, Ấn Độ và Đông Phi”. Nếu chúng ta theo logic của họ, Australia và Ấn Độ cũng là khu vực sản xuất vỏ sò dùng làm tiền cho thời nhà Ân và nhà Thương của Trung Quốc.

Họ cũng tin rằng ở Trung Quốc cổ đại có san hô có nghĩa là người Trung Quốc đã thu thập san hô trên các đảo ở biển Đông. Ví dụ, Trương Vĩ đã viết: “Quần đảo Nam Sa là một khu vực sản xuất san hô nổi tiếng ở nước ta… san hô ở quần đảo Nam Sa từ lâu đã là một sản phẩm trang trí có giá trị”.[115] Thật ra, san hô được tìm thấy dọc theo bờ biển Đông và chúng hoàn toàn không phải là đặc sản của quần đảo Trường Sa. Có một ghi chép trong “Thuật dị kí” của Lương Nhậm Phưởng: “Có một chợ san hô ở huyện Uất Lâm, nơi mà san hô được bán cho khách đi biển”[116] Ngoài ra, san hô được tạo ra ở nhiều đảo nhỏ ngoài khơi dọc theo bờ biển Trung Quốc, chẳng hạn như đảo Mi Châu ở Quảng Tây, đảo Tang Châu ở Quảng Đông, đảo Ngô Chi Châu ở Hải Nam và vịnh biển sau đảo Hải Nam.

Trương Vĩ cũng cho biết: “Rùa biển và đồi mồi đều là loài bò sát đặc hữu của các đảo ở biển Đông.”[117] Trên thực tế, đồi mồi (Eretmochelys imbricata) được tìm thấy “từ Sơn Đông ở phía bắc đến vịnh Bắc Bộ và các đảo ở biển Đông ở phía nam”.[118] Nó hoàn toàn không phải là đặc sản của các đảo ở biển Đông.

Lỗi logic thứ hai là cũng có nhiều ghi nhận về các sản vật này ở các nước ven biển khác, không phải chỉ riêng ở Trung Quốc. Ví dụ, Lâm Kim Chi chỉ ra rằng trong sách vở xưa của Trung Quốc có rất nhiều ghi chép về ốc xà cừ, trên quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa cũng có ốc xà cừ và đây là một trong những bằng chứng về chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở biển Đông.[119] Tuy nhiên, trong “Chư phiên chí” thời Tống có ghi lại: “Xà cừ đến từ nước Giao Chỉ.” Ở đây ghi rõ là xà cừ được sản xuất ở Giao Chỉ, theo logic của các chuyên gia Trung Quốc, điều này có chứng tỏ Hoàng Sa và Trường Sa đều là lãnh thổ của Việt Nam hay không? Một ví dụ khác là ghi chép về đồi mồi, Hàn Dũ ghi: “Hàng nước ngoài đến mỗi ngày, trân châu, trầm hương, voi, tê giác, đồi mồi, bảo vật quý hiếm, tràn vào Trung Quốc, không thể dùng hết.”[120] Ở đây đồi mồi là bảo vật quý hiếm của nước ngoài. Còn “Chư phiên chí” ghi: “ Đồi mồi ra đời từ các nước Bột Nê, Tam Tự, Bồ Lí Lỗ và Đồ Bà.”[121] Bột Nê, Tam Tự, Bồ Lí Lỗ thuộc Philippines hiện nay, còn Đồ Bà là Java.[122] Nếu như cách lập luận của các chuyên gia Trung Quốc là đúng, chẳng phải đó là bằng chứng chắc chắn rằng các đảo ở biển Đông thuộc về các nước đó sao?

3. Có đảo nào ở biển Đông trong sách vở thời tiền Tống không?

Các chuyên gia Trung Quốc liên hệ các sách vở sau đây với các đảo ở biển Đông:

“Dị vật chí” của Dương Phu đời Đông Hán. Dương Phu, người Nam Hải, Quảng Đông, thời Chương đế và Hòa đế của Đông Hán (thế kỉ 1), không rõ năm sinh năm mất. “Dị vật chí” của ông còn được gọi là “Giao Châu Dị vật chí” hoặc “Giao Chỉ Dị vật chí”, bản gốc cuốn sách đã bị thất lạc từ lâu, và các bản được lưu hành hiện nay được biên soạn từ nhiều cuốn sách cổ.[123] Một câu trong “Dị vật chí” mà phía Trung Quốc thường trích dẫn là: “Có nhiều mỏm đá mấp mô (崎头: khi đầu) trong Trướng Hải, [ở đó] nước cạn và có rất nhiều đá nam châm.” (Trướng Hải khi đầu, thủy thiển nhi đa từ thạch).[124] Phía Trung Quốc cho rằng ‘Trướng Hải’ chính là biển Đông, và ‘khi đầu’ là các đảo ở biển Đông,[125] Câu này thật ra là từ “Nam châu dị vật chí” của Vạn Chấn thời Ngô.[126] “Nam châu dị vật chí” cũng có câu: “Có nhiều mỏm đá mấp mô trong Trướng Hải, ở đó nước cạn, có rất nhiều đá nam châm, Người nước ngoài (kíếu ngoại nhân 徼外人) đi thuyền lớn (大舶: đại bạc) gia cố bằng các tấm kim loại. Khi họ đến vùng biển này thì không thể vượt qua được vì bị đá nam châm hút.”[127]

Tuy nhiên, lập luận của Trung Quốc không đứng vững vì những lí do sau:

Thứ nhất, những mỏm đá mấp mô (khi đầu) này không phải là đảo san hô. Thành phần chính của các đảo san hô là các rạn san hô, có thành phần hóa học là calcium carbonate, hoàn toàn không hút sắt và nam châm.[128]

Thứ hai, ngay cả khi những mỏm đá ở đây là rạn san hô, thì cũng không thể xác định đây là các đảo thuộc biển Đông. Thời Hán, Trung Quốc đã có sẵn đường bờ biển ở biển Đông nên không có gì ngạc nhiên khi biết “Trướng Hải”. Nhưng riêng đoạn văn này không cho thấy được những “khi đầu” và “từ thạch” này ở đâu, và cũng chưa từng có một bài báo nào của Trung Quốc cố gắng chứng minh những “khi đầu” này ở đâu. Nó có thể là một trong những rạn san hô giữa các đảo ở biển Đông, hoặc nó có thể chỉ là một rạn san hô ngoài khơi gần bờ (có rất nhiều rạn san hô như vậy dọc theo bờ biển Đông), và không có cơ sở để cho rằng chúng là quần đảo Trường Sa cách xa hàng ngàn dặm.

Ở đây, một lần nữa, một số chuyên gia Trung Quốc đã phạm sai lầm logic khi “lấy một phần thay cho toàn bộ”: việc phát hiện ra một rạn san hô chắc chắn không có nghĩa là phát hiện ra tất cả các rạn san hô, và việc khái quát hóa một rạn san hô thành tất cả các đảo ở biển Đông không thể làm thành bằng chứng cho yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Giống như đảo Đài Loan có thể được coi là một trong các đảo ở Thái Bình Dương, nhưng không thể suy ra từ sự kiện rằng đảo Đài Loan thuộc về Trung Quốc mà Nhật Bản, Hawaii, New Guinea và các đảo khác ở Thái Bình Dương cũng thuộc về Trung Quốc, mặc dù chúng cũng có thể được gọi chung là các đảo ở Thái Bình Dương.

Thứ ba, ngay cả khi có thể chứng minh rằng những ‘khi đầu’ này là Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng chúng đã được người nước ngoài phát hiện. Vì lời văn ghi rõ “Người nước ngoài đi thuyền lớn”, tức là các nhà hàng hải nước ngoài khi đi thuyền [ở đây lại dùng từ bạc thay cho thuyền càng cho thấy đó không phải là người Trung Quốc- ND) trên biển Đông đã tìm thấy những mỏm đá kì lạ này, rồi báo cho Trung Quốc, và Trung Quốc đã ghi lại. Người Trung Quốc chỉ là người ghi chép chứ không phải người khám phá. Và những người nước ngoài này rất có thể là người Phù Nam, bá chủ thương mại biển Đông thời bấy giờ, tất nhiên họ cũng có thể là người Chiêm Thành hoặc những người nước ngoài khác.

“Phù Nam truyện” do Khang Thái triều Ngô viết sau khi ông đến Phù Nam với tư cách là sứ thần, còn được gọi là “Ngô thời ngoại quốc truyện” (xem 2.2 để biết chi tiết về vụ đi sứ của Khang Thái và những người khác đến Phù Nam). Cuốn sách gốc đã bị thất lạc từ lâu, và những gì được biết đến bây giờ chỉ là một vài đoạn, chủ yếu được biên soạn từ “Thái Bình ngự lãm”. Trong “Phù Nam truyện” có ghi: “Có một đảo san hô ở vùng biển Trướng Hải, dưới đáy đảo có một nền đá, san hô mọc trên đó.[129] So với ghi chép trước, ghi chép này rõ ràng là nói đến đảo san hô. Tuy nhiên, giống như bản ghi trước, bản ghi này không ghi vị trí của đảo San Hô nên không thể phán đoán nó chỉ nơi nào.

Hứa Vân Tiều có đề cập đến một ghi chép khác trong “Sơ học kí”[130] của nhà Đường: “Ở phía tây nam Đại Tần, trong lòng biển Trướng Hải có thể tới 7 hay 8 trăm dặm là bãi san hô, dưới đáy là một nền đá lớn, trên đó san hô mọc lên, người ta dùng lưới sắt để lấy.[131] Ông tin rằng ghi chép ở đây giống như ghi chép trong “Thái Bình ngự lãm”. và trích dẫn trong “Thái Bình ngự lãm” là không đầy đủ, và ông cũng tin rằng ở đây Phù Nam bị nhầm thành Đại Tần.[132] Đại Tần thường chỉ La Mã (Roma).[133] Và ghi chép này rất giống với mô tả chi tiết về đảo San Hô trong quyển 221 của “Tân Đường thư” khi nói về nước Phật Ma (Đại Tần cổ, La Mã):

Giữa biển có đảo san hô, dân biển đi trên thuyền lớn, thả lưới sắt xuống đáy để lấy. San hô mới sinh ra trên nền đá, trắng như nấm, một năm tuổi màu vàng, ba tuổi màu đỏ, cành đan xen nhau, cao ba bốn xích. Gốc rễ tóc sắt buộc vào lưới, xoắn ra ngoài, không dám hoen rỉ ngay.[134]

Có phải là do nhầm lẫn trong ghi chép về Đại Tần trong “Sơ học kí”, hay “Sơ học kí” mượn lấy mô tả về đảo San Hô trong Trướng Hải để mô tả về đảo San Hô ở Đại Tần ? Rất khó nói chắc chắn. Nhưng ngay cả khi những gì nhà bình luận nói là đúng, đảo San Hô ở đây không phải là các đảo ở biển Đông, bởi vì Phù Nam nằm trong khu vực của Campuchia ngày nay, phía đông bắc và đông nam của nó là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và phía tây nam của nó là Vịnh Xiêm La.

Ngoài ra, lộ trình đoàn sứ của Khang Thái là từ Giao Chỉ đến Chiêm Thành rồi đến Phù Nam. Từ Giao Chỉ đến Chiêm Thành, dù xuất phát theo đường ven biển, nhưng tuyến đường biển này chỉ là tuyến đường biển ven bờ, không cần đi qua quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vì vậy bản thân Khang Thái cũng không đi qua những nơi này. Khang Thái đã ở Phù Nam trong nhiều năm, và “Phù Nam truyện” của ông chủ yếu ghi lại những điều liên quan đến Phù Nam, cũng như một số điều ở các nước Đông Nam Á và thậm chí cả các nước Nam Á khác. Nếu như “Đại Tần” được ghi trong “Sơ học kí” thật sự là Phù Nam, thì cho dù đảo san hô ở đây là Hoàng Sa hay Trường Sa, những hòn đảo này đều liên quan đến Phù Nam và các quốc gia khác.

“Quảng Châu chí” do Bùi Uyên, người đời nhà Tấn viết, là một cuốn sách mô tả địa lí và sản vật của Quảng Châu vào thời nhà Tấn. Có 2 chỗ trong sách có thể liên quan đến các quần đảo ở biển Đông. Chỗ thứ nhất viết: “Đảo San Hô cách quận 500 lí về phía nam. Trước đây, người dân đánh cá ở biển và lấy được san hô.”[135] Hầu hết các chuyên gia Trung Quốc tin rằng hòn đảo san hô này là quần đảo Đông Sa.[136] Quận ở đây ám chỉ Đông Hoàn, mà Đông Sa cách bờ biển Đông Quan khoảng 300 km, đại khái phù hợp với miêu tả cách 500 lí. Nhưng hướng của nó không ăn khớp, quần đảo Đông Sa ở phía đông nam của Đông Hoàn, còn phía bắc lại là là Sán Đầu, cách Đông Hoàn rất xa.

Trong lịch sử Trung Quốc, đảo San Hô không nhất thiết phải là đảo san hô, cũng có thể là rạn san hô dưới đáy biển. Theo mô tả về các đảo san hô trong “Tân Đường thư – Phật quốc” có nêu ở trên, các đảo san hô của Đại Tần nằm dưới đáy biển và chúng cần phải “thả lưới sắt xuống đáy” rồi mới có thể “vặn xoắn nó lên”. Từ quan điểm địa lí, đảo San Hô được đề cập ở đây cũng có thể là bãi cạn Helen, được Trung Quốc đưa vào quần đảo Trung Sa, cách bờ biển Đông Hoàn khoảng 300 km, gần như ngay về phía nam của Đông Hoàn, phù hợp với mô tả 500 lí về phía nam của quận. Chỗ cạn nhất của nó là 11,8 mét và độ sâu chung là khoảng 15 mét,[137] có thể thu thập san hô được.

Chỗ thứ hai viết: “Thạch Châu, ở giữa biển, gọi là Hoàng Sơn. Ở phía bắc núi, thủy triều lên một lần trong ngày, và ở phía nam núi, thủy triều lại lên hai lần.”[138] Hàn Chấn Hoa cho rằng Thạch Châu này chỉ đảo Thái Bình (Ba Bình) trong quần đảo Nam Sa (Trường Sa). Có hai lí do cho việc này: thứ nhất, theo ngư dân đảo Hải Nam, đảo Thái Bình thường được gọi là “Hoàng Sơn Mã Trĩ” và là một cái tên khá giống [với “Hoàng Sơn”]; thứ hai là đảo Nam Uy (Trường Sa) ở phía tây nam của đảo Thái Bình, chỉ có một lần thủy triều lên trong 24 giờ (nhật triều).[139]

Trong 2 bằng chứng này, không có bằng chứng nào đứng vững. Trước hết, xét từ các câu chữ khác trong “Quảng Châu kí”, những thứ được ghi trong “Quảng Châu kí” chủ yếu là ở vùng lân cận Quảng Châu, còn những truyền thuyết, địa lí và sản vật về Quảng Châu được ghi lại, chủ yếu là những thứ trên đất liền. Không có lí do gì để nghĩ rằng “Quảng Châu kí” sẽ ghi lại một đảo Thái Bình đơn độc cách Quảng Châu 1 428 km (khoảng 3.000 lí). Nếu nó cách xa bờ biển, thì khoảng cách gần đúng cũng sẽ được nêu ra, ví dụ, ghi chép được nêu ở trên đã nói cách bờ biển 500 lí. Đảo Thái Bình cách xa bờ hàng ngàn lí, không có khả năng khoảng cách sẽ không được ghi chú cụ thể.

Thứ hai, Hoàng Sơn chỉ là một tên chung, và có vô số địa danh ở Trung Quốc được gọi là Hoàng Sơn. Ví dụ, có Hoàng Sơn ở An Huy, đảo Hoàng Sơn ở Nam Kinh, đảo Hoàng Sơn ở Từ Châu và trấn Hoàng Sơn ở Sơn Đông, điều này cho thấy việc có những cái tên giống nhau không có gì đáng ngạc nhiên. Hơn nữa, ngư dân Hải Nam gọi đảo Thái Bình là “Hoàng Sơn Mã Trĩ” chứ không phải “Hoàng Sơn”, có sự khác biệt đáng kể giữa hai tên này. Trong trường hợp không có bằng chứng nào khác để chứng minh rằng đây là đảo Thái Bình, việc đánh giá một địa danh xa xôi hơn 1700 năm trước dựa trên một cái tên chung hiện đại là rất vội vàng và không đáng tin cậy. Trong sách cổ của Trung Quốc, ngay cả tên gọi của quần đảo Hoàng Sa cũng đã thay đổi nhiều lần trong hàng trăm năm như Thạch Đường, Trường Sa, Thiên lí Thạch Đường, Vạn lí Thạch Đường, v.v. (xem Chương 3), và không có lí do gì để nghĩ rằng một hòn đảo xa xôi có thể giữ nguyên tên gọi ban đầu sau hơn 1700 năm.

Thứ ba, đảo Thái Bình chỉ là một đảo san hô thấp, không có địa hình nào có thể gọi là núi. Mặc dù sau này Trung Quốc có thói quen gọi các đảo là núi hoặc rặng núi, đảo San Hô khi đó được gọi là đảo San Hô thay vì Thạch Châu. Nó cho thấy “Hoàng Sơn” ở đây không phải là một đảo san hô.

Cuối cùng, mảnh bằng chứng thứ hai của chính Hàn Chấn Hoa cũng phủ nhận chính ông. “Quảng châu kí” nói sơn bắc, nhất nhật triều (phía bắc núi, thủy triều lên một lần trong ngày), sơn nam, nhật tái triều (phía nam núi, thủy triều lên ngày 2 lần). Đảo Trường Sa nằm ở phía nam của đảo Ba Bình, vì vậy thủy triều phải lên 2 lần trong ngày. Nhưng trong lập luận của riêng mình, ông chỉ ra rằng ở đảo Trường Sa thì thủy triều chỉ lên một lần trong 24 giờ. Điều này đủ cho thấy rằng Hoàng Sơn không phải là đảo Ba Bình.

Tóm lại, Hoàng Sơn ở đây hoàn toàn không phải là đảo Ba Bình. Căn cứ vào phạm vi ghi chép trong “Quảng Châu kí”, “Hoàng Sơn” chỉ có thể là một hòn đảo nhỏ ở cửa châu thổ Châu Giang.

Vào thời nhà Tùy và nhà Đường, đã xuất hiện 2 bản ghi có thể có mối liên hệ nhất định với quần đảo Hoàng Sa. Chúng đều đã được đề cập ở trên. Ghi chép đầu là vào năm 607 của triều đại nhà Tùy, Thường Tuấn lên đường từ Quảng Châu để đến Xích Thổ. Sách của triều đại nhà Tùy đã viết:

Vào tháng 10 năm đó, Tuấn và những người khác từ quận Nam Hải lên thuyền đi trong 20 ngày đêm mỗi khi có gió thuận, đi ngang qua núi Tiêu Thạch, ở phía đông nam, ghé thuyền vào đảo Lăng Cà Bát Bạt Đa, đối diện với Lâm Ấp ở phía tây, trên đó có một ngôi đền. Lại đi tiếp về phía nam, đến đá Sư Tử, từ đó có nhiều đảo nối liền nhau. Đi tiếp hai hoặc ba ngày nữa, nhìn thấy ngọn núi đất nước Lang Nha Tu ở phía tây, rồi đến đảo đảo Kê Lun, ở phía nam, đến tận biên giới của Xích Thổ.”[140]

Hàn Chấn Hoa cho rằng “núi Tiêu Thạch” (núi đá màu đỏ ở quần đảo Tây Sa)[141], dựa trên việc núi Tiêu Thạch có chữ “tiêu” dùng để chỉ đá ngầm, vì vậy nó chỉ đá ngầm trong quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, khó có khả năng núi Tiêu Thạch là quần đảo Hoàng Sa. Xét từ lời văn, phía đông nam của núi Tiêu Thạch là đảo Lăng Cà Bát Bạt Đa. Đảo Lăng Cà Bát Bạt Đa theo tiếng Phạn là Lingapurrata, là một đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển Chiêm Thành, có thể là một trong Cù Lao Chàm (đảo Chiêm Bà), hoặc cũng có thể là một hòn đảo nhỏ ngoài khơi mũi Varella (Cape Varella, gần Qui Nhơn, Việt Nam, còn được Hàn Chấn Hoa gọi là “mũi Nhạn”).[142] Vị trí của núi Tiêu Thạch nằm ở phía bắc giữa bờ biển miền trung Việt Nam và đảo Lăng Cà Bát Bạt Đa. Hội Chiêu Tuyền chỉ ra rằng cái gọi là “tiêu thạch” (đá bị cháy sém) không phải là “đá ngầm” như Hàn Chấn Hoa gợi ý, mà là một núi đá không có đất. Trong “Phụng sử Cao Li đồ kinh” của Từ Cạnh thời Tống có ghi “nếu chỉ thuần là đá thì gọi là ‘tiêu’”.[143] Ngoài ra, ông cũng cho rằng không có địa hình nào có thể coi là núi ở quần đảo Hoàng Sa, và cũng thiếu các bằng chứng hậu thuẫn khác.[144] Vì vậy, vị trí của núi Tiêu Thạch là không xác định.[145] Có lẽ thích hợp nhất khi giải thích đảo Lăng Cà Bát Bạt Đa là mũi Varella và núi Tiêu Thạch là Cù Lao Chàm[146].

Hàn Chấn Hoa và những người khác còn cho rằng điều này cho thấy sự quản lí của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa.[147] Ngay cả khi nơi đó thật sự là quần đảo Hoàng Sa, điều đó cũng chỉ có nghĩa là khi đi sứ Thường Tuấn có đi ngang qua nơi này. Hành vi của Thường Tuấn là đi thăm nước ngoài chứ không phải tuần tra trên biển, và việc ông ta đi ngang qua một địa điểm nào đó không có nghĩa là Trung Quốc đang quản lí địa điểm đó vào lúc đó. Nếu không thì chẳng phải Lăng Cà Bát Bạt Đa, Lâm Ấp, đá Sư Tử và nhiều nơi khác cũng đều nằm trong phạm vi quản lí của Trung Quốc sao?

Ghi chép thứ hai trong “Quảng Châu tứ di hải đạo” của Tự Cổ, một số trong đó được ghi lại trong Tân Đường thư. Một trong số đó là:

Đi 200 lí về phía đông nam Quảng Châu đến núi Đồn Môn, đi thuyền về phía tây trong hai ngày, đến đảo Cửu Châu, và đi về phía nam thêm hai ngày, sau đó đến Tượng Thạch và đi về phía tây nam trong ba ngày cho đến khi đến núi Chiêm Bất Lao, cách nước Hoàn Vương 200 lí về phía đông.[148]

Hàn Chấn Hoa cho rằng Tượng Thạch ở đây là quần đảo Hoàng Sa.[149] Điều này là sai. Núi Chiêm Bất Lao là Cù Lao Chàm (Cham Islands: Cù lao Chàm) ở ngoài khơi ven bờ biển miền Trung Việt Nam, nằm ở phía tây quần đảo Hoàng Sa chứ không phải ở phía tây nam. Hội Chiêu Tuyền,[150] Pelliot[151] và Chương Dị,[152] đều tin rằng Tượng Thạch phải là đảo Đại Châu ngoài khơi thành phố Vạn Ninh ở phía nam đảo Hải Nam. Ngoài ra còn có một nơi gọi là Tượng Thạch gần đảo Đại Châu. Ví dụ, trong “Quảng Đông Thông Chí” của Hoàng Tá thời Minh: “Huyện Xương Hóa… về phía nam 10 lí có Xương Giang… 15 lí có Tượng Thạch [hình dạng giống như một con voi, và khi bị gõ phát ra tiếng giống như chum]. 30 lí có Mã Lĩnh.[153]. Trong “ Quỳnh Châu huyện – Sơn hà” trong “Gia Khánh trọng tu nhất thống chí” cũng có ghi chép về Tượng Thạch này (Hình 7).[154] Tượng Thạch và núi Tiêu Thạch không thể là quần đảo Hoàng Sa, nguyên nhân chủ yếu là cho đến thời Minh và Thanh, quần đảo Hoàng Sa là khu vực nguy hiểm cần tránh xa trong giao thông biển, đồng thời cũng không có núi cao làm mốc nên không thể lấy chúng làm tiêu chuẩn xác định các tuyến đường trong giao thông biển. Theo sách hướng dẫn hàng hải của thời Minh và Thanh, chỉ cần nhầm lẫn đi chệch khỏi tuyến đường là sẽ gặp tình huống nguy hiểm (xem Chương 3).

This image has an empty alt attribute; its file name is image-42.png

Hình 7 Tượng Thạch trong “Gia Khánh Đại Thanh nhất thống chí”

Giống như bằng chứng trước đây, ngay cả khi Tượng Thạch thuộc quần đảo Hoàng Sa, cũng không lí giải được sự quản lí của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Như đã phân tích ở trên, kiến ​​thức về các tuyến đường biển của Giả Đam là học được từ các sứ giả nước ngoài. Không thể phủ nhận công lao của ông trong việc ghi lại các tuyến đường biển vào thời đó, nhưng ghi chép một địa điểm nhất định không có nghĩa là cai quản địa điểm đó. Nếu không, cù lao Chàm phải là lãnh thổ của Trung Quốc và ba tuyến đường biển khác cũng thuộc lãnh thổ của Trung Quốc. Điều này rõ ràng là vô lí.

Năm ghi chép trên đều là những ghi chép đáng ngờ về các đảo ở biển Đông do các học giả Trung Quốc trước thời nhà Tống tìm thấy. Trong số ghi chép này, không ghi chép nào có thể khẳng định được là có liên quan đến các quần đảo ở biển Đông. Ngay cả khi thật sự có liên quan, chúng đã được người nước ngoài phát hiện và các học giả Trung Quốc chỉ ghi lại, không có bất kì dấu hiệu nào về chủ quyền.

Điều đáng nói là những ghi chép trên đây đều là những ghi chép mà tác giả cho rằng ít nhiều hợp lí. Để củng cố lập luận của mình, Hàn Chấn Hoa đã tìm ra nhiều huyền thoại và truyền thuyết buồn cười để chứng minh quan hệ giữa Trung Quốc với Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là hai ví dụ. Ông viết: “Vài tháng trước khi qua đời, hoàng đế Tần Thủy Hoàng đã thực hiện một nỗ lực hàng hải, mục đích là ‘từ biển Kê Tư đến núi Tam Thần giữa biển’…. Núi Tam Thần chỉ các bãi cát và đá ngầm ẩn của các đảo ở biển Đông bị thủy triều lên xuống nhấn chìm.”[155] “Núi Tam Thần” là các đảo ở biển Đông. Việc “núi Tam Thần” là các đảo ở biển Đông hoàn toàn chỉ là tưởng tượng của Hàn Chấn Hoa và không có cơ sở nào.

Ông cũng viết: “Sau này, tương truyền rằng vào thời Hậu Hán, Mã Viện đã xây các bờ đá, sau khi có bờ đá ‘sóng biển bị chặn lại và từ đó không gặp biển dâng nữa’, xây đê đá ngăn sóng biển, không gặp biển dâng, bờ đá của tuyến đường biển chính là Vạn Lí Thạch Đường. ….. Phạm vi của bờ đá được xây ở Trướng Hải giống với phạm vị của Vạn Lí Thạch Đường nêu trên, bao gồm cả 3 quần đảo Đông Sa, Trung Sa và Tây Sa cùng mặt biển của chúng.[156] Đoạn này thật ra là từ “Quảng Châu kí”: “Mã Viện đào núi Cửu Chân, lấy đá làm đê, để ngăn sóng biển, từ đó không bao giờ gặp biển dâng nữa.”[157] Rõ ràng, các bờ đá do Mã Viện làm vào thời nhà Hán cùng lắm chỉ có thể là đê chắn sóng ở gần bờ biển. Hàn Chấn Hoa cố tình che giấu vị trí Mã Viện làm đê (Cửu Chân ở Việt Nam), và gán ghép khiên cưỡng các đê đá với quần đảo Tây Sa, Đông Sa và Trung Sa. Làm thế nào mà Mã Viện, người cách đây khoảng 2000 năm, lại có thể thực hiện một dự án khổng lồ như vậy ở một nơi rộng lớn với nhiều đảo đá cách bờ biển hơn 1000 km ở biển Đông?

2.4 Quá trình phát triển biển Đông của người Việt Nam

1. Phạm vi hoạt động của “người Trung Quốc” ở Trướng Hải là gì?

Như đã đề cập ở trên khi bàn về giao thông ở biển Đông, trước thời Tống người Phù Nam đã thống trị giao thông ở biển Đông, sau đó là người Srivijaya, và cuối cùng là người Đại Thực, trong khi người Ấn Độ, Chiêm Thành và Trảo Oa cũng chiếm một vị trí nhất định. Mặt khác, người Trung Quốc chỉ đóng một vai trò không đáng kể trong việc vận chuyển ở biển Đông trong lịch sử 1200 năm. Trong số ít các hoạt động đi biển này của Trung Quốc, người Việt chiếm đại đa số.

Trước hết, giao thương khu vực Giao Chỉ và Chiêm Thành là một phần không thể tách rời của giao thương biển Đông. Trong giao thông ở khu vực này, Chiêm Thành chiếm đại đa số và Giao Chỉ chiếm thiểu số.

Thứ hai, trong giao thông trong vùng từ Giao Chỉ đến Quảng Châu, người Việt là lực lượng giao thông chính. “Lương thư · Vương Tăng Nhụ truyện” viết: “Tìm hiểu mới biết ông là thái thú quận Nam Hải. Hàng năm quận thường có thuyền biển và người Cao Lương Sinh Khẩu đến, người mua nước ngoài trao đổi hàng hoá”[158] “Cao Lương Sinh Khẩu” là một từ miệt thị của người Hán dùng gọi người Việt vào thời đó, và “hàng năm” chỉ ra rằng đó là giao thương đường ngắn. Ghi chép này cho thấy nếu như lúc bấy giờ tàu thuyền Trung Quốc chỉ đóng một vai trò nhỏ trong giao thông trên biển Đông, thì vai trò này chính là giao thương đường ngắn giữa người Việt với nhau. Những người Việt này có lẽ đã chuyển hàng hóa nước ngoài từ Giao Chỉ, Nhật Nam đến Quảng Châu thông qua vận chuyển ven biển, do đó đóng một phần vai trò là chặng cuối của giao thương Đông-Tây.

Cuối cùng, Trướng Hải là địa bàn hoạt động của người Việt. Trong nhiều cuốn sách viết về biển Đông, Trướng Hải có quan hệ mật thiết với Giao Chỉ. Ví dụ: “Dị vật chí” còn được gọi là “Giao Châu dị vật chí” hoặc “Giao Chỉ dị vật chí”. Giao Chỉ là một khu vực hành chính nằm chủ yếu ở miền bắc Việt Nam hiện nay. Trong thời Tam Quốc, “Hậu Hán thư” của Tạ Thừa ghi lại rằng “Đóng góp của quận Giao Chỉ đều từ Trướng Hải.”[159] Ngay cả trong thời Tùy và Đường, hầu hết[160] cư dân ở Quảng Đông, Quảng Tây và Việt Nam đều là người Việt, và ở Giao Chỉ, sự hòa nhập của người Việt và người Hán luôn rất chậm. Người Hán kì thị người Việt, gọi họ là người man rợ và người cao lương sinh khẩu. Ngôn ngữ kì thị trong lịch sử chính thức đầy rẫy trong sách vở. Sự kì thị dân tộc này cũng giải thích tại sao Việt Nam cuối cùng đã có thể độc lập đối với Trung Quốc vào cuối thời Ngũ Đại.

Do đó, người Trung Quốc hoạt động ở Trướng Hải vào thời đó chủ yếu là người tộc Việt. Người Việt ở Giao Chỉ là nhóm có liên quan nhiều nhất đến các hoạt động trên biển ở biển Đông.

2. Việt Nam độc lập, phân chia chủ quyền biển Đông như thế nào?

Vì Việt Nam là một bộ phận của Trung Quốc trong phần lớn thời gian từ cuối thời Tần đến cuối thời Ngũ Đại, nên lịch sử Trung Quốc trước nhà Tống là lịch sử chung của Trung Quốc sau này và của Việt Nam sau này. Có một vấn đề là những “bằng chứng” thời đó không dễ tách bạch của người Trung Quốc sau này hay của người Việt sau này.

Ví dụ, nếu người Trung Quốc phát hiện ra một hòn đảo vào thời điểm đó, thì những người phát hiện ra nó là tổ tiên của người Trung Quốc sau này hay của người Việt Nam sau này? Ví dụ, nếu phát hiện ra di chỉ khảo cổ của người Trung Quốc thời Tùy và Đường trên một đảo nào đó thì họ được coi là tổ tiên của người Trung Quốc sau này hay của người Việt Nam sau này? Một ví dụ khác là nếu người Trung Quốc thật sự phát hiện ra Hoàng Sa vào thời đó, và nếu như Hoàng Sa là địa bàn hoạt động truyền thống của người Quảng Đông và Hải Nam vào thời đó, thì đương nhiên không có vấn đề gì khi mô tả Hoàng Sa là khu vực hoạt động truyền thống của người Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu như Hoàng Sa là địa bàn hoạt động truyền thống của người Giao Chỉ, thì sau khi Giao Chỉ độc lập, địa bàn hoạt động truyền thống của họ được coi là lãnh thổ “từ xưa đến nay” của Trung Quốc hay của Việt Nam?

Câu hỏi này có ý nghĩa thực tiễn. Như đã đề cập ở trên, trước khi Việt Nam giành được độc lập, các hoạt động của người Trung Quốc ở biển Đông phần lớn do người tộc Việt kiểm soát, đặc biệt là người tộc Việt ở Giao Chỉ. Nếu như các quyền ở biển Đông vào thời điểm đó được phân chia theo tiêu chuẩn hiện hành thì phần của Việt Nam ở biển Đông sẽ lớn hơn của Trung Quốc.

Tất nhiên, vì lúc đó chưa có luật pháp quốc tế, và sau khi Việt Nam độc lập, chưa có việc phân định biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam, cũng không có việc phân định ranh giới trên biển một cách chặt chẽ, nên không có tài liệu nào chứng minh quyền và lợi ích của biển Đông thuộc về ai vào thời Việt Nam độc lập. Luật pháp quốc tế hiện hành không có quy định rõ ràng về vấn đề lịch sử này, vì trong luật pháp quốc tế, “khám phá”, “hiểu biết” và “hoạt động” không phải là tiêu chí để xác lập chủ quyền, và các bằng chứng liên quan chỉ có thể đóng vai trò bổ sung. Vì vậy, những câu câu hỏi này rất khó.

2.5 Từ xa xưa biển Đông vốn không thuộc về Trung Quốc

Từ xa xưa, biển Đông đã là nơi nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe của nhiều dân tộc ven biển. Người châu Á sơ khai thuộc ngữ hệ Nam Đảo (Austronesian) là những người đầu tiên đến biển Đông, và tộc Bách Việt thuộc người Châu Á muộn là người đến biển Đông kế đó. So với các nước ven biển Đông hiện nay, tộc Hoa Hạ thuộc số những người châu Á muộn chỉ là những người đến sau. Mãi đến sau khi Tần Thủy Hoàng thôn tính nước Nam Việt, Trung Quốc mới thật sự có đường biên giới chung với biển Đông trong một thời gian ngắn. Cho đến khi nhà Hán đô hộ Nam Việt, Trung Quốc mới thật sự trở thành một nước ven bờ biển Đông.

Trước thời Tống (khoảng năm 960), Trung Quốc khai thác và sử dụng biển Đông rất hạn chế, nói gì đến kiểm soát. Mặc dù thương mại và giao thông trên biển Đông đã phát triển mạnh mẽ từ thời Tây Hán, nhưng với tư cách là nơi sản xuất và thị trường cho giao thương biển Đông, Trung Quốc lại thiếu động lực và kinh nghiệm để trực tiếp tham gia giao thông trên biển Đông trong hơn 1000 năm nên không chủ động trong giao thông trên biển Đông. Phù Nam, Chiêm Thành, Ấn Độ, Ba Tư và Ả Rập đã liên tục trở thành kẻ giữ vai trò chính yếu trong giao thông biển Đông. Người Trung Quốc chỉ đóng góp một phần vào giao thông vận tải gần bờ dọc theo bờ biển Giao Chỉ và Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc.

Trung Quốc sử dụng rất ít biển Đông và biển Đông không phải là nơi có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc. Trước thời Tùy, Trung Quốc không có cố gắng nào để kiểm soát biển Đông. Tuỳ Dương đế đã từng cố mở rộng ảnh hưởng của mình ở biển Đông, nhưng đã sớm thất bại. Nhà Đường cũng không muốn kiểm soát biển Đông.

Mặc dù các nhà sử học Trung Quốc tin rằng những ghi chép trong một số sách Trung Quốc là về Tây Sa (Hoàng Sa) hoặc Nam Sa (Trường Sa). Nhưng trên thực tế, trước nhà Tống, không có ghi chép đáng tin cậy nào về các đảo ở biển Đông cho thấy rằng Trung Quốc đã biết về các đảo ở biển Đông vào lúc đó, cũng không có bằng chứng nào cho thấy rằng người Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động sinh sống ở các đảo ở biển Đông, và cũng không có bằng chứng nào cho thấy rằng Trung Quốc đã cai quản các đảo này. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì kiến ​​​​thức cổ xưa về biển bắt nguồn từ sự phát triển của các tuyến đường vận chuyển. Trướng Hải mà Trung Quốc biết đến vào thời nhà Đường chỉ là phạm vi xung quanh các tuyến đường biển do nước ngoài khai phát. Trước thời Tùy, ở biển Đông chỉ có các tuyến đường ven biển đi qua vịnh Bắc Bộ, đương nhiên không liên quan gì đến việc phát hiện ra các đảo ở biển Đông. Mãi cho đến thời cuối Tùy và đầu Đường, việc khám phá quần đảo Hoàng Sa mới trở nên khả thi nhờ vào tuyến đường trực tiếp mới được mở từ Champa đến Quảng Châu (sau này được gọi là tuyến Nội câu). Người Ả Rập chiếm vị trí độc tôn trong giao thông ở biển Đông vào thời Đường nên có khả năng họ là những người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa. Trên thực tế, cũng có một số ghi chép bị nghi ngờ là về quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, do các ghi chép không chính xác nên rất khó xác định liệu chúng có phải là các đảo ở biển Đông hay không (xem 3.3.1). Còn quần đảo Trường Sa, vì cách xa các tuyến đường giao thông nên lại càng ít được biết đến.

Điều đáng nói là Việt Nam từng là một phần của Trung Quốc hàng ngàn năm sau khi bị nhà Hán thôn tính. Lịch sử Trung Quốc thời kì này là lịch sử chung của Trung Quốc cận đại và Việt Nam cận đại. Vào thời đó, các hoạt động của “Trung Quốc” ở biển Đông, bao gồm các hoạt động sản xuất (gần bờ) và vận tải biển (khoảng cách ngắn) ở biển Đông, phần lớn được gán là do người Việt, còn được gọi là Cao Lương Sinh Khẩu thực hiện. Do đó, ngay cả khi Trung Quốc có “các quyền lịch sử” đối với biển Đông trong giai đoạn này, thì cũng khó có thể độc chiếm các quyền đó theo luật pháp quốc tế.

Trong tuyên truyền của Trung Quốc, “Yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền quản hạt của Trung Quốc ở biển Đông có lịch sử hơn 2000 năm, với việc phát hiện và từng bước cải thiện việc quản lí biển Đông, đặc biệt là các đảo đá ở Nam Sa cùng các vùng biển liên quan“.[161]Câu tuyên truyền này gây nhầm lẫn và tạo ra ấn tượng sai lầm rằng Trung Quốc đã có chủ quyền đối với các đảo ở biển Đông “từ xưa tới nay”. Trên thực tế, người Trung Quốc không phải là người đầu tiên phát hiện ra biển Đông, họ cũng không phát hiện ra các đảo ở biển Đông hàng ngàn năm vào thời Hán và Đường, họ cũng không thực hiện bất kì quyền kiểm soát hay quản lí nào đối với biển Đông. Có đầy đủ bằng chứng lịch sử cho thấy rằng trước thời Tống, biển Đông là vùng biển công cộng không thuộc về bất kì nước nào. Biển Đông từ xa xưa đã không thuộc về Trung Quốc.

[15] Lí Huy, Kim Lực, “重建東亞人類的族譜 (Dựng lại phả hệ loài người Đông Á), “Văn bản Khoa học Nhân Trung”, tháng 8/2008, số 78, tr 35.

[16] Đàm Chủ Nguyên “先秦時期嶺南越人的航海活動與對外關係” (Hoạt động hàng hải và quan hệ đối ngoại của người Việt ở Lĩnh Nam thời Tiền Tần), Trương Nhất Bình, “百越研究(第三 料” (Nghiên cứu về Bách Việt [Tư liệu 3]), Nhà xuất bản Đại học Tế Nam, 2012, tr. 237-245.

[17] Vương Văn Quang, Lí Hiểu Bân, “百越民族發展演變史” (Lịch sử phát triển và tiến hóa của các dân tộc Bách Việt), Bắc Kinh, Nhà xuất bản Dân tộc, 2007, tr. 92-95.

[18] Như trên.

[19] Lí Cán Phân, “論百越民族與壯銅語族諸民族的關係—兼論京族的族源問題” (Về mối quan hệ giữa dân tộc Bách Việt và các dân tộc đồng ngữ tộc Tráng – và về nguồn gốc dân tộc của dân tộc Kinh”, Tuyển tập nghiên cứu dân tộc Tây Nam, số 6, tr. 41.

[20] http://www.ethmologue.com/browse/families.

[21] http://sealaang.net/mk/vietic.htm?vietic-intro.htm.

[22] Nicholas Tharling. Cambridge History of Southeast Asia, Vol.1, Cambridge University Press, 1992, p. 113.

[23] Hoàng Hiện Trường, Vi Thu Minh, “試論百越和百濮的異同” (Thử bàn về những điểm tương đồng và khác biệt giữa Bách Việt và Bách Bộc), “Mặt trận tư tưởng”, Số 1, 1982.

[24] Hui, et. al, Mitochondrial DNA Diversity and Population Differentiation in Southern East Asia, 2007, American Journal Of Physical Anthropology 134:481-488.

[25] “浙江良渚發現史前文明時期規模最大古城” (Thành phố cổ lớn nhất trong thời kì văn minh tiền sử được phát hiện ở Lương Chử, Chiết Giang), “Nhân dân nhật báo”, ngày 3/12/2007, tr. 11.

[26] Mạch Văn Dung, “越國史稿” (Lịch sử nước Việt), nxb Khoa học Xã hội Trung Quốc, 2010, tr. 114-36.

[27] Sđd, tr 311-360.

[28] Ngoại trừ tên An Nam, các tên khác đều chỉ quốc gia (Champa) do người Chăm thành lập, nhưng tên của nó thay đổi theo từng thời kì ở Trung Quốc. Để thuận tiện, cuốn sách này sử dụng tên Chiêm Thành (Champa) ngoại trừ các tài liệu lịch sử gốc. Đối với các tên địa lí thuần túy thì Chiêm Bà được sử dụng (chẳng hạn như biển Chiêm Ba, đảo Chiêm Bà, v.v.).

[29] Dư Thiên Xí Đẳng “古南越國史” (Lịch sử Nam Việt cổ), nxb Nhân dân Quảng Tây, 1988, tr. 198.

[30] La Hương Lâm 古代百越民族分布考” (“Nghiên cứu về sự phân bố của các nhóm dân tộc Bách Việt cổ đại), “Những bài viết chọn lọc về lịch sử các nhóm dân tộc phía Nam” do Viện Nghiên cứu Dân tộc, Đại học Dân tộc Trung Nam chủ biên, 1982, tr. 32.

[31] Đào Duy Anh, “越南古代史” (Lịch sử cổ đại Việt Nam), Thương vụ ấn thư cục, 1976, tr. 104.

[32] Mạnh Văn Dung, “越國史稿” (Lịch sử nước Việt), nxb Khoa học xã hội Trung Quốc, 2010, tr. 332-38.

[33] Đào Duy Anh, “越南古代史” (Lịch sử cổ đại Việt Nam), Thương vụ ấn thư cục, 1976, tr. 70-91.

[34] Xem 同土 (Đồng thổ), tr. 44-177177

[35] Nt, tr. 178-93.

[36] “Sử kí”, tập 113, Nam Việt Liệt truyện, tr. 2967.

[37] Chẳng hạn như “Đại Việt sử kí toàn thư” và “Đại Việt sử lược”, v.v.

[38] Đào Duy Anh, “Việt Nam cổ đại sử”, tr. 296.

[39] Đào Duy Anh, “Việt Nam cổ đại sử”, tr. 294-97.

[40] Sử kí, quyển 114, Đông Việt liệt truyện, tr. 2984.

[41] Hậu Hán thư, quyển 86, Nam Man và Tây Nam Di liệt truyện, tr. 2837-2839.

[42] Quốc gia do tộc người Chăm (Champa) lập ra có vài tên gọi khác nhau trong sách cổ Trung Quốc. Để tiện theo dõi, ngoại trừ tư liệu gốc về lịch sử, sách này dùng tên Chiêm Thành, còn địa danh thì dùng Chiêm Bà (như biển Chiêm Bà, đảo Chiêm Bà…).

[43] Lũ Sĩ Bằng, “北屬時期的越南” (Việt Nam trong thời kì Bắc thuộc), Hong Kong, Phòng Nghiên cứu Đông Nam Á, 1964, tr. 58.

[44] Sđd, tr 146.

[45] Tình trạng của tiếng Việt còn nhiều tranh cãi, có người cho là thuộc ngữ hệ Nam Á, có người cho là thuộc ngữ hệ Tráng (Choang), có người cho là một ngôn ngữ độc lập. Không đào sâu ở đây.

[46] Lánh Nhất Xuyên, “中國近代邊界史” (Lịch sử biên giới cận đại của Trung Quốc), Nhà xuất bản Nhân dân Tứ Xuyên, 2007, tr. 1047.

[47] “亜域研究” (Nghiên cứu về khu vực châu Á), tr. 87-88.

[48] Trần Viêm, ”海上絲構之路與中外文化交流” (Con đường tơ lụa trên biển và trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và nước ngoài), Bắc Kinh, Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh, 1996.

[49] Vương Canh Vũ (Wang Gungwu), The Nanhai Trade. Early Chinese Trade in the South China Sea, Time Academic Press, Singapore, 1998,

[50] Kenneth R. Hall, A History of Early Southeast Asia Maritime Trade and Social Development, 100 – 1500, Rowman & Littlefield Publishers, 2011.

[51] Phùng Thừa Quân, “中國南洋交通史” (Lịch sử giao thông Trung Quốc ở Nam Dương), thương vụ ấn thư quán, bản in năm 1937 niên bản, Hiệu sách Thượng Hải, in lại năm 1984.

[52] Mã Dũng, “東南亞與海上絲綢之路” (Đông Nam Á và Con đường tơ lụa trên biển), “Khoa học xã hội Vân Nam”, Số 6, 2001, tr. 77-81.

[53] Hán Thư, quyển 28 hạ, Địa lí chí, tr. 1671.

[54 Mạng Nam Minh, http://www.world10k.com/blog/?p=1174.

[55] Nam diễn loại, http://www.world10c.com/blog/?p=1111, http://www.world10c.com/blog/?p=1155.

[56] Phùng Thừa Quân, “中國南洋交通史” (Lịch sử giao thông Trung Quốc ở Nam Dương), Thương vụ ấn thư quán, bản in năm 1937 niên bản, Hiệu sách Thượng Hải, in lại năm 1984, tr. 2.

[57] Pierre-Yves Mangsutin, The Southeast Asian Ship: An Historical Approach, Journal of Southeast Asian Studies, Vol. 11, No. 2 (Sep. 1980), tr. 266-276.

[58] HESA, tr. 44-46.

[59] Vương Canh Vũ, tr. 16-18.

[60] Phùng Thừa Quân, “中國南洋交通史” (Lịch sử giao thông Trung Quốc ở Nam Dương), Thương vụ ấn thư quán, bản in năm 1937 niên bản, Hiệu sách Thượng Hải, in lại năm 1984, tr. 3.

[61] Hậu Hán thư Tập 86, Nam Man và Tây Nam Di, tr. 2837.

[62] Vương Canh Vũ, tr. 145-46.

[63] Lương Thư, quyển 48, Chư di, tr. 783, 789.

[64] Lương thư, quyển 48, Chư di, tr. 798.

[65] Trần Giai Vinh, “朱應, 康泰出使扶南和’ 吳時外國傳’ 考略” (Khảo lược về chuyến đi của Chu Ưng, Khang Thái tới Phù Nam và ‘Ngô thời ngoại quốc truyện’), báo của Học viện dân tộc học trung ương, 1978, kì 4.

[66] Phùng Thừa Quân, “中國南洋交通史” (Lịch sử giao thông Trung Quốc ở Nam Dương), Thương vụ ấn thư quán, bản in năm 1937 niên bản, Hiệu sách Thượng Hải, in lại năm 1984, tr. 16-17.

[67] “Pháp Hiển đã xa đất Hán nhiều năm, ông đã giao tiếp với nhiều người từ các thành phố khác. Núi, sông, cây cỏ nhìn vào không thấy quen, những người cùng đi chia tách, kẻ còn người mất. Một mình một bóng, tâm tư sầu muộn. Nghĩ tới tượng ngọc này. Thấy thương nhân tặng chiếc quạt lụa trắng từ đất Tấn, cảm thấy buồn và bật khóc. ” Xem “Phật quốc kí”, http://zh.wilcisource.org/zh/%E4%BD%9B%E5%9C%8B%E8%A8%98

[68] Vương Canh Vũ, tr. 40-42.

[69] Vương Canh Vũ, tr. 146-48.

[70] HESA tr. 46.

[71] Vương Canh Vũ, tr. 52-55.

[72] Lương thư, quyển 33, liệt truyện 27, Vương Tăng Nhụ, tr. 470.

[73] Tống thư quyển 97, Man di, tr. 2377

[74] “Côn Lôn/Luân” (崑崙) đôi khi được viết là “Côn Luân” (昆侖). Cuốn sách được viết là “Côn Lôn” ngoại trừ các trích dẫn từ văn bản gốc.

[75] Nam Tề thư, quyển 31,Liệt truyện 20, Tuân Bá Ngọc, tr. 537

[76] Bắc Tề thư, quyển 31, Liệt truyện 29, Ngụy Thu, tr. 492

[77] Lưu Vĩ Cấu,” Hán Đường phương chí tập dật”, Bắc Kinh đồ thư quán xuất bản xã, 1997, tr. 48.

[78] http://www.zdic.netv/z/22/kx/8236.htm.

[79] Phí Lãng Trứ, Phùng Thừa Quân dịch, “昆侖及南海古代航行考” (Côn Lôn và giao thông ở biển Đông thời cổ đại), Trung Hoa thư cục, 2002, tr. 32, tr. 65.

[80] Vương Canh Vũ, tr. 61.

[81] Lương thư, quyển 33, Liệt truyện 27, Vương Tăng Nhụ, tr. 470.

[82] Tùy thư, quyển 82, Đáo truyện 47, Xích Thổ, tr. 1834.

[83] Tân Đường thư, bổn kỉ 4, tr. 83.

[84] Tân Đường thư, quyển 116, Liệt truyện 4, Vương Lâm, tr. 4223.

[85] Cựu Đường thư, quyển 198, Liệt truyện 148, Ba Tư, tr. 5313.

[86] Trần Viêm “海上絲綢之路與中外文化交流” (Con đường tơ lụa trên biển và giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và nước ngoài), Bắc Kinh, Bắc Kinh đại học xuất bản xã, 1996, tr. 15-27.

[87] al-Masudi, “The Meadows of Gold and Mines of Gems”, in lại từ “東南亞華僑史” (Lịch sử Hoa kiều ở Đông Nam Á) của Vi Kiệt Kính, Cao đẳng giáo dục xuất bản xã, 1990, tr. 12.

[88] Vương Canh Vũ, tr. 74-75.

[89] Mã Thừa Ước, “中國南洋交通史” (Trung Quốc Nam dương giao thông sử), Thượng Hải thư điếm, 1984, phức ấn, Thương vụ ấn thư quán, 1937, tr. 46-62

[90] Sđd.

[91] Chu Kiệt Cần, “東南亞華僑史” (Lịch sử Hoa kiều ở Đông Nam Á), Cao đẳng giáo dục xuất bản xã, 1990, tr. 12.

[92] Cựu Đường thư, quyển 138, Liệt truyện 88, Giả Đam truyện, trang 3784.

[93] Năm 1998, bia “唐故楊府君神道之碑” (Đường cố Dương Phủ Quân thần đạo chi bi) được phát hiện tại thị trấn Vân Dương, huyện Kính Dương, tỉnh Thiểm Tây. Sử sách ghi lại rằng thái giám Dương Lương Dao từng được cử đi sứ đến Đại Thực bằng đường biển vào năm 785. Xem Trương Thế Dân, “中國古代最早下西洋的外交使節楊良瑤” (Dương Lương Dao, sứ giả sang phương Tây sớm nhất thời Trung Quốc cổ đại), Đường sử luận tùng, 1998. Trương Thế Dân đoán rằng kiến thức của Giả Đam là từ Dương Lương Dao, nhưng khẳng định này thường không được giới học thuật chấp nhận. Căn cứ vào bia kí, không thấy viết rằng Dương Lương Dao đã đi thuyền của ai. Vì ông lên thuyền từ Quảng Châu, nên có khả năng ông ta cũng đã đi trên một thuyền Ả Rập. Nguyên văn “Đầu triều Trinh Nguyên, nạn cướp bị diệt sạch, thiên hạ yên bình, thế gian không sóng gió, Cửu Dịch vào triều, trước đây nhà Tây Hán khó chọn người đi sứ, hoàng đế nghĩ đến việc tìm người đi sứ ngoài khu vực. So về tài năng, không ai bằng lại có công. Tháng 4 năm Trinh Nguyên thứ nhất, ông được ban cho một túi lụa hình cá, áo đen đí sứ Đại Thực, chuẩn bị quan tòa, tự hạ mình, nhận quốc thư và sắc lệnh triều đình. Vâng lệnh đi ngược, không sợ đường xa Đến tận biển Nam (biển Đông) rời bờ lên thuyền. quê hương đất liền và thuyền. Không sợ nguy hiểm, và có vẻ ngoài thản nhiên Nghĩa khí xúc động mọi người, trung hậu cảm hóa quỷ thần, vì vậy ông cắt tóc tế sóng, hướng về mặt trời thề với mọi người, rồi sai Dương Hầu dẹp sóng, che bóng điều gió, giong buồm,dưới nắng nóng, giong chèo trên sông, đêm tối đèn thần soi đường, ngày sáng tiên thú trước thuyền chỉ lối. Sao, sương dần đổi, đi qua vạn nước, truyền bá phong tục của vua, dạy bằng giọng nói trong vô biên Chuyến về như đã định, lênh không rơi rụng và đây cũng tỏ rõ lòng trung thành và sự đáng tin cậy của mình.” Trích từ Trương Thế Dân, “Dương Lương Dao: sứ bộ sang phương Tây sớm nhất thời Đường”, “Thiêm Tây nhật báo”, 2015/03/23, http://legal.people.com.cn/m/2015/0323/e188502-26733863.html

[94] Vương Canh Vũ, tr. 150.

[95] Trương Tinh Lãng, “中西交通史料彙編” (sử liệu về giao tiếp giữa Trung Quốc và phương Tây), tập III, Giao tiếp giữa Trung Quốc cổ đại và Ả Rập, World Book Company, 1962, tr. 117.

[96] Chương Tốn, “我國的古代海上交通” (Giao thông biển nước ta thời cổ đại), Thương vụ ấn thư quán, 1986, tr. 47-48.

[97] George F. Hourant, Arab Seafaring: In the Indian Ocean in Ancient and Early Medieval Times, Princeton Press, 1995, tr. 47.

[98] Xem Ferrand, “阿拉伯波斯突厥人東方文獻輯注” (Ghi chú về các tài liệu phương Đông của người Ả Rập, Ba Tư và Đột Quyết), Cảnh Thăng, Mục Căn Lai dịch, Trung Hoa thư cục, 1989, tr. 114.

[99] George F. Hourant, Arab Seafaring: In the Indian Ocean in Ancient and Early Medieval Times, Princeton Press, 1995.p47.

[100] Xem Ferrand, “阿拉伯波斯突厥人東方文獻輯注” (Ghi chú về các tài liệu phương Đông của người Ả Rập, Ba Tư và Đột Quyết), Cảnh Thăng, Mục Căn Lai dịch, Trung Hoa thư cục, 1989, tr. 114.

[101] Tân Ngũ Đại Sử, quyển 68, Gian Thế Gia, Thẩm Trí, tr. 846.

[102] “(Càn Long) Tuyền Châu phủ chí”, quyển 4, trích dẫn từ Trần Mãn Hoa, Trần Thượng, “中國海外交通史” (Sử giao thông ra nước ngoài của Trung Quốc), Đài Bắc, Văn Tân xuất bản, 1997, tr. 34.

[103] Chương Tốn,“我國的古代海上交通” (Giao thông biển nước ta thời cổ đại), Thương vụ ấn thư quán, 1986, tr. 47-48.

[104] Vương Canh Vũ, tr.120-21.

[105] Xem Lâm Kim Chi, “中國人民對西沙南沙群島物產開發的悠久歷史” (Lịch sử phát triển lâu đời sản vật của người Trung Quốc ở quần đảo Tây Sa và Nam Sa), Địa lí, Lịch sử và Chủ quyền, tr. 120.

[106] Hàn Chấn Hoa, “我國歷史上的南海及其界限” (Ngã quốc lịch sử thượng đích nam hải cập kì giới hạn), Sử Địa Luận chứng, tr. 28.

[107] Trương Hoa, “博物志” (Bác vật chí), Thư tập thành sơ biên, Trường sa, thương vụ ấn thư quán, 1939, tr. 6.

[108] Cương vực nghiên cứu, chương 2, “中國史籍中有關南海疆域的記載” (Trung Quốc sử tịch trung hữu quan nam hải cương vực đích kí tái), tr.21-39. Ông không bàn về Lãnh thổ biển Đông trước thời nhà Tống, đây có lẽ cũng là biểu hiện của việc ông không hài lòng với học thuyết của Hàn.

[109] Hàn Chấn Hoa, “我國歷史上的南海及其界限” (Ngã quốc lịch sử thượng đích nam hải cập kì giới hạn), Sử Địa Luận chứng, tr. 84.

[110] “Thái Bình ngự lãm”, quyển 60, Hải, trích từ “Lịch sử và địa lí luận”, tr. 3, chú thích 23.

[111] Uông Văn Đài, “七家後漢書” (Thất gia hậu Hán thư), văn hải xuất bản xã, 1972, tr. 190.

[112] Hàn Chấn Hoa, “南海諸島史研究” (Nghiên cứu lịch sử các đảo ở biển Đông), Xã hội khoa học văn hiến xuất bản xã, 1996, tr. 51-52.

[113] Lâm Kim Chi, “中國人民對西沙南沙群島物產開發的悠久歷史, 地理歷史主權”, (Trung Quốc nhân dân đối Tây sa Nam sa quần đảo vật sản khai phát đích du cửu lịch sử, địa lí lịch sử chủ quyền, tr.120-137, xem thêm “歷史與現狀” (Lịch sử và hiện trạng), tr. 107.

114] Cơ sở dữ liệu danh mục loài động vật Trung Quốc, vỏ sò dùng làm tiền, http://www.zoology.csdb.cn/

[115] Trương Vĩ, Phương Khôn, “中國海疆通史” (Trung Quốc hải cương thông sử), Trịnh châu, Trung châu cổ tịch xuất bản xã, 2003, tr. 78.

[116] Trích từ “太平廣記” (Thái Bình quảng kí) quyển 483, bảo tứ (Tạp bảo thượng ), San hô

[117] Trương Vĩ, Phương Khôn, “中國海疆通史” (Trung Quốc hải cương thông sử), Trịnh châu, Trung châu cổ tịch xuất bản xã, 2003, tr. 78.

[118] Danh mục các loài động vật Trung Quốc, đồi mồi, http://www.zoology.csdb.cn/page/showTreeMap.vpage?uri=cnAmpRep.tableTaxa&id=6C02B2BE-DCFC-4977-9247-6CB9D4E0FB82.

[119] Lâm Kim Chi, “中國人民對西沙南沙群島物產開發的悠久歷史, 地理歷史主權”, (Trung Quốc nhân dân đối Tây sa Nam sa quần đảo vật sản khai phát đích du cửu lịch sử, địa lí lịch sử chủ quyền, tr. 125.

[120] Triệu Nhữ Quát viết, Dương Bác Văn đối chiếu và giải thích, (Chư phiên chí giáo thích), Trung Hoa thư cục, 1996, tr. 206.

[121] Hàn Dũ, “送鄭尚書序” (Tống Trịnh thượng thư tự), từ “昌黎先生集” (Xương Lê tiên sinh tập), quyển 2.

[122] Triệu Nhữ Quát viết, Dương Bác Văn đối chiếu và giải thích, (Chư phiên chí giáo thích), Trung Hoa thư cục, 1996, tr. 214.

[123] Ngô Vĩnh Chương “異物志輯佚校注” (Dị vật chí tập dật giáo chú), Quảng Đông nhân dân xuất bản xã, 2010, tr. 6.

[124] Ngô Vĩnh Chương “異物志輯佚校注” (Dị vật chí tập dật giáo chú), Quảng Đông nhân dân xuất bản xã, 2010, tr. 212.

[125] Lệ Như, Lâm Kim Chi “中國最早發現、經營和管轄南海諸島的歷史, 地理歷史主權” (Trung Quốc tối tảo phát hiện, kinh doanh hòa quản hạt nam hải chư đảo đích lịch sử, địa lí lịch sử chủ quyền), tr. 27.

[126] Ngô Vĩnh Chương “異物志輯佚校注” (Dị vật chí tập dật giáo chú), Quảng Đông nhân dân xuất bản xã, 2010, tr. 212.

[127] Lưu Vĩ Nghị “漢唐方志輯佚” (Hán Đường phương chí tập dật 》, Bắc Kinh đồ thư quán xuất bản xã, 1997, tr. 49.

[128] Tăng Chiêu Tuyền “中國古代南海諸島文獻初步分析” (Trung Quốc cổ đại Nam Hải chư đảo văn hiến sơ bộ phân tích),”中國歷史地理論叢” (Trung Quốc lịch sử địa lí luận tùng), 1991, kì 1, tr. 133-160.

[129] Hứa Vân Tiều “康泰吳時外國傳辑注” (Khang Thái Ngô thì, ngoại quốc truyền tập chú), (Đông Nam Á nghiên cứu sở tập dật tùng khan) chi nhị, 1971, tr. 35.

[130] Một cuốn sách được viết bởi học giả Từ Kiên dưới triều đại của Hoàng đế Huyền Tông nhà Đường.

[131] Trích từ “康泰吳時外國傳辑注” (Khang Thái Ngô thì, ngoại quốc truyền tập chú) của Hứa Vân Tiều, tr. 36

[132] Nt.

[133] Trang mạng Nam Minh http://www.world10k.com/blog/?p=1119.

[134] Tân Đường thư, quyển 221, Liệt truyện 146, Tây vực hạ, tr. 6261.

[135] Từ Tống Nhạc Sử “Thái Bình hoàn vũ kí”, quyển 156, Lĩnh Nam đạo 1, Quảng Châu, Huyện Đông Hoàn, Văn Hải xuất bản xã, 1963, quyển 2, tr. 380. Các tác phẩm của Trung Quốc, (chẳng hạn như “Sử liệu hối biên”, tr. 27) đều cho rằng câu này xuất phát từ “Quảng châu kí”. Trên thực tế, có mục ghi liền kề trong “Thái Bình hoàn vũ kí”, mục đầu tiên là “Lư Sơn”, được chú rõ là đến từ “Quảng Châu kí”, và mục tiếp theo là “San hô châu”, nhưng không ghi nguồn. Giữa mục ghi, có những khoảng trống trong phiên bản tôi đã kiểm tra. Do đó, mục ghi này dường như không phải từ “Quảng Châu kí”. Cả “Hán Đường địa lí thư sao” của (Thanh) Vương Mô (bản chụp của Trung Quốc thư cục, 1961, tr. 366-370) cũng như “Hán Đường phương chí tập dật” của Lưu Vĩ Nghị (Bắc Kinh đồ thư quán xuất bản xã, 1997, tr. 135-146) đều không được cóp nhặt và có thể được sử dụng làm bằng chứng. Nhưng đây là những gì Hàn Chấn Hoa đã nói.

[136] Lệ Như, Lữ Nhất Nhiên “日商西澤吉次強佔東沙群島與中日交涉, 海疆歷史與現狀” (Doanh nhân Nhật Bản Nishizawa Yoshiji chiếm đóng quần đảo Đông Sa và đàm phán với Trung Quốc và Nhật Bản, Lịch sử và Hiện trạng Biên giới Biển), tr. 90.

[137] China Sea Directory, Tập IV, 1884, tr. 129.

[138] Lưu Vĩ Nghị “Hán Đường phương chí tập dật”, Bắc Kinh đồ thư quán xuất bản xã, 1997, tr. 137.

[139] Sử Địa luận chứng, tr. 8.

[140] Tùy thư, quyển 82, Liệt truyện 47, Xích thổ, tr. 1834.

[141] Sử Địa luận chứng, tr. 85.

[142] Trang mạng Nam Minh http://www.world10k.com/blog/?p=1224.

[143] Tăng Chiêu Tuyền (Trung Quốc cổ đại Nam Hải chư đảo văn hiến sơ bộ phân tích), (Trung Quốc lịch sử địa lí luận tùng), 1991, kì 1, tr. 133-160.

[144] Nt.

[145] Nt. Xem thêm,Vương Canh Vũ, tr. 74. Xem thêm Mạng Nam Minh, http://www.world10k.com/blog/?p=1196.

[146] Chương Tốn (Ngã quốc cổ đại đích hải thượng giao thông), Thượng Hải, Tân tri thức xuất bản xã, 1956, tr. 20.

[147] Sử Địa luận chứng, tr. 85.

[148] Tân Đường thư, quyển 43 hạ, chí 33 hạ, Địa lí 7 hạ, tr. 1153.

[149] Sử Địa luận chứng, tr. 85.

[150] Hội Chiêu Tuyền (Trung Quốc cổ đại Nam Hải chư đảo văn hiến sơ bộ phân tích”, “Trung Quốc lịch sử địa lí luận tùng”, 1991, kì1, tr. 133-160.

[151] Bá Hi Hòa (Paul Pelliot), Phùng Thừa Quân dịch “Giao Quảng Ấn Độ lưỡng đạo khảo”, Thương vụ ấn thư quán, tr. 1962, 64.

[152] Chương Tốn (Ngã quốc cổ đại đích hải thượng giao thông), Thượng Hải, Tân tri thức xuất bản xã, 1956, tr. 23.

[153] Hoàng Tá “ Quảng Đông thông chí”, quyển 14 dư địa 2, bản Gia Tĩnh, Hương Cảng, Đại Đông đồ thư công ti ảnh ấn bản, 1977, tr. 379.

[154] “Gia Khánh Đại Thanh nhất thống chí”, quyển t. 453, Quỳnh Châu 1, Tứ bộ tùng khan tục biên, Thượng Hải thương vụ ấn thư cục, 1922, tập 169, tr. 17.

[155] Sử Địa luận chứng, tr. 83.

[156] Sử Địa luận chứng, tr. 29.

[157] Lưu Vĩ Nghị “Hán Đường phương chí tập dật”, Bắc Kinh đồ thư quán xuất bản xã, 1997, tr. 144.

[158] Lương thư, quyển 33, Liệt truyện 27, Vương Tăng Nhụ, tr. 70.

[159] Uông Văn Đài tập “Thất gia hậu Hán thư’, Văn hải xuất bản xã, 1972, tr. 255.

[160] Vương Văn Quang “Trung Quốc Nam phương dân tộc sử”, Dân tộc xuất bản xã, 1999, tr. 191-192.

[161] Bài phát biểu của Phó Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc Vương Quan Trung tại Diễn đàn Shangri-La ở Singapore, ngày 1 tháng 6 năm 2014, http://www.nanzao.com/tc/national/14c315bf53d6a5e/zhong-guo-jun-fang-zhong-yong-nan-hai-zhu-quan-yu-liang-qian-nian-guo-ji-gong-yue-bu-shi-y-ong.

Comments are closed.